Hôm nay,  

Bạn Của Bạn

12/12/202211:33:00(Xem: 4609)


 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.


*

 

Bạn tôi mời tôi đến nhà nó ăn tiệc. Tôi đến hơi trễ nên mọi chỗ ngồi đều đã có người, chỉ còn hai ghế trống ở hai bên một khứa già nên tôi đến ngồi cạnh khứa. Chắc các bạn thắc mắc, tại sao tôi lại có ác cảm gọi lão ta bằng khứa. Các bạn cứ đọc hết đi rồi sẽ hiểu vì sao.

 

Tôi vừa ngồi xuống, khứa liến thoắng nói:

 

- Chào chú. Tôi tên Đô, sống ở ngoại ô, thành phố Garden Grove.

 

Tôi hơi bực vì khứa ta trông ngang tuổi mà lại gọi tôi bằng chú, nhưng tôi dằn lòng, giới thiệu tên với khứa. Khứa nhìn vào mắt tôi dò xét, xem tôi phản ứng với câu chào hỏi của khứa vừa rồi ra sao. Tôi đoán chắc, khứa luôn dùng câu này để chào hỏi những người mới gặp mặt lần đầu.

 

Khứa đưa mặt tới sát mặt tôi, nói lung tung đủ thứ chuyện, hết chuyện gia đình rồi đến công việc. Đối lại, tôi chỉ ầm ừ cho qua hoặc cười trừ. Bây giờ tôi mới biết, tại sao không ai dám ngồi gần khứa trong bàn tiệc. Khứa nói như nhổ toẹt tất cả những gì có trong đầu khứa vào mặt tôi. Khứa càng nói càng hăng máu, nói đến văng cả nước miếng vào mặt, vào tay tôi. Tôi dám chắc, ít nhất cũng có cả trăm hạt bọt nước miếng từ miệng khứa bắn vào đĩa thức ăn của tôi. Tôi không dám ăn gì, chỉ khư khư cầm chai bia xa ra khỏi miệng khứa.

 

Thấy tôi ngồi im không ăn, khứa lăng xăng gắp thức ăn bằng chính đôi đũa đang ăn của khứa, bỏ vào đĩa cho tôi. Khứa nói:

 

- Ăn đi chú. Chú chắc bảy mươi bó rồi há?

 

Tôi hít một hơi thật sâu để tĩnh lại cơn tức, rồi đáp:

 

- Tôi trẻ hơn số tuổi đó nhiều.

 

- Trẻ hơn là bao nhiêu, chú nói thật đi, nhìn mặt chú già hơn bảy mươi đó.

 

Tôi quay mặt nhìn chỗ khác không thèm cãi lại. Tôi giận hết sức, quên luôn cả tấm lòng trắc ẩn, quảng đại của mình, tôi chửi thầm, “Mẹ kiếp, xui tận mạng. Sao ngồi gần phải cái chủng loại ruột ngựa phổi bò, hời hợt, vô duyên bản năng, tào lao, nhảm nhí, bệnh thần kinh nói bất kể trời đất, nói thiên thu bất tận, nói như chưa từng được nói bao giờ vậy nè trời”.

 

Một cô từ trong bếp bước ra, ngồi vào chiếc ghế trống còn lại cạnh khứa, có lẽ là vợ của khứa ta. Thấy tôi không muốn nói chuyện, khứa quay qua nói chuyện với những người khác. Khứa nói luôn miệng, không ngừng, liến thoắng kể thao thao bất tuyệt hết chuyện này qua chuyện khác. Thấy mọi người có vẻ không mặn mà lắm với những chuyện của khứa kể, khứa đứng dậy bắt đầu lảm nhảm pha trò, cứ như trong bàn tiệc không ai biết nói chuyện hay như khứa vậy. Vợ khứa vội nắm lấy thắt lưng quần của khứa, kéo khứa ngồi xuống. Ngồi xuống được một lát, khứa chồm người tới trước, nói với cặp vợ chồng ngồi đối diện bên kia bàn:

 

- Chị này là mẹ của anh hả?

 

Chị vợ tái mặt, cúi gầm mặt. Còn anh chồng mặt bừng đỏ rần lên, nói:

 

- Đây là vợ tôi.

 

- Thế à. Tại mặt chị nhà già quá nên…

 

Vợ khứa xấu hổ vội nói chữa:

 

- Chồng tôi nói đùa đấy.

 

Vợ khứa liên tục bấu năm ngón tay vào đùi khứa dưới gầm bàn. Khứa hất tay vợ ra, nói tiếp:

 

- Chị nuôi anh sao mà trông anh trẻ nhìn như hai mẹ con thế.

 

Vợ khứa chịu hết nổi, chẳng nể mặt chồng, nói:

 

- Anh bớt vô duyên, bớt nói đi được không.

 

Thấy không còn ai để nói chuyện, khứa lại quay sang tôi. Tôi sợ lắm nên vội đứng dậy, đi nhà vệ sinh. Khứa cũng đứng dậy đi theo tôi. Tôi hoảng quá đi nhanh hơn thì khứa cũng đi nhanh theo. Để chắc rằng, khứa điên này không phải là đi theo mình, tôi tăng tốc đi như chạy. Lập tức khứa tăng tốc, chạy qua mặt tôi, vào phòng vệ sinh trước. Khứa không đóng cửa phòng vệ sinh, khứa nói:

 

- Vào đi, đàn ông không mà. Giọng khứa khản đi, có lẽ vì nói nhiều quá rồi.

 

Tôi quay người 180 độ, đi trở về bàn và kéo ghế tới chỗ khác ngồi. Tôi sợ, nếu ngồi gần khứa

 thêm nữa thì tôi sẽ không kiểm soát được mình. Chủ nhà, bạn tôi, đến cười hỏi:

 

- Sao lại đổi chỗ ngồi thế?

 

- Thằng bạn ruột để ngoài da của mày làm tao bầm gan tím ruột, chẳng ăn nhậu gì được.

 

- Tuy nó ăn nói như gà mổ thốc, nhưng nó sống rất có tình.

 

Các bạn cũng biết, tôi hay kể chuyện đời thường của tôi, những chuyện tôi gặp, chứ không có ý nói đến những người tốt bụng, bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, hoặc chê những người không có khả năng nhận ra là mình đang có lời nói, hành động khiếm nhã với những người chung quanh.

 

***

 

Mấy hôm nay, tôi buồn quá. Chẳng ai lại nói không buồn khi bị người khác la mắng, chê trách mình, nếu nói không buồn chút nào thì có thể bạn là thánh nhân rồi cũng nên.

 

Chuyện buồn của tôi là có một bác, không biết họ hàng hay quen biết như thế nào, gọi điện thoại trách mắng tôi đủ điều. Tôi thường không nói chuyện điện thoại vì nói một hai câu, tôi không biết nói gì nữa. Tóm lại là tôi “tám” không được dai và dài. Đã ngại nói chuyện, lại gặp số lạ nên tôi không bắt máy. Số phone lạ gọi hai ba lần, sợ có chuyện khẩn cấp gì nên tôi bắt máy.

 

Tôi vừa bắt phone, bác ấy mắng xối xả:

 

- Tại sao không nghe điện thoại liền? Mày lên facebook viết vớ vẩn linh tinh gì thế? Ai bảo mày viết chuyện đấy ra hả? Khôn thì dẹp ngay đi. Hiểu không?

 

Tôi hoảng hồn, không biết mình đang nói chuyện với ai. Tôi ngập ngừng thưa:

 

- Dạ, em nhiều chuyện quá nên không biết chuyện mô làm bác giận rứa hỉ.

 

Bác ấy nói to:

 

- Mày nói qua giọng Nam đi, giọng trọ trẹ của mày khó nghe quá. Hiểu không?

 

Chắc bác ấy giận luôn cả giọng nói của mình. Tôi thưa:

 

- Dạ em không biết nói giọng Nam.

 

- Thế thì nói giọng Bắc.

 

- Giọng Bắc em cũng không nói được mô. Bọ mạ em cả hai đều là người Trung.

 

- Thế thì mày nói chậm lại. Hiểu không?

 

Hơ! Bác ấy làm như tôi đang nói tiếng Anh, tiếng Mỹ không bằng. Có rất nhiều người Miền Trung nói được giọng cả ba miền. Khi nói với người miền nào, họ đổi qua giọng miền đó cho dễ nghe. Tôi không có tài đó bạn à.

 

Trở lại chuyện bác ấy. Tôi nói chậm rãi:

 

- Bác nói em viết linh tinh là răng, em không hiểu tề.

 

- Hừ, tao cứ tưởng mày viết gì hay ho lắm, mất thì giờ đọc. Mày viết thế để làm gì hả?

 

- Dạ em có biết mô. Tôi không biết tôi viết để làm gì thật, chắc rảnh rỗi sinh nông nổi.

 

Bác ấy hỏi tiếp:

 

- Ai cho phép mày lấy chuyện đời tao viết lên facebook hả?

 

Tôi ngạc nhiên:

 

- Em có biết đời bác ra răng mô mà viết. Em chỉ viết chuyện đời Lựu của em không mà bác.

 

Bác ấy giận dữ:

 

- Giỡn mặt hả. Mày im đi, có một chuyện giống đời tao. Hiểu không?

 

Tôi đáp:

 

- Có thể là trùng hợp, thôi em xin lỗi bác hỉ.

 

Giọng bác ấy dịu xuống:

 

- Lần sau muốn viết chuyện đời tao thì phải xin phép, nhớ chưa.

 

Tôi hỏi:

 

- Dạ thưa bác tên chi?

 

Bác ấy quát:

 

- Hỏi bạn mày ấy, mà mày cũng không cần biết tao là ai, tên gì. Hiểu không?

 

Nói xong, bác ấy cúp phone cái rụp. Chuyện vậy có buồn không kia chứ!

 

Tôi có người bạn cũng có chuyện buồn hơi giống tôi. Bạn ấy làm thơ và viết báo, có nhiều bài đăng trên các báo địa phương. Vì ngày càng ít người mua sách báo, nên bạn ấy thử đưa những tác phẩm của mình lên các trang mạng. Bạn ấy than thở:

 

- Độc giả trên mạng khó tính quá. Viết chuyện buồn thì cho uỷ mị, viết vui thì bị chê là xàm xí.

 

Tôi nói:

 

- Họ khó tính rứa để mi cẩn thận hơn khi viết đó mà.

 

Bạn ấy than tiếp:

 

- Độc giả sách báo, đọc xong dù thích hay không, họ cũng không biết tác giả ở đâu mà phê bình. Độc giả trên mạng, đọc xong họ phản hồi hay bình luận ngay, thấy cũng phấn khởi, được động viên tinh thần, nhưng nhiều lúc sợ không dám viết gì luôn.

 

Tôi nói:

 

- Có thể họ bình luận theo cảm xúc vui hay buồn. Đang vui mà đọc bài thơ thất tình, chán đời của mi thì họ thấy không hay rồi. Hoặc độc giả vừa bị vợ la, đang bực bội, đọc phải bài viết hài hước thì cho là vô duyên tệ.

 

- Có khi hôm trước họ vào khen bài thơ, bài viết hay quá, hôm sau lại chê tầm phào. Chẳng biết đường nào mà lần.

 

- Độc giả trên mạng, có người đọc hàng tá sách, sự hiểu biết hơi nhiều nên thấy các bài đơn sơ thì chê chẳng cao siêu triết lý gì. Có người từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách, làm răng bình luận như một nhà phê bình văn học được. Dù mi viết cái chi cũng có người chê bai. Mi thử trích một đoạn văn thơ của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng đưa lên mạng mà không đề tên tác giả thì vẫn bị moi ra lỗi để chê.

 

Bạn ấy lại than thở:

 

- Biết vậy, nhưng tao vẫn buồn. Vợ tao nói, thà ông làm tài xế xe tải kiếm cơm còn hơn, chứ làm nhà thơ nhà báo lấy gì ăn. Vợ tao hiền từ khuyên, quay đầu là bờ nếu không thì ba đời nhà ông chẳng ngốc đầu lên được, biết không.

 

Tôi an ủi bạn:

 

- Vợ không bao giờ sai hỉ.

 

Trong đời làm gì có ai chưa từng bị chê trách trước mặt hoặc sau lưng, nếu không vậy thì làm sao gọi là thế gian. Dù buồn, đau khổ khi bị chỉ trích, trách mắng, nhưng cứ thân thiện, cởi mở, bạn sẽ được mọi người quí mến.


Lời triết lý vụn trên, không phải để khuyên các bạn đâu. Tôi viết lời đó để tự làm vơi đi nỗi buồn của tôi thôi. Chúc các bạn sức khoẻ, lạc quan yêu đời, hàng ngày tràn ngập những niềm vui và gặp nhiều may mắn.

 

Phước An Thy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,298
Gần hai năm tôi bị ép buộc phải nghỉ dưỡng sức vì dịch Covid tung hoành trên toàn thế giới, và vì hãng đang làm đóng cửa để chuyển qua tiểu bang khác, trong khi tiền thất nghiệp chỉ lãnh được có $447 một tuần. Căn nhà đang ở dù đã trả xong, tiền bills hàng tháng không đáng kể, nếu xài tằn tiện thì với công việc đang làm thêm, may đồ cho lính được trả tiền theo sản phẩm cũng đủ sống lây lất qua ngày, nhưng muốn chi tiêu việc gì to to, hoặc giúp đỡ chỗ nào thì phải tính toán một chút, nên tôi quyết định tìm công việc ở hãng xưởng để làm.
Rặng Smoky Mountain tọa lạc trên hai tiểu bang: North Carolina và Tennessee. Vốn được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ (1940), tiếp đến năm 1983 được Unesco công nhận là di sản của nhân loại… núi rừng trùng điệp và hùng vĩ, có nhiều chặng sương khói phủ mờ, mây trắng quyện lấy lững lờ chẳng tan. Có lẽ người xưa nhìn thấy cảnh tượng này mà gọi tên là Smoky chăng? Hoặc giả những trận cháy rừng, khói bốc cao mà gọi là Smoky? Cũng có giả thuyết cho rằng: Người Mỹ bản địa (Indian) xa xưa, thường đốt khói thơm trong những nghi lễ hiến tế ở những địa điểm linh thiêng trên dãy núi này, vì thế mà được gọi là Smoky.
Tôi có 3 anh em và là những trẻ sớm mồ côi cha. Ba tôi mất lúc cô em út của chúng tôi được 6 tháng. Khi em đang còn ở Tiểu học thì người Mẹ hiền hậu, dịu dàng của chúng tôi lại ra đi. Vậy là chúng tôi mồ côi cả Cha và Mẹ từ thơ ấu nhưng anh em tôi may mắn đươc hai bên ông bà Nội, Ngoại thương yêu, chăm sóc. Anh Cả tôi được cưng nhất nhà vì anh là cháu đích tôn lại ngoan ngoãn, chăm học. Anh được ông Nội gởi về thủ đô học trước tiên, rồi lần lượt mới tới các em.
Thế là hết Tết. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Trẻ con đi học người lớn đi làm, chúng không còn phải chạy hỏi lung tung, mua cho được những thứ mẹ già muốn cho ngày Tết Việt Nam. Chẳng biết vài chục năm nữa, cháu chắt toàn mắt xanh, tóc vàng kiếm đâu ra giò thủ, nem chua để cúng các cụ.
Cứ tưởng chuyện lừa đảo chỉ thường xảy ra ở các nước chậm phát triển, nhưng xét cho cùng và theo kinh nghiệm bản thân, chuyện lừa đảo còn khiếp đảm hơn ở Mỹ. Lừa đảo kiểu mánh mung là chuyện nhỏ; lừa đảo qua khoa học, kỹ thuật thì rất khó mà tránh. Chắc chắn những ai đã từng ở Mỹ một thời gian ngắn cũng đã chiêm nghiệm rất nhiều cách người lừa đảo người từng giờ, từng ngày. Tôi không dám lạm bàn vô vàn trường hợp của người khác; trong phạm vi bài nầy tôi chỉ muốn chia sẻ với quý vị kinh nghiệm bản thân. Có ngu ngơ, có cả tin, có tính toán… sai lầm, và phần nhiều là do người ta khai thác lòng tham ẩn giấu trong tôi.
Tiếng vợ tôi hốt hoảng hét vang lên, tôi quýnh quáng và hình như tôi đã thả chân ga cho xe chạy chậm lại vì không còn nhìn thấy gì ở trước mặt bởi tấm kính xe đã rạn nát, vô số mảnh vỡ nhỏ li ti rơi vung vải trong xe nhưng tôi không cảm thấy đau đớn chút nào và vội quay qua nhìn bà xã tôi thì thấy mặt cô ấy xanh mét nhưng cũng không bị gì. Trong khi ấy thì vợ tôi lớn tiếng hối thúc: - Tấp vô lề…tấp vô lề nhanh lên anh!
Theo thần thoại La Mã, “bông hoa nhỏ bé này có nguồn gốc từ Belides một trong các nữ thần chăm sóc những khu rừng. Một hôm khi Belides đang nhảy múa với người yêu là Ephigeus, cô đã lọt vào mắt xanh của Vertumnus (vị thần cai quản các vườn cây). Để bảo vệ cô khỏi sự săn đuổi này, Flora, nữ chúa các loài hoa, đã biến cô thành một đóa hoa Cúc trắng.
Cơn mưa nửa đêm làm tôi tỉnh giấc. Không gian thật im ắng. Mới hai giờ sáng. Nhìn lên màn hình camera phòng mẹ, trong cái ánh sáng mờ mờ, dáng mẹ nằm co ro, không nhúc nhích động đậy cũng chẳng nghe tiếng húng hắng ho hay tiếng trở mình như mọi đêm. Với một linh cảm không tốt, tôi choàng dậy rón rén xuống cầu thang, bước nhanh vào phòng mẹ. Dưới lớp chăn dày, mẹ nằm co quắp, khổ sở đến tội nghiệp. Đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng cái tật ngủ trùm mặt trùm đầu kín mít vẫn không chịu bỏ. Vừa ngộp thở vừa xấu xí. Kéo nhẹ tấm chăn che, cúi thật sát mới nghe tiếng thở yếu ớt của mẹ, lúc đó tôi mới thật hoàn hồn. Cám ơn Trời Phật, mẹ vẫn còn đó với chúng tôi.
Tâm vẫn còn trẻ, khi vào xin việc khoảng 30 trở lại và có trên 5 năm kinh nghiệm trong nghề. Phỏng vấn interview kiến thức khá vững, không đòi hỏi lương quá cao, là người lý tưởng với công việc tôi đang cần, mặc dù khi đó một nhân viên khác trong hãng cho biết Tâm ở một hãng khác mấy năm trước làm việc bê bối và từng bị đuổi. Nhưng tôi đang cần người, vả lại nghĩ rằng Tâm có bê bối mấy năm trước, bây giờ biết đâu đã thay đổi? Cho Tâm một cơ hội thử xem.
Ngày ban tổ chức làm lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ, tôi và ông xã xem qua hình ảnh, và vài ngày sau được xem cả chương trình qua đài SBTN mà một thân hữu gửi link. Buổi lễ trang trọng, ấm cúng, phần ca nhạc là những nhạc phẩm giá trị được trình bày qua những tiếng hát có nội lực. Tôi được thấy những khuôn mặt xưa nay chỉ biết tên qua các bài dự thi, được biết thêm nhiều điều rất thú vị. Thấy tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, ông xã tôi lại… khơi mào: - Lần trước em gửi chục bài, vậy lần này còn …ý tưởng gì để dự thi nữa không? Tôi ỡm ờ: - Dĩ nhiên là vẫn còn, anh...đợi đấy...!
Nhạc sĩ Cung Tiến