Hôm nay,  

Tiễn Vong 2020

29/12/202012:11:00(Xem: 8954)

Kim Loan
Đôi dòng về tác giả:
-Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966
- Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam
-Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993
-Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.

***



Tôi đã đón chào năm 2020 với niềm vui và hy vọng, bởi đó là con số đều và đẹp. Ngày đầu năm 1/1 tôi đã có mặt tại Arlington, Texas “xuất hành” về Houston, rồi trực chỉ New Orleans với tâm trạng bồng bềnh vì những dự định cho một năm mới đang đến.

Xong chuyến vacation, gia đình chúng tôi trở về nhà đang mùa băng giá nhưng cõi lòng ấm áp, chuẩn bị ăn Tết Canh Tý. Lúc ấy bắt đầu nghe tin về loại virus gì đó từ Vũ Hán bên Trung Quốc, gây chết người và lây lan mau lẹ. Tôi cười mỉm chi, ung dung tự tại: “Ối! Chuyện bên kia bờ đại dương, cách nửa quả địa cầu, hơi đâu mà lo!”. Tôi còn nhắn tin nhắc nhở bạn bè bên Việt Nam, chúc họ “bình an và bảo trọng”.

Rồi chỉ vài tuần sau, loại virus ấy đã bay đến Mỹ, tiểu bang California, New York và Washington, còn bên Canada có thành phố Toronto, Vancouver cũng …tiên phong trong việc “nhập khẩu” virus đáng sợ ấy. Tôi bắt đầu lắng lo, và việc gì đến cũng đã đến, con virus hiểm nguy đó được đặt tên COVID-19 bắt đầu tung hoành khắp thế giới với mức độ gia tăng chóng mặt. Tôi vốn là người “yếu bóng vía” nên vào giữa tháng ba, thành phố vừa ra thông báo nhắc nhở mọi người “stay home”, “stay safe”, tránh ra đường khi không cần thiết, tôi đã chủ động xin nghỉ làm vài tháng không ăn lương.

Đó là những tháng ngày u buồn chưa từng có. Cả thành phố bỗng hoang vu, vắng vẻ, khi luật “lockdown” có hiệu lực. Các hàng quán, shopping đóng cửa im lìm. Giá xăng rẻ đến mức không thể rẻ hơn nữa, khoảng 50 cents một lít, nhưng có “ma” nào dám đi đâu vào mùa này! Chiều chiều, tôi thay quần áo đi …đổ xăng ngoài đầu xóm, rồi tiện thể dạo “car ride” một vòng thành phố cho đỡ cuồng chân, vừa lái xe vừa thấm thía tâm trạng “đường thênh thang, gió lộng một mình ta!”.

Đến giữa tháng năm, mọi hy vọng Mùa Phục Sinh đẩy lùi Cúm Tàu thật sự vụt tắt, người chủ quan cỡ nào cũng bắt đầu lung lay niềm tin. Dân bản xứ da trắng chưa quen với việc đeo khẩu trang, nay cũng phải chấp hành, không còn tụ tập đông người, “ai ở đâu yên đó” mới chính là giúp xã hội, giúp cộng đồng.

Thật là khó chấp nhận, nhưng “nó” đã xảy ra, các sự kiện “đẹp” của năm “đẹp” đều đã bị huỷ bỏ hoặc dời lại vô thời hạn.

Đầu tiên phải nói đến Olympic Mùa Hè tại Japan. Chắc chắn số tiền thiệt hại không phải ít, vì chính phủ Nhật Bản hẳn cũng đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho Olympic từ cả năm trước. May áo quần giầy dép cho các vận động viên có số đẹp 2020, in ấn các pano quảng cáo, các bảng hiệu, các địa danh nơi chốn, nói chung là mọi thứ liên quan đến Olympic và con số 2020, để rồi cơn dịch đã phá hỏng mọi kế hoạch. Khác với Olympic Mùa Đông chỉ có một số bộ môn và một số khán giả nhất định, chủ yếu là dân xứ lạnh, thì Olympic Mùa Hè được xem là sự kiện lớn trên toàn thế giới. Bốn năm mới có một lần, với hàng tỷ khán giả (thống kê tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil là 3.6 tỷ người xem), nhiều bộ môn thi đấu, hấp dẫn người hâm mộ trên khắp hành tinh, trong đó có tôi. Nhớ làm sao những trưa hè, ăn ly kem mát lạnh trong phòng khách, thưởng thức các màn thi đấu bơi lội, thể dục dụng cụ, chạy đua tiếp sức, chạy việt dã … nay đã là dĩ vãng!


Tiếp theo là Giải Bóng Đá Châu Âu Euro 2020. Cũng giống như Olympic Japan, thì giải này cũng là sự kiện được các Soccer fans trông đợi, trong đó cũng …có tôi! Thú thật, tôi chỉ xem hai giải bóng đá lớn, đó là World Cup và Euro, dù tôi chẳng hiểu gì về bóng đá. Đừng hỏi tôi thế nào là việt vị, làm sao được phạt góc, vì sao có phạt đền (biết chết liền!), còn vụ thẻ vàng thẻ đỏ, tôi lại càng…không biết! 

Dù sao, tôi cũng phải thú nhận một điều, là giống như nhiều phụ nữ xem World Cup và Euro, tôi cũng xem bóng đá với cảm tính nhiều hơn. Thấy cầu thủ nào trẻ, đẹp trai, có duyên là …thích ngay và luôn, đội nào nhiều “trai hùng” với thành tích lẫy lừng là cứ theo ủng hộ là …chắc ăn như bắp (tình yêu không có tội!). Nhưng ít ra, tôi vẫn biết khi trái bóng vào khung thành đối phương là ghi bàn, và dĩ nhiên tôi cũng biết la hét, run rẩy hồi hộp khi xem đá phạt đền luân lưu để quyết định thắng bại cho hai bên, như vậy đã đủ điều kiện để làm fan bóng đá chưa nhỉ? Thế mà hè năm nay, chỉ vì con Cúm Tàu mà tôi mất đi niềm hứng khởi tưng bừng với Ronaldo, Mendy, Muller… hỏi sao không buồn, không tức?!


Với dân ghiền phim huyền thoại James Bond (một lần nữa, lại …có tui), thì lẽ ra từ tháng tư năm nay đã được chiêm ngưỡng người hùng “license to kill”, lãng tử lạnh lùng với sở thích thức uống độc đáo: Vesper Martini “shaken not stirred”. Lần đi vacation tại Cancun vài năm trước, tôi đã yêu cầu được uống món này tại quầy bar của hồ bơi, mấy anh bồi người Mễ nhìn tôi đầy chứa chan trìu mến, có lẽ mấy ảnh nhận ra tâm hồn “đồng điệu” cùng ái mộ điệp viên 007 làm tôi nổi hứng “xuất khẩu thành thơ”:

Martini, người có mời tôi uống?

Trời Cancun thấp thoáng bóng chiều rơi

Đôi mắt Mễ Tây Cơ như mỉm cười

Hồn du khách lênh đênh theo biển sóng…

Giờ đây, chắc rằng họ cũng như tôi, phải dài cổ đếm từng ngày để gặp lại Mr.Bond!


Nền kinh tế toàn cầu bị trì trệ, nạn thất nghiệp tràn lan là điều không tránh khỏi. Học sinh sinh viên nghỉ ở nhà, thương nhất là các em ra trường năm nay với con số 2020 tưởng như đầy may mắn. Con gái tôi cũng là nạn nhân, sau sáu năm dài trên giảng đường Đại Học, có ai ngờ mùa ra trường lại “buồn như chấu cắn”. Tội hơn nữa là các em tốt nghiệp High School vì đây là cột mốc đẹp nhất của đời học sinh. Bao công sức chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, nữ sinh thì áo đầm xinh xắn, nam sinh thì vest bảnh bao, hồi hộp mong chờ đến “proms” là điệu khiêu vũ đầu tiên của đêm dạ hội tuyệt vời. Đứa em họ bên chồng tôi ở Atlanta kể, con gái nó cứ nhìn bộ áo đầm treo trong tủ mà khóc nức nở. Thương con, đến ngày “ra trường”, bố mẹ ông bà và anh em trong nhà cùng nhau diện áo quần trang trọng, kéo nhau ra …vườn sau nhà, có trang trí đầy đủ bong bóng, hoa tươi, “nhân vật chính” mặc đầm thướt tha, đầu đội “graduation hood”, rồi chụp hình, chúc mừng ăn uống để nó đỡ tủi thân.


Cộng đồng Việt Nam hải ngoại cũng bị ảnh hưởng não nề, khi ngày Quốc Hận 45 năm trôi qua trong âm thầm lặng lẽ. Năm nay, nếu không có con Virus Tàu phá đám thì cộng đồng chúng ta đã có những hoạt động tưởng niệm ghi dấu 45 năm Quốc Hận, cùng ôn lại trang sử bi hùng của tháng 4/1975 cũng như truyền lại cho thế hệ mai sau ghi nhớ. Bởi vậy mà cô bạn của tôi, là thợ may, biết tôi không có khẩu trang để đeo mùa dịch, đã may tặng tôi chiếc khẩu trang Cờ Vàng làm kỷ niệm Mùa Quốc Hận 2020 u hoài.


Riêng cá nhân tôi, cũng có những dự định không thành. Chiếc áo dài của nhỏ em thân thiết bên Việt Nam gửi qua để tôi “diện” mừng Chúa Phục Sinh cũng còn nằm nguyên trong tủ. Cái áo đầm cô em kết nghĩa từ thời trại tỵ nạn, chăm chút kỹ lưỡng từng mũi chỉ đường kim để tôi được… “toả sáng” tại đám cưới của đứa cháu tại Seattle vào tháng sáu  cũng đành để đấy, (dự trù là sau mùa dịch, cả chiếc áo dài và áo đầm chỉ để …ngắm chơi, vì tôi sẽ không mặc vừa nữa). Lời hẹn bay qua San Francisco ăn Phở Gà chạy bộ gia truyền với cô bạn học cũng phải huỷ bỏ. 

Còn biết bao nhiêu thiệt hại khắp nơi, sẽ chẳng bao giờ có con số thống kê chính xác, nhất là thiệt hại về tinh thần, làm sao bù đắp cho đầy đủ?!

Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ chịu cảnh tê liệt này mãi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, niềm hy vọng sẽ vẫn thắp lên.

Thế là từng bước một, nới lỏng các quy định, các hàng quán, các cơ sở dịch vụ, các tụ điểm công cộng, nhà thờ, được mở cửa (dù là mở …he hé). Tôi cũng hào hứng đi làm lại, nghiêm chỉnh tuân thủ những “khẩu hiệu” ai cũng thuộc nhuyễn như cháo sườn: “ keep your distance”, “wear your mask”, “wash your hands”, “sanitize”.

Trở lại chẳng được bao lâu, chỗ làm của tôi có người bị dính Covid. Tôi lại phải ở nhà hai tuần “quarantine” và thử Covid Test. Trong lúc chờ đợi kết quả, tôi cũng bị chính gia đình mình cho “cách ly” trong phòng riêng, đeo mask trong nhà vì vẫn phải làm việc nhà nhất là chuyện cơm nước, tôi nấu riêng cho tôi, còn món nào của chồng con, tôi quăng mắm muối vào nồi theo kiểu ước chừng, mặn lạt …hên xui ráng chịu! 

Khi nhận kết quả “negative to Covid”, tôi vẫn chưa thật sự yên tâm, (con gái tôi bảo, bộ mẹ muốn positive mới chịu hả!), tôi vẫn sống như người …có bệnh, tiếp tục uống nước xả, gừng vắt thêm chanh và mật ong, thà… dư còn hơn thiếu!

Khắp nơi, xìu xìu ển ển, có lúc giống như sắp  “the end of the world”, xính vính tinh thần dữ dội. Tôi nói “tinh thần” vì tôi đoán chừng người Việt mình tại hải ngoại ít bị ảnh hưởng về tiền bạc, vật chất. Tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp mùa dịch đã có chính phủ chi trả đầy đủ, tuy không nhiều như khi đi làm, nhưng chắc chắn là đủ sống. Dân Tây dân Mỹ ăn xài hoang phí thì chưa quen, chớ dân mình, trải qua thời chiến tranh bom đạn, chạy loạn, bị cướp tài sản và đoạ đày kinh tế mới bởi “bên thắng cuộc”, ăn bo bo khoai sắn kể cả trong tù nhỏ (trại “cải tạo”) và tù lớn ngoài xã hội, rồi kéo nhau đi vượt biên, nếm mật nằm gai, qua trại tỵ nạn, nên chúng ta quá quen với chuyện “thắt lưng buộc bụng”. Đến xứ tự do này, ai cũng chí thú làm ăn, có “của ăn của để” dành dụm trong bank, (ngoại trừ một số người làm ít xài nhiều, có máu “bác thằng bần”, hút chích ăn chơi, hoặc mấy ông thích đèo bồng chán cơm thèm phở), thì đây là lúc xài chớ để làm chi, (mà có gì để xài trong thời buổi cấm chợ ngăn sông này!?)

Đến đầu tháng Mười Một, cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ rầm rộ hơn cả Cúm Tàu. Đương kim TT Trump lao đao vì Covid, là “vũ khí” duy nhất mà đảng đối thủ tận dụng để tranh phiếu vào Nhà Trắng. Cả thế giới hồi hộp “xem kịch” với hai nhân vật chính có nicknames do các “anh hùng bàn phím” trao tặng là “Đại ca Chum” và “ Bác Ba Đần”. Có người còn tin rằng, chính quyền Tàu Cộng đã tung virus đánh phá nước Mỹ, để trả thù “đại ca Trump”, có kết quả TT chính thức là hết dịch liền hà, thực hư thế nào, có Trời mới biết!


Cuộc bầu cử này “có một không hai” trong lịch sử Mỹ Quốc vì đã làm… dân Việt mình chia rẽ chửi nhau trên “phây” loạn cào cào. Tôi sợ mấy chuyện “trâu bò guýnh nhau ruồi muỗi chết” nên giữ thái độ “im lặng là vàng”, nhỏ em trong xóm thắc mắc:

- Bộ chị …hổng bị gì sao? Bà con hớn hở có, buồn bã có, tức giận có, rần rần kìa!

- Gỗ đá sao mà không bị?? Mà thôi, “lòng trần còn mơ vương khánh tướng, thì đời còn mưa bay gió cuốn”, mọi việc đã xong rồi, đừng khơi ra làm chi nữa.

Trong lúc mọi người chú ý vào chuyện bầu cử, thì lũ virus lì lợm bắt đầu trỗi dậy như bóng quế hồn ma, khiến số ca nhiễm và tử vong lại tăng lên, (lần đầu tiên có một thứ “made in China” sống dai hơn đỉa đói!). Nhiều thành phố lại cảnh báo bà con, hạn chế các dịp ăn uống họp mặt trong nhà, kể cả lễ Giáng Sinh và tiệc New Year.


Dù muốn dù không, tôi cũng phải đi shopping để mua một số thứ cần thiết cho gia đình. Chùa Bà Đanh vắng như thế nào tôi không biết, nhưng tôi bảo đảm shopping mall này vắng hơn … Chùa Bà Đanh, nhiều tiệm đóng cửa kín mít, không hẹn ngày mở cửa. Tôi bước vào tiệm quần áo yêu thích của tôi. Đây là tiệm khá đắt tiền vì hàng hoá chất lượng tốt. Bình thường tiệm này ít khi bán sale, mà có sale thì cũng chỉ 20-25% off , vậy mà giờ đây treo bảng bự tổ chảng: “ Everything 75% off” làm tôi cứ ngỡ mình nhìn lầm. Tôi lựa được hơn chục món, cô bạn đi chung cũng tìm được gần hai chục món (cô ấy bảo chờ hết dịch đem về Việt Nam cho anh chị em còn ở bển). Ra quầy tính tiền, cả khách lẫn người bán hàng đều mang bộ mặt buồn thiu. Theo lời cô nhân viên, tiệm đang thanh lý hàng hoá để chuẩn bị khai “bankruptcy”, dẹp tiệm, tôi nghe mà lòng đau khôn xiết, rồi mai này tôi sẽ mua quần áo ở đâu?!

Khệ nệ ôm bịch đồ về nhà, tôi kể nỗi lòng của mình cho ông xã, ổng nói:

- Nãy giờ anh thấy em đứng trước gương thử hết bộ này đến bộ kia, mỉm cười mãn nguyện vì mấy chiếc áo ưng ý giá …rẻ, có thấy buồn bã gì đâu?!

- Mình không mua thì người khác cũng mua. Anh nhớ hồi còn bên quê nhà, mỗi khi cắt cổ gà làm thịt, có khi con gà chưa chết hẳn mà giãy giụa trên sàn đất, người ta phải cứa thêm một nhát dao “nhân đạo” cho nó mau thoát kiếp, thì bữa nay em cũng vậy, mạnh tay mua nhiều nhiều để giúp cho tiệm mau …phá sản!


Giờ thì năm 2020 đang đi qua với những “kỷ niệm” …ám ảnh. Tuy nhiên, những tin tức tốt đẹp về vaccine vừa hé mở, chắc chắn năm 2021 sẽ là một năm tươi sáng. 

Nói có Chúa làm chứng, tôi mơ từng ngày từng giờ, các hàng quán sẽ mở lại rộn ràng, tôi sẽ đi ăn và order takeout thường xuyên (suốt thời gian qua tôi phải gồng mình đảm đang nội trợ, oải lắm rồi!), các rạp chiếu phim hãy sáng đèn, cho tôi được tái ngộ người hùng James Bond, các shopping centers không cần “sale” phần trăm nào hết á, tôi sẽ đi mua sắm, các hãng máy bay, các resorts hãy lên chương trình đón khách, giá cả không quan trọng, gia đình tôi sẽ đi du lịch.

Tôi chẳng phải “đại gia”, triệu phú, nhưng ai đó đã nói “tiền nhiều để làm gì?”, nghĩa là có nhiều xài nhiều, có ít xài ít (tóm lại là có nhiêu xài nhiêu), chúng ta sẽ hợp sức làm hồi sinh cuộc sống này.

Tôi tin rằng, rất nhiều người cũng giống như tôi, đang tiễn “vong” 2020 trong niềm hân hoan, không hề hối tiếc.


Edmonton, những ngày cuối năm 2020

KIM LOAN



Ý kiến bạn đọc
04/01/202120:54:03
Khách
Tôi chẳng phải “đại gia”, triệu phú, nhưng ai đó đã nói “tiền nhiều để làm gì?”
Bai viet cua ban rat giau ve hanh phuc va vui ve. Chuc ban mai hanh phuc.... voi James Bond tai gia va gia dinh
01/01/202100:13:04
Khách
Kim Loan viết rất hay từ nhiều bài tôi được đọc . Bây giờ mới chịu đến đây . Mong chờ các bài viết tiếp của Kim Loan
31/12/202020:08:38
Khách
Bài viết vui đã mang đến những nụ cười mím chi (rất cần thiết) trong mùa cách ly. Nếu tác giả không viết câu "Covid...là 'vũ khí' duy nhất mà đảng đối thủ tận dụng để tranh phiếu vào Nhà Trắng..." thì chắc bài viết đã chuẩn hơn. QViệt tôi đồng ý là phe đối lập đã dùng Covid để đấm đá ông Trump, nhưng đó không phải là "vũ khí duy nhất" mà chỉ là một trong những vũ khí chính đáng mà phe đối lập đã dùng. Ngoài Covid, đảng đối lập (và ngay cả một số lãnh tụ thuộc đảng Cộng Hòa) đã nêu ra những nhược điểm khác của ông Trump chẳng hạn như hành vi thiếu chân thật và gián tiếp ủng hộ những nhóm kỳ thị cực đoan...
31/12/202005:56:06
Khách
Dùng chữ nghĩa của bọn Hà "lội" hơi nhiều : Vận động viên , bóng đá, cảm tính, toả sáng , tuân thủ , chất lượng ,,,!
30/12/202006:22:56
Khách
Bài viết vui tếu, bây giờ cần những chuyện đem lại nụ cười như chuyện này. Mong tác giả viết thêm nhiều nhiều nữa.
29/12/202022:41:35
Khách
Bài viết hay lắm! Xin cám ơn tác giả. Chúc tác giả và gia đình một năm mới tốt đẹp, bình an và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,801,668
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Mấy năm gần đây, khi hai con đã lớn, chúng rời tổ ấm để đi học xa nhà, vợ chồng Tùng có thời gian rảnh rỗi làm những việc mình thích. Vợ chàng, sau những ngày đi làm ở hãng về, nàng lại lục đục trong bếp nấu ăn, làm bánh. Nàng siêng lắm nên tuần nào cũng làm đủ loại bánh rồi ép chàng ăn. Nhưng giờ tuổi cũng lớn, chàng sợ các loại bệnh nhà giàu như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, nên kiêng ăn tinh bột và đường
Nhạc sĩ Cung Tiến