Hôm nay,  

Đàn ông không nhiều chuyện

03/11/202300:00:00(Xem: 4772)

phuoc-an-thy tại giải thưởng VVNM

Tác giả Phước An Thy nhận giải thưởng VVNM.

 
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. 

*
 
Đang ngồi bàn ăn uống với mấy thằng bạn, tôi đứng lên đi nhà vệ sinh. Tôi vừa vào nhà vệ sinh nam thì ngẫu nhiên các bà kéo nhau đến trước cửa nhà vệ sinh nữ “họp chợ” tán gẫu. Tôi không thể tin vào tai mình được khi tình cờ nghe các bà vợ xúm lại than thở với nhau chuyện vô tâm của mấy ông chồng.

Tôi có một nhóm bạn, phần lớn là những cặp vợ chồng. Chúng tôi hay đi chơi dã ngoại, dự tiệc chung với nhau và thường ngồi tách riêng ra hai nhóm nam nữ.

Đàn ông chúng tôi không rủ nhau đi nhà vệ sinh nên tôi cứ thắc mắc, tại sao trong buổi tiệc các bà vợ thường rủ nhau đi nhà vệ sinh cùng một lúc. Giờ tôi mới biết các bà đi nhà vệ sinh là một công hai chuyện, trước giải quyết nhu cầu của cơ thể và sau để tâm sự với nhau.

Ngồi trong nhà vệ sinh, tôi vừa nghe các bà nói chuyện vừa thấp thỏm lo lắng, sợ bị phát hiện. Sau khi nói chuyện thời trang, làm đẹp, giá cả shopping, các bà vợ chuyển qua đề tài chồng con. Mấy bà vợ nói nhiều chuyện lắm, nhưng tôi chỉ xin kể một số chuyện tôi còn nhớ thôi.

Tôi được cái là nghe sao kể lại vậy, không thêm mắm thêm muối. Sẽ mang “nghiệp quật” lớn lắm, nếu thêu dệt không nói có cho chuyện các bà hài tội chồng rất “linh thiêng” này.

Một cô vợ than:

- Mấy ổng tán dóc tào lao với nhau hàng giờ thì được, nhưng nói vài lời ngọt ngào, yêu thương vợ thì khó. Làm như trong đầu mấy ổng không có những từ thương yêu vậy.

Cô khác nói:

- Đôi khi chỉ cần chồng quan tâm và coi trọng thì đã mang lại thật nhiều hạnh phúc cho vợ rồi hen.

Một chị nói:

- Chồng tao bảo tao tàn nhẫn và chẳng để ý gì đến tâm hồn lão ta vì tao hay la mắng làm lão bị tổn thương.

Một cổ nói:

- Nếu em tranh luận với anh ấy, ảnh nói em muốn thông minh hơn chồng, còn im lặng thì ảnh nói em kiêu ngạo và khinh thường anh ấy. Bây giờ, suốt ngày em cứ mở nhạc cho ảnh nghe bài hát, “Anh muốn em sống sao”.

Bà khác nói:

- Còn chồng chị thì hiền khô, chị nóng lên là hắn ta im re hà. Chỉ có ngày nào hắn lãnh check lương về, trước khi đưa check tiền cho chị, mặt hắn cứ câng câng lên thấy ghét. Hắn hạch sách bắt bẻ đủ điều, nào là cơm sao trắng, nước mắm sao mặn... Nhưng thôi, tháng có hai ngày lãnh lương hà, cho hắn vênh váo, làm dóc làm tướng chút xíu.

Một giọng khác vang lên:

- Đi làm về kể những vất vả khó khăn cho chồng nghe, anh ta vô tâm nói, phụ nữ là chúa nhiều chuyện. Tao trách móc, anh ta nói, tao muốn làm bảo mẫu.

Một giọng nữ trẻ:

- Tớ ăn mặc hở có chút xíu à, lão ấy bảo tớ muốn khiêu gợi đàn ông khác. Tớ mặc kín đáo, lão ta chê, giống bà Sơ bà Vãi. Khổ thân không cơ chứ.

Một bà vừa cười vừa nói đùa:

- Sao loài vật con đực lại dễ thương hơn giống đực loài người nhể.

Giọng cô khác:

- Ông xã em đi làm về, hết bật TV xem lại ôm máy tính, chẳng bao giờ biết lau chùi cái toilet. Liên hợp quốc có ngày lễ toilet thế giới, còn ông xã em chẳng có ngày nào.

Một bà chị bày vẽ:

- Em cứ khen chồng đẹp trai, phong độ, tài ba, cao thượng, hào hùng thì sai lau chùi hay làm việc gì ổng cũng làm.

Cô vợ khác:

- Tớ nói thì anh xã tớ có nghe đâu. Anh xã tớ lái xe, tớ nói anh chạy lạc đường rồi thì anh xã quát, im lặng cho người ta lái. Anh xã tớ ráng chạy tìm đường cả tiếng đồng hồ mới chịu là mình lạc đường. Một chị nói:

- Đời chị như câu ca dao, có con phải khổ vì con, có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng. Buồn.
Chị khác tiếp lời:

- Cả cuộc đời mình chỉ là yêu thương và hy sinh cho chồng con mà có ai biết đến đâu. Chẳng bao giờ chồng nói một câu nhẹ nhàng, dịu dàng cho mình vui. Có lần mình nhờ chồng tìm giùm mắt kính đọc sách của mình. Chồng lục tung trong nhà ngoài xe, tìm kiếm một hồi lâu rồi vào nói một câu cộc lốc phũ phàng, “Kính bà gắn trên đầu mà bắt tôi đi tìm nãy giờ”.

Tôi không phải thể loại người buôn chuyện, ăn không ngồi rồi săm soi chuyện nhà người khác, nhưng quả thật tôi không thể chịu đựng được khi vô tình nghe mấy bà vợ của bạn than phiền chồng như vậy, nên các bà vừa đi tôi liền chạy về bàn kể hết cho mấy thằng bạn nghe.

Nghe tôi kể xong, cả đám bạn ngồi im chả nói gì. Bỗng một thằng phá lên cười sằng sặc:

- Vợ ai chứ vợ tao không đời nào than phiền tao chút nào. Mày đừng bịa chuyện làm ảnh hưởng đến danh dự của tao.

Biết là nó gắng gượng cười, nhưng tôi vẫn bực mình đáp:

- Tao không có đức tính ngồi lê đôi mách. Mày cũng có danh dự à?

Một gã chuyên gia nói tướng, than thở:

- Có lần tao thả nhẹ một câu để nhắc khéo vợ thì bị bả mắng xối xả. Bả nói, thay vì ngồi không so sánh tôi với vợ người khác thì ông tìm việc làm, kiếm thêm tiền, có phải tốt hơn không.

Gã khác lắc đầu nói:

- Chắc mày hết muốn sống mới đi so sánh vợ mình với vợ người.

Một khứa kể:

- Tao nói với vợ, em làm ơn bớt đay nghiến nghiệt ngã với anh được không? Vợ tao nhếch mép cười, khinh khỉnh không thèm trả lời, coi tao như con không bằng.

Một thằng ông có tật nói ấp úng, nhưng nói xấu vợ thì nó nói rất suôn sẻ:

- Người khôn ăn nửa bụng, uống rượu nửa chai. Người chồng đẳng cấp là chửi nửa câu để vợ khờ tưởng đâu mình khen nó.

Lão khác vội góp chuyện:

- Tao không quan tâm những gì người khác nói, nhưng vợ tao nói câu nào làm tao cảm xúc câu đó. Gây gổ nhau, đấu võ mồm, tao mắng chục câu mà mặt nàng không đổi sắc, vẫn tỉnh queo, còn nàng chửi lại một câu thì shock đến tận óc mày à.

Một đấng, giọng chua ngoa hơn cả mẹ chồng:

- Vợ tớ cái gì cũng tốt, chỉ có cái là nông nổi và không nghĩ tới hậu quả. Nàng ấy thích bàn tán chuyện thiên hạ, thậm chí chuyện nhà mình cũng tâm sự với người khác. Cô nàng không giữ được bí mật, tớ nói hay làm gì sai, nàng để ý góp nhặt, rồi đem kể hết cho nhà nàng nghe. Tức không?

Một thằng làm ra vẻ quan trọng, nói rất hăng:

- Bọn mình đàn ông phái mạnh, tầm nhìn cao rộng, phải đảm đương những việc to lớn, còn chuyện nhỏ nhặt dành cho phụ nữ.

Thằng khác liền đáp lại:

- Ừ, trước đây cũng vì suy nghĩ như vậy mà vợ chồng tao xảy ra bao chuyện hiểu lầm. Hàng ngày, chỉ nội cãi cọ nhau chuyện nào lớn chuyện nào nhỏ cũng đủ làm gia đình xào xáo rồi. Để cơm lành canh ngọt, tao cứ nấu ăn, rửa chén bát, lau nhà cho yên chuyện mày ơi.

Một bạn tài lanh, dạy khôn:

- Vợ giận chồng bớt lời, chẳng đời nào đói.

Các bạn nghe tiếp lời mấy ông bạn của tôi nhé:

- Vợ tao tài lắm, cô nàng có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Trong khi đang làm bếp nấu nướng, mắt nàng vừa xem TV, tai nghe radio, miệng nói điện thoại kẹp nơi cổ, còn tay thì lia lịa lật sách báo xem các món hàng giảm giá. Kết quả thức ăn ngon hay dở là do hên xui.

- Vợ tao ghen kinh lắm, cấm tao không được mang điện thoại vào nhà vệ sinh, sợ tao trốn trong đó chát với cô nào.

- Vợ tớ nói, tớ sẽ không hiện hữu nếu không làm ra tiền. Tớ tự ái lắm, nhưng đành cắn răng, nín thở qua sông.

- Đi làm về, tao dịu dàng hỏi vợ, thức ăn đâu em? Vợ lạnh lùng nhìn mặt tao, tay chỉ vào tủ lạnh nói, trong đó chứ đâu, muốn đút tận miệng à.

- Nhiều lần mình suy nghĩ nát óc vẫn không biết mình đã làm gì mà vợ giận hờn không nói, không ngủ chung giường đến mấy ngày.
Thằng ông bị tật ấp úng phán:

- Phụ nữ lúc nào cũng là con gái, không có cái gọi là đàn bà. Bất kể tuổi tác, vợ không bao giờ già, không bao giờ xấu nghe các cậu. Một lần tớ vô tình nói chạm đến số tuổi hơi nhiều và sự không còn trẻ của vợ thì tớ bị bỏ đói, phải ăn mì gói suốt tuần đấy.

Một lão bạn già, giọng buồn buồn tâm sự:

- Đôi khi tao cần một ngày đặc biệt để tìm lại cảm giác của thời mới yêu nhau, muốn hâm nóng tình yêu sau những ngày đợi chờ. Tao nói với vợ, em ơi ra sân ngồi ngắm nụ hoa mới nở với anh. Vợ liền đáp vào mặt tao, ông điên à hay quên uống thuốc.

Một đứa cười khùng khục trong họng:

- Già còn bày đặt chơi trò lãng mạn.

Lão ấy rưng rưng tâm sự tiếp:

- Nghe vợ nói vậy, kỳ lạ thay, niềm hứng thú của tao tụt xuống như diều đứt dây, lòng tự hào của đàn ông tự dưng biến mất. Thế rồi tao lo lắng, tao nghi ngờ và phân vân tự hỏi, mình có điên không ta?

Lão bạn già ấy nói, làm tôi giật mình, vội liếc nhìn mặt từng người bạn. Nghe ông bà xưa nói, mặt người điên thì lơ láo như khách lỡ đò, còn tướng đàn ông nhiều chuyện thì tai nhọn như dơi, môi mỏng như giấy, mắt lồi như ếch. Tôi quan sát kỹ lưỡng mặt mấy thằng bạn, đâu thấy đứa nào có những đặc điểm giống như trên mà sao khùng và nhiều chuyện dữ vậy trời.

Thật tình tôi thấy mấy bà vợ than trách chồng rất ý nhị, còn các ông bạn tôi nói nghe cứ như lời thị phi.

Để giữ sự bí mật, an toàn tính mạng và tránh những điều tồi tệ xảy ra cho các ông chồng nên tôi không dùng tên mà chỉ viết ông, lão, đấng, gã, khứa, đứa, thằng... Sợ lỡ có chị em nào đọc được thì chúng tôi có nước nhịn đói và ra nhà để xe mà ngủ thôi.

Mấy tuần trước, thấy cặp vợ chồng kia cãi nhau hoài, không ai chịu thua rồi lôi nhau ra toà ly dị, nay nghe tin vợ chồng bạn tôi đang giận nhau, tôi vội chạy đến tìm cách khuyên lơn bạn. Sau khi ngồi tán gẫu với nó một hồi, tôi nói:

- Tao không phải là loại người nhiều chuyện đâu, nhưng nghe nói vợ chồng mày cãi nhau ầm ĩ hả?

Bạn tôi im lặng một đỗi lâu rồi mới nói:

- Tao không phải loại vạch áo cho người xem lưng, nhưng thấy bế tắc nên tao kể cho mày nghe.

- Ừ, chuyện buồn giận để bụng lâu quá dễ bị ức chế, có hại cho sức khoẻ đó. Vợ chồng giận nhau là điều không thể tránh khỏi, muốn hạnh phúc chỉ cần hai người bớt lời, nhường nhịn nhau là được.

- Tao kể, nhưng không cần mày khuyên răn. Okay?

Tôi uh-huh gật đầu. Nó kể:

- Vợ tao kỳ này ảo tung cả chảo, cứ chụp hình rồi đưa lên Facebook khoe. Tao nói đến thì vợ tao chuyện bé xé ra to, làm cho vợ chồng gây lộn.

- Việc đăng hình ảnh lên Facebook cũng bình thường, có gì mà gây.

- Không bình thường ở chỗ, vợ tao bỏ ra hàng giờ dùng app photoshop mỗi tấm hình rồi mới đưa lên Facebook. Tao nói với vợ, “Hình béo thì cứ đưa lên béo vậy đi, hơi đâu mất thời gian tẩy xóa thêm bớt, bóp eo kéo chân, để thời gian lo việc nhà có tốt hơn không”. Tao chỉ nói có vậy mà nàng la toáng lên, rồi giận ngút trời cả tháng nay. Vợ tao có thói quen, hễ mỗi lần cãi nhau là ngủ riêng. Để trừng phạt tao, nàng chơi trò chiến tranh lạnh, im lặng không nói chuyện.

Tôi nói:

- Chiến tranh lạnh đỡ hơn chiến tranh khói lửa. Rồi mày làm gì?
- Tao đâu phải dạng vừa, ngủ riêng thì ngủ riêng, không nói thì thôi, sợ gì.
- Nhà mày ai làm chủ gia đình.
- Vợ tao.
- Vậy là mày sai rồi, ai lại nói với người đầu gối tay ấp chủ nhà như vậy, chẳng khiêm tốn chút nào. Mày chưa nhận thức được chủ gia đình là gì rồi. Vợ mày hiền đó, gặp con khác nó tát cho lật mặt.
- Cả tháng nay tao cũng thấy ân hận, day dứt, nhưng có chết tao cũng không xin lỗi trước.
- Vợ làm đẹp là đẹp cho chồng chứ cho ai. Đáng ra gặp vợ photoshop ảnh như vậy thì mày phải bấm like, “Ảnh đẹp quá! Béo mà khéo tay”. Còn khi vợ giận la mắng thì comment, “Tuyệt vời quá! Béo lại khéo nói”.

Bạn tôi giọng mơ màng:

- Tao ước gì được trở lại giãn cách xã hội thời Covid, không phải ra ngoài, vợ chồng suốt ngày hạnh phúc bên nhau.

- Để tao kể cho mày nghe một câu chuyện. Có hai vợ chồng kia giận nhau vì những chuyện lặt vặt. Ban ngày, hai người không thèm nói với nhau câu nào, ban đêm phòng ai nấy ngủ. Sau một tháng, cả hai vợ chồng đều muốn làm hoà, nhưng vì tự ái nên không ai chịu lên tiếng xin lỗi trước. Cuối cùng, cô vợ chịu không nổi nên nói với chồng, “Em xin lỗi, anh tha thứ cho em nghe”. Anh chồng mừng quá, vội nói, “Anh tha thứ cho em tất cả”. Cô vợ hỏi, “Anh tha cả chuyện đêm qua em ngủ nhà ông hàng xóm hả anh?” Anh chồng thét lên một tiếng “Hả”, rồi ngã lăn xuống đất bất tỉnh.
Kể xong, tôi gắng gượng nở nụ cười:
- Để vợ mày vui vẻ trở lại, mày có thể kể cho vợ nghe chuyện này, chỉ cần đổi nhân vật anh thành em và em thành anh. Chúc may mắn.

Tôi đứng dậy đi về, để mặc nó ngồi trầm tư mặc tưởng.

Khi nghe tin vợ chồng bạn đã hoà thuận, tôi mừng lắm, nhưng không được lâu. Bạn tôi gọi tôi ra quán, nó tâm sự:

- Tao đang giận vợ. Vợ tao kỳ này ít cung kính với tao quá.

Tôi hỏi:

- Chuyện gì nữa đây?

- Đang ăn cơm, vợ tao nhăn mặt nói, “Anh giữ lịch sự tối thiểu chút được không”. Thấy tao nhướng mày kinh ngạc, vợ hỏi, “Anh làm gì mà vừa ăn vừa nói, muốn văng cơm vô mặt tui vậy”? Tao im re không trả lời.
Trời thường tác thành vợ chồng thật hợp lý. Kẻ chậm chạp lấy được người lanh lẹ, người muốn chỉ huy gặp người hay lam hay làm, kẻ khù khờ gặp được người khôn ngoan. Bạn tôi nói nhiều, may mắn lấy được cô vợ ít nói. Nó hay than thở với tôi, tao ra ngoài nói lỡ lời, mọi người chỉ im lặng mỉm cười, còn ở nhà nói hớ một tí thì vợ chỉnh sửa ngay. Vợ chỉnh sửa hoài nên tao bị ám ảnh chuyện mình nói nhiều và bị hố.

Thằng bạn thổ lộ tiếp:

- Hôm qua, tao quyết định không nói nữa. Tao cắn chặt răng, không nói nguyên ngày. Thế rồi vì nghiến răng mạnh quá, tinh thần căng thẳng và nỗi ám ảnh nói nhiều bị vợ la vần vũ trong đầu, khiến cơ hàm tao co cứng không há mồm ra được.

Tôi thốt lên “Ối trời ơi” để nó có hứng kể tiếp. Nó kể:

- Nhìn thấy thức ăn bánh trái ê hề mà không ăn được, tao nổi điên lên. Tao lấy một trái táo đập vào mồm, chà qua chà lại lên hai hàm răng, nhưng chẳng ăn được chút nào. Sự khổ sở vì không ăn được, không khổ bằng việc không được nói. Muốn nói gì thì chỉ phát ra những tiếng ú ớ trong cổ họng.

- Rồi mày có đi bác sĩ không?

- Không. Tao lo sợ quá nên cầu Trời khẩn Phật. Trời Phật làm phép lạ ngay, tao liền tỉnh giấc, thì ra tao ngủ mơ. Thức dậy, mừng quá, tao vừa ăn vừa nói liên tục như đã nhịn cả tháng nên vợ tao mới nói, anh giữ lịch sự tối thiểu chút đi là thế.

Hơi thất vọng vì chuyện chỉ là giấc mơ, tôi hỏi:

- Có vậy thôi mà giận cái gì?

- Tao đã nhịn, ngồi im re, nhưng vợ vẫn chỉnh sửa tao như dạy con trẻ. Vợ tao dạy, “Vừa ăn vừa nói là mất lịch sự”. Tao cãi lại, có hai vợ chồng chứ có ai đâu mà mất lịch sự. Vợ cao giọng, “Không ai muốn, kể cả tui, nhìn thấy miệng anh nhồm nhoàm ăn như bò ngốn cỏ. Lại còn phùng má trợn mắt, nói thao thao như đang mớ ngủ”.

- Mày nhịn tiếp à?

- Ừ, tao muốn hoà bình nên gắp thức ăn bỏ vào chén vợ, nhưng vợ cất chén, không cho tao thể hiện lịch sự. Vợ tao dạy tiếp, “ Ăn thì bớt bát, nói thì bớt lời. Nhai thì nên nhỏ nhẹ, nghiền kỹ thức ăn trong miệng trước khi nuốt kẻo sặc nghẹn, hóc xương. Vừa ăn vừa nói có hại cho sức khỏe và đường tiêu hóa”.

Tôi cười không thành tiếng. Thấy tôi cười, nó ấm ức nói:

- Chuyện chẳng có gì mà vợ tao cằn nhằn hết cả buổi. Nhục vì bị vợ dạy như dạy con, nhưng tao dằn lòng bỏ đi và gọi mày ra tâm sự cho vơi bớt. Tao tiếc nhớ cái thuở mới gặp nàng, nàng hiền lành nói với tao, “Thấy anh có tài ăn nói nên yêu”.

Tôi cù cưa an ủi:

- Nhớ làm chi cái thuở ban đầu ấy cho thêm cay đắng. Từ nay mày đừng vừa ăn vừa nói xô bồ là được rồi.

Các bạn cũng biết, tôi không phải là ông Tám hay bà Tám, nhưng vì tôi hiểu nỗi niềm u uẩn trong lòng bạn nên kể ra đây, mong rằng vợ nó biết được mà thông cảm cho nó.

Đức Phật từng nói “Đời là bể khổ”. Lúc còn là tình nhân thì đàn ông là người khổ, thành vợ chồng, đàn ông cũng là người khổ! Biết thế, nhưng Kinh Thánh ghi, “Đàn ông ở một mình không tốt”.
 
Phước An Thy
 

Ý kiến bạn đọc
07/11/202300:55:17
Khách
Bài kể chuyện hay và nhộn quá !

Trước đám cưới :

Nam:

“Nếu đời không có đàn bà
Đàn ông cô độc có mà chết toi”

“Phút đầu gặp em, tinh tú quay cuồng
Lòng đang giá băng, bỗng ngập tràn bao tia nắng "

"Phụ nữ như mặt hồ không gợn sóng, nhưng nhiều kẻ chết đuối vì họ "

Nữ:

“Đàn ông như chất cà phê
Hương thơm quyến rũ làm mê đàn bà"

"Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ biên thư lấy chồng "

"Lòng cả tin của người phụ nữ vốn là mầm mống gây nên điều bất hạnh sau này "

Sau đám cưới:

" Từ ngày cưới em về
Nhà mình đầy tiếng chửi thề "

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
đời hết vui khi đã vẹn câu thề "

"Họ nằm trong mơ với những ngày chưa cưới, nhưng khi cưới rồi thì họ tỉnh giấc. Khi yêu đầy mơ mộng, thức tỉnh khi đã lấy nhau ".

“Hôn nhân như một lớp sương mù. Ở trong đó ta không biết mình sẽ đâm vào cái gì, và cái gì sắp đâm vào mình ”.

v.v...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,156
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.
Nhạc sĩ Cung Tiến