Hôm nay,  

Mười Năm Trại Hè

12/01/202308:53:00(Xem: 1648)

Tác giả Trần Quốc Sỹ sanh năm 1952 tại Nam Định, Việt Nam Di cư vào Nam năm 1954, từng phục vụ trong Không Quân Việt Nam. Định cư tại Nam California từ 1975. Tới với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất, ông Sỹ đã liên tục góp nhiều bài viết sống động.  Năm 2008, ông nhận giải danh dự với bài viết “Ngả Rẽ Cuộc Đời” Đây là bài mới nhất của Ông

 

***

         Cái gì?  Trại hè Niềm Tin 10 hả?

Trời đất quỷ thần ơi, mới ngày nào còn là trại Niềm Tin 1 mà bây giờ đã trại Niềm Tin 10 rồi sao?  Thời gian đi nhanh khủng khiếp.  Tôi vẫn còn nhớ….

         Thực ra, trước khi trại hè Niềm Tin ra đời, Nam Cali đã có trại hè Tình Quê Trên Đất Mới.  Trại được tổ chức vào mùa hè năm 1977 dưới sự linh hướng của các cha Nguyễn An Ninh, Đỗ Quang Biên và Chu Quang Minh.  Trại trưởng của trại TQTĐM là anh Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Bạn Trẻ Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ (cái tên dài nghe muốn chóng mặt!) với sự cộng tác của các thành viên trong Ban Đại Diện của Hội, cùng sự góp sức của  các anh em trong Gia Đình Giao Chỉ, trong số đó có tôi, Hải “gà tồ”, Tài “cận”, Hoàng, Tuyển, Xuân và nhiều anh em khác.  Ngày đó, số trại sinh tham dự đông lắm.  Tuy tôi không nhớ con số chính xác, nhưng chắc chắn phải trên con số năm 500 trại sinh.  Có lẽ trại hè Tình Quê Trên Đất Mới, đúng như cái tên, là trại hè đầu tiên được tổ chức trên đất mới (Hoa Kỳ) sau biến cố tháng 4/75.  Thêm vào đó, các em choai choai thời 1977, một phần vì thương nhớ hương vị quê hương, một phần vì rảnh rang, dư thì giờ, lại không có nhiều mục giải trí như hiện tại nên đã hồ hỡi ghi tên tham dự rất đông.  Đất trại là sân trường Don Bosco, thuộc thành phố Rosemead.  Sinh hoạt trại cũng bao gồm đầy đủ các món ăn chơi như các trại hè Niềm Tin sau này.  Nhưng có lẽ vì yểu tướng nên trại hè Tình Quê Trên Đất Mới, sau đổi tên là trại Tình Quê, chỉ sống được có 3 năm.  Sau trại hè Tình Quê 3, cả Linh Mục lẫn Ban Điều Hành trại đều phải ngậm ngùi “tan hàng cố gắng”.

Bẵng đi một thời gian dài, đến mùa hè năm 1986, Cha Châu Xuân Báu, vì thương đám thanh niên trẻ vất va, vất vưởng không có nơi sinh hoạt, nên Cha đã triệu tập các vị Chủ Tịch các Cộng Đoàn, cùng nhau ngồi xuống để tính kế hoạch tổ chức lại trại hè cho giới trẻ. Kết quả, tháng 7 năm 1986, trại hè mang tên Niềm Tin được khai sinh.

         Địa điểm được chọn để tổ chức Trại Hè Niềm Tin 1 cũng là nơi mà 3 trại Tình Quê đã tổ chức: sân trường Don Bosco, Rosemead.  Tôi không hiểu tại sao các vị trong ban tổ chức lại có vẻ “mê” Don Bosco đến như vậy? Mùa hè ở Rosemead nóng như lò lửa, sân trường Don Bosco vừa nhỏ lại ít cây to.  Một trở ngại khác của Don Bosco là trại sinh không được đốt lưả.  Vì vậy, trong đêm sinh hoạt lửa trại, các trại sinh đã được thưởng thức những màn “lửa giả”.

         Tuy nhiên, sức nóng của Rosemead và màn lửa giả đã không làm nản chí các anh chị có máu ghiền đi trại. Trại hè Niềm Tin 1 đã đạt được con số kỷ lục:  641 trại sinh.  Giám Đốc kiêm Linh Hướng trại là Cha Châu Xuân Báu, Ban Điều Hành trại là các vị Chủ Tịch các Cộng Đoàn.

         Phải thành thật mà nói, Cha Báu và các vị Chủ Tịch chẳng có một chút kinh nghiệm nào về tổ chức, điều hành và sinh hoạt trại.  Thậm chí, nhiều vị trong Ban Điều Hành có lẽ trong đời chưa một lần tham dự trại.  Nhưng bù lại, Cha Báu và các vị Chủ Tịch lại có một tấm lòng tha thiết với các bạn trẻ thật sâu đậm, nên các ngài đã bỏ hết tâm sức, thời giờ và tiền của để tổ chức Trại Hè Niềm Tin 1, chỉ với mục đích mang lại cho đám thanh niên ba ngày trại vui vẻ.

         May mắn thay, Ban Điều Hành “thực sự” hay Ban Sinh Hoạt của Trại Hè Niềm Tin 1 lại toàn là thứ “chiến”, dân Hướng Đạo chính gốc, kinh nghiệm đầy mình trong việc tổ chức, điều hành và sinh hoạt trại.  Đáng kể nhất phải nói đến hai ông “vua” sinh hoạt: Ngô Văn Châu và Đỗ Quang Dược.  Hai ông này là linh hồn của Trại Hè Niềm Tin 1.  Điểm đặc biệt nhất của trại là sự góp mặt của ca sĩ Bích Thuận, chị đã từ Paris, vượt trùng dương bay về Nam Cali để tham dự trại.  Chị đã sống và sinh hoạt trọn ba ngày trại với các trại sinh. Trại Hè Niềm Tin 1 coi như đã thành công quá cỡ thợ mộc.  Chúng con xin chân thành cảm ơn Cha Báu cùng các quý vị Chủ Tịch các Cộng Đoàn.

         Thừa thắng xông lên, Trại Hè Niềm Tin 2 được tổ chức vào tháng 9 năm 1987, cũng tại… khỏi nói cũng đoán trúng… sân trường “lò lửa” Don Bosco. Cũng như trại NT1, Giám Đốc kiêm Linh Hướng Trại Hè Niềm Tin 2  vẫn là Cha Châu Xuân Báu, Ban Điều Hành trại là vẫn là các vị Chủ Tịch các Cộng Đoàn cùng các anh em trong Ban Sinh Hoạt trại NT1 đảm trách, ngoại trừ sự hiện diện của một nhân vật mới: anh Trần Văn Tuy.  Anh Tuy thuộc CĐ Long Beach, đảm nhận chức vụ Tổng Thư Ký.  Anh Tuy là người có công nhiều nhất cho trại hè Niềm Tin 2 cũng như trong các trại hè Niềm Tin sau này.  Sinh hoạt Trại Hè Niềm Tin 2 có thêm một món ăn mới, đó là trò chơi góc trại.  Những trò chơi này được  thiết lập nơi đất trại của các đoàn tham dự.  Các trại sinh của các đoàn khác đuợc mời đến thử lửa.  Trại sinh nào qua được nhiều cửa ải nhất sẽ chiếm giải nhất.  Trại Hè Niềm Tin 2 đã thu hút được gần 400 trại sinh.

         Tiếp tục truyền thống, Trại Hè Niềm Tin 3 được tổ chức vào tháng 9 năm 1988 tại… có ai muốn đoán thử không? Đúng rồi… lại sân trường “lò lửa” Don Bosco (thôi nghe quý vị trong ban tổ chức, trại sinh chúng em chán Don Bosco lắm rồi !).  Trại Niềm Tin 3 không có gì đặc sắc đáng nói.  Trại cũng thu hút được khá đông trại sinh, trên 400 em tham dự.

         Trại hè Niềm Tin 4 được mệnh danh là trại lớn nhất, đẹp nhất, và… tốn nhiều tiền nhiểu nhất trong 10 trại hè.  Trại Hè Niềm Tin 4 được tổ chức vào dịp lễ Độc Lập năm 1989.  Điạ điểm tổ chức? …No way, no more Don Bosco!.... Lần này, trại được tổ chức tại Chủng Viện Rancho Dominguez Hill, thuộc thành phố Compton.  Toạ lạc trong một khuôn viên khá rộng, rợp bóng cây, có nhà ngủ nam, nữ riêng, lại còn có thêm một hồ bơi tiêu chuẩn Olympic nữa, điạ điểm tổ chức Trại Hè Niềm Tin 4 thật là lý tưởng.  Cái giá phải trả cho sự lý tưởng lại quá đắt.  Năm đó, Ban Tổ Chức phải trả 5 đô la cho mỗi đầu người.  Những năm về sau, giá tăng gấp đôi, gấp ba.

         Ban Điều Hành Trại Hè Niềm Tin 4 ngoài những tay kỳ cựu của 3 trại trước như anh Châu, anh Dưọc, anh Tuy, anh Tuyển…còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới từ các Cộng Đoàn của TGP Los Angeles.  Linh Hướng kiêm Giám Đốc trại vẫn là Cha Châu Xuân Báu.  Một điều ngạc nhiên là Trại Trưởng của Trại Hè Niềm Tin 4 là một… bác sĩ.  Vâng, thưa các bạn, đúng như thế, một bác sĩ chính hiệu con nai vàng:  đó là BS Trần Việt Cường.  Tuy rất bận rộn với công việc ở bệnh viện cộng thêm việc nhà, BS Cường có lẽ là người tha thiết, quan tâm và lo lắng cho giới trẻ nhiều nhất.  Anh và bà xã: chị Quỳnh Hương, đã tốn rât nhiều công và của cho những sinh hoạt của giới trẻ nói chung và Trại Hè Niềm Tin nói riêng.  Xin được cám ơn anh chị.  Vì là lần đầu tiên đảm nhận vai trò Trại Trưởng, bác sĩ nhà ta lo lắm.  Tuy nhiên, nhìn qua thành quả của ba Trại Hè Niềm Tin với lực lượng hùng hậu của Ban Điều Hành, anh cũng đã an tâm một phần nào.

         Như đã nói ở trên, Trại Hè Niềm Tin 4 đứng đầu về kỷ lục chi tiêu.  Bảng tổng kết cho thấy chi phí trại đã lên đến con số 22 ngàn đô la.  Chỉ riêng cho cổng trại, ban tổ chức đã phải chi hơn một ngàn đô.  Sĩ số trại sinh được hơn 400 em.  Điểm đặc biệt nhất của Trại Hè Niềm Tin 4 là ngoài những giải thưởng thường lệ còn có thêm giải bơi lội.  Đêm văn nghệ của trại được đánh giá đặc sắc nhất, hay nhất vì ngoài phần đóng góp của các Đoàn, còn có sự góp mặt của nhiều ca sĩ tên tuổi.  Vì chi tiêu quá nhiều, kết quả Trại Hè Niềm Tin 4 bị lỗ vốn hơn 3 ngàn đô la.

         Sau 4 năm làm linh hướng cho Trại Hè Niềm Tin, Cha Châu Xuân Báu đã phải từ giã giới trẻ để nhận công tác mới.  Linh hướng cho Trại Hè Niềm Tin 5 được đặt dưới sự linh hướng của Cha Nguyễn Quang Hoà thuộc Cộng Đoàn Phê Rô, Torrance.  Chức vụ Trại Trưởng vẫn do BS Trần Việt Cường đảm nhận.  Ban Điều Hành và Sinh Hoạt trại vẫn do các gương mặt quen thuộc của các trại hè trước điều động. Trại Hè Niềm Tin 5 được tổ chức tại…nói ra mà nản chí anh hùng…sân trường “lò lửa” Don Bosco.  Sinh hoạt trại cũng giống như các trại trước, ngoại trừ, Ban Điều Hành Trại Hè Niềm Tin 5 quyết định chấm giải cổng đoàn.  Vì vậy, các đoàn đã thi nhau xây dựng, tô điểm cho cổng đoàn mình thật đẹp, thật gồ ghề.  Tôi rất ấn tượng với cổng đoàn W.Covina.  Đoàn này do anh Nhượng, một hoạ sĩ, làm đoàn trưởng, đã thực hiện cổng đoàn W.Covina còn vĩ đại và đẹp hơn cổng trại.  Lẽ dĩ nhiên, W.Covina đã đoạt giải cổng trại đẹp nhất.  Đêm văn nghệ của Trại Hè Niềm Tin 5 khá đặc sắc với tài điều khiển chương trình của anh Dược, đã đem lại cho quý quan khách và trại sinh nhưng phút giây thật vui và thoải mái.  Sĩ số tham dự của Trại Hè Niềm Tin 5 cũng được trên 400 em.

         Trại Hè Niềm Tin 6 được tổ chức vào tháng 8 năm 1990 cũng tại… sân trường “lò lửa” Don Bosco (sic!).  Cũng vẫn do Cha Hoà làm linh hướng, anh Cường làm Trại Trưởng.  Cũng vẫn Ban Điều Hành cũ với những khuôn mặt quen thuộc.  Sinh hoạt Niềm Tin 6 không có gì đáng nói vì vẫn là  bổn cũ soạn lại.  Số trại sinh của Trại Hè Niềm Tin 6 sút giảm đáng kể.  Tổng số trại sinh tham dự chỉ hơn 200 em.

         Đáng lẽ ra cái tên Trại Hè Niềm Tin đã bị khai tử sau Trại Hè Niềm Tin 6 bởi vì số trại sinh tham dự tuột dốc một cách thảm hại.  Lý do chính là những sinh hoạt trại đã không lôi cuốn được giới trẻ nữa.  Một lý do khác là ở thời điểm đó, giới trẻ có quá nhiều nơi giải trí, thêm vào đó, cũng có quá nhiều đoàn thể thi nhau tổ chức trại.  Vì vậy, BS Cường và Ban Đại Diện đoàn Thanh Niên thuộc TGP Los Angeles vì quá “nản chí anh hùng” nên đã có ý định không tổ chức Trại Hè Niềm Tin nữa.  Nhưng sau ba bốn lần họp mặt, ngồi xuống với nhau để bàn luận, một phần vì muốn duy trì truyền thống Trại Hè Niềm Tin, một phần vì quan tâm đến giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại, nên một lần nữa, BS Cường đã hy sinh đứng mũi chịu sào, tổ chức Trại Hè Niềm Tin 7.

         Khác với những trại trưóc, Ban Điều Hành trại gồm một số Đoàn Trưởng của các đoàn thanh niên thuộc TGP Los Angeles.  Linh hướng Trại Hè Niềm Tin 7 là Linh Mục Trần Quốc Bảo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.  Cha Bảo năm ấy còn rất trẻ, tuổi chỉ xấp xỉ 30, đẹp trai mà lại hát hay nữa.  Không hiểu có trại sinh nữ nào, sau khi tham dự trại, về nhà “tương tư” Cha không nhỉ?  Trại trưởng của trại NT7 vẫn là BS Cường.  Vì sự “hăm dọa” sẽ “tẩy chay” không tham dự trại của một số trại sinh nếu trại được tổ chức ở Rosemead, Ban Điều Hành trại NT7 cũng đã tẩy chay sân trường lò lửa Don Bosco. Thay vào đó, Trại Hè Niềm Tin 7 được tổ chức tại Shoshonian Camp Site thuộc thành phố Norwalk (thank God!). 

         Shoshonian Camp Site là một địa điểm lý tưởng để tổ chức trại hè.  Chung quanh tường gạch kín, đất đai rộng rãi, cỏ cây xanh mướt lại có nhiều cây cổ thụ với nhiều bóng mát.  Giữa trại là một Amphi-thearter với vòng lửa nên rất thuận tiện cho việc sinh hoạt lửa trại.  Lệ phí đất trại cũng nhẹ hều, chỉ hơn trăm đô.  Tuy nhiên, Shoshonian Camp Site có nhiều điều bất tiện.  Bất tiện thứ nhất là trại không có đủ chỗ đậu xe.  Bãi đậu trước cổng trại chỉ được khoảng cho 20 xe.  Những nguời tới sau, một là phải sang Price Club đậu ké, hai là đậu dọc bên hông trái của trại, gần đường rầy xe lửa.  Đậu bên Price Club thì sợ bị kéo xe và không được đậu xe qua đêm, còn đậu bên hông trại, vừa dơ lại vừa mất an ninh.  Không cẩn thận, sau ba ngày trại, có người phải đi bộ về.  Điểm bất tiện thứ hai là trại không có phòng tắm.  Vì thế, anh Tuyển đã phải làm phòng tắm dã chiến cho các trại sinh.  Phòng tắm được quây kín chung quanh bằng những tấm bạt ny lông.  Cũng may, các nam trại sinh của trại rất lịch sự, không có anh nào trèo cây để “bắn chim” cả.

         So với những trại trước, Trại Hè Niềm Tin 7 có rất nhiều thay đổi.  Thay đổi đầu tiên là trại chỉ có hai ngày thay vì ba ngày như trước đây.  Khai mạc sáng Thứ Bảy và bế mạc chiều Chủ Nhật. Thay đổi thứ hai là các đoàn phải tự túc nấu ăn lấy vì Ban Tổ Chức quyết định không cung cấp phần ẩm thực nữa.  Vì vậy, mỗi trại sinh chỉ phải đóng 15 đô cho lệ phí trại. Số trại sinh tham dự trại 7 cũng không hơn trại 6, chỉ hơn 200 em.  Tuy vậy, Trại Hè Niềm Tin 7 đã đem lại cho trại sinh rất nhiều sinh hoạt sống động.  Điểm đặc biệt của Trại Hè Niềm Tin 7 là các em được tham dự trò chơi lớn (món này đã không có trong các trại hè Niềm Tin trước).  Các trại sinh tham dự đều phải lần lượt qua những trạm hay “cửa ải”.  Nào là bị hành hạ, quỳ, bò, ủi than, xịt nước, thậm chí còn phải bò qua lỗ cống.  Sau khi trò chơi chấm dứt, các trại sinh nam cũng như nữ, người nào người nấy mặt mày lem luốc, tóc tai bơ phờ, lại còn bị uớt như chuột lột.  Ấy vậy mà vui.

         Vì chỉ có hai ngày nên Trại Hè Niềm Tin 7 không có đêm văn nghệ.  Thay vào đó, là đêm sinh hoạt lửa trại, tiếp theo là đêm thánh ca và chia xẻ.  Trong đêm thánh ca và chia xẻ, các trại sinh đã hát những bài thánh ca thật hay và luân phiên chia xẻ những cảm nghiệm của mình thật súc tích và cảm động.  Đêm Thánh Ca kéo dài đến gần 2 giờ sáng, đã để lại trong lòng những trại sinh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

         Trại Hè Niềm Tin 8 được tổ chức vào mùa hè năm 1993.  Mục đích của trại 8 để yểm trợ cho chuyến đi Denver trong ngày Giới Trẻ Thế Giới của các anh chị em thanh niên nam nữ thuộc TGP Los Angeles.  Trại Hè Niềm Tin 8 cũng được tổ chức tại Shoshonian Camp Site và cũng chỉ có 2 ngày.  Tuy nhiên, trại 8 đã có một thay đổi.  Tuy linh hướng trại vẫn là Cha Bảo, nhưng trại trưởng lại do anh Ngô Văn Châu đảm nhiệm thay cho BS Cường.  Anh Châu là người có óc tổ chức và có tài sinh hoạt.  Anh là linh hồn của Trại Hè Niềm Tin.  Thêm vào đó, Ban Điều Hành trại được tăng cường nhiều khuôn mặt mới.  Ngoài những khuôn mặt kỳ cựu như Hùng Canoga Park, Trung San Gabriel, Tuyển Long Beach, Sỹ Torrance,…còn có thêm một nhân vật đáng nói nữa.  Lần đầu tiên trong lịch sử Trại Hè Niềm Tin, một thành viên trong Ban Điều Hành là một bông hoa biết nói.  Đó là sự góp mặt của chị Kim Loan, thuộc cộng đoàn Canoga Park.  Bình thường, chị Loan hiền và rất dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ.  Nhưng khi chị đứng trạm trong trò chơi lớn thì eo ơi, chị dữ ơi là dữ.  Trại sinh nào phải qua cửa ải của bà “cố nội” Loan một lần, bảo đảm sẽ nhớ suốt đời.  Vậy mà, sau trò chơi, các em trại sinh vẫn thương bà “cố nội”.  Thế mới lạ.  Trại Hè Niềm Tin 8 đạt kỷ lục với số trại sinh tham dự ít nhất là 198 em.

         Trại Hè Niềm Tin 9 đã được tổ chức tại El Dorado Regional Park thuộc Long Beach vào trung tuần tháng 8 năm 1994.  Đây là một khu đất rộng, nhiều cây to và bóng mát.  Các trại sinh tha hồ vui chơi mà không sợ bị cháy nắng.  Khác với những trại trước, các trại sinh của Trại Hè Niềm Tin 9 được nhập trại vào chiều Thứ Sáu.  Đây là một thay đổi rất tốt.  Thứ nhất, các trại sinh được hai đêm, Ban Điều Hành có thể tổ chức cả đêm Văn Nghệ và Đêm Lửa Trại.  Thứ hai, trại sinh và các anh chị trong Ban Điều Hành không phải xin nghỉ ngày thứ Sáu.  Trại 9 được linh hướng bởi Cha Nguyễn Tất Thắng, một linh mục của giới trẻ ở Canada.  Cha có lối nói chuyện rất khôi hài và có tinh thần hoà đồng tuyệt đối với các trại sinh.  Ban Điều Hành trại NT9 với anh Châu là trại trưởng cùng các Uỷ viên Thanh Niên của các Đoàn.  Vì những lý do ngoài ý muốn, Trại Hè Niềm Tin 9 được tổ chức rất vội vã.  Các anh chị trong Ban Điều Hành chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị cho trại.  Tuy nhiên, với kinh nghiệm và nhiệt huyết của các anh chị, Trại Hè Niềm Tin 9 đã thành công ngoài mức dự trù.  Các trại sinh đã có những giây phút thật vui vẻ và thoải mái.  Cũng như trại NT7 và NT8, các trại sinh của trại hè NT9 cũng phải tự nấu ăn lấy.  Nhìn sự chuẩn bị của đoàn W. Covina cùng sự tổ chức và điều động của anh đoàn trưởng Tâm, mà tôi phải cúi đầu khâm phục.  Cũng nhờ đoàn W. Covina mà Ban Điều Hành đã được những bữa cơm thật ngon miệng.  Thay mặt Ban Điều Hành, xin cám ơn đoàn W. Covina.

Đêm Thánh Ca và Tâm Sự đã không diễn ra như dự tính, mà lại trở thành một đêm sinh hoạt thật náo nhiệt và sôi động, với phần thi hò và thi hát của các trại sinh.  Đêm Văn Nghệ tuy có sút giảm về phần hình thức, nhưng lại rất phong phú về nội dung.  Các đoàn đã đóng góp các tiết mục với nội dung rất thiết thực và liên hệ đến đời sống của giới trẻ ngày nay. Cũng như trại NT7 và trại NT8, các trại sinh cũng được tham dự trò chơi lớn, với những câu hỏi hóc búa, những mật mã dài thòng, rồi lại bị quỳ, bò, lê, lết qua các trạm hay cửa ải, nhất là trạm của bà “cố nội” Loan.  Cuối cùng đội thua còn bị tấn công bằng bong bóng nước, ướt như chuột lột.  Sĩ số tham dự của Trại Hè Niềm Tin 9 là 217 em.

         Và kính thưa các bạn…xin được trân trọng giới thiệu đến các bạn… Trại Hè Niềm Tin 10.  Ngay sau khi bế mạc trại NT9, các anh chị trong ban đại diện các đoàn thanh niên thuộc TGP Los Angeles, đã nghĩ ngay đến việc tổ chức Trại Hè Niềm Tin 10.  Không như năm ngoái, năm nay các anh chị đã chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức trại Niềm Tin 10.  Các công tác và nhiệm vụ đã được cắt đặt từ đầu năm.  Tất cả đều muốn Trại Hè Niềm Tin 10 phải thành công mỹ mãn.

         Trại Hè Niềm Tin 10 được sự linh hướng của LM Ngô Công Thắng, một linh mục trẻ, đẹp trai, ăn nói lưu loát (Cha thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh và Spanish).  Thành phần ban điều hành cũng vẫn do anh Châu giữ chức vụ trại trưởng cùng sự cộng tác của các Ủy Viên Thanh Niên của các Cộng Đoàn.  Điạ điểm tổ chức cũng tại El Dorado Regional Park, Long Beach.  Để tránh khỏi làm phiền những người khác, Ban Tổ Chức đã chiếm trọn ba khu đất để chương trình văn nghệ năm nay các trại sinh có thể chơi “xả láng” mà không sợ bị than phiền.  Cổng trại do anh Tâm, đoàn trưởng đoàn W. Covina design và do các em trong đoàn thực hiện.  Hoan hô tinh thần của các em trong đoàn W. Covina.  Tổng số trại sinh năm nay là 308, con số lớn nhất kể từ trại NT6.  Có tất cả 10 đoàn tham dự:  Long Beach, Torrance, Gardena, Norwalk, W. Covina, El Monte, Los Angeles, San Gabriel, Pomona vả Van Nuys.  Đoàn W. Covina có số trại sinh đông nhất, đoàn Pomona có số trại sinh ít nhất.  Riêng đoàn Gardena, sau nhiều năm vắng mặt, đã trở lại với trại Niềm Tin với một đội volley ball hùng hậu, củng sự chuẩn bị thật kỹ càng cho tiết mục văn nghệ.  Có lẽ đoàn Gadena năm nay quyết tâm đoạt nhiều giải thưởng nhất.

         Cũng như năm ngoái, các trại sinh của Trại Hè Niềm Tin 10 được nhập trại vào chiều Thứ Sáu.  Sau thủ tục ghi danh và nhận đất trại, các đoàn đã dựng lều và dựng cổng đoàn trên phần đất trại của mình.  Các cổng đoàn năm nay, tuy không đồ sộ bằng cổng đoàn của trại NT5, nhưng so với các trại NT6, NT7, NT8 và NT9 thì có phần đặc sắc hơn. Đoàn W. Covina với cổng đoàn đồ sộ thật đẹp, đoàn Long Beach với cổng đoàn bằng tre và dây.  Đoàn Torrance với cổng đoàn có lối trình bày khác biệt, bên trái là bản đồ VN, bên phải là huy hiệu của trại NT10.  Đoàn Garden dựng một tiểu kim tự tháp với lá cờ vàng ba sọc đỏ được kết bằng dây ny lông thật đẹp và thật nổi bật.  Cổng đoàn San Gabriel và đoàn Los Angeles cùng các đoàn khác đều có những nét đặc thù.

         Đêm sinh hoạt lửa trại năm nay được bắt đầu trễ hơn mọi năm.  Lý do vì các đoàn vừa phải dựng cổng đoàn, sau đó phải nấu nướng và ăn uống.  Khoảng 9 giờ, các đoàn tập họp và tiến về vòng lửa.  Bắt đầu cho chương trình lửa trại là nghi thức tế thần của pháp sư Đỗ Quang Dược với những câu thần chú lạ lùng nghe thoang thoáng hình như là “cà phê với bánh mì”.  Rồi ngọn lửa bùng lên với vũ điệu nhảy lửa của các trại sinh.  Phần sinh hoạt sau đó là trò chơi:  Cởi áo theo tiếng còi (cũng may chỉ có nam trại sinh được chơi trò này).  Tiếp theo là màn cởi giày, cởi vớ, rồi gôm lại một đống, rồi một…hai…ba  tất cả nhào vô tìm giày vớ của mình.  Kết quả có rất nhiều đôi vớ vô thừa nhận (cũng tại cái mùi khăm khẳm) đã bị bỏ lại tại chiến trường, để rồi được quăng vào đống lửa.  Tiếp theo là phần trình diễn hoá trang của các trại sinh nữ.  Với tài hoá trang thật tài tình và khéo léo, nhiều anh đã trở thành những thiếu nữ xinh đẹp và nhiều cô đã trở thành những chàng thanh niên thật điển trai.  Sau phần sinh hoạt là chương trình hát thánh ca và tâm sự.  Những bài thánh ca được cất lên trong đêm vắng nghe thật thánh thót và nồng ấm.  Những chia xẻ và tâm tình của các bạn trẻ thật xúc tích.  Vì đêm đã khuya và sáng mai phải dậy sớm nên các trại sinh đã bị “đuổi” về đoàn của mình chuẩn bị đi ngủ.  Tuy vậy, nhiều trại sinh của các đoàn, vẫn “chịu chơi” thức đêm để sinh hoạt, hoặc nấu chè, nấu cháo, ăn uống cùng nhau thật vui vẻ.

         Sáng thứ Bảy, các trại sinh đã tập họp đông đủ tại sân trại để làm lễ khai mạc Trại Hè Niềm Tin 10.  Buỗi lễ khai mạc đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, với bài hát đồng ca “Việt Nam-Việt Nam” đã được các trại sinh và quan khách hát lên một cách hùng hồn.  Sau phần giới thiệu Cha Linh Hướng trại, Ban Điều Hành trại  cùng quý vị quan khách được mời tham dự, các trại sinh đã được nghe Mười Điều Tâm Niệm để các trại sinh hiểu rõ về quy luật trại Niềm Tin.

         Sau buổi lễ khai mạc, các trại sinh đã được “warm up” với những trò chơi sinh hoạt trại do anh Dược hướng dẫn.  Buổi chiều là phần tranh giải bóng chuyền trung kết Nam và Nữ.  Khoảng 6 giờ, các trại sinh đã có cơ hội hoà giải với Thiên Chúa qua bí tích giải tội của các Linh Mục hiện diện. 

         Và đúng 8 giờ tối, đêm Văn Nghệ của Trại Hè Niềm Tin 10 được long trọng khai mạc. Cũng như mọi năm, các quan khách đến tham dự đêm văn nghệ thật đông, chỉ có một điều khác biệt là năm nay cha Linh Hướng, quý vị quan khách đã cùng tất cả trại sinh “ngồi đất” để thưởng thức các tiết mục trình diễn.  Thật tình mà nói, chương trình văn nghệ năm nay đã có quá nhiều trục trặc về kỹ thuật.  Mặc dầu các đoàn đã chuẩn bị thật kỹ, nhưng vi hệ thống âm thanh không được hoàn hảo nên đã làm giảm đi không ít chất lượng của những tiết mục được  trình diễn.  Mặc dầu vậy, nội dung của các tiết mục lại rất phong phú với những vũ điệu tuyệt vời, những bi kịch thật sống động, những màn hài kịch cười ra nước mắt, đã đem lại cho quý quan khách và trại sinh những giờ phút giải trí thật vui và thoải mái.  Đến nửa đêm, chương trình văn nghệ đã kết thúc, các đoàn giải tán và về đất trại của mình để nghỉ ngơi hoặc sinh hoạt.  Riêng các anh chị trong Ban Điều Hành đã cùng họp với nhau để kiểm điểm thành quả của hai ngày trại và cũng để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

         Sáng Chủ Nhật, Ban Điều Hành trại và các trại sinh đã cùng tham dự Thánh Lễ đồng tế.  Đặc biệt, sáng nay đã có sự hiện diện của Cha Châu Xuân Báu, người đã sáng lập ra Trại Hè Niềm Tin.  Sau thánh lễ, đại diện các trại sinh, anh Trại Trưởng Ngô Văn Châu đã trao tặng Cha món quà lưu niệm.  Với nụ cười hiến hoà, Cha Báu đã ngỏ lời tâm tình với các trại sinh, Cha cũng không quên cầu chúc cho các trại sinh được những giờ phút thật vui với ngày trại còn lại.

         Trò chơi lớn năm nay đã được các anh chị trong Ban Sinh Hoạt nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ lưỡng.  Các đoàn tham dự, sau khi đã vượt quan màn “sữa mẹ” đã được phát cho một Sự Vụ Lệnh để vượt qua tổng cộng 7 trạm hay còn được nôm na gọi là các “cửa ải”.  Ở mỗi trạm, tuỳ theo người trạm trưởng, các trại sinh đă được thử thách, sát hạch, hành hạ và thưởng thức những màn “quay” thật độc đáo.  Tôi xin đưọc giữ bí mật chi tiết của các màn này, kẻo các trại sinh tương lai sẽ bị “lạnh cẳng” không dám tham dự Trại Hè Niềm Tin 11 vào năm sau.  Trò chơi được kết thúc bằng màn “pháo kích” của các đội thắng vào những đội thua bằng những quả bong bóng nước căng tròn.

         Chiều Chủ Nhật, chương trình sinh hoạt năm nay được đổi món với màn “talk show” với tài điều khiển của chị Loan và anh Dược.  Đây là lần đầu tiên Trại Hè Niềm Tin có màn “talk show” nên các trại sinh đã hồ hỡi tham dự thật đông, với những câu hỏi rất “lạnh lùng” nhưng không kém phần thiết thực với đời sống của giới trẻ hiện nay.  Những câu trả lời cửa những vị khách mời đã giải thích thoả đáng những thắc mắc của các trại sinh.  Sau màn “talk show”, Cha Linh Hướng đã giới thiệu tân Ban Đại Diện của Đoàn Thanh Niên thuộc TGP Los Angeles nhiệm kỳ 1995-1997.  Sau đó là phần trao giải thưởng cho các đoàn.

         Ngày nào rồi cũng hết, cuộc vui nào rồi cũng tàn.  Ba ngày trại qua thật nhanh, thoáng đó mà đã đến giờ chia tay.  Nghi thức bế mạc trại đã diễn ra trong sự lưu luyến của tất cả các trại sinh.  Lần lượt, 308 trại sinh cùng các anh chị trong Ban Điều Hành, Cha Linh Hướng và quý vị quan khách đã bắt tay nhau tạm biệt.  Từng cái nhìn lưu luyến, từng cái xiết tay thật chặt, cùng những lời nói tạm biệt chân thành đã để lại trong lòng mỗi trại sinh một cảm giác bùi ngùi, luyến lưu, một kỷ niệm khó quên.

         Bây giờ, ngồi đây ôn lại những kỷ niệm đã qua mà tôi bỗng nhiên thấy lòng mình ngổn ngang với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.  Mỗi một trại hè là một kỷ niệm khó quên.  Tất cả được gói kín và cất riêng vào một góc nào đó trong tâm khảm của tôi.  Mỗi khi nhắc đến hai chữ Niềm Tin thì tôi lại cảm thấy bồi hồi, khắc khoải, lưu luyến một cái gì, và lòng mong sao mùa hè đến thật nhanh để lại được tham dự trại hè Niềm Tin.

 

Trần Quốc Sỹ

Hè 1995

 

Ghi chú:

 

1. Bài viết này đã được đăng trong kỷ yếu của Trại Hè Niềm Tin 10.

2. Sau Trại Hè Niềm Tin 10, truyền thống Trại Hè Niềm Tin được duy trì thêm 5 năm nữa và thực sự chấm dứt sau Trại Hè Niềm Tin 15.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,792
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017.
Sau vài lần vượt biên thất bại, ông anh thứ năm của tôi đến được Songkhla, Thailand. Trong lá thư gửi về, anh kể chuyến tàu của anh trải qua bao biến cố hãi hùng, cướp bóc, hải tặc, và cuối lá thư, anh nhấn mạnh, một câu mà viết cả chục lần: “Đàn bà con gái đừng bao giờ vượt biên”. Ý của anh là nhắn nhủ tôi đấy, vì chuyến đó tôi đòi đi theo nhưng ba tôi không cho vì lo cho tôi hiểm nguy nơi biển cả.
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 8 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn dương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Một ngày trước mùa lễ Giáng Sinh, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi. Trong đường dây điện thoại tôi nghe bà khóc. Vừa khóc bà vừa kể chuyện thằng Út bỏ học. Bà nói cả nhà chúng tôi ai cũng khuyên bảo to nhỏ với nó, nhưng nó không nghe. Nhà chỉ còn mình tôi là chưa khuyên răn nó. Mẹ tôi nói: "Con gần tuổi với nó nhất, biết đâu con khuyên răn được nó đi học trở lại." Tôi lặng người nghe mẹ kể mà không biết an ủi mẹ như thế nào. Tôi nói với mẹ cuối tuần này, anh Đức, một người bạn của tôi về thăm nhà tôi sẽ quá giang nhờ xe để thăm nhà và nói chuyện với Út để coi sao. Tôi nói bà hãy yên tâm. Tôi hy vọng rằng sẽ khuyên bảo được Út trở lại trường để học.
Mấy hôm nay trời vẫn có nắng tuy khí hậu rất lạnh. Tôi hồi hộp nhìn những bông mai vàng của Mỹ đang nở sớm, hoa hồng vẫn còn ra nhiều búp, hoa giấy mọc xum xoe tươi đỏ, hoa chuối may mắn còn một nụ đang nở. Tay run run nâng niu những đóa hoa thầm cám ơn chúng vẫn chưa tàn trong thời tiết giá đông.
Năm nào cũng thế, trước Tết tôi thường dạo vài vòng trên các con đường quanh phố Bolsa, khu thương mại của người Việt, để được hưởng sớm không khí Tết và để lòng thấy thêm yêu đời. Hình ảnh, cảnh vật Tết ngày xưa được tái hiện lại làm cho cảnh phố phường trở nên thật đặc biệt. Nhìn xem cảnh vật và mọi người chuẩn bị đón Tết, lòng tôi bỗng lâng lâng một cảm xúc rộn ràng xen lẫn với cảm giác vui sướng như khi còn ấu thơ được hưởng ba ngày Tết tại quê nhà.
Cách nay mấy tuần, tôi đến thăm một người bạn thân đang ở trong nhà dưỡng lão Elmwood House ở Quận Arlington. Cái khung cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời và thân phận tuổi già. Ra khỏi thang máy tầng lầu 2, trước mặt là một phòng rộng, bày biện mấy bộ salon, năm ba chiếc bàn vuông, bàn tròn sắp xếp gọn gàng; bên phải, bên trái là hai dãy hành lang dẫn vào các phòng ngủ – hun hút, im lìm. Năm bảy cụ quây quần trong phòng giải trí này chuyện trò, đánh cờ tướng, xoa mạt chược, chơi tứ sắc hay bài Tây. Bỗng tôi trông thấy ông Phan đang ngồi đánh cờ tướng với ông cụ cùng trạc tuổi ở chiếc bàn gần cửa. Một chút ngỡ ngàng, tôi tự hỏi: “chẳng lẽ ông ta cũng vào nhà dưỡng lão?” Hỏi thế, bởi vì ông Phan có đến bốn đứa con học hành thành đạt, đứa nào cũng có nhà cửa khang trang, tưởng chừng về già ông ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời nào ai biết chắc tuơng lai?
Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thượng Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Bài viết mới của tg về câu chuyện muôn thuở: "Tình".
Ông Ronnie năm mươi bảy tuổi, Mỹ đen nhưng nhỏ con cũng xêm xêm Steven, đã thế mắt lại hơi xếch, tóc nối và thắt thành cái bím dài giống hệt mấy anh thổ dân da đỏ, lại giống đuôi sam mấy anh ba Tàu. Ông Ronnie có trách nhiệm giao và nhận hàng đến đi, hổng biết sao ổng lại nhanh nhạy như những tay thám thính, hễ trong hãng có động tịnh gì là ổng biết sớm nhất, ai còn ai bị ra đi, ai lên hương, ai xuống chó, phúc lợi thế nào… Ổng biêt hết ráo và luôn mách cho Steven, dĩ nhiên là lúc nào cũng kèm theo câu căn vặn:” Im miệng đấy nhé! Tao chỉ cho mày biết thôi đấy!”
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung, những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
Nhạc sĩ Cung Tiến