Tác giả là cư dân Austin, Texas, làm việc trong bệnh viện thành phố. Bài Viết Về Nước Mỹ thứ năm của bà là một truyện ngắn với khung cảnh bệnh viện.
*
Bác sĩ Paul Bissett, nhìn chăm chú vào những con số trên bản tường trình về kết qủa thử máu rồi ông lẩm bẩm …làm sao có thể thế này được" Thật sự câu hỏi không phải là một thắc mắc mà để diễn tả một tuyệt vọng khi ông ngập ngừng đi về phía phòng 714 nơi người bệnh nhân đang chờ ông đến thăm.
Người bệnh là một cô gái ba mươi mốt tuổi mắc phải bệnh tiểu đường (diabetes). Ông nhớ ngày đầy tiên khi gặp cô gái trong phòng mạch cách đây hai năm. Trước mặt ông người bệnh nhân nhỏ nhoi như một đứa bé mười tám với mái tóc thề buông thả ngang vai, đôi mắt to tròn đượm một nét buồn xa vắng. Cô gái có một nét đẹp dịu dàng á đông pha lẫn một chút tây phương với sóng mũi thẳng cao. Ông giật mình nhìn cô gái như có một chút gì quen thuộc từ trong qúa khứ, như có một liên hệ ràng buộc tự đời nào. Nhưng cái cảm giác đó không tồn tại lâu khi ông bắt đầu cuộc phỏng vấn về cuộc đời và qúa khứ sức khỏe của cô (H&P---History and Physical) để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh.
Cô gái đến từ Việt Nam lúc chỉ mới được ba tháng, bố mẹ đều là người Việt.
Bà mẹ rất trẻ bốn mươi tám tuổi, bố năm mươi, cô là con một không có anh chị em gì cả. Ông bà hai bên nội ngoại đều đã mất hết. Gia đình không ai bị tiểu đường hoặc một chứng bệnh hiểm nghèo nào khác. Một lịch sử về y tế bình thường của một gia đình rất lành mạnh.
Hai năm qua cô gái vẫn đi khám bệnh đều đặn, một năm ba bốn lần vì sự phức tạp của căn bệnh tiểu đường. Trong vòng một năm gần đây cô gái bị đưa vào nhà thương điều trị bốn lần vì những biến chứng của căn bệnh đã ảnh huởng tới thận. Ông vẫn thường tự nhủ là trời không có mắt vì chưa bao giờ ông thấy một bệnh nhân nào trẻ tuổi mà kiên nhẫn và làm theo những lời chỉ bảo của bác sĩ tận tường như cô gái này, vậy mà cô không may vẫn bị biến chứng hành.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh nan giải được liệt kê vào hàng thứ sáu có thể hại đến tánh mạng nếu không giữ kỹ. Có những người không theo đường hướng chỉ dẫn thì bị những sự phức tạp của chứng bệnh như mắt bị mờ, áp huyết cao, bị dị chứng tim hoặc là ảnh hưởng tới sự lưu thông của máu và làm hư thận.
Cô bệnh nhân nhỏ bé này rất chừng mực, một ngày tự thử máu bốn lần trên đầu ngón tay (self testing blood glucose). Vì máu đường không được ổn định nên trong năm qua ông đã đề nghị cô nên mang một cái máy phân phát insulin (insulin pump) trong người để mong lượng máu đường được điều hòa hơn.
Cái máy này giống như một cái computer nhỏ và nhẹ cỡ bằng một cái máy điện thoại cầm tay. Số lượng của insulin được tính (programming) vào máy dựa trên sự sinh hoạt hàng ngày của từng bệnh nhân và mỗi số lượng đó được đưa vào cơ thể qua một cái kim nhỏ gắn vào bụng. Với phương pháp này bệnh nhân hy vọng sẽ điều hòa được mức độ của đường trong máu và tránh được những đảo lộn của cơ thể và tinh thần mỗi lần máu đường lên qúa cao hoặc xuống qúa thấp.
Làm bác sĩ đối với ai ông cũng nhiệt tâm săn sóc nhưng riêng với cô gái này ông có một sự lo lắng đặc biệt, một cảm tình sâu sắc hơn mọi người mà chính ông cũng không làm sao giải thích được.
Ông gõ nhẹ vào cửa phòng. Có tiếng trả lời yếu ớt:
- Xin cứ vào
Mái tóc xõa dài trên gối trắng, khuôn mặt đẹp xanh xao và tấm hình hài nhỏ bé núp dưới làn mền mỏng khiến ông thấy xót xa:
- Andrea có khoẻ không"
Cô gái cố gượng nụ cười:
- Thưa ông vẫn vậy thôi. Ông đã có kết qủa của máu chưa"
Ông đi chậm đến gần và ngồi xuống bên cạnh giường, cầm bàn tay gầy guộc của cô gái nói một cách từ tốn:
- Không được tốt Andrea à!
Đây không phải là lần đầu tiên ông nói một tin không hay với Andrea nhưng lần này giọng nói của ông chất chứa sự lo lắng lẫn thêm một chút hoảng sợ trong đó. Andrea nhìn sững ông chờ đợi ….Ông tiếp tục:
- Có thể phải nghĩ tới chuyện thay thận.
Bàn tay nhỏ bé của Andrea cấu chặt trong lòng bàn tay ông, rồi cô gục đầu vào lòng ông khóc nức nở. Nước mắt của Andrea thấm ướt bờ ngực ông và làm cho ông bứt rứt. Một kỷ niệm nào rất gần trong trí nhớ với những giọt nước mắt tiễn đưa trong qúa khứ. Có một sợi giây liên hệ thiêng liêng nào đó chập chờn trong tâm tưởng nhưng cảm giác đó rồi cũng chóng qua đi như những linh tính nhẹ nhàng thoảng đi trong hai năm vừa qua ông quen biết và chữa trị cho Andrea.
Ông lấy tờ Kleenex chậm nước mắt cho Andrea :
- Tôi biết Andrea khổ lắm cứ khóc đi cho vơi bớt nỗi đau
Andrea nghẹn ngào:
- Ông ơi, chuyện gì sẽ xảy đến…
Những ngày sắp tới là một thử thách, ông phải lo cho Andrea lên được trong danh sách chờ đợi (waiting list) của những người chờ nhận thận (kidney transplant). Sự chờ đợi có thể kéo dài hơn thời gian Andrea có thể đợi chờ. Điều có thể cứu vãn tình hình nhanh chóng nhất là bàn tính với những người trong gia đình xem có ai chịu chia xẻ bớt một trái thận cho Andrea không. Nếu có sự đồng ý thì tất cả mọi người đều phải đi thử xem coi loại máu của ai sẽ hạp với máu của Andrea (matching blood type between the donor and the recipient). Ngày mai ông cần gặp ba mẹ của Andrea trong văn phòng. Ông đã gặp ba mẹ của Andrea trong những lần Andrea nằm trong nhà thương, hai người rất mộc mạc và bộc lộ với ông sự ưu tư của họ về căn bệnh hiểm nghèo của đứa con gái.
- Ừ! Mà ba mẹ tên gì đó Andrea.
Andrea gạt nước mắt:
- Thúy Mai và Văn
Ông tiếp tục gợi chuyện:
-Thế Andrea tên Việt là gì"
- Tường Vi
Tên của một loài hoa hồng nhỏ nhắn, dễ thương mà đã có lần trong một vùng trời dĩ vãng ông đã từng yêu thích. Ông thở dài... Hơn ba mươi năm rồi, qúa khứ và hiện tại nhập nhòa trong đời sống làm ông có những bất ổn nội tâm.
*
Ngày đó ông ba mươi tuổi vừa hành nghề bác sĩ được vài năm thì với chí hướng nhiệt thành của tuổi trẻ ông xin vào binh ngũ, tự nguyện đi qua Việt Nam phục vụ lý tưởng của mình. Ông là y sĩ chiến trường và đã từng chứng kiến biết bao sự đổ máu tàn khốc của chiến tranh trên vùng đất nhỏ bé. Ông nhìn thấy sự chịu đựng vô bờ bến của người dân Việt và từ đó ông đâm ra yêu thương mảnh đất thật thà đó.
Hơn một năm trước khi Sài Gòn thất thủ, ông được lệnh trở về Biên Hòa làm ở bệnh viện Cơ Đốc và nơi đây là khởi đầu của một chuyện tình muôn thưở không quên của ông.