Hôm nay,  

Niềm Vui Nỗi Buồn Của Tuổi Về Hưu.

29/07/202200:00:00(Xem: 3941)

 

bo sach vvnm
Bộ sách VVNM

 

Tác giả là Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Hiện tại bà đã về hưu, vui thú điền viên. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thương Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Hai năm sau, bà gửi bài thứ hai. Năm 2020 bà viết bài thứ ba “Người Lính Già và Khung Trời Kỷ Niệm”.  Sau đây là bài thứ tư.


*

 

Thiệt tình mà nói, nếu gần mười năm về trước khi tuổi đời mấp mé 65, là tuổi chính thức được hưởng medicare và đồng thời nhận được tiền an sinh xã hội. Nếu có bạn bè nào cắc cớ hỏi: “Đã sẵn sàng về hưu chưa bà bạn?” Tôi sẽ từ tốn trả lời, “Dạ chưa bao giờ nghĩ đến.”
 
Tôi rất thích công việc làm trong bịnh viện, săn sóc an ủi bịnh nhân và nhất là không khí dễ chịu.  Đối xử như trong gia đình của những bạn đồng nghiệp, trẻ cũng như già, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần!
 
Làm sao tôi quên được trong tuần lễ đầu nhận việc tháng 7, năm 1975.  Những ân cần chỉ bảo tận tình trong nghề điều dưỡng của các bậc đàn anh đàn chị. Dù tôi đã may mắn theo học ngành này tại Mỹ từ năm 1970 đến 1974. Rồi tốt nghiệp và về lại Việt Nam làm việc. Cho đến lúc dầu sôi lửa bỏng cuối tháng 4 năm 75, tôi đã ra đi giữa ranh giới của sự sống và cái chết.  Với đôi bàn tay trắng, như hàng triệu đồng bào khác đã chọn hai chữ “TỰ DO” làm lẽ sống.
 
Làm sao tôi quên được những lời an ủi chân thành của bạn đồng nghiệp khi thấy tôi khóc, nhớ về quê nhà, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, và nhớ từng con đường. Nhớ từng cây sứ nở hoa trắng trước sân nhà, nhớ mái tóc trắng mềm mại của mẹ, và nhớ đôi bàn tay thon nhỏ của bà thường chắp lại nguyện cầu cho gia đình hạnh phúc. Cầu, xin con cái bình yên và học hành tấn tới. Tôi đã ra đi trong vội vàng, và không một lời từ giã.
 
Làm sao tôi quên được những chiếc quần jean, những manh áo cũ mới, những vật dụng trong nhà và cái Ti Vi trắng đen được cô bạn trong sở ưu ái trao tặng cho người vừa bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ quê người! Tôi sẽ nhớ mãi lòng nhân ái của người Mỹ nói chung và những bạn đồng nghiệp tốt bụng nói riêng, đã giúp tôi vượt qua những khó khăn của thuở ban đầu. Suốt mấy chục năm qua, thay vì làm 40 giờ như thường lệ, vì sự thiếu hụt trầm trọng trong nghề y tá nên tôi thường làm thêm 10-15 giờ mỗi tuần để giúp tài chánh cho gia đình còn kẹt lại bên kia bờ đại dương, nhất là khoảng thời gian dài đen tối ngay sau khi mất nước năm 75.
 
Nhưng như người Mỹ thường nói “Never say Never” Đừng bao giờ nói không bao giờ!
 
Vào một ngày thứ hai, đầu tháng chín năm 2012 đang tơ lơ mơ ở nhà, tận hưởng ngày nghĩ thì nhận được cú điện thoại của bà sếp trong bịnh viện tôi làm hơn 37 năm, bà cho biết có sự thay đổi rất lớn về hưu bổng và phúc lợi cho nhân viên trong vòng một vài tuần nữa, nhất là cho những người ở tuổi sắp về hưu như tôi! Thế là chỉ sau hai ngày hỏi ý kiến của các con và chàng của tôi, đồng thời gọi cho một số bạn cùng lớp tuổi trong bịnh viện, sau khi cân nhắc kỹ càng, ai cũng đồng ý sẽ nộp đơn cùng tôi xin nghỉ hưu tuần này. Ngày làm cuối cùng trong bịnh viện buồn vui lẫn lộn, buổi tiệc chia tay thật cảm động sau nhiều năm gắn bó nghề điều dưỡng từ 1975, các bác sĩ quen, các đồng nghiệp cũ mới, các bạn từ những ngành khác như vật lý trị liệu, giải phẫu, dược phòng cũng đến “Say good bye” nói lời giã từ, tôi nghẹn lời muốn khóc vì nơi đây, bịnh viện này đã giúp đỡ tận tình, từ ngày tôi chân ướt chân ráo rời bỏ quê hương, nơi chôn rau cắt rún đi tìm tự do, nhân quyền. Bà sếp có nụ cười thật hiền lành, khuôn mặt khả ái và tấm lòng nhân hậu, ôm vai tôi khẽ nói, “Sau khi nghỉ hưu, bất cứ lúc nào YOU muốn trở lại làm part time hay full time thì đừng do dự nhé.” Tôi nghẹn ngào cám ơn tấm chân tình của bà và các bạn đã có mặt trong buổi tiệc giã từ ấm cúng, đong đầy tình thân và kể từ ngày đó tôi bắt đầu cho NIỀM VUI NỖI BUỒN CỦA TUỔI VỀ HƯU!
 
Chàng của tôi về hưu sớm hơn tôi vài năm, nên chúng tôi ngồi lại soạn thảo chương trình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới. Thay vì khoanh tay nhìn nhau 24 tiếng đồng hồ một ngày, hết đi ra rồi đi vào, hết đi tới rồi đi lui chắc không bao lâu là bị trầm cảm cả hai người! Nói đùa cho vui vậy, chớ tôi cũng tôn trọng thời gian chàng ngồi một mình trong phòng khách xem các trận đấu thể thao như quần vợt Wimbledon, US Open… hay Super Bowl thì khỏi bàn đến. Các con đã tốt nghiệp đại học và rời xa tổ ấm bấy lâu nay nên nhắn nhủ cha mẹ, “Ba mẹ đã làm việc cực khổ bao nhiêu năm rồi, bây giờ là lúc đi chơi du lịch, những danh lam thắng cảnh nơi mình muốn thăm viếng.” Mấy đứa nhỏ nói cũng có lý! Nhớ lại ngày nào năm xưa ngồi chồm hổm dưới đất đóng từng thùng quà, bỏ vào vài hộp cây viết BIC, một hai xấp vải đậm màu, năm ba hộp thuốc Tylenol, Aspirin, đồ hộp, vài gói thuốc lá. Miễn là khoảng 2 pounds trọng lượng tối đa cho phép gửi về Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi đã xúc động tận cùng khi nghe ca sĩ Ngọc Lan hát “Một chút quà cho quê hương” của Việt Dzũng. Tôi thấy nhớ nhà quá đỗi và cùng tâm trạng nên làm bài thơ: MUÀ XUÂN NÀO
Mùa Xuân nào, tôi rời xa phố thị,
Nhớ SAIGON, tiếc thương vị Quỳnh hương.
Hàng lá me ôm ấp nỗi yêu thương,
Cho nước mắt vấn vương hồn lữ khách.
Kẻ ở lại, Người ơi! Xin đừng trách,
Một lần đi khơi, mạch giòng lệ sầu.
Khát khao tìm ánh mắt giữa đêm thâu,
Chỉ còn lại hố sâu đầy nỗi nhớ.
Cho tôi xin một lần nghe hơi thở,
Của mẹ già bỡ ngỡ đứng đợi con.
Xin tô hồng đôi vành môi nhạt son,
Của cô em héo hon vì ngóng chị.
SAIGON ơi!  Ngày xưa hoàng thị,
Tà áo dài mộng mị giữa trời xanh.
Có còn không những giọt nắng long lanh,
Hay tan vỡ mong manh đời hiu quạnh?
 
Bây giờ cha mẹ đã khuất núi, các anh chị em đã lần lượt sang Mỹ định cư bằng những lần vượt biên nguy hiểm, trôi nỗi lênh đênh hàng tuần trên biển cả, hay được đến bến bờ tự do qua diện bảo lãnh đoàn tụ sau này, nên tôi cũng được nhẹ nhàng trong tâm hồn, đỡ lo toan trong tâm trí.
 
Mấy năm về trước, chúng tôi có dịp đi du thuyền Cardinal với mười người bạn từ Long Beach qua Mexico ba đêm bốn ngày vừa để đổi gió, vừa để mấy ông hàn quyên tâm sự nhớ lại những ngày trong quân ngũ, và nhất là để thử sức xem có bị say sóng, lắc lư con tàu đi, may quá không ai bị ảnh hưởng gì cả. Thế là nghe lời con dặn, hai ông bà già lên mạng đặt vé máy bay lên Seattle, rồi khăn gói quả mướp leo xuống du thuyền Norwegian Pearl, đi du ngoạn 7 ngày Alaska! Một chuyến đi thật thú vị với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Tàu ghé qua Skagway, Juneau, Ketchikan và Victoria BC. Đi đến thành phố nào chúng tôi mua tours xem những chỗ lạ mình muốn khám phá, ở Skagway thì đi xe lửa chạy vòng vèo quanh núi đến chỗ tìm vàng của những người phu mỏ thời Gold Rush. Đến Juneau thì được đặt chân lên tảng băng khổng lồ Mendenhall màu xanh da trời, cao gần 30 mét dài khoảng 2.4 km. Có lẽ ngày nay Vladimir Putin, đôi lúc đập bàn phẩn nộ, giận dữ tại sao Nga Hoảng Alexander II lại bán Alaska vùng đất màu mỡ, đầy tài nguyên cho Mỹ vào năm 1867 với giá khiêm nhường 7.2 triệu đô la, tương đương với 2 xu (Cent) cho 1 mẫu đất. Ấn tượng nhất đối với tôi là đi thăm vườn hoa Butchart Garden ở Victoria BC, Canada. Khó mà hình dung được cách đây 150 năm thành phố Âu châu xinh đẹp này, là nơi những người phu mỏ dựng lều sinh sống. Butchart Garden rộng khoảng 55 mẫu được bà Jennie Butchart và gia đình xây dựng từ năm 1904. Rồi từ đó, mỗi năm một phát triển, và trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng với kỳ hoa dị thảo tuyệt đẹp, thay đổi tuỳ theo mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
 
Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” hay “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”  Hai ông bà già này không biết có học được một nửa sàng khôn hay không? Khoa học chứng minh rằng càng già càng học khó vô, thế mà mỗi năm cũng ráng lê bước ra khỏi nhà đi thăm chỗ này, viếng chỗ nọ cho đến khi con vi khuẩn ác ôn COVID 19 xuất hiện làm thế giới đảo điên. Cuộc sống đời thường thay đổi, kẻ mất người còn. Và từ đó chúng tôi cũng tạm dừng bước chân giang hồ.
 
Kể từ ngày về hưu, niềm vui mỗi sáng khi thức dậy tôi không còn phải nhấn vào nút snooze của đồng hồ báo thức có ánh sáng màu xanh chói chang ngay trên đầu giường, để nằm nướng thêm 5 phút phù du trước khi thật sự ra khỏi giường sửa soạn đi làm. Nói cho đúng ra, bây giờ có muốn nhắm mắt ngủ lại cũng không được. Thôi thì lò mò, nhè nhẹ chui khỏi giường không muốn đánh thức chàng còn đang say nồng giấc điệp.  Mấy bà bạn tôi hay than thở, “Sao lúc này tôi khó ngủ quá, trằn trọc mãi đếm trăm vì sao. Nghe nhạc êm dịu ru ngủ cả giờ mà cũng không nhắm mắt được, mà ông nhà tôi thì đặt mình nằm xuống là ngáy pho pho, giận gì đâu.” Tôi trả lời, “Bà bạn tôi ơi! Có lo nghĩ gì không đó? Hay là ráng để ra vài phút tập thiền cho tâm hồn thảnh thơi, uống trà cúc organic là giúp mình đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.” Vài tuần sau, bà bạn vàng có gửi tin nhắn, “Cám ơn đã ngủ tốt hơn sau lời khuyên của tôi.”  Cộng thêm bà chà sát thêm huyệt Dũng tuyền dưới gang bàn chân mỗi tối. Chắc tôi cũng làm theo, biết đâu sẽ có giấc ngủ ngon hơn?
 
Thật hạnh phúc khi bước vào tuổi vàng, tuổi hạc, có vài người bạn thân để san sẻ tâm sự buồn vui, réo gọi nhau hay gửi qua tin nhắn những thông tin mới nhất về sức khỏe, nhất là trong mùa COVID nơi nào thử test nhanh, những mạng liên kết cho miễn phí bộ test COVID, hoặc là những cú điện thoại ngắn dài, tám chuyện hàng giờ về văn nghệ văn gừng đang xảy ra trong và ngoài nước, nghe cũng thú vị lắm chứ! Nhớ nhất là có cô bạn chia sẻ, mùa hè này trái cherry đang giảm giá 99 cents 1-pound bà con ơi, mua về rửa xong, đem phơi trong xe dưới cửa kính một ngày là khô queo, suy ra mới thấm thía, nếm mùi mùa hè rực rỡ của miền xứ nóng tình nồng Phoenix, Arizona. Thì giờ rảnh rồi thì tôi ghé qua HOME DEPOT hay LOWE’S mua cây cảnh rau quả về trồng. Người Việt ta đi đâu cũng mang theo quê hương. Có một mảnh đất dù lớn hay nhỏ cũng trồng một ít loại rau thơm, dăm ba cây ăn trái, vài bụi hoa Hồng, hoa Sứ, hoa giấy…Sáng thì ra vườn ngắm nhìn thành quả của mình cũng thấy lòng vui mênh mang khó tả!
 
Ngoài thú điền viên, để giữ sức khỏe khỏi bị hao mòn đến độ chóng mặt, chàng rủ tôi đóng tiền hàng tháng trừ thẳng vào chương mục nhà băng, thì có lười biếng mấy cũng ráng lết thân già đi LA Fitness tập thể dục, tôi thích Zumba, chàng thích đi Treadmill hay tập máy móc cho tay chân khỏe mạnh. Tụi tui hay đi vài ngày trong tuần buổi sáng.  Khi bình minh vừa hé dạng, gặp phần nhiều ông già bà cả giống như chúng tôi, nên dễ dàng thông cảm. Trong lớp Zumba, mỗi khi điệu nhạc trỗi lên “Let’s Get Loud” của người đẹp nóng bỏng Jennifer Lopez, học viên bước qua trái thì tôi loạng quạng bước qua phải, không sao cả “No Star Where” miễn là giơ tay giơ chân nhún nhẩy cho máu huyết lưu thông là nhất rồi, sau một tiếng đồng hồ nhảy không ngừng nghỉ, cũng tiêu khoảng 500 calories bằng một bát phở không tính nước béo! Bây giờ đi đâu gặp nhau dịp TẾT hay Sinh Nhật từ trẻ đến già, từ người nghèo đến người giàu ai cũng chúc hai chữ SỨC KHỎE trước rồi mới đến Tiền tài, May mắn, Hạnh phúc. Chưa hết niềm vui cho người có tuổi như chúng tôi. Khi nghe tôi than, đầu óc hay quên, nói theo nhạc sĩ Phú Quang “Không nhớ nổi một con đường” thì cô bạn nhỏ tuổi hơn tôi rủ rê: “Chị học thanh nhạc với em đi, giúp cho trí nhớ mình lắm lắm.” “Ừ thì chị cũng ráng xem sao.”
 
Thế là tôi cắp sách theo học lớp thanh nhạc của thầy Lê Tấn Đạt ở Cali qua messenger gần 4 năm cho đến nay, thấy trí nhớ khôi phục khá hơn lúc trước, thêm vào đó luyện thanh cũng tốt cho hai buồng phổi già nua, được học những bài nhạc mình thích hát từ bấy lâu nay, lại thêm chút tự tin hơn trong những buổi Recital, dù trống ngực đánh thủng thủng trên sân khấu, nhưng tôi ráng hít một hơi thở thật sâu rồi tự trấn an mình “Hát hay không bằng hay hát.” Tôi thầm phục các ca sĩ nhà nghề, họ thuộc lòng mấy chục bài nhạc, còn mình học mãi một bài mà quên tới quên lui. Thôi thì học thanh nhạc để nhắn nhủ Alzheimer ơi, mi đến chầm chậm hay không đến cũng không sao nhé!
 
Có con rồi có cháu, dù không phải săn sóc hàng ngày, đôi khi cuối tuần hay những lúc con cái đi làm xa hoặc dự đám cưới ngoài tiểu bang là lúc tôi sung sướng nhất! Bà cháu dung dăng dung dẻ, nắm tay ra công viên trước nhà, cho cháu ngồi xích đu đầy thật cao để nghe tiếng trẻ thơ cười nắc nẻ, chiều tối bắt ghế ra sau vườn, thằng bé 3 tuổi chỉ lên vầng trăng khuyết rồi ngây thơ hỏi bà ngoại, “Ai cắt mặt trăng làm hai vậy ngoại?” Bà ngoại phải lúng túng tìm ra câu trả lời thích hợp cho bé lên 3 hiểu. Chợt nhớ lại hai câu thơ lục bát truyện Kiều ngày xưa “Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.” Ôi nhớ làm sao thời trung học mộng mơ đầy ắp kỷ niệm, ở ngôi trường thân yêu LÊ VĂN DUYỆT, bây giờ đã thay tên đổi họ, không còn là 3 chữ viết tắt LÉM VÀ DUYÊN mà chúng tôi thường âu yếm gọi.
 
Con nít thường làm trái tim minh tan chảy, khi hai bà cháu lụi cụi lột vỏ từng trái chuối, trộn bột văng tùm lum, làm bánh chuối nướng thơm phưng phức, bé cắn một miếng rồi dõng dạc tuyên bố một câu xanh dờn, “Bà ngoại làm bánh chuối ngon nhất thế giới.”  Mình ôm cháu vào lòng để thấy hạnh phúc vỡ oà! Về hưu rồi ,ngoài những ngày trong tuần vợ chồng ăn uống kỷ lưỡng chút xíu, nhiều rau thêm thịt gà và cá nhưng cuối tuần là lúc tôi lên mạng, thăm hỏi chị Google cách làm món ăn mà chàng thích, thôi thì thiên hình vạn trạng, cả chục YouTuber nổi tiếng dạy nấu ăn tận tình, chi tiết rõ ràng tha hồ cho mình chọn lựa, ai cũng có thể là đầu bếp giỏi nếu mình chịu khó một chút, có cô bạn nấu xong còn chụp hình món ăn, trang trí thật bắt mắt, đăng lên Facebook cho bạn bè thưởng thức thèm chảy nước miếng, nhìn là thấy ngon tàn canh gió lạnh.
 
Tuổi hoảng hôn còn được ưu đãi giảm giá khi ở khách sạn, mua vé máy bay, đi du lịch…mấy bà nhớ thứ tư đầu tháng đi chợ ở Kroger, Safeway, Bashas… là được giảm giá 10 phần tram. Bà nào thích đi shopping ở ROSS, thì quá bộ vào ngày thứ ba hàng tuần là được bớt 10 phần trăm cho senior discount.
 
Vui thì kể sao cho hết, buồn thì cũng đã đong đầy. Mỗi lần nhận được cú điện thoại hỏi mình hay chàng có nhớ tên người bạn này không là y như rằng người đó đã qua đời. Tôi không mấy tin dị đoan, cũng chưa bao giờ đi coi bói, vậy mà để ý hể thấy con bướm xám đậu trên bức tường trắng sau nhà là được tin có người thân hay bạn quen vừa ra đi. Tôi lấy miếng gỗ thông che lại khoảng tường đó vì không muốn suy nghĩ ai là người đã rời bỏ chốn bụi trần này đây?
 
Càng lớn tuổi trí nhớ cũng chắp cánh bay xa, sự suy nghĩ cũng bớt sâu sắc, lại hay có tính cả nể không cúp điện thoại quãng cáo cái rụp, như những người còn trẻ khác, biết thế nên kẻ gian có biết bao nhiêu chiêu lừa gạt người già: nào là giả mạo sở an ninh xã hội, sở thuế vụ, nhà băng … để lấy tin tức, gạt tiền trong chương mục hoặc đánh mạnh vào tình thương gia đình để gửi tiền cho kẻ lạ mà tưởng rằng giúp cho người thân trong nhà qua cơn hoạn nạn. Ít nhất vài ba lần trong một ngày cũng có vài cú điện thoại lạ hiện ra chữ Scam Likely nhờ IPhone lọc ra để tôi khỏi bận tâm trả lời, trả vốn. Còn E-mail thì khỏi nói, thỉnh thoảng tôi được báo là người may mắn được chọn để nhận số tiền bạc triệu có địa chỉ nhà băng ngoại quốc rõ ràng, có đóng mộc, ký tên đàng hoàng. Các thứ các cái, chỉ cần ghi rõ tên tuổi mình, chương mục nhà băng thì họ sẽ chuyển thẳng số tiền đó vào chương mục. Thôi xoá đi cho được việc, phải đổ mồ hôi nước mắt cho đồng tiền mình làm. Có đâu tiền từ trên trời rớt xuống, họa trừ trúng số Mega hay Power Ball.
 
Thỉnh thoảng tôi nhận được những bức thư màu trắng, vội xé ra xem: Thì ra là thư quảng cáo dịch vụ an táng lo hậu sự người quá cố! Có chương trình trả góp không tiền lời cho người sống. Muốn lo cho chính mình trước khi bước vào thế giới bên kia. An nghỉ giấc ngủ ngàn thu vĩnh biệt, không làm phiền đến con cái người thân về vấn đề tài chánh. Tôi tự đặt tay lên trán hỏi thầm, “Mình đã đến tuổi này rồi sao ta?”
 
Theo thống kê của Mỹ năm 2021 tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 77.3 tuổi, tôi thì đâu đó cũng gần sát tuổi gần đất xa trời, chàng thì nói đùa, “Anh trên 80 chắc là đang hưởng bonus.” Thôi thì dù mắt có mờ đi theo năm tháng, tai có kém nghe theo tháng năm, chân tay có run rẫy bước thấp bước cao, từng bước từng bước thầm vì sợ vấp ngã, giấc ngủ có xanh xao, trí nhớ có hao mòn thì cũng cám ơn Thượng Đế đã cho con sinh ra và lớn lên với cuộc đời đầy phấn đầu. Vượt qua bao chông gai, thử thách vui buồn để tự nói với chính mình: “Quẳng gánh lo đi và vui sống” tựa đề của quyến sách học làm người của Dale Carnegie được dịch ra tiếng Việt bởi Nguyễn Hiến Lê trong tủ sách gia đình tôi trước năm 1975.
 
Tôi cũng không “Xin thời gian ngừng trôi” hoặc “Xin thời gian qua mau.” như nhạc sĩ Lam Phương từng mong muốn vì có muốn xin thì cũng có được đâu? Trái đất vẫn cứ quay đều, bình minh tắt thì hoảng hôn chợt tới, tôi chỉ muốn an hưởng những ngày xế chiều của tuổi hạc với 6 chữ tâm niệm: SỐNG TỐT, SỐNG KHỎE, VA SỐNG VUI.
 
Còn việc gì đến sẽ đến, xin phó thác trong tay Thượng Đế!!!
  
Phoenix July 2022 - T. THIÊN THU
 

Ý kiến bạn đọc
30/09/202213:32:41
Khách
Cảm ơn bạn đã chia sẻ tâm tư của người lớn tuổi sống lâu ngày ở ngoại quốc. Rất là sát thực. Nhiều lúc tôi cảm thấy cô độc trên đất người, nhất là vợ tôi là người ngoại quốc, khác biệt phong tục, ngôn ngữ. Tôi may, vợ tôi trung thủy và qúy chồng mặc dầu khó khăn. Chúng tôi kiên nhẫn với nhau, nên mới có ngày nay. Tôi cảm ơn Thượng Đế cho tôi sống tới ngày nay, trên 81.
24/08/202220:57:12
Khách
Rất vui khi biết Ngọc Diễm cùng chung mái trường Lê văn Duyệt thân yêu, mình ra trường năm 1967, lớp đệ thất còn học nhờ trường tiểu học Nam tỉnh lỵ trước chợ Bà Chiểu sau đó mới dời về trường mới xây Lê Văn Duyệt! Kỷ niệm thời trung học thật tuyệt vời khó quên. Thân chúc Ngọc Diễm nhiều Sức Khỏe và Hạnh Phúc.
16/08/202208:36:13
Khách
Thật vui khi biết chị T. Thiên Thu cũng xuất thân từ trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vĩnh viễn không quên của chúng ta. Vậy chị chắc chắn biết Hội Ái Hữu LVD có tiếng bên Mỹ, (Ngọc Diễm ở Pháp). Bài chị viết đáng chú ý cho dân về hưu muốn tìm hiểu người đồng cảnh ngộ. Dù họ ở nơi nào trên trái đất. Rất đáng tiếc là hành tinh xanh đang lâm nguy, các chuyến du lịch xa thải CO2 qua máy bay nên được giới hạn. Các bạn LVD hẵn biết chị nhiều ...
01/08/202223:05:51
Khách
Cám ơn Van Tran đã đọc " Niềm vui nỗi buồn của tuổi về hưu " Thân chúc Van Tran và gia quyến luôn Khỏe Mạnh, Hạnh Phúc và May Mắn. Trân trọng.
01/08/202223:00:23
Khách
Cám ơn NNPhan đã bỏ thì giờ đọc và có ý kiến về bài viết của T.Thiên Thu, những lời khuyến khích đó sẽ là động lực cho mình viết thêm về cuộc sống quanh mình trên đất Mỹ.
01/08/202222:11:54
Khách
Đi làm thì được làm đúng việc mà mình thích, lại được các bạn đồng nghiệp mến, xếp thích. Về hưu thì sức khỏe vẫn dồi dào, tiền bạc dư dả, và phu quân cũng vậy. Lại thêm các con và cháu đều thoát được hết ra khỏi Việt nam. Vậy là tác giả được thảnh thơi an hưởng- về vật chất cũng như tinh thần- tuổi già một cách trọn vẹn. Congratulations!

Đồng ý với câu kết luận của tác giả "Còn việc gì đến sẽ đến, xin phó thác trong tay Thượng Đế".
01/08/202221:53:17
Khách
Một bài viết thật hay,
Một câu chuyện thật sự.
Nói lên những nỗi niềm.
Tâm sự vui buồn và hoạt động
Của những anh chị về hưu
đang sống tại nước ngoài.
Qua ngồi viết của tác giả,
Mình có thể thấy Thiên Thu
Rất ư yêu đời, yêu nhạc,
Yêu người, và luôn cố gắng
Tạo cho mình một cuộc sống;
"Busy and Enjoy Life,"
But Relax as author said,
"Sống tốt, Sống khỏe và Sống vui."
01/08/202200:30:20
Khách
Thành thật cám ơn KimV đã đọc bài viết của T.Thiên Thu, sorry mình viết nhầm tên tàu Carnival thành Cardinal là tên của đội banh football nổi tiếng của xứ nóng tình nồng Arizona là nơi mình đang cư ngụ, các con các cháu hay mặc áo cổ võ cho đội banh nhà nên mình cũng bị ám ảnh chữ Cardinal luôn! Xin đa tạ KimV đã góp ý kiến cho chuyến đi du lịch sắp tới.
31/07/202222:32:18
Khách
Bài vui, chỉ xin nhắc tác giả một chút là tàu Canival, / không phải Cardinal và nếu còn khỏe, ráng bay qua Florida, đi tàu loại " Oais of the Seas" của Royal Caribbean ( hy vọng tôi nhớ đúng), du lịch vùng biển phía đó, thăm các đảo Haiti, Jamaica,Cayman Islands..v.v.v hay các đảo Hawaii..
31/07/202220:15:54
Khách
Cám ơn Lan Hương đã đọc bài viết của T. Thiên Thu, mình có dịp chia sẻ những cảm nghĩ chân thành, những vui buồn hàng ngày của tuổi về hưu! Xin thân chúc Lan Hương & gia quyến " SỐNG TỐT, SỐNG KHỎE và SỐNG VUI"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Tháng 4 luôn nhắc nhớ, chúng ta từ đâu đến đây, chúng ta may mắn hơn người còn ở lại VN, hạnh phúc hơn người bỏ xác trên biển, hãy sống xứng đáng với cái giá chúng ta phải trả mới có ngày hôm nay. Hãy tôn trọng và nhớ ơn đất nước đã cưu mang gia đình chúng ta, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI đã đón nhận và giúp đỡ chúng ta, nơi đây là điểm dừng cuối đời của chúng ta và là Quê Hương thật sự của con cháu chúng ta.
Nhạc sĩ Cung Tiến