Hôm nay,  

Mùa Thu Thổn Thức

15/01/200200:00:00(Xem: 252139)
Bài tham dự số: 2-440-vb50110

Tác giả Nguyễn Thị A Tiên ghi chu’ về tiểu sử: 46 tuổi, vợ một sĩ quan hải quân, qua Mỹ theo diện HO năm 1990, cư ngụ tại Los Angeles, công việc: Chuyên viên thẩm mỹ. Bà là tác giả bài “Đất Nước Lạnh Lùng” và “Ngày Tháng Thu Tàn” được kể bằng lối viết tinh tế và sâu sắc hiếm có. Sau đây là bài viết mới nhất của bà: một truyện tình Việt Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.

Một hôm tình cờ đọc trang sau cùng của một tờ báo, tôi thấy có lời rao bằng tiếng Việt , đoạn đầu như sau : "Tôi là Frank T..., cựu Hải Quân Trung Uý thuộc toán cố vấn Mỹ Duyên Đoàn 15, muốn tìm Ông Nguyễn . . ., Hải Quân Đại Uý Duyên Đoàn Trưởng đơn vị này trong thời gian. . . " Tôi cảm thấy có vài danh từ trong lời rao nghe quen quen, còn Ông Nguyễn... thì chắc chắn là anh rể tôi, chứ còn ai vào đây nữa. Tôi vội đi qua nhà chị tôi ở gần bên và đưa tờ báo cho chị xem. Chị đọc đi đọc lại lời rao hai ba lần, cau mày suy nghĩ. Cuối cùng chị có vẻ xúc động và mừng rỡ kêu lên:
- Frank Sinatra!
- Sao lại Frank Sinatra" Frank T. . . chứ! Bộ chị khoái ông già ca sĩ này lắm hay sao"
Chị tôi không trả lời mà lật đật chạy đến bên điện thoại. Chị quay số liên tiếp hai ba lần mà vẫn không nói chuyện với đầu dây bên kia được. Chị nói:
- Không có ai ở nhà cả. Mày nói tao khoái ai" Frank ha" Để tao kể cho nghe!
*
Hồi ấy ngay sau khi kết hôn, chị vào ở hẳn trong đồn với anh. Gần bên phòng ngủ của anh chị là căn nhà của cố vấn Mỹ. Chị tránh giao tiếp với mấy anh Mỹ này vì thấy họ quá xa lạ đối với mình. Nhưng cho đến hôm Trung Uý Frank mời tụi này dự một tiệc nhỏ thì toán cố vấn Mỹ không còn xa lạ đối với chị nữa. Trung Uý Frank là sĩ quan trong toán cố vấn Mỹ ba người. Anh ta hao hao giống Frank Sinatra và hát rất hay, nên tụi này gọi đùa là Frank Sinatra, nhưng anh ta trông hiền và đẹp trai hơn anh chàng ca sĩ Mỹ gốc Y này rất nhiều. Frank cũng gọi đùa chị là Mrs. " Coastal Group 15 ". Trong bửa tiệc, Frank vừa đàn ghi ta vừa hát như một chàng nghệ sĩ lang thang, lại hát được cả tiếng Việt, làm tụi này rất thích thú. Sau đó mấy ngày Frank tặng chị một hộp nước hoa, trên hộp có hàng chữ " Happy Birthday ". Lúc bấy giờ chị mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình đúng theo giấy khai sinh. Không biết bằng cách nào Frank đã biết được ngày sinh của chị. Bây giờ nhớ lại thuở ấy, giống như một đoạn phim đẹp trong một cuốn phim ưa chuộng của thời thanh xuân. Mối tình của Frank thật là đẹp.
Nghe chị kể đến đây, tôi cười nói:
- Chị cũng . . . gớm thật. Em chưa hề nghe chị kể chuyện này. Anh có biết không "
- Mầy nói gì " Tầm bậy ! Đâu phải tao. Để tao kể cho nghe !
Frank rất tế nhị, đã nhờ anh trao lại món quà này cho chị. Từ đó giữa toán cố vấn Mỹ và tụi này có mối quan hệ rất thân tình. Lúc bấy giờ chị không có ý niệm gì rõ ràng về ba chữ "cố vấn Mỹ" . Tuy nhiên đối với một phụ nữ trẻ như chị , đây không phải là việc đáng quan tâm. Chị còn nhớ hình như ngoài việc xin phương tiện di chuyển bằng máy bay cho tụi này, xin yểm trợ súng lớn từ tàu Mỹ và mua giùm tụi này các thứ lặt vặt tại một cửa hàng quân đội Mỹ, mấy anh cố vấn này chẳng làm gì khác hơn. Còn việc làm ra vẻ kẻ cả hay một cái gì tương tự như vậy đối với bất cứ ai trong đồn là việc chị không hề thấy. Sau ngày 30-4-1975, chị rất buồn cười khi xem những phim của nhà nước nói về cố vấn Mỹ. Trong phim anh cố vấn Mỹ nào cũng râu ria xồm xòm, mặt mày hung ác, sai khiến các đơn vị trưởng Việt như sai người ở, lại có khi lấy luôn vợ của họ nữa.
Frank đã có gia đình. Frank nói với chị hạnh phúc nhất của anh ta trong đồn là khi chiếc máy bay nhỏ liệng hai vòng trên đồn, thả xuống một cái túi màu vàng đựng thư từ và những cuộn casette ghi lời vợ. Frank trang trọng đem các loại thư từ này lên tận trên đỉnh đồi, nơi có vẻ đẹp nên thơ nhất nơi đây, nơi có bốn cây phượng mà mùa hè ra hoa đỏ thắm, nơi có những lùm cây mà mùa xuân mọc đầy những loại hoa gì đó đủ màu. Frank tựa người vào một gốc cây, trang trọng đọc từng chữ hay nghe từng lời của vợ . Sau đó anh trở về phòng mình, mắt rơm rớm lệ. Nhưng rồi một hôm, sau khi đọc một bức thư, mắt Frank không rớm lệ nữa mà rất buồn. Từ đó chị để ý thấy Frank không hề đi lên đồi lần nào nữa .
Một hôm gần ngày Tết TrungThu anh chị mời toán cố ván và các sĩ quan trong đơn vị dự một bửa tiệc trà. Hôm ấy Phượng, một người bạn đã cùng học với chị tại Hội Việt-Mỹ và đang làm cho USOM, về thăm gia đình gần đồn, cũng vào dự tiệc. Trong bửa tiệc tụi này vô cùng ngạc nhiên và thích thú nghe Frank đàn và hát bản Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn và Từ Linh bằng tiếng Việt một cách hết sức rõ ràng, giọng giống như giọng Duy Trác:
. . . Với bao tà áo xanh, đây mùa thu hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ. . .
Thế rồi mỗi người trong tiệc thay nhau hát. Phượng hát luôn ba bài vì nó hát rất hay, được "bis" nhiều lần. Frank và Phượng cứ ngồi bên nhau kẻ đàn người hát, hầu như suốt cả buổi tiệc. Rồi hai người ngồi thầm thì với nhau như đã quen nhau từ kiếp trước. Sau đó Phượng thường lấy cớ vào thăm chị để gặp Frank; còn Frank thì cứ giả vờ qua thăm tụi này để gặp Phượng. Chừng một tuần lễ sau, chị ngạc nhiên nghe Frank nói là anh ta sắp về Mỹ, muốn cưới Phượng và đem Phượng theo. Frank cho biết vợ mình đã đi theo một người đàn ông khác. Chị ngập ngừng nói với Frank rằng việc một cô gái Việt Nam đàng hoàng kết hôn với một người Mỹ không phải là việc được gia đình hoan hô lắm. Chị nói thêm cho Frank biết việc này do nhiều vấn đề, chẳng hạn như có khá nhiều người Mỹ " quan hệ bừa bãi " với nhiều phụ nữ Việt không đứng đắn. Frank nói:
- Tôi không hề quan hệ bừa bãi. Chắc Phượng biết rõ việc này vì. . .
Frank chợt ngưng nói, lầm lũi đi về phòng. Hôm sau chị hỏi Phượng:
- Bộ mày thương nó thật sao "
Phượng ngập ngừng một lát rồi gật đầu :
- Nếu Frank chỉ là . . .cố vấn Mỹ hay chỉ là . . . Frank Sinatra thì tao cũng không thương. Frank có cả hai cái nói trên, làm tao biết mình khó quên anh ta được. Nếu mày chưa có chồng, chắc mầy cũng khó. . .tránh khỏi anh ta. Mầy cũng thấy đó, Frank thật đáng yêu.
- Quỷ ! Mầy ăn nói còn hơn cả Tây. Đừng có suy bụng ta ra bụng người.
Một thời gian ngắn sau đó, không còn cố vấn Mỹ nào ở Duyên Đoàn nữa. Theo kế hoạch giảm quân Hoa Kỳ, chỉ có những đơn vị lớn Việt Nam mới có cố vấn. Phượng cũng trơ về Sài Gòn. Chị bặt tin Phượng mãi cho đến tuần vừa rồi. Chị đang nấu cơm thì Phượng gọi điện thoại đến. Chị mừng đến nổi giao luôn nồi cá bống kho tiêu cho ông táo và nói chuyện với Phượng gần nửa giờ. Phượng cho biết mặc dù ở Việt Nam Phượng có cuộc sống vật chất rất thoải mái nhờ số đô-la và nữ trang có trước năm 1975 dấu lại , nhưng Phượng đã vượt biên tất cả sáu lần, ở tù tổng cộng năm năm và cho đến lần thứ sáu thì lọt được qua Mỹ. Phượng đã qua đây được ba tháng. Trước khi đến được Mỹ, Phượng đã chuyển được một số tiền khá lớn qua đây. Phượng hỏi nên xử dụng số tiền này như thế nào cho có lợi, cho an toàn. Chị nói chị không rành việc này, để chị hỏi anh rồi sẽ trả lời sau. Chị khuyên Phượng nên đến ngân hàng mua một cái hộp an toàn để đựng tiền. Chị bảo Phượng đừng nói nhiều việc này qua điện thoại. Phượng ngập nhừng một lát rồi nói:
- Mầy còn nhớ Frank không " Tao mất liên lạc với Frank từ tháng 4-1975.
Chị hỏi:
- Mầy có quan hệ với Frank cho đến năm 1975 sao"
- Có. Tao qua đây cũng vì Frank. Khi đến Mỹ tao đã liên lạc ngay với Hội Cựu Chiến Binh để tìm Frank. Vì lính quýnh, tao viết nhầm địa chỉ nên thư bị trả lui. Tao đang tiến hành việc liên lạc với Frank thì dò được số điện thoại của mầy và gọi cầu may, không ngờ gặp được. Mừng quá!
Phượng cho biết nó đang ở Texas. Chị rủ Phượng qua đây chơi. Ba ngày nữa nó đến đây.
***


Hết chuyện Phượng và Frank, chúng tôi lại nói qua chuyện khác, phần nhiều là chuyện tình. Kể cũng lạ, phụ nữ chúng tôi rất thụ động trong việc này nhưng lại rất quan tâm và hay nói đến nó. Chúng tôi đang say sưa nói về mối tình muộn màng của một cặp đứng tuổi ở khu phố Tàu thì có tiếng điện thoại reo vang. Chị đến cầm ống nghe lên :
-A-lô, xin lỗi . . . Excuse me !. . .Frank ! Frank Sinatra ! Is it true that's you " Why do you know my phone number " . . . I just called you . . . You have caller I D "
Tôi ngồi nhìn và nghe chị nói chuyện với một người mà tôi đoán chắc là Frank T. . . Chị say sưa nói chuyện bằng tiếng Anh, cứ như đang trả bài tại Hội Việt Mỹ. Sau chừng hai mươi phút chị hớn hở chạy đến bên tôi:
-Hay lắm! Có đề tài tình yêu hấp dẩn rồi. Frank không tìm anh chị mà chỉ tìm Phượng. Frank không đăng báo tìm Phượng vì sợ phiền nếu Phượng có gia đình, hơn nữa tìm anh chị thì dễ hơn. Chị nói dối với Frank là Phượng bây giờ đang còn ở Việt Nam và rất nghèo túng. Frank nói sẽ giúp Phượng tài chánh và sẳn sàng đem Phượng qua đây nếu Phượng chưa lập gia đình. Frank nói anh ta cần một tâm hồn như Phượng, một tâm hồn không ai có được. Anh ta nhấn mạnh hai ba lần " không ai có được ". Anh ta nói nhiều lắm nhưng tao quên rồi. Thật là chuyện khó tin và có thể có thật. Frank đang soạn nhạc đệm cho một băng video, hình như băng video Việt Nam. Frank còn nói anh ta đang viết lời cho một số bản nhạc Việt và sẽ giới thiệu những bản nhạc này cho người Mỹ. Frank hiện đang ở Glendale, cũng gần đây thôi. Frank muốn gặp anh chị ngay bây giờ nhưng chị nói anh chị đang bận sửa soạn đi xa vì một việc riêng rất quan trọng. Chị hẹn đúng ba ngày nữa sẽ gặp. Frank nói nếu có thì giờ thì trong tuần này đến nhà Frank lúc nào cũng được, không cần hẹn trước. Ngày mốt Phượng qua Cali. Nếu anh đi công tác chưa về thì Phượng, tao và mầy đi thăm Frank. OK "
Tôi gật đầu.
Hai hôm sau đi làm về tôi ghé vào nhà chị tôi. Mới bước vào phòng khách tôi đã nghe tiếng thì thầm giữa chị tôi và một người phụ nữ mà tôi đoán chắc là Phượng. Thấy tôi, bà ta khẻ chào. Tôi tò mò nhìn người phụ nữ mà chị tôi đã nói đến rất nhiều suốt hai ngày nay. Theo tôi được biết, bà ta cùng tuổi với chị tôi, nhưng sao trông rất trẻ, đến nổi tôi không muốn gọi bằng chị vì sợ bà ta cho tôi muốn " cưa sừng làm nghé". Bà ta lại đẹp nữa, với đôi mắt vô cùng hiền dịu pha chút lãng mạn. Khi bà đứng lên gọi điện thoại, tôi mới thấy thân hình của người phụ nữ này không chê vào đâu được. Khi Phượng đi khuất vào bên trong, chị tôi nhìn tôi và nháy mắt hai ba lần. Tôi biết chị sắp nói dối một điều gì đây và muốn tôi cùng dối theo. Khi Phượng trở ra, chị tôi nói luôn một tràng:
- Quên giới thiệu. Đây là Phượng, bạn tao; đây là Tiên, em tao. Tao đã bảo đợi đến mai mà Phượng cứ nằng nặc đoài đến gặp Frank ngay bây giờ. Tao đã bảo là Frank hầu như không có nhà cửa gì cả, chỉ sống nhờ vào số tiền hưu ít ỏi mà phải chu cấp này nọ, lại bị thương tật. A, tao quên nói việc này. Thì ra Frank và Phượng đã sống chung với nhau ở Sài Gòn sau khi Frank được thuyên chuyển về đó. Đáng lẽ Frank đã được về Mỹ, nhưng tình nguyện ở lại Việt Nam để được gần Phượng. Hai bên mất liên lạc với nhau sau ngày 30 tháng tư. Gớm thật ! " Lụt lịt bằng chín bằng mười ". Vậy mà mình có biết gì đâu, cứ tưởng . . .ấy sơ sơ qua thôi, đâu ngờ lại . . . sâu đến thế.
Phượng đỏ mặt nói :
- Lúc nào mầy cũng giỡn được. Bộ chuyện này vui lắm sao " Mầy cho số điện thoại gì mà chỉ nghe máy nói, lại không phải giọng của Frank.
- Bộ mày còn nhớ giọng nói anh ta sao "
- Làm sao quên được.
Nói đến đây Phượng ôm mặt khóc, đi vào nhà trong. Tôi là người rất mau nước mắt, thấy vậy cũng khóc theo, nhưng tôi ngừng lại được và nói:
- Chị ác thật, bày cái trò gì vậy. Cho số điện thoại giả để Phượng không nói chuyện được với Frank và không biết tình trạng hiện tại của Frank, phải không "
Chị nói nhỏ:
- Đúng rồi! Nếu Phượng biết Frank khấm khá như hiện nay thì nó tìm Frank đâu có gì là lạ.
- Thử vậy đủ rồi. Phượng ơi ! Chị em đùa với Phượng đó. Số điện thoại thật của Frank đây này.
Phượng chạy ra vồ lấy mảnh giấy trên tay tôi, mắt vẫn còn đỏ hoe. Chị tôi nói :
- Mầy khỏi cần gọi. Tuần này Frank luôn có mặt tại nhà. Mà dù anh ta không có nhà thì mầy cũng muốn nhìn chỗ ở của anh ta chứ "
Chúng tôi vội vàng ra xe. Chị tôi vừa de xe vừa hỏi Phượng:
- Bộ mày thương nó thật sao"
- Mầy đã hỏi câu này cách đây mấy mươi năm rồi. Khỏi trả lời. Tao đang cần một người không ai thay thế được.
Tôi nghĩ Frank cũng đã nói như vậy với chị tôi và tôi biết cả Frank và Phượng đều nói thật. Tôi thấy có nhiều cặp vợ chồng trông chẳng xứng đôi vừa lứa với nhau chút nào cả, mà lại rất yêu nhau, chắc chắn họ phải quý tâm hồn của nhau lắm.
Chừng mười phút sau chúng tôi đến Glendale, nơi có nhiều ngọn đồi thoai thoải. Tôi còn nhớ hôm ấy nhằm ngày 16 tháng 8 Âm Lịch. Dù trong đêm tối, tôi vẫn thấy trên đồi có nhiều ngôi nhà sang trọng và xinh xắn đủ kiểu dưới ánh trăng thu vằng vặc. Những hàng cây phong hai bên đường vàng ánh như được nhuộm cả một một bầu trời trăng sao. Tôi khe khẻ ngâm:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức. . .
Tôi chợt ngưng lại vì nghe Phượng hát nho nhỏ, giọng thật truyền cảm:
. . .Với bao tà áo xanh, đây mùa thu hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ. . .
Xe bắt đầu chạy lên đồi. Phượng hỏi:
- Sao lâu tới quá vậy"
Chị tôi dừng xe, lấy tập bản đồ ra tìm tòi một lát xong cho xe tiếp tục lên đồi. Chừng hai phút sau chị nhìn quanh và dừng xe trước một nhôi nhà. Chị nói với Phượng :
- Có người cũng đang cần một tâm hồn. . . như mầy nói vậy. Anh ta cứ tưởng mầy đang còn ở Việt Nam, ôm một anh cán bộ già hết thời nào đó, đang nằm chưởi Đảng. Frank chưa biết mầy cùng đến đây đâu. Coi chừng anh ta xỉu.
Phượng nói:
- Tao cảm thấy có điều bất thường.
Chị tôi không trả lời, mạnh dạng đi thẳng đến trước cổng một ngôi nhà và bấm chuông. Có tiéng nói qua cái loa:
- Who's that"
- It's me. Mrs. "Coastal Group 15" in Chu Lai.
- Great! Great! Come in.
Chúng tôi bước vào cổng, đến một cái sân giống như một khu vườn nhỏ ngay cạnh phòng khách thắp đèn sáng trưng. Phòng khách xây theo kiểu như bên Việt Nan, có nhiều cửa sổ lớn, màn được vén rộng qua hai bên nên người ta dễ dàng nhìn các vật trưng bày bên trong. Phượng hỏi:
- Bộ Frank ở đây sao"
Không ai trả trả lời cả vì đang tò mò nhìn vào phòng khách có trưng bày nhiều lọ sứ Tàu và treo mấy bức tranh phong cảnh Việt Nam. Chúng tôi định bấm chuông cửa thì thấy có một người đàn ông ở đâu từ góc sân bước đến. Ông ta người tầm thước, đã đứng tuổi nhưng rất đẹp trai với đôi mắt to và cái miệng hầu như luôn luôn muốn cười để làm thân với tất cả mọi người. Tôi biết ngay đây là Frank và tôi đứng yên lặng nhìn ông ta, xem ông ta xử sự thế nào với chúng tôi, ba phụ nữ Việt suýt soát tuổi như nhau. Sự trang điểm theo mẫu mực chung làm vẻ mặt chúng tôi không khác nhau nhiều lắm. Rồi tôi nhìn qua Phượng: Phượng đang đăm đăm nhìn Frank, đôi mắt ngỡ ngàng và lóng lánh vì lệ đang ứa ra. Tôi lại nhìn Frank: Mắt ông ta trông mơ màng đắm đuối như một nghệ sĩ đang chơi đàn. Ông ta đưa tay ra như muốn ôm ai đó và cuối cùng đến ôm chầm lấy Phượng. Phượng gục đầu vào Frank khóc. Tôi nhìn hai người và khóc theo như hoà nhịp vào những tiếng thổn thức của họ dưới ánh trăng mờ ảo. Tôi chưa bao giờ trải qua những hoàn cảnh như họ; nhưng tôi hiểu họ, thương họ, thông cảm với họ, những con người có tâm hồn đẹp hiếm có. Rất may mắn, họ đã và đang gặp nhau, không phí phạm quảng đời còn lại cho những kẻ không xứng đáng, để phải ngậm đắng nuốt cay vì bổn phận, vì luân lý. . . .
Người ta nói: "Tình chỉ đẹp khi hãy còn dang dở". Nhưng tôi nghĩ nếu mối tình này dang dở thì cũng không đẹp như thế này đâu.
Nguyễn Thị A Tiên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,478
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa