Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi. Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động. Một lần nữa, bài viết dưới đây khiến chúng ta cảm động trước tình thương yêu và niềm tự hào của tác giả trước con đường đi đến tương lai tốt đẹp và đầy lý tưởng của con gái mình.
*
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Vốn dĩ là một sinh viên khoa điện toán của trường Bách Khoa Saigon rồi tiếp tục theo đuổi đam mê, làm công việc của một kỹ sư trong ngành này trong nhiều năm, tôi lại không bao giờ đặt kỳ vọng cô con gái lớn, Christine, sẽ nối bước. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi từ khi con bé bước vào tuổi 14, 15.
Như rất nhiều những đứa trẻ cùng trang lứa, Christine cũng đã bị các khối xếp hình kỳ ảo Lego cuốn hút. Trong phòng ngủ của con, hàng chục bộ Lego lớn nhỏ được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng trên các khung gỗ, từ những bộ đơn giản như những chiếc xe hơi, những chiếc tàu nhỏ, đến những bộ đắt tiền bao gồm hàng ngàn khối nho nhỏ, đòi hỏi hàng chục giờ kiên nhẫn, sự khéo tay, tỉ mỉ để hoàn thành như Hogwarts™ Castle and Grounds, Mindstorms Robotics Invention System hay Black Seas Barracuda.
Ngoài niềm đam mê dành cho Lego, Christine còn giành sự yêu thích đặc biệt cho Asimo, chú người máy thông minh, dí dỏm được hãng Honda phát triển, sau một lần xem buổi biểu diễn của Asimo trong Disneyland. Hai thú vui đơn giản này theo một cách nào đó, thật thú vị, đã hòa quyện vào nhau để dẫn Christine đến một niềm đam mê khác, hết sức tự nhiên, say mê thảo chương điện toán để điều khiển tự động các khối Lego. Christine đã tham gia vào một nhóm sinh viên của trường dự các kỳ đua tranh giữa các trường trung học trong vùng, được tổ chức vào những mùa hè, dưới sự tài trợ mạnh mẽ từ các công ty tên tuổi như Dell, General Motors hay Machina Labs.
Hai cha con đã cùng nhau lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc Christine sẽ ứng thí vào trường đại học danh tiếng về kỹ thuật Massachusetts Institute of Technology (MIT), giúp con bé hoàn thành ước mơ trở thành một kỹ sư trong ngành Robotics.
Nhưng ở đời mọi chuyện đều có những bất ngờ, không thể nào lường trước.
“Ba, ba cho con nói chuyện với ba được không?”, con bé hạ giọng với một vẻ mặt đầy căng thẳng.
“Có chuyện gì mà ba thấy con lo lắng quá vậy?”, tôi cười trấn an con mà trong bụng cũng đánh lô-tô.
“Con sẽ nói, nhưng ba hứa đừng giận con”, con bé rào trước đón sau.
“Ừ, ba hứa”, con bé làm tôi càng sốt ruột hơn.
“Ba có buồn không nếu con muốn đổi ngành học?”, con bé nói lí nhí trong miệng.
“Ừ ba sẽ buồn”, tôi nói, rồi cười lớn, khi trút được nỗi lo.
“Ba, con nói nghiêm túc đó”, con bé nghiêm giọng.
“Ba đã lo cho con nhiều quá rồi, dạy con cho về lập trình nữa. Tốn nhiều thời gian chuẩn bị cho con vô MIT. Con cũng muốn sống tiếp ước mơ của ba”, con bé nói một mạch như sợ tôi cắt ngang dòng suy nghĩ của nó.
“Con còn nhớ, ba đã từng nó với con, con cần sống cho ước mơ của con, sống cho cuộc đời của con, không phải cho ba. Ba sẽ luôn ở đây, quan tâm và giúp đỡ con hết
khả năng của ba. Còn nhớ không?”, tôi ngắt lời con bé.
“Giờ thì kể cho ba nghe chuyện gì đã xảy ra trong ba tuần vừa qua”, tôi ngồi xuống, ngã nhẹ người ra đằng sau, cười mỉm và khoanh tay chờ đợi.
Nói chuyện với con luôn là niềm vui của tôi. Các con càng lớn, tôi càng giành thời gian trò chuyện với chúng nhiều hơn và giữa cha con, tôi không đặt ra bất kỳ giới hạn nào hay nghiêm cấm bất kỳ đề tài gì, kể cả những đề tài tế nhị nhất, khó khăn nhất.
Trong cuộc sống, hình như mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Vào đầu năm lớp 12, Christine nằm trong số một nhóm học sinh được chọn và cho phép tham dự ba tuần tìm hiểu về ngành y khoa do trường đại học University of Irvine tổ chức. Hàng trăm học sinh trung học đến từ các trường trung học trong vùng đã về dự trong dịp này.
Trong ba tuần lễ liên tiếp, sống xa gia đình, các học sinh được giới thiệu về chương trình học y khoa, các nghề liên quan đến lãnh vực y khoa, từ y tá, nhân viên y tế phục vụ cộng đồng, nhân viên trong các phòng thí nghiệm, chuyên gia về dinh dưỡng, bác sĩ, phụ tá bác sĩ, …, được làm quen với các thuật ngữ y khoa, các dụng cụ y khoa, đến thăm các bệnh viên cũng như quan sát cách thức các y tá, bác sĩ tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân.
“Ba, cô bác sĩ hướng dẫn con, cô Emily, khen con khéo tay, con may vết thương thẳng và đẹp đó ba.”, con bé háo hức khoe như thể muốn đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc tại sao con bé thay đổi ngành học.
“Con may vết thương?”, tôi thắc mắc.
“Dạ, nhưng mà may trên một miếng da con heo thôi ba. Cô Emily hiền và giỏi lắm ba. Cô cũng đẹp nữa. Con thích cô lắm”, con bé tiếp tục huyên thuyên, chia sẻ về cái thế giới mới lạ, thú vị và đầy những thử thách đó.
“Những bệnh nhân tội nghiệp lắm ba, nhiều người đau đớn lắm”, giọng con bé trầm hẳn lại.
“Con có chắc chắn về việc thay đổi này không?”, tôi hỏi lại con.
“Dạ chắc”, con trả lời ngắn gọn, chắc nịch và rồi ngồi trầm tư trong suy nghĩ của riêng mình.
Và rồi thời gian lại thấm thoát như thoi đưa, như vó câu qua cửa, như tiền nhân đã dạy.
Vào một ngày Chủ Nhật, trời thật đẹp như niềm hân hoan trong lòng tôi, tôi và gia đình đã được làm chứng nhân, tham dự ngày Christine cùng những tân sinh viên Y Khoa vinh dự lần đầu khoác lên mình chiếc áo trắng, chính thức được nhận vào trường đại học Touro University, thuộc tiểu bang Nevada.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trường đại học này đã trở thành là một ngôi sao đang lên trong hệ thống các trường đào tạo sinh viên Y Khoa trên toàn quốc. Ngôi trường này tọa lạc trong thành phố Henderson xinh đẹp, nơi mà các trường đại học luôn nhận được những sự ưu ái đặc biệt từ chính quyền thành phố. Những sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được rất nhiều quyền lợi như mua nhà, mua xe không cần chứng minh điểm tín dụng cao, không cần tiền đặt cọc, được mua các loại bảo hiểm như sức khỏe, nhà cửa, xe cộ, với giá cả ưu đãi, nếu nhận ở lại làm việc trong thành phố. Nhân tài quả thật là báu vật của quốc gia vậy.
Buổi lễ được bắt đầu bằng việc tất cả các vị giáo sư, các quan khách cùng đứng vỗ tay chào đón các tân sinh viên. Kế đến là việc vị hiệu trưởng đọc lời chào mừng mà trong bài diễn văn ngắn gọn của ông trong vòng vài phút tôi có thể đếm được 8 lần ông nhắc đến Thượng Đế (God). Các tân sinh viên sau đó được một vị giáo sĩ Do Thái Giáo dâng lời cầu nguyện, vì vị sáng lập ngôi trường này là một người Do Thái. Kế đến các vị trưởng khoa lần lượt lên bục nói vài lời với tân sinh viên mà trong đó tôi nhớ nhất bài diễn văn của giáo sư Robert Askey khi ông muốn các sinh viên phải cố gắng thực tập cho cái đầu (Head) để nâng cao kiến thức, cho đôi tay (Hands) để thành thục trong các kỹ thuật Y Khoa và cho trái tim (Heart) để thông cảm, yêu thương bệnh nhân. Thật là một lời nhắn nhủ không chỉ cho các tân sinh viên mà còn cho tất cả chúng ta khi biết sống hiểu biết, và yêu thương tha nhân.
Để có thể được bước trên quãng đường dài chỉ vài chục mét đó trong đại Hí Viện sang trọng Performing Arts Smith Center, bước lên bục nhận lãnh chiếc áo trắng ước mơ đó, Christine đã phải đi qua một quãng đường dài hơn rất nhiều.
Christine đã phải hoàn tất bốn năm theo học ngành “Bio-Chem” tại trường đại học UCI, kế tiếp là gần ba năm làm việc trong các phòng thí nghiệm tại các trường đại học, thực tập phụ tá cho các bác sĩ tại các bệnh viện, đi làm EMT (Emergency Medical Technician) bán thời gian với giờ giấc khắc nghiệt. Công việc thường xuyên đòi hỏi Christine về đến nhà khi đồng hồ đã quá nửa đêm.
“Bé Trúc (tên Việt của Christine) về chưa con?”, Má tôi gọi điện thoại hỏi thăm khi đồng hồ chỉ rõ đã hơn 12 giờ khuya.
“Dạ chưa, Má. Con cũng không biết khi nào nữa Má. Giờ giấc công việc này thất thường lắm. Má đừng quá lo”, tôi trấn án Má tôi trong lúc lòng tôi cũng đầy những lo lắng.
Và những cuộc gọi điện thoại như vậy đã xảy ra trong nhiều tuần lễ.
“Christine, con giải thích với Nội đi để Nội yên tâm”, tôi kéo hai bà cháu ngồi xuống trong một dịp cả nhà quây quần mừng lễ Tạ Ơn.
“Nội, con biết Nội lo nhưng nếu không Christine này thì cũng sẽ có một Christine khác làm công việc này mà Nội. Bệnh nhân cần có người chăm sóc nha Nội”, con bé trấn an Nội của nó.
Công việc này cũng đòi hỏi Christine phải lái xe đưa đón bệnh nhân trong những trường hợp khẩn cấp, tập tính kiên nhẫn, lòng yêu thương, kể cả các kỹ thuật khi phải đối phó với nhiều trường hợp bệnh nhân khó tính, có thể miệt thị hay ngay cả hành hung nhân viên y tế.
“Hôm nay con trông mệt quá vậy”, tôi đón con khi nghe chuông nhà reo lên.
Con bé chẳng nói chẳng rằng, bỏ cái túi xách đựng những dụng cụ y tế xuống, rồi ngồi bệt xuống đất khóc ngon lành.
“Con mới bị cái ông “homeless” nhổ nước miếng lên đầu con. Con giúp đưa ông ta vào bệnh viện thôi mà”, con bé tiếp tục trút những nỗi buồn, những bực dọc đang đè nén trong lòng.
“Có ai giúp đỡ tụi con không?”, tôi lo lắng hỏi con.
“Dạ, có cảnh sát đi theo tụi con”, Christine đáp lời ngay để tránh cho tôi phải lo lắng thêm.
Và tôi đã ngồi im lặng nhìn con mà lòng xót xa, chẳng dám khóc, để con có một người bạn lắng nghe con trong lúc gặp phải những chuyện không vui.
“Con cám ơn ba. Con đi tắm cho sạch sẽ rồi đi ngủ. Con OK, Ba”, con bé cười trấn an tôi với đôi mắt đỏ hoe.
“Không, Christine. Ba cám ơn con”, tôi thầm nghĩ mà chẳng dám nói thành lời.
Tất cả những công khó nhọc này cộng lại là để chuẩn bị cho việc đua tranh vào các trường đại học Y Khoa. Các ứng viên sau khi nộp đơn sẽ phải trải qua các vòng sơ tuyển qua việc phỏng vấn và xét duyệt bởi một nhóm các giáo sư. Để lọt vào danh sách 80 sinh viên cuối cùng được cho phép tham dự buổi lễ này, Christine trước phải lọt vào nhóm 200 sinh viên được chọn lọc qua các kỳ phỏng vấn, sau đó phải vượt qua các bài thi sau 2 tháng học căng thẳng.
Ngoài những cố gắng vượt bậc của bản thân, theo thiển ý của tôi, Christine vẫn cần đến sự ủng hộ, chăm sóc từ gia đình, và nhất là cần đến sự quan phòng và tình yêu thương từ Thiên Chúa, để Christine có được sự khởi đầu tốt đẹp như vậy.
“Ba muốn Christine phải luôn nhớ rằng con đường mà con đang đi đến thành công trong tương lai đã được lót bằng những viên gạch của những năm tháng tù đày trong ngục tù Cộng sản của ông Nội con, của những năm tháng bà Nội con còm lưng trên chiếc máy may, của những cố gắng từ tất cả mọi thành viên trong gia đình, của tình yêu thương, và những lời cầu nguyện cho con. Ba muốn Christine phải vững vàng trước mọi thử thách và luôn có một niềm tin sắt đá vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Và ba sẽ luôn ở đây theo dõi, ủng hộ từng bước con đi.”
Viết xong ngày 4 tháng 10 năm 2024,
Nguyễn Khánh Vũ
"The Independent
When a medical insurance CEO was shot dead, people celebrated his death. What does this tell us about American healthcare?
Richard Hall
Updated Fri, December 6, 2024 at 2:20 PM CST·7 min read
Brian Thompson had been in New York City for a conference when he was killed in what police believe was a targeted shooting.
When the CEO of one of the largest medical insurance companies in the United States was gunned down on the street in Midtown Manhattan on Wednesday, his death quickly turned into a larger conversation about the much-reviled industry in which he worked."