Hôm nay,  

Chim Xa Rừng

21/06/200600:00:00(Xem: 235144)

Người viết: KAREN N. NGUYEN

Bài số 1038-1647-360-vb3200606

*

Karen N. Nguyen , sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ và đã được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ 2004.

Bài mới nhất của cô lần này là chuyện về một cô bé miền núi Việt Nam, con nuôi một gia đình Mỹ.

*

Pharmacy ngày thứ Bảy khách không đông lắm, nhưng cứ đều đều, đều đều, 10, 15 phút lại có người đem toa đến hoặc đến để trả tiền, lấy thuốc. Hôm nay mấy người cashier của Pharmacy xin nghỉ hết, thành ra  ông manager của tiệm đưa một cô bé cashier ở phía trên xuống để phụ với Kim. Bảng tên trên áo cô bé có chữ Lillian. Cô bé  da ngăm ngăm, tóc đen dài đến ngang thắt lưng, gương mặt thanh tú, dáng người nhỏ nhắn như một con búp bê.

Cái máy ở quầy pharmacy hơi khác so với mấy cash register của tiệm, thành ra Kim phải đi ra chỉ cho Lillian khi khách đưa tiền mặt thì nhấn nút nào, đưa credit card, debit card thì làm sao, ký check, thì phải làm gì. Đứng cạnh Lillian, Kim bỗng nhiên thấy mình hôm nay sao cao lớn vô cùng, bởi cô bé Lillian chỉ cao đến ngang vai của Kim thôi, và Kim phỏng đoán tính  theo thước tấc Việt Nam thì chắc cô bé cao chừng 1mét 45 là giá chót! Sao ở Mỹ mà con bé nhỏ quá vầy nè, Kim nghĩ trong đầu trong lúc nói chuyện với Lillian. Cô bé ngước mắt nhìn Kim, tròng mắt xanh thẩm màu nước biển. Chắc con bé đeo contact lens, Kim nghĩ trong đầu.

Buổi sáng thứ Bảy trôi qua khá nhanh, mấy lần Kim đi ra nơi bán thuốc over counter trả lời mấy câu hỏi của khách hàng về thuốc trị đau bụng, nhức đầu, sốt, ho, v…v…  đến chừng Kim trở lại Pharmacy, Kim nhận thấy Lillian nhìn nhìn theo Kim. Con bé có điều gì thắc mắc mà không nói ra vậy kìa, Kim thầm nghĩ trong đầu, nhưng rồi công việc ở pharmacy bận rộn làm Kim quên bẵng đi.

 Có một bà khách da trắng, tóc vàng đến quầy pharmacy, nói gì đó với Lillian, rồi sau đó quay đi. Lillian quay vào Pharmacy, nói với Kim:

- Mẹ em đó Kim.

Mẹ của Lillian" Kim ngẩn người, nhìn theo bóng bà khách đi khuất dần qua mấy quầy frozen food gần đó. Sao con bé không giống mẹ nó chút nào hết trơn vậy kìa" Hình như đoán được câu hỏi trong đầu Kim, Lillian nói ngay:

- Em là con nuôi. Bố mẹ em qua Việt Nam xin em về hơn mười năm trước.

Lillian làm cashier ở phía ngoài, lâu lâu mới vào làm ở pharmacy. Những lúc rảnh rỗi, những lúc đó hiếm khi xảy ra, Lillian bắt đầu kể cho Kim nghe những mẩu chuyện nho nhỏ. Tiếng là gốc Việt Nam, nhưng Lillian không biết tiếng Việt, hoàn toàn  không biết tiếng Việt. Cô bé kể cho Kim nghe băng tiếng Anh.

Mẹ em sinh đứa con đầu lòng lúc bà mới có 13 tuổi, đến lúc mẹ em sinh em thì bà đã 40 tuổi. Em có 8 anh chị, người chị lớn nhất của em cũng sinh con cùng năm với em. Đến năm em lên 2 tuổi thì mẹ em mất. Bố em mất sau đó mấy tháng. Lúc đầu chị lớn của em đem em về nuôi, nhưng nhà chị nghèo, không thể kham nổi 1 miệng ăn nữa, thành ra chị em đem em qua gởi cho gia đình cô chú của em. Cô chú của em cũng không khá giả gì, cuối cùng cô chú quyết định đem cho em vào trại mồ côi lúc em có 3 tuổi gì đó. Em không nhớ rõ lắm về thời gian này, mà chỉ nghe mấy cô giáo ở trại mồ côi kể lại cho em nghe mà thôi.

Da em đen quá Kim há, nhiều đứa bạn học trong trường cứ nghĩ em là gốc Bangladesh hay Ấn Độ, hay Campuchia, tụi nó không nghĩ là em là người Việt Nam, bố mẹ em, cô chú em, các anh chị của em ở vùng núi, nói tiếng người bản xứ của vùng núi, đến chừng em vào trại mồ côi thì được các cô ở trong đó dạy tiếng Việt. Qua Mỹ em quên  tiếng Việt hết trơn, mấy đứa bạn Việt Nam trong high school nói tụi nó sẵn lòng dạy em tiếng Việt, em có nghe, có thử học tiếng Việt với tụi nó mà em chẳng hiểu gì hết, lưỡi em nói tiếng Việt hết quen rồi.

Nói tiếng Việt không quen, đọc tiếng Việt không được, nhưng em ăn được đồ ăn Việt Nam đó Kim. Em không có đọc được mấy thực đơn tiếng Việt ở ngoài chợ Việt Nam đâu, nhưng em đọc mấy phần tiếng Anh trong đó, rồi gọi món ăn. Mấy món nào ở trong quầy mà em không biết tên gì thì em chỉ, this one, that one. Em ăn cơm, em ăn nước mắm được. Boyfriend của em không phải Việt Nam, nhưng còn biết rành tên mấy món ăn Việt hơn em nữa kìa, vì có chơi chung với mấy bạn Việt Nam khác trong high school.

Ồ, em tính nghỉ chơi với boyfriend hiện nay của em đó Kim, nhưng em phải kiếm anh nào để đi dự prom với em, thành ra em cũng chưa dứt khoát. Áo mặc đi dự prom em chưa có, em còn đang đi tìm. Tìm áo xong em còn phải tìm đôi giầy nữa. Bây giờ đi tìm boyfriend mới nữa thì mất công quá xá Kim ơi.

 

Em nhìn tên Kim trên áo của Kim, em biết Kim là người Việt qua cái last name của Kim. Bạn high school của em cũng có đứa có cái last name đó. Kim có biết làng "SON TAN" ở Việt Nam không" Đó là quê của em, của các anh chị em, của cô chú em đó Kim. Ngày em từ giã trại mồ côi, theo bố mẹ nuôi đi Mỹ, em tặng lại tấm hình đó cho cô chú và các anh chị để họ nhớ tới em. Bây giờ em muốn nằm mơ gặp lại cô chú, anh chị của em cũng khó, vì em quên mất mặt mũi cô chú, anh chị của em rồi, chỉ nhớ mang máng mà thôi. Em có về Việt Nam tìm gặp lại họ, chắc em cũng khó mà nhận ra lắm Kim ơi.

Em không biết địa chỉ của cô chú em, của anh chị ở Việt Nam. Em có hỏi thử bố mẹ của em, nhưng ông bà nói là không biết. Cái tên làng "SON TAN" là do chú em viết trên một mảnh giấy nhỏ đưa cho em ngày em rời trại mồ côi, em cất trong túi áo, rồi em lấy ra đọc, tập viết lại và ráng nhớ vào đầu, cứ như vậy năm này qua năm khác. Kim ơi, liệu chỉ có cái tên làng, ngày nào đó em có về lại Việt Nam tìm gặp được người thân của mình không hả Kim"

Ngày nào đó em sẽ làm đám cưới, ngoài bố mẹ em, em muốn có cô chú em, anh chị em ở bên cạnh em trong đám cưới của em đó Kim.

Em thích vẽ. Năm nay học hết high school em định vào college học về computer graphics. Bây giờ học lớp 12, bài vở nhiều, rồi còn đi làm cashier ở tiệm, thành ra em ít có thời gian rảnh hơn mấy năm trước. Dạo trước em rảnh là hay đáp métro vào trong Washington, DC. ghé mấy viện bảo tàng xem triển lãm tranh với mẹ em. Rồi mẹ em với em ra tiệm, mẹ em mua cho em giấy vẽ, bút chì, cọ, màu nước. Bố mẹ em mong em ráng học, thi SAT điểm cao, rồi vào học university hay college. Chuyện em đi làm cashier ở tiệm, bố mẹ em không thích lắm, nhưng em muốn có chút tiền xài vặt mà không phải xin bố mẹ em, thành ra bố mẹ em cho em đi làm một tuần có 2 buổi, 1 buổi 4 tiếng mà thôi. Lâu lâu tiệm cần cashier ngày thứ Bảy hay Chủ Nhật thì em làm thêm. Em có bằng lái xe, nhưng bố mẹ chưa cho em lái xe một mình. Năm ngoái em mới có bằng lái, lái xe chở mẹ em đi gặp trời mưa, đường trơn, em đạp thắng, xe quay đúng 1 vòng 360 độ trên đường, may mà lúc đó không có xe nào khác chạy qua đó Kim. Bố mẹ em đến bây giờ vẫn thay nhau chở em đi học, chở em đến tiệm làm, rồi đón em về.

Tuần tới spring break bố mẹ em sẽ dẫn em đi cruise 1 chuyến. Jamaica cruise. Năm nào bố mẹ cũng dẫn em đi chơi chỗ này chỗ kia. Đi New York, đi California, đi Florida, đi Canada, đi Mexico… đi rất nhiều nơi, nhưng có một nơi em không dám hỏi xin bố mẹ em để ghé thăm, là Việt Nam. Em muốn về Việt Nam một chuyến thăm người thân của em, nhưng chắc là lâu lắm em mới thực hiện được mục đích này. Ngày nào đó biết đâu em sẽ vê Việt Nam, nhưng người thân bên nhà liệu có còn nhớ gì đến em không hả Kim" Em không biết nói ngôn ngữ của người miền núi, em không biết nói tiếng Việt, vậy thì làm sao đây"

Cả gần hai tháng trời, lâu lâu Kim mới có dịp làm chung với Lillian, và lâu lâu pharmacy mới có dăm phút không bận rộn để Lillian kể cho Kim nghe về chuyện trường, lớp, bạn bè, và ký ức nhỏ nhoi về một thời rất xa, xa lắm rồi ở Việt Nam.

Hôm nay lễ phục sinh, Easter Sunday. Chủ Nhật ngày lễ thành ra pharmacy lại không bận lắm, Kim nói Lillian đi lau chùi mấy cái kệ bày mắt kiếng mát ở phía ngoài cho sạch sẽ, sắp xếp lại mấy cái kiếng mát đâu ra đó trên kệ, rồi nếu còn rảnh rỗi thì đi lau chùi bụi cái máy đo huyết áp ở góc phòng, dọn dẹp pharmacy lại cho sạch sẽ. Lillian là cashier của tiệm, chứ không phải của pharmacy, để con bé đứng ở quầy pharmacy không làm gì hết lúc pharmacy không có khách thì sẽ có chuyện nếu David, ông assistant manager của tiệm nhìn thấy. Pharmacy mà không có việc cho cashier làm thì hỏi xin giờ cashier của tiệm để làm gì, David sẽ nói như vậy, và sẽ làm vương làm tướng phô trương cái oai quyền xếp thời khóa biểu của mình ra, làm khó dễ pharmacy một chập rồi mới giả đò nhân nhượng cho vài giờ cashier khi pharmacy cần giúp.

Pharmacy hôm nay đóng cửa lúc 4 giờ chiều. Từ sáng tới giờ fill chưa tới 60 toa thuốc. Slow day, Kim nghĩ.

Ba giờ rưỡi chiều, Kim ra đứng ở phía ngoài pharmacy counter với Lillian, xem nếu có khách đem toa thuốc đến mà mình không có thì nói ngay, để họ đi tiệm khác, hay khách cần mua thuốc gì ở ngoài thì mình giúp cho nhanh. Lillian, sau khi quét dọn pharmacy và lau chùi mấy cái kệ gần đó, sắp xếp hàng hóa đâu ra đó, bây giờ đang đứng ở quầy pharmacy, hý hoáy vẽ cái gì đó trên 1 tờ giấy, Kim liếc nhìn vào, ồ, con bé vẽ hình một cây cầu gỗ bắc qua một con suối nhỏ, mấy nét vẽ bằng bút chì vậy chứ ngó sinh động vô cùng, Kim có cảm giác như nước đang chảy róc rách dưới chân cầu vậy.

Lillian ngước lên nhìn Kim, con bé hôm nay không có đeo contact lens màu xanh nước biển sậm nữa. Hai tròng mắt đen nâu, vành mi cong vút.

Em nhớ mang máng trong đầu hồi em còn nhỏ ở với cô chú, gần nhà có con suối, cô chú cấm không cho em ra đó chơi vì sợ em té xuống rồi chết đuối, nhưng em cứ hay lén ra đó hoài, Lillian nói với Kim, vọc tay xuống nước ở gần bờ, tìm mấy cái vảy vàng nhỏ xíu lẫn với cát, lâu lâu tìm được một cái là em vui không biết đâu  mà kể. Con bé xoay xoay cây viết chì đen trong tay, tô đậm thêm chút nữa cái sườn của cây cầu gỗ.

Anh Lâm ở bên hàng thịt đẩy ra một xe thịt to tướng, rồi bắt đầu chất mấy cái khay thịt lên kệ. Xong việc, anh Lâm tạt qua pharmacy, nói với Kim bằng tiếng Việt: "Hôm nay ế quá, thường ngày Chủ Nhật thịt cắt không kịp bán, hôm nay thì ngược lại, chắc chút nữa tui đi về sớm!"

Kim nói lại bằng tiếng Anh với Lillian câu anh Lâm vừa nói. Lillian gốc Việt Nam, Kim nói với anh Lâm, nhưng con bé không biết tiếng Việt. Ồ Lillian gốc Việt Nam hả, vậy là đồng hương rồi, anh Lâm nói, Lillian quê ở đâu vậy, anh Lâm hỏi. Kim dịch câu hỏi của anh Lâm cho Lillian nghe. Con bé viết 2 chữ "SON TAN" ra tờ giấy, đưa cho anh Lâm, hỏi anh Lâm có biết cái "village" đó ở đâu không. Kim giải thích cho anh Lâm nghe là Lillian gốc ở vùng núi có lẽ ở miền Trung Việt Nam thì phải, theo như lời con bé kể cho Kim. Ái chà, coi bộ khó đó nghe, anh Lâm nói. Gia Lai, Kom Tum, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Đắc Lắc, vô số nơi, anh Lâm kể ra một tràng, và Kim thấy hai mắt con bé Lillian tròn xoe ngẩn ngơ. Không biết ở tỉnh nào hết thì kiếm cái làng đó coi bộ hơi khó, anh Lâm nói, Sorry nghe Lillian.

Khó là cái chắc, Kim nghĩ, khi cô bé Lillian không biết tiếng Việt. Nhưng vẫn có thể tìm ra được, anh Lâm bàn với Kim, nếu như Lillian có thể liên lạc với trại mồ côi ngày xưa đã nuôi cô bé. Trong óc Kim bỗng tưởng tượng ra cảnh một ngày nào đó cô bé Lillian quay trở lại Việt Nam, tìm đến trại mồ côi ngày xưa, hỏi dò được tên ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của mình, rồi tìm về nơi đó, gặp lại họ hàng của mình, những người thân mà cô bé không còn nhớ rõ mặt mũi và không còn chia xẻ một ngôn ngữ…Mấy câu trong một bài hát văng vẳng trong đầu Kim:

"Chim ơi chim xa rừng, thì chim thương núi nhớ non, người cách xa cội nguồn, người cách xa cội nguồn, ôi đâu còn có gì buồn hơn, ôi đâu còn có gì buồn hơn….."

A, pharmacy hôm nay không có việc gì làm, không có toa để fill hay sao mà túm tụm đứng nói chuyện tào lao như thế này vậy kìa! David, ông assistant manager của tiệm đi dạo vòng quanh tiệm, đi ngang pharmacy thấy anh Lâm đang đứng nói chuyện với Kim và Lillian thì tạt vào, bắt đầu phô trương oai quyền của mình. Kim liếc nhìn đồng hồ, từ lúc anh Lâm xếp thịt xong, qua pharmacy nói chuyện với Lillian và Kim, đến lúc David sà tới, có chừng 5 phút. Với David, ai đi làm ở tiệm thì bao giờ cũng phải bận rộn, làm việc không ngơi tay cho đến khi lấy break đi restroom hay nghỉ ăn lunch. Pharmacy không nằm trong sự lãnh đạo của David, nên ông ta không làm khó dễ gì Kim được nhưng Lillian là cashier của David, thành ra ông ta bắt đầu lên giọng:

- Lillian, tại sao đang làm việc mà cô lại đứng nói chuyện tán dóc như vậy" Tôi mà thấy cô xao lãng công việc, đứng nói chuyện trong lúc làm việc như vậy nữa là tôi có thể cho cô nghỉ việc đó nghe. Chốc nữa 4 giờ chiều xong ca ở pharmacy thì cô thu xếp đi về nhà đi nghe chưa.

David quay đi, không màng đến mấy lời Kim nói là con bé Lillian hôm nay suốt mấy tiếng đồng hồ lau cái quầy trưng bày kiếng mát sạch sẽ, xếp gần cả trăm cái kiếng mát lại gọn gàng, đâu ra đấy, rồi còn lau chùi pharmacy sạch bóng. Bắt quả tang đứng nói chuyện trong giờ làm việc, phạt không cho làm tiếp chiều nay, ý của David là vậy. Tiệm hôm nay không có đông khách, thế nào thằng David cũng cho vài người cashier về sớm để tiết kiệm tiền trả cho nhân viên hôm nay, vì ai làm hôm nay thì được trả gấp rưỡi ngày thường, anh Lâm nói với Kim, nó kiếm chuyện để cắt giờ của con bé Lillian đó thôi. That's Ok, Lillian nói với Kim và anh Lâm. Bốn giờ chiều, con bé mang cái khay tiền và credit card receipts lên trên office. Lúc Kim ra bãi đậu xe, thấy cái dáng nhỏ xíu của Lillian đứng ở ngoài cửa tiệm, cái cell phone áp vào lỗ tai. Chắc con bé gọi về nhà cho mẹ nó lái xe ra đón, Kim đoán.

 

Kim ơi, còn có 2 tuần nữa là prom rồi, mà em chưa kiếm ra áo để mặc. Em mặc áo size 2, kiếm cũng khó. Mẹ em nói bà chỉ có thể chi ra đến 200 dollars để cho em mua cái áo prom thôi. Em để giành được chút đỉnh tiền để mua đôi giày, nhưng em phải chọn áo màu gì trước rồi mới mua đôi giày cho khớp.

Kim ơi, em định cài hoa lên tóc ngày em đi prom đó, nhưng em sợ hoa tươi nó sẽ bị héo đi thôi, em định mua mấy cây kẹp tóc rồi mua hoa về cài trứơc xem sao. Ái chà, chưa có cái áo, em không biết phải chọn hoa màu gì nữa, boyfriend của em không biết mua cái corsage có hoa gì để em đeo vào tay đi dự prom, em phải ra tiệm bán hoa hỏi người ta rồi dăn người ta loại hoa nào em thích để họ làm cái corsage, boyfriend của em chỉ đến đó trả tiền thôi. Sam boyfriend, tụi em có gây lộn, cãi vả chút đỉnh, nhưng bây giờ thì hòa trở lại rồi.

Kim ơi, Kim có tiền không, cho em mượn chừng 10, 15 dollars, em quên cái bóp ở nhà rồi. Hôm nay là Mother's day, em muốn mua hoa tặng cho mẹ em. Em có mua cái thiệp rồi, để ở nhà. Em sợ chốc nữa 7giờ tối xong ca sẽ không còn hoa đẹp, em muốn mua một chục hoa hồng cho mẹ em. Kim thấy cái lọ hoa với hoa hồng quảng cáo trong tờ báo không, em muốn mua cái lọ hoa y như vậy đó. Trên flower shop của tiệm còn mấy cái, chị bán hoa nói em mua rồi chị cất ở bên trong quầy cho em, tan ca em lấy.

Bây giờ em phải viết ra giấy những gì cần làm nè Kim, em hay quên lắm. Chốc nữa em phải nhớ lấy cái lọ hoa cất ở bên trong flower shop, thứ Sáu này em làm cashier ở pharmacy thì em  phải nhớ đem tiền trả cho Kim, về nhà em phải nhớ lấy tấm thiệp em mua cho mẹ em ra để tặng cùng với lọ hoa… Kim thấy hoa đẹp không" Em lựa quá chừng đó Kim.

Kim ơi, tháng Sáu này em lấy vacation 2 tuần. Bố mẹ em thưởng cho em tốt nghiệp high school, cho em đi chơi xa một chuyến, em có thể chọn hoặc đi về Việt Nam hoặc là đi England. Em có quen một cô bạn ở Anh cách đây 2 năm ở summer camp, tháng Sáu này em sẽ qua bên Anh thăm bạn em, và ở tại nhà bạn em 2 tuần. Nhà bạn em không ở ngay London, mà ở phía trên London chừng 2 tiếng lái xe. Em 18 tuổi rồi, bố mẹ em cho em đi chơi xa một mình. I am excited, em mong đến ngày em đi vacation quá Kim ơi.

Lillian,

Bây giờ thì bố mẹ cho Lillian về Việt Nam rồi đó, bao giờ thì Lillian quyết định sẽ về Việt Nam"

Karen N. Nguyen.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,975,034
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến