Hôm nay,  

Riêng Chung Chuyện Đời

08/03/202312:36:00(Xem: 3961)
08032023 Matt & Cindy_Tieu Luc Than Phong
Hình: Tác Giả gửi

 

 

Con Cindy đứng dậy, mở cửa định bước ra ngoài, ông Định kêu lại:

- Cindy, ba vẫn đang nói chuyện với con, sao con có thể cắt ngang mà đi? Có phải tháng tới con đi Việt Nam?

Cindy quay lại bàn và thưa:

- Dạ, con nghỉ phép hai tuần, tua du dịch Thái Lan và sẽ ghé Việt Nam.

- Đi thì đi nhưng không được ghé về nhà!

- Sao vậy ba?

- Ba không muốn họ hàng xóm giềng cười cợt:” Con gái ông Định lấy Mỹ”. Con đừng bôi tro trát trấu lên mặt ba.

Cindy giơ hai tay lên trời nhún vai nhưng rồi nó cũng vui vẻ:

- Ok ba, con không ghé nhà mình đâu.

 

**

 Con Cindy cặp thằnng Matt đã hai năm nay, thằng Matt người Mỹ nhưng có nguồn gốc Lebanon, tướng tá ngon lành, cao to, tóc vàng, mắt xanh như nước biển. Gia thế nhà nó khá nổi tiếng ở địa phương, ba nó là một chủ doanh nghiệp thành đạt. Ông ấy có hãng điện tử. Anh em thằng Matt đều học hành tới nơi tới chốn, có danh phận trong xã hội. Ba má thằng Matt ly dị từ khi nó còn nhỏ, bà mẹ kế của nó rất trẻ, còn nhỏ tuổi hơn thằng anh của nó. Bà ấy tên Elizabeth, tướng tá cao ráo, thanh thoát, sang trọng, đẹp như một người mẫu. Thằng Matt là nha sĩ, con Cindy là supervisor của một văn phòng an sinh xã hội thuộc chính quyền tiểu bang. Hai đứa rất đẹp đôi vừa lứa, tâm ý hợp nhau, chúng dẫn đi du lịch khắp thế giới. Con Cindy hướng dẫn thế nào ấy mà thằng Matt mê tít thò lò món ăn Việt Nam, món nào nó cũng quất tận tình: Gỏi, bánh mì, phở, cơm sườn, chè, bánh, sầu riêng…

 

Anh chị em con Cindy không có ý kiến gì chuyện nó cặp thằng Matt, riêng ông Định thì không thích ra mặt, ông rất bực bội và không chấp nhận cuộc tình dị chủng. Ông Định vốn là sĩ quan Viẹt Nam Cộng Hòa, sau khi đi tù hơn năm năm thì được thả và đi Mỹ diện HO15. Ông Định sống ở Mỹ cũng ba mươi lăm năm nhưng xem ra khá bảo thủ, không chấp nhận và tiếp nhận cái mới, cái khác. Ông Định chưa từng ra khỏi tiểu bang này, chưa một lần ăn pizza hay hamburger. Khi nghe tin con Cindy cặp thằng Matt thì ông giận lắm. Ông cứ giữ khư khư cái quan niệm lấy Mỹ là đồng nghĩa me Mỹ nhưng thập niêm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Thời thế đã thay đổi, xã hội đổi thay, con người cũng khác nhưng ông không thay đổi, hơn nữa chuyện con Cindy với thằng Matt là tình yêu trong sáng, tình yêu thật sự ấy vậy mà ông vẫn không chịu thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mình.

 

Con Cindy và thằng Matt yêu nhau thắm thiết và quyết định lấy nhau mặc cho ông Định không đồng ý. Thật sự thì con Cindy cũng ra ở riêng mấy tháng nay rồi, cứ mỗi khi nó về và thưa chuyện xin cưới hỏi là có cãi vã, hai cha con lời qua tiếng lại. Bà Thu, vợ ông Định thì lặng lẽ không ý kiến gì, bà xưa nay vẫn thế. Con thương ai thì gả chứ bà không câu nệ này kia như ông Định. Chuyện cứ xà quần tưởng chừng không đi tới đâu nhưng cuối cùng ông Định cũng đành chấp nhận và chịu tổ chức cưới hỏi cho con gái. Đám cưới thật linh đình, đầy đủ các nghi thức lễ cổ truyền, phẩm vật, trang trí cũng không thiếu thứ gì, ngay cả con heo quay đi rước dâu cũng có luôn. Cindy quá chu đáo, sắp xếp hết mọi thứ, từ việc lớn đến từng chi tiết nhỏ nhặt.

 

Ngày cưới thằng Matt mặc áo dài đỏ thêu rồng vàng, đội khăn đóng. Con Cindy cũng áo dài vàng thêu phụng đỏ, khăn vành… Hai đứa chắp tay khấn trước bàn thờ gia tiên. Ông Định xúc động mắt đỏ hoe, Tối đãi tiệc ở nhà hàng Tàu vui hết biết luôn, khách khứa toàn bạn Mỹ, khách Việt chỉ lác đác vài mống thân thuộc. Phải nói đám cưới của Cindy là một cái đám cưới vui như hội, vui trọn vẹn. Khó tánh và bảo thủ như ông Định ấy vậy mà cũng hớn hở ra mặt. Đám cưới Cindy khác với những đám cưới của người Việt mình, không đặt nặng chuyện mâm cao cỗ đầy, thức ăn phải ngon và nhiều, không bị chê ỉ ôi như khách Việt. Suốt buổi tiệc khách khứa nhảy nhót vô cùng sôi nổi. Khách Mỹ đi đám cưới cũng không đặt nặng chuyện quà cáp tiền nong, phần nhiều vui là chính, quà đơn giản chỉ là bộ lotion, chai rượu vang, vài vật dụng linh tinh hay cái gift card nho nhỏ… đây là những điều khác biệt khá lớn giữa đám cưới thuần Việt với một đám cưới Mỹ.

 

Gia đình thằng Matt có nguồn gốc Lebenon, tổ tiên nó theo đạo Hồi, đến thế hệ nó thì phai nhạt. Nó không có cầu nguyện như những tín đồ Hồi giáo khác, những giới cấm cũng đã không còn tác dụng. Thằng Matt và anh nó uống rượu như hũ hèm, duy một điều vẫn còn tuân theo là không ăn thịt heo. Con Cindy nhắc nhở nhà hàng không được để bất cứ thứ gì có dính dáng đến thịt heo hay hình ảnh có liên tưởng đến con heo. . hễ đụng đến heo là điều vô cùng nhạy cảm, điều này nó ăn sâu trong tiềm thức của họ, vì vậy sự phản ứng khó lường trước được. (Điều này cũng giống những tín đồ Hindu – Ấn giáo. Họ kiêng kỵ thịt bò, hễ vi phạm thì khó lường trước được phản ứng kinh khủng như thế nào). Người ngoại đạo khó có thể hiểu được vấn đề thịt heo nhạy cảm như thế nào đối với đức tin của họ.

Ba thằng Matt là ông Ahmed Labi, người da trắng gốc Lebanon. Ông sang Mỹ du học năm 1972, ông kể chuyện khi ông sang Mỹ trong túi chỉ có một trăm năm mươi đô la, ấy vậy mà ngày nay ông có trong tay hàng chục triệu Mỹ kim. Ông thông minh, sáng tạo và chăm chỉ làm ăn vì vậy sau khi học xong ông thành lập công ty điện tử và đã ăn nên làm ra.

 

Ông Định sang Mỹ diện HO, ngày sang đây con Cindy chỉ mới hai tuổi, trên Cindy còn có bốn chị gái và một anh trai, dĩ nhiên là cả nhà đều dành hết tình thương cho Cindy. Cindy học giỏi, thông minh, thường bài tập về nhà thì Cindy làm xong trong lúc ông Định chở trên quãng đường từ trường về nhà. Cindy lớn lên ở Mỹ nên tư tưởng và cách sống, tư duy cũng khác với ông Định và mấy anh chị lớn. Ông Định thương con nhưng quá bảo thủ vì vậy gây ra những cãi vã không đáng có giữa hai cha con và cũng như giữa ông và mấy đứa con khác. Khi Cindy học cấp hai, ngày nào ông cũng la lối:

 

- Con gái phải ăn mặc kín đáo, không được hở đùi, hở rún! Nếu không người ta cười chê nhà không có giáo dục!

 

Cindy thì thích mặc quần sort áo lửng, cãi:

- Xứ này là Mỹ mà ba! Đây là quần áo thời trang của tuổi teenage!

- Nhưng mình là người Việt Nam, cần phải giữ truyền thống văn hóa của mình!

Con Cindy lại khẳng định:

- Đây là xứ Mỹ không phải Việt Nam!

Ông Định không nói chuyện áo quần nữa, lại đề cập chuyện học hành:

- Con phải chăm lo học, không được có bồ bịch, có bồ bịch sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học. Ba má ở Việt Nam khổ cực lắm mới mang được con qua đây, mình phải tận dụng cơ hội này để học cho đàng hoàng, nhiều người muốn được đến Mỹ để học mà không được!

Cindy lầu bầu trong miệng:

- Ba khó quá!

- Con không biết ba đã khổ như thế nào đâu? Ba đi lính ra chiến trường từng giáp mặt với bom đạn sống chết trong gang tấc. Ba đi tù đói khát bị lăng nhục đủ điều, ra tù làm đủ nghề để nuôi con cái. Giờ con cái mới được sang Mỹ.

Con Cindy bực bội vì những điều này cứ nghe hoài, nó buông một tràng tiếng Anh:

- ‘I don’t care you talk too much your matter. I don’t want listen any more…’

Cindy nói nhiều và nhanh như người Mỹ bản địa. Ông Định nghe loáng thoáng hiểu được một phần nên giận và quát to tiếng:

- Ở trong nhà này phải nói bằng tiếng Việt!

Cứ như thế những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên và theo thời gian lớn dần của Cindy. Tuy nhiên phải nói là ông Định rất may mắn, rất có phước. Tuy cãi vậy nhưng Cindy và những anh chị của nó đều rất thương yêu ba má, chịu khó làm ăn, tuy ra riêng nhưng mua nhà sống quây quần gần bên ông chứ không đứa nào bỏ đi xa. Ở Mỹ kiếm được một đại gia đình quần tụ trong một khu vực như thế kể như không có trường hợp thứ hai. Những đứa con của ông Định tuy có bất đồng ý kiến với ông nhưng rất kính trọng và hiếu thảo.

 

Khoảng thời gian Cindy học phổ thông trung học, ông Định vẫn ngăn cản nó đi chơi với bạn bè. Có một lần nó rạch lưới cửa sổ trốn ra ngoài đi chơi đêm với nhóm bạn. Ông Định phát giác ra và giận vô cùng, lập tức kêu hết mấy đứa con về họp gia đình và tỏa ra đi tìm Cindy. Ông Định hành xử cứ như còn ở Việt Nam nếu ông hiểu tâm lý lứa tuổi teenage một chút thì sẽ không đến nỗi này! Mấy anh chị Cindy lần theo những mối quan hệ bạn bè của Cindy và tìm thấy con nhỏ đang ở trong một quán cà phê cách nhà chừng ba mươi dặm. Cả đám nhóc sợ xanh mặt khi thằng anh cả của Cindy xuất hiện, cả đám chưa có đứa nào đủ mười tám tuổi. Thằng Long chở Cindy cũng thế, nó chỉ có bằng lái tạm thời chứ chưa phép được tự lái, xe nó mượn hay lén lấy của gia đình nó để lái. Thằng Long đập đập nát điện thoại cầm tay Nokia và năn nỉ thằng anh cả của Cindy:

 

- Anh tha cho em, đừng kêu cảnh sát. Em hứa sẽ không bao giờ chở Cindy đi đâu nữa hết!

 

Tội nghiệp thằng nhỏ, nó run như cầy sấy, vừa sợ cảnh sát, vừa sợ gia đình. Cũng tội cho nó, con Cindy đầu têu kêu gọi hẹn hò và nhờ nó chở chứ đâu phải do nó. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì nó phạm luật, chưa được phép lái xe một mình lại chở người vị thành niên. Thằng anh cả Cindy cũng bỏ qua, không gọi cảnh sát, cả đám giải tán. Đứa nào có xe thì tự lái về, đứa nào không thì kêu người nhà đến chở về. Cindy thì thằng anh cả chở về, đến nhà, ông Định bắt nó quỳ trước bàn thờ ông nội (tức cha của ông Định). Ông Định la lối um sùm, bắt nó phải kể lại sự việc và hỏi đã có chuyện gì xảy ra với nó chưa? Ý ông muốn ám chỉ chuyện tình ái trai gái. Con Cindy xổ một tràng tiếng Anh, đại khái:

- “I have right to live my life, I am not a slaver, I need connect and hangout with my friends…”

Ông Định giận lắm:

- Ở trong ngôi nhà này thì phải nói bằng tiếng Việt.

Thằng anh cả của Cindy cũng la to:

- Nói bằng tiếng Việt!

Vây là Cindy lí nhí kể lại chuyện leo cửa sổ trốn đi chơi đêm và hứa sẽ không làm như vậy nữa!

 

**

 

Thời gian qua mau như nước chảy mây bay, ông Định gần đến ngày nghỉ hưu. Thằng Phillip (anh cả của Cindy) đột nhiên thưa chuyện cưới vợ, oái oăm thay là bạn gái của nó bụng đã lum lum lồi lên.

 

Ông Định biết được sự thể nên giận tím mặt nhất định không chịu cưới hỏi gì cả. Ông sẵn giọng:

- Nhà vô phúc! Mầy dắt nó đi tiểu bang nào xa xa khuất mắt mà sinh sống, không có cưới hỏi gì sất! Đừng để bạn bè người quen cười vào mặt tao!

 

Thằng Phillip quỳ xuống năn nỉ cỡ nào cũng không xong, cuối cùng nó dọn ra riêng. Ông Định kể khổ:

- Suốt cả đời khổ nhọc làm lụng nuôi con cái, khổ từ Việt Nam khổ qua tới Mỹ. Đi tù Cộng sản năm năm những tưởng mang con cái qua Mỹ để được nở mặt nở mày, vậy mà giờ con cái trả ơn như thế này!

 

Con Tracy, chị ba của Cindy nói:

- Tụi con biết ba má cực khổ nuôi tụi con nhưng ba má cứ nhắc hoài chuyện cũ cũng làm tụi con mệt lắm. Ở xứ Mỹ mà ba cứ muốn như ở xứ mình thì làm sao thích hợp được! Vả lại thời đại của ba khác với thời của tụi con bây giờ.

 

Ông Định không nói gì thêm, bỏ vào buồng nằm, chừng lát sau trong lòng không yên nên dậy và trở ra đốt nén nhang thì thầm khấn vái trước bàn thờ cha. Hai tuần sau ông Định nhắn thằng Phillip về nhà và bảo nó mời người nhà con ghệ qua thăm chơi để bàn chuyện cưới hỏi. Ông còn nhấn mạnh phải nhanh lên nếu để muộn thì sẽ thêm nhiều rắc rối nảy sinh. Nhà gái cũng biết thế yếu của mình, vả lại sống ở xứ Mỹ nên cũng theo thời đại, việc bàn chuyện cưới hỏi nhanh chóng vánh mà không có bất cứ điều kiện gây khó khăn gì. Đám cưới thằng Phillip với con Giang cũng đầy đủ mọi nghi thức và tập tục cổ truyền, cưới tháng sáu mùa hạ, đến cuối tháng mười hai mùa đông thì thằng Paul ra đời. Thằng bé cực kỳ bụ bẫm, trắng trẻo, dễ thương. Ai cũng thích nựng thằng bé. Ông Định thấy cháu đích tôn quá quầm xừ, quá hợp nhãn nên vui lắm. Ông thương thằng bé, ngày nào cũng qua nhà để chơi với cháu, ôm ấp ẵm bồng cháu, bao nhiêu chuyện cũ quên lãng, những điều bất như ý trước kia rơi rụng theo ngày tháng, phai nhạt dần theo sự lớn lên hết sức dễ thương của thằng Paul.

 

Sau ngày ông Định về hưu, ông trở thành “babysitter”, chở thằng Paul, con Tina, con Liza… đi học. Ngày ngày hai buổi đưa đón tụi cháu, quãng thời gian ở giữa thì ông Định làm vườn. Ông vốn là một nông dân chính hiệu, ngày xưa còn ở Việt Nam đã từng làm la ghim, trồng rau, trồng nấm rất mát tay. Giờ ông lại giở nghề cũ ra và làm rất bài bản. Ngôi nhà của ông to như biệt thự, có vườn hoa, rặng thông, ngôi nhà vốn của một viên phi công da trắng, hắn ta bán nhà để di chuyển qua tiểu bang khác. Ngôi nhà này khi còn chủ cũ thì cứ mỗi hai tuần có người đến chăm sóc vườn hoa, cắt cỏ… Sân trước, vườn sau đủ loại hoa, mùa nào thức ấy, nào là: Pansy, tulip, daffodil, hồng camila, cẩm tú cầu, thược dược… đặc biệt có cây hoa mộc lan hồng đã bảy mươi tuổi to bằng một vòng ôm người lớn, mỗi mùa xuân hoa mộc lan nở hồng cả sân, cánh hoa trải thảm trên cỏ xanh đẹp như vườn địa đàng. Ngôi nhà do mấy đứa con hùn tiền lại mua cho ông. Nhà cửa, đất đai, giá cả ở thành Ất Lăng rất rẻ, nhiều nhà môi giới địa ốc nói:” Nếu ngôi nhà này ở California thì giá không dưới hai triệu Mỹ kim”, ấy vậy mà ở đây giá chừng hai trăm ngàn (giá thời điểm mua nhà, bây giờ thì khác rồi).

 

Ông Định sống thực tế, ít mơ mộng hay lãng mạn. Với ông hoa cỏ phù phiếm vì vậy ông phá sạch vườn hoa để trồng rau muống, cải, xà lách, đậu que… Cây mộc lan ông cũng kêu người cắt bỏ vì e rằng nó sẽ che hết ánh nắng làm cho rau cải không lớn. Những nhà láng giềng tiếc ngẩn ngơ, vì cây mộc lam qúa đẹp. Họ đã nhìn ngắm nó bao nhiêu năm nay rồi. Họ hỏi:” Cớ sao chặt bỏ cây mộc lan, uổng vậy, nó đâu có gây nguy hiểm gì đâu!” Hỏi thì hỏi vậy chứ, có tiếc cũng thế thôi, cây trong vườn của ổng thì ổng có quyền để hay cắt bỏ. Phải công nhận ông Định mát tay thật, rau cải, đậu que, bí ngô, bí đao… tốt quá trời luôn, ăn sao xuể, cả năm gia đình con cái ngày nào cũng đến hái rau mà ăn cũng không hết. Ông Định lại cất công cắt đem cho bạn bè và những người quen biết, kể cả mấy người Mỹ láng giềng. Nhiều người góp ý nên đem ra chợ Việt bán hay đổi những món đồ gia dụng, ông Định nhất định không! Chỉ cho người quen ăn lấy thảo chứ không bán mua đổi chác. Có thể nói ông Định là nông dân thứ thiệt, chất phác, tay nghề thành thạo và cũng cần phải nói là một phần do khí hậu ôn hòa mát mẻ, đất đai màu mỡ trù phú nên vườn rau xanh mướt, trồng cây gì cũng sống, cắm cây gì xuống cũng mọc lên xanh tốt.

 

Ông Định nghỉ hưu ở nhà chở cháu đi học và trồng rau. Bạn bè đồng liêu, đồng niên rủ ông tham gia hội cao niên, cộng đồng để sinh hoạt cho vui tuổi già. Ông thẳng thừng từ chối:

- Thị phi nhặng xị thêm mệt! Đến để nghe mấy khứa lão nổ sảng và bắt bẻ chuyện này chuyện kia thêm phiền.

 

Trong nhóm bạn của ông có người hồi hương sống nốt tuổi già, có người đi đi về về hàng năm. Riêng Ông thì không. Ông qua Mỹ cũng tròm trèm ba mươi lăm năm nhưng về Việt Nam chỉ hai lần, về là vì bất đắc dĩ, lần đầu lo đám cưới cho con gái lấy chồng ở bển, lấn thứ hai thì cách đây cũng đã hai mươi năm. Ông nói ông không thể sống nổi ở Việt Nam! Mà cũng lạ thật, con cái cả nhà ông chẳng có đứa nào thích về Việt Nam cả. Họ hàng bà con gần nhiều người cứ hỏi: ”Tại sao Việt kiều về nước quá trời mà nhà ông Định chẳng thấy ai về?” Họ hỏi và nói với nhau tiếng cũng bay tới tai nhà ông Định nhưng chẳng có ai nói năng gì. Ông Định và mấy đúa con không thích về Việt Nam chẳng phải vì lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền; cũng chẳng phải vì quan điểm chính trị này nọ; cũng chẳng phải vì nghèo không có tiền, ngược lại nữa là khác. Mấy đứa con ông Định ăn nên làm ra, rất giàu, tiền bạc rủng rỉng. Họ không muốn về vì cả gia đình sống ở Mỹ, bà con thì họ chẳng mặn mà gì, một lý do nữa là con cái Ông Định bằng lòng với cuộc sống hiện tại, gắn chặt mình vào công việc. Họ sống cứ như một công thức, sáng đi làm tối về nấu nướng ăn uống, xem mạng xã hội… cuộc sống cứ đều đều như thế, cứ như một công thức nhất định, hằng mấy chục năm trời chẳng có một tí ti thay đổi.  Bản thân ông Định và con cái cũng không quan tâm việc cộng đồng, chuyện giao tế xã hội… và họ cũng không có ham hố đua đòi, thậm chí chẳng bao giờ tham gia một việc gì ngoài xã hội, không cả việc vui chơi giải trí, văn nghệ… Có chăng chỉ là cuối tuần đi shopping, đi mall mua sắm thế thôi!

 

**

 

Mùa xuân lại đến, trong số bạn cũ ngày xưa cùng quê của ông Định có người về Việt Nam ăn tết. Ông Định có gởi chút quà về cho bà chị thân nhất. Người ấy rủ ông cùng về một chuyến dối già, về thăm lại mồ mả ông bà cha mẹ… Ông Định cười trừ chứ chẳng nói năng chi.

 

Mùa xuân, ngày tết ai ai cũng đi chùa dâng hương lễ Phật cầu chúc năm mới tốt lành bình an nhưng ông Định không bao giờ đi, mấy đứa con thì thi thoảng cũng có đi, nếu ngày tết rơi trúng vào ngày nghỉ. Ông Định và một số bạn của mình có một sự hiểu lầm to lớn, cứ vu cho Phật giáo làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, làm gì có chuyện đó! Sụp đổ có rất nhiều nguyên nhân cả nội thân và do bên ngoài. Phật giáo làm gì có năng lực lớn đó, giả sử có đi nữa thì Phật giáo cũng không bao giờ làm việc đó!

 

Phật giáo chỉ biểu tình đòi hỏi tự do và bình đẳng trong giai đoạn bị đàn áp. Phật giáo không làm chính trị, không tham chính, thân chính hay can thiệp chính trị. Nhân chứng còn đấy, vật chứng, tang chứng đầy đủ. Tài liệu mật của CIA đã bạch hóa, tài liệu của tòa bạch ốc, ngũ giác đài, bộ ngoại giao Mỹ cũng đã công khai hết về chuyện Phật giáo năm xưa. Chỉ tiếc là ông Định khư khư không chịu đọc, không cập nhật nên mới đổ lỗi cho Phật giáo và từ chối việc đến chùa.

 

Thành Ất Lăng đón tết cổ truyền trong thời tiết ảm đạm của mùa đông Bắc Mỹ, khí hậu biến đổi quá cực đoan, nóng - lạnh và nắng - mưa thất thường không sao tưởng nổi. Tự nhiên đã thế, con người còn rối ren hơn, chỉ có một nhúm người Việt mà tranh nhau tổ chức mấy hội xuân, năm nào cũng tranh. Ngày thường thì đấu đá, chụp mũ, mạ lỵ nhau không ngớt. Nạn bè phái, phe nhóm thật khó mà hòa hợp nếu không muốn nói là không thể! Hình như bản tánh người Việt là vậy, bởi vậy mới có câu tục ngữ cải biên:” Không ăn đậu không phải Mễ, không chia rẽ không phải Việt Nam”. Ông Định từ chối tham gia hay sinh hoạt với bất cứ tổ chức, nhóm hay cộng đồng nào kể cũng rất có lý!

 

Thời thế thay đổi, lòng người đổi thay. Những thế hệ lớn dần dần thưa thớt, những thế hệ trẻ thay thế thì những lý tưởng cũ cũng phai nhạt, những vấn đề tồn đọng của ngày xưa cũng dần dần không còn được nói đến, thậm chí bây giờ rất nhiều người mơ hồ và không còn phân biệt gì Quốc - Cộng nữa. Thành Ất Lăng năm nay lại dậy sóng, có một người đàn bà dữ dằn làm bầu sô rước Đờm qua biểu diễn. Những người phản đối bị bà ta và bọn đàn em chửi bới, hăm họa, đe nẹt dùng luật kiện tụng,thậm chí còn đe dọa sẽ cho xã hội đen xử… Y thị xảo trá bao biện: ”Chỉ làm nghệ thuật chứ không làm chính trị”. Trong khi những người phản đối đưa ra bằng chứng Đờm ca sĩ làm văn hóa tuyên truyền, một dư luận viên và nhất là những phát ngôn hàm hồ vô văn hóa của y. Sô hát vẫn diễn ra bất chấp sự phản đối, rất nhiều người đi xem Đờm hát, rất nhiều người không còn phân biệt gì nữa giữa ca sĩ trong hay ngoài, đỏ hay vàng, chánh hay tà, nghệ thuật hay âm thầm vận động… Ông Định không phản đối cũng không ủng hộ việc Đờm sang đây ca hát hay vận động. Tuy nhiên ông chép miệng:

- Xưa đã thua phải chạy qua đây, giờ lại thua ngay tại đây nữa rồi! Thằng đờm chỉ là một ví dụ cụ thể đây! Ngoài nó ra còn có rất nhiều cán bộ mua nhà, mua đất, mua thẻ xanh, đưa con cháu qua bên này.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất lăng thành, 0123

Ý kiến bạn đọc
04/10/202318:50:33
Khách
Nói về chuyện người có tiền ở VN qua Mỹ thì rất nhiều. Cũng tại chính sách của Mỹ. Nước Mỹ bây giờ có nhiều điều rất đáng lo. Không biết đời con, cháu sẽ ra sao.
12/03/202322:59:53
Khách
" Chọc quê" bác Định, bác bắt nói tiếng Việt ở nhà, mà con cháu của bác toàn tên Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,413
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu lượt người đến đi, không có gì xảy ra; bà quen dần với những người khách trọ xa lạ, tự cho mình là chủ quán trọ. Bà tế nhị quan sát cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói của từng vị khách, đánh giá từng người, xã giao vừa phải. Bà nghĩ xử thế làm sao để khi người ta đi vẫn giữ được thiện cảm với nhau.
Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quí phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách. Mọi thứ đồ đoàng có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi! Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.
Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau” Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.
Tác giả Phi Nguyễn lần đầu tham dự VVNM với bài "Trái mít". Bà sinh sống và làm việc tại thành phố Brunswick, Georgia. Đây là bài mới nhất của Bà, viết để chia xẻ một kinh nghiệm chìa khóa xe bỗng dưng không mở được cửa nữa và những điều cần phải làm sau đó thay vì hoảng sợ.
Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.
Nhờ Đi Dự Đám Cưới Cô Cháu, Tôi Biết Có Những Người Bị Đồng Bệnh Mắt Với Mình Để Chia Sẻ Thứ bảy tuần vừa qua April 8th, 2023. Toàn thể đại gia đình chúng tôi đã đi dự tiệc cưới của cô cháu, con gái của cô em tôi. Trong buổi tiệc cưới ấy, chúng tôi ngồi cùng bàn với cha mẹ của cô dâu. Mọi người trong bàn đều nhìn nhau bằng ánh mắt băn khoăn, như tự hỏi, sao không thấy sự hiện diện của hai ông bác, là anh của ba cô dâu. Mặc dù thắc mắc như vậy, nhưng mọi người hơi ngần ngại, chưa ai dám cất lời hỏi cả. Thần giao cách cảm! Như đã nằm lòng, đoán biết thế nào cũng có người hỏi về sự vắng mặt của hai ông anh mình. Với sắc thái nhạy cảm, ba của cô dâu đã lên tiếng trước để chia sẻ với chúng tôi là cả hai bác đều bị bệnh đau mắt giống nhau, nên không ai dám lái xe nữa, vì khi lái xe, nhìn xa thấy cái gì cũng nhiều gấp đôi, bảng tên đường, lằn gạch vẽ trên mặt đường, mũi tên quẹo phải, hay trái và những đèn đường toàn là nhiều nhân gấp hai lần, nên sợ quá, bỏ lái xe luôn.
Tôi từng đi Mỹ thăm gia đình từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lần này thì khác, sau 14 năm chờ đợi, thật ra tôi nhận được giấy báo của NVC (National Visa Center) năm 2019 chuẩn bị hồ sơ đến Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris cho buổi phỏng vấn đi Mỹ. Nhưng dịch covid đã treo buổi phỏng vấn vô thời hạn, tôi tự hỏi có nên phiêu lưu làm lại cuộc đời lần thứ hai vào tuổi đã xế chiều ?
Cây cam trước cửa sổ phòng làm việc của bà Vi đã nở đầy hoa, dày đặc những chùm hoa trắng nõn nà. Một số cánh hoa từ từ rụng xuống để lại những chùm trái nhỏ xíu lấm tấm như những đầu chiếc đinh ghim mầu xanh ngộ nghĩnh. Sáng nay bà Vi dậy sớm, thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ, mải mê ngắm hai con chim đang bay ra bay vào xây cái ổ tít trên cành cao của cây cam. Chiếc tổ chim vừa hoàn thành, những sợi cỏ khô mỏng mảnh đã được bện thành một cái tổ gọn gàng, nhỏ bằng hai bàn tay chụm lại. Chúng khôn quá, xây tổ trên cành cam, khi chim con ra đời sẽ được thưởng thức mùi hương hoa cam thơm ngát. Bà mỉm cười nghĩ thầm, rồi rảo mắt nhìn ra phía vườn sau.
Ông nhếch môi cười chua xót ngẫm lại cuộc đời mình: tuổi trẻ làm người lính VNCH, rồi bị tù hơn 13 năm, cũng mộng ước như bao nhiêu người khác nghĩ đến tổ quốc thân yêu, nhưng rồi lực bất tòng tâm, quay đi bước lại soi gương đầu đã bạc. Ông chạnh nhớ người vợ đầy xót xa đau ruột, chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ trong thời gian ông bị tù đày. Qua Mỹ tìm tiểu bang Minnesota lập nghiệp, vợ chồng làm việc siêng năng, bắt tay vào cuộc sống cày bừa gầy dựng tương lai, lo các con ăn học và muốn an cư lạc nghiệp. Các con tốt nghiệp ra trường, lập gia đình và có cuộc sống riêng. Một ngày mùa hè người vợ bỏ cuộc với căn bệnh tàn nhẫn, dứt áo ra đi khi tuổi đời chưa tới 60. Ông chới với hỏng chân, tinh thần suy sụp chỉ biết mượn rượu uống cho say, công việc bỏ bê bị laid-off. Ông chẳng còn thiết sống, nhà cửa do vợ chồng gầy dựng tưởng sống tới bạc đầu, bù đắp những ngày khốn cùng cay nghiệt ở VN, thế mà vợ chồng ông đã đầu hàng... buông hết. Con trai sợ ông sinh bệnh ép về ở chung để chăm sóc,
Việc gì Bố làm, ai cũng tấm tắc khen. Trong mắt tôi, Bố thật tuyệt vời. Vậy mà bố không biết chữ! Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết rằng, những chuyện do bản năng như đi đứng nằm ngồi thì không cần phải học. Còn lại không học thì không biết, bằng chứng khi học lớp hai, tôi đã biết đạp xe vù vù, trong khi nhiều bạn trong lớp cho tới lớp năm, vẫn chưa biết đạp xe. Lớn lên ở vùng sông nước, Bố cũng tập cho tôi bơi như con rái cá khi còn rất nhỏ, nên trong mắt các bạn, Bố thật cừ khôi. Từ khi biết Bố mù chữ, tôi không còn cười toe toét mỗi khi nghe các bạn khen bố nữa. Có một cái gì "lấn cấn" mà tôi không nói được: bực bội, mặc cảm, giận dỗi! Bây giờ tôi rất ngại ngùng, khi đi cùng Bố đến những nơi hội họp đông người, nhất là khi có mặt Bố mẹ của các bạn trong lớp. Bố của bạn này là Bác Sĩ, mẹ của bạn kia là cô giáo.
Nhạc sĩ Cung Tiến