Hôm nay,  

Nói Với Hoa Hồng

03/01/202220:55:00(Xem: 4492)
Hình Hoa Hong_VVNM 1_Summer Romance - Hybrid Parfuma
Minh họa: Summer Romance



Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014 và 2021. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết đầu năm2022 của tác giả.  

 

***



Theo bằng chứng hóa thạch, các nhà khoa học cho biết hoa Hồng đã có mặt cách đây 35 triệu năm và người cổ đại đã có những vườn Hồng đầu tiên khoảng 5,000 năm trước! Với bề dày lịch sử này cộng thêm vẻ đẹp sang trọng, quý phái, quyến rũ của mình nên hoa Hồng đã được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa thật chẳng sai! Các nhà thực vật học cho biết hiện nay trên thế giới có khoảng 150 loài hoa Hồng và hàng ngàn giống được lai tạo với nhiều kích thước, hình dáng, màu sắc vô cùng phong phú. Và từ bao đời nay hoa Hồng đã luôn gắn liền với cuộc sống của con người: lúc hạnh phúc ngập tràn cũng như khi tận cùng của đau thương mất mát!

*


Thật đúng vậy!!! Hoa Hồng gần gũi với con người đến thế, làm đẹp cuộc đời đến thế nhưng việc sở hữu một chậu hồng nho nhỏ lại là điều nằm ngoài tầm suy nghĩ của rất nhiều người! Hơn thế nữa, hoa Hồng lại khá õng ẹo, không hề dễ trồng và tốn khá nhiều công sức để chăm sóc chúng!

Cuộc sống vốn đã bận rộn, thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi còn không đủ thì có đâu rảnh rỗi để ngắm nhìn và trò chuyện cùng hoa! Chưa kể ở thời đại @ này: Facebook, Youtube, Twitter, Tiktok, Viber, Instagram … quá hấp dẫn, đã lấy đi một quỹ thời gian đáng kể của rất nhiều người rồi còn gì?!  Người ta ăn, ngủ và làm việc bên cái cellphone của mình gần như 24/24 là chuyện khá bình thường hiện nay. Ở bất kỳ nơi nào từ gia đình cho đến trường học, công sở, phòng gym, bệnh viện… thậm chí trong khi đang lái xe người ta vẫn không ngừng nhắn tin cho nhau! Nghe đâu có nhiều người sau khi nằm xuống còn được con cái chôn theo cái cellphone để… bầu bạn! Điển hình là câu chuyện ly kỳ có thật bên Trung Quốc tại thị trấn Lâm Thành, huyện Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang; người chết bị mất toàn bộ tiền bạc trên tài khoản WeChat, do một kẻ bất lương đã đào mộ đánh cắp chiếc cellphone mà con trai ông đã “gửi theo” cho mình khi về bên kia thế giới!

Tôi cũng đã từng “nghiện nặng” cellphone trong quá khứ không xa!!! Do vậy, tôi cũng đã từng nghĩ mình sẽ chả bao giờ trồng hoa, thì đừng nói chi là hoa Hồng!!!  Mỗi khi sắp vào mùa Xuân, nhiều đồng nghiệp đến hỏi tôi rằng:

- Thủy, you có trồng gì ở “backyard” không?


Tôi đáp tỉnh queo:


- Có trồng …cỏ! 

Thấy họ ngạc nhiên, tôi liền đáp ngay:


- Cuối tuần tôi không làm gì hết, chỉ đi chợ, đi shopping và đi ăn ngoài; chỉ muốn nghỉ ngơi hoàn toàn vì cả tuần đã quá mệt mỏi với công việc.

Họ gật gù chắc thấy cũng có lý?!  Thật đúng vậy! Nhớ lại dạo đó, vào ngày nghỉ chúng tôi thường lê la trong các cửa hàng, trong mall đến chán chê thì ghé đi chợ Châu Á (cách nhà khoảng 40 phút) và cuối cùng thì tạt vô một tiệm nào đó để ăn chiều! Bao nhiêu năm ở Mỹ với biết bao lần đi ngang Home Depot, Lowes, Walmart… thấy thiên hạ khệ nệ bê từng chậu hoa, bịch đất chất đầy xe mà tôi không khỏi thán phục, bởi tôi biết mình sẽ không-bao-giờ tham gia những việc này!

Nhưng... chuyện đời không có gì là không thể xảy ra. Vào tháng 3/2020 khi nước Mỹ chính thức bị Corona virus tấn công; một đợt giãn cách xã hội chưa từng có đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Nhiều thành phố lớn nhỏ đã “kéo cờ trắng” trước Covid, hãng xưởng đóng cửa, lockdown… một lực lượng lao động mới hôm qua còn quần quật tại các khu sản xuất, mà giờ đây phải ru rú trong nhà để né tránh kẻ thù “siêu hình” không cân sức.  Căng thẳng tột cùng. Mệt mỏi tột độ. Bất lực tận cùng. Đây cũng là thời điểm mà từng dòng người đã đến các cửa hàng bán đồ vật liệu xây dựng, cây cảnh tại Mỹ với ánh mắt buồn bã; họ nhẫn nại đứng sắp hàng lê thê hàng giờ với khoảng cách 6 feet, trông vô cùng thiểu não. Cuối cùng họ đã khệ nệ bê về nhà mình từng bịch đất, chậu bông, hạt giống... để cắm xuống mảnh đất sau nhà như chôn sâu một nỗi buồn! Rồi ngày ngày họ có dịp ra đây ngắm nghía, chăm sóc chúng như một liệu pháp để xoa dịu vết thương lòng.

Tôi cũng đã là một trong số họ. Chỉ khác là từ những ngày đầu tiên Covid xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại thì công việc của hãng tôi còn nhiều hơn trước dịch, mọi người bắt buộc phải đi làm thêm (mandatory)! Nhưng dù bận rộn như thế nhưng cái “stress” của tôi và họ chắc cũng… như nhau!

Năm rồi, mỗi ngày đi làm với tôi như chuẩn bị ra trận, không biết lúc nào bị “dính chưởng” của Cô-Vy vì danh sách số người bị lây nhiễm trong hãng ngày một tăng! Và cuối cùng để tự cứu mình, tôi đã rinh về nhà hai chậu Hồng mua từ Home Depot. Cũng từ hai chậu Hồng đầu tiên vào đầu tháng 5 năm 2020 đến giờ tôi đã gầy dựng cho mình một vườn Hồng nho nhỏ phía sau nhà. Thật vui mừng biết mấy! Tôi cũng đang lên ý tưởng sẽ trồng thêm vài gốc Hồng nữa vào mùa Xuân năm sau để đánh dấu cột mốc sinh nhật đáng nhớ của đời mình. Tôi không dám so sánh với những ai sở hữu một vườn Hồng rộng mênh mông có cả hàng trăm gốc, vì với tôi thế đã là đủ và vui lắm rồi! Có thể nói hoa Hồng đã lấy đi của tôi những nỗi buồn, những lo âu và nó đã lấp đầy trong cho tôi biết bao niềm vui không thể nói hết bằng lời!!! Mỗi buổi sáng trước khi đi làm và sau khi về đến nhà việc đầu tiên của tôi là thăm vườn Hồng của mình xem hôm nay chúng ra sao. Tôi không hề nghĩ sẽ có ngày mình có thể bỏ ra hàng giờ chỉ để …ngắm hoa! Nhìn những bông hoa Hồng từ lúc bắt đầu hình thành tược non cho đến khi trổ nụ, kết hoa, nở ra xinh đẹp khiến ai cũng xuýt xoa trầm trồ, chiêm ngưỡng… để rồi sau đó nhạt nhòa, tàn phai và cuối cùng là rụng xuống thành phân... đã giúp tôi “ngộ” ra rất nhiều điều!!!

*
Tôi luôn thầm nghĩ rằng nếu còn sống ở Việt Nam, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ có được một chậu Hồng ưng ý, đừng nói chi đến một vườn Hồng. Vả lại trong ký ức của tôi chưa từng bao giờ trông thấy hoa Hồng to và đẹp nào cả tại Sài Gòn, hình như nó chỉ hiện diện trong vườn hoa Đà Lạt thì phải. Vả lại, cuộc sống của mọi người ngày ấy còn quá khó khăn, có biết bao điều để lo toan, hoa Hồng chỉ là thứ xa hoa, phù phiếm; ít có ai quan tâm đến chúng.  Lúc đó, người Sài Gòn lại chuộng Tỉ muội hay còn gọi là Tầm Xuân, hoa nhỏ nhưng khá dễ trồng. Hiện nay thì số người chơi hoa Hồng ở Việt Nam đã tăng đáng kể, đa phần họ thuộc giới có tiền, sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa cho những vườn Hồng đẹp như trong chuyện cổ tích của mình tại Lâm Đồng, Đà Lạt, Bảo Lộc hay ngoài  Bắc. Người Sài Gòn bây giờ cũng hay tận dụng sân thượng để trồng hoa Hồng trong chậu, nhằm thỏa lòng yêu quý loài hoa nhiều gai nhưng đầy hấp lực này!

Có thể nói không có một bông hoa nào đi vào thi ca, nhạc họa nhiều như hoa Hồng. Người ta hay ví von: Phụ nữ như là cánh Hồng có gai. Gai càng nhọn thì hoa càng đẹp! Nếu hoa Hồng không có gai thì chắc chắn sẽ mất đi sự lôi cuốn đặc biệt của chúng. Bởi vậy mặc dù gai hoa Hồng có thể làm cứa máu, nhưng nhiều người cũng quyết chinh phục cho bằng được. Mỗi người phụ nữ đều có nét đẹp riêng của họ; có người mang vẻ đẹp mê hoặc từ ánh nhìn đầu tiên, nhưng cũng có những nét đẹp sâu lắng trong tâm hồn, cần phải có thời gian để khám phá, tôn vinh! Hoa Hồng cũng gửi đi một thông điệp tương tự như thế đến với tất cả những ai yêu mến chúng!

*
Những giống Hồng nổi tiếng ở Việt Nam bao gồm những cái tên rất gần gũi như: Hồng cổ Sapa, Hồng cổ Vân Khôi, Hồng Đào cổ, Hồng cổ Hải Phòng, Hồng bạch xếp Nam Định, Hồng cổ Bạch Ho, Hồng Điều cổ, Hồng cổ Đà Lạt, Hồng cổ Sơn La, Hồng cổ Son Môi… nhưng thực chất những giống Hồng cổ này đã được người Pháp du nhập sang Việt Nam từ vài thế kỷ trước! Theo tài liệu cho biết Hồng cổ Hải Phòng có tên tiếng Anh là Don Juan, Hồng cổ Vân Khôi có là Souvenir De La Malmaison Rose, Hồng cổ Son Môi có tên Rosa Damascena, Hồng Điều cổ có tên Duchesse de Brabant, Hồng Bạch xếp Nam Định với tên gốc là Jesse Hildreth… Nhưng các giống hoa Hồng đẹp này ở Việt Nam không nhiều cho lắm! Để đáp ứng nhu cầu của giới yêu hoa, ngày nay người ta đã nhập về nhiều loại Hồng quý hiếm, cho nhân giống và kiếm lợi nhuận rất lớn từ mặt hàng kinh doanh này! Tuy nhiên, các giống hoa Hồng sau khi qua tay của các chuyên gia về cây kiểng ở bên nhà “xử lý” vẫn không ra hoa đẹp như tại Mỹ! Có lẽ các yếu tố về đất trồng, phân bón và thổ nhưỡng cũng góp một phần khá quan trọng.



Phải công nhận rằng hoa Hồng ở Mỹ thật tuyệt vời và quá phong phú. Đây là nơi giao thoa của những giống Hồng đẹp nhất thế giới từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, bao gồm: David Austin English roses, Hybrid Tea roses, Floribunda roses, Climbing roses, Grandiflora roses, Kordes roses, Shrub roses… Mỗi chủng loại đều mang một nét đẹp riêng, đa dạng về màu sắc và biến tấu khôn lường. Thật vậy, chẳng hạn như theo dõi quá trình phát triển của Hoa hồng Joseph’s Coat sẽ dễ dàng thấy được sự thay đổi của hoa từ lúc mới “chào đời” với màu vàng cam, sau đó chuyển sang cam, cam đậm, đỏ, đỏ đậm … và cuối cùng chấm dứt bằng màu mận chín. Có thể khi nhìn sự lung linh của giàn hoa leo này dưới ánh nắng người ta dễ dàng liên tưởng đến chiếc áo khoác của vua Joseph chăng.

Người yêu hoa Hồng tại Mỹ không xa lạ gì với cái tên David Austin Rose. Đây cũng là tên của một bậc Thầy về hoa Hồng: David Charles Henshaw Austin (1926-2018), ông nổi tiếng khắp thế giới và được người đời phong tặng là “Godfather of the English Rose”. Ông sớm có một tình yêu với hoa Hồng khi còn là một cậu bé mới tuổi 15, sau đó ông đã phát triển sự nghiệp của mình trên mảnh đất của gia đình rồi tiếp tục nhân rộng ra toàn cầu. Ông đã để lại cho cuộc đời 230 giống hoa Hồng mang tên David Austin đẹp ngất ngây, khiến nhiều trái tim trên toàn thế giới đã tan chảy vì chúng. Trong quyển Handbook Of Roses 2021 ở dòng cuối trang 96, có viết như sau.

“My goal remains the same - to try to develop the healthiest roses possible without compromising their beauty, fragrance, grace and, most importantly, their charm”
David Austin Snr.

Với hoa Hồng David Austin, người mua sẽ hoàn toàn an tâm vì được bảo hành năm năm với bất kỳ sự cố đáng tiếc nào xảy ra! Bên cạnh sở hữu một vườn Hồng lớn nhất và đẹp nhất Anh quốc ở Shropshire, thì hiện nay tại thành phố Tyler thuộc Texas cũng đã có một The David Austin Rose Gardens, được xem là vườn Hồng lớn nhất tại Hoa Kỳ. Nơi đây có hơn 38.000 bụi hoa hồng gồm 500 giống khác nhau. Vườn hồng này cũng đã tổ chức nhiều đám cưới, các cuộc hội ngộ. Tuy nhiên sự kiện đặc biệt nhất đó là Lễ hội Hoa hồng Texas, được tổ chức vào tháng 10 thường niên!

*
Có thể nói Covid và hoa Hồng đã làm thay đổi cuộc đời tôi! Nếu không có Covid thì tôi đã không có một vườn Hồng như hiện nay. Và nếu không có hoa Hồng tôi đã không như tôi của bây giờ! Tôi đã từng là một người luôn bận rộn. Tôi đi làm quanh năm và hầu như chỉ làm thêm chớ không hề làm… bớt. Tất cả ngày phép trong năm của tôi chỉ sử dụng cho những kỳ nghỉ dài hạn hay ngắn hạn. Khi Covid đến, tôi đã hủy chuyến bay về Việt Nam thăm mẹ già và kế hoạch làm một vòng du lịch từ Bắc xuống Nam Cali vào mùa hè 2020 (nhân dịp chị và cháu tôi từ Đức sang chơi). Và một cuộc họp mặt bạn bè vào mùa hè năm 2021 tại Pháp, Anh Quốc, Hy Lạp của chúng tôi đã lên lịch trước cũng bị “gỡ xuống” trong tiếc nuối.  Hai năm giam chân ở nhà vì Covid, tôi bắt đầu thấy lười đi chơi, ngại ra sân bay và quan trọng nhất là sợ… đám đông.  Giờ đây tôi đã biết tận dụng những ngày phép của mình chỉ để thư giãn, nghỉ ngơi và chăm sóc mảnh vườn phía trước và sau nhà. Tôi cũng không nghĩ được rằng mình đã thay đổi đến vậy. Nhưng giờ đây mỗi khi ngồi ngắm hoa Hồng tôi thấy lòng mình rất đỗi bình an, nhìn những bông hoa hôm qua rũ rượi vì gió dập mưa sa mà hôm nay vươn mình trong nắng sớm; tôi nhận ra chung quanh mình có vô vàn triết lý sống luôn tiềm ẩn đâu đó, nhưng đôi khi vì quá vô tình mình đã không kịp bắt lấy!

Tôi vẫn thường hay nhớ đến cô chồng của mình! Nếu còn sống năm nay Cô đã ngoài 90. Cô sống đơn độc trong một căn hộ dành cho người về hưu trên Pennsylvania. Vào mùa hè, mỗi lần đến thăm lúc nào tôi cũng thấy cô bận bịu ngoài vườn, cô trồng nhiều hoa phía trước nhà, bên hông thì nào là: xà lách, đậu que, mồng tơi, rau thơm đủ loại và đặc biệt là mấy giàn Khổ qua luôn xanh mướt, đầy trái căng mơn mởn. Cô nói Khổ qua phơi khô làm trà uống tốt cho sức khỏe lắm con! Năm đó cô đã ngoài 70, nhưng trông vẫn còn hết sức khỏe mạnh và minh mẫn. Hàng xóm của cô đa số là Mỹ trắng, họ ở đây nhưng đến cuối tuần thì con cái đến chở đi chơi, đi ăn hay có khi kéo đến nhà họ để sum họp gia đình! Nhìn những cảnh đó cô tôi không khỏi chạnh lòng, tủi cho thân phận mình!!! Cô không chồng, có duy nhất một người con gái nhưng lập gia đình ở tiểu bang khác, năm khi mười họa mới về thăm cô một lần chừng vài ba tiếng rồi lại ra đi biền biệt. Cô có mấy người cháu nhưng họ cũng ở xa cô quá; cuối tuần họ cũng bận bịu vui chơi với gia đình, bạn bè nên thi thoảng mới tạt ghé thăm. Nhà tôi cách cô chừng năm phút lái xe nên tôi là đứa cháu dâu duy nhất hay đến chơi với cô. Tôi quý cô như mẹ ruột của mình và cũng rất cảm thương cho thân phận một người phụ nữ tha hương, gần như đã bị cuộc đời bỏ quên ở cái tuổi gần đất xa Trời!!!

Mỗi lần thấy tôi đến chơi cô rất mừng, Cô khoe đám Hồng phía trước nhà mới ra hoa to hơn miệng chén, tôi ngắm nhìn nhưng thật sự lúc đó tôi chưa cảm hết cái đẹp của hoa và nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ lão niên ngày ngày ra vun bón cho chúng. Cô thường hay nói với tôi:

- Nói chuyện với hoa trái vui hơn nói chuyện với con người con ạ! Nói chuyện với con người đôi khi gặp rất nhiều phiền toái, thị phi; còn với bông hoa nó không bao giờ trách móc, giận hờn hay làm mình đau khổ!!! Nó cảm được những gì mình chăm sóc cho nó và đem đến cho mình một niềm vui vô bờ!

Giờ đây, cô tôi đã không còn nữa nhưng những lời nói đó vẫn còn hoài trong tâm trí tôi. Những người mình yêu thương và những người yêu thương mình rồi cũng có ngày sẽ bỏ mình ra đi. Chỉ còn mình ở lại với chính mình. Nhưng đôi khi dù có sống chung một nhà, dù ngày ngày vẫn đối thoại với nhau nhưng mình với họ vẫn thấy như xa dịu vợi. Nỗi cô đơn của kiếp người đã là bao đời nay. Những người trẻ sinh ra hay lớn lên tại đất nước này cách xa đấng sinh thành ra họ cả một đại dương mênh mông của: văn hóa, ý thức hệ và ngôn ngữ… Đó là lý do con cái gốc Việt thường trách cha mẹ tại sao không hiểu chúng.  Ngay cả đôi khi hai vợ chồng sống bên nhau 20, 30, 40 thậm chí là 50 hay 60 năm vẫn không thể nào hiểu hết được lòng nhau. Đó là sự thật. Vì khó có ai hiểu hết cho ai khi bản thân của mỗi người cũng đã chưa hiểu hết về chính họ. Con người là một bản thể vốn thay đổi; hôm qua là những suy nghĩ khác với hôm nay: sáng yêu, chiều ghét, tối hết giận hờn. Phải chăng Tâm người ta không bao giờ dừng suy nghĩ nên khó được phút bình yên.

Và làm thế nào để Tâm được an? Đây là câu hỏi lớn mà biết bao bậc thánh nhân đã bôn ba đi tìm (có đôi khi là cả đời) với nặng trĩu những bất an trên đôi vai; để rồi bỗng một ngày kia nhìn ngón tay chỉ mặt trăng, hòn sỏi văng lên, cây Bách trước sân, đốm than tàn trong lò, nhành mai buổi sớm… chợt thấy Tâm mình bỗng nhẹ tênh! Cuộc sống vốn có những điều rất kỳ diệu mà những gì đang xảy ra dù tốt dù xấu, dù hay dù dở đều dạy cho mình những bài học. Covid là một bài học rất lớn nhắc nhở con người về hai chữ “Vô Thường”; để rồi mỗi người sẽ tự biết chiêm nghiệm ra những điều cho riêng mình.

*
Covid rồi sẽ qua. Hoa Hồng rồi sẽ tàn. Tôi rồi cũng sẽ ra đi. Nhưng sẽ không có gì thật sự biến mất cả, chỉ là thay đổi cái “vỏ bọc” để bắt đầu một chu trình kế tiếp.
Nhưng vẫn rất cám ơn cuộc đời với những bài học lớn, với những thuận duyên lẫn nghịch duyên đưa đến, giúp tôi vững vàng bước tiếp để… đi về.

Nguyễn Bích Thủy

Texas, những ngày cuối năm.

Hình minh họa: H1: Summer Romance - Floribunda rose H2: True Bloom - True Gratitude Climbing rose

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 495,825
Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do...
Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
Thôi để tôi tả một cuộc hèn hò trên sân khấu trường quay bạn muốn hẹn hò trong nước thì bạn đọc hải ngoại dễ hình dung hơn. Giữa sân khấu là một bức màn được buông xuốn để hai bên không thấy nhau. Bên nhà trai có người hướng dẫn chương trình là đàn ông, bên nhà gái là cô hướng dẫn duyên dáng. Thường thì bên cô gái được mời lên sân khấu trước, sau đó đến bên chàng trai. Cô gái giới thiệu về lý lịch trích ngang của bản thân, nói sơ lược về tình trường mà cô đã trải qua, thể hiện tài năng hay cũng có thể gọi là tài vặt như ca hát, nhảy múa để góp vui với chương trình. Điểm quan trọng nhất là cô nói thẳng ra ý muốn của cô với chàng trai bên kia bức màn về mẫu người đàn ông mà cô muốn hẹn hò.
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng. Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Trước hết căn cứ vào số lượng người mang họ Nguyễn (họ phổ biến nhất của người Việt) ở trong vùng rồi suy luận ra, ta có thể phỏng đoán được số lượng người Việt. Theo tin từ trang Wikipedia tiếng Việt thì tôi được biết theo thống kê năm 2005 ở Việt Nam người họ Nguyễn chiếm 38% dân số. Dĩ nhiên con số 38% này không phải là con số tuyệt đối có thể đại diện cho bất cứ tập thể nào. Nghĩa là không phải ở bất cứ nhóm người nào người họ Nguyễn cũng chiếm tỷ lệ 38%. Do đó trong ước tính của mình tôi áp dụng con số khiêm nhường hơn một chút đó là chỉ khoảng 1/3 người Việt mang họ Nguyễn.
Sở dĩ gọi là "nghề" vì chuyện trong nhà tôi, ông anh rể là sĩ quan đi "cải tạo", thằng con của anh ấy, là cháu ruột tôi, vào lớp Một, nhà trường gửi về bản khai lý lịch, tên bố tên mẹ và nghề nghiệp. Chị tôi điền lý lịch cho thằng bé, mặc dù lúc ấy chị đang chạy chợ trời, nhưng theo “kinh nghiệm” mấy chị hàng xóm thì không nên khai chợ trời, sẽ bị đánh giá là …tiểu tư sản, con mình sẽ bị trù dập, cho nên dù chẳng hiểu thằng bé 6 tuổi còn thò lò mũi xanh sẽ bị trù dập kiểu gì, chị bèn ghi là “nội trợ” cho an toàn. Còn phần nghề nghiệp bố thì để trống vì không biết khai thế nào. Đến lớp, cô giáo liền điền vào khoảng trống nghề nghiệp của bố nó là... "học tập cải tạo"! Mà nghề này còn sinh ra nhiều nghề khác cho những người tù, nào là chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, nấu cám, đốn củi trên rừng. Lần đó tôi theo chị lên trại Thành Ông Năm thăm nuôi anh rể, anh ấy tặng vợ con và các em những chiếc vòng đeo tay, chiếc lược được chạm trổ rất xinh xắn do chính tay anh làm, anh bảo đó là "nghề"
Ai cũng có một thời thơ ấu và thanh xuân riêng của mình. Vậy mà ngày còn nhỏ tôi không bao giờ quan tâm đến tâm tư tình cảm và suy nghĩ riêng của má. Tôi cứ thấy má là của gia đình, là của chúng tôi. Tất cả suy nghĩ, việc làm của má đều dành cho chồng con, cho gia đình này. Tôi đã nhận những yêu thương, chăm sóc một chiều của má như một chuyện đương nhiên. Giờ ngồi nhớ lại hồi nhỏ chẳng bao giờ thấy má gặp lại các bạn học xưa để cười đùa rộn rã nhắc về tuổi thơ như thế hệ chúng tôi bây giờ. Chỉ lâu lâu dì Nghiêm là em ruột của má từ Sài Gòn về là 2 chị em ríu rít như chim và nói toàn tiếng lóng với nhau kiểu như mật mã nghe ngộ lắm. Má tôi và dì cứ cười nói rộn ràng còn chúng tôi thì ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chắc thuở còn con gái mấy dì và má nói chuyện với nhau kiểu này để giữ bí mật những chuyện riêng tư, qua mặt người lớn mà hẹn hò, nghịch ngợm đây. Ghê thật! Ai bảo thế hệ xưa hiền hơn bây giờ? Chỉ là họ giấu kỹ và không có mạng Internet hay Facebook để ai cũng biết như ngày nay thôi
Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt làm bầu không khí rung rinh, nhảy múa đến lóa mắt, đoàn tù nhân đi chân không, ở trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất cái quần xà lỏn, vài người đầu đội các chiếc nón cũ kỹ, rách rưới mà họ lượm được đâu đó, đang mệt nhọc lê thân xác mỏi nhừ sau một ngày lao động vất vả trở về trên con đường đất đỏ nóng hừng hực khiến chân họ muốn bỏng, vai thì đỏ và rát bởi nắng cháy. Hai bên đường, rẫy được tù nhân khai khẩn rộng thênh thang, chạy ngút mắt đến tận bìa rừng chỉ chừa lại những gốc rạ khô cằn sau mùa gặt. Giữa cánh đồng một cây Cầy cháy sạm, còn trơ lại vài nhánh đen đúa, cháy dở, chơ vơ chĩa lên cao như cố chống giữ lấy bầu trời to lớn tạo cho khung cảnh một nỗi buồn thê lương như phận người tù ở trại Đồng Phú này!
Hôm nay xé tờ lịch qua tháng tư, tim tôi thấy bồi hồi, xáo trộn những suy nghĩ mông lung bên tách cà phê, ký ức trở về miên man biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu câu chuyện ngày ấy, rõ in trong đầu như mới vừa xảy ra đâu đây...
Sau nhà tôi là rừng, rừng ngày xưa không nhìn thấy gì ngoài màu lá xanh, những con chim sặc sỡ màu nhưng chúng chỉ cất tiếng hót lẻ loi một mình, không buồn cũng không vui. Những con thú hiền hoà như sóc với thỏ là những kẻ lãng du tử tế. Chúng thấy người không thích mắt khi nhìn chúng nữa thì sóc nhập thiền nơi những hốc cây, những hốc đá ven bờ suối là tịnh thất của thỏ. Trong khu rừng có con suối nhỏ, có đàn vịt trời khi lội khi baydưới chân đồi bluebonnet tượng trưng cho tiểu bang Texas. Mùa hoa rộ tháng tư thì cơ man là người đến chụp hình, xe đậu quanh đồi không đủ chỗ thì người ta lái xe vào xóm nhà đậu tạm. Tôi thích bị làm phiềm kiểu Mỹ vì chỉ có ở Mỹ khi người không quen biết bấm chuông nhà chỉ để xin phép cho họ đậu cái xe trước nhà mình một lát, họ lên đồi chụp vài tấn hình sẽ đi ngay. Tôi hình dung ra những bức ảnh gia đình, tình nhân, bạn hữu của những người tử tế đã làm nên phong cách Mỹ khác biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến