Hôm nay,  

Sân Khấu- Cuộc Đời

20/12/202213:33:00(Xem: 4447)

                                                                        

 Bà Nguyễn nhìn chồng với đôi mắt sắc lạnh:

 

- Thật ra tôi chẳng lên án ai cả mả tôi cũng không muốn lên án ai cả, cho dầu là Quốc Gia hay là Cộng Sản. Tôi chỉ nhìn đời rồi nói lên nhận xét của mình thôi. Tôi thấy một bên thì nhân danh chủ nghĩa Cộng Sản còn một bên thì nhân danh lý tưởng gì đó như là Tự Do, Dân Chủ rồi cả hai đều dùng vũ khí của ngoại bang chế tạo, trao cho để tàn phá đất nước, sát hại lẫn nhau, chừng lật mặt lên thì cũng là máu đỏ, da vàng, cũng là đồng bào ruột thịt của mình, không ở trong Nam thì cũng ngoài Bắc chứ nào phải ai xa lạ. Người chỉ đạo diễn xuất thì đứng từ xa, ở đâu bên Tàu, bên Mỹ còn chánh quyền hai bên chỉ diễn tuồng, chỉ là con rối như một vở kịch trên sân khấu!

 

Ông Nguyễn ôn tồn:

 

- Nếu chỉ nhìn hiện tượng rồi nói như bà thì quả đúng như vậy. Nhưng tôi thấy bà không có lập trường. Bên nào bà cũng lên án cả, bà không phân biệt ai đúng ai sai, không đi sâu vào bản chất sự kiện. Vấn đề nó phức tạp hơn nhiều. Cuộc chiến vừa qua là do Cộng sản phát động, chúng gọi là chiến tranh cách mạng , chiến tranh giải phóng. Bên mình chỉ là tự vệ, là bảo vệ Tự Do, Dân Chủ, bào vệ cuộc sống yên bình của đồng bào miền Nam. Đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai thế lực thù địch, hai chủ nghĩa, hai lý tưởng khác nhau. Mình chỉ là nhược tiểu thì làm gì được, hả bà?

 

Bà Nguyễn không đồng tình:

 

- Ông nói tôi không có lập trường là không đúng. Lập trường của tôi là lập trường quốc gia dân tộc, là một nước Việt Nam do ông cha ta để lại từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, là người Việt không phân biệt Bắc, Trung, Nam. Tôi không đứng về bên này hay bên kia như ai đó...

Trước sự mỉa may, gay gắt của bà,ông Nguyễn  vẫn điềm tĩnh

 

- Điều bà nói không sai nhưng trong hoàn cảnh lịch sử éo le như nước ta hiện nay mình phải sáng suốt và tỉnh táo  để nhìn vấn để từ nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau chớ không phải chỉ đứng phía bên này hay bên kia mà biết được đâu là sự thật, đâu là chính nghĩa đâu là tà ngụy, bên nào cũng giành chánh nghĩa về phần mình. Thế hệ chúng ta nhiều người bị nhầm lẫn nhất là thế hệ thằng Hoàng con của chúng ta, sanh sau, đẻ muộn không am tường chánh trị lại bị nhà trường của Cộng Sản tuyên truyền, nhồi sọ suốt nhiều năm dài từ tiểu học lên đến trung học. Mình phải cho nó thấy trong cuộc chiến phức tạp này đâu là sự thật, đâu là tà ngụy, đâu là chân lý, là lý tưởng cần phải kiên trì, tranh đấu, đó là Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền. Đời tôi không làm được thì thế hệ thằng Hoàng sẽ tiếp tục thôi...

 

Bà Nguyễn xoay qua một chủ đề khác:

 

-  Chiến tranh chấm dứt đã bốn mươi bảy năm rồi. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải hòa giải với nhau...

 

Không đợi cho bà nói hết câu, ông Nguyễn trả lời ngay:

 

-  Vấn đề là ai hòa giải với ai? Cộng Sản là kẻ chiến thắng, đúng lý ra họ phải đưa tay ra trước và nói lời xin lỗi chúng ta nhưng suốt thời gian qua họ vẫn im lặng mà thi hành nhiều chính sách và biện pháp vô cùng hà khắc và tàn bạo không chỉ  đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa mà còn đối với cả người dân miền Nam nữa.  Đối với tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa họ còn đào mồ, cuốc mã. Đối với người chết họ không hòa giải thì xin bà dẹp đi cái ảo vọng họ hòa giải với chúng ta, là những người còn sống. Khi nhận tiền và sử dụng chất xám của chúng ta  thì họ gọi chúng ta là Việt kiều yêu nước, là khúc ruột ngàn dặm, nhưng khi bị chúng ta chỉ trích, phê phán thì họ gọi chúng ta là thế lực thù địch nước ngoài. Đó là bản chất lật lọng của nhà cầm quyền Cộng Sản, chắc bà cũng hiểu.

 

Những lời lẽ đanh thép của ông Nguyễn làm bà đăm chiêu và suy nghĩ. Sau nhiều phút im lặng, bất ngờ  bà Nguyễn lên tiếng:

 

- Vậy tại sao mình không quên nó đi. Thực tế đất nước mình, thân phận mình, mình có quyết định được đâu. Chính cuộc đời đã dạy cho ta những bài học đích đáng, từ đó nhận chân rõ thân phận của mình, những gì mình có thể làm được. Mấy chục năm nay ông đi tranh đấu, đi biểu tình, đòi hỏi Tự Do, Dân Chù và Nhân Quyền cho Việt Nam mà có thay đổi được gì đâu? Có kết quả gì đâu mà tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Cộng sản ở quê nhà ngày càng mạnh còn cộng đồng mình ngày càng suy yếu, chia năm xẻ bảy, đấu đá nhau loạn xạ, ngay ở nước Mỹ này, tại tiểu bang Cali, tại thành phố Westminster này mỗi ngày như ông nhìn thấy đó.

 

Thấy ông Nguyễn không nói gì, bà đem chuyện thằng Hoàng và con Diễm Hương mà từ lâu ông bác bỏ ra nói:

 

- Vậy sao mình không quay về với gia đình, làm điều gì có lợi cho gia đình ? Tôi cho rằng đây mới là điều thực tế nhất. Rồi ông xem, thằng Hoàng, con Diễm Hương đâu phải là bồ bịch, chẳng phải là gì với nhau. Vậy mà dưới mắt mọi người, chúng nó là người yêu, rồi thì là chồng vợ vì nó đóng quá xuất sắc vai trò của nó. Còn ông, làm sao mà ông làm khán giả cho được khi mà ông không thể nào chối bỏ được vai trò là bố của nhân vật tên Hoàng. Ông thấy không, chưa chi mà ông nói ông hồi hộp rồi. Một người bàng quan, một kẻ đứng bên lề không thể nào hồi hộp được. Chỉ những kẻ nhập vai mới hồi hộp thôi ông à!

 

Trong khi bà Nguyễn thao thao bất tuyệt thì ông vẫn giữ im lặng, đầu hơi cúi xuống, tay bóp trán. Một lúc sau ông ngước lên, nói:

 

- Hôm nay tôi nghe bà nói chuyện sao hay quá,  như trong tiểu thuyết vậy. Bây giờ tôi mới thấy tôi và bà khác nhau nhiều quá. Tôi là nhà văn, chỉ muốn đem sự thật cuộc đời vào tác phẩm văn học, lên sân khấu, còn bà thì đem những chuyện đáng lẽ chỉ xảy ra trên sân khấu vào cuộc đời... Chỉ vì cần năm chục ngàn để đổi căn nhà nhỏ lấy căn nhà lớn hơn không là bao mà bà bắt con mình làm đám cưới giả với con của Việt Cộng, là kẻ thù không đội trời chung với cả dân tộc. Năm 1954 cả triệu người trong đó có tôi đã rời miền Bắc di cư vào Nam, trốn chạy Cộng Sản. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại ở tù rồi một lần nữa bỏ mồ mã ông bà, nhà cửa, đất đai đi tìm Tự Do nơi xứ người. Nay bà bảo lãnh cho con Việt Cộng sang đây thì tôi ăn làm sao, nói làm sao với đồng hương tỵ nạn, với đồng đội, chiến hữu của mình hả bà?

 

Bà Nguyễn:

 

- Ông thì muốn ghi lại lịch sử, diễn lại cuộc đời, mua vui cho thiên hạ. Còn tôi thì muốn định nghĩa lại cuộc đời, sống cuộc đời như mọi người khác, như nó đã và đang diễn ra.

 

Ông Nguyễn cắt ngang:

 

- Và bất chấp pháp luật! Bà thì hành động như thể cuộc đời là sân khấu, nhưng nên nhớ sân khấu không phải để diễn cương, diễn thế nào cũng được nha bà. Tôi nói cho bà biết, tổ chức làm đám cưới giả để được định cư ở Hoa Kỳ là qua mặt pháp luật, là tội hình sự đó.

 

Bà Nguyễn không đi vào vấn đề mà chồng vừa nêu lên, nhưng lại nhìn ông trìu mến, cố thuyết phục ông lần nữa:

 

- Ba của Diễm Hương là cán bộ ở Thành ủy Sài Gòn, là anh ruột của chị Hồng, mà chị Hồng là bạn thân của gia đình mình từ mấy chục năm nay. Mình có dịp giúp họ thì họ giúp lại mình. Có sao đâu? Vã lại, tôi thấy con Diễm Hương cũng đẹp gái, nết na đầm thấm, dễ thương. Nó sang đây du học cùng trường với con mình và hai đứa nó cũng có vẻ mến nhau. Chị Hồng đứng ra mai mối thì tôi yên tâm. Trước mắt, mình cho hai đứa làm thủ tục kết hôn để con Diễm Hương được ở lại Mỹ. Biết đâu sau này chúng thương nhau thật... Mình phải có tầm nhìn xa, trông rộng chớ ông.

 

Thấy ông Nguyễn vẫn ngồi im lặng, bà nói tiếp:

 

- Ông thường nói với tôi, đối với thiên hạ thì tác phẩm chỉ là tưởng tượng, là hư cấu, là chuyện không có thật, còn ông vì đã lớn tuổi, gần tám mươi rồi, quỹ thời gian còn lại quá ít cho nên chỉ đưa vào tác phẩm, đưa lên sân khấu toàn người thật, việc thật, như vậy có ích cho đời hơn. Là vợ, sao tôi không hiểu và thương ông? Nhưng tôi nghĩ mình không cần thiết phải tách bạch quá rạch ròi giữa cuộc đời và sân khấu như vậy. Vì sao? Vì cuộc đời vốn muôn màu, muôn vẻ, luôn luôn có đủ đắng cay, chua chát, mặn nồng. Dòng đời có những lúc  êm như suối mơ, có những lúc dữ dội, sóng cồn, lại có những lúc éo le, gay cấn, bất ngờ và lý thú hơn cả những gì mà nhà văn các ông có thể tưởng tượng được. Hàng ngày có biết bao điều xảy ra còn ly kỳ hơn cả tiểu thuyết, cho tới lúc không ai có thể phân biệt được đâu là sân khấu, đâu là cuộc đời. Do đó mà người đời nói cuộc đời là sân khấu mà mọi người dầu muốn dầu không cũng phải đóng hết vai trò của mình, rồi thôi. Tôi muốn ghép hai từ SÂN KHẤU-CUỘC ĐỜI lại với nhau, ông thấy có được không?

 

Đợi cho bà Nguyễn nói xong ông mới lên tiếng:

 

- Bà nói hết rồi phải không? Bây giờ bà hãy nghe tôi nói những lời kết luận đây. Thứ nhất, nếu bà cương quyết vụ thằng Hoàng và con Diễm Hương như vậy, để tôn trọng bà thì tôi không ngăn cản vì nước Mỹ là xứ tự do, dân chủ, ai muốn làm gì thì làm. Điều cần nhớ là bà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm của mình. Thứ hai bây giờ bà tiến hành thủ tục kết hôn cho hai đứa với hy vọng sau này hai đứa sẽ thương nhau thật. Tôi cũng cầu mong như vậy. Vì tình cha con, nếu thằng Hoàng thương ai thì tôi sẽ cưới người đó cho nó để tránh mọi ân hận có thể xảy ra nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm của một người cha.

 

Nói tới đây thì hai dòng nước mắt dâng trào, lăn dài trên hai má ông Nguyễn. Đó là điểm yếu của ông. Khi điều gì đó chạm tới trái tim hoặc khi phát biểu điều gì xuất phát tự đáy lòng thì ông Nguyễn xúc động, không ngăn được nước mắt. Không rõ là bà Nguyễn có biết điều này hay không. Không khí ở phòng khách giữa đêm khuya nơi hai người ngồi nói chuyện bây giờ trở nên lắng đọng và chùng xuống. Có tiếng con thạch sùng chắt lưỡi. Chiếc đồng hồ trên tường thong thả gõ nhịp mười hai tiếng. Cả hai không ai nói với ai điều gì nữa. Bất ngờ bà Nguyễn đứng dậy tiến đến nắm lấy hai tay và nhìn vào mắt ông:

 

- Tôi cảm ơn ông nhiều lắm.

 

Ông Nguyễn cũng ngước lên, nhìn vào mắt bà, chậm rãi nói:

 

- Hãy khoan cám ơn tôi đi bà. Bà nói bà là người biết nhìn xa trông rộng. Bây giờ tôi mới vẽ ra viễn ảnh lý tưởng như thế này: Do sự sắp xếp của người lớn mà hai đứa nhỏ giả vờ yêu nhau, nắm tay nhau ra tòa thị chánh làm hôn thú và tiến hành những thủ tục cần thiết để Diễm Hương được ở lại Mỹ. Cuối cùng thì hai đứa thương nhau thật, đúng như mong muốn của bà. Tôi thì giữ lời hứa, gạt qua một bên những lời sĩ nhục của kẻ thù, nào là ngụy quân, ngụy quyền, là có nợ máu với nhân dân, là tay sai bán nước, là ôm chân đế quốc Mỹ để về Việt Nam đi gặp một cán bộ cao cấp Việt Cộng, hỏi cưới con gái họ cho con trai mình. Coi như tôi hạ mình, đi hòa giải với họ. Như vậy cũng không sao, vì con mà tôi làm tất cả. Vấn đề đặt ra là nếu như lúc chúng tôi gặp mặt nhau và nhận ra rằng tôi lả người tù cải tạo năm xưa ở trại tập trung ngoài Bắc do ba Diễm Hương quản lý. Trong một đêm mưa gió tôi đã trốn trại và không may bị ba Diễm Hương bắt lại và hành hạ tôi, đánh cho nhiều trận đòn thừa sống thiếu chết, bị chấn thương sọ não và mang thương tật cho đến bây giờ thì bà bảo tôi phải làm gì và xử sự ra sao?

Về phần tôi thì tôi không bảo đảm được điều tệ hại nhất sẽ không xảy ra, mặc dầu không biết được đó là điều gì.

Ý kiến bạn đọc
22/12/202211:30:08
Khách
Trước khi bàn về bên này, bên kia, hoài giải... hai vợ chồng ông Nguyễn nên hỏi coi Hoàng và Diễm Hương có thật lòng yêu nhau hay không rồi mới quyết định làm cho họ đám cưới. Không yêu mà làm đám cưới thì hại cả đời họ.
Trích: "Có tiếng con thạch sùng chắt lưỡi" ở bên Mỹ nhà không có thạch sùng chắt lưỡi như bên VN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)