Hôm nay,  

Những Ánh Mắt Trẻ Thơ

11/06/202406:20:00(Xem: 2263)

Kim Loan phát biểu VVNM 2023 (4) (1)

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

*

Khi ba vừa bước chân vào nhà
Tưởng các con vui khi gặp ba
Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu
Ba chỉ là một bóng hình xa...


Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn.


Cho đến khi xe dừng trước cửa nhà thì anh lại thêm nỗi bối rối, không biết sẽ thế nào khi đối diện với người vợ cũ và hai đứa con. Người vợ mà trước kia anh đã dễ dàng buông ra những lời lạnh lùng nhất, tàn nhẫn nhất, để được chia tay, đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới mà anh say đắm. Anh ngồi trong xe thật lâu để ngắm lại ngôi nhà, chẳng có gì thay đổi, có chăng là trong ngôi nhà này đã thay đổi, đã thiếu một người. Anh hồi hộp bấm chuông cửa, vài phút im lặng trôi qua, bây giờ là buổi chiều, anh tin là mọi người đang ở trong nhà, anh phải bấm chuông thêm hai lần thì cánh cửa mới từ từ hé mở ra, đó là thằng cu Tí, con trai lớn của anh.


Thấy ba, thằng bé vừa mừng vừa ngạc nhiên:


- Ba về hả, con nhìn qua lỗ cửa thấy ba nhưng con không tin.


Anh xoa đầu nó:

- Ba đây mà. Tại sao con lại không tin? Ba có khác đâu.

Đôi mắt thằng bé cụp xuống, vẻ vui mừng lúc nãy biến mất:

- Con nghĩ là ba không muốn về đây nữa. Ngày ba đi mẹ đã khóc nhiều lắm.

Anh hình dung ra người vợ tội nghiệp, lát nữa gặp anh, cô ta có khóc và mắng chửi anh bao nhiêu, anh cũng chấp nhận hết cho vơi bớt day dứt bấy lâu. Anh giục con:

- Mở cửa cho ba vào nhà. Hôm nay ba về thăm hai con.

Cu Tí mở rộng cánh cửa, bước vào nhà anh khựng lại nhìn thằng cu Tí, trẻ con mau lớn quá, mới ba năm, giá mà năm năm, mười năm thì chắc anh sẽ không nhận ra con của mình nữa. Anh quàng tay ôm vai con, âu yếm hỏi:

- Mẹ con đâu?

- Mẹ đi làm rồi.

Thì ra cô ấy đã đi làm dù hai con còn nhỏ không có ai bên cạnh trông nom đỡ đần. Ba năm nay người vợ cũ đã trừng phạt anh bằng cách không hề liên lạc với anh, cô đổi số điện thoại, không trả lời những thư từ anh gởi tới bằng đường bưu điện nên anh không biết gì về cuộc sống của họ, mặc dù hàng tháng tiền trả child support vẫn trừ trực tiếp vào lương của anh đều đặn. Anh chợt nhớ ra:

- Thế em đâu rồi? Em Tina đâu rồi?

- Nó đang ngủ.

- Để ba vào phòng thăm nó nhé.

Thằng bé gạt đi:

- Thôi ba, nó mà thức dậy thấy người lạ nó khóc đấy.

“Người lạ”, thằng cu Tí bình thản nói như một điều đương nhiên. Anh lẩm bẩm lập lại hai chữ “người lạ”, chợt thấy chạnh lòng, mà cũng phải, khi anh ra đi bé Tina mới mấy tháng tuổi nó có biết gì về anh đâu.

Hai cha con ngồi đối diện nhau, cu Tí đã 12 tuổi rồi, trông chững chạc hẳn ra, không biết vì anh đã xa nó một khoảng thời gian, một khoảng cách cuộc đời hay vì nó đã lớn khôn theo hoàn cảnh? Những đứa trẻ trong gia đình ly dị bao giờ cũng trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường.

Anh hỏi han con về chuyện học hành trường lớp, cu Tí trả lời đầy đủ. Khi anh hỏi con có nhớ ba không thì nó trả lời ngây thơ:

- Lúc ba mới đi thì nhớ, con khóc nhiều lần lắm và ngày nào cũng chờ mong ba về, nhưng bây giờ hết rồi.

Và nó hỏi lại:

-  Thế ba có nhớ con và em Tina không?

- Ba nhớ thương các con chứ.

- Sao ba không về thăm? Ba bỏ đi lâu thế?

Anh lúng túng:

- Tại ba…bận rộn quá.

- Mẹ nói ba ở nhà khác với vợ con khác của ba!

Anh nhìn con, trong đôi mắt thằng cu Tí vẫn vô tư, nói về ba nó mà như nói về một người nào xa lạ, Cu Tí không hề làm quan tòa kết tội anh, nhưng câu nói của nó đã gieo vào lòng anh như ngàn lời oán trách.

Bỗng có tiếng điện thoại reo, chắc đã là thông lệ nên cu Tí nói:

- Mẹ gọi đấy.

Nó ra dấu cho anh im lặng để nó nói chuyện phone. Anh lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, mà chủ yếu là từ những câu trả lời của cu Tí, nó kể với mẹ là Tina đang ngủ, mẹ nó dặn khi nào em thức dậy thì cho em uống thuốc ho rồi mới cho ăn cơm, rồi sau đó tắm cho em. Câu cuối cùng là cu Tí luôn miệng vâng dạ, con nhớ lời mẹ dặn mà, con sẽ không bao giờ mở cửa cho người lạ đâu, mẹ cứ yên tâm.

Cúp phone xong cu Tí mỉm cười nheo mắt nhìn anh, coi như nó vừa làm một sự chiếu cố đặc biệt cho anh, đã phá lệ, để người lạ vào khi không có mẹ ở nhà. Nó đã không coi anh như một thành viên trong ngôi nhà này nữa.

Chỉ trong vài phút ngắn ngủi trò truyện giữa hai mẹ con, anh đã hình dung ra cuộc sống hiện nay của họ. Buổi sáng cô ở nhà lo cho con và buổi chiều đi học về cu Tí phải gánh vác nốt những việc còn lại, thiếu một người cha, thằng bé đã phải làm những công việc của người lớn. Cu Tí kể:

- Ngày nào lúc break time ở hãng mẹ cũng gọi để xem nhà có chuyện gì không, và mẹ nhắc nhở con đủ thứ việc nhà. 



Anh cảm động khen con:

- Cu Tí ngoan và giỏi quá.

Anh đi lại khắp nhà, vẫn những đồ đạc cũ khi anh còn ở đây, kể cả những đồ dùng lặt vặt, người vợ cũ vẫn tiết kiệm như trước hoặc cô không có khả năng mua sắm cái mới.

Căn nhà này vợ chồng anh khi mới cưới nhau đã mua trả góp, đã là căn nhà hạnh phúc, căn nhà ước mơ của hai vợ chồng. Sinh thằng cu Tí xong, vợ anh đi làm tiếp để mau trả nợ nhà, khi cu Tí gần 9 tuổi món nợ nhà vơi bớt, vợ mới mang bầu Tina đứa con thứ hai, cô đâu ngờ rằng thời gian này anh đang có người yêu và sắp sửa lìa bỏ gia đình.

Căn nhà anh đã sống 9 năm trời nên anh dễ dàng nhận thấy vài thay đổi hư hỏng, những vết tường loang, cái mành cửa sổ xộc xệch, vài cái nẹp cửa phòng ngủ vênh ra, vòi nước trong phòng tắm đang chảy nhỏ giọt hững hờ như đang oán trách người chủ cũ đã vắng mặt lâu ngày.

Anh ra nhà kho sau vườn lấy búa đinh vào đóng lại nẹp cửa và sửa vòi nước, điều đơn giản dễ làm ấy nhưng với mẹ con cô cũng là điều không thể làm được. Khi mang hộp đồ nghề trả lại nhà kho, anh dạo quanh khu vườn. Cây đào, cây lê ngày nào còn bé nhỏ, vợ chồng anh hí hửng mua về, đã mong cây mau lớn để có bóng mát cho các con chơi. Nay cây đã lớn, đã có bóng mát, nhưng hai đứa con anh đã bao giờ vui thích chơi đùa dưới bóng mát ấy chưa?

Anh không dám nghĩ tiếp, bước vào nhà, những hình ảnh quá khứ bỗng đổ ập vào tâm tư anh, đây là phòng ăn, nhà bếp, cô ấy đã từng đứng nấu nướng, dọn ra những bữa ăn cho chồng con, kia là phòng ngủ, đã từng có những lúc mặn nồng hạnh phúc vợ chồng. Nhưng anh đã không yêu cô nữa, có một tình yêu khác làm anh mê đắm, anh đã đi theo tiếng gọi của con tim, dù khi anh đề nghị ly dị, vợ anh đã phản đối, đã khóc hết nước mắt, xin anh nghĩ lại vì các con, đừng làm tổn thương những tâm hồn vô tội.

Bé Tina đã thức dậy, từ trong phòng ngủ đi ra, thấy anh, Tina vội túm lấy áo cu Tí tìm chỗ nương tựa chở che và nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ, xa lạ. Tina đã hơn 3 tuổi, nếu gặp ngoài đường anh không nhận ra con, anh thấy mình tệ bạc quá khi bây giờ mới đến thăm con lần đầu kể từ khi ly dị. Anh đến bên Tina giơ tay định bế nó, nhưng cu Tí nói ra vẻ hiểu biết đầy kinh nghiệm:

- Ba đụng vào người nó, nó sẽ khóc đấy.

Rồi cu Tí quay ra dỗ dành em:

- Đây là ba, ngày xưa ba cũng ở chung nhà với chúng ta mà. Cho ba bế Tina nhé?

Con bé vẫn chưa tin cậy, nó càng dựa vào người cu Tí và bám chặt lấy cu Tí hơn. Anh đành chịu thua, ngồi nhìn hai đứa con, ít nhiều ngày xưa anh đã từng bồng bế Tina, từng nâng niu nó, đó là máu thịt của anh, nhưng giờ đây chẳng khác gì người xa lạ. Khi ly dị vợ, xa con, anh không thể hình dung ra tình huống này.

Cu Tí để mặc anh ngồi thừ ra ở ghế, nó đi lo cho em, lấy chai thuốc ho như lời mẹ dặn. Anh không nỡ nhìn thằng bé loay hoay mở hộp thuốc, anh giúp nó bơm thuốc vào ống để cu Tí mang ra cho Tina uống, xong nó dắt em vào bếp lấy cơm để ra bàn cho con bé tự ăn một mình, cu Tí dịu dàng với em:

- Ăn cẩn thận, đừng làm đổ ra bàn, ăn xong anh cho ăn kẹo.

Tina ngoan ngoãn gật đầu và rón rén múc từng muỗng cơm ăn ngon lành. Tất cả diễn ra trước mắt anh như một vở bi kịch, vở bi kịch do chính anh gây ra và hai đứa con anh là nhân vật chính.

Từ lúc nào hai mắt anh cay xè mờ lệ. Cuộc sống hiện nay anh đang có bên vợ mới, con mới, chắc gì đã được như anh ước mơ, vậy mà anh đã đánh đổi bằng sự vất vả và thiếu thốn tình cảm của hai đứa bé này. Một ngày nào đó khi chúng lớn lên, chúng sẽ hiểu vì đâu.

Anh bỗng rùng mình và đau đớn, anh cứ ngồi nhìn hai con và không biết phải làm gì, nỗi đau như chôn chặt anh trong lòng ghế. Một lúc lâu cu Tí dè dặt hỏi:

- Ba đợi mẹ về không?

Anh lắc đầu, hình như nếu anh thốt ra lời thì nước mắt cũng ra theo.

- Vậy ba về đi, chút nữa con còn tắm cho Tina và học bài nữa, con bận lắm.

Anh rút ra một xấp tiền đưa cho cu Tí, nó nắm chặt lấy món tiền, chắc nó nghĩ những đồng tiền cần thiết cho mẹ và sẽ làm mẹ vui. Nhìn cử chỉ và nét mặt vui mừng của thằng bé, anh có thể đoán ra mẹ con họ đã sống trong cảnh chắt chiu từng đồng. Căn nhà anh hào phóng để lại cho vợ con nhưng cô ấy vẫn phải tiếp tục trả góp thêm vài năm nữa.

Anh ôm chặt lấy cu Tí, trong đời anh, chưa bao giờ có một cảm xúc thương yêu con dạt dào như bây giờ. Bé Tina vẫn đứng xa, nhất định không cho anh đụng tới.

- Ba đi nhé, con hãy ngoan, chăm học. Ba sẽ về thăm các con thường xuyên.

Anh đến đây, dự định sẽ gặp lại vợ cũ, sẽ nói lời xin lỗi và vui chơi cùng hai con. Bây giờ anh hiểu rằng, có nói trăm ngàn lần lời xin lỗi và dù vợ anh có tha thứ, chấp nhận hiện tại đường ai nấy đi, nhưng những cái nhìn của hai con, ánh mắt buồn vui bất chợt và dửng dưng của cu Tí, ánh mắt xa lạ và dè dặt của bé Tina, sẽ theo ám ảnh anh không biết đến bao giờ.

Cánh cửa mà cu Tí vừa khép lại sau lưng anh, lại gieo vào lòng anh cả sự lạnh lùng và oán trách. Cánh cửa đã phân chia ranh giới, như hai kẻ xa lạ mỗi người một lối đi và cuộc sống khác nhau.

Anh lái xe rời khỏi thành phố như một kẻ chạy trốn.


Edmonton, Fathers Day 2024

Kim Loan                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
19/07/202420:06:48
Khách
PhanNg viết:
Chẳng hạn Tổng Thống Biden lấy vợ rồi ly dị say mê sự nghiệp chánh trị bỏ bê khômg dạy dỗ con trai là Hunter Biden để anh ta hút xách nghiện ngập nên nay bị kết tội khai man mua súng lúc đang hút xách.

--------------------------------------------------

Ông Biden từng là widower vì người vợ đầu tiên của ông bị chết vì tai nạn xe cộ, chứ ông ấy không hề ly dị vợ.

Ông hay bà PhanNg biết đọc tiếng Anh không hả? Nếu biết thì nên dùng search engines như DuckDuckGo, Econsia, hay Google mà tìm thông tin chính xác,

Cho dù nếu ông hay bà PhanNg ghét tổng thống Biden thì cũng không nên xuyên tạc với những tin láo xạo theo kiểu của bầy vịt cộng .đã và đang làm.
02/07/202420:50:15
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
13/06/202422:54:31
Khách
Kim Loan viết bài này hay lắm! Đặc biệt là khác những bài trước về cách kể chuyện vui tươi, hóm hĩnh; bài kỳ này có lối viết khác: da diết, sâu sắc... Biết là đang đọc truyện, mà vẫn như nhìn thấy người cha và hai đứa bé trước mặt; nhất là hình ảnh bé gái 3 tưổi bám chặt vào anh trai 12 tuổi để tìm sự che chở. Sống động và hay quá!
12/06/202420:44:15
Khách
Ngoại tình là một tội nặng lắm. Không những nó làm tan vỡ gia đình, chia lìa vợ chồng, con cái mà còn đưa đến những hệ lụy liên hệ đến cả họ hàng hai bên nội, ngoại, và ảnh hưởng ngay cả đến bạn bè. Nó còn đưa đến những rắc rối, tai hại về công ăn việc làm, nhà cửa, tiền bạc nữa. Chưa nói đến đổ máu đấy
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, nên đừng tưởng rằng dấu giếm được sự ngoại tình của mình .
Mấy ai dễ dàng tha thứ cho người bạn đời về tội ngoại tình để rồi tiếp tục chung sống, coi như không có chuyện xấu xa này xẩy ra, life goes on .
Thế cho nên ráng mà gạt bỏ sự cám dỗ của ngoại tình .
12/06/202415:56:19
Khách
Tên PhaoNg nói thật là buồn cười, nếu không muốn nói là ngu xuẩn . Nghiện ngập ma túy là chuyện thường tình, vả lại Hunter Biden đã hơn 18 tuổi, đã ra khỏi trách nhiệm của bố mẹ.
Bà Patti Davis, con gái của TT Reagan trước kia cũng nghiện ngập ma túy đấy thôi. Không những vậy, bà còn chụp hình khỏa thân cho tạp chí Playboy nữa .
Hai đứa con gái sinh đôi của TT Bush rất là quậy phá, đã vài lần bị bắt khi uống rượu dưới tuổi vị thành niên .
Tên PhaoNg cũng chẳng biết tại sao TT Nixon từ chức nên mới viết những câu bình...loạn như thế.
11/06/202414:37:46
Khách
Bài viết rất hay và cảm động. Con nguời hay phạm lầm lỗi, nhưng cái lầm lỗi của nguời cha không những làm hại nguời mẹ mà còn làm hại những đứa con thơ, trẻ con mới 12 tuổi phải mang gánh nặng do cha gây ra, và hai con như bị mồ côi cha. Nếu mình không yêu vợ chồng thật tình thì đừng đẻ con, vì đẻ thêm con ra chỉ làm hại trẻ con vô tội. Cuộc đời vô thuờng đầy oan nghiệt, nếu mình đã quyết định sai lầm về vợ chồng và đã có con thì phải can đảm nhận trách nhiệm với món nợ gây ra với con vì con cái bị mình bắt buộc sinh ra dù nó không muốn bị sinh ra trên cõi ta bà để gánh chịu tội lỗi của cha mẹ.
Ði theo tiếng gọi tình yêu của một nguời xa lạ mà bỏ rơi con mình thì hành động quá bản năng tàn nhẫn. Hành động bản năng này chỉ thấy ở hưu nai, sư tử, chó, gà, v.v bỏ con cái tự lo lấy thân sau vài tháng tuổi nhưng con nguời biết suy nghĩ về trách nhiệm bổn phận luân lý không ai làm. Nhưng cuộc đời lại có rất nhiều nguời sống theo bản năng thay vì sống theo đạo đức.
Chẳng hạn Tổng Thống Biden lấy vợ rồi ly dị say mê sự nghiệp chánh trị bỏ bê khômg dạy dỗ con trai là Hunter Biden để anh ta hút xách nghiện ngập nên nay bị kết tội khai man mua súng lúc đang hút xách. Chỉ vì Biden là Tổng Thống nên Hunter mới bị truy tố, nếu Biden không làm Tổng Thống thì có lẽ Hunter đã không bị truy tố như bao nguời dân trong các nhóm băng đảng đi mô tô phần đông hút xách mua súng ống nhưng không ai bị truy tố. Trong truờng hợp này, nguời con trai bị tù chỉ vì cái nghiệp của nguời cha ham sự nghiệp chánh trị. Cách hay nhất để chuộc lỗi lầm thiếu bổn phận làm cha là TT Biden từ chức để bà Harris lên làm TT để bà Harris pardon tha tội cho Hunter như TT Ford tha tội cho Nixon 1974. TT Biden có quyền tha tội cho con, nhưng làm như thế là mang tiếng thiên vị gia đình.
Nếu phải bỏ ngai vàng để cứu con trai duy nhất còn sống (đưá con khác đã chết trẻ) thì TT Biden nên làm. Cuộc đời hư vô công danh sự nghiệp như giấc kê vàng, nằm mơ thấy mình thành đạt công danh khi tỉnh dậy thì nồi kê nấu chưa chín.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,463
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Năm 2007, lúc 64 tuổi tôi mới có đứa cháu ngoại đầu tiên là Brandon, hai năm sau thì có Allison, em của Brandon. Mãi đến năm 2019 thì đứa cháu nội Charlie mới ra đời. Lúc này tôi đã 77 tuổi. Hai năm sau, chính xác là ngày 05/12/2021 em gái của Charlie là Emma chào đời. Vậy là tôi có đủ hai cháu nội và hai cháu ngoại, trai gái vẹn toàn, không còn hạnh phúc nào hơn. Charlie là cháu đích tôn. Tôi thì không quan trọng lắm cái chuyện đích tôn hay không đích tôn, trai hay gái, nội hay ngoại vì tất cả đều là cháu tôi, không lý do gì mà tôi thương đứa này ít, đứa kia nhiều. Chắc cũng có người nói tôi ba gai, tôi bướng bỉnh. Không sao. Tôi có quan điểm riêng của mình: Không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với con, cháu của mình vì điều đó đã lỗi thời từ thuở phong kiến theo quan niệm Nho Giáo ở đâu bên Tàu, rồi ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng ta bị ảnh hưởng.
... Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát! ...
Luật mới của Tiểu Bang California, những người trên 70 tuổi khi xin gia hạn bằng lái xe thì đều phải thi lại bài thi viết. Nghe nói có nhiều người thi rớt lên, rớt xuống vài lần mới thi đậu được bài thi viết. Tôi thì cũng trong hoàn cảnh đó, nên rất lo sợ, không biết mình có thể lấy lại bằng lái xe được không? Xin đừng lo lắng! DMV đã có một chương trình thi online giúp cho người trên 70 tuổi thi lại bằng viết để xin gia hạn bằng lái xe “Bảo đảm đậu”.
Hồi tuần trước, cuối ngày làm việc, cháu trai của Khánh Vân là Huy Khang (HK), tên nhà là Tày, gọi điện thoại xin FaceTime. Khi hai màn hình video vừa hiện lên và nhìn thấy mặt nhau thì HK liền hỏi “Má Hai khóc với Tày được không?” Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thương quá chừng quá đỗi. Huy Khang là một bé trai hoạt bát, rất có tình và rất biết để ý đến mọi người và mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, trong mười hai năm qua, từng năm tháng lớn lên, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe HK hỏi một câu bất ngờ như vậy.
...Tao biết, nhưng đó là phong cách Mỹ, cái kiểu Mỹ. Mỹ tụi bay cứ như dân du mục, nay ở chỗ này mai đi xứ khác, công việc cũng xoành xoạch thay đổi. Tụi Việt tao thì ngược lại, sống an cư lạc nghiệp. Nhà ở đâu việc ở đó, có ở yên thì mới an tâm làm việc, chỉ khi nào hoàn cảnh bức bách lắm mới nhảy! Cái khái niệm an cư lạc nghiệp ăn sâu vào tiềm thức người Việt chúng tao...
Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe nói về Đại hội Thánh Mẫu Missouri. Xem YouTube rất nhiều, cho mãi tới lần thứ 44 năm ngoái 2023 tôi mới có cơ hội được tham dự. Chỉ cần bỏ vô Google: Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2024. Bạn sẽ biết mọi chi tiết...Vào YouTube các bạn sẽ thấy chương trình ĐHTM Missouri được lưu giữ hàng năm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Một số tiểu bang cũng có tổ chức đại hội Thánh Mẫu, nhưng ngắn gọn hơn ở Missouri. Một cuộc cắm trại khổng lồ kết hợp hành hương và tham gia hội chợ với đủ mọi sinh hoạt vui chơi...
Nhìn từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn về Thái Bình Dương, thì Arizona là một trong mười ba tiểu bang thuộc miền tây Hoa Kỳ, nhưng cư dân California đi thăm Arizona phải lái xe trên xa lộ 10 East, nên cuộc hành trình của bốn thành viên Việt Bút tạm gọi là cuộc Đông Du. Bài viêt ngắn sau đây lại mang một nhan đề “dao to búa lớn” là “Đông Du Ký”, thật ra chỉ ghi lại năm ngày du ngoạn ba địa điểm du lịch trong số rất nhiều thắng cảnh độc đáo nổi tiếng của tiểu bang “Nhiều Nắng”.
Tác giả Trần Kim Bằng, cư dân vùng Little Saigon là một nhạc sĩ, đã phát hành tập nhạc và CD Duyên. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông vào năm 2015 là một hồi ký về hành trình vượt biên đường bộ năm 1980. Sau đây là bài viết kế tiếp của ông ghi lại một số cảnh đẹp và sinh hoạt của một vài thành phố ở quận Cam, California.
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Nhạc sĩ Cung Tiến