Hôm nay,  

Hàng Xóm Trên Đất Mỹ

17/09/201900:00:00(Xem: 11341)

Bài số: 5789-20-31595-vb3091719

 

Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Từ tháng Tám 2019, cô có bài kể chuyện “trả thẻ, về hưu,” và hứa hẹn “sẽ dành nhiều giờ hơn cho Viết Về Nước Mỹ”. Đúng tinh thần lời hẹn, bài mới nhất cho thấy cách viết thấu đáo hơn khi chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích  trong đời sống tại Mỹ, như ngạn ngữ Việt từng chỉ rõ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần.”

 

***

Tôi quyết định mua nhà vì đã để dành được một số tiền tạm coi là khá. Kiếm được một cô địa ốc người Việt Nam tôi thích lắm vì nghĩ người đồng hương sẽ giúp mình tận tình hơn.  Lần đầu tiên mua nhà bên Mỹ tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa.  Thông thường người ta sẽ chú tâm vào khu vực mình muốn mua nhà, như tình hình an ninh, trường học, v.v…Nhưng tôi lại muốn đi xem đủ chỗ đủ nơi dù tiền nhà băng cho mượn có hơi giới hạn.  Hơn ba tháng chở tôi đi mua nhà mà chưa thấy kết quả, cô bắt đầu hối thúc.  Lúc tôi lưỡng lự không muốn mua một căn theo gợi ý  của cô thì cô bực mình lắm.  Cô nói “Từ nay chị cứ lái xe đi xem nhà trước, khi có căn nào vừa ý thì gọi em, em đem chị lại coi bên trong”.  Tôi biết cô có những khách giàu, mua nhà bạc triệu, nên không còn tha thiết một bà khách cứ muốn “tiền ít mà thích thịt nhiều” như tôi nữa.   Sau này, qua kinh nghiệm của chính mình và bạn bè, tôi kết luận là khi agent bắt đầu hối thúc thì mình nên tìm người khác, vì lúc đó họ không còn đủ kiên nhẫn và tận tâm để đem lại cho mình những điều có lợi.

Vào thời điểm đó địa ốc đang đi lên, nhà vừa “list” xong vài ngày đã gắn bảng “sold”, và giá bán luôn cao hơn giá rao vì căn nhà có nhiều người tranh nhau mua.  Tôi trượt mua hai ba căn ưa thích chỉ vì không cạnh tranh nổi với những người mua có nhiều kinh nghiệm, nhất là lúc đó kỹ nghệ điện tử đang phát triển mạnh như thác lũ, nhân viên được hãng cho cổ phiếu hậu hĩnh khi công ty “go public”. Trong một sớm một chiều họ trở thành triệu phú, thi nhau mua nhà để đầu tư. Mấy tháng sau họ bán nhà, lời khẩm!

Một cuối tuần tôi lái xe đến khu gần chỗ mình đang ở thuê, không có nhiều hy vọng tìm được nhà nơi đây vì nghe nói dân khu này phần đông là da trắng và họ rất chọn lựa người mua.  Theo tôi hiểu thì người bán có quyền bán nhà cho người mà họ thích, không nhất thiết là người trả giá cao hơn.

Đi ngang một căn nhà mái ngói tôi cảm thấy như nó đang gọi tên tôi.  Tôi ngừng xe và bước lại đọc bảng bán nhà.  “Newly Reduced Price”.  Tôi lấy làm lạ, vì chưa bao giờ thấy có chuyện nhà rao bán mà lại hạ giá, nhất là trong khu này.  Gọi cô agent, cô cho biết trước đây chủ căn nhà đó đòi giá quá cao, ngoài chuyện họ không chịu “dàn cảnh” cho căn nhà mát mắt người mua nên cả tháng rồi chưa ai trả giá.  Vợ chồng chủ nhà nay đã lớn tuổi, dọn về tiểu bang khác cho gần thân nhân, để nhà trống, mặc cho nhân viên địa ốc lo liệu.   Hôm sau cô miễn cưỡng sang mở cửa cho tôi xem nhà, có lẽ nghĩ tôi cũng thối lui như mấy lần trước.  Nhưng, chỉ trong vòng mười phút là tôi quyết định mua làm cô ngạc nhiên.  Tôi thích căn nhà này vì nó vuông vắn, sáng sủa, và nhất là có một địa thế rất tốt.  Tôi có thể đứng ngay tại cửa sổ mà ngắm nhìn vịnh Cựu Kim Sơn với hàng trăm thuyền buồm qua lại trong những ngày không sương mù. 

Sau hai tuần lễ, gia đình tôi dọn vào căn nhà “cũ người mới ta”.  Vì chủ cũ bán nhà theo kiểu có sao bán vậy, “ as is”, nên chúng tôi vừa ở vừa sửa sang.  Tuy biết là sửa chữa trước khi dọn vào sẽ đỡ phiền toái và bất tiện, nhưng vì ngân quỹ eo hẹp, gia đình phải dọn ngay để tránh trả thêm một tháng tiền mướn nhà. 

Hai hôm sau khi chúng tôi dọn vào, một bà hàng xóm đứng tuổi chạy sang chào hỏi, mang theo một bánh táo  bà mới làm xong.  Bà ở căn bên tay phải.  Xế chiều ông hàng xóm bên tay trái qua làm quen, mang theo hai chai rượu đỏ và một ít bánh mì đặc biệt.  Sáng hôm sau, vợ chồng người ở nhà  đối diện sang “welcome to the neighborhood”.  Hàng xóm chung quanh tôi phần nhiều là người lớn tuổi, đã về hưu.  Họ ở đây từ lâu, có người sống ở đây đã hai ba thế hệ, cha truyền con nối.  Một tuần sau, hai ông bà người Tầu cách năm căn sang chào, mang cho chúng tôi đủ thứ trái cây họ trồng sau vườn, thêm hai chậu lan mà chúng tôi đã gây thêm cả chục chậu nữa trong hơn hai chục năm qua.  Loại lan này rất dễ trồng, và hoa rất lâu tàn, có khi ba tháng sau vẫn còn bông. 

Trong khu này có lẽ gia đình tôi “trẻ” nhất, và cũng là gia đình Á Châu thứ hai sau ông bà Tầu tên Louis.  Thỉnh thoảng tôi làm chả giò hay nấu phở mời các gia đình kế cận sang “ăn nhậu”.  Môĩ lần chúng tôi đi nghỉ đều sang báo hàng xóm, nhờ họ mang bưu kiện về cất giữ dùm cho đến khi chúng tôi trở về.  Cuộc sống nơi đây rất êm đềm, ai cũng cố giữ nhà cửa mình cho sạch sẽ để khỏi ngứa mắt hàng xóm.  

Hơn hai mươi năm qua đã có nhiều thay đổi.  Vợ ông Ely trước nhà qua đời sau tám tháng nằm trong nursing home. Ông bảo mỗi tháng ông phải trả gần bốn ngàn cho bà ở đây để được chăm sóc đúng mức trong những ngày cuối đời.  Tôi ngạc nhiên, vì tưởng medicare chi trả hết.  Ông giải thích tại ông bà có tiền hưu, có tài sản nên nhận được rất ít phúc lơị của chính phủ.  Sẵn dịp, ông mở máy than phiền,” Mình đã đi làm như con ngựa , đóng thuế è cổ mà lúc già phải mang tiền tuí ra xài, thua xa những người không đi làm, không đóng thuế.  Bất công”!  Tôi im lặng nghe, chẳng dám chế dầu vô lửa.

Ít năm sau, bà Maryanne bên kia đường ra đi vì bịnh ung thư  lúc bà chưa đủ tuổi về hưu.  Hai vợ chồng bà sống rất đạo đức, sáng thứ bảy và chủ nhật nào họ cũng khăn áo chỉnh tề cùng nhau đến nhà thờ Tin Lành phụ việc và dự lễ.  Thỉnh thoảng con trai, con gái và mấy cháu về thăm, nhìn rất hạnh phúc, “picture perfect”.  Ai dè, sau khi bà chết khoảng bốn tháng thì ông lái về một xe dọn nhà bự tổ chảng , mang vào đủ thứ đồ nội thất kềnh càng.  Hôm sau một bà lái xe đến đến cùng ba cậu con trai. Té ra ông mang về bà vợ mới.  Từ đó con trai con gái không đem con cái về thăm ông như lúc bà Maryanne còn sống.  Có lẽ họ chống đối ông vì chuyện naỳ.

Một hôm, bà Nicky ở cách mười căn dắt chó đi dạo, thấy tôi đứng tưới cây trước sân thì đứng lại thăm hỏi, nhằm lúc Keith – chồng bà Maryanne quá cố – ra xe với bà vợ mới.  Chờ họ đi khỏi, Nicky bảo tôi, “ Chà ơi, tôi không ngờ ông Keith làm lại cuộc đời sớm quá.  Maryanne qua đời chưa bao lâu.”  Tôi cũng nghĩ như Nicky, nhưng không muốn chỉ trích ra miệng nên ậm ừ, “ Chị nói cũng phải.  Nhưng có lẽ ổng không chiụ được cô đơn.  Vả laị, bà này có vẻ hiền và cũng xứng với ổng”.  Nicky chặc lưỡi, “ Tôi cá với bà là họ đã có gì với nhau từ lúc Maryanne còn sống.  Nếu không, của đâu mà kiếm ra mau như vậy?   Phải không?”  Tôi nói vuốt đuôi, “ Có lẽ chị nói đúng.  Nhưng, đời mà, đâu phải ai cũng như ai.”  Nicky trề môi, “ Đáng  ông ta nên chờ chí ít là một năm. Thiệt là tệ!”

Bảy năm sau vợ chồng Keith bán nhà dọn đi tiểu bang khác vì họ quyết định nghỉ hưu.  Tôi nghe họ nói họ sẽ lái xe đi du lịch vòng quanh nước Mỹ trước khi mua nhà.  Số tiền bán căn nhà đủ cho họ chu du sơn thủy cả năm mà vẫn còn dư tiền mua một căn nhà mới bên Texas.   

Mua nhà của Keith cũng là một gia đình Tầu.  Họ cũng sống yên lặng, cũng không tiệc tùng đình đám gì.  Tuy nhiên nhà họ đông người, có bốn chiếc xe và hai xe tải nhỏ nên họ đậu xe tùm lum ngoài đường.  Tệ hơn nữa, họ cứ đậu hai chiếc xe tải cũ kỹ trước nhà ông Ben nên ông ta bực mình lắm, một hôm gọi cảnh sát báo là trước nhà ông có xe tải để mấy ngày không di chuyển, không biết có phải là xe gian bị “bỏ của chạy lấy người” hay không. Cảnh sát đến, dán giấy trên xe yêu cầu phải dời đi trong ba ngày, nếu không sẽ cho kéo vào “trại giam”.  Từ đó gia đình Tầu cứ mang xe đậu lòng vòng, xóm trên vài ngày, xóm dưới mấy hôm.  Bây giờ xóm tôi có hai gia đình Tầu nhưng họ cũng chẳng giao thiệp qua lại gì.  Nhà ai nấy sống, không vì đồng chủng mà thành đồng chí. 

Hiện nay, ngoài gia đình tôi, gia đình ông Louis và gia đình Ronald, xóm tôi toàn chủ mới.  Lớp chủ cũ phần đông đã bẩy, tám mươi hoặc hơn, họ không thích lái xe lên đồi xuống dốc nên dọn đi chỗ khác hoặc vào nhà hưu trí.  Số tiền bán nhà sẽ giúp họ sống thoải maí tại một tiểu bang khác hay một thành phố miền quê ngay trong tiểu bang California này.   Những chủ nhà mới thuộc lớp trẻ, con cái còn nhỏ, cả vợ lẫn chồng đều phải đi làm vì món nợ tiền nhà nặng cong vai. 

Hàng xóm bây giờ khác hàng xóm cách đây hai, ba chục năm.  Ra vào thấy nhau giơ tay “ hai” rồi “bai”.  Kỹ thuật điện tử mỗi ngày mỗi tiến bộ, nên không cần nhờ hàng xóm ngó chừng nhà cho mình như xưa nên tình hàng xóm càng ngày càng nhạt nhẽo.  Gia đình tôi giờ đây đã xài hệ thống báo động trên Iphone, đi xa coi chừng nhà cửa, thấy có gì khả nghi thì goị báo cho cảnh sát địa phương mình ở; ra lệnh cho Alexa và Google tắt đèn, mở đèn hay mở cửa nhà xe ngay từ đằng xa.  Tôi cũng không thấy cuộc sống mình bị ảnh hưởng gì vì đã quá quen lối sống riêng tư và yên tĩnh mấy chục năm nay.  Mấy năm đầu mới sang định cư, thấy hàng xóm ra vô nhìn mình nhạt nhẽo tôi cũng chán lắm.  Nhưng mấy năm sau tôi quen dần rồi thấy mình cũng muốn được yên.  Khi về Việt Nam thăm gia đình tôi lại thấy ngao ngán khi hàng xóm láng giềng sống quá phức tạp.  Tranh chấp nhau một tấc đất cũng đem đến  xô xát đổ máu.  Cãi nhau inh oỉ cũng chỉ vì “nhà bên đó nó mở máy hát lớn quá”.  Bên này, mình chỉ cần gọi cảnh sát là đâu vào đó, chẳng cãi cọ chi cho hao hơi tổn sức.  Có chuyện tranh chấp khó giải quyết thì lại nhờ đến luật sư, ít khi phải mặt đối mặt để nhìn nhau phùng mang trợn mắt. 

Cách đây mấy tháng, tôi đang làm vườn sau nhà, bỗng dưng đá sỏi và một khúc cây ở căn nhà phía sau trên đỉnh đồi bay qua và rớt cách tôi vài bước.  Tôi hết hồn vì suýt bị tai nạn, bèn gọi cảnh sát nhờ họ nói chuyện với chủ căn nhà có đá bay.  Tôi chẳng biết chủ nhà đó là ai, chỉ cho cảnh sát địa chỉ nhà tôi mà thôi.  Vậy mà cảnh sát biết chính xác căn nhà đó ở đâu và ai cư ngụ tại đó.   Khoảng một tiếng sau, nghe tiếng chuông cửa, tôi ra mở thì thấy một ông già Mỹ trắng.  Ông đến để xin lỗi vụ thằng cháu ông đã lỡ tay, suýt gây tổn thương cho tôi.  Ông hứa sẽ không để chuyện này xảy ra nữa, đồng thời tâm sự rằng ông mới đem thằng cháu về nuôi vì cha mẹ nó đang bị tạm “cách ly” do xử dụng ma túy, phải đi cai nghiện trước khi được nuôi con trở lại.  Thấy ông già thành thật, tôi an ủi và chúc ông may mắn.  Từ đó ông trở thành hàng xóm thân quen của gia đình tôi và sỏi đá không bao giờ bay sang vườn nhà tôi lần nào nữa.  

Phần nhiều người Mỹ nuôi chó hay mèo làm “pets”, coi chúng như con cái.   Nhiều người bị bệnh tâm lý, lúc nào cũng phải ôm khư khư  con chó hay mèo “pet” của mình mới được an lòng.  Bác sĩ nói những con vật này là nguồn hỗ trợ tinh thần của chủ chúng.  Tôi từng thấy nhiều quí bà quí ông lên máy bay mà ôm chó, mèo hay chuột bạch trong tay một cách âu yếm, ân cần. 

Vào mùa xuân và hè, xóm tôi hay có “họp bạn chó” ở nhà  Ron.  Năm, sáu chủ chó – cả nam và nữ – đến nhà anh với mấy con thú cưng của mình để khoe thành tích của chúng, giới thiệu các bác sĩ thú y họ tín nhiệm hay các khách sạn thú họ ưa thích.  Khi con chó cưng của Ron bị ung thư, hai vợ chồng phải đem nó đến bệnh viện cuả trường đại học UC Davis tuốt trên Sacramento – thủ phủ của bang California – để gặp danh sư, vì các bác sĩ lô cồ đã đầu hàng.  Nhưng than ôi, danh sư cũng đành bó tay và chó cưng cũng phải nhắm mắt lìa đời để lại bao thương tiếc cho vợ chồng Ron.  Vợ chồng anh ta lại lên đường kiếm chó cưng khác về nuôi.  Con tôi bị dị ứng chó mèo nên không nuôi “pets”, vì thế tôi thường phải đem hai đứa cháu nội qua nhà Ron để chúng nựng ké chó của họ.

Một hôm tôi xem TV nghe nói về một cậu bé bị hàng xóm bắn chết vì không biết cậu là con hàng xóm của mình.  Tạm gọi cậu là Danny.  Danny năm đó 16 tuổi, cha là người da trắng , mẹ người da đen.  Chiều  thứ saú đó cậu xin phép cha mẹ đi dự sinh nhật một người bạn cùng trường.  Người cha chở cậu tới nhà người bạn, và đồng ý để bạn cậu chở về sau khi vãn tiệc.   Chẳng may hôm đó cậu bị bạn bè ép uống, rồi vì muốn chứng tỏ mình cũng là dân “chịu chơi” nên cậu uống hơi nhiều.  Đến nửa khuya Mike giục cậu ra về vì cậu đã say bí tỉ, nói năng lung tung.  Mike ít đến nhà Danny buổi tối, hơn nữa, khu này nhà  cửa có cùng một lối kiến trúc nên cậu rất bối rối, không nhớ nhà Danny là căn nào.  Cuối cùng, cậu ngừng trước một căn mà cậu cho là nhà Danny.  Cậu thấy Danny leo cửa sổ bên hông nhà thay vì đi cửa chính. Có lẽ Danny không muốn bấm chuông cửa vì sợ cha la rầy.

 Trong bóng tôi, Danny nghe tiếng quát sau lưng, “Ai đó”.  Danny lúng úng  “Con, con” rồi bước vội vào một phòng ngủ.  Có tiếng người thét lên hoảng sợ trong phòng, rồi đèn hành lang bật sáng.   Cậu nghe tiếng súng nổ và không còn biết gì nữa.  Cậu đã chết trong nhà người hàng xóm, cách căn nhà của gia đình mình chỉ ba căn.

Tòa án không kết tội người hàng xóm  vì cho là ông ta bắn tự vệ.  Kẻ bị chết đã ở trong hoàn cảnh “sai chổ sai nơi”.  Nhưng cha của Danny chống án vì người hàng xóm đã bắn con ông từ sau lưng và có ý ám chỉ ông hàng xóm ghét người da mầu nên lợi dụng cơ hội để giết người.   Người cha thua kiện, dọn nhà đi chỗ khác vì không thể đối mặt với người đã giết con mình mà vẫn còn được sống tự do, nhởn nhơ. 

Tôi vẫn còn sống nơi đây nhưng thấy hơi “lạc lõng” giữa những láng giềng mới.  Thỉnh thoảng nhìn lại những tấm hình chụp cùng hàng xóm cũ tôi nghe bàng bạc tiếc nuối. Tuy nhiên tôi cũng rất mừng, là khi có chuyện tai biến thì hàng xóm láng giềng đều ra tay giúp đỡ mà không cần biết kẻ thọ ơn có quen với mình hay không.  Điển hình là cách đây vài tuần,  cụ người Tầu tên Wang đi lạc vì bệnh lãng trí.  Cụ đi bộ ra ngã tư rồi quên đường về nhà, cứ đi quanh quẩn.  Khi con chaú tìm khắp xóm mà không thấy tăm hơi cụ đâu, họ chạy lại ông “Neighborhood Crime Watch” để báo tin.  Ông này gọi cảnh sát rồi huy động cả khu đi tìm.  Một giờ sau họ tìm thấy  cụ đang đứng ngơ ngác tại một ngã tư cách nhà hai dặm, tay chân run rẩy, da xám ngắt vì sợ. 

Người giữ chức Neighborhood Crime Watch này tựa như mấy ông mấy bà “tổ trưởng” bên Việt Nam sau tháng 4/1975, nhưng họ không hề đi xoi mói hàng xóm để báo cáo cho cảnh sát.  Họ được chòm xóm bầu lên trong một phiên họp khu khố do cảnh sát tổ chức, để trình báo những thỉnh nguyện của khu xóm, hay tệ nạn mới nảy sinh mà cảnh sát chưa hay biết.  Đây là một việc tự nguyện, không có lương!

Richard, ông “Neighborhood Crime Watch” một hôm đến nhà cho tôi hay bà Wendy cuối xóm mới phải đi cấp cứu và sẽ phải vào viện hồi phục trong vài ngày nữa.  Richard hỏi tôi có muốn thay phiên cùng những láng giềng khác  vào thăm bà mỗi buổi chiều để an ủi, động viên tinh thần bà vì bà không có con  cháu và chồng bà đã chết tám năm nay.  Tất nhiên là tôi không từ chối lời yêu cầu chính đáng và đầy tình người của ông.

Và vì thế tôi yêu khu xóm của tôi, một khu xóm điển hình của nước Mỹ tự do trong pháp lý. Quyền sở hữu và riêng tư tối thượng. Nhà ai nấy biết, việc ai nấy lo, ăn ở theo lý nhưng không vô lễ. Cư xử đôi khi dửng dưng, lạnh lùng nhưng không phải vô tình. Tuy buồn tẻ nhưng ít phiền nhiễu.  

 

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
19/09/201907:45:26
Khách
Chuyện thường ngày ở xóm dưới mắt một người Việt vui tính trở thành muôn sắc muôn vẻ và muôn màu.
18/09/201915:10:36
Khách
Đã ở Mỹ thì cố gắng ở gần người Mỹ (trắng) cho thơm tho, sang trọng, quí phái. Chớ ở gần dân mấm tụi tui lạc hậu, nghèo nàn mà làm chi?
17/09/201916:02:50
Khách
Huyền Thoại đã trở lại với bút pháp tếu nhẹ nhàn, càng đọc càng thích.
Nhà ai nấy ở nhưng tối lửa tắt đèn có nhau là đẹp tình láng giềng rồi..
17/09/201912:27:21
Khách
Chị Thịnh Hương, đọc xong bài viết của chị em nghĩ đến “Nước Mỹ lạnh lùng” của nhà văn Huy Phương.
Tay lạnh, tình ấm. Chắc đâu cũng vậy thôi. Lạnh hoặc ấm một phần cũng do nơi mình.

Ở phần đầu của bài viết chị làm em mỉm cười khoái chí. Em mê lan lâu nay.
Vương giả nhất chi lan ❤️❤️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,484
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa