Hôm nay,  

Nghiệp Hoa

07/05/202402:29:00(Xem: 1651)
05072024 Y Nhi _ Nghiep Hoa
Hình Tác Giả gửi

  

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Dung lần đầu tham dự VVNM. Trước năm 1975, cô tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và làm việc tại Bộ Tài Chánh VNCH. Nguyễn Thị Dung vượt biển và định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ từ năm 1984 cho đến nay. Cô làm việc cho Bưu điện USPS và đã về hưu. Cô còn là hội viên hội Văn Bút VN Hải Ngoại từ năm 2023.

 

*

Quỳnh yên lặng lắng nghe người chủ tiệm bán hoa lan kiên nhẫn và say mê giải thích về đặc điểm và cách chăm sóc hoa lan cho hai vợ chồng khách hàng người Mỹ đến mua hoa trong khi nàng chọn hoa. Đó là người đàn ông khoảng gần 50 tuổi, khá đẹp trai và thông thạo Anh ngữ… có vẻ là người có học vì cách dùng chữ cũng như kiến thức về hoa lan.

 

Nàng đi quanh tìm xem những cây hoa lan đặc biệt thường không có bán ở những khu bán hoa trong siêu thị, và chọn được hai cây lan hiếm mà nàng rất thích cũng như chờ đến phiên mình trả tiền và hỏi cách chăm sóc loại hoa lan Vanda mà nàng chưa trồng loại hoa này ở xứ lạnh. Quỳnh cũng đã đến đây mua hoa nhiều lần với chị nàng nên biết tính chủ nhân thường nói chuyện lâu với khách hàng và có thói quen tiếp từng người một, tiệm hoa nhỏ và thường không đông khách nên cũng không phải chờ lâu, hơn nữa nghe anh chàng chủ nhân nói về hoa lan thì cũng thú vị vì nàng rất thích trồng hoa lan.

   

Sau khi tính tiền và tiễn khách, chàng chủ tiệm niềm nở:

- Xin chào hai bà, hôm nay chúng tôi có nhiều hoa mới về từ Indonesia…cây lan Vanda mà bà Quỳnh đang cầm rất hiếm có… xin lỗi đã để hai bà chờ …

 

Quỳnh để hai cây hoa lan quầy tính tiền, vui vẻ:

- Cám ơn ông Phong, nghe ông giải thích về hoa lan rất hay, cũng có nhiều cách trồng hoa lan mà tôi chưa được biết nên vừa xem hoa vừa nghe ké cũng vui. Ông nói đúng, hai cây hoa này tôi chưa trồng ở đây bao giờ nên nhờ ông chỉ dẫn  cách chăm sóc .

 

Thủy, chị của Quỳnh xen vào:

- Thật là may, chúng tôi đến đúng lúc có hoa mới về… tôi cũng chọn được một cây.

 

Sau khi hướng dẫn cách chăm sóc cho loại lan Vanda cho hai chị em khách hàng, Phong để từng cây lan vào hộp carton và lấy giấy báo chèn chung quanh chậu cho cây vững. Anh làm một cách cẩn thận, nâng niu từng cành hoa. Quỳnh chăm chú nhìn chủ nhân… vừa khâm phục vừa cảm khái lòng yêu hoa, không nệ hà thời giờ miễn sao cho hoa được tươi tắn và an toàn cho đến khi khách hàng mang về nhà.

 

Xong việc, anh ngắm lại mấy cây lan như ngắm lại tác phẩm rồi mới nhìn khách hàng.

- Tôi đã bớt cho bà Quỳnh 15 phần trăm cho khách hàng quen rồi đấy … hy vọng là bà thưởng thức loại hoa mới này và khi nào cây có hoa lại, bà cho tôi biết nhé… 

 

Quỳnh nhẹ nhàng:

- Tôi cũng mong là sau khi hoa tàn, tôi sẽ chăm sóc, nếu năm tới cây có hoa, tôi sẽ chụp hình để khoe với ông Phong, hầu hết những cây lan tôi mua ở đây, năm sau đều có hoa lại.

 

Anh chàng chủ nhân gật gù:

- Ít người có khiếu và kiên nhẫn để trồng hoa lan như bà. Có lẽ vì bà và tôi đều mê hoa lan từ ngày còn nhỏ ở Ban Mê Thuột.

 

Quỳnh nhìn Phong, thoáng nhớ lại những lời chàng ta kể lại sự say mê săn hoa lan của hai cha con khi anh theo cha vào rừng tìm những cụm hoa lan mọc trên những cành cây trong vùng ẩm thấp trên sườn đồi của vùng cao nguyên Ban Mê Thuột.

 

Lúc đó, Phong còn nhỏ và rừng núi cao nguyên còn đầy thiên nhiên hoang dã nên những ngày vào rừng tìm hoa lan thật là thú vị. Vui nhất là có một lần, anh chàng kể lại, sau khi trèo lên cây, bóc được nguyên cả gốc cụm hoa Thuỷ tiên vàng rực nhưng không may có một cành khô gẫy đụng mạnh vào tổ ong gần đó làm cả đàn ong túa ra tấn công kẻ phá hoại làm hai cha con chạy bán sống bán chết mới đến được nhà người Thượng ở cuối thung lũng để xin… tị nạn!!! Điều kỳ lạ là ong không đốt mấy người ở quanh đó mà chỉ tìm hai cha con người phá tổ ong đốt để trả thù mà thôi.

- Có lẽ như vậy ông Phong ạ, nhưng quả thật sự say mê và hiểu biết về hoa lan thì tôi chịu thua ông… tôi có cảm tưởng như ông đã để cả tâm hồn vào hoa lan… dường như ông không phải là người bán hoa lan mà là một nhà nghiên cứu và truyền đạt đến mọi người lòng yêu hoa lan như ông vậy.

 

Phong tươi cười:

- Xin cám ơn bà.

 

Hai chị em Quỳnh chào chủ nhân ra về trong khi anh chàng thao thao bất tuyệt với người khách tiếp. Cái cung cách có vẻ cổ xưa… luôn gọi khách là ông bà và xưng tôi làm Quỳnh nhớ lại những ngày làm công chức cũ… nàng thở dài vì không hiểu tại sao người chủ nhân lại bỏ công việc có lương khá cao mà mở tiệm bán hoa lan nhỏ bé này. Phong có người cháu tên Kha thường đến phụ giúp chú coi sóc và phụ bán hoa trong những ngày cuối tuần hay khi Phong bận đem những cây lan thật đẹp và đặc sắc đi dự những cuộc thi về hoa lan đã kể cho nàng nghe. Chính Kha cũng không hiểu tại sao, mới đầu thì tiệm hoa chỉ mở  cửa hai ngày cuối tuần thôi vì Phong bận đi làm nhưng dần dần bỏ việc làm và ở tiệm cả tuần, khi không có khách thì cắt tỉa và trồng những cây lan nhỏ để gây giống và bán. Giá hoa lan ở đây tuy cao hơn nhiều nơi khác, nhưng cả tiệm hoa nhỏ và căn nhà kiếng bên cạnh cũng không có nhiều hoa, hơn nữa với cách tiếp khách của chủ nhân thì lợi tức chẳng là bao!!! Và dường như gia đình của chủ nhân cũng không được hài lòng cho lắm vì thâu nhập của tiệm kém xa so với việc anh đi làm.

 

Đã nhiều năm, Quỳnh đến mua hoa khoảng một hoặc hai lần trong một tháng, lúc đó Quỳnh còn đi làm và hay dùng tiền làm việc phụ trội để mua hoa. Có vài lần Quỳnh đi với chồng nàng đến mua hoa và giải thích cho anh nghe lòng say mê của chủ nhân mà Quỳnh gọi là nghiệp hoa khi anh thắc mắc về anh chàng bán hoa có khả năng Anh văn như người Mỹ mà có khi cả nửa tiếng mới bán được một cây hoa vài chục đồng!!!

 

Chồng Quỳnh cũng không ngạc nhiên cho lắm vì thấy vợ cũng mê trồng hoa lan, mặc dù rất bận vì đi làm và phải lo công việc nhà, hơn nữa không có nhà kiếng mà chỉ có cửa sổ để treo hoa trong mùa đông mà cũng gắng trồng hoa, mùa hè thì đem ra vườn treo dưới cây có bóng mát gần hồ có nước phun. Nàng thường khoe với anh khi có giò hoa lan mới nở, đặc biệt vào mùa đông khi Tết đến thì ít nhất cũng có ba bốn chậu lan có hoa nở rất đẹp để trên bàn trong phòng khách. Quỳnh biết chồng không mê hoa lan như nàng nhưng chiều vợ, khi rảnh anh làm móc treo hoa và rất thích chụp hình hoa lan.

 

Khi hai vợ chồng Quỳnh về hưu sớm, thỉnh thoảng hai chị em nàng mới đi mua hoa lan… đã hơn hai chục năm rồi …vẫn tầng dưới của căn nhà nhỏ, và người chủ nhân tóc đã pha chút muối tiêu nhưng vẫn niềm nở như ngày nào bên những cây lan đủ mầu phảng phất mùi hương thanh thoát…

 

Rồi thì đại dịch Covid xẩy ra… hơn hai năm Quỳnh không ghé mua hoa dù biết tiệm vẫn mở cửa bán hoa vì email vẫn gửi hàng tháng… cho đến khi dịch đã giảm và hoa lan nàng trồng cũng đã chết nhiều… hai chị em Quỳnh đến tiệm mua lan cho mùa Giáng Sinh… gặp lại, chủ nhân niềm nở hỏi thăm… xin lỗi vì độ này ít có hoa quý đến từ những vùng nhiệt đới. Quỳnh thấy Phong có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ ân cần và nàng không thể nào ngờ được đó là lần gặp gỡ cuối cùng với người tri kỷ về hoa.

 

Hai lần sau Quỳnh đến mua hoa nhưng tiệm đóng cửa, qua cửa kính vẫn thấy nhiều hoa nên cho là chủ nhân bận đi đâu đó thôi, nhưng rồi không thấy email gửi hàng tháng và thấy trên website thông báo tiệm tạm đóng cửa. Khoảng mấy tháng sau, có dịp đi ngang, Quỳnh ghé qua thì thấy vẫn có hoa bên trong và cửa có lock box để bán nhà… thật ra tiệm đã có lock box vài lần nên hai chị em nàng cũng không chú tâm cho lắm.

 

Cho đến khi Quỳnh nhận được email báo tin tiệm sẽ mở cửa bán hoa lần chót và cũng ghi chú là không có nhiều hoa, và sẽ bán hết tất cả hoa tiệm có. Hai chị em Quỳnh đến tiệm sớm hơn vì Quỳnh muốn mua mấy chậu hoa quý mà chủ nhân không bao giờ bán, chỉ chưng cho đẹp và để dành để dự những cuộc thi hoa lan mà thôi.

Quỳnh thật ngạc nhiên khi thấy trước cửa tiệm đã có khoảng hơn ba chục người xếp hàng, hầu hết là người Mỹ… tìm mãi mới có chỗ đậu xe…vào hàng đứng chờ, lao xao Quỳnh nghe họ nói về người chủ nhân… khi cửa mở… mỗi người khách  vào cầm lấy ngay hai hay ba cây lan trên tay và khi đến lượt hai chị em nàng thì hầu như đã hết, mặc dù cây có ít hoa và trông khô khan cằn cỗi như đã lâu không được chăm sóc…

 

Quỳnh ra sân sau, thấy còn vài cây lan và gặp Kha, cậu giúp việc bán lan ngày trước. Quỳnh vô cùng xúc động và ngỡ ngàng khi Kha cho biết Phong đã mất vào cuối tháng Giêng gần Tết.

 

   - Mặc dù bị cảm nhưng chú Phong vẫn mở cửa hàng vì muốn khách có hoa lan chưng trong ngày Tết. Cháu có đến giúp chú vài ngày nhưng gần Tết thì được tin chú đã mất. Cháu rất buồn vì ngoài tình gia đình, cháu cũng rất thích việc chăm lo và bán hoa lan như chú. Cô Quỳnh là khách hàng của tiệm đã lâu nên cháu cho cô biết.

 

Thấy Quỳnh vẫn còn ngơ ngác, Kha đưa cho nàng một cây lan nhỏ và khô, trồng trong chậu đan mỏng có nhiều lỗ.

- Cô mua cây này đi, nó sẽ có hoa từ bên hông hay đáy chậu, loại hoa này rất hiếm, cô biết cách chăm sóc, chắc sẽ có hoa. Cháu biếu cô mấy cái chậu không này vì vợ chú Phong muốn dọn sạch mọi thứ để giao nhà cho chủ mới.

 

Nói xong, Kha nhìn Quỳnh rồi chào nàng với nụ cười thật buồn. Quỳnh bùi ngùi nhìn theo dáng nhỏ bé của Kha nhặt và đổ bỏ những chậu còn cây đã chết… có lẽ là đi theo chủ cũ.

 

Quỳnh ra xếp hàng trả tiền… dường như những khách đến mua lan lần cuối ngày hôm nay như để tỏ lòng tri ân người chủ nhân tiệm hoa lan có kiến thức rộng và tài ăn nói đã truyền bá được sự yêu thích về hoa lan đến với họ hơn là chọn hoa lan để mua. Quỳnh lấy cây lan có củ gốc hơi lạ trơ trọi trên quầy hoa, chắc là có ai bỏ lại và trả tiền cho cả hai cây… nếu nàng chăm sóc tốt và có hoa thì đó cũng là kỷ niệm với tiệm hoa của Phong trong lần mua hoa cuối cùng.

 

Cũng mất hơn nửa tiếng hai chị em Quỳnh mới trả tiền xong, trong tiệm chỉ còn vài người khách cuối… lác đác bên ngoài vài người khách còn nán lại nói chuyện với nhau… như gửi lời chào vĩnh biệt đến tiệm bán hoa nhỏ và người chủ nhân đã vướng vào nghiệp hoa mà quên cả bản thân mình!!!

 

Mùa đông năm nay, Quỳnh chỉ còn khoảng gần chục cây lan hiếm mà nàng mua ở tiệm hoa đặc biệt này… trời đã lạnh, những cây lan đã được mang vào nhà treo bên cửa sổ của phòng khách, vài cây đã có giò hoa, hy vọng sẽ nở vào dịp Tết.

 

Mỗi lần khi ngâm hoa lan vào chậu nước để vỏ cây khô có đủ giờ thấm nước, Quỳnh không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến người chủ tiệm hoa lan đã mất…cái dáng anh chàng thao thao như bất tuyệt giảng giải cho khách nghe về những đặc trưng của từng loại hoa giữa những cành hoa lan đủ mầu sắc phảng phất mùi hương nhẹ nhàng thanh khiết… còn tìm đâu ra người đã hiến cả cả cuộc đời cho lòng say mê và yêu hoa, đã chết vì những hương sắc đó… nghiệp dĩ… nghiệp hoa… còn có ai như thế nữa giữa thời đại a còng (@ ) này!!!

 

Quỳnh thoáng nghe tiếng thở dài của chính mình… mùa đông là mùa của hoa Lan… ông Phong, xin gửi đến ông những cánh hoa trắng nõn nà thanh khiết của loại lan White Egret mà ngày trước ông đã từng nói là ông yêu thích nhất.

 

Ý Nhi

 

   

 

 

   

Ý kiến bạn đọc
11/07/202422:37:30
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 410,013
Nghĩa trang Oaks Hill chiều nay lồng lộng gió, mây đen dồn cục cuối chân trời, cây cối ngã rạp mình theo chiều gió. Thành đứng trên hành lang phía sau căn "mobile home" của mình nhìn bao quát sang khu nghĩa địa rồi tiên đoán dự báo thời tiết, ngày hôm nay có lẽ sẽ có mưa đây. Chóng quá! Thế mà đã hơn một năm qua, Halloween rồi lại Halloween. Hình như Halloween năm nào trời cũng có mưa nhẹ thì phải?...
Nhiều người trong chúng ta chắc ai cũng biết câu ngạn ngữ này: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi không rõ là câu này do danh nhân nào nói hay là nguồn gốc của nó từ đâu, nhưng tôi quan sát thì thấy nó rất đúng với nhiều trường hợp ở đời. Nay tôi tường thuật một câu chuyện có thật trong cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng. Tôi cũng là người có dự mặt trong câu chuyện này, một câu chuyện khá thương tâm và phần nào cũng đúng với câu ngạn ngữ vừa đề cập. Tôi vốn không phải là nhà văn nên không biết gì bút pháp nghệ thuật hay những gì đại loại như thế, chỉ đơn giản là một người kể chuyện, kể lại câu chuyện đã và đang xảy ra tại đây.
Theo Wikimedia, “Cranberry” tiếng Việt gọi là nam việt quất. “Cranberry” có nguồn gốc từ chữ “Craneberry” (Crane là con hạc) được dùng bởi những di dân đầu tiên đến Mỹ, vì cánh hoa, đài hoa và cuống hoa có hình dáng giống đầu, mỏ và cổ của con hạc. “Cranberry là một loại cây thường mọc dại nơi các vùng đầm lầy đã phân hóa (nhiều than bùn) ở miền ôn đới Bắc bán cầu. Tại Mỹ nhiều nhất là các tiểu bang miền Đông Bắc như Massachusetts, New Hamshire, Connecticut, New Jersey và Delaware. Được biết việc chăm sóc và thu hái Cranberry qua nhiều công đoạn khá nhiêu khê. Đầu tháng 10 là mùa thu hái. Tôi muốn được tận mắt nhìn thấy những sinh hoạt này của nông dân địa phương nên đã quyết định cùng con gái làm một chuyến du lịch đi Boston thuộc tiểu bang Massachusetts. Đây là một trong những tiểu bang nằm phía đông bắc nước Mỹ có nhiều điền trang (Farm) đang mùa thu hái “Cranberry”.
...Nhìn thấy hàng dài người chờ ngoài phòng phiếu thì mới nhận thấy người đi bầu tay năm nay đông nhất so với các năm 2020 và 2022, dù phòng phiếu mở cửa gần cả tuần vừa qua. Tuần tự theo các thủ tục, chúng tôi nhanh chóng tô đậm các ô dựa trên mẫu giấy bầu ghi dấu sẵn trước ở nhà, nên kết thúc bầu khá nhanh. Chúng tôi thấy vui khi có nhiều cha mẹ đem theo các con nhỏ, như một cách chỉ dạy công dân giáo dục. Chúng tôi cũng không quên dán vào ngực con tem “I Voted”. Trên đường về, chúng tôi ghé vào Trade Joe mua chai “champagne”, dành mở uống mừng khi có kết quả bầu cử...
Tôi luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi đón nhận những món quà mà Ngài gửi đến trong cuộc đời tôi. Từ ngày có tụi nhỏ, những dự định cho cá nhân, từ việc học thêm các ngôn ngữ mà tôi yêu thích, trau dồi thêm kiến thức trong nghề nghiệp, tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, đều dần có độ ưu tiên ngày càng thấp, ngày càng xa hơn, và lùi dần theo tỷ lệ thuận với số tuổi của các con. Tụi nhỏ càng lớn, tất cả thời gian và kế hoạch của tôi càng xoay quanh các con nhiều hơn.
Linh qua Mỹ theo diện đoàn tụ (cha bảo lãnh) nên chờ đợi dài cổ bao nhiêu năm trời, vậy là tuổi xuân đi qua lẹ làng. Khi còn ở Việt Nam từ lúc học lớp đệ tam (lớp 10) đã có bạn thương, lên dần bạn trai thích vây quanh cũng đông. Lúc học Cao Đẳng Sư Phạm cũng yêu một bạn chung lớp. Ra trường vào Sài Gòn chờ đi Mỹ vì có giấy tờ cha gởi về. Cha cấm con gái, con trai không ai được lập gia đình chờ ngày ra đi. Thời gian chờ đợi cũng có các bạn ra trường kỹ sư, hoặc dạy đại học theo đuổi. Nhiều người làm Linh đâm ra “lơ lửng con cá vàng”, vui chơi qua ngày qua tháng...
Lời mở đầu của người viết: "Đây là bài tôi viết đúng bốn năm trước khi cả nước Mỹ đang sôi nổi về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lúc đó vì không muốn gây ra tranh cãi mất thì giờ nên tôi chỉ đăng giới hạn trong trang cá nhân của mình. Bài được nhiều người xin để share lại và số người “nghỉ chơi” tôi ra hay thậm chí “block” vì bài viết này cũng không phải là ít. Một mùa bầu cử nữa lại đến. Có vẻ như những gì xảy ra bốn năm trước có thể sẽ lặp lại nên tôi nghĩ bài viết năm trước của mình chưa đến nỗi lỗi thời."
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
Hôm nay tôi chuẩn bị về thăm Cali để giải tỏa áp lực đau buồn mang nặng trong lòng mấy tháng nay. Cứ mỗi lần về Cali lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.”
... Ở Việt Nam, tôi bị tù gần sáu năm trời chỉ mỗi cái tội vượt biên và hơn mười năm “chết dấp” bên trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân vì đến đảo sau ngày đóng cửa nên chẳng có điều kiện để lập gia đình. Thành thử ra tôi độc thân tới năm bốn mươi bốn tuổi mới lấy vợ, cách đây được hơn tháng! Phần vợ tôi khi ấy cũng xấp xỉ bốn mươi, do cứ mãi ở chờ bố cô đi tù cải tạo ngoài Bắc hơn mười mấy năm trời mới về, rồi sang đây với diện H.O, thành ra cũng chẳng trẻ trung gì! Thế nên khi bác sĩ chính thức báo tin là vợ tôi đã “cấn thai” thì tôi chới với vô cùng. Bởi tôi chưa có “ready” thì bảo sao tôi không hoảng sợ cơ chứ?...
Nhạc sĩ Cung Tiến