Hôm nay,  

"Tới" Hay Lui, That's A Question?

06/12/202110:26:00(Xem: 3861)
Nguyen Van Toi
Từ trái, Chánh Chủ Khảo VVNM Trương Ngọc Bảo Xuân, tác già thắng giải Vinh Danh Tác Phẩm  Lê Xuân Mỹ, tác giả thắng giải Vinh Danh Tác Phẩm và Tác Giả hay Giải Hoa Hậu VVNM, tác giả thắng giải Vinh Danh Tác Giả Châu Hà, nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ trong phần cắt bánh ăn mừng Lễ Trao Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ 22 ngày 5 tháng 12 năm 2021.

                  

Nhóm Việt Bút “âm thịnh dương suy”.  Những năm về trước, trai đẹp, độc thân, vui tính, sồn sồn  ở xa chỉ có Phan Hồ. Trai già rệu rạo còn liên lạc với nhóm VB đếm trên đầu ngón tay và đều rửa tay gác kiếm. Tếu chỉ có bác Tân Ngố và bác Ma. Bác Ma và bác Chương lên đường rồi. Bác Hân nghiêm túc. Bác Thời lụm cụm. Trai đẹp, tài năng cỡ Cao Minh Hưng hiếm như gươm (có chủ) lạc giữa rừng hoa. Gần đây có Lê Xuân Mỹ, Nguyễn Văn Tới…

Nguyễn Văn Tới xuất hiện như một văn hữu có “nghề”. Tới có sức viết, viết rất hăng, rất hay, rất…tới.  Năm 2019, chàng viết 7 bài, ẵm giải  Danh Dự với bài viết  “Chuyện Từ Căn Cứ Mỹ ở Afghanistan”. Năm 2020 chàng viết 8 bài. Với hai bài “Đời Phi Công Không Người Lái”. “Philippines Ngày Trở Lại”, chàng hiên ngang quơ luôn giải Vinh Danh Tác Phẩm. Tiếc rằng vì bận công tác xa chàng vắng mặt hôm lễ trao giải. Nhóm Việt Bút hai lần hụt diện kiến người hùng trên sân khấu Viết Về Nước Mỹ. Chỉ có Tới- phu- nhân thay chồng đến dự lễ và mang …bao thư về. 

Năm ngoái vì dịch Cô-vít nên Việt Báo  chỉ còn giải …rút (lui) làm nhóm Việt Bút buồn. Bị cách ly sinh ra buồn, lo, lười, chán, suy nghĩ tiêu cực… Annie nhớ bác Tân hay ví von kiểu Bắc kỳ “ buồn như chấu cắn”. Cắn thì đau. “Buồn” là buồn… nhột hay buồn đau hả bác Tân? Phen này phải kiếm con châu chấu cho nó cắn thử vào rốn để có kinh nghiệm đau hay nhột. Bà con  Việt Bút mất cơ hội  họp hành, đàn đúm vui chơi hàng năm trước ngày trao giải Viết Về Nước Mỹ. Tuy vậy, Tới vẫn viết 8 bài. Mới nhất là bài “Tạ Ơn Em “  Bà con Việt Bút xem ra cảm động, tha hồ bàn ra tán vào về bài viết trên diễn đàn Việt Bút.

Đa số các bài viết của Tới có đề tài mới, lạ, độc đáo kể chuyện đời lính, chiến tranh, những kinh nghiệm sống chết tại chiến trường, những trăn trở, thao thức, tâm tình buồn vui của một chàng lính xa vợ phải bay qua tận các xứ Trung Đông , Phi Châu và Philippines để hoàn thành nghĩa vụ.

Sau hai buổi lễ phát giải hụt  không về được, có lần Tới về du hí Cali gặp một số bạn Việt Bút, các bạn tổ chức ăn uống ì xèo,  nhưng tiếc rằng chị Annie lúc đó bận rong ruổi đường xa. “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, “Văn là người”, Annie chỉ nghe tiếng mà chưa thấy người, tưởng tượng ngoài chiến trường Tới là một anh lính gan lì, máu lạnh, mạnh mẽ , kiên cường nhưng nghe phóng viên ăn ké Đào Phong kể lại Tới “hiền khô”, có máu hài hước,  nếu bắt trúng các đài VBTN  (Việt Bút Tân Ngố) hay VBTM  ( Việt Bút Thanh Mai), bà con Việt Bút sẽ quên ăn, tha hồ cười mệt nghỉ. 

Tới viết nhiều chuyện đề tài về chiến tranh kể ra không hết. Mới nhất  là chuyện “Mỹ Nhân Kế’ viết về người bạn lính của tác giả trúng kế gái Tàu nên thân bại danh liệt. Chuyện “Cuộc Sống Trong Căn Cứ Mỹ BAF” cho thấy hình ảnh của thành phố chiến tranh với các vũ khí bom pháo hiện đại, người lính đã có mặt để chia sẻ những gian khổ và hiểm nguy trong thời chiến. Chuyện “Tôi Đi Cách Ly Ở Dubai”, người lính vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành. 

 Annie thích nhất chuyện “Chiến Tranh. Người Lính Và PSDT” thể hiện tính nhân bản khi chàng nhắc đến những người lính Mỹ trở về  ngoài những thương tật còn là sự chấn thương về tâm lý, bệnh PTSD. ( Post Traumatic Stress Disorder). Ngoài ra Tới kể nhiều kinh nghiệm sống còn, những thử thách gian nan trong thời gian được huấn luyện nghề lính cũng như khi đối diện với kẻ địch rất thú vị khiến người đọc hiểu nhiều về chiến tranh tại các nước xa xôi.

Chuyện “Bà Hàng Xóm” kể về người láng giềng của tác giả, một bà Mỹ già bệnh hoạn nhưng cứng cỏi, khó tính, khó gần, giàu có nhưng keo kiệt, sống độc thân , nuôi người tình ảo tận bên Châu Phi . Khi chết mới biết bà để lại tài sản khổng lồ cho các hội từ thiện. 

“Chuyện Từ Một Căn Cứ Mỹ Ở Afghanistan” được giải Danh Dự kể về môt người lính sau khi làm thủ tục quá cảnh nhiều nới mới tới được căn cứ ở AFG. Tại đây chàng sống gần với cái chết vì “hưởng” ngay những trận pháo kích tơi bời hoa lá của địch.

Chuyện “Đời Phi Công Không Người Lái” được giải thưởng Vinh Danh Tác Phẩm cho biết những kỹ thuật tinh vi, hiện đại, siêu đẳng của vũ khí Mỹ. Chuyện còn là ước mơ của cậu bé giàu tưởng tượng, tâm hồn đầy chất thơ, lớn lên làm nghề sông nước ở quê hương Việt Nam nghèo khổ, vượt biên qua Mỹ, học hành thành tài. Ước mơ cũng chính là  hiện thực, chàng trở thành phi công và huấn luyện viên máy bay không người lái.

                                                                    ***             



Nguyen Van Toi 2
Chụp hình lưu niệm trong Lễ Trao Giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 22 ngày 5 tháng 12 năm 2021.


Ngoài hình ảnh chiến tranh và người lính trong một số truyện, Annie muốn viết về một mảng đời khác của Tới, đó là  bóng dáng những người phụ nữ bàng bạc trong các chuyện ngắn. Truyện “Hạ Vàng Có Nàng Tới Hỏi”  với chút ngậm ngùi thương tiếc người chị gái hiền hòa, đảm đang nhưng bạc phận. Trong “Philippines Ngày Trở Lại” sau 30 năm, Tới nhắc đến những kỷ niệm tại vùng đất bao dung trong chuyến vượt biên và nhớ mãi “ mối tình vắt vai ” không thành nơi xứ người. Trong chuyến về Việt Nam, “Tình Chỉ Đẹp” với nhiều kỷ niệm và hình ảnh không quên của cô bạn học lỡ yêu ngày xưa mặc áo dài trắng lộ cái góc tam giác ở thắt lưng eo. Gặp lại nàng, thực tế phủ phàng làm chàng thất vọng và ngao ngán:

                         “ Tam giác thắt lưng ( đã từng )làm anh ngây ngất. 

                            Gặp lại em rồi anh…chết giấc em ơi ! 

                           Tiền anh vợ nó cầm rồi. 

                           Tặng em quà nhỏ cho vui gọi là.”. 

Không mượn được món tiền lớn và chỉ tặng em chút quà nhỏ, “cố nhân” của Tới có thầm rủa: “Đồ Việt kiều dởm!” hay “Cha này, đồ sợ vợ !”?

Trên hết, gây ấn tượng sâu xa nhưng âm thầm nhất vẫn là người vợ tào khang của Tới. Lúc đầu bà con nhóm VB ít ai biết tên nàng là gì, chỉ có chị Song Lam và Annie  sau bài “ Tạ Ơn Em điều tra lý lịch  mới biết nàng tên là Chiêu Hòa , cái tên mang âm hưởng của một mỹ nữ trong một cung điện của triều đại nhà Nguyễn. Annie mượn các từ ngữ Tới viết về nàng  trong bài “Tạ Ơn Em “để miêu tả người phụ nữ Việt Nam đáng quý này:

                            Vợ em “chậm chạp, hiền lành”

                            “Hay bị ăn hiếp”, nàng đành bỏ qua

                              Đời lính em phải đi xa

                              “Tuyệt vời” nàng vẫn ở nhà chờ em

                              Vợ em chẳng thói bon chen                               

                            “Thương em hết mực” ơn Em suốt đời.

 Còn chuyện Tới tự nhận mình “xí giai” đã có vài câu thơ an ủi:   
                      

                             “Xí giai thì mặc xí giai

                              Đi đâu cũng có …lai rai bóng hồng

chứng tỏ chàng yêu nhiều nàng và cũng được nhiều nàng yêu.

 Nhưng cũng may cho Tới :

                                Qua rồi cái thuở lông bông

                                Tới đà có vợ thủy chung một lòng

                                 “Tạ Ơn Em” đã đi cùng

                                 Đường đời muôn ngã mình chung lối về.

 Luật bù trừ đưa đẩy Tới là người lính xa nhà chịu nhiều gian khổ nhưng đã có một hậu phương vững chắc, một mái ấm gia đình hạnh phúc, êm đềm cho chàng làm chỗ dựa nương đi về. 

Những tình cảm đẹp và cao quý trong các  câu chuyện Tới  nhắc đến đó là niềm tin  vào các đấng Bề Trên và  một đời sống tâm linh sâu sắc. Những lời cầu nguyện của người lính trong lúc gian nguy và đối diện trước cái chết cũng như kẻ thù đã giúp Tới vượt qua lửa đạn và có được sự bình an trong tâm hồn.

Cuối cùng là tình yêu dành cho quê hương thứ hai và  lòng tri ân nước Mỹ.  Tới viết: “Tôi tình nguyện đi đến nơi chiến tranh như vậy để phần nào trả ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi và dân tộc tôi. Nếu ai cũng suy nghĩ yếm thế như vậy thì lấy ai đi vào chỗ gian khổ, hiểm nguy góp phần mang cuộc sống an bình cho người dân Mỹ ở hậu phương…” hoặc “Quê hương tôi bây giờ là nước Mỹ…” Sự tri ân đó kèm theo tấm lòng hiểu và  thương, chia sẻ với những người Mỹ homeless vào mùa lễ Thankgivings, những người  đồng hương nghèo  khổ ở quê nhà cho thấy bên ngoài vẻ lạnh lùng chai đá của người lính ngoài mặt trận còn là những tình cảm sâu  lắng của một tấm lòng.

Hồi tưởng về những bài  được giải thưởng “Viết Về Nước Mỹ” trong những năm qua, Annie có các bài  “Chú Lính Mỹ Gốc Việt” giải Danh Dự năm 2014, “ Giọt Máu Rơi Của Người Lính Chết Trẻ” giải  Vinh Danh Tác Phẩm  năm 2015 và  giải Chung Kết năm 2016 bài “ Người Thương Binh Và Bóng Tối Còn Lại”. Một sự trùng hợp cả ba bài cùng có chung đề tài là người lính và chiến tranh nhưng khi gõ trước máy, Annie không có chủ ý chọn chủ đề này. Tận cùng sâu thẳm của tiềm thức, những người lính Việt Nam Cộng Hòa, lính Mỹ, lính Mỹ gốc Việt là nguồn cảm hứng liên tục ,vô tận , sâu đậm và đầy lòng cảm phục và tri ân họ. Với chút kinh nghiệm của người đã trải qua những năm viết lách, Annie chia sẻ với Tới chủ đề này, hy vọng Tới sẽ viết  mạnh viết hay hơn nữa, sẽ “Tự Vượt Chính Mình” với giải thưởng lớn nhất. 

Ngày Dec 5 2021, tại hội trường của đài SBTN, Việt Báo vẫn tiếp tục tổ chức lễ trao giải “Viết Về Nước Mỹ” sau hơn một năm tạm ngưng vì đại dịch Cô-vít . Những bài viết vẫn tiếp tục được các bạn từ khắp nơi gửi về. Những khó khăn còn đó nhưng truyền thống 21 năm “Viết Về Nước Mỹ” vẫn được duy trì với 16 tác giả vào chung kết. Nguyễn Văn Tới đã liên tiếp nhận giải Đặc Biệt 2017, giải Danh Dự VVNM 2018, giải Vinh Danh Tác  Giả 2019 và “Tự Vượt Chính Mình” với Giải Chung Kết 2021. Các bạn Việt Bút thường gọi đùa giải lớn nhất này là giải  “Hoa Hậu “ dành cho quý bà quý cô. Nam giới gọi là giải  “Nam Vương”. “Âm thịnh dương suy” vẫn có  trong các giải thưởng Chung Kết. Đếm trên đầu ngón tay gần đây có tác giả Phạm Hoàng Chương năm 2009, Nguyễn Trung Tây năm 2010, Lê Thị tức Cavin Trần năm 2012, tác giả Phan Hồ năm 2018 và năm nay 2022  tác giả Nguyễn Văn Tới.

 Nghe Tới tâm sự về vấn đề sức khỏe, trong diễn đàn Việt Bút, tưởng đâu chỉ có mình Annie xúi Tới về hưu, nào ngờ chị Phương Hoa, Cao Minh Hưng, Ngọc Ánh cũng đều suy nghĩ chung về chặng đường dài trước mắt của người lính Nguyễn Văn Tới tuy chưa gọi là già nhưng gối đã chồn, chân đã mỏi, vai đeo chiếc ba lô cao bằng người, chàng đã thấy nằng nặng hơn những năm qua.  Hình ảnh chàng vẫn kiên nhẫn đứng chờ ở phi trường, sau lưng là người vợ chụp vội tấm hình tiễn chồng lên đường ra mặt trận làm các anh chị xót xa cho người lính xa nhà. 

Sau ba mươi năm phục vụ hết mình cho nước Mỹ, “thỏa chí tang bồng hồ thỉ, yêu công việc mình làm và thực hiện được lý tưởng” , “To Be Or Not To Be, That’ s A Question” vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Cha mẹ đặt cho  cái tên  “Tới”, các anh chị trong Việt Bút cho nickname là Tới- Em, cả đời chàng xông xáo, kiên trì, mạnh mẽ  hướng về phía trước. 

Gõ đến đây tự nhiên Annie liên tưởng đến bài hát “Về Đây Nghe Em”. Bài này lời thơ ý nghĩa sâu sắc, âm điệu kể lể  thiết tha, trữ tình.  Annie đổi lời  rồi cười một mình, tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó Chiêu Hòa đến bên cạnh thỏ thẻ hát dụ dỗ  Tới rằng : “Lùi đi anh ơi, Lùi đi anh ơi. Lùi đi. Lùi số de, Anh nhớ lùi…. Sau đó mới“ Kể chuyện tình bằng lời ca dao. Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới… ( cho  thêm phần lãng mạn và tình tự quê hương ).

Tới hay lui, đi hay về, nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc, “To be or not to be, that’s a question”. Hãy lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình, hãy lắng nghe tâm tư của người bạn đời, hãy tự hỏi mình đã “tri túc” chưa? Hình như câu này của Nguyễn Công Trứ  “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc? Tri nhàn , tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” ? Biết đủ, là đủ, chờ cho đủ, bao giờ mới đủ ? Biết nhàn, là nhàn, chờ cho nhàn, bao giờ mới nhàn ?

 Năm nay, niềm hy vọng đã thành sự thật. Các anh chị em Việt Bút chúc mùng  “Tới luôn bác tài” đã quơ được giải Nam Vương Viết Về Nước Mỹ 2021 sánh vai cùng các Hoa Hậu Việt Bút.

                                  Bài viết thân tặng văn hữu  Nguyễn Văn Tới         

                                                Cali ngày 6 Dec 2021

                                                   Phùng Annie Kim

            


Ý kiến bạn đọc
10/12/202114:58:12
Khách
Cám ơn tấm chân tình của chị Annie và độc giả thương thằng em giang hồ lãng tử. Hình như ai sinh ra đều đã có số phận định sẵn cho mình, có muốn tránh cũng không được. Phiêu lưu nhiều nơi, xông xáo nhiều chỗ, nhưng vẫn vui và cười được trong những khoảnh khắc nguy hiểm cận kề. Mấy bài thơ vui, thấm thía của chị Annie, làm em thấy thấp thoáng chuyện đường dài của mình trong đó. Tạ ơn người, tạ ơn bạn hữu, và tạ ơn đời cho tôi được bình an sau những tháng năm sóng gió.
09/12/202112:18:41
Khách
Bài viết tếu và dễ thương lắm. Cám ơn chị Annie đã giới thiệu và quảng cáo "hoa vương" của VB 2021 rất ăn tiền. Một số bài viết của Tới em chưa được đọc nhưng những bài đã đọc thì rất hay và rất ấn tượng. Hy vọng sẽ tiếp tục được đọc thêm nhiều bài viết của chị và của Tới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 699,361
Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.
Năm 2021 đang đi qua, chúng ta hãy vui vẻ welcome 2022. Riêng tôi cũng như nhiều fans của FIFA, ngoài mong ước thế giới trở lại bình thường, là ước mong được xem giải World Cup tại Qatar trong không khí tưng bừng chớ không phải lặng lẽ như Euro và Olympic vừa qua.
Dân xứ lạnh Minnesota đang mùa đông lạnh lẽo băng giá mà được tới bãi biển đầy nắng và sóng nhỏ thì không tận dụng hưởng thụ sao được. Nhiệt độ ở bãi biển cỡ 75 độ tới 90 độ F rất mát mẻ. Trừ giờ ăn và ngủ thì cả 3 nhà chúng tôi người lớn và con nít suốt ngày bơi lội và hóng gió ở bãi biển này. Các du khách khác cũng ra biển rất đông.
Vào khoảng giữa tháng mười khi trời trở lạnh, báo hiệu thu tàn đông tới là cuộc sống của người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm cho các kỳ lễ lớn sắp đến. Đặc biệt năm nay, 2021, thì không khí tưng bừng náo nức lại càng rõ ràng hơn. Vì sao?
Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên
Nụ hôn vội vàng mà da diết trước cổng nhà đã khiến tôi tràn nước mắt “… Anh đi rồi, đường xưa có nắng không anh. Lá hoa còn đây, hay tàn theo tháng ngày ...?” Phố phường vẫn đông vui mà lòng tôi vắng chàng. Đêm Thánh Lễ những năm sau đó tôi không đến nhà thờ bởi không còn bàn tay chàng đón đưa, sưởi ấm. Tiếng nhạc đêm Giáng Sinh và tiếng chuông giáo đường như chạm vào trái tim nhỏ bé của tôi thành những vết thương đau buốt.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn.
Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Tôi bắt đầu biết đến chương trình VVNM vào năm 2017 khi đang đi công tác xa nhà, xa hằng vạn dăm ra khỏi nước Mỹ. Tôi đã đọc kỹ mục đích và tôn chỉ cao đẹp của Việt Báo. Tôi theo dõi và tìm đọc tất cả các bài viết của các cộng tác viên và nhận thấy đây là một ý tưởng tiên phong và duy nhất trên văn đàn Việt Nam hải ngoại do hai vị sáng lập Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ với mong muốn tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ luôn giữ gìn hồn Việt, văn hóa Việt, đồng thời vẫn thăng tiến trong xã hội, quốc gia mình đang sống.