Hôm nay,  

“Cốt” hay không “Cốt”

08/03/201400:00:00(Xem: 18592)
Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 4157-14-29567vb7030814

Tác giả là một Facilitator -giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại Bắc California- đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bài mới nhất của Nguyễn Thi kể về một “Learning Center, một phòng học về “computer” hiện đại của thế kỷ 21 tại trường học vừa hoàn tất (hình ảnh kế bên) và phong trào coding, học cách viết chương trình điện toán.

* * *

resized_photo_vb7VVNM
Reng … reng … reng …

Tiếng chuông điện thoại reng inh ỏi khiến ông Nhàn giật mình tỉnh giấc. Ông nhìn đồng hồ đeo tay thấy mới có 7 giờ sáng. Không biết ai sáng sớm đã gọi điện thoại rồi.

- A-lô, tôi nghe đây …

- Có ông Nhàn ở nhà không? Cho tôi nói chuyện với ông ấy.

- Anh Tám đó hả? Tôi là Nhàn đây. Có chuyện gì mà mới sáng sớm anh đã gọi vậy?

- May quá, gặp được anh tôi mừng quá. Chỉ có anh mới giúp được tôi thôi.

- Chuyện gì mà có vẻ gấp rút thế?

- Mấy hôm nay tôi bị cảm lạnh mà 4 giờ chiều nay lại có buổi họp ở trường. Anh đi giúp tôi được không?

- Buổi họp gì, mà họp với ai?

- Thì buổi họp School Site Council hàng tháng đó mà. Đặc biệt kỳ này họ không họp trong văn phòng mà lại họp ở phòng Learning Center mới vừa hoàn tất tuần rồi. Đáng lẽ tôi định đi nhưng bà xã cằn nhằn tôi vẫn còn bị ho, không nên tới trường sợ nhiễm bệnh người khác.

- Nhưng tôi đâu phải hội viên làm sao đi được?

- Anh có cháu học trong trường là anh đủ điều kiện để dự buổi họp rồi. Tôi muốn anh đi dự vì nghe nói phòng này được xây cất theo tiêu chuẩn hiện đại để học sinh có môi trường học cho hợp với ngành kỹ thuật của thế kỷ 21.

- Tôi cũng nghe nói về phòng “computer” này từ hơn một năm nay mà chưa được nhìn tận mắt.

- Vậy chiều nay anh đi họp thế tôi nhé, cám ơn anh. Để tôi gọi cho cô thư ký trường biết có anh tới dự buổi họp.

- Khoan đã … anh Tám … anh Tám?

Không thấy tiếng ai trả lời ở đầu dây bên kia ngoại trừ tiếng o … o…, ông Nhàn cúp điện thoại. Ông thầm nghĩ, chiều nay ông rảnh không bận việc gì, hơn nữa ông muốn xem phòng “computer” hiện đại của thế kỷ 21 ra sao. Mấy tuần nay nghe lũ cháu đi học về ngày nào cũng xầm xì về căn phòng đặc biệt này, ông vẫn chưa mường tượng được nó đặc biệt đến cỡ nào.

Đúng 3:45 ông Nhàn đã có mặt ở trường. Cô thư ký dẫn ông đến phòng Learning Center. Tuy trong phòng chưa có ai nhưng ông Nhàn không quan tâm mấy. Vì trước mắt ông nhìn thấy lớp học như phòng khách lớn và sang trọng, những chiếc ghế màu xanh da trời và màu xanh lá mạ tươi mát được sắp xếp chung quanh những chiếc bàn trắng, có thể di chuyển dễ dàng vì có bánh xe. Giữa phòng có ba chiếc ghế salon dài màu cam, và quanh ba vách tường có mười mấy miếng bọc nệm cam/vàng, hình tròn và hình vuông mà các em có thể dùng làm bàn hay ghế cũng được. Phòng được ngăn đôi bởi hai cánh cửa kiếng tự động như cánh cửa nhà để xe.

Mọi người bắt đầu tiến vào phòng họp, vài phụ huynh nhìn căn phòng lần đầu tiên trầm ngồ ngợi khen phòng sáng sủa, rất hợp cho môi trường học hỏi và sáng tạo của học sinh. Ông Nhàn nhận ra vài khuôn mặt thân quen của thầy cô. Cô thư ký phát cho mỗi người tờ nội dung buổi họp cũng như bản báo cáo buổi họp tháng trước. Ông hiệu trưởng bắt đầu buổi họp với lời chào mừng thầy cô và phụ huynh đã đến tham dự buổi họp. Ông nói đây là phòng học mà ông ưng ý nhất từ trước đến nay:

“Quý vị nhìn thấy phía đằng trước có treo khoảng 30 tấm bảng trắng nhỏ, nhưng học sinh không nhất thiết phải dùng tấm bảng đó để viết những câu văn hoặc làm những bài toán, mà các em có thể làm việc theo nhóm với tấm bảng lớn hơn là những vách tường sơn trắng chung quanh phòng, hoặc viết lên ngay cả hai cánh cửa kiếng “garage door” này.”

Một phụ huynh thắc mắc về cánh cửa chắn ngang, thì được giải thích rằng đôi khi phía ngoài có khoảng 80 học sinh mẫu giáo dùng máy điện toán “Chrome book” trong khi đó phòng nhỏ này có khoảng hai mươi mấy học sinh lớp 6 cũng dùng “Chrome book” nhưng cần bàn thảo về dự án riêng của mỗi nhóm, nên cần phải kéo “garage door” xuống để lớp này không làm phiền lớp kia.

Vì sắp sửa nghỉ lễ cuối năm nên buổi họp chỉ nói về buổi hội thảo sắp tới của phụ huynh là “Parent University” vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ năm 23/1. Ông hiệu trưởng nhấn mạnh đề tài buổi hội thảo là “Học sinh của thế kỷ 21”, do đó ông hy vọng những thầy cô, phụ huynh có mặt trong buổi họp nhớ nhắc nhở những phụ huynh khác nên rủ nhau tham gia buổi hội thảo đông đủ.

Sau một tiếng đồng hồ đi họp, vừa về nhà ông Nhàn nhanh chóng gọi điện thoại cho ông Tám.

- A-lô, anh Tám đó hả? Tôi là Nhàn đây.

- Anh đi họp ra sao, có gì lạ không?

- Đẹp quá anh ơi! Lớp học đẹp và tân tiến quá! Chỉ có một tiếng đồng hồ đi họp mà tôi học hỏi nhiều thứ quá.

- Thì tôi đã rủ anh đi họp mấy năm nay anh không nhớ sao? Mặc dù đây chỉ là một trường tiểu học của California, nhưng trường tiểu học hay trung học nào cũng có ủy ban cố vấn cho trường gọi là “School Site Council”, bao gồm hiệu trưởng, thầy cô, và phụ huynh. Chính nhờ đi họp hàng tháng tôi mới biết chuyện gì xảy ra trong trường cũng như trong học khu, và quan trọng là mình có tiếng nói trong việc chi tiêu học cụ, sách giáo khoa, thuê mướn thêm thầy cô để giúp những học sinh còn yếu tiếng Anh.

- Vậy để tôi nói bà xã tháng sau tôi đi họp chung với anh. À hôm nay ông hiệu trưởng nói về buổi hội thảo của phụ huynh là “Parent University” vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ năm 23/1. Anh có tính đi không vậy?

- Đi chớ! Cả hai vợ chồng tôi đều đi hết. Tháng trước ông hiệu trưởng nói có tới 6-7 lớp khác nhau nên phải chia nhau mà đi.

- Vậy hả? Chắc tôi cũng rủ bà xã đi chung cho biết.

*

Vào tuần thứ hai của tháng Giêng 2014, khi ông Tám và ông Nhàn đến dự buổi họp đầu năm thì được cô giáo dạy môn khoa học cho biết cô có một nữ sinh Việt Nam sinh trưởng vùng Bắc California, đã từng học lớp của cô cách đây hơn 10 năm, tuần rồi đã trở lại và dạy 4 lớp năm và lớp sáu của cô cách viết chương trình điện toán “Coding” trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Cô giáo nói cô chỉ tiếc là hôm đó cô phải đi họp nguyên ngày trên học khu. Ngày hôm sau khi về trường dạy học lại thì có nhiều học sinh than phiền tại sao các em lại không được học lớp “Coding” đó; trong khi những em được tham dự, nhất là những nữ sinh cho biết các em tưởng “Coding” học khó lắm, nào ngờ khi được chỉ dẫn căn bản về “Code” thì các em lại là người làm xong sớm hơn các nam sinh cùng lớp.

Tan buổi họp, ông Tám và ông Nhàn nhìn nhau lắc đầu, cả hai đều mù tịt, chả hiểu cô giáo nói “Cốt” này “Cốt” kia là gì. Thôi thì đành phải đợi tuần sau dự khóa“Parent University” thì may ra hiểu rõ hơn.

*

Đúng 6 giờ chiều ngày thứ năm tuần sau phụ huynh và học sinh ngồi đông nghẹt phòng cafeteria của trường. Ông Tám khều tay ông Nhàn:

- Anh biết tại sao hôm nay đông người tham dự không?

- Thì mọi người muốn biết chương trình học của con em họ có gì thay đổi cho niên học mới không.

- Chưa đúng lắm. Anh để ý nghe ông hiệu trưởng nói là hiểu liền.

- À tôi hiểu ý anh rồi. Phải anh muốn nói đến hai giải thưởng rút thăm là “Chrome book” và “Kindle book” không? Mấy đứa nhỏ ở nhà cứ nhắc vợ chồng tôi vụ này hoài cả tuần nay.

- Anh nói đúng lắm.

Sau khi ông hiệu trưởng giải thích cách thức xem bản đồ để chọn lớp học, mặc cho hai bà vợ chọn lớp nào thì chọn, ông Tám và ông Nhàn nhìn sơ qua bản đồ và chọn đi chung hai lớp “Blended Learning” và “Coding”.

Lớp “Blended Learning” được hướng dẫn ngay trong phòng Learning Center. Các học sinh vừa vào phòng đã chọn ghế ngồi và bắt đầu ghi danh tên mình và mã số vào máy điện toán “Chrome book”. Cô giáo hướng dẫn các em vào trang mạng của www.khanacademy.orgwww.i-ready.com. Phụ huynh có dịp được nhìn thấy con em làm toán và học Anh văn như thế nào trên màn hình.

Khi làm bài đúng các em sẽ được máy thưởng cho một vài phút chơi game, còn nếu làm bài cứ sai hoài thì máy tự động ngưng, phải nhờ thầy cô đến giúp. Dựa theo lời cô giáo thì cách dạy “Blended Learning” được cả thầy cô và học sinh hưởng ứng nhiệt tình từ hơn một năm nay. Chương trình bao gồm lối dạy truyền thống của thầy cô, và nay nhờ có trang mạng www.khanacademy.orgwww.i-ready.commà cô giáo có thì giờ để hướng dẫn thêm cho những em có trình độ học vấn thấp hơn bình thường. Ngoài ra trang mạng cũng cho thầy cô biết sức học của các em như thế nào, các em bỏ ra bao nhiêu thời gian để hoàn tất môn học….

Tiếng chuông reng qua loa phóng thanh báo hiệu tới giờ đổi lớp. Ông Tám và ông Nhàn bước qua phòng học kế bên để dự lớp “Coding”. Lớp này do một thầy giáo trẻ tuổi hướng dẫn. Thầy bảo “Cốt” dành cho mọi người, ai học cũng được chỉ cần có ý chí muốn học, chịu khó thực tập, và làm những gì mình yêu thích. Dựa theo lời thầy thì “Cốt” là ngôn ngữ được dùng để soạn thảo chương trình cho máy điện toán, ngôn ngữ này được đánh máy thay vì lời nói. Chúng ta dùng “Cốt” để sáng tạo những trang mạng, những chương trình như Word hay Excel, các loại app, hay các trò chơi video game. Nói một cách khác, khi chúng ta “Cốt” là chúng ta thiết kế một cái gì đó bằng ngôn ngữ điện toán để tạo ra một hình ảnh hoặc giúp tiêu diệt một con quái vật trong trò chơi video game. Có ba loại “Cốt” thường được sử dụng là HTML (dùng để sáng tạo những trang mạng), RUBY (dùng để viết các loại app chuyên nghiệp trên trang mạng), và Java Script (dùng để sáng tạo những trò chơi game trên trang mạng, hoặc những trang mạng sinh động).

Thầy nói “Cốt” đối với thầy vẫn còn mới mẻ, do đó, những lúc rảnh rỗi thầy hay lên những trang mạng dưới đây để học thêm cách viết chương trình điện toán:

www.gigabryte.com

www.surfscore.com

www.code.org

Từ lúc tham dự khóa“Parent University” về nhà, cả hai ông Tám và ông Nhàn đều thấy mình cần phải cập nhật hóa kiến thức “ngành kỹ thuật của thế kỷ 21.” Nếu không các ông sẽ không hiểu con cháu nói gì trong tương lai rất gần. Hai ông cũng tập vào những trang mạng trên để học về ngôn ngữ “Cốt”.

Hôm nay tình cờ đọc báo có bài viết về “Hackathons đang trên đà gia tăng” ông Tám liền gọi điện thoại ngay cho ông Nhàn.

- Này ông đã xem bài báo về “Hackathons” chưa?

- Hắc cơ gì hả anh?

- “Hackathons” … anh có còn nhớ lớp “Cốt” tôi với anh đi chung ở trường không?

- Nhớ chứ, tôi vẫn đang tập “Cốt” đây này. Nhưng “Cốt” chưa đi đến đâu thì xương cốt tôi đang rã rời.

- Anh có nhớ thầy Moore nói rằng mấy năm gần đây có những buổi tranh tài “Hackathons” giữa những người viết “Cốt” không? Nó giống như “marathon” là cuộc tranh tài chạy bộ 26 dặm, thì “Hackathons” là cuộc tranh tài 24 hoặc 48 tiếng đồng hồ giữa những người viết “Cốt” để viết ra một chương trình điện toán nào đó tại một nơi ấn định có thức ăn, wifi (internet), và điện.

- Vậy bài báo có nói gì đặc biệt không anh?

- Họ nói năm 2010 chỉ có vài cuộc tranh tài “Hackathons”, nhưng năm nay 2014 có khoảng 1.500 “Hackathons” đang được hoạch định khắp thế giới. Thôi để tôi email link bài báo cho anh tự đọc. Anh Nhàn à, thời đại bây giờ tôi nghĩ mấy đứa nhỏ nhà tôi với nhà anh nếu tụi nó muốn học ngành điện toán thì cứ để chúng học theo ý thích của chúng nó.

- Sao khi trước tôi nghe anh nói chúng phải học bác sĩ, luật sư mà?

- Thời thế thay đổi thì mình cũng phải đổi thay chứ anh. Đời mình đi làm công cho người ta mấy ai thành triệu phú? Thế mà bài báo nói tháng 12 năm ngoái, công ty Salesforce.com ở San Francisco đã trao hai giải nhất, mỗi giải một triệu đô-la trong cuộc tranh tài “Hackathon” của hãng đó anh.

- Anh nhắc đến tiền và Hắc-cơ-thon bây giờ tôi mới nhớ hôm nọ có đứa bạn của lũ cháu ghé nhà làm bài chung với nhau. Tôi nghe tụi nó kể là cô nữ sinh Diana dạy “Cốt” cho tụi nó bây giờ đã có sách “Billys Solar Story” do chính cô vẽ và viết “Cốt”, hiện đang được bán trên iTunes của hãng Apple.

- Cuốn sách nói về đề tài gì và giá bao nhiêu vậy?

- Cuốn “Billys Solar Story” nói về cách thu thập năng lượng mặt trời để giúp cắt giảm chi phí tiền điện. Giá chỉ có 99 xu thôi.

- Vậy hả? Vậy thì mình mua ủng hộ đi.

- Tôi lại nghe tụi nhỏ nói là chúng có thể coi câu chuyện đó miễn phí trên trang mạng www.dinohulk.com.

- Vừa bán vừa cho không là làm sao?

- Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay chỉ muốn nhiều người biết về sản phẩm của mình, còn việc mua ủng hộ là giúp cho họ có tài chính để làm thêm các sản phẩm khác.

- Vấn đề tiếp thị mỗi thế hế hệ có phương thức áp dụng khác nhau. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tiền trao cháo múc, thì mai sau mình mới có thêm món ăn tinh thần.

- Thì tôi cũng nghĩ như anh vậy đó. Công lao người ta bỏ ra để sáng tạo một món ăn tinh thần có tính cách giáo dục, mà tác giả lại là một em người Việt, thì mình phải tạo điều kiện, tưởng thưởng xứng đáng, và cổ vũ cho nhiều người cùng biết thì sự sáng tạo đó mới có cơ hội phát triển.

- Vậy tôi đề nghị hai anh em mình gửi thư email cho bạn bè mời họ xem cuốn sách miễn phí hoặc mua ủng hộ cho cô bé nhé.

- Ừ tôi sẽ bảo gia đình làm theo đề nghị của anh. Này, cuối tuần nhớ ghé qua nhà chỉ tôi thêm “Cốt” đấy.

- Được rồi, “Cốt” hay không “Cốt” tôi vẫn qua, đâu thể nào bỏ qua món chả giò gia truyền của nhà anh được!

- !!!

Nguyễn Thi

* “Hackathons on the rise”
www.mercurynews.com/business/ci_25162580/hackathons-rise

* “Billys Solar Story”
https://itunes.apple.com/us/book/billys-solar-story/id792840239?mt=11

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,745
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa