Hôm nay,  

Điểm Trừ... Đó Đây

20/03/202408:00:00(Xem: 2723)
03202024 Thoa V.DZUNG 2023
*Chú thích hình: KimLoan trong chuyến viếng thăm Little Sài Gòn cuối Tháng 11/2023

  

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

 

*

Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ?

Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi,  bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”,  nha!

Năm đó, cũng cỡ gần chục năm rồi, gia đình tôi và gia đình mấy anh chị em tôi ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ rủ nhau cùng bay đến Little Sài Gòn, để kết hợp thăm Bố, gia đình ông anh, bà con họ hàng cũng như thăm thú cảnh đẹp Nam California.

Sáng chúa nhật, cả nhà kéo nhau đi chơi trung tâm Phước Lộc Thọ giữa lòng Bolsa. Chúng tôi đi một vòng trên lầu, thấy chả có gì hấp dẫn ngoài mấy tiệm vàng. Khổ nỗi, vàng bạc, kim cương hột soàn không phải là niềm đam mê của tôi, vàng giả vàng thiệt, hột soàn dỏm hột soàn thật tôi chẳng biết phân biệt, cho tôi đeo chỉ thêm uổng phí. (Nói nào ngay, tôi cũng có đam mê, đó là…tiền trong bank thôi). Chúng tôi lại kéo nhau xuống tầng dưới, tìm các món ăn cho bữa trưa. Tôi và bà chị Cả vì vẫn còn no với ly café sữa đá và ổ bánh mì thịt Lee Sandwich trên xe lúc khởi hành, nên trong lúc chờ đợi mấy người khác ăn uống, hai chị em thấy một cửa hàng áo quần ngay đó, tiện chân bước vào xem để giết thời gian. Vào tiệm rồi hai chị em mới thấy ân hận vì trong tiệm không có bóng một người khách nào, tính quay trở ra thì chị chủ xuất hiện, lớn tiếng sang sảng:

-           Hai chị đã vào tiệm chưa coi cái gì mà tính ra về, “chơi” vậy sao được chứ, mở hàng kiểu này tội tui lắm đó!

 

Tụi tôi giật mình nhìn chị chủ, người vừa mở lời chào khách với cái giọng sẵn sàng gây sự (gì mà “chơi” với “không chơi”, nghe y như phim… kiếm hiệp giang hồ). Khuôn mặt chị ấy nhìn quen quen như những khuôn mặt “mang dấu ấn thẩm mỹ” thường gặp ở đâu đó. Mắt cắt hai mí, lông mi dài, chân mày xăm đậm lè, mũi thẳng băng và đặc biệt là cái miệng có đôi môi chẻ hai trái tim (chẻ môi trên môi dưới luôn á). Cái miệng trái tim này tưởng chỉ để thốt ra những lời êm ái dịu dàng thôi chớ, ai dè ngược lại.

Nghe vậy, chị em tôi đành bước lại xem mấy cái áo trên cái rack, thầm thì bảo nhau, ráng tìm một cái gì đó mà mua “trả nợ quỷ thần”. Trong lúc hai chị em xem áo, chị “đẹp” cứ đứng sát bên "kềm kẹp", không cho chúng tôi có thì giờ bàn bạc, suy tính tìm cách “chuồn” ra ngoài.

Chị chủ lấy một chiếc áo ra mời chào:

-       Áo này là hàng mới về, hợp với bà chị lắm đó.

 Chúng tôi nhìn áo lưỡng lự, rồi chị tôi hỏi:

-          Cái này giá bao nhiêu vậy chị?

-          Giá rành rành đây mà không thấy hở? Bốn chục.

 

Ý chị “đẹp” rủa chúng tôi … hổng có mắt sao? Bán hàng kiểu gì vậy trời? Tôi nhanh nhẩu:

- Úi, hơi mắc chị ơi!

Và chi “đẹp” được dịp xổ một tràng, rằng người mua lầm chớ nguời bán không lầm, tiền nào của nấy…yada…yada ...yada ... rồi quăng cái áo vào người chúng tôi:

            - Thôi, tui bán mở hàng làm quen giá ba lăm đồng, hai chị mở hàng lẹ lẹ giùm.

 

Chị “đẹp” lập lại mấy lần chữ “mở hàng” (dù là đang vào giờ trưa) là tụi tôi hiểu phải làm gì, nếu không muốn nhìn thấy chị đốt giấy phông lông đuổi tà. Nhìn cái áo chẳng ưng ý cho lắm, nhưng bà chị tôi muốn thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt nên đành cầm cái áo đi vào chỗ thử sau tấm màn che và trở ra, sung sướng báo tin:

- Chị chủ ơi, cái áo hơi dài. Tiếc quá tôi không thể mua nó.

Tôi nhìn cái áo bà chị mặc hơi dài rành rành ra đó, tưởng sẽ có lý do chính đáng để khỏi phải mua áo nên tôi thở phào thóat nạn:

-  Phải chi ngắn đi chút xíu thì quá đẹp luôn. 

Nhưng không, chị “đẹp” không hề nao núng, với tay chụp liền một cái áo khác:

 - Vậy thì cái này ngắn hơn nè, tuy kiểu hơi khác một chút, nhưng cũng đẹp tương đương áo kia.

 

Hai chị em tôi nhìn nhau, biết là đã lâm vào bước đường cùng, không thể không mua áo, đành ỉu xìu cầm chiếc áo ra ngoài quầy tính tiền.  Chị “đẹp” la lên:

    - Ủa, không cần thử áo hả?

    - Thôi, tôi biết nó cùng size, khỏi thử!

 Chị “đẹp” trố mắt hai mí, lại nói trỏng không chủ ngữ:

-  Tùy nhe, chớ bước ra khỏi tiệm mà quay lại đổi hay trả hàng là không được đâu.

 

Ủa, chị “đẹp” còn nghĩ là tụi tui muốn quay trở lại đây sao? Mơ đi cưng!

Hai chị em tôi, kẻ ở Texas, người bên Canada đã mấy chục năm. Chúng tôi thừa biết, đi shopping mua sắm nơi các tiệm người Mỹ hay Canada đều được đón chào nhiệt tình vui vẻ, tha hồ lựa áo quần, rồi vào phòng thử rộng thênh thang, thử hết bộ này đến bộ kia, mấy lượt thử mấy lượt ôm đống đồ vừa thử ra ngoài cho nhân viên treo lại lên rack mà người nhân viên bán hàng vẫn phục vụ không một lời phàn nàn, và khi đem hàng về nhà không vừa ý, vẫn có thể quay lại đổi, thậm chí muốn refund cũng không hề gặp khó khăn cản trở gì. Vậy mà xui xẻo, ma đưa lối quỷ đưa đường, bị “bà nhập” sao đó, mà lại kéo nhau vào cái tiệm nhỏ như lỗ mũi của chị chủ “bá đạo” này.



Bình thường, tôi cũng thuộc loại người hay “ngứa miệng”, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, biết vận dụng phương châm “khách hàng là thượng đế” để góp ý những lúc cần thiết. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt son phấn dư thừa của chị “đẹp”, nhất là đôi mắt lúc nào cũng như trợn ngược,  nhìn tụi tôi thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống, cái miệng trái tim trề ra như chuẩn bị quăng những lời khẩu chiến dữ dội, tôi bỗng trở nên “em hiền như ma-xơ” (ông xã từng nói tôi “khôn nhà dại chợ”, ở nhà giỏi lớn tiếng ăn hiếp chồng con, ra ngoài bị người ta hét một tiếng là lí nhí như khỉ mắc mưa, quả chẳng sai).

Hai chị em tôi ngoan ngoãn, líu ríu móc bóp, trả tiền cho cái “áo em chưa mặc một lần” và chẳng bao giờ mặc, vì sau đó chúng tôi không mang theo hành lý về nhà mà để lại nhờ bà chị dâu  đem cho Good Will giùm.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi có trở lại Nam California nhưng không có dịp nào vào Phước Lộc Thọ nữa. Bà chị Texas của tôi cũng thường bay qua phố Bolsa thăm Bố khi Bố còn sống nhưng cũng bận rộn gặp gỡ người thân, bè bạn, nên cũng không ghé vào cái nơi “kỷ niệm nhớ đời” ấy nữa. Chẳng biết lúc này cái tiệm ấy ra sao, có đổi chủ mới chưa, hay là chị “đẹp” vẫn còn đó và tiệm vẫn vắng như chùa Bà Đanh chỉ trông chờ chó ngáp phải ruồi khách phương xa (như hai chị em tôi) lớ ngớ bước chân vào và chị chủ lại ra tay "khủng bố" khách hàng phải mua bằng được món đồ gì đó mới có thể bước ra khỏi tiệm?

Đó là chuyện bên California. Giờ thì đến chuyện của Texas, nơi mà vợ chồng con cái chúng tôi qua chơi rất thường xuyên như “đi chợ” vì hầu hết đại gia đình, bà con của tôi đều ở tiểu bang “lone star” này.

Trong một chuyến đi chơi New Orleans, trên đường lái xe xuyên bang trở về Arlington, chúng tôi ghé vào một nhà hàng Việt để pick up mớ thức ăn đã order trước đó. Tôi đứng tại quầy cashier, xem lại các món hàng, giá cả, chuẩn bị trả tiền thì thấy trên quầy vừa bày ra bánh cuốn nóng hổi và chả lụa, nên với tay lấy mỗi thứ một cái. Do vậy chủ quán quay đi lấy thêm túi rồi phụ tôi để thêm đồ. Lúc đó, có bà cô kia từ đâu đi tới, đưa thẳng tiền cho chủ quán:

-  Tính tiền hai tô bún nhe ông chủ.


Chủ quán hơi khựng lại, nhìn tôi như phân trần. Tôi im lặng chả biết tính sao, vì bà cứ dí tiền trước mặt ông chủ, nên tôi lờ đi, nhìn qua chỗ khác cho ông chủ thoải mái giải quyết cho bà ấy. Xong việc, chủ quán chuẩn bị tính tiền mớ đồ của tôi, thì y như lần trước, một người đàn ông lấn qua tôi, bước tới, la lớn như chốn không người:

-  Cho mấy cây tăm đi chủ quán ơi …ơi..!


Ủa, Ủa, tôi nghĩ bụng, tôi đang ở đâu thế này? Ở Việt Nam hay bên Mỹ? Chủ quán lại nhìn tôi cầu cứu. Tôi đâm ra bực mình, quá chán nản với cái ông chủ… bất lực này! Chuyện gì cũng nhìn tôi, là sao? Tôi thì làm được gì? Tiệm của ông, khách của ông, ông tự phải biết mở miệng ra mà giải quyết chứ. Tôi lại tiếp tục ngó lơ, ông chủ quán mừng quá, liền chạy vào trong, lục đục một hồi, rồi mang ra hộp tăm cho “thượng đế” kia.

Cuối cùng thì tôi cũng được quan tâm sau khi chủ quán xin lỗi. Lần này thì tôi được góp ý vì ông chủ Texas khác với chị “đẹp” California, nên tôi... hổng sợ, hổng “em hiền như ma- xơ” nữa. Ông chủ này rất chiều khách, mà chiều quá đáng, sợ mất lòng khách, nên mới có hai người khách “hư” như tôi vừa kể. Tôi nói với ổng:

-  Thật lòng mà nói, tôi không ngại nhường cho họ vài phút trước sau, nhưng ít ra, họ cũng phải có lịch sự tối thiểu, là hỏi một câu, hỏi tôi hay chủ quán cũng được. Ai nỡ lắc đầu nếu chị kia cần phải đi gấp, và chú kia không xỉa răng ngay tức khắc thì răng lợi nhức nhối không chịu nổi? 

Chủ quán bối rối, cười chuộc lỗi rồi thanh minh:

-  Tôi xin lỗi cô lần nữa nhe, lâu lâu cũng có mấy người khách như vậy, tui cũng đâu dám nói thẳng với họ, sợ họ giận rồi mình mất khách, cô thông cảm. 

Tôi cười cười:

-    Ông sợ mất mấy người khách kia mà hổng sợ... mất tui sao? Hay là ông biết tui là dân từ xứ lạnh tình nồng Canada qua đây chơi nên không cần giữ? 

-          Cô thiệt là vui tính! Nhưng cô đừng nói vậy, lần sau qua nhớ ghé tiệm tui nữa nha.


Tôi tự hỏi, hai người kia, qua xứ này được bao lâu rồi mà vẫn chưa thực hành bài học xếp hàng? Tôi tin chắc rằng, nếu trong trường hợp tương tự, nhưng ở nhà hàng Mỹ toàn người da trắng, thì hai vị khách này sẽ tự động biết xếp hàng, rất nghiêm túc, để chứng minh cho dân bản xứ biết mình cũng biết điều, biết cư xử như ai.

Vậy hoá ra, với đồng hương Việt Nam thì… không “care” à, không cần phải biết hành xử đúng phép lịch sự sao?

Người Việt mình ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi đâu, Mỹ, Canada, và những nước khác, cộng đồng chúng ta cũng có điểm hay và điểm chưa hay. Chúng ta hoà nhập nơi xứ người, học hỏi và thực hành những điểm hay của họ, và cũng nên làm tương tự như thế với đồng hương mình chứ? Chả lẽ đi vào chợ Việt thì tha hồ xới tung các thùng xoài, các mớ rau để giành phần ngon nhất cho mình, nhưng vào chợ Mỹ thì… không dám?

Đã gần chẵn 50 năm xa xứ, chúng ta đã và đang xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh, có nhiều đóng góp đáng kể trên quê hương thứ hai. Dù hai câu chuyện này chỉ là những hạt sạn rất nhỏ có thể bắt gặp ở đâu đó, chúng ta cũng nên nhắc nhở nhau để bộ mặt người Việt ở Mỹ nói riêng, và ở hải ngoại nói chung ngày càng đẹp hơn, để không chỉ người bản xứ nhìn cộng đồng Việt với lòng cảm mến, mà còn cho cả chúng ta khi gặp nhau, đối xử nhau văn minh thân thiện và hãnh diện là người Việt Nam.

Tôi có cái tật “nhớ lâu nhưng không thù dai”, có sao kể vậy người ơi, chớ hổng có ý gì hết á!

Edmonton, Tháng Ba 2024

KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
19/07/202404:34:20
Khách
Muốn cộng đồng tốt đẹp hơn thì phải có hành động assertive đi đôi với lời than phiền, chứ nếu chỉ than phiền thôi mà không có hành động thì cũng không ít lợi gì. Action speaks louder than words.

Vô tiệm nếu không muốn mua thì cứ đi ra. Nếu chủ tiệm như bà "đẹp" mà la ó thì bình tỉnh nói với bả là mua hay không là quyền của khách hàng, rồi đi ra, đừng phí thời gian đôi co với hạng đó, mặc kệ bả la lối, như vậy thì bả mới có thể thức tỉnh. Chứ mua áo của tiệm bả vì sợ bả la ó là giúp cho bả càng lộng hành hơn với khách đến sau. Bởi vì bả thấy bả có thể áp đảo khách hàng được thì bả sẽ tiếp tục làm như vậy hoài, bả chỉ ngừng khi nào khách hàng không để bả áp đảo.

Còn ông chủ tiệm "chìu khách" kia thì không có backbone, quá "hèn" đến độ không dám hó hé nói nổi một lời nhỏ nhẹ khuyên 2 người khách không chịu xếp hàng.
Chủ tiệm Mỹ họ cũng sợ mất khách, nhưng họ không hèn đến độ im re khi khách chen ngang, họ sẽ nói nhỏ nhẹ như "Please wait for your turn" hay "Let me take care of this lady first. I will be with you right away" với một nụ cười lễ phép.

Còn loại người như bà mua sofa ở Cosco, xài 3 năm, xong rồi đem trả đòi $$$ lại, rồi khoe tùm lum là rất "khôn" , thì xứng đáng bị trục xuất về VN. Bà ta hành động theo kiểu đồ-bác-dạy, xứng đáng bị trục xuất về thiên đường xhcn mà sống chung với các cháu ngoan đồ-bác-dạy của bacho.

Đa số người trong cộng đồng phải biết hành xử vừa courteous vừa assertive thì cộng đồng mới tốt đẹp. Nếu đa số chỉ than phiền mà không có backbone để hành động thì cộng đồng cũng sẽ không bao giờ tiến bộ văn minh lịch sự khéo léo được, cho dù ở Mỹ đến 100 năm thì vẫn vô ý thức.
28/03/202421:32:44
Khách
Tuy vậy so với những tội ác mà Do Thái nay bị thế giới lên án thì dân VN vẫn tốt hơn nhiều. Sau khi quân Khmer Ðỏ tràn qua biên giới cáp duồn dân VN, năm 1979 VN tung quân chếm đóng Kampuchia nhưng không dội bom hay pháo kích tan tành các thành phố và không bao vây cấm tiếp tế bỏ đói dân Kampuchia.
Dầu sao đi nữa nguời VN cũng không đến nỗi thù hận như dân Do Thái. Tin từ UPI cho biết quân Do Thái vào bệnh viện giết chết các thương binh Hamas. Quân CS dù thù hận lính VNCH gắn tội "có nợ máu với nhân dân" nhưng năm 1975, CS không vào các bệnh viện để tìm giết các thuơng binh VNCH. Những thuơng binh bị tàn phế cũng đuợc CS cho sống ở nhà không bị đi cải tạo.
Sau chiến tranh VN khoảng 15 năm là các cựu viên chức sĩ quan VNCH từ "có nợ máu" đuợc CS đổi thành "khúc ruột ngàn dặm" ai cũng có thể về VN du lịch và thăm thân nhân. Sau thế chiến II năm 1945, đặc vụ Do Thái đi qua các nuớc truy lùng bắt cóc những nguời quốc xã đưa ra toà án quốc tế . Cho đến hôm nay 80 năm sau thế chiến II mà Do Thái vẫn còn đòi trục xuất cựu nhân viên quốc xã đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. Cách đây 10 năm Mỹ phải trục xuất một ông già quốc xã gần 100 tuổi sống lén lút ở Mỹ. VNCH thật là may mắn không có kẻ thù là Do Thái. Do Thái và Ðức Quốc Xã là hai dân tộc thông minh nhất thế giới nhung họ co' tâm địa tàn ác.
25/03/202414:35:01
Khách
Xin thêm. Tại các buổi trình diễn văn nghệ Tết VN miễn phí, quan khách đuợc ngồi ghế theo thứ tự ai đến truớc ngồi truớc đến sau ngồi phía sau và đứng sau các hàng ghế. Nhưng đến nửa chương trình thì một số nguời tràn vào đứng giữa hành lang (để múa lân) phiá truớc che kín làm hàng trăm khán giả ngồi hàng sau không xem đuợc. Các ông các bà ngày Tết đuợc dịp khoe khoang áo quần sang trọng nhưng tư cách lại thấp kém, đứng che khuất không cho nguời ngồi phiá sau xem văn nghệ mà không biết mình sai. Ðây là cái xử sự kém văn minh của nguời VN. Tuy nhiên cũng có nhiều khán giả tử tế văn minh biết nhuờng chổ cho các cụ già.
21/03/202416:16:16
Khách
Cách đây không lâu, CBS và Việt Báo có loan tin bà VN trả đuợc cái Sofa mua ở Costco xài tơi tả gần 3 năm đã không biết xấu hổ lại khoe khoang đăng lên mạng xã hội bi dân chúng chửi phải xoá bài.
Muốn tránh nạn bà chằng bắt mua mở hàng thì chỉ nên ghé xem hàng mà khômg mua ở các tiệm VN sau 5 giờ chiều, lúc đó chủ không thể nói là mở hàng đuợc.
Nói chung thì thế giới và nuớc Mỹ bây giờ đạo đức suy đồi so với thời chiến tranh VN.
21/03/202412:08:15
Khách
Mong KLoan viết thêm nhiều nhiều về những tiêu cực này, dần dần biết đâu sẽ sửa , sẽ bớt đi. Giống như chuyện trả lại hàng ở Costco, một bà á đông nọ đem một cái microwave cũ kỹ đã dùng, không có hộp đem đến đòi trả lại!!! Hoặc còn nhiều thứ khác lắm, như nói quá to nơi công cộng, lựa bới thức ăn siêu thị....
20/03/202416:08:55
Khách
Em ủng hộ chị dám nói công khai tật xấu của một số người như vậy. Xấu xí quá. Muốn ủng hộ người Việt mà "giang hồ" vậy ai dám...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,250
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết sau đây kể về một tai nạn xe hơi chính tác giả đã trải qua.
Hàng năm, sau Tết Tây, trong khí trời se se lạnh của đất Sài Gòn, đâu đó bắt đầu nghe tiếng nhạc Xuân rộn ràng, hay những bài nhạc du dương thay lời muốn nói của bao người con xa quê mong sum vầy ngày Tết. Mặc dù mỗi vùng miền có thể có những truyền thống và đặc trưng riêng nhưng ngày Tết là ngày lễ của tất cả Người Việt kể cả những người Việt xa xứ như Mị.
Đến với đất nước này không chỉ có niềm vui, mà còn có dòng nước mắt. Nhân vật trong câu chuyện tôi đã đổi tên. Nhưng giá mà, tôi có thể thay đổi được cả cuộc đời cho em. Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi, mợ Hai phủi tay đứng dậy.
Mỗi sáng chủ nhật quán cà phê Chợt Nhớ đông nghẹt khách, phần lớn là khách quen thuộc, tuy nhiên tuần này có thêm khách xuyên bang về. Chợt Nhớ là quán có tên tuổi nhất ở vùng này, dân chơi, dân giang hồ, dân cờ bạc, mấy mậu cho vay nặng lãi và tụi khoe mẽ… đều tụ tập về đây. Quán lúc nào cũng ồn ào, rộn ràng. Tivi cả chục cái chuyên về football, chỉ có mỗi cái sau lưng quầy tính tiền là luôn chơi nhạc Bolero nỉ non sướt mướt. Khách uống cà phê hầu như chẳng có ai nghe nhạc hay xem tin tức mà chỉ dán mắt vào tivi coi tỉ số đá banh, tỉ số bóng cà na và cá độ. Tụi thằng Tí Còi, thằng Sơn Lắc, thằng Hùng Nổ, con Lisa, con Yến… là đóng đô thường trực.
Nhớ lần đầu, tôi qua Mỹ ăn Tết cách đây gần 30 năm, ba tôi và ông anh dẫn hai đứa con từ California về Texas, gia đình ông anh khác từ Oklahoma cũng chạy xe về Texas, rồi với gia đình bà chị ở Texas, tất cả cùng kéo nhau ra phi trường Dallas FortWorth cho tôi một niềm vui bất ngờ. Cha con anh chị em gặp nhau ríu rít mới thấy cái thiêng liêng của sum họp, của ngày Tết Nguyên Đán nơi xứ người quý giá thế nào. Lúc ấy thành phố Arlington còn ít người Việt, không đông đúc như bây giờ và dĩ nhiên Tết cũng trầm lắng hơn, chợ búa Việt Nam ít ỏi, chưa có ngôi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo rộng rãi bề thế như ngày nay, mà chỉ là căn nhà thờ bé nhỏ share với cộng đồng của Mỹ.
"Trước 75, ông ngoại là y tá ở Chẩn Y Viện Trung Ương. Ai trong xóm đau bệnh hay gặp điều chi nguy hiểm đều chạy đến kêu ông. Trong những giai đoạn khó khăn sau này, mình thấy ông cũng làm thợ hồ, mình thấy ông đi bốc giùm mộ, và có khi ông cũng giúp xóm làng thông các đường ống cống... Ông không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào, dù khó khăn bao nhiêu. Khi đi nhà thờ, nhìn thấy những cuốn sách đáp ca bị đứt chỉ và sút gáy, ông lặng lẽ mang về nhà khâu và mang lên lại nhà thờ những cuốn sách lành lặn; hôm khác lại mang thêm vài cuốn về khâu tiếp. Sau này lớn tuổi, ông vẫn không bao giờ để phí thời gian. Ngoài những giờ đọc sách, làm vườn, ông thắt hàng trăm chiếc võng làm quà cho bạn bè, người thân. Ông thắt cả dây thừng để kéo chuông nhà nhờ..."
Tôi đứng trên tầng lầu cao thứ 11 của tòa nhà cao 12 tầng nhìn xuống, những người nhỏ bé với những chiếc áo choàng dầy dài phủ kín đầu, vào giờ trưa đi vội vã vào những hàng quán cạnh công sở để ăn uống. Họ đi thật nhanh chứ không vừa đi vừa nói chuyện như mùa hè ấm áp, chẳng ai nói với ai lời nào mà như đã định trước nhà hàng nào rồi, chỉ đi thẳng vào quán thôi. Chiếc xe ủi tuyết to lớn xuất hiện ở cuối đường đang cào những ụ tuyết lớn mới rơi của tối qua, thổi vào một chiếc xe khác đi song song với nó để chở những khối tuyết ấy đi đổ ở một trạm đã được thành phố quy định để lấy chỗ cho xe cộ, người đi đường không bị nguy hiểm khi phải tránh những ụ tuyết này mà len ra lòng đường xe chạy. Tiếng còi hụ của xe hốt tuyết bỗng dưng vang lên thật to để cho những người chủ xe đã đậu xe ở bên cần được hốt tuyết ra rời xe đi chỗ khác, không sẽ bị phạt tiền.
Tội nghiệp con nhỏ quá, vừa mới từ bên kia, nửa vòng trái đất, qua đây sống với gia đình người chị chưa đầy sáu tháng, đã phải dời đi, sống với người lạ, chưa biết chưa hiểu gì đời sống ở đây, không hiểu tiếng Mỹ, thiệt bơ vơ. Chắc là con nhỏ cứ nói tiếng Việt, tưởng ai cũng là người Việt như em. Em có khuôn mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn màng, đôi mắt trong ngây thơ, với trí khôn không phát triển như người bình thường. Mơ là cô giáo của em.
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Ông tiếp tục viết bài và tham gia sinh hoạt giải thưởng VVNM hàng năm. Sau vài năm nghỉ bút, tác giả gần đây trở lại với những bài bút ký đầy ý nghĩa. Đây là tùy bút mới nhất của tác giả.
Hôm qua cô em Hoàng Thư đem cho cô Ba một bịch bưởi. Đây là loại bưởi có vỏ màu vàng tươi, trái lớn nhỏ cỡ như bàn tay xòe, múi bưởi ngon như bưởi Biên Hòa mình, vị chua ngọt đậm đà, hơi the the. Sáng nay cô ngồi lột bưởi. Hồi đó chồng của cô Ba thích bưởi này lắm. Thích ăn nhưng “y” không thích lột, mà cô cũng hổng cho y lột vì y sẽ làm chèm nhẹp mất ngon, uổng công người trồng cây tưới nước đem tới nhà cho. Cô thường bắt cái ghế nhỏ, lót ngồi chồm hổm kế bên cái “ghế lười” (lazy chair) của y, vừa lột vừa chỉ. Lột bưởi phải cầm dao nhỏ, khứa vỏ bưởi ra làm 4 phần, rồi mới lấy tay mà tách vỏ ra. Xong rồi lấy mũi dao mà tách từng múi, lột sạch mà phải nhẹ tay hông thôi múi bưởi bể thì thấy mất đẹp. Lột hai, ba trái thì đầy một tô, lựa hết múi nguyên đưa cho y, y nói “cám ơn cưng” rồi bỏ từng múi vô miệng, vừa ăn vừa khen “ngon quá”. Nói gì nói, chỉ gì chỉ, mỗi lần có bưởi ngon thì cũng cô lột y ăn y ăn cô lột. Cô ăn mấy miếng bị bể bể, cũng nói ờ ờ, bưởi này ngon thiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến