Hôm nay,  

Những mảnh đời di dân

28/10/202200:00:00(Xem: 15482)

di dan
Hình do tác giả cung cấp

 

Tác giả tên thật Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Lần đầu tham dự chương trình VVNM với bài viết “Ngày qua giông bão “Bà đã từng cộng tác với nhiều tờ báo tại hải ngoại. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả
 
*
 
Như những chiếc lá lênh đênh theo dòng nước, chúng tôi đã lưu lạc đến đây, sống cuộc đời di dân, bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
“Đất lành, chim đậu “. Chúng tôi xin nhận nơi này làm quê hương.
  
Câu chuyện thứ nhất
 
Những ai thuộc hàng trí thức trước 1975, chắc sẽ không quên tên Lê Thanh Hoàng Dân— Phó Giám đốc Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Giáo sư, Nhà Nghiên cứu và Dịch giả. Bác viết nhiều sách về giáo dục & tâm lý & sư phạm như “Luân lý chức nghiệp “, “Tâm lý giáo dục”, “Sư phạm lý thuyết”… Ngoài ra, bác còn dịch các tác phẩm “Thân phận con người” (Andre Malraux), “Kẻ xa lạ” (Camus)…
 
Lúc đó, tôi cũng biết bác. Không phải tôi là trí thức, mà đơn giản vì tôi học chung với con gái bác ở trường Tiểu học Sư Phạm Thực Hành, ngôi trường nằm cạnh Trung tâm học liệu thuộc  Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
 
Cũng nói qua đôi chút về Trường Sư Phạm Thực Hành. Đây là một ngôi trường được Mỹ tài trợ về kinh phí và phương tiện giáo dục. Tuy vậy, chưa bao giờ học sinh nghe thầy cô dạy “phải nhớ ơn tổng thống Mỹ và nước Mỹ vĩ đại”.
 
Ngôi trường tôi rất khang trang. Sách giáo khoa trực tiếp chuyển từ Trung Tâm Học Liệu đến và được soạn theo phương pháp mới, cho học sinh mượn miễn phí vào mỗi đầu năm học. Giáo viên đứng lớp là những người tốt nghiệp với bằng cấp cao, như cô Ngọc Điệp, là thủ khoa của Đại học Sư Phạm. Phía sau trường thông với Đại Học Sư Phạm, để các giáo sinh tiện qua lại thực tập đứng lớp.
Trong môi trường giáo dục như thế, chúng tôi hồn nhiên lớn lên. Mỗi đầu buổi học, khi được phụ huynh đưa đến trường, chúng tôi rối rít gọi tên nhau và nắm tay nhau chạy ù vào cổng. Tan trường, khi trèo lên xe ba mẹ, chúng tôi lại vẫy tay chào như là quyến luyến lắm. Sự thân thiết của các bạn bè chúng tôi, làm cho các bậc phụ huynh cũng gắn kết với nhau. Họ cũng… bắt chước chúng tôi chào hỏi nhau, không phân biệt thành phần giai cấp trong xã hội.
 
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bác ngày xưa.
Bác Lê Thanh Hoàng Dân lúc nào cũng tươm tất với áo sơ mi trắng bỏ trong quần âu đen, đeo mắt kính cận, luôn tươi cười và rất thân thiện với chúng tôi.
 
Dòng đời trôi đi. Cho đến một ngày, tôi nhận được quyển sách 42 năm sống ở Mỹ : Được gì ? Mất gì? (Xuất bản 2018). Đây là quyển sách của bác viết về cuộc đời mình, dành tặng cho người vợ tào khang đã cùng đồng cam cộng khổ với gia đình. Và, “Đặc biệt tặng cho tất cả các bạn, cũng như tôi, đồng cảnh ngộ, gia đình tan nát trong và sau cuộc chiến“.
 
Ngày ra đi, gia đình bác 6 người , vợ chồng và 4 con, mà trong túi chỉ vỏn vẹn vài chục đô la Mỹ.
Bác Chỉ có hai bàn tay trắng. Đi tới đâu cũng bị chê. Xin việc lao động, cũng bị chê, “over-educated “, ăn học nhiều quá thiếu kinh nghiệm làm việc tay chân. Không dám xin việc văn phòng vì chưa đủ ngôn ngữ, kinh nghiệm.
 
Chỉ vài dòng đơn giản vậy thôi. Nhưng chỉ ai trải qua những ngày đầu bơ vơ nơi xứ người , mới thấu hiểu hết nỗi khốn cùng.
 
Hãy tưởng tượng, thành phố New York mùa đông tuyết đổ trắng trời. Nhìn quanh, đâu cũng đầy tuyết. Bước chân thọc sâu trong lớp tuyết dày, lặn lội từng bước qua những cơn hiu hắt gió. Mở tờ báo ra, dò lại địa chỉ, rồi dừng lại trước công trường. Nơi đây đang cần người. Việc gì cũng được mà.
 
— Anh nhìn ra ngoài xem. Tôi cần những người khỏe mạnh tháo vác như thế đó. Còn cái ngữ trí thức như anh thì làm được cái gì?
 
Những lời từ chối đại loại như thế. Phũ phàng và tàn nhẫn.
 
Những giọt nước mắt đàn ông không chảy dài xuống má, mà chảy ngược vào tim. Rưng rức từng thớ thịt.
 
Không phải một ngày. Không phải một lần. Cho đến đường cùng, đành phải nhìn thẳng vào hoàn cảnh của mình mà chấp nhận. Đã rơi đến tận cùng đáy xã hội khi phải ngửa bàn tay ra xin Welfare và Food Stamps.
 
Rồi bác cũng tìm được việc làm.  Công việc đầu tiên của bác là làm việc cho một công ty bảo vệ. Đó là một việc làm lương tối thiểu, làm nhiều, lương ít, làm việc rất cực khổ. Mỗi ngày bác làm việc 12 tiếng và mất 4 tiếng đi về từ New York sang New Jersey. Thời gian ở nhà của bác lúc đó chỉ vỏn vẹn 8 tiếng một ngày, khi bác về thì vợ con đã ngủ. Họ cũng đã trải qua một ngày mệt mỏi.
 
Nhọc nhằn lắm. Xót xa lắm. Dù cố quên thân phận mình, để bắt đầu cuộc sống mới, nhưng bác vẫn không khỏi cảm thấy thua cuộc, mắc cỡ khi gặp những người bạn cũ. Họ vẫn còn làm báo, viết sách, nổi tiếng.
Cho dẫu họ cố gắng không tỏ vẻ gì, nhưng một người trí thức như bác, đủ nhạy cảm để thấy sự thương hại trong ánh mắt người đối diện.
 
Tôi đồng cảm với bác điều này. Vẫn biết công việc nào cũng tốt, miễn là lương thiện. Nhưng tôi đã không khỏi chạnh lòng khi nghe học trò cũ nói “Tội nghiệp cô quá. Sang bên ấy cô phải làm Nails kiếm sống sao cô”.
 
Quyết định quên đi quá khứ để bắt đầu lại không phải dễ. Bỏ quên quá khứ có nghĩa bỏ hết những gì làm nên giá trị cá nhân mình trong quá khứ. Lúc sống ở Saigon, đi đâu người ta cũng chào hỏi, thưa Thầy. Đi đâu cũng có người nhận ra tôi, là ông Quê Hương Mến Yêu, là chương trình TV tôi làm MC. Đi đâu người ta cũng nói về sách vở, và nhà xuất bản Trẻ do tôi chủ trương.
 
Quá khứ như bóng cây râm mát, có thể làm dịu bớt bỏng rát của thực tại. Nhưng rồi sau đó? Chắc chắn lòng sẽ quặn đau hơn.
 
Chỉ còn một cách là quên đi.
 
Quên đi. Nghĩa là xếp lại, vùi sâu mãi mãi trong tiềm thức. Nghĩa là ngậm ngùi chấp nhận thời ấy đã qua rồi.
 
Nỗi đau đó như vết thương sưng tấy. Nhưng còn cách nào? Thôi thì, Bỏ hết, bắt đầu lại.
 
Khi đã chọn nơi này làm quê hương, bác quyết tâm hội nhập.
 
Với vốn kiến thức của mình, bác đã  học lại ở Mỹ. Học xong MBA, bác lại tiếp tục học thêm về Finance, Business Economics…để có thể vào làm việc ở Phố Wall và được trọng dụng.
 
Với niềm kiêu hãnh dân tộc, không muốn thua một chủng tộc nào khác đã đến đây. Bác tâm niệm phải sống ra hồn, sống xứng đáng cho thế giới nể phục người Việt Nam.
 
42 năm. Không phải là một cái chớp mắt. Từng phút giây của người di di dân nơi xứ lạ đánh đổi bằng bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu nhọc nhằn,  gian khó để đấu tranh cho cuộc sống. Bao nhiêu lần cúi xuống nuốt tủi nhục, mới có thể ngẩng đầu lên.
 
“…Để ngẩng cao đầu mình phải đi qua nước mắt
         Gió bao giờ cũng lạnh lắm phải không… “  ( thơ Biển Cát ).
 
Và bác đã làm được những gì đã trăn trở, trong 42 năm qua.
 
Bác làm việc với nhiều ngân hàng và công ty Mỹ, hãnh diện giới thiệu văn hoá Việt Nam cho người Mỹ.
Bác có một đại gia đình với con, cháu, dâu, rể…Một trong những điều bác được là: tương lai tươi sáng cho con cháu. Mặc dù gốc Việt Nam, nhưng bây giờ là công dân Mỹ, sẽ sống cuộc đời của một công dân Mỹ.
 
Khi phong trào thuyền nhân của nhiều người Việt liều chết ra đi, New York có một cơ sở Công giáo kêu gọi giúp đỡ các cháu Việt Nam ra đi một mình.
Vợ chồng bác mở cửa nhà giúp một vài cháu thuyền nhân này một vài năm. Ở chung nhà, các cháu hội nhập dễ dàng hơn với đời sống Mỹ. Trong số đó, vợ chồng bác còn giúp một cháu lập gia đình. 42 năm nhìn lại, thấy cháu hạnh phúc, bác rất vui.
 
Từ năm 2016, gia đình bác có một quỹ học bổng 15 triệu đồng VN ,mang tên Lê Mỹ Hạnh ( con gái đã mất của bác & bạn tôi) cho sinh viên Việt Nam hiếu học , có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ này dự định duy trì hằng năm vào Lễ Tạ Ơn.
 
Xuyên suốt quyển sách, bác luôn khẳng định, tất cả những gì bác có 42 năm nay, là do nước Mỹ tuyệt vời với di dân.
 
Nước Mỹ là đất nước của di dân và tỵ nạn. Đó là đất nước đã tiếp đón gia đình bác 42 năm trước. Biểu tượng của nước Mỹ là Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững ở cảng New York tiếp đón và mừng di dân đến xây dựng nước Mỹ. Dân tứ xứ khắp thế giới bị đất nước họ ruồng bỏ, không sống được ở quê hương, cũng đến đây xây dựng lại cuộc đời, tìm giấc mơ Mỹ, Tự Do, Hạnh Phúc và Ấm No.
 
Thỉnh thoảng nhận được tin một người thân, một người quen biết nào đó ngày xưa, tôi rất vui.
Tôi chỉ muốn trải niềm vui của mình bằng từng con chữ , như một khoảnh khắc hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xôi.
 
Tôi vẫn mãi nhớ hình ảnh của bác Lê Thanh Hoàng Dân với nụ cười thân thiện của thuở tôi còn thơ bé. Và cố hình dung ra hình ảnh của bác bây giờ, sau 42 năm bác sống trên đất Mỹ.
 
“Tôi chỉ là một người Mỹ trung bình, không quyền lực, không tiếng tăm, không giàu có. Nhưng tôi cũng sống được không khí tự do như mọi người. Đó là một điểm son của xã hội Mỹ”.
 
Lê Thanh Hoàng Dân (xuất bản 2018).
 
Chú thích: Những dòng chữ in nghiêng được trích từ quyển sách 42 năm sống ở Mỹ : Được gì ? Mất gì ?  
 
 
Câu chuyện thứ hai
 
Ba chị em cùng làm việc ở tiệm Nails trong Mall, cùng thuê chung một ngôi nhà. Nhà cũ, có 4 phòng ngủ mà chỉ 1 phòng tắm. Mỗi đứa 1 phòng ngủ, vậy là dư ra 1 phòng trống. Bếp ăn chung. Cuối tuần luân phiên nhau đi chợ, lấy hoá đơn về chia ba. Nấu nướng thì buổi tối về, cả bọn xúm vào. Vậy cũng xong.
Hoàn cảnh thì na ná như nhau. Làm nails ở thành phố thì ít tiền, thợ với thợ giành phiên nhau phát mệt. Thôi, chi bằng chịu khó đi xa một chút, chịu buồn vì sống nơi xa xôi hiu quạnh một chút,làm thợ xuyên bang kiếm tiền dễ hơn.
 
Du đã bàn với bạn trai mình như thế. Thoạt đầu, Dũng không chịu.
 
— Trời đất! Em đi làm chỗ nào mà xa tới 3 tiếng đồng hồ vậy?
— Thì cuối tuần anh có thể lên thăm em mà.
— Chỗ đó làm việc 7 ngày. Chẳng lẽ anh lên ngồi nhìn em dũa Nails hả?
— Thì phải chịu khó thôi. Còn để dành tiền đám cưới nữa chi.
 
Vậy là Du xách túi đến đây.
Nhỏ Quyên là thợ xuyên bang chuyên nghiệp. Coi báo thấy chỗ nào lương cao, nó gọi điện tới hỏi liền. Thỏa thuận được giá cả là nó thu xếp hành lý dọn đi ngay.
Ai nhìn, cũng nghĩ nhỏ Quyên thực tế quá, ham tiền quá. Nhưng có gần gũi mới thương nó. Ba Quyên mất sớm, má nó bệnh rề rề. Hai đứa em nhỏ còn đi học. Hàng tháng cả nhà chỉ chờ đồng tiền của Quyên gửi về.
 
Hà là mẹ đơn thân, nên việc mưu sinh phải đặt lên hàng đầu. Để có đủ tiền lo lắng cho con học đại học,  đi đến một nơi xa xôi thế này, có mức thu nhập cao ổn định là thượng sách.
Hà ở đây lâu nhất. Chị làm việc rất siêng năng và rất tằn tiện. Lúc nào Du và Quyên mệt, hay muốn đi shopping săn hàng sale trong Mall, thì cứ việc nhờ một tiếng, chị sẵn sàng ”bao sân”ngay.
 
Có lần nhỏ Quyên cắc cớ hỏi chị:
— Sao không thấy bà sắm sửa gì hết. Để tiền mua vàng hả?
Chị cười mà mắt long lanh:
— Tao còn phải lo cho con nữa.
 
Tối hôm nay khi đi làm về, chủ nhà gọi điện báo có thêm người share phòng. Đó là một bà người Hoa, ở New York đến. Bà ấy thuê một quầy trong Mall, làm chỗ bán và vẽ tranh trong mùa hè này. Bà ấy đã ký hợp đồng thuê ba tháng.
 
Quyên phát hiện đầu tiên:
— Bà Tàu không biết tiếng Anh.
Hà cười phá lên:
— Còn tụi mình không biết tiếng Tàu. Xong phim.
 
Pennsylvania là bang lạnh, nên mùa hè, tất cả như bừng lên sức sống. Mọi người đổ xô ra đường, mua sắm, picnic… Các dịch vụ rộ lên tấp nập như tiếng ve rền rã, rồi chìm lắng khi cơn gió thu bắt đầu hiu hiu thổi.
 
Vài ngày sau, đến phiên Du phát hiện:
— Bà Tàu hà tiện hơn chị Hà nữa. Bả chỉ ăn 2 gói Snack mỗi ngày.
— Bả ăn ở Food Court hay ở tiệm nào trên đường, sao mày biết được. Hà không tin.
Du cãi:
— Mấy bữa nay em với nhỏ Quyên thay phiên nhau canh me, thấy buổi sáng bả mua 2 bịch snack đem về ăn trưa và tối.
 
Quyên gật đầu :
— Sáng tụi em đi cùng lúc với bả, rồi về cùng lúc với bả mà.
 
Mấy buổi tối rồi, cả bọn nghe bà người Hoa ho khúc khắc. Sáng dậy, bà ấy có vẻ mệt mỏi.
Tối nấu cháo gà, Hà đề nghị:
— Để tao múc một tô rồi đứa nào đem cho bà Tàu nghe.
Du một tay bưng tô cháo, một tay gõ cửa phòng. Có tiếng bước chân lẹt xẹt lê trên thảm. Cửa phòng mở he hé.
Du đưa tô cháo , ra dấu kêu bà Tàu ăn.
Bà ngần ngừ, nhưng Du cứ ấn tô cháo vào tay bà và mỉm cười. Khi không cùng ngôn ngữ, thì nụ cười là phương tiện giao tiếp.
 
Một nụ cười đáp lại, cùng với cái gật đầu ra dấu cảm ơn, bà Tàu nhận lấy tô cháo.
 
Quyên chặn Du ngay bếp, trêu:
— Hai người làm sao nói chuyện với nhau vậy?
— Nó với bả chia động từ “quơ tay” đó. Hà chen vào.
Liên tục mấy ngày, Du đảm nhận việc đưa cơm cho bà Tàu.
Buổi sáng cuối tuần, khi mở tủ lạnh, Hà phát hiện ra thịt cá , rau đầy trong tủ.
— Đứa nào đi chợ sớm vậy?
Du và Quyên ngơ ngác nhìn nhau.
Bà Tàu mở cửa phòng bước ra. Bà cười ra dấu là bà mua cho mọi người.
Lần này thì không hẹn, cả bọn cùng cười và gật gật đầu ra dấu cảm ơn.
 
 
Câu chuyện thứ ba
 
Qua đây rồi Sương mới biết Mỹ không phải là nơi mà “cứ mở mắt ra là thấy đô la” như lời người ta đồn thổi ở quê nhà. Nơi đâu cũng vậy, phải làm thì mới có tiền.
 
Qua đây, Sương cũng mới phát hiện ra chồng mình chẳng có việc làm cố định. Nghề xây dựng của anh bữa được bữa không, tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Nhưng đều đều mỗi sáng, anh ra quán Quỳnh gần nhà ăn sáng và nhìn cà phê nhỏ giọt vào ly. Buổi trưa anh về nhà nằm luyện phim. Còn buổi tối lại ra quán khác ngồi lai rai với bạn bè. Sinh hoạt của anh chỉ gói gọn trong cộng đồng người Việt, mà người Việt ở Atlanta này cơ man nào mà nói, nên mang tiếng là ở Mỹ hai mươi năm, anh không biết một câu tiếng Mỹ nào ra hồn. Chỉ có OK, lắc đầu, gật đầu rồi No, No. Yes, Yes.
 
Đó là chưa kể lúc bạn bè rủ rê cá độ hay casino . Anh sẽ mất hút vài ba ngày, đến lúc hết tiền mới lếch thếch về nhà.
 
Thấy tình cảnh của Sương, Jacquie, chị người Mễ hàng xóm, giới thiệu cho Sương job dọn dẹp nhà cửa như chị đang làm. Nhờ lấy giá rẻ, lại kỹ càng, nên lúc này Sương cũng có nhiều mối.
 
Bây giờ là thời gian Holidays. Công việc có yêu cầu nhiều hơn để chuẩn bị cho lễ hội. Nhưng bù lại, Sương được chủ nhà cho thêm tiền.
 
Chồng Sương đi đâu đã mấy ngày rồi. Nghe nói lần này anh đi tận Las Vegas để chơi bài. Sương không biết đó là đâu nhưng không dám hỏi. Cũng không dám hỏi anh đi bao lâu. Sương sợ ánh mắt trừng trừng, sợ cái bạt tay giáng xuống:
 
— Chưa đi mà đã xúi quẩy rồi. Hỏi sao không thua trắng.
 
Đang hớn hở lấy tiền ra đếm, nghe tiếng mở cửa, Sương giật mình định giấu đi nhưng không kịp.
— Tiền đâu mà nhiều vậy em?
 
Chồng Sương vừa bước vào nhà vừa cười thật tươi. Anh sà xuống bên Sương, nhanh nhảu nắm lấy tay vợ:
— Vợ anh giỏi thiệt. Biết anh cần tiền gỡ độ đây mà…
 
Sương hốt hoảng giật tay lại, giấu ra phía sau:
— Không được đâu anh. Còn phải trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền nợ…
 
Chồng Sương chồm tới . Một tay nắm tóc Sương, một tay tát tới tấp:
— Con này nhẹ không ưa hả?
 
Máu từ miệng Sương ứa ra. Chồng Sương dập đầu Sương xuống đất, giật lấy xấp tiền:
— Vợ con gì mà không dạy nó là không được.
 
Bước ra cửa, anh còn quay mặt lại, cảnh cáo câu cửa miệng, mỗi khi bực mình Sương:
— Lạng quạng tao tống cổ về nước đó.
 
Sương không biết mình nằm đó bao lâu. Sương cũng không biết mình có ngất đi hay không mà bỗng dưng rơi vào trạng thái vô thức. Trong mơ hồ, Sương chỉ ao ước mình không bao giờ tỉnh dậy.
 
Phải mất hai ngày Sương mới có thể đi làm được. Mary, chị chủ nhà, vừa mở cửa cho Sương vừa la lên:
— Oh, my God! Mặt của em sao thế này?
 
Sương lắc đầu không nói, cứ cắm cúi làm việc. Nhưng chị đã bắt Sương ngồi xuống ghế, lấy bông băng chăm sóc vết thương cho Sương.
 
Sương khóc tấm tức. Chị dịu dàng quá làm Sương nhớ đến mẹ mình. Ở quê nhà, nếu biết con gái bị bạc đãi thế này, chắc mẹ sẽ đau lòng lắm.
 
Hai ngày không ăn uống gì, chỉ vùi đầu khóc, bây giờ Sương có cảm giác như mình đang lơ lửng giữa chân không. Người Sương chợt lả đi.
 
Mary gọi điện cho chồng. Bob là cảnh sát. Đang đi tuần quanh khu phố, anh vội vòng xe về nhà.
 
Mary quả là một người phụ nữ đảm đang. Nhìn sắc mặt của Sương, cô hiểu Sương đang đói lả. Cô đặt Sương ngồi dựa vào sô pha rồi hâm lại hộp soup.
 
Xong cô đỡ Sương dậy, dỗ dành Sương ăn trong lúc đợi chồng.
 
Khi Bob về, hai vợ chồng bàn gì với nhau rồi đưa Sương ra sở Cảnh sát. Nơi đó, người ta gọi phiên dịch người Việt đến nói chuyện với Sương. Họ thuyết phục Sương kể lại mọi chuyện.
 
Sau khi lập biên bản, người ta đưa Sương đến Shelter. Đây là mái ấm tạm thời cho Sương và những người cơ nhỡ.
 
Luật pháp đã bảo vệ Sương. Không có ai có quyền nhục mạ, đánh đập, lẫn “tống cổ” Sương về nước.
 
Lời cuối :
Những năm tháng sống ở Mỹ, tôi đã trải  nghiệm, đã gặp và đã chứng kiến bao nhiêu mảnh đời lưu vong.
Mỗi người chúng tôi một phận đời, những phận đời di dân trên nước Mỹ.
Xin nhờ bác Lê Thanh Hoàng Dân thay cho chúng tôi nói lời tri ân tự đáy lòng:
Cảm ơn nước Mỹ đã chấp nhận chúng tôi đến tỵ nạn, cho chúng tôi cơ hội làm lại cuộc đời,và chấp nhận chúng tôi làm công dân Mỹ bình đẳng, bình quyền như mọi người Mỹ khác”.
(42 năm sống ở Mỹ : Được gì? Mất gì? — Lê Thanh Hoàng Dân).
 
Biển Cát
 

Ý kiến bạn đọc
28/10/202221:46:35
Khách
Những tên chuyên ăn trợ cấp nên đọc chuyện này để thấy người Việt tị nạn chịu khó đi làm như thế nào và học thêm nghề đánh vợ để có thêm tiền trợ cấp ăn chơi bài bạc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,513
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến