Hôm nay,  

Muà Lễ Tạ Ơn

25/11/202100:00:00(Xem: 4930)
Đỗ Dung
Tên thật:  Nguyễn Đỗ Dzung, sinh năm 1947, cựu nữ sinh Trưng Vương, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn năm 1972, Thuyền Nhân, đến Mỹ năm 1980, hiện tại về hưu, vui thú điền viên, cư ngụ tại miền Bắc, California.


***

HINH VIET VE NUOC MY
Thanksgiving. (nguồn: www.pixabay.com)


Bước sang Tháng Mười Một, trời miền bắc Cali bắt đầu trở lạnh.  Gần 10 giờ sáng mà ông mặt trời vẫn còn như ngủ muộn, chưa chịu chui ra khỏi những tảng mây xám và màn sương như trải tấm lụa mỏng che phủ cảnh vật.  Không gian ủ ê, xám buồn.  Cali mới chớm thu, lá còn xanh.  Qua internet gần như khắp nơi, đặc biệt ở Canada và bên miền đông Hoa Kỳ lá đã đổi mầu. Thiên nhiên đẹp như tranh vẽ với màu sắc tươi sáng hài hòa, những rặng cây đỏ thắm, vàng tươi, vàng mơ đua nhau khoe sắc.  Lá vàng, lá đỏ rụng xuống dệt thành những tấm thảm dầy bao phủ mặt đất, thỉnh thoảng những chiếc lá khô cũng xào xạc bay theo gió hay  vỡ vụn dưới chân.  Sắc Thu rực rỡ nên mùa Thu quyến rũ khiến người ta ngất ngây.

Sang Tháng 11 cũng bắt đầu mùa Lễ Tạ Ơn - ThanksgivingTheo truyền thống của đại gia đình họ Đỗ chúng tôi, Thanksgiving là ngày “Family Reunion”, tất cả con cháu sẽ tụ tập tại Đỗ Gia Trang từ Thứ Năm đến Chủ Nhật mới chia tay.  Năm ngoái, năm 2020, vì bị nạn dịch Covid-19 ngăn trở, Đỗ Family Reunion đã được tiến hành qua Zoom.  Tuy không được cận kề bên nhau, nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì cả đại gia đình vẫn “gặp mặt”, vẫn nhắc nhở công đức của ông bà, vẫn ca hát, chuyện trò, vẫn rúc rích tiếng cười...

Nạn dịch kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt, thêm những rắc rối, hỗn loạn của mùa bầu cử, ngồi ngoài vườn, ngước lên trời tìm mây, dõi theo những cụm mây xám lờ lững bay mà tôi thở dài.  Tôi mong thời gian mau qua để nhìn thấy quê hương thứ hai của tôi trở lại thanh bình, vĩ đại, tốt đẹp như cũ. Hoa Kỳ sẽ lấy lại được sự kính trọng, mơ ước của mọi người trên thế giới. Một “promised land”cho những người đã phải bỏ quê hương mà đi.

Vì nạn dịch, mọi người phải giới hạn những cuộc gặp gỡ, hội họp, nhưng chị em chúng tôi vẫn “zoom meeting” hàng tháng và “face time” với con cháu thường xuyên.  Vì ảnh hưởng của TT Trump, dân Mỹ chia rẽ thành hai phe rõ rệt, bên bênh, bên chống, gây ảnh hưởng rất tai hại vào sinh hoạt của các hội đoàn, và ngay cả trong rất nhiều gia đình. Ngày trước bạn bè gặp nhau mừng rỡ, đồng đội xa cách thì thấy nhớ, thấy thương. Bây giờ tự dưng vì bất đồng chính kiến mà sự chia rẽ trầm trọng, ghét bỏ nhau, chửi bới nhau nặng nề hơn cả đối với cựu thù!  Vì đâu nên nỗi!?

May mắn thay, gia đình chúng tôi không vướng mắc phải cái nạn đau thương đó.  Từ thế hệ chúng tôi đến hàng con, hàng cháu đều vì nhớ lời dạy dỗ của cha mẹ tôi là các con phải đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau và bao giờ cũng phải giữ một cuộc sống có ĐẠO ĐỨC, LƯƠNG TÂM và TRÁCH NHỊÊM nên nếp suy nghĩ tương đối cũng gần giống nhau và không đưa đến bất đồng trong sự lựa chọn Tổng Thống của kỳ bầu cử vừa qua.

Từ trước 1975, với bầy con 12 đứa, cha mẹ tôi đã ấp ủ có một Đỗ Gia Trang, một dẫy nhà hình chữ U gồm 13 phòng lớn. Ông bà một phòng và mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ để khi ông bà về hưu thì gia trang này sẽ là nơi con cháu tụ họp vào những ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ hay dịp nghỉ hè. Ông sẽ cầm cây gậy chỉ huy của Ông để chỉ huy lũ cháu chắt.  Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười... Cha mẹ chúng tôi đã mua sẵn mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật hữu tình, nên thơ để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng ai ngờ, ngày 30 Tháng Tư 1975 oan nghiệt đã đến! Tất cả các  mộng ước của ông bà đều vỡ tan.  Nhà đã vẽ nhưng chưa kịp xây thì cha tôi, một sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH đã phải khăn gói đi tù cải tạo.  Hơn mười năm cha tôi đã nhục nhằn trong  vòng khổ ải từ trại Long Giao trong Nam đến Hà Sơn Bình ngoài Bắc, đến khi được ra tù thì đã sức tàn, lực kiệt.

Mẹ tôi rất giỏi dang, chịu thương chịu khó, cả đời buôn bán chắt chiu, cùng với cha tôi gây dựng cơ nghiệp và nuôi dậy cho anh chị em chúng tôi được nên người. Sau năm 1975, trong khi cha tôi phải đi tù, mẹ tôi đã phải chịu đựng lam lũ để kiếm sống và chăm lo cho các con.  Đến năm 1978 nhà mẹ tôi bị đánh tư sản, đồ đạc trong nhà bị kiểm kê, tài sản mất hết!  Biết là không sống được với chế độ này, lần lượt mẹ tung các con, từng đứa, từng đứa tìm đường vượt biển, chỉ còn giữ cô út ở nhà với mẹ để chờ bố.  Cuối cùng, 11 anh em chúng tôi cũng đoàn tụ trên đất Mỹ, lần lượt lập gia đình và sống rải rác tại hai tiểu bang Texas và Cali.

Mãi đến ngày 20 Tháng Tư năm 1990, một bầy con cháu ra phi trường San Francisco để đón ông bà và dì Út từ Việt Nam sang đoàn tụ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, đến tuổi bẩy mươi ông bà mới được gặp đầy đủ các con, thêm dâu rể và mười hai đứa cháu. Tổng cộng nhân số đại gia đình lúc bấy giờ đã lên gần bốn mươi người. Cha mẹ tôi vẫn luôn mong muốn mỗi năm con cháu phải có một ngày họp mặt đông đủ, cả nhà quây quần với nhau như mộng ước của ông bà ngày trước. Từ khi chúng tôi còn nhỏ, anh con trưởng được cha tôi đặc biệt dạy dỗ và khi anh đi  du học thì tôi là con gái lớn được ông coi như cái đầu tầu của đoàn xe lửa nhiều toa của ông. Quan niệm của cha tôi là anh em, con cháu phải giữ sợi dây liên lạc chặt chẽ và phải sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau.

Chúng tôi quyết định chọn ngày Thanksgiving, dịp mà mọi người đều được nghỉ và có một “long weekend” làm ngày họp mặt hàng năm của đại gia đình.  Những năm đầu, chúng tôi đã mướn một ngôi nhà thật lớn ở Lake Tahoe để cùng nhau đoàn tụ, chung sống dưới cùng một mái nhà. Cứ thế, như một truyền thống, không cần nhắc nhở mà cứ sau ngày Halloween là từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều kêu gọi nhau và ríu rít bàn về chương trình ngày “reunion”. Cô em thứ mười quen sinh hoạt Hướng Đạo, được giao vai trò trưởng ban tổ chức. Lịch trình sinh hoạt, thực đơn ăn uống và bảng phân công nhiệm vụ được niêm yết rõ ràng. Ngoại trừ các vị “bô lão”, tất cả mấy chục thành viên từ lớn đến nhỏ đều được giao việc hẳn hoi. Cô em Út rất chu đáo trong việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho tất cả mọi người.

Những năm đầu tiên các cháu còn nhỏ nên dù đông nhưng cả đại gia đình  vẫn có thể ở chung trong một căn nhà rộng bẩy hoặc tám phòng. Đám cháu choai choai mỗi đứa một cái “sleeping bag”, nằm ngổn ngang ngoài phòng khách, cười đùa rúc rích với nhau.  Cha mẹ tôi rất vui sướng trong những ngày có con cháu sum họp đông đủ.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông cụ mặc bộ pyjama trắng, đầu tóc bạc phơ ngồi bệ vệ trong chiếc ghế bành bên lò sưởi ngắm ba thế hệ con - cháu-chắt chơi đùa, bà ngồi trên thảm chơi với những đứa bé bò lổm ngổm xung quanh.  Ông bà ngắm nhìn con cháu với nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc.  Ông luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ đến cội nguồn và phải nói tiếng Việt với nhau, đứa nào nói tiếng Anh ông vờ như không hiểu để cháu phải nói lại bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ có lần cả đám trẻ đang ngồi chơi, líu lo tiếng Mỹ, ông bác cả ra nhắc to: “Speak Vietnamese only!” thì thằng cháu con của một cô em tôi khi đó mới khoảng mười tuổi đứng ngay lên, tay chỉ vào đám “cousins”: “Người Vịt phải nói tiếng Vịt!” làm cả nhà cười bò, ông cụ quay qua nói với ông anh tôi: “Đúng là ông bác gà tồ!” và phì cười vì bác nhắc cháu mà chính bác lại nói tiếng Anh. “Gà Tồ” là bí danh của ông anh cả khi còn nhỏ.

Cha tôi rất quan tâm về học vấn và luôn nhắc nhở chúng tôi “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà đông con, lại là một bầy nhiều con gái, cha tôi muốn các con của ông phải tốt nghiệp đại học để có thể tự lập về tài chánh, sau này khi lập gia đình không phải quá lệ thuộc vào nhà chồng. Về nghề nghiệp ông cũng cho các con tự do lựa chọn theo ý thích để trong tương lai anh em sẽ họp thành một xã hội nhỏ với đủ ngành nghề hầu có thể hỗ trợ cho nhau. Ông luôn nhắc nhở con cháu là con người phải sống có đạo đức, lương tâm và trách nhiệm.  Những lời giảng dậy của ông như in vào tâm trí chúng tôi.

Cứ thế, mỗi năm chúng tôi sống với nhau dưới một mái nhà ba ngày liền tại Lake Tahoe.  Ngoài bữa “Thanksgiving Dinner” chính với đầy đủ những món ăn đặc biệt cho ngày lễ: gà tây, thịt nguội, roast beef, khoai nghiền, đậu ve, cranberry sauce, salad, pumkin pie...nhà lúc nào cũng có một nồi phở thật lớn trên bếp và đồ ăn, bánh trái ê hề.



Sau mỗi bữa ăn, anh chị em quây quần quanh chiếc bàn dài chuyện trò, tán dóc như ngày xưa còn bé.  Có những năm tuyết trắng xóa, cả nhà ngồi bên lò sưởi bập bùng, ngắm tuyết rơi... không ngờ có ngày mình đã được sống trong cảnh thần tiên như thế.  

Đến năm 2014, vì duyên may, cô em Út của chúng tôi thấy một toà nhà lớn ở Colfax, miền bắc Cali quảng cáo “for sale”, nhà hai tầng rộng 9,000 square feet, có 15 phòng ngủ với nhà vệ sinh tiện nghi, nhà bếp và phòng ăn rộng rãi thoáng mát chứa được năm đến sáu chục người, toạ lạc trên một khu đất rộng hơn mười mẫu mà ngày trước từng là một “senior home”. Nghĩ tới Đỗ Gia Trang, nhớ đến nguyện ước của bố, cô Út đã mua và đem hết “saving” ra tân trang thành một căn “vacation home” có một không hai và hãnh diện vẽ bảng “Đỗ Gia Trang”treo ngay lên cổng vào tòa nhà. Thế là từ đó, Đỗ gia Trang- Colfax đã trở thành nơi tụ họp cố định coi như nhà tổ để cứ mỗi muà Thanksgiving là con cháu Đỗ Gia từ khắp mọi nơi lại “tung cánh chim tìm về tổ ấm”.

Theo thời gian cha mẹ tôi lần lượt quy tiên, ông anh cả và một cô em gái cũng đã ra người thiên cổ. Thế nhưng, tre già thì măng mọc, lá vàng rơi thì cây non lại đâm chồi.  Mỗi năm lại thêm mấy đứa bé ra đời, Đỗ Family ngày càng thêm đông. Đến nay tổng cộng đã hơn 60 thành viên. Mấy cô em tôi phải vẽ ra một “Family Tree” để mỗi khi gặp nhau lại đem ra làm màn đố vui cho bọn trẻ biết đến liên hệ họ hàng.

Ngày họp mặt Thanksgiving mỗi năm chúng tôi lại nhắc nhở và tri ân ông bà.  Ông Bà như tổ tiên của dòng họ Đỗ trên miền đất mới. Nhờ ông bà khuyến khích mà con cháu giữ được ngày truyền thống đáng quý này.  Cám ơn đất nước Hoa Kỳ, quê hương thứ hai đã cưu mang chúng tôi và cho chúng tôi cơ hội vươn lên, thành đạt, có một cuộc sống an bình, một tương lai phơi phới.  Chúng tôi nhắc đến những người đã khuất, thêm tên thành viên mới.  Xem lại những kỷ niệm cũ qua những hình ảnh, video để các người mới gia nhập vào đại gia đình như các cháu dâu, cháu rể và các chắt của ông bà biết về nguồn cội. Ban ngày thì từng nhóm có những sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi. Tối đến có màn văn nghệ cho mọi người thi thố tài năng và sau đó lập sòng tại chỗ cho mấy người lớn sát phạt nhau, dù ăn thua chỉ vài chục bạc nhưng lọt sàng xuống nia, ở nhà vui cười, đùa giỡn với nhau chứ không đi cúng cho casino bên ngoài!

Thấm thoắt thế là một năm đã trôi qua,  bây giờ đã bước sang Tháng Mười Một của năm 2021 chị em chúng tôi lại bàn nhau cho Thanksgiving năm nay.  Chúng mình có rủ nhau về tụ họp ở Đỗ Gia Trang không? Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được ổn định chưa? 

Sự đe dọa của Covid khiến mọi người vẫn ngơm ngớp lo lắng, lại thêm những biến thể nguy hiểm của con vi khuẩn khiến còn những ngại ngùng. 

Bạn tôi có một ông bác năm nay sinh nhật 110 tuổi vào Tháng Sáu, lúc cơn dịch đã giảm và mọi người đã được chích ngừa đủ hai mũi vaccine, sự đi lại cũng được nới lỏng nên con cháu từ khắp các tiểu bang quyết định cùng về thăm cụ để chúc mừng Đại Thọ.  Nào ngờ sau cuộc họp mặt hơn bốn mươi người đó khi về lại nhà thì 12 người bị dương tính với Coronavirus kể cả cụ ông.  May mắn là cụ ông bị nhẹ nhất nên chỉ bị cách ly tại nhà còn những người kia phải uống thuốc và sau hai tuần cũng mạnh khỏe và bình phục hoàn toàn.  Nghe chuyện cũng ớn quá!

Sau vài buổi hội họp, cân nhắc, bàn tán qua “Zoom meeting”, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức “Đỗ Family Reunion” năm nay.  Trừ những tiểu gia đình có con nhỏ chưa được chích ngừa, đại gia đình họ Đỗ sẽ lại hội ngộ, chung sống với nhau dưới cùng một mái ấm của Đỗ Gia Trang, Colfax- California suốt bốn ngày lễ Thanksgiving.

Suốt mấy tuần lễ qua, chị em chúng tôi đều háo hức, nôn nóng được gặp lại nhau “in real life”.

Tôi nhớ, thật nhớ đến những ngày Thanksgiving tụ họp đại gia đình.   Ước mong sao năm nay chúng tôi có thể tụ về đông vui được như những năm trước. Từng khuôn mặt các em, các con, các cháu hiện lên rõ nét. Cô em thứ mười của tôi với chương trình “Ước Mơ Việt” nếu gặp được các cháu, học trò của bà trẻ bằng xương bằng thịt mà khảo bài thay vì qua zoom thì vui biết mấy.  Cô em thứ tám đang vui với buổi văn nghệ “Muà Thu Cho Em” thành công rực rỡ dù nạn dịch chưa hết có thể gặp chị em mà kể những kỷ niệm đằng sau hậu trường. Chồng của cô em kế tiếp tôi, chủ tịch Hội Chu Văn An miền bắc Cali cũng đang vui với sự thành công của Đại Hội Chu Văn An toàn cầu năm nay được tổ chức tại San Jose có dịp chia sẻ niềm vui trực tiếp với cả đại gia đình...


Hơn 4 giờ chiều trời vẫn xám buồn, những vạt nắng vàng hanh còn đi trốn.  Tôi ngồi đây bâng khuâng thả hồn về ngày tháng cũ.  Nhớ lại những ngày đầu mùa dịch.  Khi có lệnh giới nghiêm mọi người phải ở yên trong nhà, không khí thê lương, hoảng sợ bao trùm.  Nhìn đâu cũng như thấy những con vi khuẩn lơ lửng bay.  Ở trong nhà mà ngày nào tôi cũng lấy Clorox lau chùi cẩn thận từ cái chốt nắm tay cửa đến mặt bàn và hễ cứ ra vào là phải rửa tay thật kỹ bằng thuốc sát trùng.

Sau vài tháng không ra tới cửa nên gần như ai cũng biếng để ý tới dung nhan, tóc tai lởm chởm nửa trắng nửa đen, quần áo lôi thôi, lếch thếch.  May là còn phone, còn internet nên bạn bè vẫn còn liên lạc tán dóc với nhau.  Một ngày tôi còn cuộn mình trong chăn, giường gối còn bừa bộn ngổn ngang thì một bà bạn bên Texas gọi phone, chả biết sao đụng nhầm nút facetime, cả hai đứa cùng rú lên rồi cười khanh khách khi thấy hai mụ già đối diện nhau... hahaha...”tao nhìn mày tao mới thấy tao! Sao mình già thế!”

Cô con gái phone hẹn sang đưa mẹ mấy cái khẩu trang đẹp mà một người bạn mới tặng, vài món thịt cá và rau tươi mới đi chợ về, vừa mở cửa ra cô đã thốt lên:

“Sao tóc mẹ bạc phơ thế, mẹ ăn mặc bê bối quá trông mẹ già sộc hẳn đi.  Mẹ chịu khó nhuộm tóc, ăn mặc đàng hoàng như mọi khi đi.”  

Vào tự nhìn mình trong gương cũng thấy dung nhan sầu thảm thật. Mình tự nghĩ cả ngày ở nhà có đi đâu mà phải sửa soạn, quanh qua nhìn lại cũng chỉ có hai ông bà già nhìn nhau.

Thằng con Út mới khôi hài, cháu mới ra trường đang tìm việc làm, text cho cả nhà khoe hôm nay interview online, nửa trên bảnh chọe còn khi đứng lên thì nửa dưới chàng vẫn để nguyên cái quần xà lỏn!

Ngoài những điều không vui về muà dịch cũng có những khía cạnh lạc quan. Gia đình gần gũi nhau hơn, có nhiều thì giờ với nhau hơn, có những bữa cơm gia đình cả nhà quây quần và mấy bà mẹ trẻ chịu khó nấu nướng hơn.  Bọn già chúng tôi thì bầy nhau ủ giá, tráng bánh cuốn, đổ bánh xèo, làm bánh dầy, bánh rợm... Con cháu không dám sang nhà ông bà thì bà chỉ gọi cho biết rồi nói sang nhà bà lấy, bà để sẵn trước cửa.

                                                    +++


Hai ngày vừa qua mưa gió lê thê.  Hôm nay bầu trời sáng, những vạt nắng vàng hanh bao phủ cảnh vật đem tươi vui đến muôn loài, tôi khoác chiếc áo len mỏng ra sân sau hưởng chút nắng ấm. Dạo này buổi sáng tôi thường nghe một buổi nói chuyện của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hoặc một buổi pháp thoại của Thầy Pháp Hòa, tôi thấy tâm thật thanh thản an bình. Tôi nhớ nhiều đến  những lời dặn dò của cha tôi khi chúng tôi mới lớn “ Hãy là một viên gạch tốt.  Mỗi đơn vị gia đình của các con hãy cố gắng là một viên gạch tốt, tất cả đều là gạch tốt thì xã hội, quốc gia sẽ là một ngôi nhà vững bền, đẹp đẽ, hoàn hảo.”

Thanksgiving là mở đầu cho mùa lễ hội, mùa của tình yêu thương và sự chia sẻ.  Xin mọi người hãy dừng lại, hãy nhìn vào bản thiện và lòng nhân trong mỗi chúng ta để khép lại những hỉ nộ ái ố của năm, tháng vừa qua.  Hãy hàn gắn những rạn nứt trong tình cảm gia đình, bạn bè... nếu đã lỡ xảy ra, trước khi quá muộn.  Hãy cùng người thân hưởng thụ một mùa lễ Tạ Ơn thật đúng nghĩa dù vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch. Happy Thanksgiving đến tất cả mọi người, mọi nhà!

Đỗ Dung




Ý kiến bạn đọc
25/11/202113:21:42
Khách
Bài viết thật hay, thật mượt mà, lôi cuốn. Đọc mà thấy cảm động và ngưỡng mộ vô cùng. Đỗ Gia Trang quả là diễm phúc nên có được một đại gia đình hoàn hảo đến như. Ông bà cụ đã dạy dỗ con cháu rất khéo, không dễ gì có được mấy gia đình Việt nơi Hải ngoại có cái hạnh phúc to lớn này. Đúng là một gia đình gương mẫu, đọc mà bắt.... ham.
Cám ơn chị Đỗ Dung đã chia sẻ. Mong được tiếp tục đọc thêm nhiều tác phẩm của chị.
HAPPY THANKSGIVING chị Đỗ Dung và taat cả các bạn đọc.
P.Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 699,382
Tôi biết chú Xuân từ lúc anh em còn học tập chung ở Học viện Võ Thuật Thần Phong trong căn cứ Không Quân VNCH Tân Sơn Nhất khoảng năm 1971. Cho dù không chung thầy, chung lớp nhưng chung một trường. Khi ấy chú trong nhóm thiếu niên Thần Phong còn tôi ở lớp quân nhân. Chú là một trong số Thiếu niên Thần Phong giỏi mà tôi biết. Biết thì biết vậy nhưng không thân cho tới mãi sau nầy, khi tất tả chạy qua đến Mỹ. Sau khi tôi bắt đầu gầy dựng lại võ phái Thần Phong ở vùng Bay Area miền bắc California vào cuối năm 1977. Nhân chuyến xuôi nam, vùng Hawthorn – gần Orange County – tìm thăm Võ sư Thần Phong Nguyễn Văn Lợi – huynh đệ đồng môn với thầy tôi là Võ sư Phan Văn Đức. Từ đó mối giao tình càng ngày càng sâu đậm, thân thiết; nhất là khi hai anh em đồng chí hướng, cùng tìm cách liên lạc với anh em Thần Phong cũ hiện ở Saigon để tiến tới việc phục hồi võ phái Thần Phong ở Việt Nam sau một thời gian dài bị chính quyền Việt cộng cấm đoán tối đa.
Năm 2021 đang đi qua, chúng ta hãy vui vẻ welcome 2022. Riêng tôi cũng như nhiều fans của FIFA, ngoài mong ước thế giới trở lại bình thường, là ước mong được xem giải World Cup tại Qatar trong không khí tưng bừng chớ không phải lặng lẽ như Euro và Olympic vừa qua.
Dân xứ lạnh Minnesota đang mùa đông lạnh lẽo băng giá mà được tới bãi biển đầy nắng và sóng nhỏ thì không tận dụng hưởng thụ sao được. Nhiệt độ ở bãi biển cỡ 75 độ tới 90 độ F rất mát mẻ. Trừ giờ ăn và ngủ thì cả 3 nhà chúng tôi người lớn và con nít suốt ngày bơi lội và hóng gió ở bãi biển này. Các du khách khác cũng ra biển rất đông.
Vào khoảng giữa tháng mười khi trời trở lạnh, báo hiệu thu tàn đông tới là cuộc sống của người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu nhộn nhịp, chuẩn bị mua sắm cho các kỳ lễ lớn sắp đến. Đặc biệt năm nay, 2021, thì không khí tưng bừng náo nức lại càng rõ ràng hơn. Vì sao?
Tôi ngồi ở băng ghế có bàn và lò nướng dành để pic-nic và nhìn ra phía bờ hồ cách đó khoảng bốn năm chục thước. Cọp nhỏ Khánh-An đang vọc nước, chơi với cát sỏi. Bác Hai thì đang đứng trên các ghềnh đá gần đó dạy cho Huy Khang cách cột lưỡi câu, gắn mồi, tung cần câu cá. Ông bà nội và ba mẹ Khánh An ngồi trên bờ gần đó phơi nắng… Khung cảnh như những đoạn phim quay chậm. Thỉnh thoảng có những chuyển động nhanh khi Cọp nhỏ Khánh-An chạy lên và kêu “Má Hai xuống nước chơi với An.” Tôi không mang theo đồ ngắn nên chỉ muốn ngồi trên bờ ngắm cảnh, thư giãn và đọc sách chứ không xuống nước. Khánh-An liên tục kèo nài nên tôi gấp lại cuốn sách đang đọc và đi xuống phía bờ nước. Nước hồ rất trong. Có thể thấy cá bơi lượn. Hai má con tôi lội trong nước tìm những miếng đá đẹp như thói quen mỗi khi chơi trong nước. Thỉnh thoảng má tôi kêu mọi người tụ lại chụp hình. Nếu có ai đang quay phim sẽ thấy cảnh hai má con Cọp nhà tôi nhảy tung lên, chân không chạm nước. Tíc-tắc đó sẽ đứng lại, hiện trên
Nụ hôn vội vàng mà da diết trước cổng nhà đã khiến tôi tràn nước mắt “… Anh đi rồi, đường xưa có nắng không anh. Lá hoa còn đây, hay tàn theo tháng ngày ...?” Phố phường vẫn đông vui mà lòng tôi vắng chàng. Đêm Thánh Lễ những năm sau đó tôi không đến nhà thờ bởi không còn bàn tay chàng đón đưa, sưởi ấm. Tiếng nhạc đêm Giáng Sinh và tiếng chuông giáo đường như chạm vào trái tim nhỏ bé của tôi thành những vết thương đau buốt.
Mùa Giáng Sinh đang đến, ngoài đường phố, chợ búa, và các cửa hàng đã tấp nập những màu sắc xanh đỏ, tươi vui. Trong cái Nursing home nhỏ bé này người ta cũng góp phần với niềm vui chung của mọi người, mọi chốn. Tại phòng khách lớn người ta vừa dựng xong một cây Giáng Sinh, trang trí những chiếc đèn đủ màu và những cây kẹo cong cong xinh xắn. Các ông bà già hàng ngày thường tụ tập nơi đây để cùng coi ti vi hay nói chuyện với nhau, còn hơn là nằm bẹp trong phòng riêng, coi ti vi một mình thì buồn chán quá!
Giáng Sinh năm 1990 là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đón trên đất Mỹ này. Tất cả đều vừa lạ lùng mà cũng vừa quen thuộc. Dĩ nhiên lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến sự tấp nập của các khu thương mại sầm uất. Những khu nhà giăng đèn nhấp nháy từ trên nóc xuống đến sân vườn.
Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.
Tôi bắt đầu biết đến chương trình VVNM vào năm 2017 khi đang đi công tác xa nhà, xa hằng vạn dăm ra khỏi nước Mỹ. Tôi đã đọc kỹ mục đích và tôn chỉ cao đẹp của Việt Báo. Tôi theo dõi và tìm đọc tất cả các bài viết của các cộng tác viên và nhận thấy đây là một ý tưởng tiên phong và duy nhất trên văn đàn Việt Nam hải ngoại do hai vị sáng lập Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ với mong muốn tất cả người Việt Nam trên đất Mỹ luôn giữ gìn hồn Việt, văn hóa Việt, đồng thời vẫn thăng tiến trong xã hội, quốc gia mình đang sống.