Hôm nay,  

Mùa Giáng Sinh Về

24/12/202313:31:00(Xem: 9016)

merryxmas

Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Tác giả là một cây bút được yêu mến và đọc nhiều trong giải thưởng VVNM. Bà vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm 2023.

 

*

—Chào chị Nina !

—Chào Ly! Sao tuần trước em không đến ? Các cụ trông em lắm đó.

— À, em bị cảm.

— Hôm nay em đã khỏe hẳn chưa ?

— Em khỏe rồi. Cảm ơn chị. Thôi, em vào trong nhé,  kẻo các cụ lại đợi.


Tôi gật đầu chào Nina rồi sải bước.

Hơn một năm rồi, tôi vẫn đến viện dưỡng lão này làm việc thiện nguyện đều đặn mỗi thứ bảy. Công việc của tôi là cắt móng tay , móng chân cho các cụ. Ở đây, hầu như mọi người đều quen mặt tôi. Tôi có một danh sách các cụ, để chăm sóc luân phiên từng người. Hôm nay, tôi bắt đầu với cụ Susan.

Vừa thấy tôi đến, cụ đã xòe bàn tay ra, nét mặt hớn hở.
Bình thường, các cụ di chuyển rất chậm chạp. Vậy mà, vừa mở hộp đồ nghề ra, tôi đã thấy cụ Jordan từ góc phòng lăn xe tới, so bì:

— Sao không cắt cho bà trước?

Tôi vỗ nhẹ vào tay cụ:

— Một chút sẽ đến phiên bà nhé.

Ra vẻ giận dỗi, cụ  Jordan quay mặt đi.

Tôi đã tiếp xúc đủ lâu với các cụ để hiểu, các cụ rất dễ hờn dỗi. Thì người ta vẫn nói, người già là trẻ con đó thôi.

Như một lần nọ, cô y tá thực tập, không biết sơ ý thế nào, mà quên khóa cửa khi rời phòng. Lập tức, một cụ già đang ngồi gần  đó , đi thật nhanh đến mở cửa bước ra. Những cụ khác, hoặc lăn xe, hoặc đi như chạy ra theo.

Không thể nào ngờ mới một phút trước họ lặng lẽ ngồi yên, ủ rũ như không còn sinh lực.

May mà các y tá đã can thiệp kịp thời, đưa các cụ trở về phòng an toàn.

Mọi người bị một phen hú vía.

Xong phần việc của mình hôm nay, tôi định về, thì chợt thấy ông cụ Joe. Bao giờ cũng thế, ông luôn ngồi lặng nhìn ra cửa sổ. Chưa bao giờ ông chấp nhận lời đề nghị chăm sóc của tôi.

Tôi đến bên ông:

— Chào ông.

— Tôi không có nhu cầu được cô chăm sóc đâu nhé. Ông tỏ vẻ khó chịu.

— Vâng, cháu biết. Nhưng sao ông không thử một lần đi ạ. Móng chân lâu không cắt dễ bị nhiễm trùng lắm.

— Tôi không muốn. Ông lớn giọng gay gắt.

Nhạc chuông của tôi chợt vang lên …Chiều dần buông màu tím. Vẳng bên sông lời hát êm đềm… Tôi bấm tắt điện thoại và chào ông, dợm bước đi.

Nhưng ông gọi giật:

— Này, cô.
Tôi quay người lại:

— Gì ạ?

— Bài Cây Thùy dương, phải không?

— Vâng, ông cũng thích bài hát đó à?

Ông gật đầu và ngập ngừng:

— Cô… có thể cắt móng giùm tôi không?


Thoáng ngạc nhiên, nhưng tôi cũng ngồi xuống bên ông.Trong lúc tôi làm việc, ông yêu cầu tôi mở lại nhạc chuông cho ông nghe. Tôi tải bài hát đó, và bật chế độ lập lại. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Chỉ có điệu nhạc êm dịu vang lên. Từ khóe mắt nhăn nheo của ông, ứa ra hai giọt lệ long lanh.

  

Đất nước ông là xứ sở của cây Thùy dương. Những cây Thùy dương mọc thẳng tắp, cành mềm đu đưa khắp những con đường. Người Nga yêu cây Thùy dương, vì nó biểu hiện cho tinh thần hào phóng và vị tha của dân tộc mình.


Vậy mà ông đã đánh mất đi bản chất tốt đẹp ấy tự bao giờ.


Ngày rời bỏ quê hương đến đây lập nghiệp, ông đã ấp ủ bao nhiêu hoài bão. Nhưng cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người không dễ dàng như ông tưởng. Bất đắc chí, ông vùi vào rượu để quên nỗi sầu. Rượu đã thay đổi hoàn toàn con người ông.

— Bốp ! Chát ! Bốp !

Ông vung tay lên đánh mạnh vào người vợ một cách không thương tiếc. Tiếp tục là những cú đá, đập tàn nhẫn.

Đứa con gái nhỏ của ông vừa gọi Mẹ ơi vừa khóc. Ông quay sang, chỉ tay vào mặt nó, mắt vằn lên những tia máu đỏ:

— Mày có câm ngay không, hay đợi tao cho vài cái tát, hả?

Con bé sợ hãi chui rút xuống gầm bàn, thit thít.

Bà thường ra ngoài với chiếc khăn choàng che kín mặt. Những trận đòn vô cớ xảy ra cùng với những cơn say của ông.

Rồi hàng xóm phát hiện, báo cho cảnh sát. Nhưng vì quá yêu ông, bà phản cung chối bỏ hết những tội lỗi của chồng. Ông được tha về. Nhưng thay vì biết ơn và yêu quý vợ mình, ông lại ích kỷ một cách hèn nhát. Gom hết số tiền dành dụm của hai vợ chồng, ông bỏ đi.


Tôi dừng lại ở phòng chờ, đến bên quầy tiếp tân.

Nina bắt chuyện với tôi:

— Hôm nay em về muộn nhỉ ?

— Vâng, em chăm sóc thêm một “khách hàng” mới.

— Ai vậy ?

— Ông cụ Joe.

— Joe ? Nina mở to mắt. Đôi  mắt màu xanh biếc với hàng lông mi dày rợp như cánh bướm ánh lên vẻ ngạc nhiên.

Tôi gật đầu, mỉm cười.

— Ông cụ rất lạ lùng. Không thích giao tiếp với người nào trong viện dưỡng lão này. Cũng chưa bao giờ có ai đến thăm viếng ông cả.

Bây giờ đến phiên tôi ngạc nhiên:

— Không gia đình hay bạn bè nào cả ư?

— Một trong những điều hiếm hoi mà mọi người biết về ông, là ông người gốc Nga, qua cái tên Joe Ivanov.


Không khí bỗng chùng xuống. Chúng tôi không biết gì về quá khứ của ông. Nhưng, một người già nua, tàn tật phải sống trong cô đơn những ngày cuối cuộc đời, thật đáng thương vô cùng.

 

Từ lần đó, ông trở thành “khách hàng” đặc biệt và thường xuyên của tôi. Cả những lần chưa đến lượt ông làm móng, tôi cũng dành thời gian gặp ông.

Như hôm nay, tôi đem cho ông con búp bê Nga bằng gỗ, xinh xắn.

— Sao cháu có được con búp bê này ? Ông cầm lấy, nâng niu món quà trên đôi tay run run.

— Cháu tình cờ tìm thấy khi đi hội chợ.

— Bím tóc của bà ấy ngày còn trẻ cũng dày như thế này. Ông thầm thì như nói với riêng mình.

Tôi tò mò :

— Chắc là bà đẹp lắm phải không ông?

— Ừ,… Ông buông lưng chừng câu, đắm chìm vào ký ức.


Ông nhớ mái tóc bà dài và dày lắm. Khi bà nắm tay ông chạy tung tăng trong rừng, bím tóc bà tung tẩy thật đáng yêu. Ông nhớ chiếc váy đầm bà mặc, xòe ra mỗi khi bà xoay vòng, làm những họa tiết tinh xảo trên áo lung linh như bay lượn.

Mùa Xuân. Những cây Thùy dương trổ hoa trắng xóa…

— Hẵng là ông yêu bà lắm.                       


Ông như không nghe thấy gì, đưa mắt mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, im lặng với thế giới riêng của ông.


— Tuần sau cháu sẽ không đến đây, ông nhé. Tôi vừa nói vừa lau tay cho ông Joe.

— Cháu bận việc gì à ?

— Vâng, cháu cùng bạn trai về Augusta thăm chị gái của anh ấy đang nằm viện.


Ông như linh hoạt hẳn lên:

— Augusta Hospital ?

— Vâng, ông biết bệnh viện ấy sao?

— Con gái của ông, Janet, là y tá ở đấy. Ông nói với niềm tự hào.

Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu.
— Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?

Vẻ rạng rỡ trên gương mặt ông biến mất. Tôi có thể cảm nhận một tiếng thở dài rất nhẹ, nén lại những cơn đau. Ông thì thào như hơi gió:

— Không.

Đôi mắt ông biểu hiện sự day dứt đến tận cùng:

— Ông không có quyền đó, cháu à.

— … Đau khổ nhất của con người, là khi biết mình làm sai, mà không còn cơ hội để sửa sai…

 

Chúng tôi đến Augusta vào khoảng bốn giờ chiều. Nam nhìn đồng hồ rồi nói:

— Hãy còn sớm. Mình vào bệnh viện trước nhé.

— Vâng.


Bệnh viện thật lớn và quy mô. Khi vừa bước ra thang máy, tôi chợt thấy một bóng y tá đi ngang qua. Gương mặt cô phảng phất nét đẹp đặc trưng của dân du mục. Theo quán tính, tôi đi theo cô ta, và bật ra một cái tên:

— Janet Ivanov!


Cô gái khựng lại, ngoái nhìn, rồi đi thật nhanh.

Tôi đuổi theo, gọi to một lần nữa:

— Janet Ivanov! Chờ tôi với!


Cô gái nhìn tôi, lạnh lùng chỉ vào bảng tên trên ngực áo cô — Janet Anderson.

— Cô nhìn rõ chưa? Tôi và cô không quen biết nhau, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, họ tôi không phải Ivanov. Điều cuối cùng, tôi không muốn bị ai đó nhận vơ và làm phiền.


Tôi nhìn gương mặt cô. Trời ơi, sao cha con họ giống nhau đến thế. Ánh mắt này, chiếc mũi, chiếc cằm này. Cả vẻ lạnh lùng, khó chịu nữa chứ.

— Tôi chỉ xin cô năm phút thôi. Tôi nói nhanh.

— Tôi làm việc thiện nguyện trong viện dưỡng lão, nơi cha cô đang sống. Ông rất cô đơn, chưa bao giờ được người nào thăm viếng suốt bao nhiêu năm nay…


Cô ngắt lời:

— Chuyện đó không liên quan gì tới tôi.

— Ông luôn dằn vặt bản thân mình vì cho rằng, điều đau khổ nhất của con người là biết mình sai mà không có cơ hội sửa sai.

— Cô đã nói đủ chưa ? Làm ơn tránh ra cho tôi còn làm việc nữa.


Tôi vẫn ngoan cố nói tiếp, vì biết chẳng còn dịp nào nữa:

— Tôi không biết việc gì đã xảy ra trong quá khứ của gia đình cô. Nhưng, xin cô hãy đến gặp ông ấy một lần. Có một ông già đang sống trong ăn năn, đau khổ suốt những ngày bệnh tật cuối đời. Người đó là cha cô.


Cô lạnh lùng rảo bước đi:

— Ông ấy đáng được như thế.


Tôi chỉ kịp dúi vào tay cô tấm card của viện dưỡng lão.

Nam đến bên tôi :

— Người yêu tôi lại làm thêm một việc bao đồng rồi.

Tôi ngước đôi mắt rơm rớm nhìn anh:

— Nhưng anh yêu em cũng chính vì vậy, đúng không?

Nam không trả lời. Bàn tay anh xiết chặt vai tôi, đầy yêu thương.

 

Janet ngạc nhiên khi thấy chồng chờ cô ở bãi đậu xe.

— Sao hôm nay anh lại đến đón em?

— Anh muốn dành cho em một sự bất ngờ thôi. Lên xe đi, chúng mình đi ăn tối.

— Còn xe em?

— Em cứ để lại đấy. Mai anh sẽ đưa em đi làm.

Felix Anderson mở cửa xe cho vợ.

Janet nhoài người qua hôn anh:

— Cảm ơn chồng yêu của em.

Chiếc Lexus đời mới màu trắng lướt nhẹ trên đường. Janet ngồi yên nhìn mông lung, vẻ mặt đăm chiêu tư lự. Khi dừng ở ngã tư chờ đèn đỏ, cô chợt thấy một ông già mặc áo choàng cũ, đeo tấm bảng homeless  trước ngực, đang ngồi gục xuống, chờ sự bố thí của người qua đường. Cuối mùa thu, trời se se lạnh. Giữa tranh tối tranh sáng buổi cuối ngày, hình ảnh ấy càng thêm ảm đạm.

Cô nhắm mắt lại.

Bảy tuổi, con bé đã lon ton theo phụ mẹ làm vườn cho nhà hàng xóm. Mẹ cắt cỏ, con gom lá. Xong việc, mẹ gom tất cả cỏ rác vào một nơi rồi châm lửa đốt. Những khi đó, mặt mẹ buồn so và mắt mẹ long lanh.

Con bé chạy đến ôm mẹ và hỏi :

— Sao mẹ khóc ?

Mẹ lắc đầu bảo chỉ là khói làm cay mắt mẹ thôi. “

“Ngày tốt nghiệp high school, chỉ một mình con bé đến. Chỉ một mình con bé lẻ loi khi các bạn đều có gia đình.

Lúc ban tổ chức xướng tên, con bé lẳng lặng lên nhận bằng. Đôi mắt nó ngơ ngác mở to nhìn khắp khán phòng, mong thấy được một hình bóng thân quen. Chẳng có ai hết. Nước mắt nó chảy dài, cầm lấy tấm bằng. Hôm nay là ngày trọng đại nhất cuộc đời học sinh của nó.

Mẹ vừa phẫu thuật breast cancer xong, nằm trong bệnh viện. Con bé vội vàng chạy về với mẹ.

Những lo toan, lao lực, đã làm mẹ kiệt sức. Hình như, mẹ đã cố vượt qua tất cả những đau đớn thể xác, chỉ để chờ con bé ra trường.

Khối u ác tính. Mẹ ra đi ngay sau đợt hóa trị đầu tiên.

Trước mộ mẹ, con bé rũ rượi gục đầu, hứa sẽ cố gắng thành đạt như ý nguyện của mẹ.

Mười tám tuổi, con bé đã bơ vơ giữa cuộc đời.

Tuổi mười tám của con bé mồ côi không có hoa Hồng ngát hương, không có những tháng ngày bình yên trong vòng tay yêu thương của mẹ cha. Chỉ có những cái gai nhọn đâm xước trái tim bé nhỏ.

Con bé cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống. Cố gắng giành lấy từng học bổng. Cố gắng. Cố gắng . Và cố gắng. Mọi gánh nặng trĩu trên đôi vai bé bỏng.

Nhiều lúc, con bé nép sau cửa sổ nhìn sang nhà hàng xóm. Ánh đèn vàng ấm áp,tiếng cười nói rộn ràng, mùi thức ăn thơm nồng mũi. Con bé ước gì có mẹ , có một dĩa mì ống nóng hổi. Hai mẹ con sẽ cùng ăn như ngày nào. Chỉ cần như thế thôi, mẹ ơi ! “

 

Felix dừng xe trước nhà hàng, nhưng không vào vội. Anh quay sang nắm tay vợ, ân cần :

— Nào, có chuyện gì, nói cho anh nghe đi.

Janet cảm nhận được sự quan tâm của chồng qua cái xiết tay thật chặt. Cô hít một hơi thật sâu, rồi kể cho anh nghe cuộc gặp gỡ với cô gái ban chiều.

— Cô ấy có quyền gì để nói với em những lời như thế ?

Đôi vai cô run lên cố ghìm lại tiếng nấc nghẹn:

— Cô ấy có biết rằng, trong lúc cô ấy và những đứa trẻ khác sống trong bình yên, hạnh phúc, thì em phải sống như thế nào không?

Quá khứ gợi về làm dậy lên nỗi đớn đau ngỡ đã lắng chìm trong cô. Anh có thể nghe thấy sự xúc động lẫn giận dữ , qua giọng nói của cô.

— Nếu là em, cô ấy có dễ dàng tha thứ không ?

Felix kéo vợ vào lòng. Anh hiểu cô đã đau khổ như thế nào, gian truân như thế nào… Một cô gái tội nghiệp nhưng đầy nghị lực.

Lòng anh cũng quặn đau theo tiếng khóc của cô. Anh ghì chặt cô hơn:

— Anh biết, khó có thể quên và tha thứ. Nhưng cũng không dễ dàng gì để mang canh cánh bên mình hận thù và đau đớn.


Bằng tất cả trìu mến, anh thầm thì bên tai cô:

— Em không còn phải bước đi một mình nữa, vì anh sẽ bên em suốt cuộc đời.

 

Tuần này, tôi đến viện dưỡng lão vào thứ năm, thay đổi lịch trình bình thường, vì cuối tuần là Giáng Sinh.


Hôm nay, không khí nơi đây như rộn rã hẳn lên. Những chiếc nơ đỏ thắm được treo trên các khung cửa. Đặt giữa phòng khách là cây thông thật to, được trang hoàng bằng dây kim tuyến, những trái châu và đèn đủ màu rực rỡ. Ti vi đang chiếu chương trình nhạc Giáng Sinh.

Bà Anne vừa hát vừa lắc  lư người theo điệu nhạc:

“… We wish you a  Merry Christmas. We wish you a Merry Christmas…”


Tôi phải liên tục nhắc bà:

— Bà ngồi yên thì cháu mới cắt được chứ.


Cười móm mém, bà khoe:

— John sắp đến đón bà rồi .

— John là con trai bà à ?

— Ừ. John sẽ đưa bà về nhà . Nó yêu mẹ lắm.


Vừa dứt câu, bà lại tiếp tục lắc lư và hát. Lần này là bài hát mới:

“… Santa Clause is coming to town…”


Tôi lắc đầu cười, thông cảm với niềm vui của bà.


Cửa phòng bật mở. Y tá trực đưa hai người khách vào và thông báo:

— Ông Joe Ivanov có thân nhân đến thăm.

Tôi dừng tay, ngước lên, thảng thốt kêu:

— Janet!

Chiếc xe lăn xoay vội vàng. Ông cụ Joe sững người, nhìn trân trối trước mặt, như không thể tin vào mắt của mình.

Môi ông mấp máy không thành tiếng, khi nước mắt chảy thành dòng trên gương mặt nhăn nheo.

Người chồng ôm lấy vai cô. Anh không nói lời nào, nhưng ánh mắt nhìn cô rất ấm áp.

Cô sửng sốt nhìn ông già lụm cụm đang ngồi trên xe lăn.

Cha cô đó sao. Trước mặt cô không phải là người đàn ông hung hăng, tàn nhẫn nồng mùi rượu như trong trí nhớ của cô.

Joe ngập ngừng đưa hai cánh tay gầy guộc về phía trước. Môi ông run rẩy mấp máy. Tiếng gọi thân thương từ bao lâu bị kìm nén trong lòng vì mặc cảm tội lỗi, chợt bật ra cùng nỗi đau tức tưởi:

— Janet, con gái của ba!

Tiếng gọi như tiếng nấc nghẹn ngào xé tim cô.

Cô như thấy lại hình ảnh người cha với  đôi tay rắn rỏi dang rộng ra đón lấy đứa con gái bé nhỏ đang lẫm chẫm những bước chạy. Ông nhấc lấy nó, công kênh  lên vai và hát vang bài hát quen thuộc bằng chất giọng ồm ồm. Con bé cũng bập bẹ hát theo. Bài gì nhỉ. À, Cây Thùy dương. Bao nhiêu năm rồi, cô vẫn chưa quên âm điệu của nó.

Nước mắt cô chảy tràn xuống má từ bao giờ.

Cô nhìn sang chồng. Anh mỉm cười gật đầu.

Cô bước nhẹ về phía trước, cúi người xuống, đặt bàn tay mình lên tay cha, khẽ bật lên tiếng gọi nghẹn ngào:

— Ba ơi!

Có những tiếng sụt sùi vang lên.

Bà Anne rút tay lại, lau nước mắt.

Căn phòng như lắng đọng trong cảm xúc bất chợt.

Tôi mỉm cười trong nước mắt. Cuối cùng rồi cha con họ cũng đoàn viên.


Trên ti vi, người ta đang chúc mừng nhau rôm rả:

— Chúc mừng Giáng Sinh!

— Giáng Sinh an lành!


Vâng, một mùa Giáng Sinh lại đến, trong bình an và hạnh phúc.

  

Biển Cát

Ý kiến bạn đọc
07/12/202419:05:30
Khách
Cảm ơn bạn Mimi rất nhiều.
02/04/202421:34:07
Khách
Bài viết cảm động và hay quá. Cảm ơn Tác Giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,794
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Một ngày trước mùa lễ Giáng Sinh, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Trong đường dây điện thoại tôi nghe bà khóc. Vừa khóc bà vừa kể chuyện thằng Út bỏ học. Bà nói cả nhà chúng tôi ai cũng khuyên bảo to nhỏ với nó, nhưng nó không nghe. Nhà chỉ còn mình tôi là chưa khuyên răn nó. Mẹ tôi nói: "Con gần tuổi với nó nhất, biết đâu con khuyên răn được nó đi học trở lại." Tôi lặng người nghe mẹ kể mà không biết an ủi mẹ như thế nào. Tôi nói với mẹ cuối tuần này, anh Đức, một người bạn của tôi về thăm nhà tôi sẽ quá giang nhờ xe để thăm nhà và nói chuyện với Út để coi sao. Tôi nói bà hãy yên tâm. Tôi hy vọng rằng sẽ khuyên bảo được Út trở lại trường để học.
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.
Cách nay mấy tuần, tôi đến thăm một người bạn thân đang ở trong nhà dưỡng lão Elmwood House ở Quận Arlington. Cái khung cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời và thân phận tuổi già. Ra khỏi thang máy tầng lầu 2, trước mặt là một phòng rộng, bày biện mấy bộ salon, năm ba chiếc bàn vuông, bàn tròn sắp xếp gọn gàng; bên phải, bên trái là hai dãy hành lang dẫn vào các phòng ngủ – hun hút, im lìm. Năm bảy cụ quây quần trong phòng giải trí này chuyện trò, đánh cờ tướng, xoa mạt chược, chơi tứ sắc hay bài Tây. Bỗng tôi trông thấy ông Phan đang ngồi đánh cờ tướng với ông cụ cùng trạc tuổi ở chiếc bàn gần cửa. Một chút ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: “chẳng lẽ ông ta cũng vào nhà dưỡng lão?” Hỏi thế, bởi vì ông Phan có đến bốn đứa con học hành thành đạt, đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, tưởng chừng về già ông ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời nào ai biết chắc tuơng lai?
Cái gì? Trại hè Niềm Tin 10 hả? Trời đất quỷ thần ơi, mới ngày nào còn là trại Niềm Tin 1 mà bây giờ đã trại Niềm Tin 10 rồi sao? Thời gian đi nhanh khủng khiếp. Tôi vẫn còn nhớ….
Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thượng Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Bài viết mới của tg về câu chuyện muôn thuở: "Tình".
Ông Ronnie năm mươi bảy tuổi, Mỹ đen nhưng nhỏ con cũng xêm xêm Steven, đã thế mắt lại hơi xếch, tóc nối và thắt thành cái bím dài giống hệt mấy anh thổ dân da đỏ, lại giống đuôi sam mấy anh ba Tàu. Ông Ronnie có trách nhiệm giao và nhận hàng đến đi, hổng biết sao ổng lại nhanh nhạy như những tay thám thính, hễ trong hãng có động tịnh gì là ổng biết sớm nhất, ai còn ai bị ra đi, ai lên hương, ai xuống chó, phúc lợi thế nào… Ổng biêt hết ráo và luôn mách cho Steven, dĩ nhiên là lúc nào cũng kèm theo câu căn vặn:” Im miệng đấy nhé! Tao chỉ cho mày biết thôi đấy!”
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung, những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
Nhạc sĩ Cung Tiến