Hôm nay,  

Bạn Bè Thân Ở Mỹ

06/12/202400:00:00(Xem: 2714)

phuoc-an-thy lãnh giải về Huế Tết Mậu Thân VVNM tại lễ trao giải VVNM 2018
Tác giả VVNM Phước An Thy
 Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải Đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải Đặc biệt năm 2023. Sau đây lại thêm một bài viết dí dỏm của ông về tính cách và văn hóa ứng xử trong quan hệ bạn bè.
 
***
 
Hồi mới qua Mỹ, tôi phải vừa đi làm vừa đi học để tự trang trải cuộc sống. Tôi được một công ty sửa chữa hàng điện tử, mướn vào làm ca đêm, vì ca ngày đã đầy. Ban đêm đi làm, ban ngày đi học cũng khá phù hợp với lịch trình của tôi lúc ấy. Tôi thuê một phòng trọ nhỏ, chỉ về nhà ngủ vài tiếng mỗi ngày trước khi tiếp tục công việc.
 
Tôi làm việc không kể nặng nhọc hay khó khăn vì so với việc làm hồi còn ở Việt Nam thì sá gì với mấy công việc nhẹ nhàng này. Tôi vào hãng với tinh thần thoải mái vì tôi được làm việc trong một môi trường vui vẻ và tôi yêu thích công việc này. Ngược lại, việc học ở trường thì tôi vật lộn với nó như bò kéo xe lên dốc.
 
Trong công ty, tôi quen Fabien, một người Mỹ đồng trang lứa, cũng là giám đốc ca đêm của tôi. Fabien có bạn gái ở Pháp và thường bay qua thăm cô ấy. Điều khiến tôi ngạc nhiên là Fabien hay nói chuyện với tôi hơn những đồng nghiệp khác, dù tiếng Anh của tôi lúc đó còn rất hạn chế.
 
Lần đầu tôi gặp Fabien là khi tôi đang nói chuyện với sếp nhỏ của tôi. Thấy tôi miệng nói tiếng Anh, kèm theo chân tay khua múa nhiệt tình để diễn tả cho sếp hiểu. Fabien đi ngang qua, nhìn rồi cười nắc nẻ. Thấy tướng sếp Mỹ to cao, oằn người, ôm bụng cười chảy cả nước mắt như vậy, tôi cũng há miệng ra cười. Cười xong, anh ta lau nước mắt, bảo tôi:
 
- Xin lỗi, tôi không có ý gì đâu, nhưng không nhịn cười được.
 
Tôi đáp:
 
- Không sao, tôi quen rồi.
 
Từ đó, Fabien và tôi dần trở nên thân thiết qua những lần trò chuyện và đùa giỡn hài hước trong công việc. Người Mỹ thích nói chuyện giao tiếp và thường nói đùa hài hước kiểu vô thưởng vô phạt và lành mạnh với nhau như vậy. Mới qua Mỹ, thấy các đồng nghiệp hay nói đùa với nhau, nên tôi cũng bắt chước, thật ra tôi không có khiếu hài hước lắm, vì vậy có lần thành công nhưng cũng có lần thất bại ê chề.
 
Tôi không thích vài bạn đồng nghiệp không ý nhị, hay đùa dung tục hoặc lôi những khuyết điểm của người khác ra để trêu chọc. Họ thích thú, tưởng đó là hài hước, nhưng không phải thế, họ đã làm tổn thương và hạ thấp nhân cách của người khác.
 
Biết tiếng Anh của tôi hạn chế, khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, nên Fabien luôn tận tình giúp đỡ. Một hôm tôi đang kéo hàng, Fabien cầm một miếng giấy tiến tới chặn tôi lại, anh ta dán miếng giấy vào xe kéo hàng của tôi. Nhìn vào giấy, tôi thấy có năm chữ tiếng Anh dài. Fabien giải thích đủ kiểu, cũng dùng tay múa máy để tôi hiểu ý nghĩa của những chữ tiếng Anh đó. Anh ta hỏi:
 
- Bạn hiểu không?
 
Tôi gật đầu:
 
- Yes. Tôi hiểu.
 
Anh ta nói tiếp:
 
- Bạn vừa làm vừa học. Trước khi về, vào gặp tôi, nói năm câu có năm chữ này, okay?
 
Tôi nói:
 
- Okay. Cám ơn anh.
 
Fabien có cách dạy từ vựng tiếng Anh rất lạ. Hôm sau cũng thế, anh ta lại dán năm chữ khác vào xe kéo hàng. Anh ta chỉ ngón tay vào tờ giấy, nói với vẻ hăm dọa:
 
- Bạn lo học cái này đi.
 
Tôi cười nói:
 
- Chắc anh phải bỏ việc ở hãng này đi.
 
Fabien ngạc nhiên hỏi:
 
- Tại sao?
 
- Tôi thấy anh nên vào trường dạy học, nhiều học trò, lương cao hơn, chứ ở đây có mỗi học trò là tôi. À, mà anh đừng có mong là tôi trả tiền học đó.
 
Đây là một trong những lần tôi đùa tạm gọi là thành công. Nhờ sự hài hước mà tôi và Fabien gần nhau hơn. Fabien cười ha hả và nói:
 
- Khi nào bạn lên chức thế chỗ tôi thì trả cũng được mà.
 
Anh ta vừa cười vừa bỏ đi vào văn phòng của anh ta. Cứ thế mà vốn từ ngữ tiếng Anh của tôi được nhiều thêm. Làm ca đêm ít người nên không khí, khung cảnh vắng lặng chứ không như ca ngày. Thỉnh thoảng, thấy tôi cặm cụi lau chùi máy móc, Fabien muốn tôi được thư giãn nên đi ngang kêu lớn:
 
- “Eight”!
 
Số Tám tiếng Anh phát âm giống như “Ê”, tưởng anh ta chào, tôi ngước mặt nhìn định chào lại thì anh ta cười và quay mặt đếm:
 
- “Nine, ten, eleven… I got you”.
 
Nhiều lần biết Fabien kêu “Ê” để trêu tôi, nhưng tôi cũng giả bộ ngước mắt nhìn để anh ta có dịp được cười ha hả. Đôi lúc thấy anh ta đang dán mắt vào computer, tôi cũng “Ê” anh ta một tiếng. Thấy anh ta rời mắt khỏi màn hình, tôi đếm, “nine, ten, eleven...”, và cũng cười ha ha, rồi ngoảnh mặt bỏ đi.
 
Khi không có nhiều việc, Fabien gọi tôi vào văn phòng nói đủ thứ chuyện trên đời và tâm sự về tình yêu của anh ta. Tuy không hiểu hết, nhưng tôi chăm chú nghe và cũng kể chuyện của tôi ở Việt Nam cho anh ta nghe.
 
Một lần bạn gái của anh ta từ Pháp sang thăm. Fabien muốn khoe bạn gái của anh ta, nên mời tôi ra “bar” uống rượu. Nói chuyện một lúc, uống vài ly, muốn để hai người ở lại với nhau, nên tôi làm mặt nghiêm trang nói:
 
- Tôi phải đi họp.
 
Anh ta nhướng lông mày hỏi:
 
- Cái gì?
 
- Tôi có hẹn với Tổng thống Bush. (Khi ấy George W. Bush đang là Tổng thống nước Mỹ).
 
Tôi cười và chào hai người ra về.
 
Có một hôm vào hãng, mặt Fabien buồn thiu. Anh ta gọi tôi lên văn phòng:
 
- Bạn có thể ngồi nói chuyện với tôi một lúc không?
 
Tôi nói:
 
- Tôi còn việc chưa làm xong.
 
- Để đó đi, chút nữa tôi ra làm phụ bạn.
 
Rồi anh ta than:
 
- Con tôi bị bệnh!
 
Tôi trợn mắt hỏi:
 
- Anh có con rồi sao? Bệnh gì, có đưa đi bác sĩ chưa?
 
Anh ta gật đầu:
 
- Đưa đi rồi, nhưng bác sĩ nói không chữa được. Nó chết tối hôm qua!
 
Tôi nói:
 
- Chia buồn với anh.
 
Anh ta rướm nước mắt, nói:
 
- Nó nằm chết dưới gầm bàn lúc nào tôi không hay bạn à.
 
Tôi hỏi:
 
- Sao con anh bệnh không nằm trên giường mà nằm dưới gầm bàn.
 
Anh ta đáp:
 
- Nó thường ngủ dưới gầm bàn mà. Bây giờ không còn thấy nó quẩy đuôi mừng rỡ, không còn nghe tiếng sủa mỗi khi đi làm về, tôi buồn quá!
 
Thì ra con chó của anh ta chết. Vậy mà làm tôi lo lắng hỏi han, chia buồn nãy giờ. Thấy anh ta buồn, tôi nói đùa để anh ta vui:
 
- Chỉ là một con chó thôi mà, kiếm một con khác là được.
 
Fabien trợn mắt nhìn tôi vài giây rồi đi ra khỏi phòng. Tôi biết mình đã sai khi đùa không đúng lúc, khi tâm trạng Fabien đang buồn thật sự. Fabien giận, không nói chuyện với tôi mấy ngày. Tôi phải xin lỗi, giải thích với anh ta mỏi cả tay. Mấy ngày sau Fabien mới chịu nói chuyện lại với tôi. Đó là lần đùa thất bại ê chề của tôi, chỉ vì sơ ý một chút, mà tôi xém đánh mất tình bạn với anh ta. Vậy mới thấy, đùa hài hước và đùa vô duyên là rất gần nhau. Lần đó, tôi học được bài học quý giá, đùa giỡn không đúng lúc, đúng mức sẽ làm tổn thương người khác.
 
Một ngày kia đi làm về, tôi thấy căn nhà tôi thuê trọ cháy đen, sụp đổ tan nát vì bị chạm điện. Tất cả vật dụng của tôi cháy hết, chỉ còn mỗi bộ đồng phục của công ty mặc trên người. Vào làm việc, tôi kể chuyện cháy nhà với Fabien. Hôm sau, Fabien mang vào một túi áo quần đưa cho tôi. Anh ta nói:
 
- Bạn lấy về mặc.
 
Tôi chỉ lấy hai cái áo và một cái quần vì quần của anh ta quá rộng so với tôi. Thấy tôi mặc chiếc quần của anh ta, anh ta cười:
 
- Bạn có biết Sác-lô nổi tiếng nhờ mặc cái quần rộng không?
 
Không chỉ vậy, Fabien còn ký một tấm “check” 100 đô la đưa cho tôi. Tôi từ chối vì biết anh ta không có nhiều tiền. Tôi đùa:
 
- Tiền trong nhà băng của tôi có nhiều hơn của anh đấy. Để tiền mà đi thăm người yêu của anh đi.
 
Tình bạn của tôi và Fabien được mấy năm thì xảy ra vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sự kiện này đã làm suy thoái nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Ông chủ công ty cầm cự không nổi, đành đóng cửa. Vậy là tất cả chúng tôi đều bị thất nghiệp.

Dù không để cảm xúc của mình lộ ra ngoài, nhưng trong lòng chúng tôi ai cũng bùi ngùi, luyến tiếc khi phải chia tay nhau. Tôi và Fabien nói vài lời chúc may mắn cho nhau và chào tạm biệt.
 
Trong đời mình, có nhiều người bạn đến và đi, nhưng tôi luôn nhớ Fabien vì anh ta là một người bạn thân thiện và là một người sếp tốt bụng. Fabien và nơi làm việc này đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí tôi về đất nước Hoa Kỳ.
 
Đôi khi tôi tự nhận mình là người nhiều chuyện và gió chiều nào xoay theo chiều ấy, từ quan điểm “ba phải” đó, tôi mạnh dạn kể tiếp chuyện hai người bạn của tôi. Chuyện này chỉ mang tính “kỵ sĩ trảm phong”, chứ không có ý đả kích ai hay điều gì.
 
Ngồi với bạn Ây, bạn có tính cách rất đặc biệt là khách sáo. Ây kể:
 
- Nếu cậu là tớ, cậu sẽ làm gì? Hôm nọ, tớ đến nhà thằng Bi chơi. Lúc đó vợ chồng nó đang ăn cơm. Nó mời, “Sẵn bữa ăn cơm luôn”. Tớ lịch sự từ chối, “Mình mới dùng rồi”. Tệ thay, nó không thèm nài nỉ, mời thêm lần nào nữa, chỉ bảo tớ ngồi chơi chờ nó ăn xong. Vấn đề ở chỗ là vợ nó cũng không mời lấy một câu. Bạn thân lắm đấy, đến nhà nó nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được bữa cơm!
 
Nghe vậy, tôi đành tìm cách nói khéo. Nói chuyện với bạn khách sáo nên tôi cũng khách sáo vì thực sự mà nói, không được ăn một bữa cơm cũng không giận bằng ăn phải một mớ câu nói thật, nói thẳng gây cảm xúc khó chịu. Tôi nói:
 
- Ừ, bạn bè mà cũng không hiểu được. Bi ngay thẳng, nhưng kiểu nó là kiểu thật thà, bạn nói ăn rồi thì nó tin luôn, không nghĩ phải mời thêm nữa. Tuy vợ chồng nó dễ thương, nhưng không hợp với tính cách của bạn cho lắm. Cái cách phù hợp với bạn hơn là trong trường hợp đó, Bi phải nghĩ rằng ăn rồi nhưng chưa no lắm. Tuy nhiên, nếu Bi mời tới mời lui thêm nhiều lần nữa thì lại gây khó chịu cho bạn. Nói thẳng ra, có lẽ Bi sẽ bị bất ngờ vì mày mới ăn rồi mà còn ăn nữa. Thành ra, trong trường hợp này, cứ nói thật lòng thì có khi lại ăn được bữa cơm nhà nó rồi.
 
Ây nghe xong, “hừ” một tiếng:
 
- Cậu nói vòng vo cái quái gì khó hiểu thế, để tớ kể tiếp nào. Hôm nhà tớ mừng tân gia, vợ chồng Bi đến dự. Là chủ nhà khi có tiệc thì khá bận bịu, thế mà vợ chồng nó đến quá sớm trước giờ mời, làm vợ chồng tớ mất thời gian tiếp đón vợ chồng nó. Nhà tớ thì nhỏ mà nó chọn mang đến một món quà to đùng, nặng chình chịch. Vừa mới gặp tớ ngoài cổng, nó liền dí luôn thùng quà vào tay tớ như trút đi một gánh nặng ấy. Tệ là nó không gắng thêm vài bước nữa, vào nhà rồi hãy trao quà. Để tỏ vẻ lịch sự, tớ nói với vợ chồng nó, “Ôi bạn bè đến chơi là vui rồi, quà cáp làm gì. Vẽ chuyện cho thêm tốn kém”. Tớ nói xã giao, thế mà từ đấy vợ chồng nó đến nhà tớ, không bao giờ mang gì tới nữa. Chẳng nhẽ khi nhận quà tớ lại nói, tặng nữa đi, mình thích quà cáp lắm lắm à?
 
Biết nói gì cho phù hợp dạng khiêm tốn quá này, nên tôi lại phải nói kiểu bôi trơn:
 
- Mặc dầu tình cảm mới quan trọng, quà cáp chỉ là phụ, nhưng nếu được tặng quà thì dù ít dù nhiều cũng vui. Bạn bè tặng quà cho nhau là chuyện bình thường, khi nhận quà nếu nói mình thích quà cáp lắm thì hèn kém nên phải nói ngược lại cho sang trọng, vậy mà bạn bè mình chẳng hiểu giùm, tưởng đó là lời nói thật và không tặng quà nữa thành ra hơi buồn.
 
Mấy ngày sau gặp bạn Bi, bản tính Bi thật thà, nghĩ gì nói nấy, ai bảo gì thì nghĩ đúng là vậy rồi. Bi ấm ức kể với tôi:
 
- Hôm tiệc tân gia nhà thằng Ây, đã mất công mua quà khệ nệ mang tới, nó lại nói mua làm gì, vẽ chuyện. Vậy có điên không? Tôi nói với nó, “Hôm nay tôi không có hứng thú nên về sớm”. Tớ không còn hứng thú gì mà ăn uống nên nói thật, vậy mà nó tỏ vẻ khó chịu ra mặt.
 
Với bạn thật thà, tôi không cần phải vòng vo, tôi thẳng thắn khuyên:
 
- Lần sau, cậu không có hứng thú thì nói tôi bệnh rồi về, không cần nói thật lòng mình.
 
Bi vẫn chưa nguôi:
 
- Tớ mời ăn, nó từ chối, vậy mà đi nói, lần nào tới nhà tớ cũng đều mang bụng đói ra về. Có điên không? Tính tớ đến nhà ai cũng mang quà tới, mà nó cứ nằng nặc đòi trả tiền lại. Rồi cứ đùn qua đẩy lại, tưởng nó không muốn thật nên tớ mang về. Rồi tớ bị mang tiếng, tới chơi toàn là tay không.
 
Tôi cười trấn an:
 
- Bạn bè mà, cứ thoải mái lên. Nó nói gì thì nói, cậu cứ mang quà tới, sợ gì.
 
Chơi với hai bạn có tính chất khách sáo và thật thà nên khi giao tiếp tôi phải luôn để ý, cư xử sao để không làm cho cả hai khó chịu.
 
Một lần ngồi trong quán nhậu với mấy ông bạn “Tướng nổ”, uống mới vài ly, các “Tướng nổ” liền nổ đủ thứ chuyện, thời sự thế giới, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, chiến tranh Israel với Hamas, nạn đói ở Châu Phi, bầu cử Hoa kỳ 2024... vụ nổ càng lúc càng hăng, áp suất muốn banh trời. Mấy tướng nổ cứ tưởng mình là nhà chính trị gia, nhà nghiên cứu, bác học, phóng viên, vân vân và mây mây, rồi đập bàn, vỗ ngực nghĩ mình là vĩ nhân tương lai, đem hoà bình, ấm no cho toàn thế giới.
 
Như cá gặp nước, tôi cũng nổ sập nóc nhà luôn (Đã nói ba phải mà, ngồi mâm nào theo mâm đó). Tôi không muốn thua kém chúng bạn. Khi thấy mấy “Tướng nổ” nổ to hơn tôi, bởi vì cái tôi nó lớn lắm và đối với tôi, bạn bè thì không cần khách sáo nên tôi nói:
 
- Hôm nay vui quá, tôi đề nghị tụi mình ra biển nhậu và tiếp tục vái nhau, tha hồ gào lên, tụi mình thông minh quá, tài giỏi quá cho sướng cái mồm, chứ gào ở đây làm đau tai người nghe.
 
Tôi vừa dứt lời, nguyên đám “Tướng nổ” liền nhìn tôi với “Những đôi mắt mang hình viên đạn”. Tôi hơi bối rối, không hiểu vì sao mà bạn bè lại có ấn tượng không tốt như vậy. Hóa ra, cái tôi lớn quá đôi khi lại làm mất lòng bạn bè. Đã có vài lần, khi bạn bè đang ăn uống vui vẻ, nói chuyện rôm rả, tôi nhảy vào phán một câu tán gẫu kiểu đùa như trên thì mọi người liền cụt hứng, “tắt đài” và giận không thèm nói chuyện tiếp nữa.
 
Những hiểu lầm nhỏ nhặt có thể làm rạn nứt tình bạn. Càng lớn tuổi tôi càng nhận ra, tình bạn vô cùng đặc biệt và không muốn mất đi bạn bè vì việc gây dựng tình bạn không còn dễ dàng như lúc trẻ nữa.
Phước An Thy
 

Ý kiến bạn đọc
06/12/202414:21:36
Khách
"Một lần ngồi trong quán nhậu với mấy ông bạn “Tướng nổ”, uống mới vài ly, các “Tướng nổ” liền nổ đủ thứ chuyện, thời sự thế giới, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, chiến tranh Israel với Hamas, nạn đói ở Châu Phi, bầu cử Hoa kỳ 2024... vụ nổ càng lúc càng hăng, áp suất muốn banh trời. Mấy tướng nổ cứ tưởng mình là nhà chính trị gia, nhà nghiên cứu, bác học, phóng viên, vân vân và mây mây, rồi đập bàn, vỗ ngực nghĩ mình là vĩ nhân tương lai, đem hoà bình, ấm no cho toàn thế giới."
TG viết hay quá .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,856
Cô sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức. Ba cô là đại úy không quân. Lương của ông không nhiều, nhưng đủ nuôi vợ và đàn con sáu đứa. Như đa số những phụ nữ thời bấy giờ, mẹ cô chỉ ở nhà quán xuyến gia đình. Mọi việc sẽ thuận lợi theo dòng đời, nếu không có hai biến cố đột ngột xảy ra...
Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
Hằng năm vào khoảng cuối tháng năm khi trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa vừa nắng ấm vừa mát mẻ, thì khắp nơi xứ cờ Hoa, học trò các cấp lớp được nghỉ hè, rời mái trường thân yêu một thời gian. Khi ấy các cô cậu có thể đi du ngoạn với gia đình, tìm việc làm ngắn hạn trong mùa hè, hay chỉ nghỉ ngơi thỏa thích bù thời gian vất vả thức khuya dậy sớm suốt niên học.
... Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này. Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới...
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “. Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
Năm 2009 sau chuyến đến Nam Cali thăm gia đình và bạn hữu, tôi viết bài tường thuật cuộc phiêu lưu của tôi tại Orange County, lên Las Vegas, San José, trước khi rời Cali trở về nhà. Ly Kai, biệt danh ông kẹ đi bán chính thức, chủ xị của nhóm Văn Khoa tại đây với Mỹ Dung thường tổ chức mấy bữa họp mặt mỗi khi các bạn từ xa đến đây chơi. Trở về nhà, tôi viết một bài về chuyến du hành năm đó và gửi cho các bạn đọc cho vui, Mỹ Dung khuyên tôi gởi bài này cho báo Người Việt. Mấy tuần sau, bài «Mưa Cali» được NV đăng báo, và cô MC Hồng Vân đọc trên đài VOA tiếng Việt.
... Chúng tôi chia tay, ra về với những nụ cười trên môi. Emily, cô bạn Mỹ tánh tình thẳng thắn, chân thật đã giúp tôi hiểu được những cú sốc văn hóa Việt trên đất Mỹ. Emily đã giúp tôi hiểu được sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Việt Mỹ, nhờ buổi nói chuyện này mà chúng tôi trở nên hiểu nhau hơn và thân nhau hơn.
Ông Đại biết con Hoài Hương vẫn còn quá trẻ, tính cách chưa định hình, bản dạng giới tính còn lừng khừng, cứ để một thời gian nữa thì nó sẽ tự phát triển và hoàn thiện, lúc ấy thì nó như thế nào thì đó đúng thật là bản tánh của nó. Hãy chấp nhận nó, yêu thương nó như nó là vậy! Đừng vì cái sĩ diện hão của mình mà cưỡng ép con Hoài Hương phải theo cái ý chí chủ quan và cực đoan của mình. Ông bảo bà Thu: “Bà thương con thì phải chấp nhận tình yêu của con, hãy sống vì hạnh phúc của con chứ không thể vì cái danh tiếng của bà”...
Sau những lần ốm đau bịnh hoạn rề rề mà không rõ lý do vào những tháng cuối hồi năm ngoái, Trang bỗng dưng trở nên chậm chạp và nhút nhát hẳn đi. Đầu óc cũng ù lì kém tinh nhanh, làm trước quên sau. Ai dặn cái gì cũng chẳng nhớ. Phải chăng đó là triệu chứng của bịnh… “đã toan về già”? Cách chữa đúng nhất là phải có một người bạn đời để nâng đỡ và chăm sóc nhau trong những lúc trái gió trở trời như thế. Nhưng nếu rủi người bạn đời của mình sức khoẻ không thành vấn đề mà lại bị bịnh (nói theo phim bộ của Tàu) là “si khờ người già” trước mình thì chỉ có nước cùng nhau nắm tay trực chỉ… viện dưỡng lão cho rồi chứ con cái làm sao có thì giờ mà chăm sóc cho nổi. Ôi! Viển ảnh cuối đời người sao mà thê thảm.
Qua báo chí, tôi được biết Yellowstone là một vùng đất rộng nằm ở Tây Bắc Tiểu bang Wyoming, nơi mà cách đây mấy ngàn năm đã có sự hoạt động của một núi lửa lớn với miệng núi đường kính dài 30km. Người ta tưởng tượng rằng nếu giờ này mà nó thức giấc thì cả miền Bắc Mỹ sẽ không còn. Tôi ao ước có dịp sẽ đến đây để tận mắt nhìn những kỳ tích đẹp và hùng vĩ mà núi lửa đã lưu lại sau hơn mấy ngàn năm ngưng hoạt đông, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Năm nay, nhân ngày lễ Memorial, con gái tôi đã sắp xếp xin nghỉ một tuần để lấy tour cùng đi thăm danh lam thắng cảnh này.
Nhạc sĩ Cung Tiến