Hôm nay,  

Hạnh Phúc Tuổi Già

11/07/202215:59:00(Xem: 4212)

 

07122022 Hạnh Phúc Tuổi Già_Đỗ Dung
Tác giả Đỗ Dung nhận Giải Danh Dự 2021
từ cựu quán quân Phương Dung.
 
Tác giả tên thật Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, Thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California. Tác giả nhận giải Danh dự năm 2021.


*

 

Những đêm trăng, bà có thú nhìn lên bầu trời cao để hồn mình chơi vơi theo ánh trăng, và những đêm trăng sáng vằng vặc trên nền trời nhung thẫm như thế này, bà lại nhớ ông thật nhiều.  Bà nhớ những buổi tối ngồi bên chồng ngoài hiên sau nhà, nhấm nháp phong bánh đậu xanh với tách trà sen trong không gian huyền hoặc, ngát hương đêm, hương Ngọc Lan lẫn với hương hoa Nhài, hoa Hồng thoang thoảng.

Hôm nay ngày rằm, bà đã mua trái cây và hoa.  Sau bữa cơm chiều bà nấu thêm một nồi chè sen để cúng Phật và cúng tổ tiên.  Trước khi múc chè ra chén để lên bàn thờ, bà bỏ vào nồi vài bông hoa nhài tươi mới hái, khói bốc lên thơm nhè nhẹ, mùi hoa nhài quyện với mùi hạt sen. Thắp nhang đứng trước bàn thờ chồng trong không gian yên tĩnh của căn nhà vắng lặng, bà thật sự cô đơn.  Sang năm nay bà cảm thấy yếu đi nhiều, buổi sáng ngủ dậy người nhức mỏi, uể oải.  Tuổi già thật khổ, dù bà đã cố giữ gìn sức khoẻ, tập thể thao đều đặn và ăn uống thật lành mạnh.  Một hôm, đang lúi húi làm vườn bà choáng váng rồi ngất đi, khi tỉnh dậy bà tự gọi 911 rồi gọi báo cho các con.  An, cô con gái sợ quá, tha thiết mời mẹ về ở chung:

-     Mẹ ơi, hai cháu lớn rồi, thằng Cu Tý đã lên bảy, bé Cún đã lên năm, sắp đi học Mẫu giáo, mẹ không phải bận rộn với các cháu nhiều, mẹ dọn về ở với chúng con, mẹ nhé.  Mẹ ở một mình con không yên tâm đâu, như bữa nay nè, mẹ thấy nguy hiểm không?

Bà không biết thời gian còn lại của mình là bao lâu, một tháng, một năm, năm năm, hay mười năm, hoặc lâu hơn thế nữa.  Con gái thương mẹ nhưng còn anh chồng, liệu chúng nó có thể hy sinh những sự riêng tư của gia đình nhỏ để đón bà về.  Còn gia đình nhà chồng nó nữa, hai ông bà bên đó cũng già.  Chúng không mời cha mẹ chồng mà lại đón mẹ vợ về ở chung thì liệu họ có suy nghĩ, có buồn không.

Đêm thật khuya bà vẫn thao thức, trằn trọc.  Ngày ông mới mất bà cũng dự tính thu xếp về ở với các con.  Không biết là vô tình hay cố ý, trong lúc trò chuyện tại nhà bà, cô con dâu đã tuyên bố là ở bên này sống chung với cha mẹ già là chuyện khôi hài, gia đình chỉ gồm có cha mẹ và các con, ông bà là khách, đến chơi ít ngày rồi về hay là chỗ để thỉnh thoảng cho chúng gửi con.  Chúng nó thản nhiên nói chuyện, cười đùa với nhau, diễu cợt những cảnh chung đụng trong nhà, phê bình hoàn cảnh nhà này, nhà kia khóc dở, mếu dở vì có cha mẹ già ở chung.

Biết ý tuổi trẻ như vậy bà đành lủi thủi trong căn nhà vắng, một mình bà nên nhà càng rộng mênh mông.  Hàng ngày bà đi dạo quanh vùng, về nhà đọc sách, xem TV, may vá lặt vặt, soạn lại hình ảnh của gia đình, sắp xếp thứ tự dán vào album.  Rảnh rỗi bà ra chăm chút mảnh vườn mà ông bà đã bỏ bao công sức trồng trọt, tưới bón.  Thỉnh thoảng nhớ các cháu thì bà sang nhà chúng nó chơi hay điện thoại nhắn bố mẹ nó đưa cháu sang cho bà.  Cuộc sống của bà tương đối thảnh thơi nhưng bước sang năm nay bà thấy yếu đi nhiều và khi đi ngủ hay có những cơn ác mộng, giật mình thảng thốt trong đêm.

Bà gác tay lên trán nghĩ về lời đề nghị của cô con gái, hay là bà thu xếp bán nhà, chia tiền đều cho các con rồi về ở với gia đình nó.  Bà nghĩ đến nhà của vợ chồng An, căn nhà có ba phòng vừa vặn cho gia đình hai vợ chồng với hai đứa con.  Nếu bà về chiếm hữu một phòng, hai anh em phải dồn vào một phòng, các cháu mỗi ngày mỗi lớn nên cũng bất tiện.  Sân sau bố mẹ nó tráng xi măng hết cho các con chơi và cho dễ quét dọn, chỗ nào cho bà trồng cây...  Không ổn rồi, bà lại trăn trở...  Hay nói chúng nó bán nhà đi, về ở với bà.  Căn nhà này ông bà mua đã hơn hai chục năm, không còn nợ nần gì cả.  Hai đứa con của bà đã sống và lớn lên ở đây.  Trên lầu có ba phòng ngủ và một phòng đọc sách với dãy kệ lớn bao quanh.  Dưới nhà có một phòng ngủ rộng với nhà tắm riêng bên trong dành cho khách.  Bà sẽ dọn xuống dưới nhà, để phòng ngủ chính và hai phòng trên lầu cho gia đình nó.  Ờ nhỉ, như thế có đẹp đẽ và tiện lợi hơn không.  Bà suy nghĩ rồi sắp xếp, sắp xếp... mong trời mau sáng để gọi điện thoại bàn với con gái.  Cu Tý và bé Cún sẽ ở phòng của Hoà, An ngày xưa, bà sẽ được ôm con bé Cún cả ngày, kèm cu Tý học như đã kèm bác Hòa của nó, bà sẽ dạy Cún may vá, nấu nướng, bà sẽ rủ nó ra vườn hái hoa và hai bà cháu cùng trưng bày phòng khách, phòng ăn.  Bà có thì giờ chơi với cháu mà không phải lo đi làm như ngày xưa, có những lúc vì bận rộn công việc bà bỏ bê mẹ nó.  Cứ như thế bà chìm dần vào giấc ngủ êm ả, phơi phới mộng đẹp.

 

xxx

 

Đúng theo như sự mong ước của bà, gia đình An đã dọn về ở chung với mẹ gần một năm rồi, Huy chồng của An lại khéo tay và chịu khó, chàng đã bắc cho mẹ giàn cây bọc hai bên hông nhà, một bên bà trồng hoa, bông giấy tím đã trèo lên đến nóc, tiếp nối là giàn Tigon với những chùm hoa chúm chím những nụ tim hồng.  Phía bên kia là vườn rau, bầu, bí, dưa leo, khổ qua chen chúc leo trên giàn và trái thòng xuống trông thật vui mắt.  Dưới đất sát hàng rào, Huy đóng những thùng hình chữ nhật làm bồn cho mẹ trồng rau thơm; mỗi ô một loại, kinh giới, tía tô, húng quế, ngò gai, rau răm, rau dấp, xả, ớt... chả thiếu thứ rau thơm, gia vị nào.  Vườn sau bà vẫn giữ nguyên, những cây Hồng, Đào, Mơ, Mận đã thành những cây lão, hàng năm ra biết bao nhiêu trái.

Căn nhà vợ chồng An để cho thuê, mỗi tháng thu nhập thêm gần ba ngàn.  Ngày mới dọn về An đề nghị đưa mẹ tiền nhà, bà nhẹ nhàng nói:

-     Vì thương mẹ các con về đây, mẹ rất vui.  Nhà mẹ cũng như nhà con, mẹ không còn nợ nhà, các con để dành tiền đó lo cho các cháu.

-     Vậy mẹ cho chúng con gửi mẹ tiền chợ.

-     Mẹ không nhận trách nhiệm chợ búa cơm nước hàng ngày.  Các con có thể mua thêm tủ lạnh để ngoài nhà xe, cất những đồ ăn riêng, khi tiện thì mẹ nấu cả nhà cùng ăn, khi mẹ bận thì các con tự lo lấy.

Tuy nói thế nhưng gần như ngày nào bà cũng nấu sẵn bữa cơm chiều ngon lành, cả nhà quây quần ăn uống vui vẻ.

Hơn năm năm sống thui thủi một mình, nhà có tiếng trẻ thơ như ấm áp hẳn lên.

Buổi sáng hai đứa bé ríu rít:

-     Thưa bà ngoại con đi học!

Buổi chiều:

-     Bà ngoại ơi, con đói bụng!


Bà vui vẻ hầu cháu.

Và cuối tuần thì:

-     Bà ngoại ơi, cho con “ngủ bà”, bà kể chuyện con nghe.

Hai đứa rúc hai bên nghe bà kể chuyện Phạm Công-Cúc Hoa, chuyện Thạch Sanh-Lý Thông, chuyện Thánh Gióng...

Hạnh phúc sao khi nhà có già, có trẻ, có ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau như hình ảnh tuổi thơ của bà ngày xưa...  Bà nhớ bà nội, cha mẹ, anh chị em và ông chồng yêu quý của bà thật nhiều.  Bà thầm cảm tạ Trời Phật đưa đến cho bà một giải pháp tốt đẹp.  Bà được ở lại căn nhà cũ với bao kỷ niệm, được ôm cháu hít hà.  Vợ chồng Huy đỡ tốn kém lại yên tâm đi làm vì các con đi học về có bà săn sóc.  Buổi chiều có sẵn bữa cơm ngon lành, bổ dưỡng.  Buổi tối vợ chồng con cái có nhiều thì giờ với nhau hơn.  Nếu bà dọn về ở với con thì chưa chắc được tốt đẹp như thế vì nhà cha mẹ là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ.  Tiền bạc dành dụm của bà, bà tiêu xài cho con cháu vì trước sau gì khi bà nhắm mắt xuôi tay cũng của chúng nó mà thôi.

Trăng tròn xoe treo trên tấm thảm nhung trên cao. Như thói quen, bà ngồi bên cửa sổ nhìn ra mảnh vườn sau, cây cối êm ả, loang loáng dưới ánh trăng thanh.  Hôm nay Rằm Tháng Chạp, chỉ còn hai tuần nữa là Tết, bà sẽ sửa soạn một cái Tết truyền thống cho các cháu của bà, bà sẽ gói bánh chưng, gói vài cặp cỡ trung đủ để nhà thơm mùi bánh khi nồi bánh sôi sùng sục trên bếp; bà sên vài món mứt như mứt dừa, mứt sen; kho một nồi thịt ăn với dưa giá. Hai đứa bé lụng thụng trong áo dài khăn đóng, đón Giao Thừa với bà và cha mẹ. Không gian đượm mùi Tết trong ngôi nhà đầy hoa với những bàn thờ nhang thơm ngát, đèn nến lung linh và mâm ngũ quả tốt tươi.

 

Đỗ Dung

 

Ý kiến bạn đọc
11/11/202203:57:48
Khách
Bài hay , ý nghĩa
22/07/202215:12:18
Khách
Ðây là hạnh phúc hiếm có ở Mỹ vì thế hệ sau này không giống như thế hệ sống tại Việt Nam. Mong gia đình này giữ mãi hạnh phúc với mẹ cho đế ngày cuối cùng của cuộc đời và bà mẹ không phải vào nursing home sống.
14/07/202217:49:18
Khách
Rât vui khi thấy bài viêt của ĐD xuất hiện trên trang bao VVNM của Việt Báo! Cam ơn quý vị trong BBT.
Cám ơn anh Andy, các chị Audrey To, Phương Hoa và những độc giả đã theo dõi và đã cho những lời khích lệ quý báu. Năm vừa qua ĐD bận rộn vì nhiều chuyện linh tinh nên vắng mặt hơi lâu. Xin cảm tạ các bạn đã email nhắc nhở.
Thân mến,
ĐD
12/07/202223:48:41
Khách
Chuyện viết rất dễ thương! Gia đình rất ấm áp. Trên xứ người đâu dễ kiếm được mấy gia đình nhà nào mà con cháu chịu về ở với ông bà. Nhờ bà kể chuyện mà tụi cháu nghe và hiểu tiếng Việt. Quá gương mẫu!
Cám ơn chị Đỗ Dung đã cho đọc câu chuyên đầy ắp thâm tình.

Mong tác giả viết tiếp nhé
P. Hoa
12/07/202220:42:47
Khách
>Căn nhà vợ chồng An để cho thuê, mỗi tháng thu nhập thêm gần ba ngàn.

Phải có lợi cho người thì mới lợi cho mình

>Mẹ không nhận trách nhiệm chợ búa cơm nước hàng ngày. Các con có thể mua thêm tủ lạnh để ngoài nhà xe, cất những đồ ăn riêng, khi tiện thì mẹ nấu cả nhà cùng ăn, khi mẹ bận thì các con tự lo lấy.

Không mua thêm việc, thích thì làm không thì thôi

>Nếu bà dọn về ở với con thì chưa chắc được tốt đẹp như thế vì nhà cha mẹ là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ. Tiền bạc dành dụm của bà, bà tiêu xài cho con cháu vì trước sau gì khi bà nhắm mắt xuôi tay cũng của chúng nó mà thôi.

Người thông minh có khả năng "đi guốc" trong bụng thiên hạ gọi là lường trước sư việc, thì lúc nào củng có kết quả tốt đẹp. Thuận theo hòan cảnh nhưng trong sự tính tóan của mình
12/07/202217:48:04
Khách
Thật là một hình ảnh đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 496,129
Mỗi năm tết đến, không riêng thời tiết, không gian đầy hoài niệm vì sắp thêm một năm nữa đi qua, lòng người cũng bâng khuâng trước tương lai năm mới sắp đến, luyến tiếc mất còn trong năm cũ sắp hết và đặc biệt là không bao giờ trở lại. Rồi năm mới đến sẽ ra sao với tuổi đời ngày càng chồng chất những lo toan, muộn phiền. Thế là hoài niệm cứ tuôn chảy, nhìn về tương lai như bầu trời xám bên ngoài khung cửa. Còn chăng những vui buồn đã qua, những buồn vui không mong sẽ đến.
Không biết gọi những cái Tết tại Mỹ là “Tết Ta trên đất khách” có thật sự chính xác hay không khi thời gian tôi sinh sống tại đây đã vượt qua thời gian tôi ở quê nhà, nhất là khi mình đã nhận nơi này làm quê hương thì sao lại có thể gọi đây là đất khách? Nhưng thôi cứ tạm gọi như thế để phân biệt với những cái Tết tôi được đón tại quê nhà.
Đã từ lâu, tôi thường lấy ngày nghỉ để ở nhà suốt từ Giáng Sinh qua năm mới, Tết Việt cũng nghỉ ở nhà, dù chẳng làm gì hay phải đi đâu? Lý do nghỉ chỉ đơn giản là đi làm hoài sẽ hết việc cho người khác. Nhưng ở nhà, ở không lại hay nhớ nhà, nhớ quê với thời tiết, không gian cuối năm thường gợi nhớ. Biết nhớ nhiều không phải là tốt, nhưng quên hết liệu có phải là quên hay cố quên tức là nhớ nhất, nhớ nhất tức là quên thật rồi. Nhớ câu thơ của Bùi tiên sinh, “Uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời”. Câu thơ lý giải thế nào là tri kỷ, tri âm hay nhất mà tôi từng đọc được. Nhưng nhớ tri kỷ khác với nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ quê. Người ta, ai cũng cần một nơi để về thì đó chính là nhà mình, quê mình. Ai cũng có đặc thù văn hoá của dân tộc mình thì đặc thù văn hoá của người Việt là Tết, nên nhớ Tết là cảm giác chung của người Việt xa quê chứ không riêng gì ai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Hai năm đại dịch tác giả ngưng bút ít viết, quay trở lại tác giả gởi một lúc ba bài đầu năm 2022 - Mong tác giả năm Nhâm Dần thăng tiến nhiều hứng khởi viết nhiều, viết khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Sau gần hai năm đại dịch COVID-19 chúng tôi bị giới hạn đi chơi nhưng nay Minnesota được thả lỏng hơn và kế hoạch đi du lịch lại được bàn đến (lúc này Omicron chưa xuất hiện). Ngay lúc đó khoảng mùa xuân năm 2021 Hãng Hỏa Xa Hoa Kỳ Amtrak quảng cáo hạ giá vé xe lửa vì số hành khách giảm nguyên do chính là đại dịch COVID-19 gây ra. Vé đi 10 chuyến trong một tháng chỉ mất 299 đô la hạng bình dân (coach). Chúng tôi không bỏ lỡ dịp may hiếm có này nên chụp ngay cơ hội làm một chuyến khám phá nước Mỹ bằng cách cưỡi con ngựa sắt vĩ đại vì dân Mỹ gọi xe lửa là “great iron horse”.
Tính đến đầu năm 1977, con số người Việt định cư tại thành phố Wichita đã đạt con số khoảng trên 1200 người, trong số này đa phần là tái định cư, tức là rời bỏ gia đình bảo trợ người Mỹ, hoặc thay đổi từ tỉnh lẻ về thành phố lớn (chưa kể số người tị nạn Cao Miên, Lào và Hmong), hoặc từ tiểu bang khác do bạn bè lôi kéo đến. Để tiện lợi cho việc loan tải thông tin đến người Việt trên toàn tiểu bang, người viết thực hiện bản tin mỗi tháng một lần mang tên Thông Báo. Bản tin được đánh máy lên giấy stencil, đánh dấu, rồi quay rô-nê-ô để in thành nhiều bản. ( phương tiện ấn loát ngày xưa không tân tiến như ngày nay, còn in tại nhà in thì tốn rất nhiều tiền và phải in từ 2000 bản trở lên).
Mít vàng, xoài đủ ngọt ngây / Đường xa không thể đến đây, để nhỉn / "Phây-bút"*, xin gởi ảnh hình / Người trèo, người hái... "bình bình"**, còn nguyên.
Dù những cơn gió lành lạnh cuối đông vẫn đang chờn vờn trên những ngọn cây, nhưng không khí của mùa xuân hình như đã bắt đầu man mác trong không gian. Bên cạnh những nhánh cây khẳng khiu trơ trụi đã có một vài búp lá xanh non đâm chồi nẩy lộc .Vạn vật như đang chờ đón những làn gió ấm cho những đóa cúc vàng tươi rực rỡ , cho những cánh mai nhẹ nhàng rung trong nắng sớm. Mùa xuân đã hiện hữu nơi đây để lòng mình vui như trẩy hội và theo truyền thống, các bạn hãy cùng tôi khai bút đầu năm, bạn nhé .
Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt. Trước năm 1975: Sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975: Bị “Tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986 -Thỉnh thoảng viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sau đây là bài tham dự VVNM mới nhất ông viết về chuyện đời thăng trầm của người đàn ông từ Việt Sang Mỹ trở lại Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến