Hôm nay,  

Bà Tám

04/01/202310:58:00(Xem: 3863)
        
image
Hình tác giả cung cấp
 
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”,   Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.
 
*
         
Lúc nhỏ tôi rất kỵ cái kiểu người ta hay nói “ngồi lê đôi mách”. Thường bạn bè đi đâu chơi chung,  những khi đùa giỡn hay chuyện trò, tôi luôn bị rơi vào khoảng không, khó tiếp nhận niềm vui đang có mà tâm tư đi tìm điều gì xa vắng, rồi lại sống với hình ảnh khác bằng tưởng tượng, thêu dệt mây trời với hoa thơm cỏ lạ, dù bạn bè trước mắt rất dễ thương tốt bụng thường lo lắng khi thấy tôi không cười nói và buồn bã.
           
Lớn lên cũng lười biếng chuyện trò, xử thế trong cuộc sống chỉ muốn nói ít làm nhiều hoặc làm trước nói sau. Máu mê văn thơ, âm nhạc luôn luôn có, nhưng đến năm 2014 duyên mới khởi, duyên đến như cây vừa nảy mầm gieo hạt, sau gần 45 năm chôn vùi bỏ phế tàn lụi.

Từ thơ chuyển qua lãnh vực viết văn, nhưng nguồn gốc của nó đã say mê cuộn trong máu tự ngày xưa… Hồi tôi đang học lớp đệ ngũ, đệ tứ đã bắt đầu mê thơ văn kinh khủng, thơ thì chép vào cuốn tập, văn thì mượn đọc. Nhưng khổ nỗi lúc mượn sách truyện thường bị giao kỳ hạn vài ngày hoặc ngắn hơn, nhiều chuyện rất hay nhưng bị hối thúc đành đọc ngấu nghiến nhanh lẹ, có lúc bỏ băng lướt qua, cuối cùng chỉ hiểu lờ mờ kết cuộc câu chuyện, còn cách hành văn hoặc ý tưởng hay chưa được thấm hiểu, lòng ấm ức nảy sinh ước mơ. Từ đó nhịn đói tiền ăn sáng để dành mua sách dần dần, kiến tha lâu cũng gần đầy tổ sau 3 năm đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Mỗi ngày luôn mân mê ngắm nghía kệ sách như một tài sản vô giá. Khi rãnh đọc tác phẩm nào đó chỉ vài trang thật chậm rãi để tận hưởng dòng văn hay, ý tưởng sâu sắc vì tôi không nặng về cốt truyện mấy. 

Thế rồi cuối tháng 3 năm 75 mùa tang tóc đau thương của miền Nam, gia đình cha mẹ tôi trốn thoát từ Bắc chạy vào miền tự do năm 54, lại tiếp tục bỏ Huế kiếm đường chạy vào Đà Nẵng. Mẹ tôi hùn tiền mấy gia đình thuê xe tải, chạy qua nhà bác A gần sân ga Huế tập trung chờ xe đến chở. Tôi đòi đem thùng sách theo bị mẹ và chị la mắng cấm cản. Ngồi đợi nhà bác A từ sáng tới trưa, người tổ chức thông báo 10 giờ khuya xe mới đến. Thời gian chờ đợi làm tôi càng nóng ruột theo tủ sách, liều trốn về nhà lựa vội một số bỏ vào thùng thuê xe thồ vội vã trở lại sân ga, mẹ và chị tôi giận không thèm nhìn mặt, còn tôi thì yên lòng tạm thoả mãn. Tối xe tải đến, người đứng đầu tổ chức tuyên bố mỗi gia đình chỉ được đem theo một gói nhỏ cá nhân, vì tình trạng người quá đông không đủ chỗ, mẹ tôi phải gởi lại một số, dĩ nhiên thùng sách của tôi càng bị loại xa, lòng tôi héo hắt đành để lại nhà bạn mẹ. Một tuần vào Đà Nẵng, buồn lo biết bao nhiêu thứ, đời như đứt ngang rồi ..Ngày trở về tới nhà bạn mẹ nhận các thứ đã gởi, mới bước vào cửa ngõ thấy những tờ giấy truyện bay tứ tung từ trong nhà ra tới sân, cúi xuống lượm lên “ Thềm Hoang “ của Nhật Tiến, “Nữ Hoàng Cleopatra”, “Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết”..tan nát. Tay chân run lên, mắt hoa cố gắng gom số còn lại đem về. Vẫn chưa yên khi từng ngày tổ dân phố dùng loa rao ngoài đường bắt nạp sách truyện chế độ cũ, mẹ sợ hãi thúc giục nhưng tôi vẫn gan lì dấu kỹ, sau nhiều lần thấy mẹ buồn rầu than thở, tôi chạnh lòng nên đã đầu hàng, hôm ấy giống một ngày đưa đám tiễn bạn ra đi, tim tôi se thắt tưởng chừng không còn nỗi đau nào bằng, từ đó tôi không còn tha thiết đến văn chương nữa.
           
Khi chuyển qua tập viết văn một thời gian, tôi chợt nghiệm thấy mình thành bà Tám tự hồi nào, nên tò mò mở bác Google ra tìm hiểu nguồn gốc. Có nhiều giải nghĩa cũng ngộ nghĩnh, tạm dịch một đoạn từ trang web giarefx.com 
“Tám là một người trong gia đình nông dân có 10 người con và bà ta là người thứ 7 trong gia đình, bà ta có một sở thích là đi hóng chuyện của người khác và tụ tập các chị em phụ nữ trong xóm để bàn tán về những chuyện nghe được, có lẽ không có từ ngữ nào để diễn tả được khả năng ngồi lê mách lẻo của Bà Tám, chúng ta tạm hiểu Bà Tám có level rất cao về khả năng này, tiếng lành đồn xa, cả xóm biết cả huyện biết ...cho tới bây giờ có lẽ nhờ khả năng tám của mỗi người mà trên đất nước VN ai ai cũng biết xài từ này. Đó là nguồn gốc của từ Bà Tám...”
              
Viết chuyện mình rồi cũng cạn, bèn tìm chuyện thiên hạ ra kể, những con người tôi quý mến, họ có đức tính hay, lòng nhân hậu đạo đức mà tôi là người lữ hành mãi mê đi tìm những viên ngọc sáng, những tinh hoa đẹp trong đời sống, hoặc những cảnh đời bất hạnh thương tâm thường lưu lại dấu ấn trong tâm trí đầy cảm xúc. Khổ nỗi vài câu chuyện được bạn bè hoan hỷ, nhưng có những nhân vật không biết bây giờ họ ở đâu, còn sống hay đã chết, thôi thì viết kiểu hư cấu dựa theo câu chuyện thật nhưng đổi tên, đổi địa điểm và dặm thêm chút mắm muối,  cũng như thêm vào khung cảnh vậy. Có  lần viết xong tác phẩm, đọc lại chợt giật mình vì  tả nhân vật ngoài cộng đồng người ta dễ biết nên đổi cao ra thấp, ốm ra mập quanh co mới yên lòng. Một câu chuyện nọ gởi đi, sau đó nhận được email của em kia nói “  đọc bài con đã khóc khi cô viết về mẹ con ...” rồi cháu kể lể thêm về mẹ, tôi hơi tái mặt nhưng may là em thích và cám ơn, tôi cũng trả lời “Cô viết lung tung trên trời dưới đất trúng ai thì trúng chứ không nhắm vào đâu hết”
Hôm nay tình cờ đọc bài viết của bác sĩ Lương lễ Hoàng (Theo Tạp Chí Sức Khỏe) với tựa đề “Bớt bệnh nhờ khéo tám”
 
“Nhiều trường đại học Y Dược lử châu Âu đúng là có lý khi “nâng cấp” bệnh do stress thành một khoa hẳn hòi sau khi thầy thuốc không còn nghi ngờ vai trò đòn bẩy của stress trong nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Xem thường sao được, khi từ đau đầu kinh niên bước qua suy nhược thần kinh cho đến cao áp huyết, đều có bàn tay phá hoại ngấm ngầm của stress ...Họa bao giờ cũng vô đơn chí, nên nạn nhân của stress khó tránh nhiều mặt giáp công trong khi thầy thuốc vẫn còn lúng túng vì dù đã xoay trở đủ kiểu.

Đáng tiếc vì đa số các nhà nghiên cứu có lẽ vì quá tập trung vào chuyện lên non tìm thuốc hiếm, nên quên giải pháp nhiều khi rất gần. Giáo sư Wartburton ở đại học London, chuyên gia về liệu pháp tác động trên trục tâm thần kinh, đã công bố một kết quả gây nhiều ngạc nhiên lẫn hứng thú trong ngành y. Đó là tác dụng hoá giải stress của giờ giải lao nếu người nghỉ giữa giờ có cơ hội “ngồi lê đôi mách về chuyện tầm phào vô bổ vô hại bên tách trà, miếng bánh. Quan trọng là “bà Tám về chuyện thời sự nhưng đừng hình sự, chuyện gì cũng được miễn là có dịp cười hả hê, chứ đừng mang nỗi cay đắng trở vào phòng làm việc. Mỗi lần nghỉ không dưới 15 phút, tất nhiên lâu hơn chút càng hay, nhưng đừng quá 30 phút vì khi đó câu chuyện tào lao lại trở thành ...stress!

Nếu tưởng đây chỉ là phỏng đoán theo kiểu tin khí tượng “không nắng ắt mưa” thì lầm! Dữ liệu thống kê của Wartburton đã được đúc kết từ công trình nghiên cứu với hơn 50.000 đối tượng từ nhiều công ty ở 16 nước Âu Châu. WartBurton qua đó đã chứng minh là thuốc chống stress đắt tiền cách mấy vẫn thua xa mâm trà bánh giữa giờ, cho dù chỉ với trà bình dân, bán rẻ tiền vì thuốc quyết định cho tác dụng khử stress chính là nước… bọt! Ai bảo “tám “là sai. Tương tự như thuốc, đúng sai, hay dở, từ theo liều lượng. Nhờ khéo “tám” mà ít gặp thầy thuốc trong thời buổi giá thuốc như pháo thăng thiên còn gì khéo hơn ?!!!”
          
 Tôi cảm thấy vừa đón nhận sự khích lệ, vừa run sợ hồi hộp, khích lệ là để chữa bệnh trầm cảm, suốt ngày đi ra đi vào, lầm lì với cái ti vi, với tập sách, với những email, những câu chuyện được đọc nhưng lười biếng không cám ơn người gởi, hoặc ra công viên gần nhà đi bộ thơ thẩn, ngồi phơi nắng một mình, cảm nhận sự cô đơn bao trùm ...Thôi thì xem thơ văn là người bạn tri kỷ để nói, và bạn luôn im lặng cho tôi giải toả nỗi nhớ, niềm thương, kỷ niệm thời thơ ấu, kể về chúng bạn, hoặc những chuyện khó quên, liên quan tới thơ văn yêu dấu đã hồi sinh lại sức sống về mặt tinh thần.
         
Trước mắt là cuộc sống trên đất Mỹ, bao nhiêu sinh hoạt hằng ngày, bao nhiêu điều mình nghe, hiểu cũng như chứng kiến nhiều nhân vật quen biết, sự rung động của con tim khiến muốn làm Bà Tám bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa, lời cảm ơn chân thành khi nhìn đời dưới khía cạnh đẹp, như lời phật pháp dạy “muốn có đôi mắt đẹp, hãy nhìn cái tốt của kẻ khác” ...tôi muốn kể thật nhiều …
Bao nhiêu ngày qua cả thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng nín thở theo dõi tin tức từ các hệ thống truyền tin, Internet. Nhìn hình ảnh chiến tranh tàn phá đường phố, nhà cửa đổ nát, dân chạy lánh nạn thật thương tâm. Mới đây tại thành phố Mariupol, một bệnh viện đã bị cuộc không kích của Nga, khoa sản và khoa nhi chỉ còn là đống đổ nát, nhìn thật căm thù kẻ đã gây tội ác chiến tranh.
            
Hầu như những người Việt Nam lưu vong đều có sự đồng cảm xót xa, hồi tưởng lại quá khứ đau buồn uất hận những ngày mất nước nơi quê nhà. Tôi nhớ rõ tháng 3 năm 75 dân Quảng Trị lánh nạn trên đại lộ kinh hoàng chạy vào Huế chưa nóng chân, lại cùng dân Huế chạy vào Đà Nẵng. Hình ảnh không bao giờ tôi quên được trên đèo Hải Vân…dân tay bồng tay bế, gánh gồng mẹ già cứ cắm cúi đi bộ lần hồi lên đèo, bằng mọi giá phải đi, tận dụng sức lực vì không có tiền thuê xe, miệt mài dùng đôi chân bước mãi trong sự sợ hãi tột cùng, mong trốn thoát VC, tiến bước về nơi tự do của loài người muốn sống trong hoà bình.
  ​         
Giờ đây nhìn lối hành xử tấn công của tổng thống Putin, càng nhớ về đất nước mình hơn với nhận xét thô thiển …Khi hiệp định Geneve đình chiến năm 1954 và chia đôi đất nước, anh lính miền Nam được huấn luyện để bảo vệ sự yên bình cho người dân sống trong tự do, hạnh phúc, nhưng đầu óc Cộng Sản vẫn lì lợm xâm chiếm miền Nam trù phú sung sướng bị quay ngược lại.
            
Ngày 12 tháng 3 trong khu Century Mall thuộc thành phố San Jose, người Việt Bắc Cali đã tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ nước Ukraine chống quân xâm lược Nga. Đến nơi số người càng lúc càng đông. Buổi lễ sau phần chào Quốc Kỳ Mỹ, Việt Nam và Ukraine. Đại diện người Ukraine, các ban đại diện cộng đồng lần lượt phát biểu ý kiến, lên án kịch liệt cuộc xâm lăng của tổng thống Putin, và hoan nghênh tinh thần chiến đấu anh dũng từ tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tôi quan sát buổi biểu tình tự dưng truyền cảm giác hãnh diện lây, niềm vui bừng dậy lúc thấy anh lái xe truck chở cà phê nước nóng, xe này chở đầy nước lọc, xe kia đem mấy chục hộp Pizza phục vụ người biểu tình. Đặc biệt chị Mai Khanh đã thức thâu đêm may kịp cờ Ukraine, nơ tặng mọi người cài ngực áo và khăn choàng cổ. Hình ảnh thật đẹp mắt phát xuất từ nghĩa tình, niềm chia sẻ của đồng hương tỵ nạn Việt Nam trên xứ người. Bao nhiêu bàn tay cầm cờ dõng dạc lên án, chống đối sự tàn ác của Putin, đồng thời cũng nói lên sự kính nể vị tổng thống anh hùng của nước Ukraine, ý chí đấu tranh giành độc lập của người dân, ngày cả giới phụ nữ cũng tình nguyện chế tạo bom xăng, tạo vật cản trên đường phố chống trả quân thù. Cuộc biểu tình của dân tỵ nạn Việt Nam tại Bắc Cali là sự ủng hộ hết mình cho Ukraine đồng thời cũng nguyện cầu cho đất nước này mọi điều tốt đẹp.

Ngày 20 Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt do ông hội trưởng Lê văn Hải tổ chức sinh nhật quý một cho hội viên tại tư gia ông cựu hội trưởng Chinh Nguyên buổi sáng, được phát quà và ăn tiệc thân mật trong tình nghĩa thân thương cùng nhau, sau đó là buổi ra mắt sách của Phạm Đoan Trang tại quán cà phê Lover (San Jose) cũng do ông Hải bảo trợ đãi phần nước ngọt. Sách bán sạch không còn nên có số người đã order trả tiền trước chờ sách in thêm gởi đến sau. Một ngày chúng tôi đón nhận niềm vui từ những sinh hoạt đầy ý nghĩa tốt đẹp.

Ngày 27 tôi tham dự chương trình “Hội ngộ mừng xuân an bình” sau thời gian dịch Covid kéo dài, do IRCC và Dân Sinh Media tổ chức tại Santa Clara County nằm trên đường Hedding. Anh Phạm phú Nam điều hành tổ chức mỗi năm 4 lần vào dịp Tết, 30 tháng tư, Mother’s Day, Thanks America.
           
Đây là chương trình mà tôi thường tham dự vì muốn được sống lại quãng đời thân thương, tìm lại hình ảnh xưa của người lính VNCH, được học hỏi, được mở rộng tầm hiểu biết thêm khi xem phim tài liệu hoặc DVD “Người lính năm xưa, Lúc đó bác ở đâu, Bộ quân phục của cha tôi, 35 năm nhìn lại lịch sử ngàn người viết.v..v...” Được nghe nhạc, thưởng thức cà phê cùng bánh ngọt trong không khí thân mật ngồi lại với nhau giữa tình đồng hương. Lần này anh Nam chia sẻ rằng mấy tháng qua gặp cơn bệnh đau lưng hành hạ phải dùng walker. Tin đáng ngại là mắt bị mờ dần, do từ nguyên nhân trên đầu, phải tạm nghỉ để theo chương trình điều trị.

Bác Vũ văn Lộc lên giới thiệu về anh Phạm phú Nam:

- Anh đã sinh hoạt cùng tôi 30 năm chung hội IRCC bền bỉ, là tình nguyện viên số 1. Trong công tác giám đốc Dân Sinh Media, gần như chỉ có mình anh tung hoành trong kho tàng lịch sử VNCH của IRCC.Câu chuyện của “hạm trưởng” điêu linh đã trải qua với giông bão và hải tặc đã được bác Nguyễn Đức Cường nguyện tổng trưởng kinh tế Việt Nam viết lại bằng Anh Ngữ đăng trên tập san của đại học hải quân Hoa Kỳ. 
           
Mọi người ngồi yên lặng, có lẽ ai cũng xúc động thấy anh Phạm phú Nam đổi khác, đi chân khập khiễng bước lên tâm tình cùng đồng hương. “Một anh lính thủy thủ VNCH tình nguyện làm công tác chiến tranh chính trị tại hải ngoại” như lời bác Lộc nói thì làm sao mọi người không quý mến và tiếc rẽ. Chỉ thầm cầu nguyện cho anh được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ tiếp tục vai trò trong sáng đầy ý nghĩa và giá trị.

Tôi xin trích dẫn thêm một đoạn trong bài viết “Tôi sẽ viết gì về anh Phạm phú Nam” của nhà văn Giao Chỉ 

“Bây giờ vẫn còn hàng trăm đĩa tài liệu phát thanh Radio hết sức rung động nghe đi nghe lại không chán. Lại thêm hàng trăm đĩa DVD do Phạm Phú Nam đạo diễn, bình luận, tìm tòi, cắt xén trở thành những tài liệu lịch sử vô cùng xuất sắc đã nuôi sống cơ quan trên cả thập niên. Thời gian sau này thiên hạ sử dụng tài liệu DVD của Dân Sinh đưa qua Youtube tràn ngập Internet. Gần đây bác cháu chúng tôi lại có chương trình nói chuyện trên TV phát vào Youtube được các bằng hữu tán thưởng. Trên sân khấu hay trong cuộc đời chúng tôi có nhiều quan điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt. Anh Nam thường bày tỏ mà không quản ngại, tôi lắng nghe nhưng không bắt buộc phải đồng ý mọi chuyện. Trong cuộc đời riêng, tôi đã có nhiều chiến hữu cộng tác trong quân ngũ. Tại đất Hoa Kỳ, tôi cũng có nhiều vị phụ tá tại cơ quan IRCC nhưng chưa có ai làm việc lâu dài như anh Nam. Quý vị khác ai cũng làm công việc có lương. Nhưng riêng anh Nam dù có lương hay không vẫn nỗ lực cộng tác bình tĩnh và bền bỉ. Tính nết trong sáng và xa cách các sinh hoạt cộng đồng phức tạp nên anh có nhiều thì giờ làm việc với chương trình và hoàn tất các DVD với chiều sâu tràn đầy tình nghĩa dân tộc. Cá nhân chúng tôi có một số kinh nghiệm và thêm nhiều cơ hội để đưa ra tin tức và nhận định về cuộc sống văn hóa, xã hội hay chính trị. Anh Phạm Phú Nam đưa lên Radio, TV và DVD để trở thành có ý nghĩa lưu lại lâu dài.”
 
Bóng Mặt Trời 
 
Phạm Phú Nam người lắm giỏi dang
Đồng hương thiện cảm mến vô vàn 
Quân nhân lá cội lòng tha thiết 
Lính thủy sông nguồn dạ chứa chan 
Góp nhặt công lao truyền biển chữ 
Tìm gom lịch sử gởi muôn đàng 
“Dân Sinh” giám đốc làm nên việc 
Sức khỏe mong cầu được vạn an 
                    MTTN
 
Trở lại buổi văn nghệ được xem ban nhạc Du Ca do ông Trương xuân Mẫn làm trưởng đoàn cách đây 4 năm (sau khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tạ thế). Mở đầu chương trình là bài Liên khúc “Chuyện quê ta” của Nguyễn Đức Quang, kế tiếp “Tôi có một bài ca” nhạc và lời của Trương xuân Mẫn.” Du ca có thể hát hay, chưa hay- không hay. Nhưng du ca hát bằng tấm lòng, hát từ trái tim. Du ca đi và hát. Du ca không hát một mình mà mời mọi người cùng hát. Vì vậy tiếng hát Du Ca như giòng suối ngầm đang chảy trong lòng quần chúng. Du ca sống và hát theo tiếng nói và hơi thở của thời đại mà họ đang sống.” Lời tâm tình của anh Trương xuân Mẫn cho thấy tấm lòng thật son sắt đối với quê hương. Phong trào Du Ca là một tổ chức thiện nguyện cùng hợp ca nhiều bài hát đầy khí thế mạnh mẽ, kêu gọi mọi người cùng hát theo, vỗ tay theo, nhịp nhàng hòa trong niềm hân hoan chia sẻ niềm vui cho nhau lần lượt nhiều bài hát.

Tiết mục sau có màn đặc biệt là được xem vợ chồng nha sĩ Hoàng Tuấn hát bản nhạc “Chân Tình” tặng anh Phạm Phú Nam. Nhìn hình ảnh nha sĩ Tuấn dìu người vợ mù lên sân khấu, đỡ ngồi vào ghế đệm đàn piano cho chồng hát, ai ai đều thương cảm. Tôi đã từng gặp nha sĩ Tuấn làm MC cho các chương trình văn nghệ của Chùa Liễu Quán, đã từng biết ông tổ chức những chương trình thiện nguyện của hội Ican, ngoài ra còn được đọc bài nhà văn Kim Dung viết về đôi vợ chồng này, giờ lại nghe anh Phạm phú Nam kể chi tiết về mối tình của họ, tôi muốn xoáy tim. 

Tiếng anh Nam trầm đều:

- Anh Tuấn và chị Mai học chung một lớp trên đại học, lúc đang dự định làm đám cưới bỗng nhiên Quỳnh Mai bị mờ mắt từ từ rồi mù hẳn, chạy chữa vẫn vô phương. Dù gia đình can ngăn nhưng anh Tuấn nhất định cưới, sau đó dẫn Q Mai đi vượt biên nhiều lần suýt chết. Sau cũng đến Mỹ theo diện đoàn tụ”
Qua MỸ, anh Tuấn nhất quyết học lại ngành y để tìm hiểu hầu chữa mắt cho vợ, nhưng vô vọng. Tình yêu hai người vẫn gắn bó bên nhau đến gần cuối cuộc đời, đôi mắt anh Tuấn là của chị, anh kể lại những điều chị muốn biết nhưng không thể thấy. Từng ngày anh chọn áo quần, trang điểm cho chị những lúc đi ra đường…

Lòng càng xúc động dâng cao, tôi thầm nghĩ “nếu bác Lộc nói không tìm được một Phạm Phú Nam thứ hai, thì có lẽ cũng không tìm được một nha sĩ Tuấn thứ hai” Tình yêu của họ mãnh liệt, thanh cao đầy sự hy sinh hiếm quý, có lẽ vì nha sĩ lên Chùa sinh hoạt, gần gũi Phật pháp, thâm nhập kinh tạng, cộng thêm bản chất hiền hòa đạo đức, sống từ bi gieo phước thiện, nên tình yêu cũng bao la chân tình. Ôi những nhân vật như tấm gương trong vắt phơi rõ Chân Thiện Mỹ của cuộc đời, như viên ngọc tỏa sáng thế gian, mà người người đều khâm phục kính nể.
 
Chuyện Tình Thơ
Lãng mạn tình yêu cặp tuyệt vời
Cho dù nghiệt ngã nếm sầu vơi
Phu thê vượt sức tìm trăng tỏ
Én nhạn chèo mây kiếm nắng ngời
Thắm trải hồn thu xinh tím mộng
Nồng say bóng hạ đẹp xanh đời
Quỳnh Mai, Hoàng Tuấn đôi tri kỷ
Dạo hết đường trần bước thảnh thơi
MTTN
 
 
Đêm đã khuya, Bà Tám cũng trĩu nặng con mắt, nhưng thật sự hạnh phúc được lặn hụp trong biển chữ giải tỏa nguồn suy nghĩ, theo bác sĩ Lương lễ Hoàng “Bớt bệnh nhờ khéo tám”. Giờ Bà Tám xin tạm nghỉ ngơi trước khi…
Nguyện ngày an lành, đêm an lành
Tất cả các thời đều an lành…
Kính chúc bình an và sức khỏe đến quý bạn
                                                                                  
Minh Thúy Thành Nội 
                                                                                         
 2022

Ý kiến bạn đọc
19/01/202308:28:58
Khách
Dạ chị Kim Dung !
Cám ơn chị đã đọc bài và có lời rộng lượng khích lệ em . Lâu nay em bận quá giờ mới vào đây...hi...hi...nên cám ơn chị trễ . Mến chúc chị và gia đình luôn được nhiều sức khỏe
Minh Thuý
05/01/202303:58:13
Khách
Bà Tám ơi! "Tám" bài này nhiều điều hữu ích và hay quá chừng. Minh Thuý à, cách đây mấy ngày, hôm Năm Mới 2023 đó, ông Nha Sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn đã gởi text chúc mừng Năm Mới KD, và còn tặng cho mình một tấm hình của anh chị Hoàng Tuấn-Quỳnh Mai mới chụp. KD đã gởi lời cám ơn tới vị Nha Sĩ gia đình của mình rằng "Cám ơn Nha Sĩ đã gởi hình của nhị vị cho KD. Nhìn hình và trang phục đẹp của chị Quỳnh Mai, KD thật lòng rất kính nể và ngưỡng mộ Nha Sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn vô vàn!"
(Xin chia sẻ: Chị Quỳnh Mai khi gần kết hôn với NH Tuấn thì chưa bị mù, mà đôi mắt chị bị mờ nhiều thôi. Đôi mắt chị mờ dần và không nhìn thấy gì nữa, khoảng mười mấy năm nay thôi, tại Mỹ).

Nhân dịp Năm Mới 2023, KD xin chúc Minh Thuý và quý quyến Năm Mới được nhiều sức khoẻ, hạnh phúc, an khang và được mọi sự như ý nhé!
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 554,477
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.”
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Ba tôi qua đời năm Mậu Thân 1968, còn trẻ lắm, em Út thứ 9 trong nhà nói: “em không nhớ mặt Ba”, tội nghiệp, lúc đó nó mới có ba tuổi; Má tôi vừa bỏ chúng tôi đầu xuân năm 2023, thượng thọ gần bách tuế. Từ thuở nhỏ, chúng tôi lớn lên không có Ông Bà cả hai bên Nội, Ngoại. Ông Bà Ngoại với con cái sống cuộc đời thương hồ, trôi nổi nước lớn nước ròng, buôn bán theo mùa ở Châu Đốc. Rồi Ông Bà lần lượt qua đời khi tuổi không thọ lắm. Má tôi có chồng, thì Má chồng đã mất, Ba chồng bồng ẳm hai cháu Nội mới chập chửng biết đi được vài lần thì gia đình tôi dọn nhà lên Sài Gòn. Rồi ông Nội qua đời. Nghe Ba và Cô Hai kể, Ông Nội nằm đọc báo ngủ trưa, ngủ luôn giấc ngàn thu, rời hơi thở nhẹ tênh, nhà quê gọi là đứt mạch máu. Năm đó, Ông vừa qua tuổi 50. Má kể, tôi cũng được Ông Nội bồng vài lần lúc mấy tháng,
Hằng ngày, một mình, tôi vẫn tiếp tục lặng ngắm bức tranh thêu hai con hạc trắng như ngày nào khi hai chúng tôi bên nhau. Con chim trống luôn luôn là hình ảnh oai phong - khỏe mạnh của chồng tôi những ngày đầu chúng tôi quen nhau cách đây hơn 50 năm. Thương làm sao, lúc về già, chồng tôi y như con hạc trống già vẫn ráng vươn cao cổ che chở con chim mái ướt sũng đứng nép mình cạnh bên. Thương, nhớ… những ngày hạnh phúc có nhau nhưng tôi không bị dày vò , xót xa vì tôi đã sống trọn vẹn và làm đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ …Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật nghiệt ngã, đời người rồi ai cũng phải đi tới các trải nghiệm đó. Chấp nhận và có chuẩn bị chu đáo vẫn hơn là né tránh!?
Tôi đã hứa với Văn, ngày thứ sáu và thứ bảy của tuần lễ nghỉ phép, tôi sẽ đến nhà làm giúp cho Văn cái giàn mướp. Sau khi mở cửa cho tôi vào nhà, Văn pha cho tôi ly cà phê rồi đến ngồi trên cái ghế xoay đối diện với máy điện toán, tiếp tục đọc trang mạng. Văn thường nói với bạn bè: Đọc và viết là một phương cách giúp cho não bộ hoạt động và thư giãn tâm trí, một món ăn tinh thần tốt lành, không tốn kém. Đọc xong bản tin đặc biệt và bài bình luận thời sự trên trang mạng, Văn đứng dậy, đi đến phòng ăn sửa soạn ăn sáng rồi cùng tôi làm cho xong cái giàn mướp thì điện thoại reo. Văn vừa nói câu hello thì đã nghe giọng nói lớn tiếng từ điện thoại.
Lời tác giả: Gặp Nina Hòa Bình trên trang mạng! Nina nhắc nhở nhè nhẹ, lâu quá, không thấy tác giả Nguyễn Trung Tây trên trang “Viết Về Nước Mỹ.” Khi đó mới chợt nhớ ra, từ hồi Covid ghé vào, tàn phá ngôi làng toàn cầu, tác giả hãi đoàn quân Covid quá! Bởi thế, quân ta trốn trong phòng, không xuất hiện. Thật ra, tháng 6 năm 2016, tác giả đã rời Úc Châu, tu học tại Philippines. Tháng 10, 2020, tác giả bay về lại San Jose, California, trốn Covid. Tháng 5, 2022 tác giả bay về Philippines, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Truyền Giáo tại Divine Word Institute of Mission Studies, nối kết với University of Saint Tomas.
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: ”Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”. Mình tức chết đi được, phận sự của mình là cung cấp phụ tùng linh kiện, còn việc khâu kỹ thuật là của thằng James, sao việc gì nó cũng đổ hết cho mình? Mà đâu chỉ mỗi việc này, còn nhiều chuyện bị áp lực nặng khác nữa. Mình làm lâu năm, kinh nghiệm tốt, được khen “good job” vậy mà bị tay đốc công đì, đối xử bất công. Những người làm cùng việc ở các tổ khác đã tăng lương hai lần rồi mà mình thì không được, đã thế cứ nhè những việc khó thì giao cho mình. Mình xin đổi qua tổ khác nó cũng không cho chuyển… Giận lắm nhưng nhịn thì tức, nhiều lúc muốn chơi nó cho bỏ ghét!
Có người bảo rằng tiếng chuông điện thoại là “niềm vui của tuổi trẻ và nguồn an ủi cho tuổi già” Đối với bà Thoa, tiếng chuông điện thoại còn là tiếng gọi của tình yêu khi còn trẻ, là tiếng lòng thương mến khi làm mẹ, là tiếng gọi mong chờ và là liều thuốc an thần khi nằm trong viện dưỡng lão. Nhớ thuở xa xưa, lúc tuổi xuân thì, bà có nhan sắc lại con nhà danh giá, nhiều thanh niên con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai theo đuổi, nhưng không anh nào lọt vào vòng “chung kết”. Cuối cùng bà “phải lòng” anh phó quận vì tiếng chuông điện thoại.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây là bài viết mới nhất.
Cơn hồng thủy ngày ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm đã xô đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi quê hương và trôi dạt khắp nơi trên thế giới mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Thời đó, hễ thấy ai đầu đen thì người ta chạy riết lại nhìn mặt xem có phải là người Việt không. Nếu phải thì người ta ôm chầm lấy nhau. Có người nước mắt ràn rụa, giọt ngắn giọt dài, vừa mừng vừa tủi vì “ tha hương ngộ cố tri” mà. Dần dà số người Việt định cư ở Mỹ ngày càng đông thì hình ảnh thân thương kia cũng phai nhạt dần khi người ta đã trở thành công dân Mỹ, hội nhập vào đời sống xã hội Mỹ, lúc nào cũng gấp gáp lo chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn thì giờ để quan tâm, dòm ngó tới hàng xóm láng giềng, kể cả bà con thân thuộc, nhất là những người ở xa. Hình ảnh một người Mỹ ngồi trên xe bus đi đến chỗ làm, vừa uống tách cà phê, vừa đọc báo cho thấy là thì giờ ở Mỹ rất hiếm hoi và quý báu. Có ý kiến cho rằng người Mỹ rất lạnh lùng, đèn nhà ai nấy sáng. Điều này không đúng. Giá trị Mỹ nằm ngay ở chính tên gọi của nó
Nhạc sĩ Cung Tiến