Hôm nay,  

Điểm Trừ... Đó Đây

20/03/202408:00:00(Xem: 2724)
03202024 Thoa V.DZUNG 2023
*Chú thích hình: KimLoan trong chuyến viếng thăm Little Sài Gòn cuối Tháng 11/2023

  

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

 

*

Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ?

Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi,  bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”,  nha!

Năm đó, cũng cỡ gần chục năm rồi, gia đình tôi và gia đình mấy anh chị em tôi ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ rủ nhau cùng bay đến Little Sài Gòn, để kết hợp thăm Bố, gia đình ông anh, bà con họ hàng cũng như thăm thú cảnh đẹp Nam California.

Sáng chúa nhật, cả nhà kéo nhau đi chơi trung tâm Phước Lộc Thọ giữa lòng Bolsa. Chúng tôi đi một vòng trên lầu, thấy chả có gì hấp dẫn ngoài mấy tiệm vàng. Khổ nỗi, vàng bạc, kim cương hột soàn không phải là niềm đam mê của tôi, vàng giả vàng thiệt, hột soàn dỏm hột soàn thật tôi chẳng biết phân biệt, cho tôi đeo chỉ thêm uổng phí. (Nói nào ngay, tôi cũng có đam mê, đó là…tiền trong bank thôi). Chúng tôi lại kéo nhau xuống tầng dưới, tìm các món ăn cho bữa trưa. Tôi và bà chị Cả vì vẫn còn no với ly café sữa đá và ổ bánh mì thịt Lee Sandwich trên xe lúc khởi hành, nên trong lúc chờ đợi mấy người khác ăn uống, hai chị em thấy một cửa hàng áo quần ngay đó, tiện chân bước vào xem để giết thời gian. Vào tiệm rồi hai chị em mới thấy ân hận vì trong tiệm không có bóng một người khách nào, tính quay trở ra thì chị chủ xuất hiện, lớn tiếng sang sảng:

-           Hai chị đã vào tiệm chưa coi cái gì mà tính ra về, “chơi” vậy sao được chứ, mở hàng kiểu này tội tui lắm đó!

 

Tụi tôi giật mình nhìn chị chủ, người vừa mở lời chào khách với cái giọng sẵn sàng gây sự (gì mà “chơi” với “không chơi”, nghe y như phim… kiếm hiệp giang hồ). Khuôn mặt chị ấy nhìn quen quen như những khuôn mặt “mang dấu ấn thẩm mỹ” thường gặp ở đâu đó. Mắt cắt hai mí, lông mi dài, chân mày xăm đậm lè, mũi thẳng băng và đặc biệt là cái miệng có đôi môi chẻ hai trái tim (chẻ môi trên môi dưới luôn á). Cái miệng trái tim này tưởng chỉ để thốt ra những lời êm ái dịu dàng thôi chớ, ai dè ngược lại.

Nghe vậy, chị em tôi đành bước lại xem mấy cái áo trên cái rack, thầm thì bảo nhau, ráng tìm một cái gì đó mà mua “trả nợ quỷ thần”. Trong lúc hai chị em xem áo, chị “đẹp” cứ đứng sát bên "kềm kẹp", không cho chúng tôi có thì giờ bàn bạc, suy tính tìm cách “chuồn” ra ngoài.

Chị chủ lấy một chiếc áo ra mời chào:

-       Áo này là hàng mới về, hợp với bà chị lắm đó.

 Chúng tôi nhìn áo lưỡng lự, rồi chị tôi hỏi:

-          Cái này giá bao nhiêu vậy chị?

-          Giá rành rành đây mà không thấy hở? Bốn chục.

 

Ý chị “đẹp” rủa chúng tôi … hổng có mắt sao? Bán hàng kiểu gì vậy trời? Tôi nhanh nhẩu:

- Úi, hơi mắc chị ơi!

Và chi “đẹp” được dịp xổ một tràng, rằng người mua lầm chớ nguời bán không lầm, tiền nào của nấy…yada…yada ...yada ... rồi quăng cái áo vào người chúng tôi:

            - Thôi, tui bán mở hàng làm quen giá ba lăm đồng, hai chị mở hàng lẹ lẹ giùm.

 

Chị “đẹp” lập lại mấy lần chữ “mở hàng” (dù là đang vào giờ trưa) là tụi tôi hiểu phải làm gì, nếu không muốn nhìn thấy chị đốt giấy phông lông đuổi tà. Nhìn cái áo chẳng ưng ý cho lắm, nhưng bà chị tôi muốn thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt nên đành cầm cái áo đi vào chỗ thử sau tấm màn che và trở ra, sung sướng báo tin:

- Chị chủ ơi, cái áo hơi dài. Tiếc quá tôi không thể mua nó.

Tôi nhìn cái áo bà chị mặc hơi dài rành rành ra đó, tưởng sẽ có lý do chính đáng để khỏi phải mua áo nên tôi thở phào thóat nạn:

-  Phải chi ngắn đi chút xíu thì quá đẹp luôn. 

Nhưng không, chị “đẹp” không hề nao núng, với tay chụp liền một cái áo khác:

 - Vậy thì cái này ngắn hơn nè, tuy kiểu hơi khác một chút, nhưng cũng đẹp tương đương áo kia.

 

Hai chị em tôi nhìn nhau, biết là đã lâm vào bước đường cùng, không thể không mua áo, đành ỉu xìu cầm chiếc áo ra ngoài quầy tính tiền.  Chị “đẹp” la lên:

    - Ủa, không cần thử áo hả?

    - Thôi, tôi biết nó cùng size, khỏi thử!

 Chị “đẹp” trố mắt hai mí, lại nói trỏng không chủ ngữ:

-  Tùy nhe, chớ bước ra khỏi tiệm mà quay lại đổi hay trả hàng là không được đâu.

 

Ủa, chị “đẹp” còn nghĩ là tụi tui muốn quay trở lại đây sao? Mơ đi cưng!

Hai chị em tôi, kẻ ở Texas, người bên Canada đã mấy chục năm. Chúng tôi thừa biết, đi shopping mua sắm nơi các tiệm người Mỹ hay Canada đều được đón chào nhiệt tình vui vẻ, tha hồ lựa áo quần, rồi vào phòng thử rộng thênh thang, thử hết bộ này đến bộ kia, mấy lượt thử mấy lượt ôm đống đồ vừa thử ra ngoài cho nhân viên treo lại lên rack mà người nhân viên bán hàng vẫn phục vụ không một lời phàn nàn, và khi đem hàng về nhà không vừa ý, vẫn có thể quay lại đổi, thậm chí muốn refund cũng không hề gặp khó khăn cản trở gì. Vậy mà xui xẻo, ma đưa lối quỷ đưa đường, bị “bà nhập” sao đó, mà lại kéo nhau vào cái tiệm nhỏ như lỗ mũi của chị chủ “bá đạo” này.



Bình thường, tôi cũng thuộc loại người hay “ngứa miệng”, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, biết vận dụng phương châm “khách hàng là thượng đế” để góp ý những lúc cần thiết. Nhưng nhìn thấy khuôn mặt son phấn dư thừa của chị “đẹp”, nhất là đôi mắt lúc nào cũng như trợn ngược,  nhìn tụi tôi thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống, cái miệng trái tim trề ra như chuẩn bị quăng những lời khẩu chiến dữ dội, tôi bỗng trở nên “em hiền như ma-xơ” (ông xã từng nói tôi “khôn nhà dại chợ”, ở nhà giỏi lớn tiếng ăn hiếp chồng con, ra ngoài bị người ta hét một tiếng là lí nhí như khỉ mắc mưa, quả chẳng sai).

Hai chị em tôi ngoan ngoãn, líu ríu móc bóp, trả tiền cho cái “áo em chưa mặc một lần” và chẳng bao giờ mặc, vì sau đó chúng tôi không mang theo hành lý về nhà mà để lại nhờ bà chị dâu  đem cho Good Will giùm.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi có trở lại Nam California nhưng không có dịp nào vào Phước Lộc Thọ nữa. Bà chị Texas của tôi cũng thường bay qua phố Bolsa thăm Bố khi Bố còn sống nhưng cũng bận rộn gặp gỡ người thân, bè bạn, nên cũng không ghé vào cái nơi “kỷ niệm nhớ đời” ấy nữa. Chẳng biết lúc này cái tiệm ấy ra sao, có đổi chủ mới chưa, hay là chị “đẹp” vẫn còn đó và tiệm vẫn vắng như chùa Bà Đanh chỉ trông chờ chó ngáp phải ruồi khách phương xa (như hai chị em tôi) lớ ngớ bước chân vào và chị chủ lại ra tay "khủng bố" khách hàng phải mua bằng được món đồ gì đó mới có thể bước ra khỏi tiệm?

Đó là chuyện bên California. Giờ thì đến chuyện của Texas, nơi mà vợ chồng con cái chúng tôi qua chơi rất thường xuyên như “đi chợ” vì hầu hết đại gia đình, bà con của tôi đều ở tiểu bang “lone star” này.

Trong một chuyến đi chơi New Orleans, trên đường lái xe xuyên bang trở về Arlington, chúng tôi ghé vào một nhà hàng Việt để pick up mớ thức ăn đã order trước đó. Tôi đứng tại quầy cashier, xem lại các món hàng, giá cả, chuẩn bị trả tiền thì thấy trên quầy vừa bày ra bánh cuốn nóng hổi và chả lụa, nên với tay lấy mỗi thứ một cái. Do vậy chủ quán quay đi lấy thêm túi rồi phụ tôi để thêm đồ. Lúc đó, có bà cô kia từ đâu đi tới, đưa thẳng tiền cho chủ quán:

-  Tính tiền hai tô bún nhe ông chủ.


Chủ quán hơi khựng lại, nhìn tôi như phân trần. Tôi im lặng chả biết tính sao, vì bà cứ dí tiền trước mặt ông chủ, nên tôi lờ đi, nhìn qua chỗ khác cho ông chủ thoải mái giải quyết cho bà ấy. Xong việc, chủ quán chuẩn bị tính tiền mớ đồ của tôi, thì y như lần trước, một người đàn ông lấn qua tôi, bước tới, la lớn như chốn không người:

-  Cho mấy cây tăm đi chủ quán ơi …ơi..!


Ủa, Ủa, tôi nghĩ bụng, tôi đang ở đâu thế này? Ở Việt Nam hay bên Mỹ? Chủ quán lại nhìn tôi cầu cứu. Tôi đâm ra bực mình, quá chán nản với cái ông chủ… bất lực này! Chuyện gì cũng nhìn tôi, là sao? Tôi thì làm được gì? Tiệm của ông, khách của ông, ông tự phải biết mở miệng ra mà giải quyết chứ. Tôi lại tiếp tục ngó lơ, ông chủ quán mừng quá, liền chạy vào trong, lục đục một hồi, rồi mang ra hộp tăm cho “thượng đế” kia.

Cuối cùng thì tôi cũng được quan tâm sau khi chủ quán xin lỗi. Lần này thì tôi được góp ý vì ông chủ Texas khác với chị “đẹp” California, nên tôi... hổng sợ, hổng “em hiền như ma- xơ” nữa. Ông chủ này rất chiều khách, mà chiều quá đáng, sợ mất lòng khách, nên mới có hai người khách “hư” như tôi vừa kể. Tôi nói với ổng:

-  Thật lòng mà nói, tôi không ngại nhường cho họ vài phút trước sau, nhưng ít ra, họ cũng phải có lịch sự tối thiểu, là hỏi một câu, hỏi tôi hay chủ quán cũng được. Ai nỡ lắc đầu nếu chị kia cần phải đi gấp, và chú kia không xỉa răng ngay tức khắc thì răng lợi nhức nhối không chịu nổi? 

Chủ quán bối rối, cười chuộc lỗi rồi thanh minh:

-  Tôi xin lỗi cô lần nữa nhe, lâu lâu cũng có mấy người khách như vậy, tui cũng đâu dám nói thẳng với họ, sợ họ giận rồi mình mất khách, cô thông cảm. 

Tôi cười cười:

-    Ông sợ mất mấy người khách kia mà hổng sợ... mất tui sao? Hay là ông biết tui là dân từ xứ lạnh tình nồng Canada qua đây chơi nên không cần giữ? 

-          Cô thiệt là vui tính! Nhưng cô đừng nói vậy, lần sau qua nhớ ghé tiệm tui nữa nha.


Tôi tự hỏi, hai người kia, qua xứ này được bao lâu rồi mà vẫn chưa thực hành bài học xếp hàng? Tôi tin chắc rằng, nếu trong trường hợp tương tự, nhưng ở nhà hàng Mỹ toàn người da trắng, thì hai vị khách này sẽ tự động biết xếp hàng, rất nghiêm túc, để chứng minh cho dân bản xứ biết mình cũng biết điều, biết cư xử như ai.

Vậy hoá ra, với đồng hương Việt Nam thì… không “care” à, không cần phải biết hành xử đúng phép lịch sự sao?

Người Việt mình ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi đâu, Mỹ, Canada, và những nước khác, cộng đồng chúng ta cũng có điểm hay và điểm chưa hay. Chúng ta hoà nhập nơi xứ người, học hỏi và thực hành những điểm hay của họ, và cũng nên làm tương tự như thế với đồng hương mình chứ? Chả lẽ đi vào chợ Việt thì tha hồ xới tung các thùng xoài, các mớ rau để giành phần ngon nhất cho mình, nhưng vào chợ Mỹ thì… không dám?

Đã gần chẵn 50 năm xa xứ, chúng ta đã và đang xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh, có nhiều đóng góp đáng kể trên quê hương thứ hai. Dù hai câu chuyện này chỉ là những hạt sạn rất nhỏ có thể bắt gặp ở đâu đó, chúng ta cũng nên nhắc nhở nhau để bộ mặt người Việt ở Mỹ nói riêng, và ở hải ngoại nói chung ngày càng đẹp hơn, để không chỉ người bản xứ nhìn cộng đồng Việt với lòng cảm mến, mà còn cho cả chúng ta khi gặp nhau, đối xử nhau văn minh thân thiện và hãnh diện là người Việt Nam.

Tôi có cái tật “nhớ lâu nhưng không thù dai”, có sao kể vậy người ơi, chớ hổng có ý gì hết á!

Edmonton, Tháng Ba 2024

KIM LOAN

Ý kiến bạn đọc
19/07/202404:34:20
Khách
Muốn cộng đồng tốt đẹp hơn thì phải có hành động assertive đi đôi với lời than phiền, chứ nếu chỉ than phiền thôi mà không có hành động thì cũng không ít lợi gì. Action speaks louder than words.

Vô tiệm nếu không muốn mua thì cứ đi ra. Nếu chủ tiệm như bà "đẹp" mà la ó thì bình tỉnh nói với bả là mua hay không là quyền của khách hàng, rồi đi ra, đừng phí thời gian đôi co với hạng đó, mặc kệ bả la lối, như vậy thì bả mới có thể thức tỉnh. Chứ mua áo của tiệm bả vì sợ bả la ó là giúp cho bả càng lộng hành hơn với khách đến sau. Bởi vì bả thấy bả có thể áp đảo khách hàng được thì bả sẽ tiếp tục làm như vậy hoài, bả chỉ ngừng khi nào khách hàng không để bả áp đảo.

Còn ông chủ tiệm "chìu khách" kia thì không có backbone, quá "hèn" đến độ không dám hó hé nói nổi một lời nhỏ nhẹ khuyên 2 người khách không chịu xếp hàng.
Chủ tiệm Mỹ họ cũng sợ mất khách, nhưng họ không hèn đến độ im re khi khách chen ngang, họ sẽ nói nhỏ nhẹ như "Please wait for your turn" hay "Let me take care of this lady first. I will be with you right away" với một nụ cười lễ phép.

Còn loại người như bà mua sofa ở Cosco, xài 3 năm, xong rồi đem trả đòi $$$ lại, rồi khoe tùm lum là rất "khôn" , thì xứng đáng bị trục xuất về VN. Bà ta hành động theo kiểu đồ-bác-dạy, xứng đáng bị trục xuất về thiên đường xhcn mà sống chung với các cháu ngoan đồ-bác-dạy của bacho.

Đa số người trong cộng đồng phải biết hành xử vừa courteous vừa assertive thì cộng đồng mới tốt đẹp. Nếu đa số chỉ than phiền mà không có backbone để hành động thì cộng đồng cũng sẽ không bao giờ tiến bộ văn minh lịch sự khéo léo được, cho dù ở Mỹ đến 100 năm thì vẫn vô ý thức.
28/03/202421:32:44
Khách
Tuy vậy so với những tội ác mà Do Thái nay bị thế giới lên án thì dân VN vẫn tốt hơn nhiều. Sau khi quân Khmer Ðỏ tràn qua biên giới cáp duồn dân VN, năm 1979 VN tung quân chếm đóng Kampuchia nhưng không dội bom hay pháo kích tan tành các thành phố và không bao vây cấm tiếp tế bỏ đói dân Kampuchia.
Dầu sao đi nữa nguời VN cũng không đến nỗi thù hận như dân Do Thái. Tin từ UPI cho biết quân Do Thái vào bệnh viện giết chết các thương binh Hamas. Quân CS dù thù hận lính VNCH gắn tội "có nợ máu với nhân dân" nhưng năm 1975, CS không vào các bệnh viện để tìm giết các thuơng binh VNCH. Những thuơng binh bị tàn phế cũng đuợc CS cho sống ở nhà không bị đi cải tạo.
Sau chiến tranh VN khoảng 15 năm là các cựu viên chức sĩ quan VNCH từ "có nợ máu" đuợc CS đổi thành "khúc ruột ngàn dặm" ai cũng có thể về VN du lịch và thăm thân nhân. Sau thế chiến II năm 1945, đặc vụ Do Thái đi qua các nuớc truy lùng bắt cóc những nguời quốc xã đưa ra toà án quốc tế . Cho đến hôm nay 80 năm sau thế chiến II mà Do Thái vẫn còn đòi trục xuất cựu nhân viên quốc xã đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. Cách đây 10 năm Mỹ phải trục xuất một ông già quốc xã gần 100 tuổi sống lén lút ở Mỹ. VNCH thật là may mắn không có kẻ thù là Do Thái. Do Thái và Ðức Quốc Xã là hai dân tộc thông minh nhất thế giới nhung họ co' tâm địa tàn ác.
25/03/202414:35:01
Khách
Xin thêm. Tại các buổi trình diễn văn nghệ Tết VN miễn phí, quan khách đuợc ngồi ghế theo thứ tự ai đến truớc ngồi truớc đến sau ngồi phía sau và đứng sau các hàng ghế. Nhưng đến nửa chương trình thì một số nguời tràn vào đứng giữa hành lang (để múa lân) phiá truớc che kín làm hàng trăm khán giả ngồi hàng sau không xem đuợc. Các ông các bà ngày Tết đuợc dịp khoe khoang áo quần sang trọng nhưng tư cách lại thấp kém, đứng che khuất không cho nguời ngồi phiá sau xem văn nghệ mà không biết mình sai. Ðây là cái xử sự kém văn minh của nguời VN. Tuy nhiên cũng có nhiều khán giả tử tế văn minh biết nhuờng chổ cho các cụ già.
21/03/202416:16:16
Khách
Cách đây không lâu, CBS và Việt Báo có loan tin bà VN trả đuợc cái Sofa mua ở Costco xài tơi tả gần 3 năm đã không biết xấu hổ lại khoe khoang đăng lên mạng xã hội bi dân chúng chửi phải xoá bài.
Muốn tránh nạn bà chằng bắt mua mở hàng thì chỉ nên ghé xem hàng mà khômg mua ở các tiệm VN sau 5 giờ chiều, lúc đó chủ không thể nói là mở hàng đuợc.
Nói chung thì thế giới và nuớc Mỹ bây giờ đạo đức suy đồi so với thời chiến tranh VN.
21/03/202412:08:15
Khách
Mong KLoan viết thêm nhiều nhiều về những tiêu cực này, dần dần biết đâu sẽ sửa , sẽ bớt đi. Giống như chuyện trả lại hàng ở Costco, một bà á đông nọ đem một cái microwave cũ kỹ đã dùng, không có hộp đem đến đòi trả lại!!! Hoặc còn nhiều thứ khác lắm, như nói quá to nơi công cộng, lựa bới thức ăn siêu thị....
20/03/202416:08:55
Khách
Em ủng hộ chị dám nói công khai tật xấu của một số người như vậy. Xấu xí quá. Muốn ủng hộ người Việt mà "giang hồ" vậy ai dám...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 411,250
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Khi ba vừa bước chân vào nhà Tưởng các con vui khi gặp ba Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu Ba chỉ là một bóng hình xa... Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn...
Năm 2007, lúc 64 tuổi tôi mới có đứa cháu ngoại đầu tiên là Brandon, hai năm sau thì có Allison, em của Brandon. Mãi đến năm 2019 thì đứa cháu nội Charlie mới ra đời. Lúc này tôi đã 77 tuổi. Hai năm sau, chính xác là ngày 05/12/2021 em gái của Charlie là Emma chào đời. Vậy là tôi có đủ hai cháu nội và hai cháu ngoại, trai gái vẹn toàn, không còn hạnh phúc nào hơn. Charlie là cháu đích tôn. Tôi thì không quan trọng lắm cái chuyện đích tôn hay không đích tôn, trai hay gái, nội hay ngoại vì tất cả đều là cháu tôi, không lý do gì mà tôi thương đứa này ít, đứa kia nhiều. Chắc cũng có người nói tôi ba gai, tôi bướng bỉnh. Không sao. Tôi có quan điểm riêng của mình: Không nên kỳ thị, phân biệt đối xử với con, cháu của mình vì điều đó đã lỗi thời từ thuở phong kiến theo quan niệm Nho Giáo ở đâu bên Tàu, rồi ông nội, ông ngoại, ông cố của chúng ta bị ảnh hưởng.
... Chuyện qua đi, chỉ khác cái chào xã giao hàng xóm khi chạm mặt, cả tôi và anh đều thăm hỏi nhau thêm vài câu vô thưởng vô phạt về sức khoẻ, việc làm, thời tiết… Tình hàng xóm ở Mỹ lạt như nước ốc, anh ta thán hàng xóm Mỹ của anh kỳ thị, anh nướng thịt thơm mà, sao họ làm ra vẻ khó chịu với mùi hương… Tôi kể cho anh nghe về hai nhà người Mỹ ở hai bên nhà tôi. Họ tốt thật chứ không giả vờ khi họ thấy tôi làm việc gì hơi quá sức, họ hỏi tôi có muốn họ giúp không? Nếu trả lời có thì họ giúp tận tình. Người Mỹ tốt, không nói khác được. Nhưng người Mỹ không dễ chơi vì tôi làm việc gì chỉ cần hơi trái ý họ là họ kêu cảnh sát! ...
Luật mới của Tiểu Bang California, những người trên 70 tuổi khi xin gia hạn bằng lái xe thì đều phải thi lại bài thi viết. Nghe nói có nhiều người thi rớt lên, rớt xuống vài lần mới thi đậu được bài thi viết. Tôi thì cũng trong hoàn cảnh đó, nên rất lo sợ, không biết mình có thể lấy lại bằng lái xe được không? Xin đừng lo lắng! DMV đã có một chương trình thi online giúp cho người trên 70 tuổi thi lại bằng viết để xin gia hạn bằng lái xe “Bảo đảm đậu”.
Hồi tuần trước, cuối ngày làm việc, cháu trai của Khánh Vân là Huy Khang (HK), tên nhà là Tày, gọi điện thoại xin FaceTime. Khi hai màn hình video vừa hiện lên và nhìn thấy mặt nhau thì HK liền hỏi “Má Hai khóc với Tày được không?” Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa thương quá chừng quá đỗi. Huy Khang là một bé trai hoạt bát, rất có tình và rất biết để ý đến mọi người và mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, trong mười hai năm qua, từng năm tháng lớn lên, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe HK hỏi một câu bất ngờ như vậy.
...Tao biết, nhưng đó là phong cách Mỹ, cái kiểu Mỹ. Mỹ tụi bay cứ như dân du mục, nay ở chỗ này mai đi xứ khác, công việc cũng xoành xoạch thay đổi. Tụi Việt tao thì ngược lại, sống an cư lạc nghiệp. Nhà ở đâu việc ở đó, có ở yên thì mới an tâm làm việc, chỉ khi nào hoàn cảnh bức bách lắm mới nhảy! Cái khái niệm an cư lạc nghiệp ăn sâu vào tiềm thức người Việt chúng tao...
Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe nói về Đại hội Thánh Mẫu Missouri. Xem YouTube rất nhiều, cho mãi tới lần thứ 44 năm ngoái 2023 tôi mới có cơ hội được tham dự. Chỉ cần bỏ vô Google: Đại hội Thánh Mẫu Missouri 2024. Bạn sẽ biết mọi chi tiết...Vào YouTube các bạn sẽ thấy chương trình ĐHTM Missouri được lưu giữ hàng năm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Một số tiểu bang cũng có tổ chức đại hội Thánh Mẫu, nhưng ngắn gọn hơn ở Missouri. Một cuộc cắm trại khổng lồ kết hợp hành hương và tham gia hội chợ với đủ mọi sinh hoạt vui chơi...
Nhìn từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn về Thái Bình Dương, thì Arizona là một trong mười ba tiểu bang thuộc miền tây Hoa Kỳ, nhưng cư dân California đi thăm Arizona phải lái xe trên xa lộ 10 East, nên cuộc hành trình của bốn thành viên Việt Bút tạm gọi là cuộc Đông Du. Bài viêt ngắn sau đây lại mang một nhan đề “dao to búa lớn” là “Đông Du Ký”, thật ra chỉ ghi lại năm ngày du ngoạn ba địa điểm du lịch trong số rất nhiều thắng cảnh độc đáo nổi tiếng của tiểu bang “Nhiều Nắng”.
Tác giả Trần Kim Bằng, cư dân vùng Little Saigon là một nhạc sĩ, đã phát hành tập nhạc và CD Duyên. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông vào năm 2015 là một hồi ký về hành trình vượt biên đường bộ năm 1980. Sau đây là bài viết kế tiếp của ông ghi lại một số cảnh đẹp và sinh hoạt của một vài thành phố ở quận Cam, California.
Nhạc sĩ Cung Tiến