Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Giáo Sư Đào Quang Mỹ - Nhà Văn, Nhà Báo Hoài Mỹ

06/09/202400:00:00(Xem: 2052)
 
Hoài-Mỹ-1

Hình Giáo sư, Nhà văn Đào Quang Mỹ-Hoài Mỹ đứng ở giữa,
tay cầm Microphone.

 
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải Đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân và giải Đặc biệt năm 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả nhằm tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đối với Giáo sư, Nhà văn Đào Quang Mỹ-Hoài Mỹ.
 
*
 
Anh Đào Quang Mỹ là ân nhân và cũng là người bạn lớn của tôi, nên tôi muốn viết đôi dòng để tưởng niệm lễ giỗ lần thứ sáu của anh.
 
Anh Đào Quang Mỹ được Chúa gọi về lúc 1:05PM ngày 22 tháng 7 năm 2018, tại Orange County, California, USA. Hưởng thọ 76 tuổi. Thánh Lễ An Táng của anh lúc 6:30AM tại nhà thờ Chánh Toà Chúa Kitô Vua, ngày 28 tháng 7 năm 2018. Tuy bị căn bệnh ung thư hành hạ đau đớn, nhưng vẫn với nụ cười hồn hậu, nhẹ nhàng, anh rời bỏ đường trần để về cõi vĩnh hằng. Nguyện cầu Linh Hồn Antôn Đào Quang Mỹ sớm được về nước Chúa.
 
Anh Đào Quang Mỹ là nhà giáo, nhà văn và là nhà báo với bút danh Hoài Mỹ, khi viết các bài văn trào phúng anh ký bút hiệu Thạch Thủ. Anh là Chủ Nhiệm báo Bán Nguyệt San Ngàn Thông, ra đời vào thập niên 70 tại miền Nam Việt Nam, phục vụ độc giả thuộc lớp tuổi mới lớn, tuổi học trò. Nhóm chủ trương Bán Nguyệt San Ngàn Thông là các giáo sư trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn, gồm những giáo sư, nhà văn, nhà thơ: Quyên Di-Bùi Văn Chúc, Hoài Mỹ-Đào Quang Mỹ, Đình Bảng-Lê Quang Bảng, Thái Bắc-Tăng Vĩnh Lộc, nhạc sĩ Hoàng Quý-Hoàng Kim Quý, nhạc sĩ Dương Đức Nghiêm, họa sĩ ViVi-Võ Hùng Kiệt. Bảo trợ tài chánh cho Bán Nguyệt San Ngàn Thông là giáo sư Đoàn Văn Thơm, trường Nguyễn Bá Tòng.
 
Bán Nguyệt San Ngàn Thông có lời giới thiệu:
 
“Tươi đẹp như cánh hoa mới nở.
Trong sáng như giọt sương mai.
Hướng thượng như ngọn thông cao vút.
Mơ mộng như dòng sông xanh.
Nồng nàn như nắng ấm.
Dịu dàng như ngọn gió đầu xuân”.
 
Trong cuộc đời tôi, tôi may mắn có nhiều ân nhân. Đa số các ân nhân đã giúp tôi về vật chất trong lúc hoạn nạn, khốn khó trên đường đời, nhưng cũng có những ân nhân đã ban cho tôi sự giúp đỡ về tinh thần rất quý giá. Đó là Nhà văn Hoài Mỹ, Thi sĩ Du Tử Lê, Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng...
 
Lần đầu tôi được gặp mặt anh Đào Quang Mỹ, nhà văn Hoài Mỹ, là trong buổi ra mắt sách đầu tiên của tôi, năm 2013. Tôi biết anh Đào Quang Mỹ qua sự giới thiệu của cậu tôi, một hội viên của Hội Cựu Tu Sinh Dòng Chúa Cứu Thế - Nam California.
 
Dù chưa một lần biết mặt vậy mà nhà văn Hoài Mỹ đã không ngại tốn thời gian đọc quyển sách của tôi, bỏ công sức để viết bài và làm diễn giả giới thiệu sách cho tôi. Đó là niềm vinh dự vô cùng lớn lao, là món quà quý giá hơn cả bạc vàng.
 
Tôi thật may mắn có diễm phúc là trong buổi ra mắt sách lần đầu của tôi, ngoài diễn giả của nhà xuất bản, còn có Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam, Cựu Dân Biểu VNCH, Giáo sư Đào Quang Mỹ, nhà văn Hoài Mỹ và Thi Sĩ Du Tử Lê giới thiệu sách cho tôi. Tuy Thi Sĩ Du Tử Lê không đến được, nhưng đã gửi bài viết giới thiệu sách trong buổi ra mắt sách của tôi. Nhà thơ Du Tử Lê qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 2019 tại thành phố Garden Grove, California, USA. Nguyện cầu hương hồn Thi Sĩ Du Tử Lê sớm siêu sinh Tịnh Độ.
 
Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ biết làm thơ viết văn, không có kinh nghiệm trong việc viết lách và cũng không dám ước mơ trở thành một nhà văn, nhưng từ năm 2010 vì tâm thôi thúc nên tôi mạnh dạn và cố gắng viết với trình độ giới hạn của mình. Khi ra mắt cuốn sách, tôi không quen biết bất cứ một nhà văn hay nhà thơ nào để nhờ viết lời giới thiệu, làm diễn giả và nếu có, chắc cũng không một vị nào muốn có lời giới thiệu cho cuốn sách đầu tay của một tên tuổi không ai biết đến. Tôi định sẽ ra mắt sách mà không có diễn giả giới thiệu, nhưng rồi bằng một cách nào đó, bằng những mối liên hệ không ngờ tới mà buổi ra mắt sách của tôi có các nhà văn, nhà thơ lỗi lạc, giáo sư - nhà sử học đã giới thiệu sách và có cả ban nhạc, các ca sĩ đến ủng hộ, giúp tôi một cách vô vị lợi, tất cả đều miễn phí cho tôi.
 
Tôi rất bỡ ngỡ vì tôi là một người không ai biết đến và mới tập tành trong việc viết lách vậy mà quý ân nhân, Nhà văn Hoài Mỹ, Thi sĩ Du Tử Lê và Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng đã ban cho tôi quá nhiều ưu ái. Công ơn của những ân nhân này đối với tôi là lớn lao vô cùng. Bổn phận của người mang ơn là phải tri ân và cảm tạ, thế nhưng chắc chắn rằng, tôi không thể nào đền đáp lại những ơn nghĩa này cho đầy đủ được.
 
Trong bài giới thiệu sách cho tôi, nhà văn Hoài Mỹ đã phân tích tỉ mỉ từ hình bìa cho đến từng câu chữ, từng nhân vật trong sách một cách sâu sắc, được khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Để kết thúc bài giới thiệu sách cho tôi, Thi sĩ Du Tử Lê viết: “Vì thế, với tôi, Nguyễn Phước An đã thực sự là nhà văn, ngay tự những trang sách thứ nhất...”.  Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng kết thúc bài phát biểu của mình tại buổi ra mắt sách: “Tôi cầu chúc anh Nguyễn Phước An, viết được một cuốn sách… trong tương lai sẽ viết được nhiều cuốn sách khác. Hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm làm nhà văn nói lên sự thật”. Những lời khích lệ và tình cảm đặc biệt của Nhà Văn Hoài Mỹ, Thi Sĩ Du Tử Lê và Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng dành cho tôi đã làm tôi thực sự xúc động. Thú thật hôm ra mắt sách đó, khi phát biểu và gửi lời cảm ơn đến mọi người, tôi đã khóc.
 
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và với ít ỏi lần được gặp anh Đào Quang Mỹ, nhưng anh cũng đã đủ để lại cho tôi một cảm nhận, anh là người rất dễ gần gũi, thân thương và hay giúp đỡ mọi người. Có nhiều điều khiến tôi không dám ước mơ được làm bạn với anh Đào Quang Mỹ vì anh là một thần tượng của tôi khi mới lớn và về tuổi tác tôi chỉ đáng hàng con cháu của anh, nhưng với tấm lòng bao dung, không hề phân biệt, anh đã xem tôi như một người bạn. Trong các buổi tiệc với bằng hữu, anh luôn nở nụ cười tươi vui và thân mật gọi tôi là “người bạn trẻ”.
 
Anh đã tặng cho tôi nhiều tác phẩm của anh với lời ghi, “Thân tặng bạn văn Nguyễn Phước An với tất cả tâm tình quý mến”. Chỉ với một dòng ngắn ngủi ấy, anh đã khích lệ và làm lòng tôi ấm áp rất nhiều.
 
Hôm lễ giỗ năm thứ ba (2021) của Cựu Đệ Tử Antôn Đào Quang Mỹ - Nhà văn Hoài Mỹ, tôi hân hạnh được Hội Cựu Tu Sinh Dòng Chúa Cứu Thế - Nam California mời tham dự. Trong buổi lễ giỗ đó, tôi được nghe nhà văn Quyên Di và nhiều người trong Gia Đình Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế - Nam California kể về anh, được thấy sự thương tiếc của mọi người đối với anh nhiều là dường nào, khiến tôi thật sự nuối tiếc là không được quen biết anh Đào Quang Mỹ sớm hơn, để tôi được học hỏi thêm các đức tính, những kiến thức sâu rộng và những điều tốt lành từ anh.
 
Theo lời Hội Trưởng Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế - Nam California: “Chỉ có một Đào Quang Mỹ chứ không có Đào Quang Mỹ thứ hai. Nhờ khả năng Chúa ban cho là một nhà giáo, nhà văn và nhà báo đã làm cho Đào Quang Mỹ dễ tiếp cận trong mọi khía cạnh xã hội, là một nhịp cầu nối giữa các thế hệ.
 
Ngoài biết tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Anh, Đào Quang Mỹ còn dạy học cho giới trẻ Na Uy bằng song ngữ Việt - Na Uy. Anh là người lập nên chương trình dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đầu tiên ở Na Uy.
 
Năm 2005, Đào Quang Mỹ qua Hoa Kỳ theo lời mời của một Hội cựu nữ sinh trung học, với tư cách là một người thầy cũ gặp lại học trò xưa. Bởi khí hậu tốt các mùa trong năm và những tình cảm đẹp đẽ của con người đã giữ chân Đào Quang Mỹ ở lại Cali và gắn bó với Hội Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế Nam Cali cho đến lúc ra đi.
 
Điều đặc biệt của Đào Quang Mỹ là luôn sẵn sàng xắn tay áo lên tham gia vào mọi sinh hoạt cần thiết cho lợi ích chung. Thí dụ trong sinh hoạt của Hội Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế Nam Cali, Đào Quang Mỹ đã bỏ công sức đi kêu mời những anh em lâu nay vắng bóng trong sinh hoạt, trở lại cùng Hội. Đào Quang Mỹ còn có câu nói vui vui với anh em trong hội là đi kêu gọi những con cóc con nhái ra ánh sáng”.
 
Vâng lời nhà Dòng, anh Đào Quang Mỹ cùng ông Nguyễn Hùng Cường đã bỏ ra nhiều tâm huyết thực hiện cuốn Kỷ Yếu Về Nguồn năm 2015 để lưu lại cho thế hệ trẻ Dòng Chúa Cứu Thế. Ông Nguyễn Hùng Cường làm Chủ Nhiệm và anh Đào Quang Mỹ là Tổng Thư Ký.
 
Cũng theo lời vị Hội Trưởng Cựu Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế: “Đến giờ phút này trong tâm trí tôi, về khía cạnh gia đình, Đào Quang Mỹ là một người chồng lý tưởng, bởi tâm tính Đào Quang Mỹ rất vị tha. Ngay với bạn bè, có gì phật lòng nhau, Đào Quang Mỹ sẵn sàng nói ra chứ không để ở trong lòng và vui vẻ sẵn sàng tha thứ. Trong tình bạn, đặc biệt Đào Quang Mỹ chơi với bạn hết mình, không bao giờ vắng mặt trong các buổi sinh hoạt vui cũng như buồn của gia đình bạn bè. Một cách nào đó, sự hiện diện của Đào Quang Mỹ đã mang lại niềm vui, sự ấm áp cho các buổi họp mặt”.
 
Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn Hội Cựu Tu Sinh Dòng Chúa Cứu Thế - Nam California đã cho tôi được tham dự lễ giỗ của anh Đào Quang Mỹ, để tôi cũng có cơ hội nói lên lòng biết ơn của tôi đối với anh Đào Quang Mỹ.
 
Như trên tôi có nói, nhà văn Hoài Mỹ là thần tượng của tôi vì đã viết ra những vấn đề và tình yêu của tuổi mới lớn trước năm 1975. Tôi đã đọc được nhiều tác phẩm, những đứa con tinh thần của anh. Nhà văn Hoài Mỹ có nhiều tác phẩm có giá trị văn học, giáo dục được in trong Tủ Sách Tuổi Hoa và Tủ Sách Ngàn Thông như Đèn Khuya, Triền Dốc, Linh Hồn Tượng Đá, Dưới Mái Gia Đình, Trở Về Tâm Tư, Hành Tinh Mắt Ma…
 
Tuổi trẻ nhiệt thành, lý tưởng và bền bỉ cần cù viết để cống hiến cho văn chương, nhà văn Hoài Mỹ đã để lại những tác phẩm sống mãi với thời gian. Độc giả thanh thiếu niên Việt Nam trong những năm 70 chắc sẽ không quên nhà văn Hoài Mỹ với một tâm hồn trẻ trung, viết nhiều truyện loại hoa tím dành cho lứa tuổi 16-18. Những truyện tình yêu tuổi mới lớn của anh mang đến nhiều cảm xúc và làm nức lòng giới trẻ khi ấy. Nhà văn Hoài Mỹ còn viết truyện vui tình cảm gia đình thuộc loại Hoa Xanh như Dưới Mái Gia Đình, truyện phiêu lưu mạo hiểm như Hành Tinh Mắt Ma và rất nhiều ký sự vui nhộn dưới bút danh Thạch Thủ. Với lối viết hấp dẫn người đọc, các tình tiết sâu sắc, truyền tải các giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vẻ đẹp tâm hồn, những tác phẩm của nhà văn Hoài Mỹ đã có sức ảnh hưởng rất lớn với thanh thiếu niên thời ấy.
 
Hồi nhỏ đi học, tôi thích đọc sách truyện, nhưng không có tiền để mua. Tháng nào tôi học giỏi thì được cha mẹ mua sách truyện tặng cho, nên tôi cố gắng học để tháng nào cũng được lãnh bằng khen. Lúc ấy nhà tôi ở gần phi trường Đà Nẵng, sợ bị đạn pháo kích của quân Cộng Sản bắn vào phi trường nhưng lạc vào nhà dân, cha tôi làm một căn hầm được phủ kín bằng những bao cát ngay trong nhà. Mỗi khi có còi hú báo động, mọi người trốn vào hầm để tránh đạn. Sau giờ học, tôi thường trốn vào căn hầm tránh đạn pháo kích đó để đọc sách truyện.
 
Bao ước mộng đẹp thời niên thiếu, tuổi học trò của tôi được dựng xây qua những truyện giải trí và giáo dục thuộc các loại sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím với những hình bìa tuyệt đẹp của các hoạ sỹ nổi tiếng, nhất là Họa Sĩ Vi Vi. Hoa Đỏ gồm những truyện phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám, giúp rèn luyện trí óc, lòng can đảm và tinh thần hào hiệp. Hoa Xanh là các truyện về tình cảm gia đình, bạn bè, giáo dục về sự yêu thương, giúp tuổi trẻ sống hướng thiện. Hoa Tím là những truyện tình yêu tuổi mới lớn dành cho lứa tuổi từ 16 đến 18. Ngoài hai tủ sách truyện của Tuổi Hoa và Ngàn Thông, còn có Tủ sách Hoa Phượng, Mây Hồng, Tuổi Ngọc, Thằng Bờm, Thiếu Nhi… Và với một lực lượng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi đã tạo nên một khu vườn văn học, giáo dục đa dạng, đặc sắc cho các em nhi đồng và thanh thiếu niên của miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
 
Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc và vật chất thiếu thốn, các nhà văn, nhà báo, thi sĩ, nhà giáo phải cố gắng không ngừng nghỉ, nỗ lực vượt qua khó khăn và quyết tâm lắm mới sinh ra được những tác phẩm đầy tính giáo dục, kiến thức đa dạng và nhân văn như thế cho giới trẻ. Những nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, viết và vẽ cho tuổi trẻ thời ấy đã trở thành những huyền thoại đối với nhiều thế hệ tuổi thơ của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Những sách báo văn hoá trong sáng, lành mạnh và đầy kiến thức thời đó, phần nào đã hình thành nhân cách của thế hệ trẻ miền Nam trước năm 1975.
 
Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm tòi đọc lại những cuốn sách truyện xưa ấy vì tôi thương mến sách báo văn hóa của miền Nam trước năm 1975, chúng quen thân và là những kỷ niệm đẹp đẽ đã đi vào ký ức, đưa tôi sống lại khoảng thời gian tươi sáng nhất của một đời người.
 
Để kết thúc bài viết, tôi xin được ghi lại vài lời tóm tắt tự giới thiệu bản thân của Giáo Sư Đào Quang Mỹ - Nhà Văn Hoài Mỹ trong buổi ra mắt sách của tôi vào ngày 08 tháng 12 năm 2013:
 
- Nghiệp dĩ: Trước 1975 chuyên “gõ đầu trẻ” ở một số trường Trung Học tại Sài Gòn.
 
- Tháng 7 năm 1977: Cùng với vợ con, vượt biên và được tàu Na Uy vớt nên về vương quốc này định cư trong suốt 28 năm.
 
- Cũng bởi “nghiệp dĩ”, ở Na Uy lại tiếp tục “bán cháo phổi” 26 năm cho tới ngày chính thức về hưu.
 
- Theo “tiếng gọi con tim”, qua Mỹ, tính tới hôm nay còn thiếu 4 tháng nữa mới đủ “thâm niên” để thi quốc tịch.
 
- Viết lách: 1969-1972, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tuần san Ngàn Thông, tờ báo dành cho Tuổi Mới Lớn.
 
- Đã xuất bản ở trong nước, trước 1975: Bảy truyện dài viết về Tuổi Mới Lớn. Ở ngoại quốc: Một tập truyện cổ tích Việt Nam viết bằng tiếng Na Uy và hai tập truyện ngắn (xuất bản ở Cali).
 
- Hiện viết thường xuyên cho Nhật báo Viễn Đông (Cali), Tuần báo Việt Tide (Cali) và Nguyệt san Diều Hâu (Florida).
 
Anh Đào Quang Mỹ - Nhà Văn Hoài Mỹ đã cho tôi thật nhiều và chẳng nhận điều gì từ tôi. Giờ đây để tỏ lòng biết ơn, tôi chỉ còn mỗi cách là luôn nhớ và cầu nguyện cho Linh hồn Antôn Đào Quang Mỹ sớm về hưởng vinh phúc muôn đời bên Thiên Chúa Ba Ngôi trên Thiên Quốc.
 
Xin cám ơn anh Đào Quang Mỹ - Hoài Mỹ. Anh vẫn mãi mãi trong tâm thức của tôi.
  
Phước An Thy
 

Ý kiến bạn đọc
07/10/202422:12:58
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,534
Khi ba vừa bước chân vào nhà Tưởng các con vui khi gặp ba Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu Ba chỉ là một bóng hình xa... Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn...
Năm 2007, lúc 64 tuổi tôi mới có đứa cháu ngoại đầu tiên là Brandon, hai năm sau thì có Allison, em của Brandon. Mãi đến năm 2019 thì đứa cháu nội Charlie mới ra đời. Lúc này tôi đã 77 tuổi. Hai năm sau, chính xác là ngày 05/12/2021 em gái của Charlie là Emma chào đời. Vậy là tôi có đủ hai cháu nội và hai cháu ngoại, trai gái vẹn toàn, không còn hạnh phúc nào hơn. Charlie là cháu đích tôn. Tôi thì không quan trọng lắm cái chuyện đích tôn hay không đích tôn, trai hay gái, nội hay ngoại vì tất cả đều là cháu tôi, không lý do gì mà tôi thương đứa này ít, đứa kia nhiều. Chắc cũng có người nói tôi ba gai, tôi bướng bỉnh. Không sao. Tôi có quan điểm riêng của mình: Không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với con, cháu của mình vì điều đó đã lỗi thời từ thuở phong kiến theo quan niệm Nho Giáo ở đâu bên Tàu, rồi ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng ta bị ảnh hưởng.
... Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát! ...
Luật mới của Tiểu Bang California, những người trên 70 tuổi khi xin gia hạn bằng lái xe thì đều phải thi lại bài thi viết. Nghe nói có nhiều người thi rớt lên, rớt xuống vài lần mới thi đậu được bài thi viết. Tôi thì cũng trong hoàn cảnh đó, nên rất lo sợ, không biết mình có thể lấy lại bằng lái xe được không? Xin đừng lo lắng! DMV đã có một chương trình thi online giúp cho người trên 70 tuổi thi lại bằng viết để xin gia hạn bằng lái xe “Bảo đảm đậu”.
Hồi tuần trước, cuối ngày làm việc, cháu trai của Khánh Vân là Huy Khang (HK), tên nhà là Tày, gọi điện thoại xin FaceTime. Khi hai màn hình video vừa hiện lên và nhìn thấy mặt nhau thì HK liền hỏi “Má Hai khóc với Tày được không?” Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thương quá chừng quá đỗi. Huy Khang là một bé trai hoạt bát, rất có tình và rất biết để ý đến mọi người và mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, trong mười hai năm qua, từng năm tháng lớn lên, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe HK hỏi một câu bất ngờ như vậy.
...Tao biết, nhưng đó là phong cách Mỹ, cái kiểu Mỹ. Mỹ tụi bay cứ như dân du mục, nay ở chỗ này mai đi xứ khác, công việc cũng xoành xoạch thay đổi. Tụi Việt tao thì ngược lại, sống an cư lạc nghiệp. Nhà ở đâu việc ở đó, có ở yên thì mới an tâm làm việc, chỉ khi nào hoàn cảnh bức bách lắm mới nhảy! Cái khái niệm an cư lạc nghiệp ăn sâu vào tiềm thức người Việt chúng tao...
Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe nói về Đại hội Thánh Mẫu Missouri. Xem YouTube rất nhiều, cho mãi tới lần thứ 44 năm ngoái 2023 tôi mới có cơ hội được tham dự. Chỉ cần bỏ vô Google: Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2024. Bạn sẽ biết mọi chi tiết...Vào YouTube các bạn sẽ thấy chương trình ĐHTM Missouri được lưu giữ hàng năm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Một số tiểu bang cũng có tổ chức đại hội Thánh Mẫu, nhưng ngắn gọn hơn ở Missouri. Một cuộc cắm trại khổng lồ kết hợp hành hương và tham gia hội chợ với đủ mọi sinh hoạt vui chơi...
Nhìn từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn về Thái Bình Dương, thì Arizona là một trong mười ba tiểu bang thuộc miền tây Hoa Kỳ, nhưng cư dân California đi thăm Arizona phải lái xe trên xa lộ 10 East, nên cuộc hành trình của bốn thành viên Việt Bút tạm gọi là cuộc Đông Du. Bài viêt ngắn sau đây lại mang một nhan đề “dao to búa lớn” là “Đông Du Ký”, thật ra chỉ ghi lại năm ngày du ngoạn ba địa điểm du lịch trong số rất nhiều thắng cảnh độc đáo nổi tiếng của tiểu bang “Nhiều Nắng”.
Tác giả Trần Kim Bằng, cư dân vùng Little Saigon là một nhạc sĩ, đã phát hành tập nhạc và CD Duyên. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông vào năm 2015 là một hồi ký về hành trình vượt biên đường bộ năm 1980. Sau đây là bài viết kế tiếp của ông ghi lại một số cảnh đẹp và sinh hoạt của một vài thành phố ở quận Cam, California.
Cụ Chúc cầm bài thơ nhớ vợ ôm lấy ngực, chao đảo đến cạnh bên cửa sổ, đưa mắt buồn bã ngó ra sau vườn. Mùa Đông lại đến, mặt trời yếu ớt, không nhô được qua khỏi các mái nhà bởi mây đen vần vũ, bầu trời u ám. Cây trơ cành trụi lá đứng sừng sửng nom cô độc đến tội nghiệp. Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá vàng độc nhất còn sót lại trên cành vừa chao mình âm thầm rơi xuống mặt đất một cách lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời cụ lúc tuổi xế chiều. Cụ tự ví mình như chiếc lá vàng cô độc, không biết đến bao giờ thì nhắm mắt buông xuôi?
Nhạc sĩ Cung Tiến