Hôm nay,  

Lễ Hội Vượt Xích Đạo (Crossing-the-Line Ceremony)

07/09/201900:00:00(Xem: 8324)

Bài số: 5782-20-31589-vb7090719

 

 Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên  Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, gia nhập hải quân Mỹ và hiện là một Phó Giám Đốc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.

 

 

***

 

Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất nên ông chủ của đại dương là người uy quyền nhất trên trái đất này. Người Hoa có Long Vương, người Việt có Hà Bá, và người Ăng-lê có Davy Jones. Davy Jones là chúa tể của Thất Hải, tiếng Anh gọi là Seven Seas. Phương Tây nói Seven Seas, tức trái đất này có 7 biển lớn thì con nít Việt chỉ biết có 4 đại dương dưới cụm từ "Năm Châu Bốn Bể".

Trước khi Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ mẫu quốc Anh thì truyền thống Hải Quân của Hoa Kỳ kế thừa từ Anh Quốc. Và điều đặc biệt là Hải Quân Hoa Kỳ thành lập ngày 13 tháng 10 năm 1775, tức gần một năm trước ngày Quốc Khánh 4 tháng 7 năm 1776. Ngôn ngữ và truyền thống của Hải Quân Mỹ vì thế nên mang đậm dấu ấn của cựu mẫu quốc Ăng-lê.

Nếu ai từng xem bộ phim 'Cướp biển vùng Ca-ri-bê' thì sẽ hiểu thêm về những huyền bí của đại dương, về những huyền thoại cổ xưa, từ Davy Jones cho đến mermaid- nàng tiên cá. Tất cả quyện lại thành điều huyền bí xuyên thế kỷ, vừa lãng mạn bay bổng vừa huyễn hoặc ma quỷ. Và từ thuở lập quốc tới nay, Hải Quân Hoa Kỳ vẫn giữ lại truyền thống 'Crossing-the-Line Ceremony' từ những chiến thuyền cổ xưa của Vương Quốc Anh.

Crossing-the-Line là lễ hội đánh dấu ngày thuỷ thủ vượt qua đường Xích Đạo đầu tiên trong đời. Cho tới khi vượt qua đường xích đạo thì thuỷ thủ vẫn được coi là tay mơ, và theo truyền thống Hải Quân thì họ chỉ là con nòng nọc, gọi là Pollywog, tức chưa thành cóc nhái được. Họ phải chịu biết bao nhiêu thử thách để trở thành sinh vật biển hoàn chỉnh, gọi là Shellback, và sau đó là Salty Sailor, tức thuỷ thủ dày dạn gió sương.

Những thuỷ thủ Salty Sailor này hôm đó hoá trang thành muôn hình vạn trạng. Kẻ thì như Captain Jack Sparrow trong ‘Cướp Biển Vùng Ca-ri-bê’, kẻ thì là hải tặc mắt chột, hải tặc râu đen và những hung thần của biển cả, tạo nên một không gian sắc màu như lễ hội Halloween trên biển. Họ biến tấu trang phục tự chế từ những mẩu quân phục cũ nhìn rất ngộ nghĩnh và và đôi khi nhuộm màu liêu trai.

Để vượt qua đường Xích Đạo thì chiến hạm phải đi về phía Nam của Nam Dương, trên đường xuống Úc Châu nên không phải thuỷ thủ nào cũng là Shellback. Có người đi lính tới 20 năm vẫn chưa vượt qua đường Xích Đạo, bởi họ đóng quân bên Virginia nên con đường viễn chinh của họ toàn về phía Châu  u và Trung Đông, tức phía Bắc đường Xích Đạo.

Đêm nay lễ hội đã bắt đất với màn Wog Talent Show, tức phần trình diễn tài năng của thuỷ thủ nòng nọc. Họ đã nỗ lực hết mình mua vui cho thiên hạ như hát hò, nhảy múa, làm thơ, tấu hài chỉ để xin một chút lòng thương hại, vì sáng mai đây, khi trời mờ sáng, họ sẽ bị lôi ra khỏi gường như những nô lệ thời Trung Cổ trước đám đông reo hò như khán giả của Võ Sĩ Giác Đấu thành Rô-ma.

 

Lễ hội Vượt Xích Đạo 2004

Bốn giờ sáng, tàu lắc lư như đánh võng, thuỷ thủ còn đang say giấc nồng. Bỗng tiếng khiêng trống từ đâu dội đến ầm ầm. Đó là tiếng gậy đập vào thùng rác đinh tai nhức óc. Và sau đó là mớ hỗn độn la gào:

- Ra khỏi giường ngay. Ai cho tụi bây được ngủ?

- Ê mấy con nòng nọc kia, chúng mày biết thân biết phận chưa hỡi loài dơ bẩn. Bước ra khỏi giường ngay cho tao.

- Hả, mày nói sao ? Mày dám nói lại bọn Shellback chúng tao à? Gan mày to tới đâu vậy?

. . .

Và hàng chục tiếng la hét đầy thích thú của những thuỷ thủ muối mặn đối với những gương mặt ngây thơ vô số tội. Tôi là một trong những con nòng nọc khốn khổ ngày hôm đó.

Họ bắt chúng tôi bò lên cầu thang để đi lên boong tàu, đầu mỗi đứa phải đụng mông của đứa phía trước. Chúng tôi làm thành chiếc xe lửa đủ màu sắc bởi những chiếc áo thun đầy lời lẽ mạ lị nhưng khôi hài. Thí dụ như 'con nòng nọc dơ bẩn', 'kẻ tội đồ của biển cả', 'kẻ gây bệnh truyền nhiễm cho đại dương' vân vân…

Ghé qua căn-tin, chúng tôi phải dùng miệng để ăn những thức ăn nhìn rất ghê vì sũng nước trên đĩa, cộng thêm nào là tương đậu phụng, tương ớt xịt tứ tung. Sáng hôm đó tôi nhịn đói vì không mở miệng ra nổi.

Rồi chúng tôi nối đuôi nhau bò lên một tầng nữa để lên boong tàu. Vừa bước qua cửa là đụng phải vòi rồng lạnh ngắt mặn chát muối biển. Chỉ cần vài giây là những con nòng nọc đã ướt hơn chuột lột và run lẩy bẩy. Lúc nào chúng phải hát theo những bài hát Hải Quân học từ trại huấn nhục. Môi tím ngắt, bụng đói nhưng phải bò trên mặt boong tàu sắc bén như đinh chĩa. Đó là non-skid, một lớp sơn tàu pha lẫn mảnh kim loại bằng kỹ thuật phun điện để đảm bảo thuỷ thủ không bị trợt té khi trời mưa hay khi tàu lắc lư mạnh. Đó là nỗi ám ảnh của những con nòng nọc, vì đôi bàn tay tê buốt đau đớn khi phải chạm phải mặt đường, và khổ sở hơn nếu không may đầu gối chạm vào những mảnh sắt vô tình này. Tôi còn nhớ là mình đã quấn đôi dép Lào lên đầu gối, những tưởng sẽ an toàn nhưng không ngờ đầu gối rướm máu vì một lần chiếc dép bị trẹo qua một bên.

Nhưng đó mới là sự khởi đầu. Sau đó là những màn hành hạ của thuỷ thủ muối mặn. Họ bôi kem đậu phụng vào một bên lỗ tai làm tôi điếc đặc cộng thêm cảm giác nhờn nhợn chảy ra từ lỗ tai vì nước muối nhỏ từ trên đầu xuống. Một cảm giác dơ dáy dâng lên tới tận cổ. Rồi có thuỷ thủ mở hộp cá mòi ra để ngay trước mũi. Có những con nòng nọc đã ói khi nghe mùi cá. Tôi thì không thì lúc đó rất quen thuộc với cá hộp nhờ thời sinh viên nên không thấy buồn ói, nhưng vẫn có cảm giác dơ dơ.

Tôi còn nhớ có đứa thuỷ thủ chơi ác xịt tương ớt Tabasco trên lưng của tôi, nó theo dòng nước muốn chảy xuống dưới lưng quần làm rát bỏng da. Đau rát toàn thân, lạnh tê tái cộng thêm cái mệt mỏi về thân xác. Một buổi sáng đầy hãi hùng.

Nhưng cái để lại dấu ấn đậm nhất trong tôi là lúc phải bò dưới tấm bạt đầy ẩm ướt với dung dịch màu nâu trông gớm ghiếc, cuối tấm bạt là cái bồn cầu, trong đó có nhiều giấy vệ sinh trong đó, nhìn y như bồn cầu chưa giựt nước. Nhiệm vụ của con nòng nọc là dùng miệng gắp lên một miếng giấy vệ sinh ra từ đó. Một cảm giác buồn nôn có thiệt.

Lâu rồi đời người cũng qua. Khi vượt qua ải cuối cùng, được gặp mặt King Neptune và Davy Jones, những con nòng nọc chúng tôi được ban phước lành để trở thành shellback, một sinh vật biển sạch sẽ lành lặn. Một cảm giác hạnh phúc hơn cả tuyệt vời. Chúng tôi hò hét như điên dại, cởi ngay đôi giày nát bấy vì bị nền boong sắt nghiền vứt ngay xuống biển. Sau đó chúng tôi được tắm vòi nước ngọt, về lại gường rồi chìm trong giấc ngủ mê man, giấc ngủ ngon nhất cuộc viễn chinh.

Một cảm giác thành tựu khó tả. Một ngày lễ Vượt Qua Xích Đạo đem quá khứ và hiện tại đến với nhau. Một niềm tự hào vô tận là người lính Hải Quân Hoa Kỳ. Chúng tôi đã trở thành những thuỷ thủ mặn muối đại dương.

Rồi năm tháng trôi qua, truyền thống này có chút xói mòn vì những chống đối của thế hệ lính mới, những thế hệ hiểu về chiến tranh qua trò chơi điện tử và sống ảo trên mạng nhiều. Đối với họ, những truyền thống cổ xưa có phần hành xác, điều mà tiếng Anh gọi là Hazing. Biết làm sao được khi đó là khoảng cách thế hệ.

Hình ảnh người thuỷ thủ say xỉn vui chơi tới bến như trong cuốn phim Cướp Biển Vùng Ca-ri-bê không còn là điều thú vị đối với nhiều người trẻ. Mỗi khi truyền thông lên án chuyện gì trong quân đội là họ lấy cớ cắt giảm cái này cái nọ. Và họ cắt giảm luôn truyền thống đầy tự hào của người lính thuỷ.

Thế rồi lễ hội Vượt Qua Xích Đạo ngày càng bị giới hạn bởi muôn vàn luật lệ. Nhưng từ trong thâm tâm mỗi người lính, họ luôn mong ước có một lễ hội để họ vượt qua chính mình, và cũng có cái mà tự hào để kể cho bạn bè, gia đình và thế hệ sau nghe những câu chuyện đại dương, điều mà tiếng Anh gọi là Sea Stories.

. . .

 

Có một bài thơ cổ về lính thuỷ rất hay, đậm chất huyền bí và lãng mạn:

 

 "Under the wide and starry sky

 Dig the grave and let me lie.

Glad did I live and gladly die,

 And I laid me down with a will.

 This be the verse you grave for me;

Here he lies where he longed to be,

Home is the sailor, home from sea,

And the hunter home from the hill."

 Robert Louis Stevenson: "Requiem"

 

 Xin được tạm dịch là:

 

 Dưới bầu trời đầy sao trải xa xăm

 Hãy đào cho tôi một nấm mộ nằm

 Tôi đã vui sống và sẽ vui chết

 Và đặt cho mình một lời chấm hết

 Là vần thơ em viết riêng cho tôi

 "Anh đã mơ nằm lại nơi đây

 Nơi đại dương anh xây làm nhà

 Như thợ săn gọi chân đồi là chốn nghỉ.

 

Châu Đại Dương, tháng 2 năm 2019.

Trần Du Sinh

Ý kiến bạn đọc
11/09/201916:42:23
Khách
naTím: Cám ơn bạn đã khen và ủng hộ. Mình không thích viết về những đề tài đã có quá nhiều người viết, và cũng sợ tự mình thấy mình nhàm chán. Nếu có cảm hứng thì mình sẽ viết tiếp. Cám ơn bạn đã làm một độc giả dễ thương.
11/09/201915:58:06
Khách
Bài viết vô cùng lý thú, văn viết vững vàng mạch lạc, thế giới mở ra cho những người không biết, như tôi. Những tập tục xa xưa không nên bỏ, dù cho là "huấn nhục" cũng quan trọng cho người lính trở thành những "Thành đồng vách sắt" bảo vệ quốc gia dù là thời bình hay thời chiến. Rất ngưỡng mộ. Viết nữa đi Du Sinh, và đừng quên những độc giả ái mộ đang chờ đợi.
08/09/201923:22:30
Khách
TừHuy:
Cám ơn anh đã yêu thương người lính và ủng hộ người lính cầm bút. Không biết thế hệ thứ 2 gốc Việt có ai có thể viết được một bài báo bằng tiếng mẹ đẻ để tiếng Việt vẫn được bảo tồn nơi hải ngoại.
08/09/201923:18:53
Khách
Phạm Thị KimDung:
Cám ơn cô/chị đã ủng hộ. Những bài viết của mình chỉ là những ghi chép đời lính như một cuốn nhật ký cá nhân. Khi post lên Facebook thì được nhiều bạn bè ủng hộ nên mình mới gởi Việt Báo, chứ mình không hề có ý định theo nghề viết hay nhà báo. Hi vọng một ngày nào đó mình xuất bản Tùy Bút Trần Du Sinh thì được cô/chị ủng hộ.
08/09/201915:55:13
Khách
Xin gởi lời chào Tác Giả thế hệ trẻ Trần Du Sinh,
KD hoàn toàn đồng ý với chị Phương Hoa, trích: “Sao lại không còn độc giả thích đọc chứ!” Tôi cũng rất ngưỡng mộ những người chiến sĩ Hải Quân Hoa Kỳ, họ là những người anh hùng dũng cảm đang bảo vệ Quê Hương thứ để hai cho chúng tôi được sống yên bình. Văn phong của TDS thật sống động mạnh mẽ và vững vàng. Cám ơn những bài viết hay và hữu hiệu của TDS, tác giả lớn lên trong thời XHCN-VN mà viết văn được như thế này giỏi lắm rồi.
Tôi xin mạn phép có ý kiến: Bài này nếu thay được hai chữ “đảm bảo” (đoạn giữa bài) thành “bảo đảm” thì quý lắm.
Ptkd
08/09/201912:14:05
Khách
Cám ơn Trần Du Sinh đã vì lời chân thành của chị Kate và của tui mà trở lại! Tui chỉ trên Trần Du Sinh mươi tuổi. Chắc chắn không thể là chú🤓‼️
Tui tin rất nhiều người trên đây thích đọc bài của Trần Du Sinh, của anh Nguyễn Văn Tới và của Cánh Chuồn Chuồn...
Tui mượn ý trong bài “Bạch Đằng Giang” cùng hai câu thơ xưa, xin được tri ân những người đã và đang xả thân tranh đấu cho một nền hoà bình tự do chân chính.
Cách riêng xin kính tặng Trần Du Sinh, anh Nguyễn Văn Tới, Cánh Chuồn Chuồn, cùng những người đã và đang trấn biên ải mà tui không được hân hạnh biết đến trên đây.

“Mây nước thiêng liêng còn ghi chép danh
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu Quốc Gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần.”

Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
08/09/201908:45:18
Khách
Trần Du Sinh ơi!
Sao lại không còn độc giả thích đọc chứ! Văn phong của TDS vững vàng trẻ trung và sống động vô cùng, đúng là văn phong của... lính!😀 cho nên đọc rất cuốn hút.
Có nhiêu bài lâu nay chưa gửi thì bắt đầu gửi hết cho VVNM đi nha!💪 cô PH đang chờ đọc nè hihihi
P.Hoa
08/09/201906:54:23
Khách
Từhuy:
Cám ơn chú/ bạn đã yêu thích. Mình sẽ ráng kể thêm chuyện lính nếu còn độc giả thích đọc.
07/09/201919:51:53
Khách
Chào cô Phương Hoa:
Cám ơn cô đã có lời cổ võ. Em vẫn viết đều, nhưng chỉ dành cho bạn bè trên trang Facebook của em thôi.
Nhân dịp có một độc giả yêu cầu rất chân thành nên em mới gởi bài trở lại. Hi vọng em vẫn còn những độc giả dễ thương. Cũng gần 1 năm rồi em không gởi bài cho Việt Báo.
Du Sinh
07/09/201918:36:29
Khách
Mừng Trần Du Sinh đã viết trở lại! Cám ơn “người hùng biển cả” cho bài viết tuyệt vời, với lối diễn tả thật sống động, khiến cho độc giả có thể hình dung ra được cảnh tượng “kinh hoàng nhưng thú vị” và ngưỡng mộ sự tham gia một cách nhiệt tình của các chiến sĩ Hải Quân Hoa Kỳ. Viết tiếp nữa đi nghe TDS, để có cơ hội trở về đất liền và lại đi Nam Cali lần nữa để... lên sân khấu! Hihi😀
Chúc TDS luôn chân cứng ... sàn tàu mềm!🙏
Phương Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,082,491
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa