Hôm nay,  

Thử Coi…

04/06/202413:06:00(Xem: 2314)

TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021

                                                        TG quán quân Phan trao giải Chung Kết VVNM năm 2021 cho TG khôi nguyên Vĩnh Chánh

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.

 

*

 

Tôi quen người Đại Hàn ở gần nhà, đơn giản là chào hỏi xã giao với hàng xòm, nhưng đi về chung lối nên gặp hoài, có thiện cảm hơn từ khi tôi biết anh có vợ người Việt, anh nói được tiếng Việt cỡ tôi nói tiếng Anh nên tôi vui lắm, cứ nói tiếng Việt với anh, anh không hiểu thì giải thích, cũng là trau dồi thên tiếng Việt cho anh.
 
Thực sự quen như bạn là hôm tôi đi câu cá về, được chừng bốn năm con cá trắng. Tôi nhìn mặt trời đã lên cao nên phát lười ra sân sau làm cá, sẵn thấy anh ta đang chuẩn bị nướng thịt ở garage nhà anh. Tôi dừng lại, gọi anh ra xe tôi và nói, “Tôi mới đi câu về, được mấy con cá trắng khá ngon, nhưng tôi có việc phải đi ngay. Nếu anh muốn thì tôi cho anh đó.” Tôi đưa thùng cá cho anh xem. Anh trừng mắt vui mừng lắm, cảm ơn rối rít. Anh còn nói sắp nướng thịt, sẽ đem qua nhà tôi cho tôi ăn thử, nhưng tôi cảm ơn thiện tình vì lỡ nói tôi có việc đi gấp. Hẹn lần khác.
 
Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát!
 
Hôm tôi đến chơi trại gà đá của người bạn, sau khi họ xổ gà để rèn luyện cho những chú gà đá quen trận mạc, để xem chân con nào đáng giá bao nhiêu? Những con gà chạy là gà thịt, những con không chạy nên máu me đầy mình, hay chết trận cũng bị loại bỏ vì kém tài hoặc yếu sức. Trò chuyện với những người chơi đá gà mới biết họ cực công và tốn của cỡ nào mới sở hữu được một con gà chiến. Gà đá không có vô địch vì luôn có con gà khác giỏi hơn, con hạng nhất cũng chỉ tính ngày là hôm nay vì ngày mai không chừng nó gặp con may mắn hơn nó, bị nó đá cụp đuôi, gãy cánh, chỏng cẳng lên trời… nhưng cựa của con gà thất thế lại may mắn đâm trúng tử huyệt con gà đang chiếm thế thượng phong… Là trường hợp của con gà tuyệt đẹp, nhìn nó thượng đài, những tay gà độ đánh giá cao theo chuyên môn của họ.
 
Tôi không rành đá gà nên chỉ nghĩ đến con gà trống của Khuôn Bá Việt trong turyện cổ tích đọc từ nhỏ. Chuyện kể, ông Khuôn cả đời chỉ vẽ hình con gà trống. Những người bạn cùng học vẽ chung thầy với ông đã nổi danh thiên hạ thì ông vẫn vẽ mỗi con gà trống, chẳng ai biết đến tên tuổi của ông. Ông vẽ đến khi ông đã đầu râu tóc bạc mới khải hoàn sau khi ông vẽ xong tranh con gà trống và dựng ở góc nhà. Ông mời người hàng xóm sang uống trà, người hàng xóm vừa bước vào nhà ông đã hô hoán, “…ông Khuôn mua ở đâu được con gà trống tốt chưa từng thấy, đẹp chưa từng thấy… vậy?”
 
Ông Khuôn từ đó không vẽ tranh con gà nữa vì ông đã vẽ được con gà thật trên giấy. Tôi với mấy người bạn nhỏ trường làng thảo luận với nhau về câu tục ngữ trong lớp dạy rằng, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Cô giáo giảng khàn cổ họng cũng không hiểu nhưng đọc truyện con gà trống của Khuôn Bá Việt thì lũ trẻ trâu hiểu ngay. Nay con gà đẹp như tranh gà trống của Khuôn Bá Việt gặp kẻ thù nham hiểm, chơi bẩn. Nhưng nó là anh hùng của trường đấu gà, nơi chỉ có thắng và thua, không bàn đẹp hay xấu, bất chấp thủ đoạn…
 
Một cuối tuần xổ gà thì gà chết ít nhất cũng vài con, anh em làm mồi nhậu ở trại gà thì làm thịt rắn chứ ai ăn gà, và ở đâu có trứng gà thì ở đó có rắn đến. Anh chủ trại gà bẫy rắn để dành nhậu không bao giờ thiếu cho anh em. Tôi đem con gà trống đẹp về nhà vì nó chưa chết, chỉ bị con kia chơi bẩn, ngã ngửa rồi còn thọc chỉ thiên lên một cựa, làm nó bị đâm xuyên qua đùi. Tôi xin anh bạn chủ trại thuốc trị thương, xin luôn cái lồng để nuôi nó, đem nó về trị thương khi trời đã về chiều, sẩm tối.
 
Hừng đông hôm sau nghe tiếng gà gáy sau nhà thật đã tai, nằm nướng mơ màng như đang ở quê nhà, đang tuổi thần tiên rong chơi với bạn bè làng trên xóm dưới, gặp đá gà như gặp cuộc vui… thì vợ dựng đầu tôi dậy, “Sao anh không bao giờ để cho em được yên. Anh đem con gà về nhà làm gì cho nó gáy om xòm buổi sáng. Hàng xóm nó báo cảnh sát. Cảnh sát báo tụi súc vật trên thành phố. Tụi nó tới hồi nào không biết, nhưng dán giấy ngoài cửa đây nè. Anh đọc đi. Anh không giải quyết trước chín giờ sáng thì tụi nó tới bắt gà và phạt vạ… Anh làm ơn để cho em yên. Lúc nào anh cũng gây ra phiền phức…”
 
Thế là tan biến giấc mơ hoang, lang thang cùng bạn bè làng trên xóm dưới, gặp đá gà như gặp cuộc vui. Tôi thẫn thờ, nghe tiếng gà trong mơ. Vợ lại giục, “anh đem con gà đi đâu thì đem, đem ngay đi, gần chín giờ rồi!” Tới có tóc bạc trên đầu tôi mới biết con dữ hơn gà đá là con gì!
 
Tôi đem tới nhà ông bạn ở xóm nhà tôi ở trước đây, chốn nhà cũ không khốn khổ như xóm nhà mới này. Bảo ông bạn nuôi nó, đưa thuốc trị thương cho ông bạn, dặn ông mỗi ngày thoa thuốc cho nó một lần, chó liền da gà liền xương, chỉ vài hôm là nó khỏi…
 
Nhưng mới chiều, ông đã gọi nhậu. Tôi nổi điên lên với ông, “tôi nhờ ông nuôi, tôi không nhờ ông làm thịt.” Ông trả lời triết lý hơn tôi nghĩ về ông nhiều, “… người ta có nuôi con gì mà cuối cùng không thịt? Người ta sống ở đâu cũng không bằng quê mình. Ở đây, chúng ta là người ở trọ. Ông bực tức người bản xứ thì làm được gì họ? Tôi muốn quên chuyện con gà này đi cho dễ sống nên thịt nó cho rồi! Quên rồi, ông sẽ không bực tức nữa…”
 
Tôi ngậm ngùi bất tử, vào phòng thay áo rồi chạy lên nhà ông bạn. Ngồi uống bia tì tì mà không ăn nổi thịt con gà tôi thương. Về nhà, ngồi nhìn cái lồng gà trống hoác như kẻ tha phương hay nhìn mông lung tản sáng, chạng chiều… không rõ nơi đâu là chốn quê nhà, không hiểu vì sao mình lại lưu lạc tới đây…? Cái lồng hãy còn ở sân sau nhà tôi, nó giữ vai trò phơi cải muối dưa thật hoàn hảo đối với hiền thê, nhưng với tôi là lời nhắc nhở mỗi khi nhìn ra sân sau nhà, nhìn ra lộ xe chạy… nơi đây không phải quê mình.
 
Người hàng xóm bên phải đã rõ, nhưng người hàng xóm bên trái cũng không khá hơn. Ở xứ nóng này thì không làm được gì ngoài garage vào mùa hè. Muốn dọn dẹp cái garage cho gọn cũng chờ mùa đông. Mùa đông của tôi, ngày nghỉ cuối tuần, ngồi uống ly trà sớm ngoài garage, nhìn sách báo ê hề, ngổn ngang, đầy ắp sách báo là sách báo, mấy hàng kệ sách không thấm thía vào đâu… Tôi nghĩ kỹ việc cất giữ thì cũng không có thời giờ đọc lại. Mình phải bỏ cái suy nghĩ để thì thương mà vương thì tội. Phải dứt khoát bỏ, không để lại cho con cháu rác rưởi của mình vì chắc chắn khi đứa con tiếp quản ngôi nhà, nó sẽ xem đống sách báo này là vô dụng. Thương cha cách mấy cũng không thoát khỏi cô vợ Mỹ muốn để những thứ khác vào chỗ đống sách báo không có người đọc. Tôi gom, tôi chất sách báo vô những thùng giấy để chở vào hãng bỏ thùng rác bự mới hết. Nhưng những tên tuổi bạn hữu, người mất người còn lạnh lùng nhìn tôi như mùa đông ngoài nhôm cửa, tuyết rơi rào rạo...
 
Tôi quyết định đốt. Hỏa táng cho anh ấy thêm lần nữa, hỏa táng cho chị ấy thêm lần nữa. Anh chị nào chưa chết thì tôi thiêu sớm cho thoát cõi trọc buồn. Chẳng ai trách mình đâu vì người đời sau của mình cũng không có cách khác… Tôi ra sân sau nhà, đốt cái lò nướng thịt trên sân tuyết. Ôm người lính cũ Nguyễn Văn Lộc, trù trì chùa Nam Úc, Tuần Báo bên Melbourne xa xôi ra siêu độ trước. Nhìn đống sách báo mà đau lòng con chữ, xót dạ không biết bao nhiêu tiền bưu điện anh đã gởi báo cho tôi hàng tuần, báo tết, báo xuân từ xa xôi mười sáu giờ bay qua biển. Nhưng đốt anh Lộc chưa xong thì cảnh sát đã mở cửa rào bước vào sân sau nhà tôi. Tôi cự liền chứ sợ gì? “Sao cảnh sát không bấm chuông và chờ tôi mở cửa trước, sao ông lại tự ý vào sân nhà tôi? Và chuyện gì?”
 
Viên cảnh sát trả lời khá hằn học, “Một đồng sự của tôi đang nói chuyện với vợ ông ở cửa trước. Hàng xóm của ông báo cảnh sát ông đốt rác sau nhà. Họ sợ khói làm hư hỏng nhà của họ. Tôi vào đây để bắt quả tang là ông đang đốt gì!”
 
“Tôi nghĩ là ông nên vào cửa trước, bấm chuông… chỉ khi không có ai ở nhà ông mới vào cửa sau, cửa bờ rào vì khói, lửa…”
 
“…”
 
Khoảng lặng vì tôi không có hành vi chống cự, viên cảnh sát cũng đuối lời… Vừa lúc vợ tôi đưa người nữ cảnh sát từ cửa trước vào, cô này tử tế hơn viên cảnh sát khó ưa. Cô hỏi tôi, “Ông đốt gì vậy?”
 
Tôi trả lời, “Tôi là nhà báo, tôi có thẻ hành nghề báo chí. Tôi sẽ trình thẻ cho cô xem. Đây, cô xem đi, những cuốn báo tôi đang đốt đều có tên tôi trong những bài báo. Tôi không muốn bỏ tên tôi và bạn bè tôi vào thùng rác nên tôi đốt. Tôi đốt trong lò nướng bbq và tôi canh chừng lửa chứ không bỏ vô nhà…”
 
Cô ấy nói, “Ông đúng rồi. Ông không làm gì sai, chỉ vì những người hàng xóm của ông nghĩ là ông đốt rác… thì không được, nên họ gọi cảnh sát. Bây giờ tôi sẽ gọi cho họ biết là ông đốt những cuốn tạp chí. Nhưng dù sao ông cũng nên đem bỏ vào thùng giấy dùng lại của thành phố cho an toàn gia đình ông và hàng xóm.”
 
“Tôi đồng ý với cô. Tôi sẽ làm vậy…”
 
Họ đi rồi, nhưng tôi không được đi dù rất tức viên cảnh sát đực kỳ thị. Tôi không lạ những anh chàng Texas country, nhất là mặc áo cảnh sát thì họ ra mặt không thích người châu Á luôn chứ không cần giữ kẽ như những anh nông dân làm hãng xưởng. Nông dân không có đất thì đi làm cảnh sát nếu có học, học lực quá kém thì đi làm công nhân. Chẳng ai khinh ai trên xứ sở Hợp chủng quốc nhưng người bản xứ càng ở những vùng sâu vùng xa thì họ lại càng kỳ thị người nước ngoài đến định cư, di dân… chẳng hiểu vì sao. Đôi khi có chuyện phải nói trong hãng, họ cứ hỏi lại nhiều lần, “bạn nói cái gì, tôi không hiểu?” Họ hiểu dư sức nhưng cứ nói không hiểu vì người châu Á, người Việt phát âm tiếng Anh khác họ; còn việc ai đúng ai sai thì cẩn giáo sư ngôn ngữ làm trọng tài vì họ đi xuống downtown Dallas, nhưng thằng nhà quê nào ở xứ này cũng đều nói là tao đi đeo-theo, chứ không có đao-thao nào hết! Như người Bắc nói là cái non, người Nam nói là cái lon; người bắc nói là cái rổ, người nam lại nói là cái gổ, bắt con cá gô bỏ dzô rổ nó nhày gồ gồ, nó kêu gột gột… có sao đâu, ngữ âm vùng miền cần thông cảm, kẻ cố chấp là nhỏ nhoi…
 
Thôi. Quên đi hai người hàng xóm Mỹ tốt bụng nhưng khó chịu của tôi vì tôi ở căn nhà này đã năm thứ mười. Nay quen biết anh hàng xóm Kim chi - tôi thấy có lý. Anh gặp tôi lần sau, tiếp tục cảm ơn về mấy con cá tôi cho lần gặp trước. Tôi hỏi anh thích câu cá không, biết câu cá không? Anh trả thích nhưng chưa từng đi câu cá. Tôi khuyên anh, đừng mua sắm cần câu hay gì hết. Hôm nào tôi đi câu sẽ gọi anh, nếu anh đi được thì theo tôi vài chuyến - thử coi. Tôi có nhiều cần câu lắm, khi anh trở thành bạn câu thì tôi tặng anh ít nhất hai cây. Khi nào anh biết câu, thực sự thích đi câu thì anh cũng tự biết anh cần mua thêm những gì. Khi ấy anh không bị lãng phí tiền bạc.
 
Thế là người bạn câu mới của tôi hăng hái như trẻ nhỏ. Thật dễ thương cho cả hai vợ chồng. Chồng đi câu tay không nên vợ sắp xếp cho cả giỏ thức ăn, nước uống cho anh và tôi, có cả kem chống nắng, thuốc diệt muỗi nữa mới đúng là công tử Seoul, tôi ăn ké có cô em người Việt làm hàng xóm, quý ông anh nói tiếng Việt như xa cố hương gặp hũ mắm linh. Hai đứa con đòi đi theo, nhưng chúng còn nhỏ quá nên tôi không đồng ý. Hẹn hôm nào dẫn trẻ đi câu ở nơi câu dành cho trẻ em. Chúng ngoan ngoãn vâng lời… “Thưa bác” bằng tiếng Việt nghe đã tai, lại còn chúc bác với ba con đi câu may mắn, đem về nhiều cá cho anh em con ăn. Nhiêu đó đủ để bác cho hết cá câu được, đưa bác vào giấc mơ hoang nhất trong đời là cháu nội bác nói được câu đó thì mạng già ông nội cũng cho cháu luôn…
 
Anh bạn Kim chi của tôi cũng mang lòng hậm hực hàng xóm Mỹ trắng, vợ anh đòi bán nhà đi chỗ khác ở nhưng anh không hiền đâu, “cứ ở xem họ làm gì được mình?”
 
Tôi nói anh, phát ôm bụng cười, “Họ không ưa tôi khác với không ưa anh. Tôi không giống họ nên họ không ưa tôi. Còn anh không giống tôi nên họ không ưa luôn! Anh nghĩ ra chưa?”
 
“Tôi không nghĩ ra…”
 
“Anh có lỗi với hàng xóm lớn lắm! Cái lỗi chiều chiều anh hay mở cửa garage, nướng thịt thơm lừng cả xóm… làm họ ghét! Anh nghĩ coi, mỗi ngày đi làm về như nhau, mình ăn món mới - khác ngày hôm qua. Còn họ ngày nào đi làm về cũng khui lon đồ hộp…trong khi mình là di dân còn họ là người bản xứ!”
 
“Chứ anh coi, xin cất patio thì HOA bảo xin phép hàng xóm trước, khác nào không cho vì họ dư hiểu hàng xóm Mỹ trắng không ưa người châu Á vào khu này ở. Trời thì nắng hơn trăm độ, tôi phải nướng thịt ngoài garage thôi…”
 
“Anh yên tâm. Tôi đoán người Mỹ trắng sẽ bán nhà dọn đi nơi khác trong vài năm tới vì người châu Á họ đã không ưa thì làm sao chịu nổi Ấn độ. Anh có để ý thấy khu nhà mình ở, bây giờ chiều chiều đã phất phới xà rông bay của người Ấn đi bộ thể dục. Họ chậm chạp, luộm thuộm tới tôi còn tự trách…”
 
Bạn tôi nói, “Không sao, biết đâu người Ấn tràn vào khu nhà này lại dễ sống…”
 
“Chỉ hơi nồng mùi cà ri…” Chúng tôi đồng tình “thử coi” … là miễn cưỡng với tôi, vì anh bạn trẻ chưa biết lễ độ với người Ấn độ. Thôi thì thử coi, đời có bao lâu mà hững hờ…

 

Phan

Ý kiến bạn đọc
04/07/202416:17:52
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
06/06/202413:07:21
Khách
Nhiều tiểu bang cấm đá gà vì hội Humane Society phản đối.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,250
... Có rất nhiều điều mới lạ để chúng ta thử làm, chẳng hạn như tập vẽ, tập cắm hoa, học làm bánh, tập đan móc, tập viết truyện ngắn, viết bài gửi báo v..v… Thích làm gì thì làm miễn sao sở thích của mình không gây hại đến người khác và nằm trong khả năng của mình, tôi bảo đảm chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui hơn và có ý nghĩa hơn...
Tôi vùng dậy bật đèn sáng bước qua chiếc bàn gần đó, chiếc bàn gần gũi bày đủ thứ giấy tờ bề bộn thân thương. Ngồi nhìn ra khung cửa kính rộng, màn đêm dày đặc, có lớp sương mù đang bao phủ. Thở dài! Khó dỗ lại giấc ngủ, nhìn đồng hồ 2 giờ sáng. Căn bệnh mấy mươi năm vẫn không thay đổi tốt đẹp hơn, vẫn hằng đêm thức giấc. Tiếp tục đùa giỡn với thơ văn, dù không dám mơ mình là nhà thơ, nhà văn vì chữ “nhà” lớn quá, nhưng ít nhất trong máu tôi có sự đam mê, thì đó cũng là cứu cánh, là lối thoát cho tôi bớt đau khổ nỗi bất hạnh trong cuộc sống để tập viết văn, tập làm thơ.
Tự dưng nước mắt Hân bỗng trào ra, vì thương nó sắp lên bàn mổ với nỗi cô đơn, vắng bàn tay mẹ ruột ôm ấp (nó chỉ mới 19 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn con trai Hân ở nhà nữa mà). Nhưng lòng Hân cũng ấm áp rộn ràng vì biết rằng nó sẽ được trở về với tình thân bên ngoại, và tin rằng Thiên Chúa nhân từ sẽ nghe lời Hân nguyện cầu, cho Anthony vượt qua cơn bệnh, sẽ tìm ra dấu vết của mẹ và đứa em trai thân yêu. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời Bình An dưới thế cho người thiện tâm” Giáng Sinh này chắc chắn sẽ vui, Anthony nhé!
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã thương xót những mảnh đời phiêu bạt với cân hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời của mỗi người Chúa đều nghe hết…
Một luồng khí lạnh chợt chạy dọc sống lưng anh. Trong bức ảnh, Eli đang nhìn anh mỉm cười. Trái tim anh buốt nhói một nỗi buồn sâu xa khi biết rằng em đã ra đi - tia sáng rực rỡ đã vĩnh viễn biến mất trên thế giới này. Nhưng cũng cùng khoảnh khắc đó, anh cảm nhận được sự trìu mến và tin yêu mà Eli đã gửi gắm cho anh. - Khi làm bác sĩ, anh sẽ chữa bệnh cho em nhé. - Anh chữa cho những bạn nhỏ khác nữa nhé. - Tất cả những đứa trẻ cần được lành bệnh, vì nếu con nít mà chết thì ba mẹ sẽ buồn lắm đó. Giọng nói của Eli thầm thì bên tai anh, gần gũi. Như không hề có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có một sự gắn kết vô hình giữa anh và Eli. Đó là sự kết nối giữa con người với con người...
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm nay, tôi đến thăm lại khu phố Stockyards thuộc thành phố Forth Worth, Texas. Đây là lần thứ ba tôi đến thăm khu du lịch mang đậm chất viễn tây Hoa kỳ, một miền viễn tây hoang dã của những năm sau cuộc nội chiến của nước Mỹ. Với tôi, khu du lịch Forth Worth Stockyards là xứ sở thần tiên cho những ai thích hoài niệm về một miền viễn tây hoang dã của Mỹ quốc, về các chàng cao bồi Texas, về con đường mòn Chisholm nổi tiếng được đặt theo tên của Jesse Chisholm, một nhà buôn lưu động nói được 14 thổ ngữ, hậu duệ mang hai dòng máu của người Mỹ bản địa Cherokee và người da trắng khai hoang đến từ Scotland.
Công lao dưỡng dục ơn từ mẫu Báo hiếu chưa tròn mẹ thứ tha Sầu dâng chất ngất hồn con trẻ Luyến tiếc khôn nguôi bóng mẹ già... Vâng! Thưa mẹ, bốn câu thơ trên con viết vào đúng cái ngày mẹ vĩnh viễn rời bỏ chúng con ra đi. Tám năm rồi, nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng hề nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là con tỉnh hẳn người không ngủ được. Đêm nay cũng vậy! Mưa rả rích suốt từ buổi chiều, bầu trời xám ngắt, phủ một màu thê lương rét buốt. Cứ mỗi độ Đông về, con lại nhớ mẹ quay quắt, không làm sao quên được ngày Giáng Sinh buồn năm ấy. Mẹ hấp hối nơi phòng ICU của bệnh viện....
Ngày xưa ,lâu lắm tôi vẫn thường nghe ba mẹ kể về Hạ-Uy-Di (Hawaii), về Trân- Châu-Cảng (Pearl Habor). Đây là một căn cứ hải quân lớn của Mỹ, nơi mà vào Thế chiến thứ hai (ngày 7-12-1941) đã bị Nhật bất ngờ tấn công, dội bom gây thiệt hại lớn cho quân đội Mỹ. Ngày nay những chứng tích về trận chiến lịch sử vẫn còn lưu lại nơi đây. Tôi mơ ước có dịp đi đến vùng đảo thơ mộng này, nhưng ở VN thời bấy giờ ước muốn một chuyến đi như vậy là điều không tưởng.
Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc.
Lá thư nào viết gửi cho chị em Thu, má Thu cũng bắt đầu bằng bốn chữ "Các con thương nhớ". Tiếng là gửi chung cho ba chị em, nhưng hình như má Thu chỉ thủ thỉ tâm tình với chị Thúy, còn Thu với thằng Tuấn tuy cũng được nhắc nhở tới, nhưng là ở cuối thư, phần "dặn dò dạy bảo"! Thiệt tình mà nói thì Thu cũng không lấy làm khó chịu lắm về lối cư xử hơi thiếu công bằng này. Chẳng phải Thu đại lượng gì cho cam, nhưng tại vì Thu đã quá quen với lối đối xử khác biệt của má Thu đối với ba chị em, từ hồi còn ở quê nhà. Điều này Thu đã cảm nhận thấy từ hồi bé xíu, chẳng hạn như những lần mấy chị em giành giựt đồ chơi, bao giờ má Thu cũng bênh vực chị Thúy, dù chị là chị lớn nhứt trong ba đứa. Hay những lần được chia quà cáp bánh trái, bao giờ chị Thúy cũng được phần nhiều hơn...
Nhạc sĩ Cung Tiến