Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi
Tác giả: Trần Hồng Linh
Bài số 2870 -1628990- vb5031810
Tác giả vượt biển, trải qua nhiều năm chịu đựng trong “trũng mù sương” -tên một hồi ký bà dành cho báo xuân Việt Báo 2010- trước khi tới được miền đất tự do. Bà cho biết: "Ở VN, tôi chưa từng viết văn viết báo, dù chỉ là viết bích báo cho lớp học. Sang xứ người, nhận ra tiếng Việt của mình đang mất dần, tôi ráng tập viết văn. Xin đừng cười, khi văn tài trổ hoa ở tuổi tóc muối tiêu." Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Bóng Xế Hoàng Hôn." cho thấy cách nhìn sâu sắc về hoàn cảnh tuổi già nơi xứ người. Bài viết mới nhất của bà chọn tựa đề là câu hát mở đầu “Tình Ca” của Phạm Duy.
***
Không riêng gì những đứa con tôi, chúng được sinh ra và lớn lên trên xứ người, gặp khó khăn trong Việt ngữ, tôi cũng lúng túng không kém trong vấn đề xưng hô của người Việt.
Trong buổi đến chơi nhà bạn bè. Một chị bạn nói với tôi.
“Con bé Tracy nhà tôi, nó thích chị lắm. Vì chỉ có chị gọi nó bằng Em. Còn mấy người bạn khác, ai cũng gọi nó là cháu, là con."
Tôi quay sang nhìn Tracy, con bé tốt nghiệp đại học, cùng đợt ra trường với thằng út nhà tôi.
“Có gì lạ đâu. Tracy gọi tôi bằng cô, thì tôi gọi nó bằng em. Bởi nếu tôi còn đi dạy học, có phải Tracy là học trò của tôi không" Sao tôi không gọi nó là em nhỉ"”
Chị bạn cười xòa với lập luận của tôi.
Cô bé Tracy đứng cạnh mẹ ngơ ngác, xem chừng không hiểu tại sao mẹ nó cười.
Thấy vậy, tôi hỏi ngay.
“Tracy, sao em không thích được gọi là con cháu"”
Cô bé ngập ngừng, liếc nhìn sang mẹ, rồi trả lời “Bởi vì, là con cháu thì phải luôn vâng lời người lớn. Là em, thì có lúc vâng lúc không.”
Tôi quay sang chị bạn “Thấy chưa" Tuổi trẻ đang làm cách mạng chữ nghĩa để đòi bình đẳng rồi đấy.”
Câu chuyện xưng hô của tôi chưa dừng nơi đó.
Tôi gặp một trường hợp khác. Lần này ở vào vị trí của Tracy, tôi được dịp phát hiện ra nhiều thứ rắc rối hơn. Tất cả cũng vì cái tôn ti trật tự, thứ bậc trong tiếng gọi nhau mà thôi.
Nhằm vào hôm lễ Giáng Sinh, tôi làm nhiệm vụ tiếp tân cho nhà thờ. Công việc của tôi là đứng trước cửa để chào hỏi mọi người và phát tờ chương trình. Tôi gặp vợ chồng ông Hoàng bước vào nhà thờ. Từ lúc ấy, tôi bắt đầu bước vào cuộc rắc rối.
Ông Hoàng đáng tuổi cha chú tôi. Dù tuổi đã gần 80, ông không lụ khụ chút nào. Ngược lại, ông còn rất phong độ với vóc dáng rất đường bệ, cao to, nghe đâu xưa kia ông có cấp bậc Tá Tướng gì đấy, tôi không tiện tò mò hỏi ông điều này. Về già tuy béo mập, dáng đi của ông vẫn nhanh nhẹn, tiếng nói lúc nào cũng oang oang như chực ra lệnh cho thuộc cấp, nhiều người khó chịu với lối nói của ông. Chưa kể, nếu gặp ông, bạn sẽ kính cẩn thưa “cụ” ngay lập tức. Bởi không những tuổi già, ông còn có nét đạo mạo với bộ râu dài, kéo chùm từ hai bên mang tai đến cằm, che kín cái cổ thấp chủn của ông. Thoạt nhìn, trông ông giống HCM thuở làm chủ tịch ăn nhiều sâm, béo tròn mặt. Tôi nghĩ thầm, có lẽ ông này muốn chơi trội sao ta. Để râu dài cho ra vẻ HCM hả.
Chùm râu là cái cớ cho ông đưa tay vuốt, rồi với một nụ cười hóm hỉnh, ông Hoàng nói "Này, đừng có đêm qua em mơ gặp bác Hồ nhá. Gặp bác rồi, thấy mất năm trăm đấy."
Câu nói châm biếm về bài hát năm xưa của đám thiếu nhi quàng khăn đỏ, mở đầu các cuộc sinh hoạt đoàn đội. Nó nhắc lại thời kỳ đầu của Sài Gòn bị đổi tên, đám học trò miền Nam vừa hát vừa lén sửa lời, cho thỏa niềm uất ức.
Tôi mỉm cười trả lời "À. Ba mươi mấy năm 'đồng chí' vẫn chưa quên 'chủ tịt' nhỉ""
Cả hai cùng cười vang. Mọi người lấy làm ngạc nhiên vì ít khi nào thấy ông Hoàng cười ha hả, ra điều thích chí đến thế.
Một hôm, khi người hướng dẫn thờ phượng của nhà thờ, vừa tuyên bố "Lễ Chung" xong, tôi vừa bước ra khỏi hàng ghế thì bị ông Hoàng giật giọng gọi lại.
Ông móc trong túi ra một mẫu giấy “Anh vừa có bài thơ đây này, cho em đọc chung."
Tôi liếc nhìn vào mẩu giấy ông Hoàng trao. Đó là một bài thơ. À, thì ra "chàng" ngồi trong nhà thờ mà có nghe lời Chúa đâu. Thấy ‘chàng’ lúi húi ghi chép, tưởng ‘chàng’ ngoan đạo ghi chép lời giảng Thánh Kinh. Ai dè, lúc ấy chàng đang hứng khởi làm thơ yêu nước!
Như vậy bạn đã thấy ông Hoàng nghệ sĩ tính cỡ nào chưa. Dĩ nhiên, người có tính nghệ sĩ thì có nhiều khác thường. Vấn đề bắt đầu ló dạng ra cho tôi.
Khi người ta gọi mình bằng Em thì mình gọi người ấy bằng gì" Bằng Anh, phải không" Không lẽ, tôi gọi người ta bằng Chú hoặc Bác!!! Và nếu tôi gọi người ta bằng Chú thì sao hở" Người ngượng sẽ là ông Hoàng, chứ chẳng phải tôi đâu nhé.
Bấy giờ tôi hiểu ra cái liếc nhìn bối rối của cô bé Tracy hôm trước đó.
Để cổ võ tinh thần người thơ, tôi dõng dạc nói "Thơ này, không chê vào đâu được. Có vần, có điệu, có tứ thơ rõ ràng. Không giống loại thơ trí tuệ thời nay, đã lạc vận mà còn như chơi trò đánh đố, đọc hoài, không hiểu gì hết."
Khỏi nói nhiều, nhà thơ ta phổng mũi với lời khen ấy. Bà Hoàng đứng cạnh chồng, tủm tỉm cười "Ông chỉ khoe được với cô Hằng chứ chẳng khoe được với ai."
Đến phiên bà Hoàng gọi tôi bằng "cô", tiếng cô trong Việt ngữ, ngoài nghĩa là em của bố, nó còn là tiếng gọi cho em gái của chồng, hoặc gọi các cô giáo và cô gái chưa lập gia đình. Vậy thì bà Hoàng gọi tôi là cô đâu có sai, chồng bà ấy gọi tôi bằng Em mà.
Nhưng tôi lại không biết gọi bà ấy ra sao" Tuổi tác bà Hoàng xấp xỉ với tuổi mẹ tôi. Gọi bà ấy bằng chị thì rõ ràng tôi thiếu sự tôn trọng với bậc trưởng thượng. Có thể, bà ấy sẽ phiền lòng, trách tôi là người không biết lễ giáo. Tôi đành gọi bà Hoàng bằng Cô, và xưng Em luôn cho tiện. Cô, ở trường hợp này là cô giáo, chứ không phải là cô em của bố, tôi tự biện hộ như vậy.
Nhiều lúc tôi cũng thấy ngượng miệng vì sự xưng hô của mình đối với ông bà Hoàng. Trong khi những người cùng trang lứa với tôi, đều gọi "Chú hoặc bác Hoàng", duy chỉ có mình tôi và ông ấy nói chuyện với nhau trong tiếng xưng hô "anh anh em em", hoặc "cô cô em em" với bà vợ ông ấy. May mắn cho tôi, việc xưng hô 'tùm lum' của tôi chỉ xảy ra khi gặp mặt vợ chồng ông ấy trong buổi nhóm cầu nguyện với năm bảy người.
Giờ đây ở chỗ đông người, từ đằng xa, ông Hoàng lớn tiếng gọi “Sao" Hằng, khoẻ không em"”
Tôi chựng lại. Lúng túng. Ơơơơơ…
Nhiều người quay đầu nhìn. Ông Hoàng toe toét cười, rảo bước về phía tôi.
Rồi nhiều ánh mắt quay về phía tôi. Trời, trời. Đừng nghĩ tôi là ‘em nuôi’ hay bồ nhí gì của ổng nghe. Tôi muốn độn thổ luôn vì cái liếc nhìn nửa tò mò, nửa miệt thị ấy. Rồi tôi lại lúng túng trong nhiệm vụ tiếp tân của mình, biết trả lời sao với câu chào hỏi cho đúng với tiếng xưng hô của người Việt. Bình thường thì không sao, đằng này tôi đang giữ nhiệm vụ ngoại giao mà nói linh tinh lang tang, còn ra cái thể thống gì của đoàn thể.
Tôi bối rối. Cười trừ.
Rất may, bà vợ ông nói luôn "Nhìn cô Hằng là thấy vui vẻ. Cô ấy cười hoài."
"Ban tiếp tân không cười, còn ai cười nữa." Tôi trả lời với kiểu nói trống không, rồi kiếm cách lẩn tránh họ.
Câu chuyện tưởng chỉ xảy ra ở môt mình tôi. Ai ngờ người bạn của tôi cũng gặp cảnh bối rối ấy.
Chị kể về công việc tiếp phôn khách hàng.
"Qua đường dây điện thoại, tôi có biết người bên kia già trẻ lớn bé ra sao. Tôi nghe giọng đàn ông bên kia đường dây, tôi chào ‘Thưa Ông'. Chưa dứt lời, tôi bị người bên kia nạt ngay “Bộ tui già lắm hay sao, chị gọi tui bằng ông."
"Thiệt khó cho chị, làm cái nghề tiếp phôn của khác hàng. Đoán tuổi qua tiếng nói trên điện thoại không dễ." Tôi an ủi chị ấy.
"Ối trời ơi, không phải vậy đâu. Đến chừng, ông khách ấy đến văn phòng tôi. Tôi gặp một “anh già”. “ Chị gằn mạnh “Anh Già. Tóc đã bạc phơ phơ, mà vẫn khăng khăng chưa chịu nhận mình đang tuổi ông nội, ông ngoại."
"Thôi, thông cảm cho ổng đi. Chắc ổng mới đi du lịch VN về, ổng vừa gặp các bé luôn miệng nói 'anh iu vấu' (anh yêu dấu) nên ổng tưởng mình đang tuổi xuân thì"
"Chắc lần sau tôi nhắc khéo ổng nên nhuộm tóc để ổng dễ xưng anh hơn."
Chúng tôi cùng cười và lắc đầu, chịu thua cái tiếng Việt phong phú đến nỗi đầy rối rắm.
*
Từ khi tôi tập viết Văn, tôi thấy mình lúng túng hơn nữa trong ngôn ngữ Việt. Gọi nhân vật của mình bằng gì đây nhỉ" Gọi "Chàng và Nàng" nghe sao kỳ kỳ. Bởi nói đến chàng, người ta hình dung ra một người đàn ông đang yêu và trẻ tuổi. Nhưng nói vậy không đúng, người già cũng yêu vậy. Vẫn có những mối tình ở tuổi bạc đầu, “Chàng” lọm khọm dắt tay “Nàng” trong Hội Chợ Xuân mà. Tôi ngắc ngứ, chịu thua. Không thể chọn “Chàng” cho câu truyện Tình Muộn được, dẫu rằng “chàng” rất đáng được hưởng những mật ngọt của hương tình. Vậy thì chọn chữ nào để cho câu truyện đầy mùi mẫn, lâm ly" Bí lối, tôi nghĩ hoài chưa ra.