Hôm nay,  

Tết Ta Trên Đất Khách

02/02/202210:57:00(Xem: 2172)

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016 , Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và 21.

*
K
hông biết gọi những cái Tết tại Mỹ là “Tết Ta trên đất khách” có thật sự chính xác hay không khi thời gian tôi sinh sống tại đây đã vượt qua thời gian tôi ở quê nhà, nhất là khi mình đã nhận nơi này làm quê hương thì sao lại có thể gọi đây là đất khách? Nhưng thôi cứ tạm gọi như thế để phân biệt với những cái Tết tôi được đón tại quê nhà.

Cái Tết Nguyên Đán đầu tiên xa quê hương của tôi là Tết Canh Ngọ năm 1990. Trước đó có một sự việc hoàn toàn nằm ngoài dự tính của gia đình, đó là tôi cùng  một người chị phải chuyển đến trại tị nạn Bataan ở Philippines thay vì được bay thẳng vào Mỹ. Thế là cái Tết Nguyên Đán đầu tiên làm thân phận người tha hương của tôi được đón tại đất Phi thay vì ở Mỹ như vẫn dự đoán trước kia. Xa quê hương, xa gia đình, chỉ có hai chị em sống chung nhà với hai cô cháu của một gia đình khác đi vượt biên nên chúng tôi không hề chuẩn bị gì cho ngày Tết năm ấy. Thêm vào đó chúng tôi vẫn phải đi học cũng như làm việc như thường lệ. Buổi sáng ngày 30 Tết trên đường đi đến lớp học nhìn những căn nhà của những người có gia đình trọn vẹn sống chung trong trại bày biện các chậu hoa, trang hoàng nhà cửa, và đâu đó tiếng nhạc Xuân vọng ra từ máy cassette “Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi …”, tôi đã phải cố gắng kìm nén để không phải chảy nước mắt cho lần đầu đón Tết xa nhà.

Buổi tối hôm đó lớp AT (Assistant Teacher) của chúng tôi có tổ chức một bữa tiệc tất niên và mời các thầy cô người Phi, Mỹ cùng tham gia. Sự việc này cũng làm cho tôi khuây khỏa đi một phần nào nỗi buồn tiếc nuối Tết năm xưa.

VVNM_Thảo Lan_02022022
Hình chụp buổi tiệc tất niên Xuân Canh Ngọ năm 1990 của lớp AT chúng tôi tại trại tị nạn Bataan, Philippines.hêm chú thích



Tết Tân Mùi năm 1991 là cái Tết đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ trong cái không khí giá lạnh của mùa Đông Virginia. Đó cũng là năm đầu tôi phải vật lộn với sách vở ở giảng đường đại học bên cạnh công việc làm sau giờ học nên cũng không có thì giờ để nghĩ nhiều đến Tết. Bù lại tôi được thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết do mẹ tôi làm như giò thủ, chả giò, canh măng, nồi thịt kho trứng, v.v… Dĩ nhiên có một món không thể thiếu là nồi bánh chưng to khổng lồ nấu trên bếp ga. Căn apartment nhỏ, kín như bưng chứa hơi nước sôi thoát ra từ nồi bánh đến mức bão hòa không thể nào chịu đựng thêm. Từ trần nhà hơi nước đọng lại và bắt đầu nhỏ tong tong xuống đồ đạc bên dưới. Bức tranh treo trên tường bị hơi nước làm ẩm mục tấm bìa sau lưng nên đã rách ra và rơi xuống sàn nhà, may mà kính không vỡ. Cuối cùng, mặc cho nhiệt độ bên ngoài chỉ chừng trên dưới 32°F (0 độ C), chúng tôi đã phải mở to hai cánh cửa sổ ra để giải toả bớt hơi nước trong nhà.

Năm đó anh bạn Việt Nam mới quen học cùng trường community college đã ghé lại chở tôi đi hội chợ Tết Việt Nam tổ chức vào ngày cuối tuần. Thành phố nhỏ ít dân Việt Nam nên hội chợ Tết cũng nhỏ làm trong một hội trường cũng nhỏ của một trường trung học. Tôi không hề có một ấn tượng gì đặc biệt khi tham dự hội chợ Tết lần đầu tiên ở Mỹ này. Mọi sinh hoạt chỉ quanh quẩn trong cái hội trường chật hẹp. Một vài bàn được bày ra để bán các món ăn ngày Tết cổ truyền mà hầu hết đều đang hiện diện trên bàn ăn của gia đình tôi nên đối với tôi không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Thành phần tham gia ngoài ban tổ chức trong cộng đồng người Việt và các cô bác lớn tuổi tham gia quầy bán hàng, phần lớn là những thanh niên trẻ tuổi và độc thân như tôi. Thú thật đến lúc này tôi mới hối hận là đã theo chân anh bạn tới đây. Giờ này giá mà ở nhà hưởng cái Tết đầu tiên ở Mỹ sum họp với ba mẹ có cả gia đình người anh lớn từ North Carolina ghé lên chơi chắc chắn là thú vị hơn đứng loanh quanh trong hội trường chật hẹp với toàn người xa lạ như thế này. Đa số thanh niên tham gia hội chợ Tết là để dự buổi dạ vũ lúc về khuya. Lúc đó tôi chưa biết lái xe nên mọi chuyện phải lệ thuộc vào anh bạn Việt Nam là người quen duy nhất đưa mình đến mà anh bạn trẻ này lại là tay trống trong ban nhạc nên sẽ ở lại đến giờ chót. Thật may trong lúc đứng láng cháng không biết làm cách nào để về nhà ăn một bữa cơm Tết với gia đình thì gặp hai mẹ con một người bạn của vợ chồng anh tôi. Sau vài câu chúc Tết, lì xì cháu bé và chờ chị ấy tay bắt mặt mừng với những người quen biết, tôi đã ngỏ lời nhờ chị chở tôi về nhà để kịp tham dự bữa cơm ngày Tết với gia đình.

Những cái Tết sau đó cũng không khác gì cái Tết đầu tiên ở Mỹ, cũng vẫn vật lộn với bài vở mà mình phải lõm bõm lội trong mớ tiếng Anh chưa rành rọt. Cũng vẫn những món ăn ngày Tết và nồi bánh chưng mà ba mẹ tôi cố gắng bày ra để giữ không khí Tết trong gia đình. Hội chợ Tết hàng năm vẫn được cộng đồng tổ chức nhưng với tôi không khí Tết trong gia đình mới khiến tôi đỡ nhớ những cái Tết năm xưa. Dạo đó những hội chợ Tết như thế này cùng với các buổi dạ vũ mùa Noel chính là dịp để cho các thanh niên nam nữ có cơ hội làm quen với nhau. Phần tôi tuy vẫn còn độc thân nhưng tự thấy mình tương lai trước mặt vẫn còn mịt mù, vốn liếng Anh Văn ít ỏi cần phải bỏ nhiều thì giờ vào bài học hơn so với những sinh viên đồng hương vào trường ngay sau khi tốt nghiệp trung học ở Mỹ nên khi ấy tôi chỉ dám vui Xuân trong phạm vi gia đình.



Từ khi vừa định cư, ba mẹ tôi đã kiếm việc làm để không phải lệ thuộc vào con cái bên Mỹ cũng như có thể tiếp tục làm mạnh thường quân giúp đỡ cho các con cháu còn kẹt lại ở Việt Nam. Tuy đã lớn tuổi nhưng ba mẹ tôi vẫn sẵn sàng xung phong làm thêm giờ mỗi khi có dịp để kiếm thêm thu nhập cho đồng lương tối thiểu nhận được khi ấy. Mặc dù thế mỗi dịp Tết đến, ba mẹ tôi vẫn luôn lấy ngày phép nghỉ để chuẩn bị đón Tết và điều quan trọng là để giữ vững truyền thống ngày Tết trong gia đình cho con cháu, nhất là cho các cháu nhỏ sinh ra ở Mỹ biết được thế nào là ngày Tết cổ truyền của cha ông.

Trước năm 1975 tôi có đọc một bài viết ở một số báo Xuân trong đó nhân vật chính hồi tưởng về những cái Tết năm xưa của mình và nhắc nhở người con hãy xếp bài vở qua một bên để chuẩn bị cùng đón Giao Thừa với gia đình. Mặc dù rất thích bài báo đó nhưng tôi cảm thấy chi tiết này thật vô lý vì có ai vào ngày cuối năm còn có thể ngồi học bài trong không khí Tết tưng bừng như vậy. Ấy thế mà chuyện đó lại vận đúng vô tôi vào một buổi tối Giao Thừa của một năm đầu thập niên 1990. Trong khi mẹ tôi bày biện nấu nướng các món ăn ngày Tết, ba tôi dọn dẹp chưng bày bàn thờ thì tôi ngồi trong phòng mình để vật lộn với cái project sắp tới hạn nộp bài của môn điện, môn học mà tôi không hề thích. Đúng lúc đó mẹ tôi mở cửa phòng và gọi tôi ra. Câu nói của mẹ tôi chẳng khác gì câu nói của người mẹ trong bài báo năm xưa, "Thôi tạm dẹp bài vở đi con, Tết rồi mà."

Thế rồi tôi có gia đình riêng của mình. Mỗi dịp Xuân về Tết đến, vợ chồng tôi lại tiếp tục truyền thống mà ba mẹ mình vẫn làm khi xưa. Chúng tôi vẫn cố gắng bày ra các món ăn trước để cúng ông bà tổ tiên, sau để con cháu cùng thưởng thức. Chúng tôi cũng lau chùi bàn thờ sạch sẽ tươm tất, mặc dù không có bộ lư đồng để đánh bóng như khi còn ở Việt Nam. Gia đình chúng tôi cũng lên chùa lễ Phật đầu năm và dĩ nhiên không quên tục lì xì cho các con để các cháu hình dung ra được không khí ngày Tết của ba mẹ chúng ngày xưa ra sao. Có năm tôi còn chịu khó đặt mâm cúng giao thừa ngoài trời trong cái lạnh cắt da của mùa Đông ở đây. Tuy vậy ở vùng hẻo lánh ít người Việt này, nếu gặp năm Tết vào cuối tuần thì còn xôm tụ một chút, chứ bình thường thì người lớn đi làm trẻ con đi học có lẽ các con tôi không thể nào hình dung được Tết có gì đặc biệt mà sao ba mẹ chúng cứ hay nhắc đến một cách hào hứng như thế. Cũng vẫn ngần ấy nội dung mà cứ lập đi lập lại hàng năm không chán. Các cháu đâu biết rằng ba mẹ lại làm công việc mà ông bà các cháu ngày xưa đã làm để cố gìn giữ lại một ít truyền thống của ngày Tết ở nơi đất khách quê người.

Mỗi độ Xuân về, người Việt Nam chúng ta cho dù ở Bắc Bán Cầu lạnh lẽo tuyết phủ hay giữa mùa hè ở Nam Bán Cầu có lẽ đều có chung một cảm nghĩ đó là song song với việc chuẩn bị đón mừng một cái Tết Nguyên Đán sắp tới thì luôn bồi hồi tưởng nhớ đến những cái Tết năm xưa. Nhưng có thật là vì phải sống cảnh tha hương nơi đất khách quê người mới khiến ta tưởng nhớ, tiếc nuối các Tết năm xưa hay còn vì lý do nào khác? Như đã đề cập ở trên về bài viết trong một số báo Xuân trước năm 1975, tác giả bài viết đã hồi tưởng lại những cái Tết xa xưa khi mình còn nhỏ. Tác giả nhớ đến những phong tục mà đã mai một như súc sắc súc sẻ, hình ảnh những phiên chợ quê, v.v... Vào thời điểm tôi đọc tờ báo Xuân đó tôi vẫn còn đang độ tuổi tận hưởng tối đa hương vị Tết của hiện tại nên tôi không hề có một mảy may suy nghĩ gì về những cái Tết trước đó chứ đừng nói gì đến luyến tiếc. Vài năm sau đó khi chúng tôi cùng những người dân Sài Gòn phải đón những cái Tết khó khăn thì hình ảnh những cái Tết sung túc đầm ấm trước kia mới bắt đầu thoáng hiện trong đầu óc. Như vậy đâu cần phải làm kiếp người tha hương mới khiến ta có cảm giác nuối tiếc những mùa Xuân trước. Phải chăng Tết trong ký ức ta vẫn luôn là những cái Tết đẹp nhất?

Biết đâu trong khi tôi đang ngồi đây hồi tưởng về những Tết xa xưa thì chỉ vài năm sau tôi lại cảm thấy luyến tiếc đến cái tết Nhâm Dần sắp đến này khi các con vẫn còn ở quanh mình như tôi đã từng nhớ nhung muốn quay trở lại thời điểm được đón những cái Tết cùng ba mẹ khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ? Mỗi một cái Tết đến rồi lại đi đều ghi lại một dấu ấn trong ta mà có thể ngay lúc đó vì mải mê luyến tiếc quá khứ mà ta đã không để ý đến. Hy vọng rằng những gì chúng tôi đã và đang làm để theo chân ba mẹ mình ngày trước sẽ ít nhiều gieo vào ký ức các con, thế hệ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Mỹ chưa từng có dịp đặt chân lên quê hương của ba mẹ, một hình ảnh đẹp đẽ về một cái Tết cổ truyền của cha ông.

Thảo Lan

Hình chụp buổi tiệc tất niên Xuân Canh Ngọ năm 1990 của lớp AT chúng tôi tại trại tị nạn Bataan, Philippines.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,978
Ngày ban tổ chức làm lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ, tôi và ông xã xem qua hình ảnh, và vài ngày sau được xem cả chương trình qua đài SBTN mà một thân hữu gửi link. Buổi lễ trang trọng, ấm cúng, phần ca nhạc là những nhạc phẩm giá trị được trình bày qua những tiếng hát có nội lực. Tôi được thấy những khuôn mặt xưa nay chỉ biết tên qua các bài dự thi, được biết thêm nhiều điều rất thú vị. Thấy tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, ông xã tôi lại… khơi mào: - Lần trước em gửi chục bài, vậy lần này còn …ý tưởng gì để dự thi nữa không? Tôi ỡm ờ: - Dĩ nhiên là vẫn còn, anh...đợi đấy...!
Mỗi năm tết đến, không riêng thời tiết, không gian đầy hoài niệm vì sắp thêm một năm nữa đi qua, lòng người cũng bâng khuâng trước tương lai năm mới sắp đến, luyến tiếc mất còn trong năm cũ sắp hết và đặc biệt là không bao giờ trở lại. Rồi năm mới đến sẽ ra sao với tuổi đời ngày càng chồng chất những lo toan, muộn phiền. Thế là hoài niệm cứ tuôn chảy, nhìn về tương lai như bầu trời xám bên ngoài khung cửa. Còn chăng những vui buồn đã qua, những buồn vui không mong sẽ đến.
Đã từ lâu, tôi thường lấy ngày nghỉ để ở nhà suốt từ Giáng Sinh qua năm mới, Tết Việt cũng nghỉ ở nhà, dù chẳng làm gì hay phải đi đâu? Lý do nghỉ chỉ đơn giản là đi làm hoài sẽ hết việc cho người khác. Nhưng ở nhà, ở không lại hay nhớ nhà, nhớ quê với thời tiết, không gian cuối năm thường gợi nhớ. Biết nhớ nhiều không phải là tốt, nhưng quên hết liệu có phải là quên hay cố quên tức là nhớ nhất, nhớ nhất tức là quên thật rồi. Nhớ câu thơ của Bùi tiên sinh, “Uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời”. Câu thơ lý giải thế nào là tri kỷ, tri âm hay nhất mà tôi từng đọc được. Nhưng nhớ tri kỷ khác với nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ quê. Người ta, ai cũng cần một nơi để về thì đó chính là nhà mình, quê mình. Ai cũng có đặc thù văn hoá của dân tộc mình thì đặc thù văn hoá của người Việt là Tết, nên nhớ Tết là cảm giác chung của người Việt xa quê chứ không riêng gì ai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Hai năm đại dịch tác giả ngưng bút ít viết, quay trở lại tác giả gởi một lúc ba bài đầu năm 2022 - Mong tác giả năm Nhâm Dần thăng tiến nhiều hứng khởi viết nhiều, viết khỏe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Sau gần hai năm đại dịch COVID-19 chúng tôi bị giới hạn đi chơi nhưng nay Minnesota được thả lỏng hơn và kế hoạch đi du lịch lại được bàn đến (lúc này Omicron chưa xuất hiện). Ngay lúc đó khoảng mùa xuân năm 2021 Hãng Hỏa Xa Hoa Kỳ Amtrak quảng cáo hạ giá vé xe lửa vì số hành khách giảm nguyên do chính là đại dịch COVID-19 gây ra. Vé đi 10 chuyến trong một tháng chỉ mất 299 đô la hạng bình dân (coach). Chúng tôi không bỏ lỡ dịp may hiếm có này nên chụp ngay cơ hội làm một chuyến khám phá nước Mỹ bằng cách cưỡi con ngựa sắt vĩ đại vì dân Mỹ gọi xe lửa là “great iron horse”.
Tính đến đầu năm 1977, con số người Việt định cư tại thành phố Wichita đã đạt con số khoảng trên 1200 người, trong số này đa phần là tái định cư, tức là rời bỏ gia đình bảo trợ người Mỹ, hoặc thay đổi từ tỉnh lẻ về thành phố lớn (chưa kể số người tị nạn Cao Miên, Lào và Hmong), hoặc từ tiểu bang khác do bạn bè lôi kéo đến. Để tiện lợi cho việc loan tải thông tin đến người Việt trên toàn tiểu bang, người viết thực hiện bản tin mỗi tháng một lần mang tên Thông Báo. Bản tin được đánh máy lên giấy stencil, đánh dấu, rồi quay rô-nê-ô để in thành nhiều bản. ( phương tiện ấn loát ngày xưa không tân tiến như ngày nay, còn in tại nhà in thì tốn rất nhiều tiền và phải in từ 2000 bản trở lên).
Mít vàng, xoài đủ ngọt ngây / Đường xa không thể đến đây, để nhỉn / "Phây-bút"*, xin gởi ảnh hình / Người trèo, người hái... "bình bình"**, còn nguyên.
Dù những cơn gió lành lạnh cuối đông vẫn đang chờn vờn trên những ngọn cây, nhưng không khí của mùa xuân hình như đã bắt đầu man mác trong không gian. Bên cạnh những nhánh cây khẳng khiu trơ trụi đã có một vài búp lá xanh non đâm chồi nẩy lộc .Vạn vật như đang chờ đón những làn gió ấm cho những đóa cúc vàng tươi rực rỡ , cho những cánh mai nhẹ nhàng rung trong nắng sớm. Mùa xuân đã hiện hữu nơi đây để lòng mình vui như trẩy hội và theo truyền thống, các bạn hãy cùng tôi khai bút đầu năm, bạn nhé .
Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt. Trước năm 1975: Sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975: Bị “Tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986 -Thỉnh thoảng viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Sau đây là bài tham dự VVNM mới nhất ông viết về chuyện đời thăng trầm của người đàn ông từ Việt Sang Mỹ trở lại Việt Nam.
Nhạc sĩ Cung Tiến