Hôm nay,  

Đi Qua Miền Quá Khứ

07/11/202400:00:00(Xem: 1570)
MTTN nhan giai Vinh danh Tac Gia VVNM 2023 từ nhà văn Cung Tích Biền
TG Minh Thúy Thành Nội nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 từ nhà văn Cung Tích Biền
 
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thúy, sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải Vinh danh Tác giả 2023. Bài viết kể dí dỏm về những chuyện tình lận đận của nhân vật Linh với kết thúc vui.
 
*           
 
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng.
 
Qua tới Mỹ thì Linh đã kề 28 tuổi. Linh cũng cố gắng ghi tên học trường De Anza College hai năm, lấy mảnh bằng Technician xong chẳng muốn học thêm vì cảm nhận thời mình đã qua, vào lớp ngồi chung đám trẻ thấy nản lòng, may có vài bạn thuộc thế hệ mình, ai cũng muốn học nhanh đi kiếm việc, kiếm tiền cho lẹ.
 
Ra trường ba tháng sau Linh kiếm được việc, vào làm hãng điện tử Solectrone. Với lứa tuổi này thật khổ, tối ngày điếc tai theo nhiều tiếng quở trách vô cớ.
 
 - Lúc nào cho ăn bánh mừng đây.
 
- Kén quá nên giảm ga đi.
 
-  Coi chừng ế đó nha.
 
- Bạn mày giờ này đâu còn ai đợi mày nữa, họ lên xe bông hết rồi. 
Linh chỉ biết cười trừ trả lời chung:
 
- Thì lúc nào có bánh mừng là biết liền, nếu thấy im lặng  thì xem như ế rồi đó nha.
 
Linh cũng muốn kiếm bạn lắm chứ, thời gian gần qua Mỹ cũng yêu da diết anh chàng kỹ sư Phú Thọ. Ông anh giữ trách nhiệm ngăn chận nên nhắc ngày nhắc đêm, ngày lên đường chia tay đẫm đầy nước mắt. Trong lúc lòng nàng héo hắt bên này thì năm sau nghe tin chàng cưới vợ, từ đó Linh khép kín cửa lòng lại. 
 
Nơi hãng này có anh Vũ sáng nào tới cũng tặng Linh bịch táo, hỏi ra biết mẹ anh có mở chợ trên vùng SF. Một hôm anh đòi đến nhà thăm cho biết, Linh nhận táo nhiều cũng có chút nể nang tình cảm nên cho địa chỉ. Gặp ngày Chủ Nhật, anh đến buổi chiều, anh chị em Linh thường tụ họp đông cuối tuần. Mọi người thấy anh Vũ đến thì dạt ra chạy tránh mặt trên lầu, dưới nhà chỉ có người chị dâu lo nấu nước mời khách. Em này chạy xuống, em kia chạy ngang cố ý nhìn mặt khách, anh Vũ cũng cho táo và ngồi chơi một tý rồi kiếu về dù mẹ Linh mời ở lại dùng cơm. Anh vừa ra về thì cả nhà chạy xuống nhao nhao
 
Cô em nói:

 -  Trời ơi... sao giống Chí Phèo hè.

 Người chị dâu cười cười:

 - Cô Linh bữa này dám quen tay anh chị Vũ Cầu Muối hè

 Em khác quay qua mẹ:

 - Ngồi trên lắng nghe mẹ hỏi “nhà này đông người lắm, sợ không con...” chao ơi nét mặt ...lựu đạn đó mà sợ ai.
 
Ông anh kế đi lui đi tới ngâm nga “Buổi chợ đông cá hồng em chê bạc. Chợ tan rồi con cá bạc em cũng mua”.
 
Linh chỉ biết nín cười lắc đầu trước bao lời phê bình. Nàng thấy nhìn quanh chẳng còn ai, mà suốt ngày đi làm chỉ có anh Vũ tuy già nhưng còn độc thân, thì cũng thử xem “cố gắng yêu người mà sống, lâu rồi đời mình sẽ qua ...” (1*) chứ chị em trong nhà thường bảo “ra công tìm người giới thiệu, hè nhau đẩy cái đò này đi”.
 
Từ đó Linh tỏ thái độ nghiêm nghị lạnh lùng và cũng không nhận táo nữa, nên anh Tuấn cũng rút lui (nghe anh trước là sĩ quan QLVNCH cấp bậc Trung úy). 
 
Nơi đây cũng có anh Việt Nam làm công việc dọn dẹp, thấy Linh cùng người Việt thỉnh thoảng gặp hỏi thăm cười chào. Từ từ không biết anh có “phải lòng” với Linh không, mà bữa cho Linh cái bánh bao, bữa cho ổ bánh mì thịt, Linh không nhận nhưng anh nói: 
 
- Tui mua ăn trưa luôn tiện mua thêm phần cho Linh, đừng ngại gì hết.

Rồi anh càng muốn lân la gần Linh hơn trong giờ “lunch”, có bữa anh đòi mời cuối tuần đi ăn phở, Linh cám ơn từ chối bận việc. Một hôm anh nói thẳng trong khi ngồi cùng bàn ăn trưa.
 
- Linh chê anh phải không?
 
Rồi anh nổi hứng xổ tiếng “Đan Mạch”:
 
- Đ...M... Anh trước đây cũng là lính VNCH, là hạ sĩ nhất chứ chẳng thua ai, đã từng là lính Thủy Quân Lục Chiến đóng nơi Quảng Trị chớ bộ …
 
Linh trố mắt sững sờ “Mẹ ơi ...giờ này đối tượng của con là đây sao, tán gái cũng có kèm tiếng “Đan Mạch” nữa “. Nàng tìm cách né tránh ôm hộp cơm ra xe ngồi ăn từ đó, hễ thấy mặt là dạt nơi khác không tỏ thái độ tự nhiên như anh em trước đây nữa. Và anh ta cũng nhận ra thái độ khác lạ nên cũng không dám gần. Thấy hãng này trả lương thấp, cũng không lên lương. Linh chán nản nhảy qua hãng khác 
 
Qua hãng Flex gặp anh chàng “Technician” điều khiển máy móc, có khi sửa chữa lúc máy hư. Linh thường gặp những giờ giải lao uống cà phê. Anh tên Phi rất đẹp trai, mặt mày sáng sủa, Linh nhìn cũng có cảm tình thỉnh thoảng chào hỏi xã giao. Sự quen biết giáp mặt được hơn nửa năm, một hôm anh chàng rủ về Santa Ana chơi nhân dịp lễ “Labor Day”. Linh nghĩ “Ừ thì mình về ở nhà bà cô và thăm bạn thân, sẽ có cơ hội tìm hiểu nhau trên chuyến đường dài”.
 
Linh báo cho người chị dâu chiều đó, cùng hai mẹ con dì Tiên mới qua Mỹ đang ở chung nhà biết sáng mai có khách tới, nhờ dọn dẹp nhà cửa, khách sẽ vào nhà thăm trước khi chở Linh đi. Chị dâu và mẹ con dì Tiên dọn dẹp quét nhà, chùi rửa các thứ, sắp xếp ngăn nắp tạm thời trước khi đi ngủ. 
 
Sáng thứ Bảy lại dậy dọn dẹp tiếp, nấu nước pha trà đặt dĩa bánh ngọt ra bàn rất tỉ mỉ mọi việc. Ai cũng sửa soạn hành lý dùm Linh và lăng xăng đủ điều như chuẩn bị đón chàng rể mới. Đúng 8 giờ anh bạn tới, vừa bước xuống xe, trong nhà bếp cô em con dì Tiên trầm trồ:
 
- Ui chị Linh ơi, đẹp trai quá trời, chị mà chê bỏ ra là em...chụp đó nghe.
 
Dì Tiên:
 
- Mặt mày sáng sủa quá ha.
 
Chị dâu:
 
- Phong cách sang trọng qua lối ăn mặc tao nhã lịch sự, kèm thêm nét mặt bảnh trai nhìn như tài tử Hollywood.
 
Linh nghe cũng thấy phấn khởi yêu đời, duyên dáng mời vào nhà, chàng ngồi khoảng 10 phút rồi hai người lên đường, mẹ cũng đứng trên lầu nhìn cười gật gù.
 
Chạy chuyến đường dài, Linh vui vẻ nói chuyện bâng quơ, nàng gợi chuyện cho Phi bớt buồn ngủ để lái xe. Linh kể say sưa về “Hồn Bướm Mơ Tiên” với câu nói của Ngọc “Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là ...hai linh hồn của đôi ta ẩn nấp dưới bóng từ bi của Phật tổ”. Linh lại tiếp qua những câu chuyện khác như: (2*) Đôi Bạn, Đời Mưa Gió, Gánh Hàng Hoa, Anh Phải Sống..v..v... Phi chẳng bàn bạc, chuyển hướng câu chuyện cho biết: quê ở Bạc Liêu, may mắn qua Mỹ năm 1975 giỏi về máy móc, làm việc lâu năm đầy kinh nghiệm nên giờ này được lương cao. Linh hơi khựng một tý với những suy nghĩ hoang mang, ngồi quay mặt nhìn ra cây cảnh hai bên đường, hoa cỏ xanh tươi đang tưới lên tâm hồn Linh thả theo những nhân vật trong tiểu thuyết cho qua thì giờ. 
 
Chàng chở Linh về nhà cô Hạnh thả đó. Cô Hạnh thấy gia đình ông anh họ mấy cháu gái đều lập gia đình, chỉ còn mình Linh tuổi đã ngoài ba mươi, nay thấy cháu có bạn trai mặt mày cũng khá, nên vui vẻ mời Phi trưa mai trở lại dùng cơm. 
 
Cô Hạnh này sướng từ trong trứng sướng ra, gia đình danh giá. Cô lấy chồng giàu sống trong nhung lụa sang trọng, tiếp xúc toàn giới thượng lưu, nên Linh rất e ngại, nhưng giờ thấy cô vui vẻ mời Phi ngày mai, cũng làm nàng hồi hộp.
 
Trưa hôm sau đúng hẹn chàng đến, trong lúc vừa ăn vừa nói chuyện, cô mở nhạc Pháp Quand tu es là (Trò Chơi Của Tình Yêu) do Sylvie Vartan hát, cô nói huyên thuyên về nhạc, mê giọng Christophe qua bài “Mama “, Lobo “ I’m The Only One”, đặc biệt thích nghe hòa nhạc Gold Concert, nhạc Việt thì thích Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú, Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh..v...v...Cô kể thêm thích xem phim Pháp như “ Thằng Gù Trong Nhà Thờ Đức Bà”, Le Doctor Jivago, thích văn chương của Tự Lực Văn Đoàn..v...v... Rồi cô hỏi Phi: 
 
- Con có mê nhạc, mê phim, mê đọc thơ văn không? thích ai? 
 
Chàng đang ăn ngẩng mặt cười tự nhiên, trả lời:
 
- Cháu thích nghe cải lương.
 
Linh thót ruột như có luồng khí lạnh chạy vào xương sống, lưỡi cứng đơ, cúi đầu gắp từng hột cơm bỏ vào miệng chẳng muốn nhai, bên tai còn nghe lùng bùng. 
 
- Cháu chỉ thích ăn nhậu thôi, không thích đọc truyện nên không biết ông nào cả. 
 
Nàng tựa người lên cơn sốt, mặt nóng bừng, lúc ngồi trên xe đã ngờ ngợ phần nào rồi, nay thì chàng đã tỏ rõ. Linh liếc mắt nhìn cô, vẫn nét mặt bình thường chẳng lộ chút phản ứng nào cả, nhưng Linh biết rồi đây cô sẽ cười mình cho mà xem, thiệt là “bụng buồn chẳng biết nói năng chi’. Chàng ra về, đêm đó Linh trằn trọc khó ngủ vì tìm ra câu giải đáp” thì ra qua Mỹ sớm, có chút tài năng về máy móc, làm lâu năm lên được “Technician” và cũng nhờ trời cho nét đẹp trai sáng sủa, biết cách ăn mặc nên mình mới ...bé cái lầm “.
 
Trên đường trở về cả hai cùng im lặng, Linh quay mặt nhìn trời mây phong cảnh, tự dưng nàng nhớ đến truyện “Trống Mái“ của Khái Hưng. Hay là mình bắt chước Hiền cố yêu Vọi thử xem, Hiền cũng thích chụp hình cho Vọi vì thấy chàng trai này có dáng lực sĩ đẹp trai mà... Linh nhắm mắt rùng mình ... không được là không được, phải có con tim rung động, phải có tình cảm mới sống được ....
 
Về nhà gặp lúc anh chị em tụ họp nấu nướng ăn lễ, vừa bước vào bị cả nhà tra khảo:
 
- Sao rồi? 
 
- Đi chơi vui không? 
 
- Chắc ăn chưa?
 
Linh phần đi xa về mệt, phần chán nản thất vọng đáp vội trước khi lên lầu: 
 
- Một chuyến đường dài tìm hiểu ...vỡ mộng rồi. 
 
Mấy chị em chưng hửng: 
 
- Sao vậy, hè nhau đẩy con đò này ra sông, mà đò nặng vía quá.
 
          ******
 
Linh bắt đầu lẩn tránh Phi. phần Phi mỗi chiều thường gọi phone, gặp chị dâu nhắn “Bác gái hở, cuối tuần này con đem mấy DVD cải lương đến cho bác xem, hay lắm.“chị dâu cũng “ờ” đại. Riêng Linh biết vậy nên cuối tuần tránh mặt. Tình trạng Phi muốn lấy lòng mẹ Linh cứ tiếp diễn. Linh nghĩ ra cách giới thiệu Phi cho bạn Tuyết Nhung. Kể thêm về Tuyết Nhung là bạn học thân nhất với Linh từ thời tiểu học, trung học và lên đại học, Nhung rất đẹp nhưng qua hai mối tình không suông sẻ nên hiện tại vẫn độc thân. “Nó cũng đang ế ẩm, đẩy qua nó để mình rút lui.” Linh hỏi ý bạn, Nhung nói “OK thử xem”. Linh cho địa chỉ nhà Nhung dưới Los Angeles và cho Phi xem hình, vậy là chàng một người một ngựa về đó hai lần. Một tháng sau Nhung gọi điện thoại mắng vốn Linh: 
 
- Có phải mày chê nên đưa qua tao không? Đàn ông gì mà mới gặp đã trình bày check lương... chưa kể ăn nói ...vô duyên. Thôi nghe! Tao thà ở giá vẫn thích hơn.
 
Linh cười ha hả: 
 
- Thì tao cũng vậy, thôi tụi mình cùng nhau thờ chủ nghĩa độc thân nghe chưa. Chứ ở Mỹ đây đâu có ai nghèo đói, cỡ nào cũng sống có cơm no áo ấm mà, miễn chịu khó làm việc, chứ lấy chồng mà không có chút tình yêu thì ...thì… ớn quá.
 
*******
 
Phi biến mất khỏi hãng, có lẽ tìm được hãng khác lương cao hơn. Chuyện Phi xin đem vào dĩ vãng. Rồi lại có người bà con giới thiệu anh chàng kỹ sư, thì cũng bắt chước bạn mình “thử xem”. Anh chàng nói chuyện vui vẻ hoạt bát nhưng khi đứng lên trả tiền nhà hàng, Linh thảng thốt nói với bà mai: 
 
- Ôi! Sao... lùn dữ vậy! 
 
Bà mai nguýt dài: 
 
- Gái già ở đó mà kén đi.
 
Thôi thì nàng cũng gắng gượng gặp thêm lần thứ hai, tìm hiểu qua người giới thiệu thì biết chàng có vợ hai con và đã ly dị “thôi không chơi, có “rờ mọt” rồi phiền phức ...mệt lắm” và nói thẳng với anh kỹ sư. Anh ta tìm chị của Linh nhờ giúp đỡ “chị nói Linh “try” đi, không lý đã có đời vợ là bị treo bản án hay sao”, nhưng vô ích, Linh trở lại tuyên thệ cùng Tuyết Nhung.
 
*******
Hãng tiếp tục có nhiều người mới vào làm, Mễ, Tàu, Phi ...và một “Technician” người Việt Nam. Anh khoảng 40 tuổi tên Trí dáng cao, có nốt ruồi to gần khoé mũi. Ngày đầu gặp anh thăm hỏi vì nghe tiếng nói, nhận người cùng quê và xưng anh em tự nhiên. Thỉnh thoảng giờ “break” thấy anh nói chuyện xã giao với người bản xứ vui vẻ. Tánh anh hoạt bát nói câu nào cũng pha tếu cho Linh những trận cười thoải mái. Khi hơi thân anh cho xem hình gia đình chụp chung gồm vợ chồng anh và một trai, một gái, vợ anh rất đẹp. Những buổi ăn lunch anh thường hỏi:
 
- Sao em kén dữ vậy? đến giờ này vẫn còn độc thân.
 
- Ế quá anh Trí ơi chứ không phải kén.
 
- Ừ để anh kiếm người làm mai nhé.
 
Rồi anh kể mối tình xa xưa trước khi lập gia đình…
 
- Anh quen chị đó đẹp lắm, nhà ở trên Kim Long có ngôi vườn rộng nhiều cây trái. Một lần anh lên gặp mẹ chị đang la mắng và chị vừa khóc vừa cãi lại. Chờ cho mẹ chị đi rồi, anh kéo chị ra vườn nói “Em không được nói như vậy với mẹ”, chị tức tưởi càng ôm mặt khóc to. Anh đến sát bên vỗ vai và nhẹ cầm bàn tay chị lật ngửa, bất chợt chị ngẩng mặt lên, nước mắt ràn rụa nói “Anh đừng nhổ nước miếng trên tay tui đó nghe…”
 
Chuyện khác:
 
Mẹ nàng không chọn anh, bà ép gả người khác. Nàng buồn quá một tối hẹn anh ra nơi bụi chuối bên đường cho biết sự tình. Nàng vừa khóc vừa nói “em không lấy được anh là em sẽ tử tự chết cho mà xem”. Anh cũng ngậm ngùi ôm nàng “Anh không cưới được em cũng sẽ mỏi mòn mà chết”. Bỗng đâu có tiếng sộp soạp sau bụi chuối “Tao mà ..ị...không ra thì cha tụi bây cũng chết luôn”. Anh hoảng quá nắm tay nàng kéo nhau bỏ chạy…
 
Rất nhiều chuyện nữa làm Linh cười ngặt nghẽo. Người kể có người cười khoái quá nên hai người trở nên thân nhau tự bao giờ. Có lúc anh bới hai ổ mì, bánh bông lan, trái cây hoặc Linh bới bánh tiêu, xôi ăn chung, giọng anh vẫn oang oang thoải mái tiếp tục kể cho cô em gái cùng quê các chuyện tếu chứa nhiều trong đầu óc.
 
Một năm qua Linh khám phá ngày nào anh có việc riêng xin nghỉ thì buổi trưa đó vô cùng nhạt nhẽo đối với mình, hay lúc anh lấy “vacation” lòng Linh buồn héo hắt. Linh biết sửa soạn kỹ hơn, yêu đời hơn với những buổi cơm trưa thân mật cùng anh. Người đàn ông có kiến thức rộng, nói chuyện đề tài nào cũng hợp và nhất là gu thưởng thức nhạc cũng giống nhau, anh thường mua CD nhạc tặng Linh. Có lúc anh rủ Linh dùng giờ lunch đi ăn phở, hay cơm tấm gần đó.
 
Ánh mắt anh chan chứa nồng nàn hơn, giọng nói nhỏ nhẹ hơn. Hình như hai người cùng cảm nhận tình cảm mình, và muốn tiêu diệt nó bằng cách cùng nhắc về vợ anh. Anh khen vợ rất giỏi giang, hai người trước kia cùng dạy trung học đệ nhất cấp trường Nam Ô. Hiện tại chị làm “Nail”, tìm giờ giấc thuận tiện đưa đón con đi học và về nhà, trong ngoài chị vén khéo vẹn toàn việc nhà và nấu ăn rất ngon. Linh nghe kể chuyền niềm vui theo hạnh phúc của anh, nhưng tối về dỗ giấc ngủ khó khăn với nỗi buồn không tên, hằng đêm cố xua đuổi không nghĩ tới nhưng khuôn mặt anh cứ thấy rõ trước mắt “nhất định, nhất định mình không thể như vậy.” 
 
Thế rồi hãng có từng đợt sa thải báo hiệu sự đi xuống của hãng, nửa năm sau Linh bị laid-off. Linh có cảm tưởng như đời đứt ngang rồi, nỗi buồn hành hạ giằng xé tâm hồn không thể tưởng. Mới đầu còn gọi điện thoại đôi ba lần nói chuyện, nhưng sau đó cố gắng kềm hãm tình cảm của mình dứt khoát không liên lạc, thôi thì tự ru ngủ bằng giấc mơ, tự an ủi ve vuốt con tim bùng cháy không đúng chỗ.
 
Nửa năm sau Linh nghe hãng đóng cửa, đóng thiên đường nhỏ bé của Linh chỉ còn trong ký ức. Thời gian sau Linh được biết gia đình anh Trí dời qua Texas sinh sống. Trong lúc thất nghiệp Linh học thêm lấy bằng Diploma in Accounting and Business (chứng chỉ sơ cấp về kế toán và kinh doanh) bỏ nghề điện tử, kiếm việc làm cho hãng xe nhỏ, công việc trực phone và giao dịch giấy tờ, nơi đây chỉ mình Linh là người Việt.
 
Duyên số đã đưa đẩy Linh gặp lại người bạn cũ thời trung học tên Huy, ngày xưa cũng thích Linh. Được biết Huy vẫn còn độc thân ở Sacramento, hai lần về Việt Nam có nhiều người giới thiệu bạn gái, nhưng Huy không thích gu bây giờ, dửng dưng cảm giác.
 
Tình cờ bạn cũ kể cho Linh, và tìm cách để hai người liên lạc lại. Đám cưới Linh năm 33 tuổi. Bạn thân Tuyết Nhung cũng gặp lại bạn thời chung đại học, đám cưới sau Linh vài tháng. Thì ra những người bạn trai này không ham gái đẹp, gái trẻ, chẳng chê gái già mà chỉ cần cùng thời với hai tâm hồn đồng điệu. 
 
***************
 
Cuốn phim dĩ vãng vẫn tiếp tục quay đều theo bước chân Linh đang đi bộ ngoài đường, bước chân đi qua vùng quá khứ đã mấy chục năm qua tưởng chừng như mới đâu đây. Linh ngẩng mặt hít sâu thở nhẹ theo kiểu thiền, nắng hồng đang nhảy múa trước mặt, hoa nắng lung linh đuổi nhau trên đường, vài loài hoa dại chen nở trên những bãi cỏ trông xinh xinh. Giờ này chắc Huy đã đi chơi Tennis, may mắn cho Linh tìm được người nương tựa vững vàng. Cuộc sống chẳng giàu sang nhưng ấm cúng trong ngôi nhà nhỏ mua được.
 
Trước đây Linh cũng hồi hộp biết được điều phụ nữ lớn tuổi khó sinh con, hoặc đứa trẻ khó thông minh nếu không nói là bị bệnh. Linh cám ơn Trời Phật vì sinh được gái đầu và trai út, hai cháu đều thông minh, hiện cháu trai tốt nghiệp bằng kỹ sư, cháu gái làm y tá (RN-Registered nurse) và có việc làm ổn định.
 
Bạn Tuyết Nhung cũng có một cháu gái học giỏi tốt nghiệp ngành y khoa chuyên bác sĩ Anesthetist (gây mê). Nàng mỉm cười nhớ lại lời tuyên thệ cùng Tuyết Nhung, thủa ấy nghĩ cũng vui.
 
Miên man dấu chân kỷ niệm... về đến nhà hồi nào không hay. Vừa mở cửa bước vào, con gái MiMi nói vội trước khi đi: 
 
- Mẹ ơi! Dì Phượng gọi mẹ và nhắn mẹ gọi lại. 
 
Thì ra Phượng (bạn học trường De Anza College), thỉnh thoảng vẫn liên lạc, nhắn Linh Chủ Nhật tới nghe “Buổi nhạc Chiều Thu” nơi quán cà phê Lover do ông hội trưởng của Văn Thơ Lạc Việt tổ chức. Linh thắc mắc việc tổ chức đã tốn kém, mà nhìn tờ quảng cáo còn uống nước giải khác free, cũng như có trò chơi quà sổ xố trúng thưởng. Linh thắc mắc hỏi bạn: 
 
- Ông ấy làm gì mà giàu dữ vậy?
 
- Ông là chủ báo Thằng Mõ, thời buổi này làm báo không biết có khá không, nhưng ông rất hào hoa phong nhã. Ông là mạnh thường quân của rất nhiều chuyện cộng đồng, và hội Nhân Ái của ông luôn đi phát lương thực, tiền, thức ăn cho “Homeless” đó
 
- Mày biết nhiều quá ha.
 
- Thì ở vùng San Jose hầu như ai cũng biết tiếng tăm của ông mà, ông tổ chức rất nhiều buổi nhạc free về mùa xuân, Thanksgiving, Ba Mươi Tháng Tư hay những buổi sinh nhật cho hội viên nữa đó. Mọi người quý mến nên trông mong ông làm ăn phát đạt, vì ông mà có là cho cả làng nhờ. Khi bận việc tao không tham dự nên cũng quên mày, lần này tao đi được nên nhớ, lâu quá tụi mình không gặp, đi cho vui nghe.
Linh OK!
 
Nhìn qua khung cửa sổ của nhà bếp, lá đã vàng rụng tấp vào một góc vườn, thỉnh thoảng có mấy lá rơi là đà theo cơn gió thoảng, cây táo cũng nở hoa, mùi hương bay nhẹ vào thơm dịu vợi. Linh quay lưng nhìn vào bếp lẩm bẩm “ngắm thu không quên nhiệm vụ, phải nấu món gì có sẵn cho Huy về ăn.”
 
****************
 
Đúng giờ hẹn. Phượng đứng ngoài khu parking chờ Linh đến. Đôi bạn già bước vào tìm bàn, chương trình đã bắt đầu với những bản nhạc mùa thu thơ mộng: (4*) Thu Quyến Rũ, (5*) Không Còn Mùa Thu, (6*) Thu Ca..v..v… Lâu lắm rồi Linh mới được thả hồn theo điệu nhạc lời ca say đắm. Khách vẫn lác đác đi vào dù hơi trễ.
 
Khoảng giữa chương trình có ba người đàn ông đi vào, hai già một trẻ, họ đi thẳng ra phía sau. Khi ngang qua mặt Linh, nàng thấy một người có nét quen quá sức, cố lôi trí nhớ chợt giật mình “anh Trí”. Linh lẩm bẩm “đúng rồi anh có nốt ruồi to như dân Ấn Độ, chẳng lý có hai người nốt ruồi to cùng nằm cạnh sóng mũi giống nhau, ánh mắt ấy, sóng mũi cao ấy, chỉ tại anh mập quá, đưa đống bụng chảy xệ xuống, đầu hói gần như trọc. Bỗng dưng tim Linh đập mạnh, tay chân hơi run, trong đầu thắc mắc: nghe nói anh ở bên Texas mà, hay là về lại đây chơi, sao dung nhan quá tệ vậy nè... gặp làm chi để bị mất hình ảnh ngày xưa. Linh kề tai nói nhỏ với bạn:
 
- Người xưa mới đi ngang, “phũ phàng tựa như một giấc chiêm bao”. Nói xong Linh ra dấu cho bạn nhìn ra sau ông nào mặc áo đen, sói đầu bụng phệ thì đích thị là chàng. Phượng đảo mắt tìm kiếm và tìm ra.
 
- Tao chưa thấy trước kia nhưng cũng đoán chàng đã mất hết rồi, nhưng đâu phải mình chàng, nhìn lại mày thử xem: da thì nám đen, tóc khô xồm bôm, môi như người đau bệnh sốt rét, đã vậy không chịu sửa soạn phấn son một tý... xấu kinh khủng, người cũng mập thù lù chớ bộ. Nếu chàng thấy mi cũng thốt lên:
 
Ngày xưa dáng ngọc yêu
Bây giờ mập ú tiêu điều hỡi em.
 
Cả hai cùng cười rung người. Linh tiếp nối vần thơ: 
 
Thì anh cũng vậy...xêm xêm
Sói đầu trợt trán bụng thêm khoe đời. 
 
- Chắc là tao không thể ngồi tiếp nữa rồi, thà để một mình tao thấy ông, còn hơn ông thấy tao càng chết nữa. 
 
Phượng làm mặt giận:
 
- Lâu ngày gặp tao chưa nói chi nhiều, đã lo ...chuồn.
 
- Tao hứa sẽ lên nhà mi chơi một ngày, tụi mình đi shopping, đi ăn uống cho vui. Tao ngồi không yên được nữa, cho tao về trước nghe. 
 
Linh không dám nhìn mặt bạn ra sao nữa, đứng dậy xách bóp đi nhanh ra cửa. Bước chân vội vã như bị ma đuổi, sau lưng còn vang tiếng hát của Đồng Thảo vọng theo.
 
(8*)
… Em ru gì cho ta, khi bao ngày phôi pha,
Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu....
 
Minh Thúy Thành Nội 
2024

Chú thích trong bài:
1* Vũ Thành An 
2*Tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn 
3* Thơ Trần Tế Xương
4*Đoàn Chuẩn, Từ Linh 
5* Việt Anh
6* Phạm Mạnh Cương 
7* Một chuyến Xe Hoa (Minh Kỳ & Dạ Ly Vũ)
8* Phú Quang





 
 

Ý kiến bạn đọc
25/11/202417:23:14
Khách
Đọc vui thiệt!
24/11/202422:11:46
Khách
Bài viết rất hay, dí dỏm. Cám ơn tác giả Minh Thuý Thành Nội thật nhiều. TThu
24/11/202403:06:14
Khách
Bài viết với lối văn di dỏm vui quá ,mong đọc tiếp nhũng bài của tác giả
17/11/202420:38:08
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 409,862
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Cung Tiến