Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4370-14-29770vb8102614
Gia đình và bạn hữu đang sửa soạn thất tuần tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. “Anh Hoàng, Chị Vi” là tựa đề do toà báo đặt theo nội dung thân tình của bài viết. Tác giả là một nhà giáo, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà: "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc.
Đi với tôi
Đến với chân trời xa
Hoa bướm bay
Một trời đầy thơ
Năm hai ngàn, tạp chí Văn quảng cáo cho công ty du lịch "Saigon Tours, Voyages Saigon 2000" ở Mỹ, Canada và Việt nam đã ghi lại bốn câu thơ mang nhạc điệu như một đoản khúc mời gọi lên đường. Không biết anh Hoàng hay chị Vy đã viết những lời thơ mang âm hưởng nhạc cho trang quảng cáo này.
Tôi biết anh Hoàng và chị Vy vì anh chị là bạn thân của bà chị tôi từ hồi ở Việt Nam. Năm chị em chúng tôi ở ba nơi khác nhau nhưng cùng làm nghề du lịch. Tờ báo Văn mỗi số đều có một trang quảng cáo đều đặn ba tiệm bán vé máy bay. Khi tạp chí Văn đóng cửa, vài năm sau, chị em chúng tôi cũng lần lượt giã từ nghề này. Với anh Hoàng và chị Vy, chị em chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.
Hồi đó, khi anh chị dọn lên San Jose, mỗi tháng tôi ký check 100$ tiền quảng cáo gửi lên cho chị Vy.Tôi hỏi chị tòa soạn báo Văn ở đâu. Chị nói tạp chí Văn không có tòa soạn. À, có chứ. Chị Vy kể tòa soạn đó là cái garage nhà chị trong đó nó vừa giống như cái thùng rác lớn vừa giống như cái nhà kho chứa sách. Một mình chị lo bài vở, quảng cáo, tiền bạc, thị trường. Hàng tháng, chị gửi tạp chí Văn bằng bưu điện đến từng độc giả. Tóm lại, chị Vy bao thầu hết công việc của chủ nhiệm, chủ bút, thơ ký tòa soạn, thủ quỹ, kế toán, tài xế, công nhân...
Anh Hoàng lúc đó đã có job mới, báo Viet Mercury News. Một mình chị gắn bó, chăm sóc, nuôi dưỡng tạp chí Văn, đứa con tinh thần của ông Mai Thảo gửi gấm lại. Chị nói tờ báo cần quảng cáo và độc giả để nuôi sống nó. Mỗi lần nhận được số báo Văn, tôi thấy tất cả sự chăm chút, chu đáo của anh chị từ bài vở, trang trí, in ấn, hình ảnh ngoài bìa làm thế nào như chị nói, dù Văn có "move" đi đâu cũng giữ được cái trang nhã của hình thức và phong phú về nội dung. Có biết đâu bà mẹ đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo cho đứa con tinh thần này được sống còn trên thị trường chữ nghĩa rẻ rúng và bèo bọt này. Chị phải thay máu thường xuyên. Có lần chị cười cười nói với tôi sao dạo này chị thích ăn thức ăn cay và tính tình nóng nảy quá. Chắc họ vô máu của người... Mễ nào đó trong cơ thể chị.
Bệnh của chị kéo dài từ hồi ở Việt nam sang đến Mỹ vẫn tiếp tục chữa trị vậy mà chị vẫn kiên trì và lạc quan. Chị khoe bệnh viện nào đó ở San Francisco vừa có một loại thuốc mới cần người tự nguyện thử nghiệm. Chị xung phong thí nghiệm loại thuốc mới này. Chị nói trước sau gì cũng...chết. Biết đâu "phước chủ may thầy". Chắc nhờ phước đó mà chị may mắn vẫn sống nhăn, sống lây lất đến bây giờ, chăm sóc anh Hoàng trong khi ai cũng nghĩ chị là người... đi trước.
Nhắc đến mối tình của chị Vy với anh Hoàng, chị Vy là cô tiểu thơ mới lớn, học trường đầm Couvent Des Oiseaux. Anh Hoàng là người từng trải trường đời và đào hoa trên tình trường. Mối tình "tôi là ông thầy giáo, em là cô nữ sinh" nảy nở khi cô nữ sinh trường Pháp phải thi môn Triết bằng tiếng Việt. Ông thầy hơn cô học trò cả con giáp. Tình yêu của họ lớn quá. Họ đã vượt qua tất cả biên giới về tuổi tác, chướng ngại về gia đình để có nhau. Đọc bài "Thơ tình cuối đời", chị viết rất cảm động về mối tình giữa chị và anh Hoàng mới thấy đích thực đó là tình yêu. Khi yêu, người ta có thể hy sinh tất cả.
Câu chuyện chị Vy đi Mỹ theo diện đoàn tụ do em gái anh Hoàng ở Virginia bảo lãnh ly kỳ và hồi hộp như trong tiểu thuyết. Giấy tờ bảo lãnh của chị về phía Mỹ đã được chấp thuận nhưng passport của chị ở Cục xuất cảnh bị giữ lại. Chị chạy vạy khắp nơi để lấy lại được passport. Cả nhà chị đi theo ba hướng khác nhau. Mấy đứa nhỏ ăn mặc như đi học bình thường. Anh Hoàng đi từ một nơi khác. Chị đến nhà người bạn, hành lý đã sắp xếp sẵn. Tại nhà người bạn, chị thay vội quần áo rồi vọt lên phi trường. Xuất cảnh đòan tụ hợp pháp mà như chạy trốn. Chị bỏ lại tất cả để ra đi theo anh Hoàng.
Tôi nhớ hồi anh còn làm tổng thơ ký báo Người Việt, chị làm ở ngân hàng Bank of America, anh chị thỉnh thoảng ghé tiệm chơi. Tôi có dịp "ghẹo" anh Hoàng để nhìn thấy cái hiền hòa, thật thà, dễ mến trên nét mặt anh. Câu chuyện về "nhà nghèo", "nhà giàu", về cái "nghiệp" làm báo của anh làm tôi nhớ mãi:
- Anh Hoàng, em nghe người ta nói anh có tới...bốn cái nhà?
Anh mở mắt, ngạc nhiên:
- Ai nói? Ai nói mà...bất nhơn vậy em? Ai mà...thương anh dữ vậy? Một cái nhà mà còn mắc nợ nhà băng. Lấy đâu ra mà bốn cái.
Tôi cười hì hì:
- Em nói. Anh có bốn cái nhà là...nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà giáo đó.
Anh cười ha hả:
- À, còn thêm cái nhà nữa, nhà... nghèo.
Anh cười cười. Không biết anh hỏi thật hay "ghẹo" cái nghề business của chị em tôi:
- Em nhắm anh làm... business được không? Làm business như tụi em mau... giàu. Bốn cái nhà kia....nghèo thấy mồ!
Tôi nhìn vào mắt anh vừa cười vừa lắc đầu:
- Không. Không được. Cái tướng anh là tướng ngang tàng, xông xáo, anh vô làm nghề báo được. Trên bục giảng, anh nghiêm nghiêm, hiền hiền làm nghề giáo cũng... được. Đôi khi anh bụi bụi, cầm điếu thuốc trông có vẻ nghệ sĩ, anh làm nhà thơ, nhà văn càng... được. Tóm lại, "Người đi trên mây" làm business không thích hợp. "Kẻ tà đạo" càng không nên.
Anh cười tủm tỉm, tỏ vẻ khoái trá khi nghe nhắc đến hai "Kẻ..." và "Người..." trong tác phẩm của anh:
- Vậy thì theo em, anh thích hợp với...nhà nào?
- Nhà...nghèo. Làm báo và viết văn. Anh biết là "nghèo thấy mồ" vậy mà anh và cả chị đều mê làm báo. Chị Vy bị lây cái máu làm báo của anh.
Anh gật đầu xác nhận:
- Anh chị mê làm báo như mê chữ nghĩa. Cái "nghiệp" đấy thôi. Đeo mình suốt đời. Em không nhớ hả "Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ". Biết bao giờ mới "dứt đường tơ" đây?
"Cái nghiệp đấy thôi". Anh kéo dài chữ "nghiệp" và chữ "thôi" như một sự chấp nhận và hài lòng. Vì thế tôi không ngạc nhiên thấy anh dọn nhà lên San Jose tiếp tục làm tổng thơ ký cho tờ Viet Mercury News. Anh thích hợp với nghề báo. Anh mê làm báo. Anh mắc cái "nghiệp" làm báo. Cả đời anh vướng mắc với chữ nghĩa.
Khi anh chị dọn nhà lên San Jose, anh tâm sự cái job này khá. Anh còn đi dạy thêm một số giờ ở đại học. Bệnh của chị hợp với loại thuốc mới, trông chị khỏe ra. Cả nhà ai cũng mừng cho anh phát tài, phát lộc, chị có thêm sức khỏe.
Tờ Viet Mercury News đóng cửa, chị nhào ra làm tờ "Việt Tribune". Chị lại mê làm báo theo anh rồi. Đó không phải "nghiệp" chứ là gì. Chưa đâu, nghe nói chị còn tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở San Jose, đi làm từ thiện nữa chứ. Sức ở đâu vậy chị Vy?
Đã khá lâu, tin từ chị Vy anh Hoàng bị tai nạn gẫy mấy cái be sườn phải mổ. Chưa hết, gần đây, bệnh "sarcoma", một loại ung thư xương, giai đoạn bốn, vật anh làm ai cũng bất ngờ và lo ngại cho sức khỏe của anh. Trước đây người bệnh đáng lo là chị Vy. Bây giờ là anh Hoàng. Bệnh "plastic armenia", một loại ung thư máu của chị dai dẳng, kéo dài mấy chục năm bắt đầu có nhiều biến chứng cùng lúc với anh Hoàng trở bệnh. Biết tin thêm chị Vy phải mổ một lỗ ở cổ để hút nước độc ra. Thêm một lỗ ở bụng để gắn cái máy lọc thận vào. Chị tự lọc thận lấy ở nhà với các trang bị y tế của bệnh viện. Tôi tự hỏi ai nuôi ai? Ai chăm sóc cho ai bây giờ hả chị Vy?
Hôm tôi đến thăm không gặp chị vì chị phải ở trong phòng tự lọc thận lấy một mình trong nhiều tiếng đồng hồ. Tôi ngồi trong phòng khách một mình nghĩ đến chị trong khi ông xã ngồi chuyện trò với anh Hoàng. Chị Vy là người phụ nữ như thế nào? Tháo vát, giỏi giang, đầy cá tính và nghị lực.
Chị Vy ơi, cụ Nguyễn Du dạy rằng;
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Nhiều lúc tôi ngẫm nghĩ trong con người chi Vy có một sức mạnh kỳ lạ. Bệnh tật và tai nạn không ngừng đeo đuổi. "Bắt phong trần, phải phong trần". Chị làm việc như thể hôm nay là ngày cuối cùng của chị trong cuộc đời này. Không mệt mỏi. Không ngơi nghỉ. Gục xuống rồi lại gượng dậy đứng lên. Lại đi tiếp. Để tiếp tục thử thách, tiếp tục "ngạo với nhân gian một nụ cười" Chị làm việc nhà như một bà mẹ và một người vợ. Chị bao thêm vài cái...nhà khác như nhà báo, nhà hoạt động cộng đồng, nhà thương và thỉnh thoảng chị viết. Chị học làm y tá, tự chăm sóc cho chị tại nhà để gần anh Hoàng mỗi khi nguy cấp cần phải đưa anh vào bệnh viện. Chị quên luôn mình đang cần được chăm sóc. Anh Hoàng tóc bạc phơ, đi đứng chậm chạp có cái gậy trên tay. Tôi bùi ngùi khi thấy anh càng ngày càng yếu dần và tin cuối cùng anh phải vào "hospice" nơi an dưỡng cho những người đang đi dần vào thế giới khác.
Cuộc đời anh chị "thăng thì ít mà "trầm"thì nhiều. "Phong trần" thì đã nhiều phen "gió táp mưa sa" đến... rát mặt nhưng sự "thanh cao" của người cầm bút, anh Hoàng có được tư cách ấy. Đó cũng là di sản quý báu anh để lại trong sự nghiệp văn chương và nghề làm báo của anh.
Tin anh Hoàng mất làm tôi bàng hoàng mặc dù tôi nghĩ đến cái ngày đó phải đến. Không lên được San Jose để thay mặt bà chị và mấy đứa em thắp nén hương cho anh, lòng tôi vô cùng áy náy. Bây giờ tôi mới biết anh có Pháp danh là Nguyên Tâm. Chị Vy đã gửi tro cốt anh tại chùa Liễu Quán. Là một triết gia chắc anh đã từng nghiên cứu về triết học Đông phương và tìm hiểu về đạo Phật. Trong cõi luân hồi sinh tử, thần thức anh bây giờ đang lang thang ở cõi nào? Thân trung ấm của anh trong bốn mươi chín ngày này sẽ gá vào đâu để tìm một đời sống mới?
Đám tang anh có đông đủ những người thân và bạn bè quý mến anh. Cả một đời, anh sống hiền hòa, tử tế, lương thiện. "Thiên đạo" hay cõi trời, xa xôi quá. Mong nơi anh tái sinh sẽ vẫn là cõi người. Ở cõi người có buồn vui, thuận nghịch, thăng trầm, có hạnh phúc và đau khổ, có sự nhẫn nại và cam chịu vì những "nghiệp".
Lúc đó nếu ai có hỏi anh, anh thích hợp với...nhà nào, anh sẽ trả lời như câu trả lời từ kiếp trước "Nhà báo nghèo thấy mồ!" "Cái nghiệp đấy thôi". Anh sẽ tiếp tục làm báo.
Bài viết để tưởng nhớ anh Nguyễn Xuân Hoàng trong những tuần thất này xin hướng về cầu nguyện cho anh có được một chiếc áo mới như trong nhà Phật có nói, chết là sự thay một cái áo cũ để mặc một chiếc áo mới tốt đẹp hơn cũng như một vị Thiền sư đã nói cuộc sống chỉ là một sự tiếp nối (continuation) dưới một hình thức khác.
Anh Hoàng đang tiếp nối một cuộc sống mới chị Vy ạ. Anh không chết. Anh vẫn ở quanh chị, các cháu và những người thương mến Nguyễn Xuân Hoàng.
Cali ngày 17 tháng 10 năm 20014
Phùng Annie Kim
Bài số 4370-14-29770vb8102614
Gia đình và bạn hữu đang sửa soạn thất tuần tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. “Anh Hoàng, Chị Vi” là tựa đề do toà báo đặt theo nội dung thân tình của bài viết. Tác giả là một nhà giáo, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà: "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc.
* * *
Đi với tôi
Đến với chân trời xa
Hoa bướm bay
Một trời đầy thơ
Năm hai ngàn, tạp chí Văn quảng cáo cho công ty du lịch "Saigon Tours, Voyages Saigon 2000" ở Mỹ, Canada và Việt nam đã ghi lại bốn câu thơ mang nhạc điệu như một đoản khúc mời gọi lên đường. Không biết anh Hoàng hay chị Vy đã viết những lời thơ mang âm hưởng nhạc cho trang quảng cáo này.
Tôi biết anh Hoàng và chị Vy vì anh chị là bạn thân của bà chị tôi từ hồi ở Việt Nam. Năm chị em chúng tôi ở ba nơi khác nhau nhưng cùng làm nghề du lịch. Tờ báo Văn mỗi số đều có một trang quảng cáo đều đặn ba tiệm bán vé máy bay. Khi tạp chí Văn đóng cửa, vài năm sau, chị em chúng tôi cũng lần lượt giã từ nghề này. Với anh Hoàng và chị Vy, chị em chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.
Hồi đó, khi anh chị dọn lên San Jose, mỗi tháng tôi ký check 100$ tiền quảng cáo gửi lên cho chị Vy.Tôi hỏi chị tòa soạn báo Văn ở đâu. Chị nói tạp chí Văn không có tòa soạn. À, có chứ. Chị Vy kể tòa soạn đó là cái garage nhà chị trong đó nó vừa giống như cái thùng rác lớn vừa giống như cái nhà kho chứa sách. Một mình chị lo bài vở, quảng cáo, tiền bạc, thị trường. Hàng tháng, chị gửi tạp chí Văn bằng bưu điện đến từng độc giả. Tóm lại, chị Vy bao thầu hết công việc của chủ nhiệm, chủ bút, thơ ký tòa soạn, thủ quỹ, kế toán, tài xế, công nhân...
Anh Hoàng lúc đó đã có job mới, báo Viet Mercury News. Một mình chị gắn bó, chăm sóc, nuôi dưỡng tạp chí Văn, đứa con tinh thần của ông Mai Thảo gửi gấm lại. Chị nói tờ báo cần quảng cáo và độc giả để nuôi sống nó. Mỗi lần nhận được số báo Văn, tôi thấy tất cả sự chăm chút, chu đáo của anh chị từ bài vở, trang trí, in ấn, hình ảnh ngoài bìa làm thế nào như chị nói, dù Văn có "move" đi đâu cũng giữ được cái trang nhã của hình thức và phong phú về nội dung. Có biết đâu bà mẹ đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo cho đứa con tinh thần này được sống còn trên thị trường chữ nghĩa rẻ rúng và bèo bọt này. Chị phải thay máu thường xuyên. Có lần chị cười cười nói với tôi sao dạo này chị thích ăn thức ăn cay và tính tình nóng nảy quá. Chắc họ vô máu của người... Mễ nào đó trong cơ thể chị.
Bệnh của chị kéo dài từ hồi ở Việt nam sang đến Mỹ vẫn tiếp tục chữa trị vậy mà chị vẫn kiên trì và lạc quan. Chị khoe bệnh viện nào đó ở San Francisco vừa có một loại thuốc mới cần người tự nguyện thử nghiệm. Chị xung phong thí nghiệm loại thuốc mới này. Chị nói trước sau gì cũng...chết. Biết đâu "phước chủ may thầy". Chắc nhờ phước đó mà chị may mắn vẫn sống nhăn, sống lây lất đến bây giờ, chăm sóc anh Hoàng trong khi ai cũng nghĩ chị là người... đi trước.
Nhắc đến mối tình của chị Vy với anh Hoàng, chị Vy là cô tiểu thơ mới lớn, học trường đầm Couvent Des Oiseaux. Anh Hoàng là người từng trải trường đời và đào hoa trên tình trường. Mối tình "tôi là ông thầy giáo, em là cô nữ sinh" nảy nở khi cô nữ sinh trường Pháp phải thi môn Triết bằng tiếng Việt. Ông thầy hơn cô học trò cả con giáp. Tình yêu của họ lớn quá. Họ đã vượt qua tất cả biên giới về tuổi tác, chướng ngại về gia đình để có nhau. Đọc bài "Thơ tình cuối đời", chị viết rất cảm động về mối tình giữa chị và anh Hoàng mới thấy đích thực đó là tình yêu. Khi yêu, người ta có thể hy sinh tất cả.
Câu chuyện chị Vy đi Mỹ theo diện đoàn tụ do em gái anh Hoàng ở Virginia bảo lãnh ly kỳ và hồi hộp như trong tiểu thuyết. Giấy tờ bảo lãnh của chị về phía Mỹ đã được chấp thuận nhưng passport của chị ở Cục xuất cảnh bị giữ lại. Chị chạy vạy khắp nơi để lấy lại được passport. Cả nhà chị đi theo ba hướng khác nhau. Mấy đứa nhỏ ăn mặc như đi học bình thường. Anh Hoàng đi từ một nơi khác. Chị đến nhà người bạn, hành lý đã sắp xếp sẵn. Tại nhà người bạn, chị thay vội quần áo rồi vọt lên phi trường. Xuất cảnh đòan tụ hợp pháp mà như chạy trốn. Chị bỏ lại tất cả để ra đi theo anh Hoàng.
Tôi nhớ hồi anh còn làm tổng thơ ký báo Người Việt, chị làm ở ngân hàng Bank of America, anh chị thỉnh thoảng ghé tiệm chơi. Tôi có dịp "ghẹo" anh Hoàng để nhìn thấy cái hiền hòa, thật thà, dễ mến trên nét mặt anh. Câu chuyện về "nhà nghèo", "nhà giàu", về cái "nghiệp" làm báo của anh làm tôi nhớ mãi:
- Anh Hoàng, em nghe người ta nói anh có tới...bốn cái nhà?
Anh mở mắt, ngạc nhiên:
- Ai nói? Ai nói mà...bất nhơn vậy em? Ai mà...thương anh dữ vậy? Một cái nhà mà còn mắc nợ nhà băng. Lấy đâu ra mà bốn cái.
Tôi cười hì hì:
- Em nói. Anh có bốn cái nhà là...nhà thơ, nhà văn, nhà báo và nhà giáo đó.
Anh cười ha hả:
- À, còn thêm cái nhà nữa, nhà... nghèo.
Anh cười cười. Không biết anh hỏi thật hay "ghẹo" cái nghề business của chị em tôi:
- Em nhắm anh làm... business được không? Làm business như tụi em mau... giàu. Bốn cái nhà kia....nghèo thấy mồ!
Tôi nhìn vào mắt anh vừa cười vừa lắc đầu:
- Không. Không được. Cái tướng anh là tướng ngang tàng, xông xáo, anh vô làm nghề báo được. Trên bục giảng, anh nghiêm nghiêm, hiền hiền làm nghề giáo cũng... được. Đôi khi anh bụi bụi, cầm điếu thuốc trông có vẻ nghệ sĩ, anh làm nhà thơ, nhà văn càng... được. Tóm lại, "Người đi trên mây" làm business không thích hợp. "Kẻ tà đạo" càng không nên.
Anh cười tủm tỉm, tỏ vẻ khoái trá khi nghe nhắc đến hai "Kẻ..." và "Người..." trong tác phẩm của anh:
- Vậy thì theo em, anh thích hợp với...nhà nào?
- Nhà...nghèo. Làm báo và viết văn. Anh biết là "nghèo thấy mồ" vậy mà anh và cả chị đều mê làm báo. Chị Vy bị lây cái máu làm báo của anh.
Anh gật đầu xác nhận:
- Anh chị mê làm báo như mê chữ nghĩa. Cái "nghiệp" đấy thôi. Đeo mình suốt đời. Em không nhớ hả "Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ". Biết bao giờ mới "dứt đường tơ" đây?
"Cái nghiệp đấy thôi". Anh kéo dài chữ "nghiệp" và chữ "thôi" như một sự chấp nhận và hài lòng. Vì thế tôi không ngạc nhiên thấy anh dọn nhà lên San Jose tiếp tục làm tổng thơ ký cho tờ Viet Mercury News. Anh thích hợp với nghề báo. Anh mê làm báo. Anh mắc cái "nghiệp" làm báo. Cả đời anh vướng mắc với chữ nghĩa.
Khi anh chị dọn nhà lên San Jose, anh tâm sự cái job này khá. Anh còn đi dạy thêm một số giờ ở đại học. Bệnh của chị hợp với loại thuốc mới, trông chị khỏe ra. Cả nhà ai cũng mừng cho anh phát tài, phát lộc, chị có thêm sức khỏe.
Tờ Viet Mercury News đóng cửa, chị nhào ra làm tờ "Việt Tribune". Chị lại mê làm báo theo anh rồi. Đó không phải "nghiệp" chứ là gì. Chưa đâu, nghe nói chị còn tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở San Jose, đi làm từ thiện nữa chứ. Sức ở đâu vậy chị Vy?
Đã khá lâu, tin từ chị Vy anh Hoàng bị tai nạn gẫy mấy cái be sườn phải mổ. Chưa hết, gần đây, bệnh "sarcoma", một loại ung thư xương, giai đoạn bốn, vật anh làm ai cũng bất ngờ và lo ngại cho sức khỏe của anh. Trước đây người bệnh đáng lo là chị Vy. Bây giờ là anh Hoàng. Bệnh "plastic armenia", một loại ung thư máu của chị dai dẳng, kéo dài mấy chục năm bắt đầu có nhiều biến chứng cùng lúc với anh Hoàng trở bệnh. Biết tin thêm chị Vy phải mổ một lỗ ở cổ để hút nước độc ra. Thêm một lỗ ở bụng để gắn cái máy lọc thận vào. Chị tự lọc thận lấy ở nhà với các trang bị y tế của bệnh viện. Tôi tự hỏi ai nuôi ai? Ai chăm sóc cho ai bây giờ hả chị Vy?
Hôm tôi đến thăm không gặp chị vì chị phải ở trong phòng tự lọc thận lấy một mình trong nhiều tiếng đồng hồ. Tôi ngồi trong phòng khách một mình nghĩ đến chị trong khi ông xã ngồi chuyện trò với anh Hoàng. Chị Vy là người phụ nữ như thế nào? Tháo vát, giỏi giang, đầy cá tính và nghị lực.
Chị Vy ơi, cụ Nguyễn Du dạy rằng;
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Nhiều lúc tôi ngẫm nghĩ trong con người chi Vy có một sức mạnh kỳ lạ. Bệnh tật và tai nạn không ngừng đeo đuổi. "Bắt phong trần, phải phong trần". Chị làm việc như thể hôm nay là ngày cuối cùng của chị trong cuộc đời này. Không mệt mỏi. Không ngơi nghỉ. Gục xuống rồi lại gượng dậy đứng lên. Lại đi tiếp. Để tiếp tục thử thách, tiếp tục "ngạo với nhân gian một nụ cười" Chị làm việc nhà như một bà mẹ và một người vợ. Chị bao thêm vài cái...nhà khác như nhà báo, nhà hoạt động cộng đồng, nhà thương và thỉnh thoảng chị viết. Chị học làm y tá, tự chăm sóc cho chị tại nhà để gần anh Hoàng mỗi khi nguy cấp cần phải đưa anh vào bệnh viện. Chị quên luôn mình đang cần được chăm sóc. Anh Hoàng tóc bạc phơ, đi đứng chậm chạp có cái gậy trên tay. Tôi bùi ngùi khi thấy anh càng ngày càng yếu dần và tin cuối cùng anh phải vào "hospice" nơi an dưỡng cho những người đang đi dần vào thế giới khác.
Cuộc đời anh chị "thăng thì ít mà "trầm"thì nhiều. "Phong trần" thì đã nhiều phen "gió táp mưa sa" đến... rát mặt nhưng sự "thanh cao" của người cầm bút, anh Hoàng có được tư cách ấy. Đó cũng là di sản quý báu anh để lại trong sự nghiệp văn chương và nghề làm báo của anh.
Tin anh Hoàng mất làm tôi bàng hoàng mặc dù tôi nghĩ đến cái ngày đó phải đến. Không lên được San Jose để thay mặt bà chị và mấy đứa em thắp nén hương cho anh, lòng tôi vô cùng áy náy. Bây giờ tôi mới biết anh có Pháp danh là Nguyên Tâm. Chị Vy đã gửi tro cốt anh tại chùa Liễu Quán. Là một triết gia chắc anh đã từng nghiên cứu về triết học Đông phương và tìm hiểu về đạo Phật. Trong cõi luân hồi sinh tử, thần thức anh bây giờ đang lang thang ở cõi nào? Thân trung ấm của anh trong bốn mươi chín ngày này sẽ gá vào đâu để tìm một đời sống mới?
Đám tang anh có đông đủ những người thân và bạn bè quý mến anh. Cả một đời, anh sống hiền hòa, tử tế, lương thiện. "Thiên đạo" hay cõi trời, xa xôi quá. Mong nơi anh tái sinh sẽ vẫn là cõi người. Ở cõi người có buồn vui, thuận nghịch, thăng trầm, có hạnh phúc và đau khổ, có sự nhẫn nại và cam chịu vì những "nghiệp".
Lúc đó nếu ai có hỏi anh, anh thích hợp với...nhà nào, anh sẽ trả lời như câu trả lời từ kiếp trước "Nhà báo nghèo thấy mồ!" "Cái nghiệp đấy thôi". Anh sẽ tiếp tục làm báo.
Bài viết để tưởng nhớ anh Nguyễn Xuân Hoàng trong những tuần thất này xin hướng về cầu nguyện cho anh có được một chiếc áo mới như trong nhà Phật có nói, chết là sự thay một cái áo cũ để mặc một chiếc áo mới tốt đẹp hơn cũng như một vị Thiền sư đã nói cuộc sống chỉ là một sự tiếp nối (continuation) dưới một hình thức khác.
Anh Hoàng đang tiếp nối một cuộc sống mới chị Vy ạ. Anh không chết. Anh vẫn ở quanh chị, các cháu và những người thương mến Nguyễn Xuân Hoàng.
Cali ngày 17 tháng 10 năm 20014
Phùng Annie Kim
Ý kiến bạn đọc
15/09/202310:27:47
Thanh Mai
Khách
Thanh Mai rất ngưỡng mộ chị Vy qua bài viết này. Cảm ơn chị Annie
28/10/201405:48:12
Nina Nguyễn
Khách
Nếu được chọn trong bốn nhà, tôi vẫn thích nhà.....văn Nguyễn Xuân Hoàng
28/10/201405:44:53
Tân Nguyễn
Khách
Bài viết hay, đầy những kỷ niệm về cặp vợ chồng dễ thương này
27/10/201401:08:32
Hiệp
Khách
Cặp Vy Hoàng đẹp đôi. Chị Vy có khuôn mặt đẹp, và sức mạnh bền bỉ ở nội tâm. Chúc chị có thêm sức khỏe chị cần ,giúp chị vui sống.