Hôm nay,  

5 Giò Ở Hán Thành Trên Đường Bay Về Mỹ

13/12/200200:00:00(Xem: 132354)
Người viết: MINH TÂM
Bài tham dự số: 376-685-vb61213

Đây là một du ký đặc biệt do tác giả Minh Tâm chuyển tới. Nội dung kể chuyện giữa đường bay từ Việt Nam-Hoa Kỳ mà hàng ngày nhiều người Việt đang trải qua: một chuyến du hành thăm thủ đô Hàn Quốc.

PHOTO: Nhà Bảo Tàng Dân Tộc Đại Hàn và Trung Tâm Hán Thành (Seoul)

Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Inch'on (Đại Hàn), tôi cứ lo là không biết khi mình ra khỏi phi trường thì có ai đón hay không.
Tôi có 8 giờ ở đây (từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều) để chờ chuyến bay trở về Mỹ. Lúc mua vé thì hãng lữ hành có nói là sẽ có người đưa đi chơi Hán Thành (Seoul) trong thời gian chờ đợi. Nghe nói thì để đo,ù chớ mua vé của hãng Asiana (Đại Hàn) thấy cũng rẻ thì đâu mong đợi có thêm một chuyến tham quan thành phố. Nhưng chuyện đó đã xảy ra và tôi xin kể cho bạn nghe hôm nay.
Vì chúng tôi có passport nên chỉ cần điền vào một mẫu đơn nho nhỏ thì được nhập cảnh tại phi trường rất dễ dàng. Bước ra tiền sảnh thì không thấy ai đón mình. Lớ ngớ một hồi thì thấy văn phòng của hãng máy bay Asiana bèn tới hỏi tin. Họ xem giấy tờ rồi bảo ngồi chờ. Một số đồng hương Việt Nam chừng 20 người cũng đã tới làm thủ tục, một số khác không biết được ra ngoài chơi, nên còn nằm dài trong phi trường, ủ dột chờ 8 tiếng (sau nầy thành 9 tiếng vì máy bay trễ).
Trong khi chờ đợi tôi đi quanh quẩn để xem phi trường quốc tế Inch'on. Đây là một phi trường mới xây cất chừng một hai năm gần đây ở bờ biển phía tây Hán Thành, cách thủ đô nầy hơn 40 km. Trước đây đã có phi trường quốc tế Kimpo nhưng do nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng mà phi trường cũ thì hết chỗ nên phải làm phi trường mới ở đây. Kết cấu khung của nhà chờ đợi toàn là thép nên có vẻ rất vững chắc. Các tiệm bán hàng trong phi trường được trang trí rất lộng lẫy. Sau nầy khi ra khỏi phi trường thì thấy kiến trúc của nó cũng khá hài hòa với mái vòm cong cong rất đẹp. Tuy nhiên cái mà tôi chịu nhứt mà ít ai chú ý đó là hệ thống điều hòa khí hậu. Bên trong phi trường thì ấm áp, còn bên ngoài thì lạnh xấp xỉ 0 độ C. Để điều hòa không khí cho một nhà ga vĩ đại như vậy thì chắc phải có cả một "nhà máy" để cấp nhiệt cho nó. Một điều hơi ngạc nhiên là trên bãi đậu chỉ thấy máy bay của hai hãng hàng không Đại Hàn là Korean Air và Asiana Airline. Máy bay quốc tế không thấy đâu (chắc họ được đáp xuống phi trường Kimpo ở gần trung tâm thành phố).
Chừng 20 phút sau, nhân viên hãng máy bay tới gọi tên và phát trả lại giấy tờ. Họ cho biết có hai lựa chọn: ai muốn về khách sạn thì về nghỉ, chiều sẽ có xe đưa trở lại phi trường, ai muốn đi chơi thành phố thì đi. Đa số bà con đồng hương chọn về khách sạn. Gia đình chúng tôi có bốn người nghĩ rằng sẽ còn có dịp ngủ nửa trên chuyến bay về Mỹ nên chọn đi chơi thành phố (city tour). Tuy chỉ có 4 người nhưng chúng tôi cũng có một cô hướng dẫn viên du lịch rất duyên dáng và lịch thiệp để chỉ dẫn chúng tôi trong thời gian tham quan.
Nối liền Inch'on và Hán Thành là một xa lộ rộng 8 làn xe. Cô hướng dẫn nói là sẽ đi chừng một giờ thì tới. Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ là đường rộng thênh thang, xe chạy vù vù, và chỉ có trên 40 km mà phải đi một giờ mới tới thì thế nào. Thôi thì cứ để từ từ sẽ có câu trả lời. Khi mới rời khỏi phi trường thì cảnh trí hai bên đường rất buồn tẻ, cây cối vàng úa vì ở đây đang bắt đầu vào mùa đông, lá cây rụng hết. Đồi núi trơ trọi giống như ở Cali mình làm cho bà xã tôi ngủû gà ngủ gật. Tuy nhiên, gần tới Hán Thành chúng tôi bắt đầu thích thú đôi chút khi thấy rất nhiều chung cư đồ sộ ở phía xa xa. Còn các công trình cầu, hầm thì không chê vào đâu được vì có đủ loại, đủ kiểu: cầu dàn, cầu treo, cầu vòm, hầm chui qua núi..., cái nào cũng đẹp và hiện đại. Kỹ thuật cầu đường của Đại Hàn không thua Mỹ quốc chút nào.
Xe vào ngoại ô Hán Thành, và bây giờ thực tế đã trả lời cho câu hỏi trên đây: kẹt xe. Hàng hàng lớp lớp xe ô tô đủ loại đang nối đuôi nhau trên các đại lộ 4, 6 làn xe. Hán Thành có trên 10 triệu người sinh sống. Xa lộ làm mới liên tục mà vẫn không đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân mặc dù hệ thống xe điện ngầm rất tiện lợi, và xe buýt thì cũng rất nhiều. Tôi nhận thấy người Đại Hàn chạy xe của họ sản xuất như: Hyundai, Kia ... lâu lâu cũng có một chiếc Mercedes, chắc của một đại gia nào đó. Nói là kẹt xe nhưng thật ra chỉ chạy chậm thôi chớ không phải kẹt cứng vì xa lộ cũng nhiều và người lái xe cũng tôn trọng luật lệ.
Càng vào sâu trong thành phố, Hán Thành càng gây thích thú cho chúng tôi với vô số nhà cao tầng cao vòi vọi thể hiện một sự giàu có và sung túc. Đó là văn phòng các công ty thương mại. Nhưng vài nơi cũng còn các nhà cũ mái ngói, tường xi măng nằm bên dưới các xa lộ . Một điều ngạc nhiên là rất ít người bộ hành, có lẽ tại trời lạnh nên người ta thích ở trong nhà hay chăng ". Thỉnh thoảng xe chạy qua một trại lính thì thấy lính canh gác rất nghiêm chỉnh. Họ mặc đồ màu đậm, đi tuần trên đường phố. Hán Thành chỉ cách biên giới có trên 40 km nên vấn đề an ninh rất cẩn mật, lúc nào họ cũng như sẳn sàng chiến đấu !
Bây giờ chúng tôi đi ngang qua Gwanghuamun, một kiến trúc cổ là cửa thành phía nam cung điện cũ của Hán Thành. Chúng tôi đang ở trung tâm của thành phố. Hán Thành đã có lịch sử hơn 600 năm. Năm 1392, tướng Yi Song-gue lật đổ triều đại Koryo để lập ra triều đại Choseon. Ông nhận thấy cố đô Kaesong không thích hợpï nên tìm một nơi khác để làm thủ đô. Sau nhiều nghiên cứu, ông đã chọn Hanyang, một thị trấn nhỏ yên tĩnh nhưng địa thế thuận lợi nhờ có sông Hán bọc vòng ở phía tây, và có các dãy núi án ngữ ở phía đông và nam. Ông cho xây tường thành bao bọc cao từ 6 đến 12 mét có 8 cửa để phòng thủ. Nơi đây phát triển dần và có tên là Hán Thành (thành trì bên bờ sông Hán) nhưng người Đại Hàn lại gọi là Seoul (có nghĩa là Thủ Đô).


Sau hơn 600 năm, Hán Thành đã bị tàn phá nhiều lần do chiến tranh với Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật, và nhất là cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhưng người dân Hán Thành đã làm việc rất tích cực để tái thiết và phát triển thủ đô của họ. Đặc biệt từ sau năm 1960, kinh tế nơi đây bùng nổ mạnh mẽ. Thành phố phải mở rộng ra ngoại ô. Các hãng xưởng, khu kỹ nghệ, khu đô thị mới thi nhau mọc lên với nhiều khu apartment cao hàng chục tầng biến Hán Thành thành một thành phố hiện đại, tân tiến. Chánh phủ Đại Hàn cũng có chánh sách di chuyển các cơ quan chánh phủ ra ngoại ô để giảm áp lực giao thông trong nội thành. Hán Thành còn có một khu thể thao rất hiện đại. Với Thế Vận Hội Seoul năm 1988, và mới đây cùng với Nhật tổ chức thành công Cúp Bóng Đá Thế Giới đã chứng tỏ Hán Thành là một thành phố đầy tiện nghi, an toàn, và tân tiến.
Do thời gian có hạn, đoàn chúng tôi sẽ được đi thăm Lầu Xanh, Nhà Triển Lãm Dân Tộc Đại Hàn, đi ngang khu phố chính của thành phố, đi ăn trưa, và đi mua sắm.
Lầu Xanh: Nơi đầu tiên mà chúng tôi được tham quan là Lầu Xanh. Chắc bạn ngạc nhiên lắm về cái tên nầy. Không lẽ chúng tôi mới tới Đại Hàn mà người ta đã cho mình tham gia ... sex tour. Thật ra, Lầu Xanh (Blue House) chính là Dinh Tổng Thống Đại Hàn. Nằm cạnh cung điện cũ của triều đại Choseon là Gyeongbokgung, Lầu Xanh gồm nhiều tòa nhà rất đẹp kiến trúc theo kiểu Đại Hàn dùng làm các cơ quan của chánh phủ. Đẹp nhất chính là Dinh Tổng Thống với mái ngói màu xanh ngọc thạch. Chỉ tiếc là vì lý do an ninh nên chúng tôi chỉ được chạy xe ngang qua để xem mà không được nhìn lâu hay chụp hình. Dọc phía trước dinh, dù trời rất lạnh cũng có rất nhiều lính gác cả nam lẫn nữ. Họ mặc đồ đen, có vẻ dò xét và làm ra vẻ nghiêm trọng. Chúng tôi được dừng lại ở một vòng xoay gần Lầu Xanh để xuống xe chụp hình, nhưng bây giờ thì đã hơi xa Dinh Tổng Thống rồi.
Nhà Bảo Tàng Dân Tộc Đại Hàn: nằm trong khu cung điện cũ Gyeongbokgung của triều đại Choseon. Hán Thành còn ba cung điện cũ là Gyeongbokgung, Changdeogung, và Deoksugung. Trong cung điện Gyeongbokgung ngày xưa có trên 500 kiến trúc, mà ngày nay chỉ còn lại 10 kiến trúc dùng làm Bảo Tàng Dân Tộc và Bảo Tàng Quốc Gia.
Chúng tôi có 45 phút để thăm viếng nới đây. Bên trong có ba phòng triển lãm chính:
Phòng 1: Lịch sử dân tộc Đại Hàn: trưng bày các mô hình và hiện vật về nguồn gốc của người Đại Hàn từ khi lập quốc tới triều đại Choseon (1392 -1910).
Phòng 2: Cuộc sống người dân Đại Hàn: họ làm nghề nông, săn bắn, đánh cá ... họ có các sinh hoạt cộng đồng. Nơi đây còn trưng bày các loại y phục cổ truyền từ quan tới dân, các loại thực phẩm địa phương ...
Phòng 3: Chu trình sinh hoạt của người Đại Hàn từ sinh tới tử: sinh nở, nghi lễ đám cưới, đám tang, sinh hoạt học đường, các trò chơi dân gian, các loại nhạc cụ ...
Bên ngoài bảo tàng có trưng bày các khu triển lãm ngoài trời nhưng do trời lạnh quá nên chúng tôi chỉ xem lướt qua chứ không tìm hiểu kỹ.

Đại lộ Sejongno: Rời nhà bảo tàng, chúng tôi được đưa đi ngang trung tâm thành phố mà tiêu biểu là đại lộ Sejongno với 12 làn xe đầy nghẹt xe cộ các loại. Hai bên đường là các cao ốc xinh đẹp, văn phòng của các hãng lớn. Bên trái là Tòa Đại Sứ Mỹ. Nơi đây, hôm nay đang có một cuộc biểu tình gì đó của người Đại Hàn chống lại một quyết định của tòa án. Trung tâm của Hán Thành thật vĩ đại. Ai nấy đều trầm trồ xuýt xoa cho sự xinh đẹp và to lớn của nó, nhưng cũng buồn cho Việt Nam mình, biết bao giờ mới theo kịp người ta. Họ cũng bị lệ thuộc vào nước Nhật nhiều năm, thậm chí bị sát nhập vào nước Nhật. Người Đại Hàn chỉ được coi là một công dân loại hai, bị bóc lột lao động phục vụ cho chính quốc. Vậy mà từ khi được độc lập, chỉ sau hơn 50 năm xây dựng, Hán Thành đã là một thành phố lớn thứ 5 trên thế giới. Ta phải ngã nón thán phục cho sự thành công và chịu khó của họ.

Khu buôn bán Myeodong-gil: Xe rẽ trái ngang Myeodong-gil là khu thương mại sầm uất nhứt Hán Thành. Bảng hiệu quảng cáo khắp nơi nhưng người đi mua thưa thớt. Khu buôn bán nầy so với Chợ Lớn thì hơn chút đỉnh, nhưng nếu so với Nathan Road bên Hồng Kông thì thua xa nhiều lắm.
Ăn trưa: Hãng máy bay còn cho chúng tôi ăn trưa miễn phí nữa. Không phải ăn nhanh kiểu McDonald đâu nhé mà đi nhà hàng đàng hoàng. Chúng tôi được đưa tới một hàn hàng nhỏ nhưng sạch sẽ. Trước khi vào trong, chúng tôi phải cởi giày và chỉ được mang vớ vào trong. Bởi vì trong đó, bạn sẽ ngồi bệt xuống sàn gổ theo kiểu Nhật Bản. Bàn ăn 4 người đã được dọn sẵn mấy món đồ nhắm như rau cải, "kim chi", ... Giửa bàn là một bếp gas nằm chìm xuống bàn. Món ăn chính là cơm (nếp) và thức ăn là một "chảo" thịt bò to tướng được bắt lên bếp chờ đun sôi. Bên trong là thịt bò đã được ướp gia vị (có lẽ có gia vị đặc biệt của Đại Hàn mà mùi dầu mè trong đó thơm phức), thêm vào là một chút rau cải giống như món lẩu của chúng ta. Thịt bò tuy có chút gân nhưng ướp kỷ và thái mỏng nên ăn mềm và ngon ngọt lắm. Chảo thịt lúc đầu tưởng phải 10 người ăn mới hết ai dè vì quá hấp dẫn nên bốn người chúng tôi "xực phàn" tới nơi tới chốn, tới lúc tan tiệc thì cũng vừa cạn. Về phầân nước uống họ cho uống nước suối miễn phí, còn ai muốn uống nước ngọt hay rượu bia phải trả 3 đô la một ly. Nhà hàng nầy tuy nhỏ nhưng chắc nổi tiếng lắm vì chúng tôi thấy hơn hai chục bàn ở đây cũng đầy thực khách.
Đi mua sắm: Ăn uống no nê xong chúng tôi được đưa đi mua sắm. Hàng hóa ở Hán Thành coi bộ xoàng lắm nên không hấp dẫn mấy, mà trời lại lạnh nên chúng tôi chỉ đi coi qua loa và chỉ mua chút ít đồ kỷ niệm mà thôi.
Trên đường về, bác tài lại chạy đường khác theo bờ phía tây của con sông Hán. Từ đây nhìn về Hán Thành lại càng đẹp hơn với Tháp Truyền Hình (Seoul Tower) nổi bật trên đỉnh ngọn núi Nam Sơn. Bên kia sông Hán là khu đô thị mới của Hán Thành trông rất đẹp đẽ sang trọng với nhiều nhà cao tầng. Một vài chuyến xe lửa đang chạy ngang những chiếc cầu bắc ngang dòng sông trong xanh làm tăng thêm vẻ hiện đại của một thành phố tân tiến, thủ đô của một con rồâng châu Á.
Về tới phi trường Inch'on khoảng 3 giờ chiều, gặp lại một số bạn đồng hành và kể cho họ nghe chuyến đi du ngoạn đầy kỳ thú mà lại không tốn tiền nầy thì ai nấy đều tiếc ngẩn ngơ vì đã bỏ qua một dịp thăm viếng một nơi thú vị.
Chuyến máy bay về Mỹ bị trễ một giờ vì lý do kỹ thuật, nhưng dư âm của buổi du hành làm chúng tôi sẳn lòng bỏ qua. Không những thế mà còn xin hoan hô hãng máy bay Asiana đã cho chúng tôi những giờ phút vui vẻtại thủ đô Hán Thành.
(11/2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,087
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa