Hôm nay,  

Riêng Chung Chuyện Đời

08/03/202312:36:00(Xem: 3965)
08032023 Matt & Cindy_Tieu Luc Than Phong
Hình: Tác Giả gửi

 

 

Con Cindy đứng dậy, mở cửa định bước ra ngoài, ông Định kêu lại:

- Cindy, ba vẫn đang nói chuyện với con, sao con có thể cắt ngang mà đi? Có phải tháng tới con đi Việt Nam?

Cindy quay lại bàn và thưa:

- Dạ, con nghỉ phép hai tuần, tua du dịch Thái Lan và sẽ ghé Việt Nam.

- Đi thì đi nhưng không được ghé về nhà!

- Sao vậy ba?

- Ba không muốn họ hàng xóm giềng cười cợt:” Con gái ông Định lấy Mỹ”. Con đừng bôi tro trát trấu lên mặt ba.

Cindy giơ hai tay lên trời nhún vai nhưng rồi nó cũng vui vẻ:

- Ok ba, con không ghé nhà mình đâu.

 

**

 Con Cindy cặp thằnng Matt đã hai năm nay, thằng Matt người Mỹ nhưng có nguồn gốc Lebanon, tướng tá ngon lành, cao to, tóc vàng, mắt xanh như nước biển. Gia thế nhà nó khá nổi tiếng ở địa phương, ba nó là một chủ doanh nghiệp thành đạt. Ông ấy có hãng điện tử. Anh em thằng Matt đều học hành tới nơi tới chốn, có danh phận trong xã hội. Ba má thằng Matt ly dị từ khi nó còn nhỏ, bà mẹ kế của nó rất trẻ, còn nhỏ tuổi hơn thằng anh của nó. Bà ấy tên Elizabeth, tướng tá cao ráo, thanh thoát, sang trọng, đẹp như một người mẫu. Thằng Matt là nha sĩ, con Cindy là supervisor của một văn phòng an sinh xã hội thuộc chính quyền tiểu bang. Hai đứa rất đẹp đôi vừa lứa, tâm ý hợp nhau, chúng dẫn đi du lịch khắp thế giới. Con Cindy hướng dẫn thế nào ấy mà thằng Matt mê tít thò lò món ăn Việt Nam, món nào nó cũng quất tận tình: Gỏi, bánh mì, phở, cơm sườn, chè, bánh, sầu riêng…

 

Anh chị em con Cindy không có ý kiến gì chuyện nó cặp thằng Matt, riêng ông Định thì không thích ra mặt, ông rất bực bội và không chấp nhận cuộc tình dị chủng. Ông Định vốn là sĩ quan Viẹt Nam Cộng Hòa, sau khi đi tù hơn năm năm thì được thả và đi Mỹ diện HO15. Ông Định sống ở Mỹ cũng ba mươi lăm năm nhưng xem ra khá bảo thủ, không chấp nhận và tiếp nhận cái mới, cái khác. Ông Định chưa từng ra khỏi tiểu bang này, chưa một lần ăn pizza hay hamburger. Khi nghe tin con Cindy cặp thằng Matt thì ông giận lắm. Ông cứ giữ khư khư cái quan niệm lấy Mỹ là đồng nghĩa me Mỹ nhưng thập niêm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Thời thế đã thay đổi, xã hội đổi thay, con người cũng khác nhưng ông không thay đổi, hơn nữa chuyện con Cindy với thằng Matt là tình yêu trong sáng, tình yêu thật sự ấy vậy mà ông vẫn không chịu thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình.

 

Con Cindy và thằng Matt yêu nhau thắm thiết và quyết định lấy nhau mặc cho ông Định không đồng ý. Thật sự thì con Cindy cũng ra ở riêng mấy tháng nay rồi, cứ mỗi khi nó về và thưa chuyện xin cưới hỏi là có cãi vã, hai cha con lời qua tiếng lại. Bà Thu, vợ ông Định thì lặng lẽ không ý kiến gì, bà xưa nay vẫn thế. Con thương ai thì gả chứ bà không câu nệ này kia như ông Định. Chuyện cứ xà quần tưởng chừng không đi tới đâu nhưng cuối cùng ông Định cũng đành chấp nhận và chịu tổ chức cưới hỏi cho con gái. Đám cưới thật linh đình, đầy đủ các nghi thức lễ cổ truyền, phẩm vật, trang trí cũng không thiếu thứ gì, ngay cả con heo quay đi rước dâu cũng có luôn. Cindy quá chu đáo, sắp xếp hết mọi thứ, từ việc lớn đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

 

Ngày cưới thằng Matt mặc áo dài đỏ thêu rồng vàng, đội khăn đóng. Con Cindy cũng áo dài vàng thêu phụng đỏ, khăn vành… Hai đứa chắp tay khấn trước bàn thờ gia tiên. Ông Định xúc động mắt đỏ hoe, Tối đãi tiệc ở nhà hàng Tàu vui hết biết luôn, khách khứa toàn bạn Mỹ, khách Việt chỉ lác đác vài mống thân thuộc. Phải nói đám cưới của Cindy là một cái đám cưới vui như hội, vui trọn vẹn. Khó tánh và bảo thủ như ông Định ấy vậy mà cũng hớn hở ra mặt. Đám cưới Cindy khác với những đám cưới của người Việt mình, không đặt nặng chuyện mâm cao cỗ đầy, thức ăn phải ngon và nhiều, không bị chê ỉ ôi như khách Việt. Suốt buổi tiệc khách khứa nhảy nhót vô cùng sôi nổi. Khách Mỹ đi đám cưới cũng không đặt nặng chuyện quà cáp tiền nong, phần nhiều vui là chính, quà đơn giản chỉ là bộ lotion, chai rượu vang, vài vật dụng linh tinh hay cái gift card nho nhỏ… đây là những điều khác biệt khá lớn giữa đám cưới thuần Việt với một đám cưới Mỹ.

 

Gia đình thằng Matt có nguồn gốc Lebenon, tổ tiên nó theo đạo Hồi, đến thế hệ nó thì phai nhạt. Nó không có cầu nguyện như những tín đồ Hồi giáo khác, những giới cấm cũng đã không còn tác dụng. Thằng Matt và anh nó uống rượu như hũ hèm, duy một điều vẫn còn tuân theo là không ăn thịt heo. Con Cindy nhắc nhở nhà hàng không được để bất cứ thứ gì có dính dáng đến thịt heo hay hình ảnh có liên tưởng đến con heo. . hễ đụng đến heo là điều vô cùng nhạy cảm, điều này nó ăn sâu trong tiềm thức của họ, vì vậy sự phản ứng khó lường trước được. (Điều này cũng giống những tín đồ Hindu – Ấn giáo. Họ kiêng kỵ thịt bò, hễ vi phạm thì khó lường trước được phản ứng kinh khủng như thế nào). Người ngoại đạo khó có thể hiểu được vấn đề thịt heo nhạy cảm như thế nào đối với đức tin của họ.

Ba thằng Matt là ông Ahmed Labi, người da trắng gốc Lebanon. Ông sang Mỹ du học năm 1972, ông kể chuyện khi ông sang Mỹ trong túi chỉ có một trăm năm mươi đô la, ấy vậy mà ngày nay ông có trong tay hàng chục triệu Mỹ kim. Ông thông minh, sáng tạo và chăm chỉ làm ăn vì vậy sau khi học xong ông thành lập công ty điện tử và đã ăn nên làm ra.

 

Ông Định sang Mỹ diện HO, ngày sang đây con Cindy chỉ mới hai tuổi, trên Cindy còn có bốn chị gái và một anh trai, dĩ nhiên là cả nhà đều dành hết tình thương cho Cindy. Cindy học giỏi, thông minh, thường bài tập về nhà thì Cindy làm xong trong lúc ông Định chở trên quãng đường từ trường về nhà. Cindy lớn lên ở Mỹ nên tư tưởng và cách sống, tư duy cũng khác với ông Định và mấy anh chị lớn. Ông Định thương con nhưng quá bảo thủ vì vậy gây ra những cãi vã không đáng có giữa hai cha con và cũng như giữa ông và mấy đứa con khác. Khi Cindy học cấp hai, ngày nào ông cũng la lối:

 

- Con gái phải ăn mặc kín đáo, không được hở đùi, hở rún! Nếu không người ta cười chê nhà không có giáo dục!

 

Cindy thì thích mặc quần sort áo lửng, cãi:

- Xứ này là Mỹ mà ba! Đây là quần áo thời trang của tuổi teenage!

- Nhưng mình là người Việt Nam, cần phải giữ truyền thống văn hóa của mình!

Con Cindy lại khẳng định:

- Đây là xứ Mỹ không phải Việt Nam!

Ông Định không nói chuyện áo quần nữa, lại đề cập chuyện học hành:

- Con phải chăm lo học, không được có bồ bịch, có bồ bịch sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học. Ba má ở Việt Nam khổ cực lắm mới mang được con qua đây, mình phải tận dụng cơ hội này để học cho đàng hoàng, nhiều người muốn được đến Mỹ để học mà không được!

Cindy lầu bầu trong miệng:

- Ba khó quá!

- Con không biết ba đã khổ như thế nào đâu? Ba đi lính ra chiến trường từng giáp mặt với bom đạn sống chết trong gang tấc. Ba đi tù đói khát bị lăng nhục đủ điều, ra tù làm đủ nghề để nuôi con cái. Giờ con cái mới được sang Mỹ.

Con Cindy bực bội vì những điều này cứ nghe hoài, nó buông một tràng tiếng Anh:

- ‘I don’t care you talk too much your matter. I don’t want listen any more…’

Cindy nói nhiều và nhanh như người Mỹ bản địa. Ông Định nghe loáng thoáng hiểu được một phần nên giận và quát to tiếng:

- Ở trong nhà này phải nói bằng tiếng Việt!

Cứ như thế những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên và theo thời gian lớn dần của Cindy. Tuy nhiên phải nói là ông Định rất may mắn, rất có phước. Tuy cãi vậy nhưng Cindy và những anh chị của nó đều rất thương yêu ba má, chịu khó làm ăn, tuy ra riêng nhưng mua nhà sống quây quần gần bên ông chứ không đứa nào bỏ đi xa. Ở Mỹ kiếm được một đại gia đình quần tụ trong một khu vực như thế kể như không có trường hợp thứ hai. Những đứa con của ông Định tuy có bất đồng ý kiến với ông nhưng rất kính trọng và hiếu thảo.

 

Khoảng thời gian Cindy học phổ thông trung học, ông Định vẫn ngăn cản nó đi chơi với bạn bè. Có một lần nó rạch lưới cửa sổ trốn ra ngoài đi chơi đêm với nhóm bạn. Ông Định phát giác ra và giận vô cùng, lập tức kêu hết mấy đứa con về họp gia đình và tỏa ra đi tìm Cindy. Ông Định hành xử cứ như còn ở Việt Nam nếu ông hiểu tâm lý lứa tuổi teenage một chút thì sẽ không đến nỗi này! Mấy anh chị Cindy lần theo những mối quan hệ bạn bè của Cindy và tìm thấy con nhỏ đang ở trong một quán cà phê cách nhà chừng ba mươi dặm. Cả đám nhóc sợ xanh mặt khi thằng anh cả của Cindy xuất hiện, cả đám chưa có đứa nào đủ mười tám tuổi. Thằng Long chở Cindy cũng thế, nó chỉ có bằng lái tạm thời chứ chưa phép được tự lái, xe nó mượn hay lén lấy của gia đình nó để lái. Thằng Long đập đập nát điện thoại cầm tay Nokia và năn nỉ thằng anh cả của Cindy:

 

- Anh tha cho em, đừng kêu cảnh sát. Em hứa sẽ không bao giờ chở Cindy đi đâu nữa hết!

 

Tội nghiệp thằng nhỏ, nó run như cầy sấy, vừa sợ cảnh sát, vừa sợ gia đình. Cũng tội cho nó, con Cindy đầu têu kêu gọi hẹn hò và nhờ nó chở chứ đâu phải do nó. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì nó phạm luật, chưa được phép lái xe một mình lại chở người vị thành niên. Thằng anh cả Cindy cũng bỏ qua, không gọi cảnh sát, cả đám giải tán. Đứa nào có xe thì tự lái về, đứa nào không thì kêu người nhà đến chở về. Cindy thì thằng anh cả chở về, đến nhà, ông Định bắt nó quỳ trước bàn thờ ông nội (tức cha của ông Định). Ông Định la lối um sùm, bắt nó phải kể lại sự việc và hỏi đã có chuyện gì xảy ra với nó chưa? Ý ông muốn ám chỉ chuyện tình ái trai gái. Con Cindy xổ một tràng tiếng Anh, đại khái:

- “I have right to live my life, I am not a slaver, I need connect and hangout with my friends…”

Ông Định giận lắm:

- Ở trong ngôi nhà này thì phải nói bằng tiếng Việt.

Thằng anh cả của Cindy cũng la to:

- Nói bằng tiếng Việt!

Vây là Cindy lí nhí kể lại chuyện leo cửa sổ trốn đi chơi đêm và hứa sẽ không làm như vậy nữa!

 

**

 

Thời gian qua mau như nước chảy mây bay, ông Định gần đến ngày nghỉ hưu. Thằng Phillip (anh cả của Cindy) đột nhiên thưa chuyện cưới vợ, oái oăm thay là bạn gái của nó bụng đã lum lum lồi lên.

 

Ông Định biết được sự thể nên giận tím mặt nhất định không chịu cưới hỏi gì cả. Ông sẵn giọng:

- Nhà vô phúc! Mầy dắt nó đi tiểu bang nào xa xa khuất mắt mà sinh sống, không có cưới hỏi gì sất! Đừng để bạn bè người quen cười vào mặt tao!

 

Thằng Phillip quỳ xuống năn nỉ cỡ nào cũng không xong, cuối cùng nó dọn ra riêng. Ông Định kể khổ:

- Suốt cả đời khổ nhọc làm lụng nuôi con cái, khổ từ Việt Nam khổ qua tới Mỹ. Đi tù Cộng sản năm năm những tưởng mang con cái qua Mỹ để được nở mặt nở mày, vậy mà giờ con cái trả ơn như thế này!

 

Con Tracy, chị ba của Cindy nói:

- Tụi con biết ba má cực khổ nuôi tụi con nhưng ba má cứ nhắc hoài chuyện cũ cũng làm tụi con mệt lắm. Ở xứ Mỹ mà ba cứ muốn như ở xứ mình thì làm sao thích hợp được! Vả lại thời đại của ba khác với thời của tụi con bây giờ.

 

Ông Định không nói gì thêm, bỏ vào buồng nằm, chừng lát sau trong lòng không yên nên dậy và trở ra đốt nén nhang thì thầm khấn vái trước bàn thờ cha. Hai tuần sau ông Định nhắn thằng Phillip về nhà và bảo nó mời người nhà con ghệ qua thăm chơi để bàn chuyện cưới hỏi. Ông còn nhấn mạnh phải nhanh lên nếu để muộn thì sẽ thêm nhiều rắc rối nảy sinh. Nhà gái cũng biết thế yếu của mình, vả lại sống ở xứ Mỹ nên cũng theo thời đại, việc bàn chuyện cưới hỏi nhanh chóng vánh mà không có bất cứ điều kiện gây khó khăn gì. Đám cưới thằng Phillip với con Giang cũng đầy đủ mọi nghi thức và tập tục cổ truyền, cưới tháng sáu mùa hạ, đến cuối tháng mười hai mùa đông thì thằng Paul ra đời. Thằng bé cực kỳ bụ bẫm, trắng trẻo, dễ thương. Ai cũng thích nựng thằng bé. Ông Định thấy cháu đích tôn quá quầm xừ, quá hợp nhãn nên vui lắm. Ông thương thằng bé, ngày nào cũng qua nhà để chơi với cháu, ôm ấp ẵm bồng cháu, bao nhiêu chuyện cũ quên lãng, những điều bất như ý trước kia rơi rụng theo ngày tháng, phai nhạt dần theo sự lớn lên hết sức dễ thương của thằng Paul.

 

Sau ngày ông Định về hưu, ông trở thành “babysitter”, chở thằng Paul, con Tina, con Liza… đi học. Ngày ngày hai buổi đưa đón tụi cháu, quãng thời gian ở giữa thì ông Định làm vườn. Ông vốn là một nông dân chính hiệu, ngày xưa còn ở Việt Nam đã từng làm la ghim, trồng rau, trồng nấm rất mát tay. Giờ ông lại giở nghề cũ ra và làm rất bài bản. Ngôi nhà của ông to như biệt thự, có vườn hoa, rặng thông, ngôi nhà vốn của một viên phi công da trắng, hắn ta bán nhà để di chuyển qua tiểu bang khác. Ngôi nhà này khi còn chủ cũ thì cứ mỗi hai tuần có người đến chăm sóc vườn hoa, cắt cỏ… Sân trước, vườn sau đủ loại hoa, mùa nào thức ấy, nào là: Pansy, tulip, daffodil, hồng camila, cẩm tú cầu, thược dược… đặc biệt có cây hoa mộc lan hồng đã bảy mươi tuổi to bằng một vòng ôm người lớn, mỗi mùa xuân hoa mộc lan nở hồng cả sân, cánh hoa trải thảm trên cỏ xanh đẹp như vườn địa đàng. Ngôi nhà do mấy đứa con hùn tiền lại mua cho ông. Nhà cửa, đất đai, giá cả ở thành Ất Lăng rất rẻ, nhiều nhà môi giới địa ốc nói:” Nếu ngôi nhà này ở California thì giá không dưới hai triệu Mỹ kim”, ấy vậy mà ở đây giá chừng hai trăm ngàn (giá thời điểm mua nhà, bây giờ thì khác rồi).

 

Ông Định sống thực tế, ít mơ mộng hay lãng mạn. Với ông hoa cỏ phù phiếm vì vậy ông phá sạch vườn hoa để trồng rau muống, cải, xà lách, đậu que… Cây mộc lan ông cũng kêu người cắt bỏ vì e rằng nó sẽ che hết ánh nắng làm cho rau cải không lớn. Những nhà láng giềng tiếc ngẩn ngơ, vì cây mộc lam qúa đẹp. Họ đã nhìn ngắm nó bao nhiêu năm nay rồi. Họ hỏi:” Cớ sao chặt bỏ cây mộc lan, uổng vậy, nó đâu có gây nguy hiểm gì đâu!” Hỏi thì hỏi vậy chứ, có tiếc cũng thế thôi, cây trong vườn của ổng thì ổng có quyền để hay cắt bỏ. Phải công nhận ông Định mát tay thật, rau cải, đậu que, bí ngô, bí đao… tốt quá trời luôn, ăn sao xuể, cả năm gia đình con cái ngày nào cũng đến hái rau mà ăn cũng không hết. Ông Định lại cất công cắt đem cho bạn bè và những người quen biết, kể cả mấy người Mỹ láng giềng. Nhiều người góp ý nên đem ra chợ Việt bán hay đổi những món đồ gia dụng, ông Định nhất định không! Chỉ cho người quen ăn lấy thảo chứ không bán mua đổi chác. Có thể nói ông Định là nông dân thứ thiệt, chất phác, tay nghề thành thạo và cũng cần phải nói là một phần do khí hậu ôn hòa mát mẻ, đất đai màu mỡ trù phú nên vườn rau xanh mướt, trồng cây gì cũng sống, cắm cây gì xuống cũng mọc lên xanh tốt.

 

Ông Định nghỉ hưu ở nhà chở cháu đi học và trồng rau. Bạn bè đồng liêu, đồng niên rủ ông tham gia hội cao niên, cộng đồng để sinh hoạt cho vui tuổi già. Ông thẳng thừng từ chối:

- Thị phi nhặng xị thêm mệt! Đến để nghe mấy khứa lão nổ sảng và bắt bẻ chuyện này chuyện kia thêm phiền.

 

Trong nhóm bạn của ông có người hồi hương sống nốt tuổi già, có người đi đi về về hàng năm. Riêng Ông thì không. Ông qua Mỹ cũng tròm trèm ba mươi lăm năm nhưng về Việt Nam chỉ hai lần, về là vì bất đắc dĩ, lần đầu lo đám cưới cho con gái lấy chồng ở bển, lấn thứ hai thì cách đây cũng đã hai mươi năm. Ông nói ông không thể sống nổi ở Việt Nam! Mà cũng lạ thật, con cái cả nhà ông chẳng có đứa nào thích về Việt Nam cả. Họ hàng bà con gần nhiều người cứ hỏi: ”Tại sao Việt kiều về nước quá trời mà nhà ông Định chẳng thấy ai về?” Họ hỏi và nói với nhau tiếng cũng bay tới tai nhà ông Định nhưng chẳng có ai nói năng gì. Ông Định và mấy đúa con không thích về Việt Nam chẳng phải vì lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền; cũng chẳng phải vì quan điểm chính trị này nọ; cũng chẳng phải vì nghèo không có tiền, ngược lại nữa là khác. Mấy đứa con ông Định ăn nên làm ra, rất giàu, tiền bạc rủng rỉng. Họ không muốn về vì cả gia đình sống ở Mỹ, bà con thì họ chẳng mặn mà gì, một lý do nữa là con cái Ông Định bằng lòng với cuộc sống hiện tại, gắn chặt mình vào công việc. Họ sống cứ như một công thức, sáng đi làm tối về nấu nướng ăn uống, xem mạng xã hội… cuộc sống cứ đều đều như thế, cứ như một công thức nhất định, hằng mấy chục năm trời chẳng có một tí ti thay đổi.  Bản thân ông Định và con cái cũng không quan tâm việc cộng đồng, chuyện giao tế xã hội… và họ cũng không có ham hố đua đòi, thậm chí chẳng bao giờ tham gia một việc gì ngoài xã hội, không cả việc vui chơi giải trí, văn nghệ… Có chăng chỉ là cuối tuần đi shopping, đi mall mua sắm thế thôi!

 

**

 

Mùa xuân lại đến, trong số bạn cũ ngày xưa cùng quê của ông Định có người về Việt Nam ăn tết. Ông Định có gởi chút quà về cho bà chị thân nhất. Người ấy rủ ông cùng về một chuyến dối già, về thăm lại mồ mả ông bà cha mẹ… Ông Định cười trừ chứ chẳng nói năng chi.

 

Mùa xuân, ngày tết ai ai cũng đi chùa dâng hương lễ Phật cầu chúc năm mới tốt lành bình an nhưng ông Định không bao giờ đi, mấy đứa con thì thi thoảng cũng có đi, nếu ngày tết rơi trúng vào ngày nghỉ. Ông Định và một số bạn của mình có một sự hiểu lầm to lớn, cứ vu cho Phật giáo làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, làm gì có chuyện đó! Sụp đổ có rất nhiều nguyên nhân cả nội thân và do bên ngoài. Phật giáo làm gì có năng lực lớn đó, giả sử có đi nữa thì Phật giáo cũng không bao giờ làm việc đó!

 

Phật giáo chỉ biểu tình đòi hỏi tự do và bình đẳng trong giai đoạn bị đàn áp. Phật giáo không làm chính trị, không tham chính, thân chính hay can thiệp chính trị. Nhân chứng còn đấy, vật chứng, tang chứng đầy đủ. Tài liệu mật của CIA đã bạch hóa, tài liệu của tòa bạch ốc, ngũ giác đài, bộ ngoại giao Mỹ cũng đã công khai hết về chuyện Phật giáo năm xưa. Chỉ tiếc là ông Định khư khư không chịu đọc, không cập nhật nên mới đổ lỗi cho Phật giáo và từ chối việc đến chùa.

 

Thành Ất Lăng đón tết cổ truyền trong thời tiết ảm đạm của mùa đông Bắc Mỹ, khí hậu biến đổi quá cực đoan, nóng - lạnh và nắng - mưa thất thường không sao tưởng nổi. Tự nhiên đã thế, con người còn rối ren hơn, chỉ có một nhúm người Việt mà tranh nhau tổ chức mấy hội xuân, năm nào cũng tranh. Ngày thường thì đấu đá, chụp mũ, mạ lỵ nhau không ngớt. Nạn bè phái, phe nhóm thật khó mà hòa hợp nếu không muốn nói là không thể! Hình như bản tánh người Việt là vậy, bởi vậy mới có câu tục ngữ cải biên:” Không ăn đậu không phải Mễ, không chia rẽ không phải Việt Nam”. Ông Định từ chối tham gia hay sinh hoạt với bất cứ tổ chức, nhóm hay cộng đồng nào kể cũng rất có lý!

 

Thời thế thay đổi, lòng người đổi thay. Những thế hệ lớn dần dần thưa thớt, những thế hệ trẻ thay thế thì những lý tưởng cũ cũng phai nhạt, những vấn đề tồn đọng của ngày xưa cũng dần dần không còn được nói đến, thậm chí bây giờ rất nhiều người mơ hồ và không còn phân biệt gì Quốc - Cộng nữa. Thành Ất Lăng năm nay lại dậy sóng, có một người đàn bà dữ dằn làm bầu sô rước Đờm qua biểu diễn. Những người phản đối bị bà ta và bọn đàn em chửi bới, hăm họa, đe nẹt dùng luật kiện tụng,thậm chí còn đe dọa sẽ cho xã hội đen xử… Y thị xảo trá bao biện: ”Chỉ làm nghệ thuật chứ không làm chính trị”. Trong khi những người phản đối đưa ra bằng chứng Đờm ca sĩ làm văn hóa tuyên truyền, một dư luận viên và nhất là những phát ngôn hàm hồ vô văn hóa của y. Sô hát vẫn diễn ra bất chấp sự phản đối, rất nhiều người đi xem Đờm hát, rất nhiều người không còn phân biệt gì nữa giữa ca sĩ trong hay ngoài, đỏ hay vàng, chánh hay tà, nghệ thuật hay âm thầm vận động… Ông Định không phản đối cũng không ủng hộ việc Đờm sang đây ca hát hay vận động. Tuy nhiên ông chép miệng:

- Xưa đã thua phải chạy qua đây, giờ lại thua ngay tại đây nữa rồi! Thằng đờm chỉ là một ví dụ cụ thể đây! Ngoài nó ra còn có rất nhiều cán bộ mua nhà, mua đất, mua thẻ xanh, đưa con cháu qua bên này.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất lăng thành, 0123

Ý kiến bạn đọc
04/10/202318:50:33
Khách
Nói về chuyện người có tiền ở VN qua Mỹ thì rất nhiều. Cũng tại chính sách của Mỹ. Nước Mỹ bây giờ có nhiều điều rất đáng lo. Không biết đời con, cháu sẽ ra sao.
12/03/202322:59:53
Khách
" Chọc quê" bác Định, bác bắt nói tiếng Việt ở nhà, mà con cháu của bác toàn tên Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,431
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.
Năm 2023 là năm mà chương trình Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo California của anh chị Trần Dạ Từ-Nhã Ca chủ trương bước vào năm thứ 23. Với cá nhân tôi, đây là thời điểm đáng ghi nhớ vì tôi đã nhận được giải thưởng danh dự trong buổi lễ phát giải rất trang trọng và thân tình tổ chức ở studio đài truyền hình SBTN, thành phố Garden Grove quận Cam vào ngày 26/11/2023 vừa qua. Sự kiện này nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng xa lắc xa lơ cách đây hơn nửa thế kỷ, tưởng đâu đã vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức, không ngờ giờ đây nó sống lại. Đó là những bước đầu chập chững viết văn và dự thi viết văn, giống như trường hợp tham gia vào cuộc thi Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên cho tới bây giờ.
Sáng sớm hôm nay, tôi nhận message của OCTA (Orange County Transportation Authority) thông báo hôm nay nhân viên làm việc trong phần hành bảo trì các xe bus nói chung đình công. Hai tuần trước thì nhóm tài xế đình công mấy ngày, nhưng được giải quyết nhanh chóng. Lần này nhóm bảo trì đình công, chưa biết khi nào xong, nhưng phải thứ Hai tuần tới, tức một ngày trước ngày bầu cử, mới có thể giải quyết được. Thế là vợ nhìn chồng khi đang đút cháu Bồ Câu ăn sáng, chồng nhìn vợ, cháu Bồ Câu ư e khen món ăn của mẹ. Vợ lên tiếng trước “Anh nè, mấy khi Bồ Câu được khỏi đi học, thôi 3 đứa mình rủ nhau ra biển chơi”
Mặt trời sắp lặn ở phía Tây sau dãy núi xa xa, những tia nắng mặt trời ửng lên như những sợi tơ trời màu hồng cam, từng sợi một hắt lên bầu trời một gam sắc màu huy hoàng thật đẹp, lay động tâm hồn người khách phương xa đang ngơ ngẩn nhìn. Năm nay tôi lại lái xe từ Arizona qua miền Nam California để tham dự lễ Phát Giải thưởng VVNM năm thứ 23. Hai năm trước, tôi được vinh dự là người lên lãnh giải thưởng cuối cùng, đồng nghĩa với giải thưởng cao quý nhất của buổi lễ truyền thống tốt đẹp do Việt Báo tổ chức mỗi 2 năm tại miền nam tiểu bang California. Năm nay tôi lại gặp gỡ những khuôn mặt các tác giả thân quen và biết thêm nhiều tác giả mới. Nhiều cảm xúc vui mừng pha lẫn háo hức của người tham dự khi sắp biết ai sẽ là các tác giả trúng giải thưởng cao quý của chương trình này.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. | .Suốt tuần nay loay hoay sửa soạn hành lý cho buổi họp mặt dưới Santa Ana. Lòng buồn vui lẫn lộn, có lúc ngồi sững sờ nhìn ra cửa nghĩ ngợi mông lung ... Chúng ta ai cũng có ký ức về tuổi thơ. Nhớ thuở lên bảy được cha dẫn đến trường buổi đầu tiên, thuộc lòng đoạn viết của nhà văn Thanh Tịnh “Tôi Đi Học”.
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Về đến nhà sau chuyến bay sang Cali nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023 chủ nhật qua, tác giả gửi bài "cảm tưởng" mới viết.
Vào trưa ngày Chủ Nhật 26/11/2023, tại hội trường đài truyền hình SBTN, buổi lễ phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) năm thứ 23 đã diễn ra trong không khí trang trọng nhưng vẫn ấm áp tình thân truyền thống, giữa những người yêu đất nước, con người, ngôn ngữ và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại. Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 200 khách mời với toàn bộ chương trình được truyền hình LIVE trên Youtube SBTN, Việt Báo online và Facebook Việt Báo để các tác giả và độc giả VVNM khắp nơi cùng xem trực tiếp. Đến với buổi lễ có đông đảo những tác giả tham gia gởi bài, các tác giả thắng giải trong năm nay cũng như nhiều năm trước, từ khắp nơi trên đất Mỹ về hội tụ.
Xin nhắn với những ai được người bảo trợ đứng ra làm hồ sơ bảo lãnh đến Hoa Kỳ, đừng bao giờ nghĩ rằng người bảo trợ sẽ được giảm thuế, được hưởng nhiều quyền lợi của chính phủ khi đứng ra bảo trợ mình. Do đó, xảy ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, đưa đến oán hận người bảo trợ và không còn nhìn mặt nhau
Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021. Đây là bài viết mới mùa Thanksgiving trước khi tác giả cùng các tác giả từ khắp nơi bay sang Cali lãnh giải VVNM vào Chủ Nhật tuần này. Hẹn gặp!
Trước khi lập gia đình, tôi thường hay nghe người đời ba điều bốn chuyện về chuyện vợ chồng. Nào là cuộc hôn nhân giữa hai người là duyên số do ông trời đã sắp đặt từ kiếp trước, vì vậy ở kiếp này phải có duyên nợ với nhau thì họ mới gặp lại và lấy nhau. Thế gian còn nói là duyên phận của một người tốt hay xấu còn tùy thuộc vào kiếp trước người đó có gieo nhân lành hoặc tạo nghiệp dữ hay không nữa. Do đó ở kiếp này người ấy sẽ có một cuộc sống hạnh phúc vì gặp được người vừa ý hay phải chịu đựng sự đau khổ vì bị lận đận về tình duyên.
Nhạc sĩ Cung Tiến