Hôm nay,  

Bạn Tôi

11/10/202212:44:00(Xem: 4135)

Phuoc An Thy
Tác giả Phước An Thy
nhận giải thưởng đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân tạiLễ Trao Giải VVNM 2018. 

 

 

Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.

*

 

Bạn tôi, một nhà thơ nghiệp dư có vài bài thơ được đăng trên một tờ báo tiếng Việt ở quận Cam, Cali, nó nói:

- Lời văn của cậu bình dân, cụt ngủn, thẳng như ruột ngựa. Cậu phải viết vòng vo, văn hoa màu mè, trừu tượng khó hiểu một tí. Phải o bế bóng bẩy, viết nhiều mỹ từ triết lí, ẩn dụ mơ hồ và dùng nhiều dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu chấm chấm để thu hút độc giả. Ngắt câu loạn xạ cho người đọc rối lên, họ mới xem đấy là tác phẩm kinh điển, mới gọi nhà văn lớn chứ.

Lúc nhỏ đi học, tôi không ưa môn văn, chỉ thích đá banh, bắn bi và trò đánh nhau thôi. Lớn lên bận rộn kiếm sống nên không đọc viết gì nhiều. Bây giờ già, có chút thời gian rảnh rỗi nên tập tành viết lách để giải khuây và cũng để cảm ơn đời. Nay nghe thằng bạn nhà thơ gàn này nói, tôi thấy viết văn sao phức tạp quá.

Tôi viết chẳng e dè chút nào, nghĩ sao viết vậy, thấy gì viết đó và không theo khuôn mẫu nào nên chẳng mạch lạc. Tôi ít khi đọc lại các bài viết của mình vì thấy chúng như đầu Ngô mình Sở, đoạn nào tôi cũng muốn sửa lại hay xóa đi.

Khi viết tôi không dám uống rượu vì một lần để có cảm hứng tôi lấy rượu ra uống, chờ đợi cảm xúc thăng hoa nhập hồn lâu quá nên uống say khướt mà chẳng viết được gì. Giờ muốn viết, tôi cứ chụp lấy bàn phím, bấm chẳng cần biết có cảm hứng hay không, kiểu cần cù bù tài năng vậy mà.

Ở Mỹ, tôi chỉ có thằng bạn nhà thơ gàn dở này bàn chuyện văn thơ với tôi thôi. Nó để tóc tai bờm xờm và sống cà tửng cho ra dáng nghệ sĩ. Nó nói, “Cậu biết thi sĩ Bùi Giáng không, tớ sẽ là nhà thơ tiếp nối phong cách Bùi Giáng đấy”. Hình dáng nó sắp giống thi sĩ Bùi Giáng rồi, chẳng biết thơ nó có giống không. Tính nó bướng bỉnh và chẳng dễ thương chút nào, nhưng tôi thích nó vì thỉnh thoảng có người để tán dóc. Nó thường tự nhận mình là nhà thơ vô danh. Nó nói, “Tớ nhà thơ vô danh, cần cái quái gì những lời ca ngợi khi mình nằm xuống cơ chứ”.

Thằng bạn nhà thơ nói tiếp:

- Về đề tài và nội dung phải viết những vấn đề thời sự, mới là nhà văn hiện đại. Ai như cậu, chỉ toàn viết chuyện xa xưa.

Tôi chống chế:

- Tao viết chuyện xưa để được trở về tuổi thơ và cảm thấy mình trẻ lại thôi.

- Thảo nào cậu suy nghĩ, nặn tim óc, cặm cụi viết bao ngày mà chẳng có áng văn kiệt tác nào.

Tôi đã nói với các bạn rồi, thằng nhà thơ này chẳng dễ thương chút nào, nói chuyện toàn chê bai không à. Tôi nhái lại giọng nó:

- Tớ nhà văn vô danh, cần cái quái gì áng văn kiệt tác kia chứ.

Nó cười mỉa mai:

- Biết thế, nhưng cậu viết chán bỏ xừ, khó đọc lắm.

Tôi hỏi:

- Sao nữa?

Nó trả lời:

- Tỉ dụ viết giã gạo trong đêm thì cậu phải thêm chữ mò mẫm và hì hục vào, mò mẫm trong đêm hì hục giã gạo, thế mới lung linh. Nhai nuốt thì thêm nhóp nhép và ừng ực, nhai nhóp nhép nuốt ừng ực, nghe nhạc điệu trầm bổng hơn không. Như tớ đây, làm thơ thì phải chọn từ ngữ sao cho âm trau xúc.

Tôi ngớ người ra:

- Âm trau xúc là gì?

- Chà chà, là âm điệu, trau chuốt và xúc tích đấy. Cậu làm thơ phải lừng khừng, sao cho người đọc suy nghĩ lao lung mới biết cậu muốn nói gì. Thế mới gọi là thơ hay biết chửa.

- Hèn gì tao đọc thơ mày say sưa mà chẳng hiểu gì.

Nó nhíu mày vẻ không vui:

- Viết văn cũng như nấu ăn, cậu cần biết nấu món gì, cho ai ăn. Rồi đến khâu chuẩn bị đầy đủ các gia vị. Nấu và nêm nếm. Cuối cùng không thể thiếu là hình thức, trang trí món ăn như thế nào.

Tôi than lớn tiếng:

- Giá mà viết dễ như ăn. Tao không biết nấu chỉ biết ăn.

Nó cáu kỉnh:

- Cậu viết như đào đất tìm chữ, như nông dân lên luống khoai, cứ từng hàng thẳng tắp.

- Là sao không hiểu.

- Thì cậu thiếu cái lan man, vòng vo đấy mà. Thí dụ tả vỗ tay, cậu tả thế nào?

Tôi tả:

- Khi em đập hai bàn tay vào nhau phát ra tiếng động, đó là vỗ tay ạ.

Nó khinh khỉnh cười:

- Thế mà cũng viết văn. Cậu phải viết lan man dài ra để tăng giá trị của mình lên. Tả vỗ tay phải thế này này. Mở bài. Thân thể em có nuôi hai cánh tay, cuối cánh tay có hai bàn tay. Mỗi bàn tay có năm ngón, cộng lại là mười ngón. Khi em lấy hai lòng bàn tay và mười ngón tay đập vào nhau nghe bốp bốp, đó là vỗ tay.

Nó suy nghĩ một thoáng rồi tiếp:

- Thân bài. Vỗ tay bắt đầu có và trở thành truyền thống từ thời La Mã cổ đại. Vỗ tay là một trải nghiệm lớn, tất cả chúng ta đều biết vỗ tay là bày tỏ cảm xúc tích cực. Những tràng pháo tay của bản thân mình và của khán giả là khích lệ người biểu diễn, tán thưởng những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Ngày nay, có nhiều người muốn được ngưỡng mộ nên thuê người vỗ tay cò mồi. Từ đó chúng ta có thêm một nghề mới, gọi là vỗ tay mướn.

Nó cười hề hề:

- Kết luận. Vỗ tay quan trọng như thế nên chúng ta phải trân trọng và học cách vỗ tay cho phải phép. Em sẽ cố gắng học tập để trở thành người vỗ tay chuyên nghiệp đẳng cấp ạ. Viết thế mới gọi là văn.

Tôi nói:

- Cũng được, nhưng phần mở bài sao giống kiểu bài văn tiêu chuẩn của học sinh tiểu học cấp một vậy.

Nó nhướng mày hỏi:

- Giống thế nào?

Tôi nói như đang đọc bài học thuộc lòng:

- Nhà em có nuôi một con chó. Nó có đầu mình và tứ chi, thuộc loài có vú. Khi có ai đến chơi, nó sủa phát ra tiếng gâu gâu. Đó là con chó kiki nhà em.

Thằng bạn nhà thơ cười cười:

- Thì đại khái mở bài thế để gây sự chú ý đấy mà.

Nó đánh trống lảng:

- Viết văn thì dài dòng, nhưng viết status, caption, thả thính trên facebook thì phải ngắn gọn. Để nhận được nhiều tương tác, nhiều đứa like thì cậu phải dùng chữ nghĩa có âm trau xúc và cuối câu nhớ kèm thêm hai chữ he he hoặc hi hi.

Nhà thơ vô danh ngáp dài:

- Tớ về ngủ cái đã, mai đi cày sớm.

Tôi đáp:

- Ừ, mai tao cũng đi làm.

Tôi quen viết với đại từ xưng hô ngôi thứ nhất “tôi” vì dễ viết. Viết tôi thế này, tôi thế nọ thì dễ đọc hơn là nó nó, nghe nó không hay. Chuyện sau đây không phải của tôi mà tôi kể thế cho nó, thằng bạn tôi. Trước đây tôi viết “tôi” thì đó là tôi, còn bây giờ khi bạn đọc thấy từ “tôi” thì đó không phải tôi mà là nó, ngược lại “nó” đó là tôi. Hơi rối một chút, các bạn đừng lầm lẫn nhé.

Chuyện là có khi nào bạn thấy một cảnh thương tâm mà làm người khác cười chưa. Tôi gặp nhiều lần rồi. Vào mùa hè, tôi dẫn đám bạn về nhà tôi chơi. Vào nhà gặp lại má tôi, tôi ôm má nói:
- Má ơi tóc con bạc rồi.

Mấy đứa bạn bật lên cười khằng khặc. Tôi đang than thở với má tôi mà chúng nó lại cười. Đó là cười trên sự đau khổ của người khác, quả là vô tâm.

Tôi kể cho nó nghe chuyện tình buồn của tôi, nghe xong nó há miệng cười sặc sụa. Chuyện buồn của tôi mà nó cười được, quá vô duyên. Các bạn nghe tôi kể coi có đáng để nó cười không nha.

Tôi ăn mặc lịch sự, thắt cà ra vát, đưa bạn gái mới quen đi xem đại nhạc hội ở Las Vegas. Trên sân khấu, cô ca sĩ đang hát một bản nhạc buồn, bạn gái tôi lại hé miệng ra cười khúc khích. Tôi hỏi:

- Em cười gì vậy?

Bạn gái trả lời:

- Con ca sĩ trang điểm mặt trắng như người chết đuối ấy. Mắc cười quá.

Tôi hỏi:

- Sao kêu ca sĩ bằng con.

- Chứ kêu bằng gì. Nói xong bạn gái tôi cười ngặt nghẽo.

Tôi thắc mắc:

- Có gì đâu mà cười.

- Anh cũng đang cười đó.

Trời à! Tôi đâu có cười. Có cả ngàn kiểu cười, nhiều không thể điểm hết như cây cỏ tự nhiên vậy. Tôi xin kể sơ qua khi tả nụ cười, cười hạnh phúc, hồn nhiên, giòn tan, trong trẻo, tươi mát, truyền cảm, cười tình, hào sảng, bình thản, cười khà, cười vang, ầm ĩ, ung dung, tự tin, bao dung, cười lớn, lí nhí, ti hí, cười xỏ xiên, diễu cợt, cười ruồi, cười nhếch mép, cười khẩy, cười nhạt, cười khen, cười đểu, nham hiểm, cười nửa miệng, mỉa mai, cười vẫy đuôi, bợ đỡ, a dua, cười đắc ý, đắc lợi, cười gằn, hóm hỉnh, tin cậy... Tiếng cười thì khặc khặc, khà khà, sằng sặc, hô hố, ha hả, hi hí, he he, hì hì...

Trong các kiểu cười trên không có kiểu nào là của tôi. Cười thường từ nội tâm phát ra, còn tôi là cười bẩm sinh. Nụ cười biểu hiện trên mặt tôi do cơ mắt miệng bị tật xếch ngược lên. Tôi bị chửi hoài vì cái mặt tôi lúc nào cũng như đang cười cười. Hồi còn đi học, vào trường lớp mới, tôi bị thầy cô la, nói tôi khinh thường thầy cô. Bạn bè nói tôi không bình thường, xem tôi là thứ vô duyên chưa nói đã cười.

Có người thấy tôi cười vô cớ, tưởng tôi bị rối loạn tâm thần nên hỏi tôi có bị ảo giác hay hoang tưởng không, có ngại tiếp xúc với người lạ và suy nghĩ viển vông không, nếu có thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán tình trạng và chữa trị. Còn nó thì nói, khi ra đường mày nên đeo một tấm bảng trước ngực ghi “Tôi bị bệnh cười” để khỏi bị chúng đánh.

Tuy nụ cười bẩm sinh làm khuôn mặt tôi trơ ra như gốc cây khô trong vườn, nhưng tâm hồn tôi rất nhạy cảm, dễ khóc dễ cười. Có lần một cụ ông lên nói lời phân ưu trong đám tang, tôi cười khi thấy đầu tóc giả bị lệch qua một bên và cụ quên kéo phẹc mơ tuya quần. Biết cười vậy là thiếu kính trọng, khiếm nhả, nhưng tôi vẫn phải chạy ra ngoài cười một tăng rồi mới vào dự tang lễ được. Tôi bùng lên khóc hay cười gì nước mắt cũng chảy ra, cười khóc thế mới đã, chứ hơi đâu cầm giữ đè nén chi cho mệt. Sách nói, chảy nước mắt đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, vì vậy tôi không ngại để nước mắt chảy tèm lem trước mặt mọi người.

Tôi nói với bạn gái:

- Mặt anh nó vậy, chứ anh có cười gì đâu.

Buổi đại nhạc hội tới phần kịch, tôi ngồi gác vắt chéo chân, liên tiếp cười khì khì.


Bạn gái hỏi:

- Sao anh phải kẹp chặt hai chân lại với nhau khi cười thế?

- Anh sợ cười quá ướt quần.

Bạn gái nghe thế, cười đắc chí và nàng vỗ tay bốp bốp:

- Tuyệt vời! Em phải tán thưởng tài hài hước của anh, rất hóm hỉnh.

Bạn gái đâu biết tôi bị bệnh không kiểm soát được cái ống thoát nước bên dưới, nên mỗi lần cười hăng quá là ướt đáy quần. Tôi cười quá trời cười, xin lỗi các bạn, tôi phải chạy vô phòng vệ sinh, cởi quần ra ngồi cười cho đã.

Khi trở lại bên bạn gái, tôi thấy nàng đang thút thít khóc. Nàng trách:

- Anh bị tâm thần à, người ta ngưng cười hết rồi, kịch đang khúc buồn mà. Nói xong bạn gái tôi khóc oà lên.

Tôi chữa cháy:

- Anh đang ở khúc vui, chưa qua kịp đoạn buồn.

Nhìn lên sân khấu, tôi thấy đâu có buồn lắm mà bạn gái tôi khóc như cha mẹ chết vậy. Tôi thấy trong bụng cơn mắc cười lại sắp bùng phát lên. Để kiểm soát cơn cười của mình, tôi cấu vào đùi thật đau để phân tâm. Tôi hít thở yoga thật sâu và chậm, cố gắng bấm tay bặm môi, vậy mà chẳng ăn thua gì. Tôi cầm cự được một lúc rồi bật cười không dừng lại được.

Tôi nói trong tiếng cười:

- Xin lỗi em. Nói xong tôi vội chạy vào phòng vệ sinh lần nữa.

Tôi không biết tại sao tôi mắc cười khi nhìn bạn gái khóc. Bộ não cùng cơ thể tôi gặp khó khăn khi phán đoán tình cảnh và bối rối vì sao một người con gái mới cười nghiêng ngã vì một chuyện nhỏ nhặt, liền khóc lu bù như lên cơn động kinh. Hai đứa tôi ngồi xem văn nghệ bên nhau như “ông nói gà bà nói vịt”. Tôi thấy chuyện chẳng đáng để cười, nàng lại cười và tôi không thấy gì buồn thì nàng lại khóc khiến tôi mắc cười.

Bạn tôi sốt ruột vì thấy tôi kể dông dài quá nên nó hỏi:

- Mày còn quen con nhỏ đó không?

- Tao không biết nữa.

- Sao lại không biết.

- Đang xem văn nghệ, tao kể cho nàng nghe chuyện tía tao thường la tao, mặt mày chỉ có con điên mới quen mày. Tao vừa nói xong, nàng liền đứng dậy bỏ về. Sau đó không thấy nàng gọi hay liên lạc với tao nữa.


Nó ngửa mặt lên trời cười ha hả, nước mắt chảy ròng ròng. Tôi bực tức, gắt giọng:

- Cười cái gì?

Nó nói:

- Ba tao thường bảo, chuyện vậy là dở khóc dở cười. Tao không biết phải chúc mừng hay chia buồn với mày nữa.

Nói xong nó cười rã rượi, rất vô duyên. Tôi đáp lại:

- Còn tía tao nói, mấy thằng mấy con ngửa cổ, há hốc mồm miệng cười ngặt nghẽo là đồ dở hơi.

Người ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng cười không kiểm soát được, không đúng thời điểm gây nên sự phiền toái. Nụ cười được xem là điều tốt đẹp, bày tỏ sự hạnh phúc, vui sướng và tạo được thiện cảm với mọi người khi giao tiếp. Tuy nhiên, nụ cười thường trực trên mặt lại mang đến nhiều rắc rối cho cuộc sống hàng ngày của tôi.

Tôi viết lan man quá, chắc tôi sắp thành nhà văn rồi.

 

Phước An Thy

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,579
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến