Hôm nay,  

Đất Lành Chim Đậu

17/05/202314:19:00(Xem: 3384)

 

Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, Sinh sống ở Atlanta trên  20 năm.

*

 

Phân xưởng Debug chợt ồn ào nhốn nháo cả lên, mọi người từ các dây chuyền khác hướng mắt về bộ phận gắn hard drive và memory. Thằng Steven bảo:

 

- Con Kelly bị ngất xỉu.

 

Thằng quản đốc Romario lập tức chạy đến đó, nó bảo mấy người vây quanh giãn hết ra, chỉ giữ lại con Montse và con Cinthya chăm sóc cho Kelly, đoạn móc điện thoại báo cho văn phòng Human Research và gọi cấp cứu. Chỉ chừng mươi phút sau thì tiếng còi ầm ĩ của xe cứu thương đã có mặt ở bãi đậu xe. Bốn thằng cảnh sát phòng cháy chữa cháy xách túi đồ nghề đi nhanh vào xưởng. Bốn thằng to con như king kong, cơ bắp cuồn cuộn như đô vật. Tụi nó lập tức xem xét sơ qua rồi truyền cho con Kelly một bình nước biển. Thằng mang bảng tên Brian D, là xếp của nhóm cảnh sát ấy, nói:

 

- Cô ta không sao đâu, có lẽ vì mang bầu và làm việc phải đứng nhiều giờ quá nên mệt và ngất đi thôi, tuy nhiên chúng tôi sẽ đưa cô ta vào nhà thương để chẩn đoán kỹ càng hơn.

 

Tụi nó làm việc nhanh như người máy, con Kelly được đưa lên băng ca và đẩy ra xe cứu thương. Thằng Romario không thể đi theo vì xe cứu thương không chở thân nhân, vả lại nó phải làm cho hết ca. Thằng Romario và con Kelly sống chung với nhau đã lâu hai đứa có một thằng boy ba tuổi và giờ thì con Kelly đang có bầu lần thứ hai. Tuy là vợ chồng nhưng hai đứa chưa làm đám cưới và cũng chẳng có giấy giá thú. Chị thằng Romario là bà Maria cũng thế, thằng con trai của bả đã hai mốt tuổi, vậy mà hai người mới làm giấy giá thú và hôn lễ tuần rồi. Anh Tư, tên Mỹ là John Hồ đứng lane sát bà Maria thường cà khịa:

 

- Sao tụi bay ăn ở với nhau mà không chịu làm đám cưới, không có giấy hôn thú?

 

Thằng Romario can thiệp:

 

- Tụi tao sống với nhau bằng tình yêu, giấy hôn thú làm sau cũng không sao.

 

Anh John Hồ lại bảo:

 

- Tiền dâm hậu thú là không tốt, Việt Nam tao lúc nào cũng phải làm giấy giá thú và đám cưới rồi mới sống chung.

 

- Đó là tập quán của nước mầy, nước tao thì mọi người có thể sống chung, có con cái trước rồi làm hôn thú sau, chả sao cả!

 

Chị Chi, người đi chung xe với anh John Hồ, nói bằng tiếng Việt:

 

- Tụi nó không làm giấy hôn thú để khai mẹ đơn thân, xin trợ cấp đủ thứ!

 

Đúng sai sao hổng biết nhưng rõ ràng nhóm bạn Caribbean làm chung đều phần nhiều là thế. Không chỉ cặp Romario - Kelly, vợ chồng bà Maria mà còn con Montse, con Cinthya, thằng Carlos, thằng Hernandez… đều thế cả, tụi nó đến từ Mexico, Honduras, Puerto Rico…

 

Con Kelly khá nhỏ nhắn xinh xắn, da trắng, nét mặt người Âu. Nó rất khác với những đồng hương của nó, bọn họ thì to bè bự xương, da ngăm đen, nét mặt thô. Có lẽ tổ tiên nhà con Kelly lai hoặc là di cư từ Tây Ban Nha. Những lúc ăn trưa hay những lúc tụ tập đùa giỡn, con Kelly kể chuyện nó vượt biên từ Honduras qua Mexico và rồi theo đường dây nhập cư lậu để vào Cali và sau đó thì sang thành Ất Lăng này. Nó vào hãng này cũng được năm năm rồi, công việc ở xưởng Debug không nặng, chuyên gắn  các bộ phận máy điện toán như Hard drive, Memory, Motherboard… Tuy nhiên hai ngón tay cái và cổ tay thì đau nhiều vì phải nhấn và sử dụng nhiều, với lại thời gian kéo dài mười tiếng một ngày. Hôm nó xỉu vì mệt và có thể nó bỏ bữa ăn sáng.

 

Có lần xưởng thiếu hàng, cả đám ngồi chơi, tụ tập tám đủ điều. Con Kelly kể:

 

- Nước tao nghèo lắm, công ăn việc làm không có, băng đảng ma túy lộng hành kinh khủng. Tụi choai choai bị dụ và bị ép gia nhập băng đảng buôn bán ma túy, dắt mối, trộm cướp, giết người… Cảnh sát chẳng làm gì được, thậm chí bọn họ lại bảo kê cho các băng đảng. Người nào chống lại băng đảng đều bị giết chết và gia đình bị vạ lây. Quan chức cũng toàn là người của băng đảng. Thằng Neymar, em trai tao theo băng đảng, sau một thời gian nó muốn rút ra và băng đảng đã cho người bắn nó chết ngay trước cửa nhà. Ai cũng sợ xanh mặt nhưng không dám làm gì, ai cũng biết ông trùm Escobar ra lệnh nhưng đành chịu thôi. Cảnh sát có đến làm biên bản cho có lệ, sau đó cất vào tủ. Tao phải trả mười ngàn để được đưa qua Cali, cả nhóm mười mấy người cùng đi chung nhưng không ai biết ai và cũng chẳng ai biết tổ chức nào đưa mình đi. Cả nhóm liên hệ với người mọi giới tên Rodrigo, mà cái tên này cũng chắc gì là tên thật. Tao qua Cali làm chui đủ thứ việc từ hái nho, dâu, thơm trong các nông trại. Có khi phụ trong bếp các nhà hàng...toàn làm chui vì không có giấy tờ. Sau khi chính phủ Obama ân xá, tao mới xin được thẻ xanh và từ đó tao theo bạn bè qua thành Ất Lăng.

 

Anh John Hồ ghẹo nó:

 

- Sao mầy không vô băng đảng luôn để kiếm tiền dễ hơn?

 

- Có thể, nhưng vô rồi thì hết đường lui và mất xác luôn. Bạn tao có nhiều đứa vô băng đảng và bị ép làm gái. Băng đảng ghê gớm hơn những gì người ta biết.

 

- Mầy quen thằng Romario lúc nào vậy?

 

- Ờ, khi tao sang đây, một lần đi chợ farmer Market tình cờ gặp. Nó nhìn tao thích ra mặt và xin số điện thoại. Tụi tao nói chuyện rất hợp ý và dần dần kết và yêu nhau. Chính anh Romario đưa tao vào xưởng Debug này, khi mới vào bị tụi nhân viên văn phòng kiểm tra tiếng Anh, nội quy và những kiến thức căn bản của công việc… Anh Romario bày mẹo cho tao vượt qua, cứ đánh dấu hết một lượt, sau đó xem lại kết quả đúng sai, ghi tắt xuống giấy để rồi nhìn vào đó mà trả lời lần thứ hai là sẽ vượt qua.

 

Anh John Hồ lại cà khịa:

 

- Tụi bay qua đây đông quá khiến người nhiều việc ít, vì vây mà tụi chủ nó giữ giá công lao động thật thấp.

 

Cả đám nhao nhao phản đối anh John Hồ, con Kelly chu mỏ:

- Mày nói xàm! Giá công lao động là do chính phủ ấn định, tụi chủ lúc nào cũng muốn giữ giá tiền công thấp nhất mà họ có thể. Nếu nước Mỹ không có tụi tao thì ai làm việc tay chân ở nông trại, chợ búa, đường xá, cầu cống, phục vụ, xây dựng…

 

- Tụi bay sang đây đông chỉ trong vòng vài mươi năm gần đây, vậy trước kia hổng có tụi bay thì nước Mỹ không có ai làm hả?

 

Nhóm Caribbean và con Kelly cự anh John Hồ:

 

- Vậy còn tụi bay thì sao? Tự dưng ở châu Á, tuốt bên kia địa cầu lại kéo sang nước Mỹ chi vậy?

 

- Tụi tao đến Mỹ sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, chính phủ nước tao lúc ấy tàn bạo và khắc nghiệt quá, không ai sống nổi, nhất là những người có liên can đến chế độ Sài Gòn ở miền nam, vì vậy chúng tao di tản, vượt biên, vượt biển…. Sau đó bị gom vào các trại tị nạn ở quanh các nước đông nam Á. Các chính phủ Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Canada… đã tiếp nhận tụi tao. Khi sang đây thì những người có học, có kỹ năng thì làm những việc ngon lành, còn những ai không biết tiếng Anh, không có kỹ năng gì thì làm công nhân hãng xưởng, làm móng… Thật sự mà nói thì người Việt tụi tao nhỏ con, sức yếu không thể làm phu lục lộ, xây dựng, nộng trại… như tụi bay.

 

Con kelly lại nói:

 

- Nước Mỹ là cái lẩu thập cẩm, đủ hạng người, đủ mọi sắc dân, đủ mọi nghề, làm gì cũng được, miễn là hợp pháp và tùy khả năng của mình.

 

Con Kelly triết lý như một nhà chính khách hay một nhà đạo đức, chẳng có việc nào nhỏ hay việc xấu, công việc nào cũng được, miễn là kiếm ra tiền và không bị luật pháp cấm. Nó lại hỏi anh John Hồ:

 

- Riêng bản thân mầy thì mầy đến Mỹ bằng cách nào?

 

- Hồi đó tao mới mười bốn tuổi, tao đi theo ghe đánh cá từ nhỏ, năm mười bốn tuổi, trong một lần đi biển thì bị những người trên ghe ép vượt biên theo. Bọn họ chuẩn bị chu đáo tất cả và giả vờ đi đánh cá như mọi ngày. Tao đâu có muốn vượt biên, nhưng giờ ở trên tàu của họ, không đi thì chỉ còn nước nhảy xuống biển thôi! Tàu đi một thời gian thì hư máy, cứ thế trôi dạt vật vờ, nước và thực phẩm cạn hết, trời nắng như đổ lửa, nhiều người ngất xỉu… Ai cũng ngỡ sẽ chết! May có một tàu hàng thấy thế, họ cung cấp cho nước và thực phẩm, rồi kéo con tàu vượt biên vào bờ biển Hồng Kông. Sống ở trại tị nạn Hồng Kông hết ba năm, sau đó được tổ chức di dân của liên hiệp quốc phỏng vấn và được chính phủ Mỹ nhận. Khi đến Mỹ tao sống ở New York, mãi đến năm 1990 mới chuyển về Atlanta.

 

Câu chuyện bỗng nhiên trở nên nghiêm túc một cách vô tình dù là giữa lúc rảnh rỗi tụ tập đế nói chuyện xàm. Bất thần con Kelly giật phắt cái mũ kê pi của anh John Hồ và quăng cho cho Montse. Anh John toan chụp lại thì cái mũ lại được ném cho con Cinthya, cứ thế tụi nó chuyền nhau khiến anh John không sao lấy mũ lại được. Anh John Hồ luôn đội mũ Kepi vì đầu hói sọi. Mọi người cười giỡn ồn ào ném mũ và chọc ghẹo anh John khiến thằng đốc công phải quát lên thì việc chuyền cái mũ ghẹo anh John mới chấm dứt.

 

Steven thấy câu chuyện vượt biên của anh John còn khá hấp dẫn nên hỏi thêm:

 

- Vậy anh John vô tình được hay là bị vượt biên chứ hổng phải chính trị chính em hay liên can gì chính quyền Sài Gòn? 

- Tao biết mẹ gì chuyện chính trị chính em, nhà nghèo kiết xác, đi đánh cá kiếm sống. Những người lớn tổ chức vượt biên nhưng họ sợ lộ nên không tiết lộ cho ai cả. Ghe đánh cá vẫn ra biển như mọi ngày. Khi họ cứ cho ghe chạy thẳng hướng phao số không thì mới biết là họ vượt biên. Tạo sợ muốn chết luôn, khóc lóc xin về. Họ nói giờ vượt biên với họ còn không đi thì nhảy xuống biển chứ ghe không thể quay về được! Tao hết cách, đành nuốt nước mắt cam chịu chứ biết sao. Thế rồi con tàu chết máy, chân vịt bị lưới đánh cá quấn chặt. Người lớn trên tàu sợ cá mập nên không ai chịu xuống gỡ. Bọn họ buộc dây thừng ngang người tao, thòng tao xuống nước để cắt tấm lưới cá quấn chân vịt. Hồi đó nhỏ quá, họ biểu gì làm nấy, đâu dám cãi. Khi ở tại tị nạm Hồng Kông thì ngày này được phát thức ăn, học tiếng Anh và còn được liên hiệp quốc cho tiền để tiêu. Tao lén theo mấy người lớn ra ngoài trại làm chui phụ bếp ở mấy nhà hàng. Ba năm ở trại vậy mà sướng hơn bây giờ đó, cứ sống phè phè vậy mà sướng. Hồi ở trại. Tụi tao với băng người nam đánh lộn với tụi Hải Phòng ì xèo. Tụi Hải Phòng dữ dằn, ngang ngược và láo không ai chịu nổi. Trại chia hai phe, hễ đụng nhau là đập lộn. Cảnh sát phải dùng biện pháp trấn áp mạnh, nhiều người bị nhốt riêng. Tao được nhà thờ Tin lành bảo lãnh đi Mỹ và New York là nơi tao đặt bước chân đầu tiên lên nước Mỹ. Những ngày tháng đầu buồn kinh khủng, nhớ nhà muốn chết luôn nên khóc hoài. Lúc mới đến New York ngay vào mùa đông, trời lạnh nhức xương tưởng chừng như không sống nổi nhưng cũng phải cố sống. Có lần tao lội bộ đi làm và sụp vào hố nước còn chưa đóng băng, tao tưởng tao bị đóng băng luôn. Tao khóc mà không ra nước mắt, thấy đời cô đơn, lạnh lẽo và khổ quá. Lúc ấy cũng chưa có cộng đồng người Việt, chưa có chợ hay nhà hàng Việt. Tao thèm móm ăn Việt, thèm mùii nước mắm khinh khủng, lâu lâu lên phố Tàu mới được ăn đồ Tàu cho đỡ thèm. Những năm tháng ấy tao cứ ước gì quay lại Việt Nam hay trại tị nạm Hồng Kông cũng được.

Năm 1990 tao mới theo anh họ và mấy người bạn kéo về Atlanta, ở đây khí hậu phương nam ấm áp hơn các bang phía bắc, vật giá quá rẻ, nhà cửa đất đai cũng rẻ khinh khủng, nhờ thế mới mua nổi cái nhà, nếu cứ ở New York thì cả đời chỉ ở nhà mướn chứ mua gì nổi!

 

Thành Ất Lăng này quả thật dễ sống, mọi thứ đều rẻ, kể cả thuế má, giai đoạn địa ốc khủng hoảng, nhà cửa rẻ không sao tưởng tượng nổi. Ba mươi ngàn đô cũng có thể mua được căn nhà ba phòng ngủ. Trong giai đoạn này, bạn bè tao nhiều đứa mua cả mấy chục căn nhà, giờ tụi nó là triệu phú, vì nhà cửa lên giá, dùng những căn nhà đó cho mướn hàng tháng kiếm quá trời tiền.

 

Thành Ất Lăng phát triển mạnh từ sau đại hội thể thao Olympic 1996, nhiều xa lộ mới, nhiều khu dân cư, nhiều shopping mới, nhiều hãng xưởng mọc lên và người từ các nơi ồ ạt kéo về. Xứ này là nơi đặt tổng hành dinh của những đại công ty mà tiếng tăm lừng danh khắp thế giới như: Coca Cola, CNN, Ford, Delta Airlines… và cả nhà tù liên bang luôn.

 

Người kéo về đông quá, dân số tăng nhanh và lượng xe cộ cũng tăng kinh khủng luôn, trong khi đó đường xá xa lộ chỉ nhiêu đó, vì vậy giờ nạn kẹt xe thật là tồi tệ: sáng, trưa, chiều tối đều kẹt; Thứ hai đến chủ nhật, kẹt; Mồng một đến ba mươi, kẹt. Những xa lộ I-20, I- 75-85, I-285 (qua downtown) kẹt bất kể giờ giấc và ngày tháng. Bây giờ chạy trên đường thỉnh thoảng gặp những chiếc xe dán miếng decal: Atlanta full, please don’t move to Atlanta…

 

Con Kelly vô nhà thương chừng mấy tiếng thì về nhà, sức khỏe bình thường, chẳng qua nó có bầu, làm nhiều giờ quá nên mệt mà xỉu thôi. Con Andrea White Head, giám đốc nhân sự nói với Steven:

 

- Con Kelly vô nhà thương có mấy tiếng vậy mà hóa đơn gởi về cho hãng ngàn mấy bạc!

 

Từ đó công ty thắt chặt hơn nữa an toàn lao động hòng tránh những việc chấn thương hay bị kiện tụng. Những việc bảo hộ quá đáng gây phiền phức cho người làm. Công nhân lắp ráp điện tử mà mặc đồ bảo bộ, quần áo, giày vớ, găng tay, kiếng mắt… cứ như phi hành gia vũ trụ, rất khó chịu nhưng đành phải chịu. Ở xứ này tự do là vậy nhưng luật là luật, hổng giỡn chơi được đâu! Xứ này giàu có quá nên việc gì cũng làm quan trọng hóa vấn đề, kiểu như: “công chúa đứt tay ăn mày đổ ruột”. Mấy tháng trước, con Angelia trượt té, có tí xíu vậy mà cũng kêu cấp cứu, xe cứu thương cứu hỏa ầm ĩ cả hãng. Thằng Jerome làm bất cản, bị đứt tay tí xíu vậy mà cũng chở vào nhà thương băng bó, nẹp ngón tay, chụp x quang…

 

Trước khi con Kelly nghỉ sanh, phân xưởng Debug làm cái tiệc baby shower nho nhỏ, mọi người góp ít tiền mua quà chúc mừng. Con Kelly và thằng Romario mua bảo hiểm sức khỏe từ Obamacare vì chương trình bảo hiểm sức khỏe của hãng mắc hơn. Nó cũng như những người làm công khác, khi sanh nở thì bảo hiểm trả phần lớn, phần còn lại thì xin trợ giúp từ chính phủ, ngoài ra sau sinh còn được chăm sóc y tế cả mẹ lẫn con, tóm lại tiền sinh đẻ và chăm sóc y tế rất lớn nhưng chẳng phải trả đồng nào.

 

Ở xứ này kể cũng lạ, phúc lợi xã hội như con bò sữa, nhiều người lợi dụng quá đáng. Thằng Decker, bạn của Steven, lương nó gần ba mươi đồng một giờ, vậy mà bằng cách nào nó xin được trợ cấp thực phẩm (foodstamp). Thằng Diego lái xe Cadillac mới toanh nhưng cũng để lòi ra phiếu trợ cấp thực phẩm, còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Mấy bà Mỹ đen vô tiệm làm móng, bộ móng cả trăm bạc mà mỗi hai tuần lại phải tới để fill in, vậy mà toàn xài thẻ trợ cấp thực phẩm, đôi khi nhiều người đem thẻ trợ cấp thực phẩm đến những cơ sở làm ăn gian lận để đổi ra tiền mà xài. Nhiều người dùng thẻ trợ cấp thực phẩm mua toàn hải sản, cua tuyết, cá hồi… Cư dân gốc mít mình cũng bú con bò sữa dữ lắm, nhất là những người nhận lương tiền mặt, những người làm nail chỉ khai thuế ở phần tiền check, phần tiền tip và tiền mặt thì đâu có khai, vì vậy mà được hoàn thuế, được khai thu nhập thấp để xin đủ thứ.  Cuối mùa nail thì bay về Việt Nam ăn chơi và nổ sảng đã đời trời đất. Điều này khiến những người làm ăn chân chính mà đóng thuế nặng phải bực mình, Những thành phần đóng thuế nặng nhất là lớp trung lưu, tùy theo thu nhập mà có khi thuế lên đến bốn mươi lăm phần trăm. Dân mít ở đây thường kháo nhau: “hoặc là thật giàu, hoặc là thật nghèo, chứ còn trưng bình khá thì đóng thuế chết luôn”.

 

Con Kelly sinh con xong là nghỉ việc ở nhà giữ con, lương công nhân mà đem gởi hai đứa con thì còn gì nữa. Ở nhà giữ con và xin được nhiều phúc lợi xã hội cho cả mẹ lẫn con. Không riêng gì nó, nhiều người đàn bà Mễ, Caribbean thường có rất nhiều con, bởi vậy họ ở nhà giữ con và xin phúc lợi xã hội,  chỉ mỗi ông chồng đi làm thôi!

 

Thành Ất Lăng vào mùa xuân, hoa nở bạt ngàn, sắc hương ngào ngạt, cây lá xanh tươi. Ngày làm việc cuối tuần, con Kelly chở em bé vào hãng chơi và chờ thằng Romario tan ca. Mọi người tranh nhau nựng em bé, khen em bé  và khen con Kelly vừa góp thêm cho đời một bông hoa mới. Em bé mới sinh tên Emmy rất đẹp, giống hệt mẹ nó. Em bé đang lớn mỗi ngày, lớn lên nhờ mẹ nó là con Kelly và nhờ cả bầu sữa phúc lợi xã hội của xứ Cờ Hoa.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 04/23

Ý kiến bạn đọc
17/05/202323:14:26
Khách
Trích: "...Điều này khiến những người làm ăn chân chính mà đóng thuế nặng phải bực mình, Những thành phần đóng thuế nặng nhất là lớp trung lưu, tùy theo thu nhập mà có khi thuế lên đến bốn mươi lăm phần trăm..."

Được đóng thuế nặng là dấu chỉ của sự công thành danh toại và nhiều may mắn, suôn sẻ trên đường đời cho một cá nhân.

Vậy hãy vui vẻ, bằng lòng chia sẻ bớt cho những người kém thế cho dù họ có lợi dụng, ăn gian, etc.

Mình sống phải để cho người khác sống thì mới phải đạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,413
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.
Nhạc sĩ Cung Tiến