Hôm nay,  

Mùa Hè Tuyệt Vời

26/08/200900:00:00(Xem: 150966)

Mùa Hè Tuyệt Vời

Tác giả: Thịnh Hương
Bài số 2710-16208781- vb482609

Tác giả: Thịnh Hương
Bài số 2710-16208781- vb482609

Tác giả cư trú và làm việc tại miền Bắc California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006 và luôn vui vẻ tiếp tay mọi sinh hoạt của bạn hữu. Sau đây là bài viết mới của cô, nhân mùa họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ chín. Hình từ trái, hàng đầu: Hoàng Thy, Nguyễn Thị Yến, Khôi An, Bảo Trân, Thịnh Hương, Ngọc Anh. Tiếp phía sau, cũng từ trái: Phạm Hoàng Chương, Nguyễn Trần Phương Dung, Võ Trang, Bồ Tùng Ma, Kiều Chinh, Nhã Ca, Trần Nguyên Đán, Trần Quốc Sỹ, Trương Ngọc Bảo Xuân, Nguyễn Mão, Thụy Nhã, Nghĩa và Iris Đinh.
***

Thuở còn trẻ, mùa hè với tôi là những buồn vui lẫn lộn.  Vui, vì không phải qua những đêm thức trắng gạo bài cho ngày hôm sau.  Buồn, vì phải xa những người bạn thân trong suốt ba tháng dài lê thê.  Ngày xưa, trong khói lửa và bom đạn chiến tranh, chúng tôi không hề biết đến những "vacation trips" như tuổi trể đang sống quanh tôi bên Mỹ bây giờ.  Cũng chẳng có computers hay cell phones để "chat" và "talk" như con cháu tôi ngày nay.  Mùa hè của tôi thuở đó là những công việc lặt vặt trong nhà, là những lần vô bếp học nấu ăn với mẹ để bị mẹ chê " con gái nấu ăn thế này thì chết với mẹ chồng!". 
Nhưng mấy năm nay mùa hè bỗng mang đến cho tôi nhiều nao nức mong chờ.  Lý do:  tôi đã tham gia nhóm bạn Viêt Bút do tờ Việt Báo khởi động, với những tác giả từng viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ (VVNM) trong chín năm qua.   Ngày nào tôi cũng phải vào email của nhóm để đọc, để "nghe" kể chuyện và đùa vui, tán dóc.  Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.  Chuyện bên Việt Nam, chuyện ở Mỹ.  Nhóm chúng tôi gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi.  Từ một Thuỵ Nhã của tuổi đôi mươi năng động, đến Khánh Vân, Phương Dung và Anthony trong lứa tuỗi "thirty something" mặn mà, "over the hill" như Iris, Duy An, Thanh Mai, Cat Biển, và "xa" hơn nữa như tôi, như Tân Ngố, Bồ Tùng Ma, vợ chồng Sapy DiDi, Phạm Hoàng Chương, Nguyễn Hữu Thời, etc... Nghề nghiệp trong nhóm thì cũng đa dạng.  Nào bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ, thầu khoán, thầy giáo, y tá, thợ nail, chuyên viên lắp ráp điện tử, công nhân, viên chức và quân nhân...
Mỗi năm, cứ vào tháng sáu, bọn tôi bắt đầu xôn xao bàn tán. "Không biết năm nay Ông Từ Giữ Đền và Sư Cô Nhã Ca sẽ mở tịệc phát giải thưởng VVNM ở đâu, ngày nào".  Nhìn lại, giải thưởng VVNM thường được tổ chức vào khoảng hai tuần cuối của tháng tám tại các nhà hàng.  Năm ngoái, ngày trao giải thưởng được tổ chức ở Rose Center Theatre. Năm nay, Việt Báo tham khảo ý kiến của  Việt Bút.  Nhận thấy tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều địa hạt, Việt Bút bèn đề nghị tổ chức ngay tại toà soạn Việt Báo. Cho đỡ tốn kém.  Đề nghị này được "hoan nghênh", và ngày trao giải thưởng được ấn định vào Chúa Nhật, 16 tháng tám, 2009. 
Được biết ngày tháng và địa điểm rồi, nhóm Việt Bút bắt đầu lên chương trình... hành động! Tân Ngố và bà xã O Điểm xung phong đãi mọi người một chầu bún bò Huế, "múc hết hết múc", vào tối thứ sáu ngày 14.  (May quá, không trúng ngày 13!). Ai cũng mong đến nhà Tân Ngố, vì nhà anh có nhiều loại cây trái rất... Việt Nam. Vợ chồng Trần Quốc Sĩ tình nguyện host một party vào tối thứ bảy ngày 15, với bún riêu và các món ăn "tuy chơi mà thiệt". Sợ đông quá chị Hồng lo không xuể, Sĩ đề nghị mỗi người mang theo một món, làm kiểu potluck.  Cho xôm tụ. 
Ban đầu, tôi và Iris dự định đi xe đò Hoàng vào sáng thứ sáu để chiều đến ăn bún bò O Điểm.  Ai dè tôi bị kẹt công việc, đi không đuợc!  Bèn gọi Mão, xin quá giang xe vào sáng thứ bảy. Bọn tôi bốn người đồng hành: Mão, với chồng là Micheal, tôi và Nghĩa, một cô bạn của Mão.  Theo lời đề nghị của Mão, tối thứ sáu tôi và Nghĩa đem "hành lý" tới ngủ qua đêm ở nhà nàng để sáng hôm sau khởi hành sớm. 
Chiều thứ sáu, Mão đón tôi và Nghĩa rồi chở thẳng đến cái Yatch Club nơi Micheal là  hội viên để ăn tối.  Lúc gặp Micheal, da dẻ anh đỏ như con tôm luộc vì cả ngày anh ở ngoài biển tham gia đua thuyền buồm.  Lúc ban tổ chức tuyên bố kết quả cuộc đua, đội của Micheal đứng hạng nhì.  Anh có bẻ bực bội, vì anh cho rằng cái đội được giải nhất đã không đi đúng lịch trình quy định!  Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi hỏi Micheal mấy giờ sáng mai sẽ khởi hành.  Anh bảo, " Ba giờ sáng".  Tôi trợn mắt kinh ngạc, vì lúc đó đã hơn 12 giờ khuya!  Micheal nói anh chỉ cần ngủ vài tiếng là lại sức.  No problem.
Tôi nói nhỏ với Mão, "Ngày mai bồ đừng đánh thức y dậy.  Cứ để cho y ngủ, đi sớm quá không tốt".  Mão bảo, "Hắn tỉnh ngủ lắm.  Để mà coi.  Có cản cũng không được đâu."
Tôi và chị Nghĩa ngủ trên chiếc sofa ở phòng khách.  Mới một giờ rưỡi sáng đã nghe tiếng vợ chồng Mão léo nhéo trong nhà.  Rồi đèn bếp bật sáng.  Micheal chuẩn bị pha cà phê và nướng bánh mì ăn sáng!  Thấy tôi có vẻ không an tâm, Mão trấn an, "Đừng lo. Chả khỏe và tỉnh táo lắm.  Mình để chả lái vài tiếng thôi, khi mặt trời lên, mình take over, cho chả ngủ tiếp". 
Bọn tôi ra đi từ lúc 3 giờ 30 sáng.  Sau ba tiếng đồng hồ, Mão giành lấy tay lái.  Đây là cuộc hành trình mà có lẽ tôi sẽ nhớ suốt đời, vì những câu cãi vã rất buồn cười của vợ chồng Mão! Hễ chồng lái thì vợ chê chồng lái mau, lái "bám đuôi", không an toàn!  Khi vợ lái thì chồng chê vợ nhát và luôn miệng hối thúc vợ phải lái thế này, lái thế nọ...Cho đến lúc Mão sùng quá, la lên: 
- Nè, tui không biết nói tiếng Mỹ, không hiểu tiếng Mỹ!  You im đi, you ngủ đi, để yên cho người ta lái, OK"  Nói nhiều quá, điếc cả tai! 
Micheal cười khì, quay lại phía sau nhìn tôi và Nghĩa, nháy mắt.  Tôi cũng có quen một cặp vợ chồng khác, cứ lên xe là cãi vả ỏm tỏi. Hơn 30 năm qua, họ vẫn cãi nhau và vẫn yêu nhau như ngày...nào!  Làm như là không cãi nhau thì họ không còn yêu nhau nữa hay sao!  
Cuối cùng, bọn tôi cũng đến được Quận Cam lúc 10 giờ sáng, an toàn trên xa lộ!  Trước khi đến khách sạn, bọn tôi rủ nhau đi ăn phở Quang Trung trên đường Westminster.
 Vừa check-in vào khách sạn xong, cell phone của tôi reo inh ỏi.  Iris lên tiếng:
- Chị Thịnh Hưong, đang ở đâu rồi" Đến toà soạn tập hát nghe, tụi em đang đợi!
- Có những ai ở đó"
- Có vợ chồng Anthony, chi Bảo Xuân, Thuỵ Nhã, Phương Dung, anh Thời, anh Trần Nguyên Đán và mấy người nữa.
Ngày mai, CLB Việt Bút có màn hợp ca, hát bài "Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ", một ca khúc mà Anthony đã viết riêng cho ngày phát giải thưởng năm nay.   Bài hát đầy tinh thần yêu nước, khuyến khích mọi người hãy can đảm viết lên những nỗi đau khổ, nhục nhằn của dân tôc để các thế hệ mai sau được biết và tiếp tục đâu tranh cho dân chủ, tự do. Anthony là một nha sĩ, biết viết nhạc, làm thơ  và viết văn,  thích làm việc thiện. 
Chị Trương Ngọc Bảo Xuân, người từng nhận giải chung kết VVNM 2001, giờ là một thành viên của ban giám khảo cuộc thi.  Tôi kéo chị ra khỏi đám đông và nói: "Chị ‘Xưng’ à, để em tiên đoán coi ai là người  được giải nhất, ai là người được giải Việt Bút năm nay..."
Chị Xuân lắc đầu quầy quậy, "Không, chị không cho em biết trước được đâu!  Ông Từ mà biết được, ổng xử trảm chị liền một khi!"
- Uả, em đâu có yêu cầu chị tiết lộ bí mật!  Em chỉ muốn  cho chị biết dự đoán của em thôi mà! 
- Ô, vậy sao"  Em đoán thế nào"
- Này nhé, anh Phạm Hoàng Chương sẽ về giải nhất, thay "Hoa Hậu" Thuỵ Nhã năm ngoái.  Còn giải Việt Bút sẽ về tay anh Trần Nguyên Đán!
- Ơ... ngày mai sẽ biết em trật hay...sai!  Sorry nghe em!
Sau mấy màn chụp hình lưu niệm, bọn tôi ra về, hẹn tái ngộ tại nhà anh Sĩ lúc 5 giờ chiều.  Trong lúc chụp hình, tôi đứng bên Tân Ngố.  Hắn đã cao, lại đứng trên thềm nha, nên cái bản mặt tôi ngang tầm nách hắn!  Chụp hình xong, tôi ghẹo Tân:
- Ủa, sao tôi nghe có mùi gì hôi hôi...!
Tân đáp tỉnh bơ, như người Hà Nội:
- Hôi đâu mà hôi!  Tôi mới tắm cách nay có một tuần!
Tôi quay sang, mách O Điểm:  "Tôi mà nói chuyện với Tân Ngố một chặp, thế nào cũng bị ngố luôn". 
Tại nhà anh Sĩ, bọn tôi ăn uống linh đình.  Sinh nhật vợ anh vào ngày hôm sau, nhưng anh "surprise" chị bằng một ổ bánh và những bài ca tình tứ do anh sáng tác và hát tặng vợ.  Sĩ cũng tổ chức tặng quà cho những người đang hiện diện. Quà tuy đơn sơ, nhưng mang nhiều bất ngờ.  Tân Ngố gặp may, bốc trúng một túi có... một tờ một trăm đô, một tờ 10 đô, và ...mấy trái ớt chỉ thiên.  Riêng tôi, được một tầm vé số.  Nhưng hôm sau dò, vé không trúng giải nào! Thế là mộng đi Hawaìi tập thể không thành, các bạn ơi!  
Sân sau nhà anh Sĩ có một hàng rào tre rất cao.  Lúc mọi người trầm trồ khen tre đẹp, anh vội vàng lắc đầu, vẻ mặt không vui:
- Nếu ai đang có ý trồng tre làm hàng rào, tôi xin can!  Đừng bao giờ nghĩ đến!  Cái hàng rào này là do người hàng xóm Mỹ họ trồng, sau khi bọn tôi cất nhà, lên lầu.  Có lẽ họ sợ mình đứng trên lầu nhìn sang nhà họ, mất "privacy", cho nên họ vội mua tre về trồng, làm hàng rào.  Trời ơi, lá tre khô rụng xuống đầy sân cỏ nhà mình, mỗi tuần phải quét, hốt đầy mấy bao rác!  Tức mà không nói được. 

*


CHÚA NHẬT, 16 THÁNG TÁM.  Chín giờ sáng, "tứ quái San Fran" đưa nhau đi ăn phở Lý Thái Tổ trên đường First, cũng là khúc "nối ruột" của đường Bolsa, nhưng nằm trong thị xã Santa Ana.  Nói là đi ăn phở nhưng tôi và Mão lại order bánh cuốn tráng tay nhân thịt.  Ngon  tuyệt!  Bụng dạ no nê, bèn rủ nhau đi Laguna Beach, vì hai giờ chiều mới phải có mặt ở tòa soạn Việt Báo.  Lúc trở về, Micheal đề nghị đi dọc con đường PCH [Pacific Coast Highway] để tiếp tục ngắm biển.  Micheal là người mê tầu, thích đua thuyền, nên hễ thấy một Yatch Club nào dọc đường đi là anh ta ghé vào, mặc kệ vợ cằn nhằn, giận dỗi!  Chúng tôi có hẹn sẽ ghé thăm "tệ xá" của Anthony vào lúc một giờ, rồi sau đó sẽ cùng nhau đến tòa soạn.  Một giờ thiếu 15 mà Micheal còn đang la cà ghi danh tại một Yatch Club, Mão phải gọi điện thoại cho Anthony, xin... hủy cuộc hẹn.  Micheal biết lỗi, phóng xe như bay về khách sạn.   Chiều nay anh ta cũng là một thành viên của ban đồng ca Việt Bút để hát bài Hành Khúc Viết Về Nước Mỹ.  Do đó mà anh được tặng biệt danh "người con rể của Việt Bút". 
Cuối cùng, tụi tôi cũng tới toà soạn đúng giờ ấn định.  Hú vía!  Micheal đậu xe cách toà soạn mấy chục mét.  Tới nơi, mới biết là Việt Báo có mướn nhân viên đậu xe valet miễn phí cho khách mời. Vừa thấy bọn tôi bước vào hội trường, chị Nhã Ca đến đón với nụ cười hiền hậu.  Chị thì thầm hỏi tôi và Mão, " Sao hai em không diện áo dài để hát"".  Tôi buồn bã, "Chị ơi, năm nay em hơi bị  xổ sữa , cái áo dài nào nó cũng chê".
Chị bảo, "Chị có nhiều áo dài trong văn phòng, hai em cứ vô lựa, cái nào vừa thì mặc".  Tôi ngẩn ngơ nhìn chị, không biết nói sao!  Tôi cao và mập hơn chị... Một cô nhân viên Việt Báo trong tà áo dài mầu đỏ trầu đứng gần bên, như đọc được ý nghĩ của tôi, nên cô nói, "Cô ơi, áo cô Nhã may rộng lắm, ai mặc cũng vừa".
Theo hướng dẫn của Phương Dung (về từ Florida), tôi và Mão vô văn phòng chị Nhã, trong bụng bán tín bán nghi cái câu nói "ai mặc cũng vừa".  Bọn tôi ôm mấy bộ áo dài của chị Nhã đi mặc thử.  Mão nhỏ con, lựa được một chiếc áo dài có hoa xanh, rất đẹp và vừa vặn.  Còn tôi, lựa mãi mới được một bộ lụa mầu xám bạc,  đành mặc nguyên chiếc váy dài đen của mình bên trong chiếc áo dài tha thướt.  Iris an ủi tôi:
"Không sao, chị Thịnh Hương!  Mode bây giờ nhiều người mặc áo dài với... váy"!
Vậy mà lúc lên sân khấu, nàng lại sắp tôi đứng hàng đầu.  Tôi nhìn xuống dưới, thấy ánh mắt "thông cảm" của chị Nhã, lấp lánh chút xíu..."buồn cười". 
Nói về chiếc áo dài của Mão đang mặc:  Vừa thấy Mão trở lại hội trường, chị Nhã vội vàng nói nhỏ, "Em ơi, em lựa cái áo khác được không"  Cái áo này là của Khánh Ly, lát nữa cô ấy sẽ mặc lên hát".  Mão vội quay về văn phòng, nhưng trở lại trong vòng vài phút.  "Ủa, sao vẫn chưa thay áo khác"" Tôi hỏi,  Mão trả lời, "Cô Khánh Ly đang ở trong đó, cho phép Mão cứ mặc, vì cổ còn một áo khác".  Ừa, mà sao Mão có nhiều nét giống chị Khánh Ly. Giống nhất là cái miệng có duyên khi nói.
Buổi lễ trao giải thưởng bắt đầu đúng giờ quy định.  Mở đầu là phần chào quốc kỳ Mỹ và VNCH. Sau đó, hai MC Thuỵ Trinh và Nguyễn Ngọc Bảo (đến từ Houston)  giới thiệu các nhân vật trong chính quyền và những mạnh thường quân đã tích cực ủng hộ giải thưởng VVNM trong những năm qua, trong đó có cả anh Hoàng, chủ hãng xe đò Hoàng mà tôi và Iris là khách hàng thường xuyên mỗi dịp có việc phải xuống Quận Cam mà làm biếng lái xe.  Đặc biệt là Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, người đã gắn bó với Giải Thưởng VVNM trong nhiều năm.  Các em thiếu nhi viết văn Việt dược trao giải thưởng đầu tiên.  Rất cảm động khi thấy các em được sinh ra, lớn lên trên đất Mỹ mà còn nói và viết tiếng Việt rất hay, rất rành rẽ.  Sau đó là phần trao giải thưởng cho những cây bút người lớn, Viết Vế Nước Mỹ.  Trong bài này, tôi xin phép không nhắc lại những tên tác giả đã nhận giải thưởng năm nay, vì Việt Báo và các thông-tấn-xã đã có đăng tải đây đủ.  Ngoài ra, anh Phạm Hoàng Chương cũng đã có bài viết khá đầy đủ về những tác giả và tác phẩm được lựa chọn. 
Tôi rất vui là đã đoán trúng tên hai người lãnh hai giải thưởng lớn, đó là giải nhất về tay anh Phạm Hoàng Chương (Giải này nhóm Việt Bút thường gọi đùa là giải Hoa Hậu), và giải Việt Bút về tay anh Trần Nguyên Đán, người về từ xứ Cowboys Fortworth.  Chị Bảo Xuân bảo tôi,  "nhỏ này thông minh... thiệt!"
Khi nghe tôi "khoe" tôi đoán trước anh sẽ đoạt chức "Hoa Hậu" năm nay, anh Chương bảo tôi, "Chắc dễ đoán lắm hả, Thịnh Hương""  Tôi trả lời, "Dễ mã không dễ, vì có nhiều người cũng nổi bật lắm.  Nhưng anh nổi hơn". 
Năm nay, giải thưởng được tổ chức ngay tại tòa soạn để tiết kiệm chi phí.  Tuy không được rộng rãi như mấy năm trước tại nhà hàng, nhưng tình thân lại đậm đà hơn, việc tiếp xúc giữa các tác giả mới cũ được thoải mái và tự nhiên, theo tinh thần "cây nhà lá vườn", "ao ta ta cứ việc...tắm" .   Trong lúc trao giải thưởng, ghế được kê sát nhau cho đủ chỗ ngồi cho lượng khách mời.  Vậy mà vừa xong phần giải thưởng, bàn ghế được nhân viên sắp xếp rất nhanh chóng, trở thành một phòng ăn rất đông đảo và ấm cúng.  Các tác giả cũ mới đến làm quen, xin chữ ký của nhau trong không khí hứng khởi và thân thiện.  Tôi ngồi chung bàn với một tác giả mới, Khôi An, và cô bạn của nàng.  Khôi An còn trong tuổi đôi mươi, rất dễ thương, và cũng đến từ San Francisco như tôi.  Hy vọng sẽ còn dịp gặp lại tác giả của "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình."
Năm nay, một "việc lạ" được bật mí.  Đó là chị Khánh Ly đã trình bầy hai ca khúc mới, "Anh Yêu Em, Vậy Thôi" và "Nụ Cười Trăm Năm".  Tuổi tác không làm cho giọng hát của chị suy giảm, mà hình như hôm nay tiếng hát của chị nồng nàn hơn, mạnh mẽ hơn.  Tôi nghĩ không gian nhỏ bé mà ấm cúng của căn phòng đã làm giọng chị thêm gần gũi và truyền cảm.  Chị hát với sự phụ hoạ guitar của Kim Tuấn và cây vĩ cầm của Luân Vũ, con trai của họa sĩ Trịnh Cung.  Mỗi bài hát đều được khán giả vỗ tay tán thưởng rất nồng nhiệt.  Tán thưởng cả ca sĩ lẫn tác giả.  Tác giả hai bài ca này không ai khác hơn là Trần Dạ Từ. Chị Khánh Ly tiết lộ là chị đang chuẩn bị phát hành CD "Nụ Cười Trăm Năm", với mười ca khúc của anh Từ. Hầu hết là những ca khúc anh đã soạn trong 13 năm tù.  Riêng bài "Nụ Cười Trăm Năm", chị Khánh Ly còn nói "Bài thơ này làm lúc anh chị Từ Nhã còn trong lứa tuổi năm mươi. Nay thì nụ cười trăm năm đó đã là "Nụ Cười Trăm Tư". Mọi người cười vang với câu diễu dễ thương của chị.
Tôi rất thích "Nụ Cười Trăm Năm"... Mỗi lần ra đường thấy những cặp vợ chồng già lẩy bẩy đi bên nhau tôi cảm động muốn khóc.  Mẹ tôi góa chồng sớm.  Bao nhiêu năm qua mẹ một mình, hiu hắt, oằn vai nuôi con trong những năm dài đen tối. Mẹ nhiều lần đăm chiêu bảo tôi, "Thương bố các con quá.  Mất đi khi các con chưa gởi được quà về giúp đỡ.  Giờ này mẹ được ăn ngon mặc đẹp nhưng nhiều khi ăn mẹ lại mắc nghẹn.  Giá như ông ấy còn sống để được chung hưởng...".  Nước mắt tôi chảy ngược vào tim vì thương mẹ, thương cha. Hôm qua lúc ăn phở Quang Trung, thấy hai cụ lớn tuổi dắt nhau vào ăn sáng, bước đi chậm chạp, tôi cảm động đến nghẹn ngào. Tôi muốn đến chào hai cụ, muốn đãi hai cụ bữa ăn sáng, mà không dám.  Nhìn hai cụ, tôi ước gì mình cũng được về già với một người... Được ngồi đếm những sợi gân trên bàn tay nhau.  Được ngồi vuốt làn da nhăn nheo trên má nhau.  Hạnh phúc lớn lao thay những đôi vợ chồng được về già với nhau.

*
THỨ HAI, 17 THÁNG TÁM.  Tứ quái San Fran chuẩn bị về nhà.  Iris muốn cùng đi chung để làm một chuyền xe năm người, nên Micheal chở ba người đàn bà nhiều lời đến nhà Tân Ngố. Đêm qua, Thuỵ Nhã và Iris đã... overnight ở đây.  Bọn tôi hụt ăn Bún Bò O Điểm đêm thứ sáu, đang tiếc hùi hụi, thì O Điểm tuyên bố, "Tui còn bún bò dư, dư mà ngon, vì bún bò hâm đi hâm lại mới thấm". Tám người, còn đủ tám tô.  Ngon hết xẩy con cào cào.  Ăn xong, Tân Ngố đem tụi tôi ra vườn, khoe mấy bụi chuối không còn trái, mấy cây nhãn đang ra quả vài tháng nữa mới có ăn, cây khế đang trổ bông... Rau thì đủ thứ hầm bà lằng, nào rau dền, rau đay, rau mồng tơi, rau đắng, rau dấp cá, rau răm  (rau này, Tân Ngố nói, để chữa bịnh đàn ông có máu D).  Trước khi chia tay, Tân đưa bọn tôi ra cây ngọc lan trồng trước nhà.  Y bắc ghế, leo lên haí hoa tặng ba quái nữ San Fran. 
Sau ba ngày, hai chặng đường đi về xa xôi từ Bắc xuống Nam, mà chiếc xe năm người chẳng mỏi mệt.  Vừa đi đường, vừa bàn chuyện hội ngô năm tới, vừa cười òa mỗi lúc vợ chồng Mão cãi vã vì... tranh tài lái xe cao thấp.  
Chưa về đến San Francisco, tôi đã nghe tiếng Bồ Tùng Ma réo rắt trong cell phone:  "Các bạn của tôi ơi, mỗi năm ngưu lang chức nữ gặp nhau một lần... Không gặp thì thôi, gặp rồi lại phải tần ngần nhớ nhau"
Năm hôm sau, Bồ Tùng Ma lại lên tiếng trên diễn đàn:  "Các bạn ơi, mới xa nhau  năm ngày... Còn ba trăm sáu chục ngày nữa mới được gặp lại."
Cám ơn Việt Báo, cám ơn Viết Về Nước Mỹ đã cho chúng tôi những mùa hè tuyệt diệu và những người bạn thân thương.  Chúng tôi mong chờ và chào đón các bạn mới!
THỊNH HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,057,194
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến