Tác giả Nguyễn Hữu Thời đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ rất sống động và xúc động. Trước 1975 tại VN, ông dạy học, sĩ quan Quân nhân QLVNCH (Khóa 18 Thủ Đức), nguyên hiệu trưởng Trường Trung Học Lê Văn Duyệt, tỉnh Quãng Ngãi. Nghề nghiệp hiện tại: Senior Computer Specialist III (Metrum- Datatape Inc, Sypris Co). Sau đây là bài viết mới của ông.
*
Kim dạ quang đồng hồ chỉ đúng một giờ ba mươi sáng. Ánh đèn điện vàng vọt từ ngoài đường chiếu vào bãi chứa xe phế thải khi sáng, khi mờ, chập chờn tàng cây che khuất theo gió, lúc ẩn, lúc hiện như những điệu múa quái gỡ của những thổ dân các bộ lạc Nam Mỹ xa xưa.
Trụ thu mình đứng gác cạnh chiếc xe “van” phế thải nhìn trước trông sau, những cửa kiếng xe đã được tháo gỡ lâu rồi, từ chỗ này có thể thấy suốt tới hàng rào cuối bãi. Cảnh vật thật tỉnh mịch, yên lặng như đang chìm vào giấc ngủ mê man, thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa từ xa vọng lại lan dài trong đêm vắng mênh mông.
Trụ miên man nghĩ ngợi những đêm gác này sao nó không giống những đêm gác ở trường Bộ binh Thủ Đức năm nào. Như đã lâu lắm rồi, bao tang thương, dâu bể đổi thay, nhưng Trụ còn nhớ mồm một những đêm tiểu đoàn 1 SVSQ được lệnh di kích và gác quanh quân trường. Đứng trên vọng gác cao, Trụ có thể liên lạc với các bạn đồng khóa cùng gác bằng điện thoại nhà binh khi nhìn thấy những điểm gì khả nghi trong đêm tối.
Ở Thủ Đức mình gác giặc Cộng, ở đây mình gác kẻ trộm vào gỡ “part” ở bãi đậu xe phế thải. Hồi ở Thủ Đức với khẩu “garant M 1”, bây giờ là “Cold 12”.
Lúc ở quân trường mình học hành, canh gác với lý tưởng khi ra trường sẽ góp phần vào bảo vệ quê hương, chống lại bọn cường quyền Cộng Sản xâm lăng và xây bao mộng đẹp cho người con trai đầy nhiệt huyết và mơ tưởng khi đất nước thanh bình không còn chiến tranh, giết chóc, nồi da xáo thịt. Mình sẽ đi du lịch khắp mọi miền đất nước thân yêu.
Giờ ở đây cũng là canh gác nhưng là ông già tuổi gần đến lục tuần (60), thỉnh thoảng toàn thân người rung lên với những cơn ho dài rũ rượi, chứng tích của những năm tháng ngục tù, đầy đọa ở những trại tù Cộng Sản miền Bắc.
Ở Mỹ đến 65 tuổi mới được nghỉ hưu, ở Việt Nam mình đã nghỉ hưu gần 5 năm rồi nhỉ (55 tuổi). Suy nghĩ vẫn vơ như vậy, Trụ bỗng bật cười và từ từ đi lại phía cổng. Bỗng nghe đằng sau có tiếng chạm mạnh vào thành xe, rồi im bặt. Trụ quay lại, nhẹ nhàng thận trọng, rón rén lại gần chỗ phát ra tiếng động; tay phải để sẳn lên bảng súng, mắt chiếu tầm quan sát chăm chú vào mục tiêu trước mặt. Thì ra là chú chó hoang đang lãng vãng kiếm ăn, thấy Trụ đến nó vùng chạy thật nhanh, thoáng một cái đã mất hút trong đám xe phế thải và sắt vụn ngổn ngang.
Đây là tháng thứ tư Trụ được công ty phân phối đến đây canh gác ca ba từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Mấy tháng trước được gởi đến canh gác ở các siêu thị thấy dễ chịu hơn. Thỉnh thoảng, gặp lại bạn cũ đi chợ hay mua hàng, Trụ chuyện vãn lai rai và cảm thấy ấm áp dễ chịu. Vả lại làm ca ngày thấy thuận tiện hơn và tối có thì giờ đi học một nghề chuyên môn. Hơn nữa, làm ca ba này, khi xuống ca, sáng lái xe về đôi mắt cay quá và lái xe chạy ngất ngư, lạng quạng như người say thuốc hay say rượu. Có lần, Trụ bị cảnh sát chặn lại xét hỏi, thử nghiệm, thấy không có gì nên họ mới dễ cho đi, tuy nhiên, họ cũng cảnh cáo là phải cẩn thận khi lái xe.
Hơn một tháng nay, ở bãi đậu xe phế thải này thường nghe nhiều tiếng động lạ, nhưng khi Trụ lặng lẽ đến nơi, thì thấy không mèo thì cũng là những chú chó hoang đang đi lang thang kiếm ăn hay rình bắt chuột. Trụ cho rằng công ty phát súng cho mình chỉ là để tự vệ thôi, chứ chưa bao giờ Trụ nghĩ là sẽ dùng súng ấy bắn vào những người lẻn vào gở trộm những “part” xe. Họ cũng là những người nghèo vì thiếu ý chí tự lập nên thường áp dụng câu châm ngôn “Túng thì phải tính, Bần cùng sinh đạo tặc” và trở thành ông đạo chích.
Ở Mỹ mà làm ông đạo chích thì thật là nguy hiểm, mất mạng như chơi vì nhà ai cũng có súng. Từ con nít đang học tiểu học đến ông bà già ở viện dưỡng lão, ai cũng biết xài súng ngọt liệm.
Trụ đọc báo và xem truyền hình thường thấy học trò các trường ở My,õ thỉnh thoảng đem súng vào trường bắn loạn xà ngầu, làm chết nhiều học sinh và thầy giáo, gây kinh hoàng cho giới phụ huynh và nhà chức trách. Báo chí và truyền hình Mỹ loan tin và bình luận ồn ào một lúc, các ban giám đốc trường tổ chức kiểm soát chặt chẽ. Học sinh đến trường giống như chúng ta vào phi trường Mỹ, đi du lịch hay đi đó đây bằng máy bay. Các em phải sắp hàng đi qua mấy đồ điện tử để cảnh sát, an ninh xem xét trong người có mang vũ khí hay không. Hoa Kỳ là một nước không có chiến tranh xảy ra cả hơn trăm năm nay, từ sau nội chiến Nam Bắc (1861-1865), người dân Mỹ được sống hòa bình, êm ả, chỉ lo làm ăn, đóng thuế, và hưởng thu.ï Nay lại phải đối phó với nạn xài súng bừa bãi trong dân chúng, thật là điên cái đầu cho các cấp chính quyền, cảnh sát và những phụ huynh có con em đến trường hằng ngày.
NGUYỄN HỮU THỜI