Hôm nay,  

Hạnh Phúc Tuổi Già

11/07/202215:59:00(Xem: 4207)

 

07122022 Hạnh Phúc Tuổi Già_Đỗ Dung
Tác giả Đỗ Dung nhận Giải Danh Dự 2021
từ cựu quán quân Phương Dung.
 
Tác giả tên thật Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, Thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California. Tác giả nhận giải Danh dự năm 2021.


*

 

Những đêm trăng, bà có thú nhìn lên bầu trời cao để hồn mình chơi vơi theo ánh trăng, và những đêm trăng sáng vằng vặc trên nền trời nhung thẫm như thế này, bà lại nhớ ông thật nhiều.  Bà nhớ những buổi tối ngồi bên chồng ngoài hiên sau nhà, nhấm nháp phong bánh đậu xanh với tách trà sen trong không gian huyền hoặc, ngát hương đêm, hương Ngọc Lan lẫn với hương hoa Nhài, hoa Hồng thoang thoảng.

Hôm nay ngày rằm, bà đã mua trái cây và hoa.  Sau bữa cơm chiều bà nấu thêm một nồi chè sen để cúng Phật và cúng tổ tiên.  Trước khi múc chè ra chén để lên bàn thờ, bà bỏ vào nồi vài bông hoa nhài tươi mới hái, khói bốc lên thơm nhè nhẹ, mùi hoa nhài quyện với mùi hạt sen. Thắp nhang đứng trước bàn thờ chồng trong không gian yên tĩnh của căn nhà vắng lặng, bà thật sự cô đơn.  Sang năm nay bà cảm thấy yếu đi nhiều, buổi sáng ngủ dậy người nhức mỏi, uể oải.  Tuổi già thật khổ, dù bà đã cố giữ gìn sức khoẻ, tập thể thao đều đặn và ăn uống thật lành mạnh.  Một hôm, đang lúi húi làm vườn bà choáng váng rồi ngất đi, khi tỉnh dậy bà tự gọi 911 rồi gọi báo cho các con.  An, cô con gái sợ quá, tha thiết mời mẹ về ở chung:

-     Mẹ ơi, hai cháu lớn rồi, thằng Cu Tý đã lên bảy, bé Cún đã lên năm, sắp đi học Mẫu giáo, mẹ không phải bận rộn với các cháu nhiều, mẹ dọn về ở với chúng con, mẹ nhé.  Mẹ ở một mình con không yên tâm đâu, như bữa nay nè, mẹ thấy nguy hiểm không?

Bà không biết thời gian còn lại của mình là bao lâu, một tháng, một năm, năm năm, hay mười năm, hoặc lâu hơn thế nữa.  Con gái thương mẹ nhưng còn anh chồng, liệu chúng nó có thể hy sinh những sự riêng tư của gia đình nhỏ để đón bà về.  Còn gia đình nhà chồng nó nữa, hai ông bà bên đó cũng già.  Chúng không mời cha mẹ chồng mà lại đón mẹ vợ về ở chung thì liệu họ có suy nghĩ, có buồn không.

Đêm thật khuya bà vẫn thao thức, trằn trọc.  Ngày ông mới mất bà cũng dự tính thu xếp về ở với các con.  Không biết là vô tình hay cố ý, trong lúc trò chuyện tại nhà bà, cô con dâu đã tuyên bố là ở bên này sống chung với cha mẹ già là chuyện khôi hài, gia đình chỉ gồm có cha mẹ và các con, ông bà là khách, đến chơi ít ngày rồi về hay là chỗ để thỉnh thoảng cho chúng gửi con.  Chúng nó thản nhiên nói chuyện, cười đùa với nhau, diễu cợt những cảnh chung đụng trong nhà, phê bình hoàn cảnh nhà này, nhà kia khóc dở, mếu dở vì có cha mẹ già ở chung.

Biết ý tuổi trẻ như vậy bà đành lủi thủi trong căn nhà vắng, một mình bà nên nhà càng rộng mênh mông.  Hàng ngày bà đi dạo quanh vùng, về nhà đọc sách, xem TV, may vá lặt vặt, soạn lại hình ảnh của gia đình, sắp xếp thứ tự dán vào album.  Rảnh rỗi bà ra chăm chút mảnh vườn mà ông bà đã bỏ bao công sức trồng trọt, tưới bón.  Thỉnh thoảng nhớ các cháu thì bà sang nhà chúng nó chơi hay điện thoại nhắn bố mẹ nó đưa cháu sang cho bà.  Cuộc sống của bà tương đối thảnh thơi nhưng bước sang năm nay bà thấy yếu đi nhiều và khi đi ngủ hay có những cơn ác mộng, giật mình thảng thốt trong đêm.

Bà gác tay lên trán nghĩ về lời đề nghị của cô con gái, hay là bà thu xếp bán nhà, chia tiền đều cho các con rồi về ở với gia đình nó.  Bà nghĩ đến nhà của vợ chồng An, căn nhà có ba phòng vừa vặn cho gia đình hai vợ chồng với hai đứa con.  Nếu bà về chiếm hữu một phòng, hai anh em phải dồn vào một phòng, các cháu mỗi ngày mỗi lớn nên cũng bất tiện.  Sân sau bố mẹ nó tráng xi măng hết cho các con chơi và cho dễ quét dọn, chỗ nào cho bà trồng cây...  Không ổn rồi, bà lại trăn trở...  Hay nói chúng nó bán nhà đi, về ở với bà.  Căn nhà này ông bà mua đã hơn hai chục năm, không còn nợ nần gì cả.  Hai đứa con của bà đã sống và lớn lên ở đây.  Trên lầu có ba phòng ngủ và một phòng đọc sách với dãy kệ lớn bao quanh.  Dưới nhà có một phòng ngủ rộng với nhà tắm riêng bên trong dành cho khách.  Bà sẽ dọn xuống dưới nhà, để phòng ngủ chính và hai phòng trên lầu cho gia đình nó.  Ờ nhỉ, như thế có đẹp đẽ và tiện lợi hơn không.  Bà suy nghĩ rồi sắp xếp, sắp xếp... mong trời mau sáng để gọi điện thoại bàn với con gái.  Cu Tý và bé Cún sẽ ở phòng của Hoà, An ngày xưa, bà sẽ được ôm con bé Cún cả ngày, kèm cu Tý học như đã kèm bác Hòa của nó, bà sẽ dạy Cún may vá, nấu nướng, bà sẽ rủ nó ra vườn hái hoa và hai bà cháu cùng trưng bày phòng khách, phòng ăn.  Bà có thì giờ chơi với cháu mà không phải lo đi làm như ngày xưa, có những lúc vì bận rộn công việc bà bỏ bê mẹ nó.  Cứ như thế bà chìm dần vào giấc ngủ êm ả, phơi phới mộng đẹp.

 

xxx

 

Đúng theo như sự mong ước của bà, gia đình An đã dọn về ở chung với mẹ gần một năm rồi, Huy chồng của An lại khéo tay và chịu khó, chàng đã bắc cho mẹ giàn cây bọc hai bên hông nhà, một bên bà trồng hoa, bông giấy tím đã trèo lên đến nóc, tiếp nối là giàn Tigon với những chùm hoa chúm chím những nụ tim hồng.  Phía bên kia là vườn rau, bầu, bí, dưa leo, khổ qua chen chúc leo trên giàn và trái thòng xuống trông thật vui mắt.  Dưới đất sát hàng rào, Huy đóng những thùng hình chữ nhật làm bồn cho mẹ trồng rau thơm; mỗi ô một loại, kinh giới, tía tô, húng quế, ngò gai, rau răm, rau dấp, xả, ớt... chả thiếu thứ rau thơm, gia vị nào.  Vườn sau bà vẫn giữ nguyên, những cây Hồng, Đào, Mơ, Mận đã thành những cây lão, hàng năm ra biết bao nhiêu trái.

Căn nhà vợ chồng An để cho thuê, mỗi tháng thu nhập thêm gần ba ngàn.  Ngày mới dọn về An đề nghị đưa mẹ tiền nhà, bà nhẹ nhàng nói:

-     Vì thương mẹ các con về đây, mẹ rất vui.  Nhà mẹ cũng như nhà con, mẹ không còn nợ nhà, các con để dành tiền đó lo cho các cháu.

-     Vậy mẹ cho chúng con gửi mẹ tiền chợ.

-     Mẹ không nhận trách nhiệm chợ búa cơm nước hàng ngày.  Các con có thể mua thêm tủ lạnh để ngoài nhà xe, cất những đồ ăn riêng, khi tiện thì mẹ nấu cả nhà cùng ăn, khi mẹ bận thì các con tự lo lấy.

Tuy nói thế nhưng gần như ngày nào bà cũng nấu sẵn bữa cơm chiều ngon lành, cả nhà quây quần ăn uống vui vẻ.

Hơn năm năm sống thui thủi một mình, nhà có tiếng trẻ thơ như ấm áp hẳn lên.

Buổi sáng hai đứa bé ríu rít:

-     Thưa bà ngoại con đi học!

Buổi chiều:

-     Bà ngoại ơi, con đói bụng!


Bà vui vẻ hầu cháu.

Và cuối tuần thì:

-     Bà ngoại ơi, cho con “ngủ bà”, bà kể chuyện con nghe.

Hai đứa rúc hai bên nghe bà kể chuyện Phạm Công-Cúc Hoa, chuyện Thạch Sanh-Lý Thông, chuyện Thánh Gióng...

Hạnh phúc sao khi nhà có già, có trẻ, có ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên nhau như hình ảnh tuổi thơ của bà ngày xưa...  Bà nhớ bà nội, cha mẹ, anh chị em và ông chồng yêu quý của bà thật nhiều.  Bà thầm cảm tạ Trời Phật đưa đến cho bà một giải pháp tốt đẹp.  Bà được ở lại căn nhà cũ với bao kỷ niệm, được ôm cháu hít hà.  Vợ chồng Huy đỡ tốn kém lại yên tâm đi làm vì các con đi học về có bà săn sóc.  Buổi chiều có sẵn bữa cơm ngon lành, bổ dưỡng.  Buổi tối vợ chồng con cái có nhiều thì giờ với nhau hơn.  Nếu bà dọn về ở với con thì chưa chắc được tốt đẹp như thế vì nhà cha mẹ là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ.  Tiền bạc dành dụm của bà, bà tiêu xài cho con cháu vì trước sau gì khi bà nhắm mắt xuôi tay cũng của chúng nó mà thôi.

Trăng tròn xoe treo trên tấm thảm nhung trên cao. Như thói quen, bà ngồi bên cửa sổ nhìn ra mảnh vườn sau, cây cối êm ả, loang loáng dưới ánh trăng thanh.  Hôm nay Rằm Tháng Chạp, chỉ còn hai tuần nữa là Tết, bà sẽ sửa soạn một cái Tết truyền thống cho các cháu của bà, bà sẽ gói bánh chưng, gói vài cặp cỡ trung đủ để nhà thơm mùi bánh khi nồi bánh sôi sùng sục trên bếp; bà sên vài món mứt như mứt dừa, mứt sen; kho một nồi thịt ăn với dưa giá. Hai đứa bé lụng thụng trong áo dài khăn đóng, đón Giao Thừa với bà và cha mẹ. Không gian đượm mùi Tết trong ngôi nhà đầy hoa với những bàn thờ nhang thơm ngát, đèn nến lung linh và mâm ngũ quả tốt tươi.

 

Đỗ Dung

 

Ý kiến bạn đọc
11/11/202203:57:48
Khách
Bài hay , ý nghĩa
22/07/202215:12:18
Khách
Ðây là hạnh phúc hiếm có ở Mỹ vì thế hệ sau này không giống như thế hệ sống tại Việt Nam. Mong gia đình này giữ mãi hạnh phúc với mẹ cho đế ngày cuối cùng của cuộc đời và bà mẹ không phải vào nursing home sống.
14/07/202217:49:18
Khách
Rât vui khi thấy bài viêt của ĐD xuất hiện trên trang bao VVNM của Việt Báo! Cam ơn quý vị trong BBT.
Cám ơn anh Andy, các chị Audrey To, Phương Hoa và những độc giả đã theo dõi và đã cho những lời khích lệ quý báu. Năm vừa qua ĐD bận rộn vì nhiều chuyện linh tinh nên vắng mặt hơi lâu. Xin cảm tạ các bạn đã email nhắc nhở.
Thân mến,
ĐD
12/07/202223:48:41
Khách
Chuyện viết rất dễ thương! Gia đình rất ấm áp. Trên xứ người đâu dễ kiếm được mấy gia đình nhà nào mà con cháu chịu về ở với ông bà. Nhờ bà kể chuyện mà tụi cháu nghe và hiểu tiếng Việt. Quá gương mẫu!
Cám ơn chị Đỗ Dung đã cho đọc câu chuyên đầy ắp thâm tình.

Mong tác giả viết tiếp nhé
P. Hoa
12/07/202220:42:47
Khách
>Căn nhà vợ chồng An để cho thuê, mỗi tháng thu nhập thêm gần ba ngàn.

Phải có lợi cho người thì mới lợi cho mình

>Mẹ không nhận trách nhiệm chợ búa cơm nước hàng ngày. Các con có thể mua thêm tủ lạnh để ngoài nhà xe, cất những đồ ăn riêng, khi tiện thì mẹ nấu cả nhà cùng ăn, khi mẹ bận thì các con tự lo lấy.

Không mua thêm việc, thích thì làm không thì thôi

>Nếu bà dọn về ở với con thì chưa chắc được tốt đẹp như thế vì nhà cha mẹ là nhà của con, nhà của con không phải là nhà của cha mẹ. Tiền bạc dành dụm của bà, bà tiêu xài cho con cháu vì trước sau gì khi bà nhắm mắt xuôi tay cũng của chúng nó mà thôi.

Người thông minh có khả năng "đi guốc" trong bụng thiên hạ gọi là lường trước sư việc, thì lúc nào củng có kết quả tốt đẹp. Thuận theo hòan cảnh nhưng trong sự tính tóan của mình
12/07/202217:48:04
Khách
Thật là một hình ảnh đẹp của truyền thống gia đình Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,526
Ngồi một mình trong căn phòng vắng, mọi người đang vui chơi ở đâu đó cuối tuần để lại cho tôi một cơ hội, một dịp mà tôi thích lắm, thích nhất từ ngày đặt chân đến đất Mỹ, đó là một không gian riêng tư cho mình Những ngày bơ vơ lạc loài bước chân ngỡ ngàng đến Mỹ. Ngày đó ai cũng như nhau là cùng sống chen chút nhau thật đông trong những căn nhà mướn, căn phòng quá tải… nhưng thôi điều đó không thật sự làm buồn phiền tôi, nhưng tôi chỉ ao ước cho tôi một khoảng không gian, thời gian yên tĩnh cho tôi quá khó , không hề có...
Vắt qua dòng sông có đến mười mấy cây cầu, những cây cầu bằng sắt thép, kiểu cách như cầu Bình Lợi, Bình Triệu vậy… Những cây cầu có tuổi đời năm mươi năm, một trăm năm nhưng vẫn tiếp tục trách vụ kết nối đôi bờ. Có những cây cầu quay, mở ra để cho tàu thuyền qua lại, ngày nay nó đã không còn được sử dụng nữa. Nó được kéo cao lên và giữ nguyên như thế để làm di tích lịch sử. Những cây cầu mở ngày xưa giờ trở thành nhân chứng cho một thời vàng son chưa xa lắm.
Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!
Ông Chương thức dậy thật sớm sau một đêm khó ngủ trằn trọc, dù ông đã nghe mấy bài phật pháp do thầy Pháp Hòa giảng để dỗ giấc ngủ. Bên ngoài cây cỏ còn ngái ngủ dưới lớp sương dày đặc, chưa thấy mặt trời lên. Ông rón rén đi pha cà phê thật nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động làm mất giấc ngủ cả nhà...Tách cà phê thơm phức nóng hổi gây cho ông cảm giác dễ chịu. Ông lặng yên như đang lật trang đời từ ngày qua định cư nước Mỹ …Nhớ ngày miền Nam bị mất, ông đi tù 5 năm trở về, lúc ấy ông chỉ mới ngoài 30 tuổi, người yêu đã sang ngang, cùng lúc mất tất cả. Ông chán chường cuộc sống chẳng thiết gì nữa, nhưng mấy năm sau duyên nợ đến cho ông gặp được cô giáo dạy mầm non tên Dung, không chê ông nghèo tối ngày đi “dọc đường gió bụi”. Hai người nên duyên và hơn năm sau cháu Việt ra đời, đến cháu Nga, cháu Nguyệt, và con trai út là cháu Quân. Gia đình ông ở ké nhà mẹ vợ, ông làm đủ thứ nghề ai kêu gì chạy đó, sau có được chiếc xe đạp thồ đón khách.
Sáng thứ Bảy cuối tháng 5 trời trở lạnh với mây mù và vài thoáng mưa phùn. Tự nhiên tôi chạnh lòng nhớ đến đàn chị Nguyễn Tinh Châu. Mai là ngày giỗ 3 năm của Chị. Thời gian qua thật nhanh. Sự ra đi của Chị quả là một mất mát lớn cho Hội YKH chúng ta, không những vì Chị là một trong những hội viên kỳ cựu, mà vì những hoạt động xã hội đắc lực của chị trong kêu gọi và thành lập quỹ cứu trợ nạn nhân cho nhiều thiên tai tại Mỹ, Nhật (Tsunami, 2011), Phi Luật Tân (Typhon Haiyan, 2013) và ngay cả Việt Nam (Bão Xangsane, 2006)…Và nhất là quỹ tương trợ hàng năm nhằm giúp đỡ các Thương Phế Binh sống cùng cực tại quê nhà. Con số đóng góp luân chuyển từ 8 ngàn đô cho đến 10 ngàn đô nói lên được sự nhiệt tình của Chị và của anh chị em chúng ta cho một mục đích chung, đúng, xứng đáng, nhân nghĩa và truyền thống.
Hồi đó, trong những kỹ sư mới ra trường về làm cho Bưu Điện, anh là một người tôi không ưa nhất, và có lẽ tôi cũng là người anh ghét nhất. Anh đẹp trai, con nhà giàu, mỗi cái tội mặt kênh kênh và cái giọng Huế. Cái giọng nói nặng trịch, oang oang sao mà khó ưa. Không những tôi mà cả mấy đứa bạn cùng cơ quan mỗi khi thấy anh đi ngang là che miệng cười nhái: đi mô rứa tề. Tôi ghét nhất là có lần anh lái xế hộp chở mấy ông bạn đi uống cafe, thấy tôi đi ngang mấy người bạn bảo dừng xe rủ tôi đi cùng, anh nói kệ nó, cái con nhỏ phách lối. Sau này thân nhau rồi, có lần tôi hỏi tại sao anh làm vậy, anh trả lời, “Lúc nào cũng thấy mấy thằng bạn cùng lớp xoay quanh em, mà mặt em cứ tỉnh bơ như thể ta là cái rốn vũ trụ, nhìn xốn mắt!”
Bà tiếp tục: Gia đình chúng tôi vượt biên theo diện “bán chánh thức” do nhà nước tổ chức. Mỗi đầu người phải đóng đủ 15 “cây” vàng. Gia đình gồm 10 người đúng ra phải đóng 150 cây nhưng đứa gái út lúc đó mới có 10 tuổi (giờ đây đã là bác sĩ sản khoa nổi tiếng ở thành phố này) nên nhà nước “ nhân đạo” cho đóng nửa suất là 7 cây rưỡi. Vậy là gia đình đóng tổng cộng 145 cây rưỡi để được ra khơi, còn có thoát được hay không thì không ai chịu trách nhiệm. Con tàu có sức chứa 180 người nhưng người ta đã thu vàng và cho lên tàu đến 240!” “Bước đầu mới đến Mỹ cũng như biết bao thuyền nhân khác, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh, ổn định đời sống và tiếp tục cho con ăn học thì không phải là dễ dàng gì, nhưng cũng không phải là khó lắm nếu mình có quyết tâm. Ông thì sang một cửa hàng bán sandwich và thức ăn nhanh (fast food ) học chế biến thức ăn và tự điều hành cửa hàng, còn tôi thì đi làm trong hãng đóng gói đồ nữ trang,
Nhưng, định mệnh vẫn còn muốn trêu ngươi tôi. Cơn bệnh ung thư ngực quái ác đã tìm đến với tôi, như thêm một đòn giáng chí mạng vào cuộc đời bất hạnh. Tiền bạc không có. Bảo hiểm sức khỏe không có. Người thân không có. Luật lệ, kiến thức của xứ người tôi cũng không có. Sẽ như thế nào, những ngày trước mắt của ba mẹ con tôi?
Nói đến những chuyện lừa gạt, hẳn mọi người cũng đã biết qua, từ tin tức báo chí, trên đài truyền hình, và rất nhiều chuyện phỉnh gạt thường xuyên xảy ra được truyền miệng từ người này qua người khác đã lâu rồi. Trong thời gian dịch bệnh, cấm cửa, lạm phát, kinh tế khó khăn, nên đã sinh ra nhiều chuyện lường gạt đảo điên không ai lường trước được. Con người nghĩ ra đủ cách để mà lường gạt nhau. Cùng lúc, đã vậy lại còn nhiều điều không may đã ập đến, không trở tay kịp, khiến cho cuộc đời đang lo toan dịch bệnh lại thêm lo lắng, vừa tình hình dịch bệnh, lại thêm thế thái nhân tình, nhân cơ hội, lợi dụng tình thế mà gia tăng, đã làm cho tinh thần mọi người càng thêm căng thẳng gấp bội.
Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do...
Nhạc sĩ Cung Tiến