Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Thử Coi…

04/06/202413:06:00(Xem: 2117)

TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021

                                                        TG quán quân Phan trao giải Chung Kết VVNM năm 2021 cho TG khôi nguyên Vĩnh Chánh

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.

 

*

 

Tôi quen người Đại Hàn ở gần nhà, đơn giản là chào hỏi xã giao với hàng xòm, nhưng đi về chung lối nên gặp hoài, có thiện cảm hơn từ khi tôi biết anh có vợ người Việt, anh nói được tiếng Việt cỡ tôi nói tiếng Anh nên tôi vui lắm, cứ nói tiếng Việt với anh, anh không hiểu thì giải thích, cũng là trau dồi thên tiếng Việt cho anh.
 
Thực sự quen như bạn là hôm tôi đi câu cá về, được chừng bốn năm con cá trắng. Tôi nhìn mặt trời đã lên cao nên phát lười ra sân sau làm cá, sẵn thấy anh ta đang chuẩn bị nướng thịt ở garage nhà anh. Tôi dừng lại, gọi anh ra xe tôi và nói, “Tôi mới đi câu về, được mấy con cá trắng khá ngon, nhưng tôi có việc phải đi ngay. Nếu anh muốn thì tôi cho anh đó.” Tôi đưa thùng cá cho anh xem. Anh trừng mắt vui mừng lắm, cảm ơn rối rít. Anh còn nói sắp nướng thịt, sẽ đem qua nhà tôi cho tôi ăn thử, nhưng tôi cảm ơn thiện tình vì lỡ nói tôi có việc đi gấp. Hẹn lần khác.
 
Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát!
 
Hôm tôi đến chơi trại gà đá của người bạn, sau khi họ xổ gà để rèn luyện cho những chú gà đá quen trận mạc, để xem chân con nào đáng giá bao nhiêu? Những con gà chạy là gà thịt, những con không chạy nên máu me đầy mình, hay chết trận cũng bị loại bỏ vì kém tài hoặc yếu sức. Trò chuyện với những người chơi đá gà mới biết họ cực công và tốn của cỡ nào mới sở hữu được một con gà chiến. Gà đá không có vô địch vì luôn có con gà khác giỏi hơn, con hạng nhất cũng chỉ tính ngày là hôm nay vì ngày mai không chừng nó gặp con may mắn hơn nó, bị nó đá cụp đuôi, gãy cánh, chỏng cẳng lên trời… nhưng cựa của con gà thất thế lại may mắn đâm trúng tử huyệt con gà đang chiếm thế thượng phong… Là trường hợp của con gà tuyệt đẹp, nhìn nó thượng đài, những tay gà độ đánh giá cao theo chuyên môn của họ.
 
Tôi không rành đá gà nên chỉ nghĩ đến con gà trống của Khuôn Bá Việt trong turyện cổ tích đọc từ nhỏ. Chuyện kể, ông Khuôn cả đời chỉ vẽ hình con gà trống. Những người bạn cùng học vẽ chung thầy với ông đã nổi danh thiên hạ thì ông vẫn vẽ mỗi con gà trống, chẳng ai biết đến tên tuổi của ông. Ông vẽ đến khi ông đã đầu râu tóc bạc mới khải hoàn sau khi ông vẽ xong tranh con gà trống và dựng ở góc nhà. Ông mời người hàng xóm sang uống trà, người hàng xóm vừa bước vào nhà ông đã hô hoán, “…ông Khuôn mua ở đâu được con gà trống tốt chưa từng thấy, đẹp chưa từng thấy… vậy?”
 
Ông Khuôn từ đó không vẽ tranh con gà nữa vì ông đã vẽ được con gà thật trên giấy. Tôi với mấy người bạn nhỏ trường làng thảo luận với nhau về câu tục ngữ trong lớp dạy rằng, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Cô giáo giảng khàn cổ họng cũng không hiểu nhưng đọc truyện con gà trống của Khuôn Bá Việt thì lũ trẻ trâu hiểu ngay. Nay con gà đẹp như tranh gà trống của Khuôn Bá Việt gặp kẻ thù nham hiểm, chơi bẩn. Nhưng nó là anh hùng của trường đấu gà, nơi chỉ có thắng và thua, không bàn đẹp hay xấu, bất chấp thủ đoạn…
 
Một cuối tuần xổ gà thì gà chết ít nhất cũng vài con, anh em làm mồi nhậu ở trại gà thì làm thịt rắn chứ ai ăn gà, và ở đâu có trứng gà thì ở đó có rắn đến. Anh chủ trại gà bẫy rắn để dành nhậu không bao giờ thiếu cho anh em. Tôi đem con gà trống đẹp về nhà vì nó chưa chết, chỉ bị con kia chơi bẩn, ngã ngửa rồi còn thọc chỉ thiên lên một cựa, làm nó bị đâm xuyên qua đùi. Tôi xin anh bạn chủ trại thuốc trị thương, xin luôn cái lồng để nuôi nó, đem nó về trị thương khi trời đã về chiều, sẩm tối.
 
Hừng đông hôm sau nghe tiếng gà gáy sau nhà thật đã tai, nằm nướng mơ màng như đang ở quê nhà, đang tuổi thần tiên rong chơi với bạn bè làng trên xóm dưới, gặp đá gà như gặp cuộc vui… thì vợ dựng đầu tôi dậy, “Sao anh không bao giờ để cho em được yên. Anh đem con gà về nhà làm gì cho nó gáy om xòm buổi sáng. Hàng xóm nó báo cảnh sát. Cảnh sát báo tụi súc vật trên thành phố. Tụi nó tới hồi nào không biết, nhưng dán giấy ngoài cửa đây nè. Anh đọc đi. Anh không giải quyết trước chín giờ sáng thì tụi nó tới bắt gà và phạt vạ… Anh làm ơn để cho em yên. Lúc nào anh cũng gây ra phiền phức…”
 
Thế là tan biến giấc mơ hoang, lang thang cùng bạn bè làng trên xóm dưới, gặp đá gà như gặp cuộc vui. Tôi thẫn thờ, nghe tiếng gà trong mơ. Vợ lại giục, “anh đem con gà đi đâu thì đem, đem ngay đi, gần chín giờ rồi!” Tới có tóc bạc trên đầu tôi mới biết con dữ hơn gà đá là con gì!
 
Tôi đem tới nhà ông bạn ở xóm nhà tôi ở trước đây, chốn nhà cũ không khốn khổ như xóm nhà mới này. Bảo ông bạn nuôi nó, đưa thuốc trị thương cho ông bạn, dặn ông mỗi ngày thoa thuốc cho nó một lần, chó liền da gà liền xương, chỉ vài hôm là nó khỏi…
 
Nhưng mới chiều, ông đã gọi nhậu. Tôi nổi điên lên với ông, “tôi nhờ ông nuôi, tôi không nhờ ông làm thịt.” Ông trả lời triết lý hơn tôi nghĩ về ông nhiều, “… người ta có nuôi con gì mà cuối cùng không thịt? Người ta sống ở đâu cũng không bằng quê mình. Ở đây, chúng ta là người ở trọ. Ông bực tức người bản xứ thì làm được gì họ? Tôi muốn quên chuyện con gà này đi cho dễ sống nên thịt nó cho rồi! Quên rồi, ông sẽ không bực tức nữa…”
 
Tôi ngậm ngùi bất tử, vào phòng thay áo rồi chạy lên nhà ông bạn. Ngồi uống bia tì tì mà không ăn nổi thịt con gà tôi thương. Về nhà, ngồi nhìn cái lồng gà trống hoác như kẻ tha phương hay nhìn mông lung tản sáng, chạng chiều… không rõ nơi đâu là chốn quê nhà, không hiểu vì sao mình lại lưu lạc tới đây…? Cái lồng hãy còn ở sân sau nhà tôi, nó giữ vai trò phơi cải muối dưa thật hoàn hảo đối với hiền thê, nhưng với tôi là lời nhắc nhở mỗi khi nhìn ra sân sau nhà, nhìn ra lộ xe chạy… nơi đây không phải quê mình.
 
Người hàng xóm bên phải đã rõ, nhưng người hàng xóm bên trái cũng không khá hơn. Ở xứ nóng này thì không làm được gì ngoài garage vào mùa hè. Muốn dọn dẹp cái garage cho gọn cũng chờ mùa đông. Mùa đông của tôi, ngày nghỉ cuối tuần, ngồi uống ly trà sớm ngoài garage, nhìn sách báo ê hề, ngổn ngang, đầy ắp sách báo là sách báo, mấy hàng kệ sách không thấm thía vào đâu… Tôi nghĩ kỹ việc cất giữ thì cũng không có thời giờ đọc lại. Mình phải bỏ cái suy nghĩ để thì thương mà vương thì tội. Phải dứt khoát bỏ, không để lại cho con cháu rác rưởi của mình vì chắc chắn khi đứa con tiếp quản ngôi nhà, nó sẽ xem đống sách báo này là vô dụng. Thương cha cách mấy cũng không thoát khỏi cô vợ Mỹ muốn để những thứ khác vào chỗ đống sách báo không có người đọc. Tôi gom, tôi chất sách báo vô những thùng giấy để chở vào hãng bỏ thùng rác bự mới hết. Nhưng những tên tuổi bạn hữu, người mất người còn lạnh lùng nhìn tôi như mùa đông ngoài nhôm cửa, tuyết rơi rào rạo...
 
Tôi quyết định đốt. Hỏa táng cho anh ấy thêm lần nữa, hỏa táng cho chị ấy thêm lần nữa. Anh chị nào chưa chết thì tôi thiêu sớm cho thoát cõi trọc buồn. Chẳng ai trách mình đâu vì người đời sau của mình cũng không có cách khác… Tôi ra sân sau nhà, đốt cái lò nướng thịt trên sân tuyết. Ôm người lính cũ Nguyễn Văn Lộc, trù trì chùa Nam Úc, Tuần Báo bên Melbourne xa xôi ra siêu độ trước. Nhìn đống sách báo mà đau lòng con chữ, xót dạ không biết bao nhiêu tiền bưu điện anh đã gởi báo cho tôi hàng tuần, báo tết, báo xuân từ xa xôi mười sáu giờ bay qua biển. Nhưng đốt anh Lộc chưa xong thì cảnh sát đã mở cửa rào bước vào sân sau nhà tôi. Tôi cự liền chứ sợ gì? “Sao cảnh sát không bấm chuông và chờ tôi mở cửa trước, sao ông lại tự ý vào sân nhà tôi? Và chuyện gì?”
 
Viên cảnh sát trả lời khá hằn học, “Một đồng sự của tôi đang nói chuyện với vợ ông ở cửa trước. Hàng xóm của ông báo cảnh sát ông đốt rác sau nhà. Họ sợ khói làm hư hỏng nhà của họ. Tôi vào đây để bắt quả tang là ông đang đốt gì!”
 
“Tôi nghĩ là ông nên vào cửa trước, bấm chuông… chỉ khi không có ai ở nhà ông mới vào cửa sau, cửa bờ rào vì khói, lửa…”
 
“…”
 
Khoảng lặng vì tôi không có hành vi chống cự, viên cảnh sát cũng đuối lời… Vừa lúc vợ tôi đưa người nữ cảnh sát từ cửa trước vào, cô này tử tế hơn viên cảnh sát khó ưa. Cô hỏi tôi, “Ông đốt gì vậy?”
 
Tôi trả lời, “Tôi là nhà báo, tôi có thẻ hành nghề báo chí. Tôi sẽ trình thẻ cho cô xem. Đây, cô xem đi, những cuốn báo tôi đang đốt đều có tên tôi trong những bài báo. Tôi không muốn bỏ tên tôi và bạn bè tôi vào thùng rác nên tôi đốt. Tôi đốt trong lò nướng bbq và tôi canh chừng lửa chứ không bỏ vô nhà…”
 
Cô ấy nói, “Ông đúng rồi. Ông không làm gì sai, chỉ vì những người hàng xóm của ông nghĩ là ông đốt rác… thì không được, nên họ gọi cảnh sát. Bây giờ tôi sẽ gọi cho họ biết là ông đốt những cuốn tạp chí. Nhưng dù sao ông cũng nên đem bỏ vào thùng giấy dùng lại của thành phố cho an toàn gia đình ông và hàng xóm.”
 
“Tôi đồng ý với cô. Tôi sẽ làm vậy…”
 
Họ đi rồi, nhưng tôi không được đi dù rất tức viên cảnh sát đực kỳ thị. Tôi không lạ những anh chàng Texas country, nhất là mặc áo cảnh sát thì họ ra mặt không thích người châu Á luôn chứ không cần giữ kẽ như những anh nông dân làm hãng xưởng. Nông dân không có đất thì đi làm cảnh sát nếu có học, học lực quá kém thì đi làm công nhân. Chẳng ai khinh ai trên xứ sở Hợp chủng quốc nhưng người bản xứ càng ở những vùng sâu vùng xa thì họ lại càng kỳ thị người nước ngoài đến định cư, di dân… chẳng hiểu vì sao. Đôi khi có chuyện phải nói trong hãng, họ cứ hỏi lại nhiều lần, “bạn nói cái gì, tôi không hiểu?” Họ hiểu dư sức nhưng cứ nói không hiểu vì người châu Á, người Việt phát âm tiếng Anh khác họ; còn việc ai đúng ai sai thì cẩn giáo sư ngôn ngữ làm trọng tài vì họ đi xuống downtown Dallas, nhưng thằng nhà quê nào ở xứ này cũng đều nói là tao đi đeo-theo, chứ không có đao-thao nào hết! Như người Bắc nói là cái non, người Nam nói là cái lon; người bắc nói là cái rổ, người nam lại nói là cái gổ, bắt con cá gô bỏ dzô rổ nó nhày gồ gồ, nó kêu gột gột… có sao đâu, ngữ âm vùng miền cần thông cảm, kẻ cố chấp là nhỏ nhoi…
 
Thôi. Quên đi hai người hàng xóm Mỹ tốt bụng nhưng khó chịu của tôi vì tôi ở căn nhà này đã năm thứ mười. Nay quen biết anh hàng xóm Kim chi - tôi thấy có lý. Anh gặp tôi lần sau, tiếp tục cảm ơn về mấy con cá tôi cho lần gặp trước. Tôi hỏi anh thích câu cá không, biết câu cá không? Anh trả thích nhưng chưa từng đi câu cá. Tôi khuyên anh, đừng mua sắm cần câu hay gì hết. Hôm nào tôi đi câu sẽ gọi anh, nếu anh đi được thì theo tôi vài chuyến - thử coi. Tôi có nhiều cần câu lắm, khi anh trở thành bạn câu thì tôi tặng anh ít nhất hai cây. Khi nào anh biết câu, thực sự thích đi câu thì anh cũng tự biết anh cần mua thêm những gì. Khi ấy anh không bị lãng phí tiền bạc.
 
Thế là người bạn câu mới của tôi hăng hái như trẻ nhỏ. Thật dễ thương cho cả hai vợ chồng. Chồng đi câu tay không nên vợ sắp xếp cho cả giỏ thức ăn, nước uống cho anh và tôi, có cả kem chống nắng, thuốc diệt muỗi nữa mới đúng là công tử Seoul, tôi ăn ké có cô em người Việt làm hàng xóm, quý ông anh nói tiếng Việt như xa cố hương gặp hũ mắm linh. Hai đứa con đòi đi theo, nhưng chúng còn nhỏ quá nên tôi không đồng ý. Hẹn hôm nào dẫn trẻ đi câu ở nơi câu dành cho trẻ em. Chúng ngoan ngoãn vâng lời… “Thưa bác” bằng tiếng Việt nghe đã tai, lại còn chúc bác với ba con đi câu may mắn, đem về nhiều cá cho anh em con ăn. Nhiêu đó đủ để bác cho hết cá câu được, đưa bác vào giấc mơ hoang nhất trong đời là cháu nội bác nói được câu đó thì mạng già ông nội cũng cho cháu luôn…
 
Anh bạn Kim chi của tôi cũng mang lòng hậm hực hàng xóm Mỹ trắng, vợ anh đòi bán nhà đi chỗ khác ở nhưng anh không hiền đâu, “cứ ở xem họ làm gì được mình?”
 
Tôi nói anh, phát ôm bụng cười, “Họ không ưa tôi khác với không ưa anh. Tôi không giống họ nên họ không ưa tôi. Còn anh không giống tôi nên họ không ưa luôn! Anh nghĩ ra chưa?”
 
“Tôi không nghĩ ra…”
 
“Anh có lỗi với hàng xóm lớn lắm! Cái lỗi chiều chiều anh hay mở cửa garage, nướng thịt thơm lừng cả xóm… làm họ ghét! Anh nghĩ coi, mỗi ngày đi làm về như nhau, mình ăn món mới - khác ngày hôm qua. Còn họ ngày nào đi làm về cũng khui lon đồ hộp…trong khi mình là di dân còn họ là người bản xứ!”
 
“Chứ anh coi, xin cất patio thì HOA bảo xin phép hàng xóm trước, khác nào không cho vì họ dư hiểu hàng xóm Mỹ trắng không ưa người châu Á vào khu này ở. Trời thì nắng hơn trăm độ, tôi phải nướng thịt ngoài garage thôi…”
 
“Anh yên tâm. Tôi đoán người Mỹ trắng sẽ bán nhà dọn đi nơi khác trong vài năm tới vì người châu Á họ đã không ưa thì làm sao chịu nổi Ấn độ. Anh có để ý thấy khu nhà mình ở, bây giờ chiều chiều đã phất phới xà rông bay của người Ấn đi bộ thể dục. Họ chậm chạp, luộm thuộm tới tôi còn tự trách…”
 
Bạn tôi nói, “Không sao, biết đâu người Ấn tràn vào khu nhà này lại dễ sống…”
 
“Chỉ hơi nồng mùi cà ri…” Chúng tôi đồng tình “thử coi” … là miễn cưỡng với tôi, vì anh bạn trẻ chưa biết lễ độ với người Ấn độ. Thôi thì thử coi, đời có bao lâu mà hững hờ…

 

Phan

Ý kiến bạn đọc
04/07/202416:17:52
Khách
Cảm ơn Tác Giả một bài viết hay.
06/06/202413:07:21
Khách
Nhiều tiểu bang cấm đá gà vì hội Humane Society phản đối.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 277,854
02/08/202400:00:00
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
01/08/202400:59:10
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
30/07/202400:02:39
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
26/07/202400:00:00
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
25/07/202406:00:00
Cô sinh ra trong một gia đình trung lưu trí thức. Ba cô là đại úy không quân. Lương của ông không nhiều, nhưng đủ nuôi vợ và đàn con sáu đứa. Như đa số những phụ nữ thời bấy giờ, mẹ cô chỉ ở nhà quán xuyến gia đình. Mọi việc sẽ thuận lợi theo dòng đời, nếu không có hai biến cố đột ngột xảy ra...
23/07/202406:01:00
Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D'Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện buồn về sự ra đi bất ngờ của người con trai, đồng thời là lời tri ân sự chăm sóc tận tình của bệnh viện Harborview – Seattle, USA.
19/07/202400:00:00
Hằng năm vào khoảng cuối tháng năm khi trăm hoa đua nở, khí hậu ôn hòa vừa nắng ấm vừa mát mẻ, thì khắp nơi xứ cờ Hoa, học trò các cấp lớp được nghỉ hè, rời mái trường thân yêu một thời gian. Khi ấy các cô cậu có thể đi du ngoạn với gia đình, tìm việc làm ngắn hạn trong mùa hè, hay chỉ nghỉ ngơi thỏa thích bù thời gian vất vả thức khuya dậy sớm suốt niên học.
18/07/202406:00:00
... Từ vài chục năm nay, chúng ta đã đồng ý với sự phân chia thành ba thế hệ người Việt đang sống ở nước ngoài: (1) Thế hệ thứ nhất gồm những vị đã thông tạo tiếng Việt vả chữ Việt tại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi. (2) Thế hệ một rưỡi gồm những người rời khỏi quê nhà trong tuổi thiếu nhi chưa rành rẽ chữ và tiếng Việt. (3) Người trẻ được sinh ra ở quê hương thứ hai. Theo nhận xét của tôi thì việc đọc sách và báo Việt không có được sự hân hoan tương đương như trên. Tôi không dám viết ra đây phần trăm ít ỏi đã lượng định, xin quý độc giả tự làm việc này. Vậy ta phải làm gì để Giúp Thế Hệ Sau Đọc Sách Báo Việt? Ta hãy làm thế nào mà chợt có dịp may, một người thế hệ sau cầm quyển sách hay tờ báo đọc thử, nếu họ hiểu thì mới có cơ may họ sẽ tiếp tục đọc sách báo Việt. Nếu không hiểu thì họ sẽ từ giã, rất khó sẽ thử lại một lần nữa. Việc làm này cũng giúp cho toàn dân Việt nhìn rộng ra thế giới...
16/07/202402:20:00
Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “. Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.
12/07/202400:00:00
Năm 2009 sau chuyến đến Nam Cali thăm gia đình và bạn hữu, tôi viết bài tường thuật cuộc phiêu lưu của tôi tại Orange County, lên Las Vegas, San José, trước khi rời Cali trở về nhà. Ly Kai, biệt danh ông kẹ đi bán chính thức, chủ xị của nhóm Văn Khoa tại đây với Mỹ Dung thường tổ chức mấy bữa họp mặt mỗi khi các bạn từ xa đến đây chơi. Trở về nhà, tôi viết một bài về chuyến du hành năm đó và gửi cho các bạn đọc cho vui, Mỹ Dung khuyên tôi gởi bài này cho báo Người Việt. Mấy tuần sau, bài «Mưa Cali» được NV đăng báo, và cô MC Hồng Vân đọc trên đài VOA tiếng Việt.