Có nhiều câu hỏi được một số người đặt ra. Rằng, thì, mà, là...Rất hữu lý. Chẳng hạn như:
- Tại sao tôi phải đi làm, đóng đủ mọi thứ thuế...Trong khi một số người khác hưởng trợ cấp xã hội, ăn chơi phè phỡn?
- Tại sao có người khai là nghèo khó low income...Mà họ mua được nhà? Rồi tiền đâu họ đóng thuế?
- Nghe nói nước Mỹ giàu vậy mà người vô gia cư còn vô số, sống lây lất khắp nơi?
Vân vân và mây mây....
Vâng, nước Mỹ vẫn chưa hoàn hảo, còn vô số những bất cập.
- Trước hết hãy nói về người vô gia cư. Chính phủ Mỹ có đủ các chế độ an sinh giúp người nghèo: Hỗ trợ nhà giá rẻ, phiếu thực phẩm mua đồ ăn, cho trợ cấp y tế miễn phí, Wics for Kid...Thậm chí thành phố nào hầu như cũng có những trung tâm để người không nhà có thể tá túc trong ngắn hạn.
Xin được nói cho rõ về nhà housing của chính phủ, có nhiều chương trình ngắn, dài hạn, độc thân hay gia đình đông người trợ giúp khác nhau. Chính phủ thường tính tiền thuê nhà trên % số lợi tức. Vậy nếu ai không hoặc lợi tức thu nhập ít sẽ được miễn phí hoặc trả chút đỉnh thôi. Những người này còn có thể xin thêm trợ cấp utilities như: Điện, nước, gas...nữa. Nhưng những người vô gia cư họ chọn cách sống ngoài đường phố, các gầm cầu, khu công viên ...để không bị ràng buộc vào những nội quy của nơi cung cấp phương tiện.
Trừ một số trường hợp đăc biệt, chính phủ không thể can thiệp ép buộc "quyền tự do" của họ. Nếu không cả chính phủ cũng bị kiện. Kể từ hồi tôi biết đến nay, không thấy hay rất hiếm những trường hợp bị chết đói, chết rét của dân vô gia cư.
Ai đó than thở, chê trách về người vô gia cư thì hoặc không có sự hiểu biết, hoặc có mục đích tuyên truyền, bêu xấu nước Mỹ vì mục đích riêng của họ.
Những trường hợp khác thì chúng tôi trộm nghĩ:
- Nước Mỹ có hơn 300 triệu con người với nền giáo dục, truyền thống, văn hoá, cung cách sống từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về đây. Trong khi ngạn ngữ có câu "chín người tới mười ý" kiến khác nhau lận. Làm sao có thể trả lời thoả đáng cho từng trường hợp.
- Có Luật lệ liên bang là mẫu số chung, xuống các tiểu bang và thành phố-quận hạt sẽ chi tiết hoá và có thêm những luật lệ được chính quyền các nơi ấy làm ra và áp dụng cho điạ phương mình. Nhưng trong thể chế tự do- dân chủ, những luật lệ này không đủ các chi tiết sắc bén, khiến những người khôn (lỏi) vẫn tìm cách né tránh được.
Tổng Thống Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng: You can fool all of the people some of time; you can fool some of the people all of the time, but you can't fool all the people all the time.” Tạm dịch: Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một lúc nào đó; bạn có thể lừa dối một vài người nhiều lần, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi được”
Nhà Phật có thuyết nhân qủa, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói: Điều gì con không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta. Đó là những ràng buộc tâm linh về lẽ công bằng. Hướng dẫn mọi người hãy cố sống cho phải đạo.
Kể nghe truyện này mà báo Mỹ một thời có đăng.
Ở một thành phố nơi chúng tôi đã từng sống qua, có vị kia sang định cư ở Mỹ diện tị nạn, xin được tiền trợ cấp vĩnh viễn vì tàn tật. Ngoài trợ cấp xã hội theo tiêu chuẩn chung về ăn tiêu, chi phí y tế, gia đình ông còn xin được nhà chính phủ. Theo giao kèo (contract) tiền thuê nhà chỉ phải trả 1/3 số lợi tức ông nhận được hàng tháng. Dĩ nhiên tiền trợ cấp cho gia đình khoảng $600.00 thì ông chỉ phải trả độ $200.00/th tiền thuê nhà mỗi tháng.
Ông rất tháo vát trong ngoại giao, mời gọi được rất nhiều người Việt đến nhà ông: Đầu tiên là ăn nhậu, sau mở sòng bài để lấy xâu, và kiếm tiền mặt bằng nhiều cách khác nhau. Giữa thập niên 90 ông bà ra mua căn nhà mới, một dãy apartments, sau đó là một tài khoản đầu tư chứng khoán trị giá vài triệu usd. Tự nhiên có của cải nhiều như vậy ai cũng nể...
Vài năm sau nghe tin cả hai ông bà bị bắt, số tài sản khoảng 3 triệu usd bị tịch thu hết. Tại sao?
Đây là những lý do:
Tổng số tiền ấy chia đều cho 10 năm từ khi ông bà xin được housing và trợ cấp xã hội, mỗi năm thu nhập khoảng 300K. Với thu nhập ấy họ:
1- Phải trả lại các khoản trợ cấp cho chính phủ, bao gồm tiền mặt hàng tháng, trợ cấp thực phẩm, y tế...+ tiền lời + tiền phạt.
2- Thuế lợi tức không đóng trong thời gian đó +tiền phạt+tiền lời.
3- 33% lợi tức mỗi năm trả cho tiền thuê nhà chính phủ + tiền phạt+tiền lời.
Ai làm trong ngành kế toán xin tính thử xem. Cũng báo đăng: Chính phủ đã lấy hết và ông bà còn nợ thêm tiền.
Cả hai ông bà còn bị truy tố tội trốn thuế và rửa tiền.
Ấy là cái giá phải trả cho các kiểu khôn vặt, mánh mung, không sòng phẳng với nước Mỹ.
Tôi sẽ không dòm ngó, thắc mắc, hay phàn nàn gì về những bất cập. Bởi tin rằng: Những người đang được hưởng phúc lợi công cộng đã được các nhân viên chính phủ phỏng vấn, tìm hiểu và làm đúng các thủ tục theo luật lệ, họ xứng đáng được hưởng.
Tin vậy vì chính gia đình tôi cũng đã phải điền đơn, khai báo các thông tin cá nhân và không có thu nhập lúc mới đến Mỹ để nhận được khoản trợ cấp $554.00 tiền mặt, $152.00 (food stamp) phiếu thực phẩm mỗi tháng và trợ cấp y tế cho cả gia đình trong suốt 17 tháng. Tôi luôn tri ân nước Mỹ và người Mỹ đã mở lòng giúp đỡ không chỉ gia đình tôi và hầu hết người tỵ nạn hơn 30- 40 năm trước.
Ngày xưa gia đình tôi quanh quẩn với ruộng đồng. Cha tôi thường nói với chúng tôi: Giàu vì nén, không giầu vì xén bờ. Ngụ ý rằng hãy nỗ lực làm việc, sống lương thiện, chân chính, đừng gian tham một hàng lúa ở ranh giới.
Hãy nhìn xem: Bill gates, Mark Zuckerber, Jeff Bezos, Warren Buffet... Những công dân Mỹ, họ khởi nghiệp với số vốn nhỏ bé. Nhưng kiến thức, mạo hiểm, chăm chỉ, biết nắm bắt cơ hội và rất đường đường chính chính trong thương trường, khiến họ giàu có bậc nhất trên thế giới.
Là nông dân tôi hay nhìn loài chùm gửi và suy nghĩ: Cứ ăn bám vào các cây khác thì làm sao tươi tốt, to lớn được. Còn chúng ta thời gian đầu sang định cư ở đây như những cây non bị bứng gốc trồng lại, lúc đầu bị gió mưa làm nghiêng ngả, tổn thương, còi cọc một thời gian...Nhưng khi bén rễ hội nhập sẽ khôn lớn dần cả về trí tuệ lẫn khả năng không thua kém gì những người khác định cư lâu đời.
Trong cộng đồng người Việt Nam.
Cũng không thiếu những tấm gương thành công, để trở thành tỉ phú, multi-milionaires. Và chính chúng ta, hầu hết đã đến đây với hai bàn tay trắng. Những người sẵn sàng xăn tay áo lên để bắt tay vào việc bằng cách này hay cách khác, sau khi đã hết tiêu chuẩn trợ cấp. Mặc dù lúc đầu tiền nhận được từ đồng lương thấp có thể không bằng ngồi hưởng trợ cấp. Nhưng họ học được nghề, kinh nghiệm, vươn lên dần dần...Khi có cơ hội là mở mang và phát triển. Đến hôm nay hầu hết đã có tài sản bạc triệu hoặc nhiều hơn. Còn giúp mở đường cho các thế hệ kế tiếp nữa.
Có bao nhiêu trí thức, khoa bảng đã đóng góp vào cả chính trị lẫn kinh tế, khoa học, giáo dục...giúp nước Mỹ lớn mạnh thêm từng ngày.
Và tất nhiên mọi người đều hãnh diện để đón nhận những lợi tức và hân hoan đóng góp nghĩa vụ thuế của mình.
Một điều nữa: Chăm chỉ làm việc, tự đứng trên đôi chân mình sẽ là tấm gương cho con cái noi theo. Còn lười biếng rồi mánh mung, lươn lẹo, lợi dụng ... sẽ làm căn bịnh ấy trở thành di truyền mãi mãi.
Ai không một lần mắc lỗi lầm về giao thông như vượt đèn đỏ, không ngừng chỗ có bảng stop, chậm lại ở đường có đèn chớp vàng...mà không bị bắt. Nhưng nếu cứ lập đi, lập lại những lỗi này thì thế nào cũng có ngày lãnh ticket.
Tôi sẽ nhìn lên những tấm gương thành công mà nỗ lực, không nhìn vào các tiêu cực mà dè bỉu, làm cạn đi ý chí của mình.
Ho Nguyen
Theo Viet Bao: "⚪ ---- Bản tin CBS về một phụ nữ gốc Việt ở Seattle: Một người mua hàng ở Costco đã thử nghiệm các giới hạn trong chính sách hoàn trả của câu lạc bộ bán lẻ bằng cách trả lại Costco về một chiếc ghế sofa mà cô đã xài 3 năm rưỡi chỉ vì cô ấy không còn thích nó nữa. "Tôi không còn thích nó nữa. Chúng tôi không còn thích màu sắc nữa" Jackie Nguyễn, một người mua hàng, nói trong một video TikTok thu hút gần 3 triệu lượt xem kể từ khi cô đăng nó vào ngày 23/1.
Nguyen giải thích rằng cô không có biên lai gốc nhưng nhớ lại ngày cô mua chiếc ghế sofa ban đầu. Điều đó cho phép nhân viên bán lẻ của Costco giải quyết giao dịch và hoàn lại toàn bộ số tiền cho Nguyễn. “Tôi nói với cô ấy ngày tôi mua nó - cô ấy tra cứu trong máy tính, nói cho tôi biết chính xác đó là cái nào. Chính là nó. Cô ấy hỏi tôi xem nó có vấn đề gì không… Tôi nói tôi không thích nó nữa" Nguyễn giải thích và nói thêm. Họ đã hoàn lại toàn bộ số tiền vào thẻ của cho chúng tôi"
Hài lòng với trải nghiệm của mình, Nguyên đã khuyến khích những người theo dõi cô cũng mua đồ nội thất từ cửa hàng chỉ dành cho thành viên. "Hãy mua đồ nội thất của bạn từ Costco, cô gái. Bạn có thể trả lại khi không thích nữa", cô nói. Độc giả nên cẩn trọng, xem kỹ thời hạn nào lâu nhất có thể trả được, trước khi mua."