Hôm nay,  

Tết, Nhớ Mùa Nước Nổi

13/02/202011:13:00(Xem: 8121)

 

Hinh Ngoc Anh
Trương Ngọc Anh trong Lễ Trao Giải Viết Về Nước Mỹ

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết  2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. bài viết mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

 

***

 

Má tui nói:

-Trước Tết cúng Ông Ngoại, sau Tết cúng Bà ngoại, nhớ nghen tụi bây.

Như vậy năm nào trước Tết và sau Tết nhà tui cũng có mấy đám giỗ. Hồi đó, những việc cúng quẩy mỗi năm do Ba Má làm, thêm ba ngày Tết không bao giờ thiếu sót.

Trước Tết cả tuần lễ, Má lo làm dưa giá, củ hành chua. Có lúc má làm mứt cà chua nữa, mỗi trái cà tròn vo, xẻ dọc 4 khía rồi ép dẹp xuống, lấy hết hột ra, ngâm nước vôi, để ráo, sên đường, phơi mấy nắng cho khô, làm thành món mứt cà rất độc đáo đẹp mắt, dùng đãi khách, và ăn Tết mà sau này tui không thấy ở đâu có bán.

Ngày ba mươi Tết theo thông lệ hằng năm, lúc Ba còn sống và sau khi Ba đã lên bàn thờ ngồi, Má tôi vẫn tiếp tục nấu mâm cơm cúng rước Ông Bà về nhà chơi ba ngày Tết cùng con cháu. Tuy nhiên, Má bỏ luôn không còn cúng Giao Thừa, vì buồn, vì từ trưóc tới sau, chỉ có “Ba tụi bây làm”.  

Trong thời gian ba ngày Tết, ngày ba bữa cơm sáng, trưa, và chiều, tụi tui sẽ tiếp má dọn bàn thờ, múc từng món ăn đã nấu dùng cúng và ăn những ngày Tết, cùng với bộ 4 chén cơm đầy, 4 đôi đũa, 4 cái muỗng. Như vậy, từ xửa  từ xưa, thức ăn đều phải dùng muỗng đũa riêng, còn tô canh, dĩa rau cải xào, hay cà ri gà, thịt kho trứng đều phải có sẵn muỗng lớn để múc. Thậm chí nước mắm chấm cũng phải đủ 4 cái chén nhỏ. Còn 4 ly trà, thì cứ một lát phải rót thêm trà, và châm đủ 3 lần. Tụi tui dù có đói rã họng cũng phải chờ sau khi cúng xong, nhang tàn rồi mới được phép ăn.

Thức ăn trong ba ngày Tết là phần Má làm, toàn những món như bánh tét, thịt kho dưa giá, khổ qua dồn thịt hầm, cary gà, con gà luộc còn nguyên đầu, đồ xào rau cải, nấu từ hôm ba mươi để cúng đúng giờ trưa rước Ông Bà về. Sau đó những thức ăn này được hâm nóng, hay chiên lại như bánh tét, bánh tổ, ăn ngon nhưng ngán muốn chết. Mùng một Tết, Má dọn mâm chay để cúng. Qua mùng 2 và mùng 3 sẽ dọn cúng thức ăn mặn. Mùng Ba là ngày cúng đưa Ông Bà đi. Tất cả những thức ăn còn dư sau Tết, Má sẽ dồn chung, nấu lại, biến thành nồi “xà bần”, tuy màu sắc không còn đẹp đẽ nhưng có vị rất ngon, nhứt là khi Má nấu nồi cháo trắng ăn với “xà bần” thì ngon tới mát Trời ông Địa. Bây giờ tui vẫn bắt chước Má làm món “xà bần”này để ăn.

Không biết những gia đình khác cúng kiếng ra sao, nhưng ở nhà tui thì những món ăn năm nào cũng giống nhau.     

Lúc Ba còn sống, phần việc chuẩn bị Tết của Ba mỗi năm đều làm rất trịnh trọng, bắt đầu từ những ngày cận Tết. Lúc đó nhà có một bầy con gái, tay thì yếu, chân thì mềm, tuổi vẫn còn quá nhỏ, cho nên Ba Má làm hết, tụi tui chỉ tiếp chút chút khi cần, thì giờ còn lại chạy chơi.  Còn nhỏ mà, chưa biết lo toan, ăn chưa no lo chưa tới mà, nên thực sự tui cũng không biết có khi nào Ba Má nhức đầu lo chạy tiền để gia đình ăn Tết không, chỉ nhớ là Tết năm nào Ba cũng cặm cụi đánh bóng lư hương, chưn đèn. Có năm Ba còn quét vôi tường trong nhà cho mới, ôm về mấy trái dưa hấu thật tròn trỉnh, rồi vẽ mấy chữ Tàu trên giấy đỏ, đặt trịnh trọng trên bàn thờ với bộ lư, cặp đèn cầy sáng choang. Bình bông chưng cành mai đầy nụ, Ba biết cách ép sao cho mai bung cánh vào Giao Thừa, hay mùng một Tết mới hên. Trong nhà và ở cửa ra vô phải có vài chậu bông vạn thọ vàng và mồng gà đỏ. Ba tui thích chưng bông hoa cho tươi nhà.

Tui nhớ có năm, Ba chở tui với chị Ba trên chiếc Vespa, chạy tuốt tới rừng mai trên đường ra Vũng Tàu, chặt mấy nhánh mai đem về chăm chút mừng Tết. Tui nhớ Ba ngâm nhánh mai trong nước lạnh để hãm nụ, tới Giao Thừa mới ngâm vô nước nóng để nụ mai nở nên nhà tui năm nào trên bàn thờ cũng có nhánh mai vàng rất đẹp. Chưn nhang, với cặp đèn cầy đỏ từ trưa ba mươi qua tới mùng 3 Tết không bao giờ dứt những cọng khói nhang ẻo lã bay lên, và ánh lửa chập chờn của cặp đèn cầy. Khi thắp nhang Ba hay Má thường chú ý coi, nếu tàn nhang cong vòng thì tốt lắm, chứng tỏ Ông Bà rất vui vẻ về cùng con cháu. Cặp dưa hấu ba mua lựa chọn rất kỹ, để khi xẻ ra màu dưa bên trong thật đỏ tươi, mới đem lại may mắn trong năm cho gia đình.

Cúng đưa ông Táo có dĩa kẹo thèo lèo cứt chuột và nhang đèn, là chuyện Ba làm.

Cúng Giao Thừa để đón năm mới, cũng là chuyện Ba làm, rất trang nghiêm.

Chiếc bàn nhỏ được đặt ngoài sân, chưng bình bông vạn thọ, ly nước, trái dừa tươi đã vạt mặt, dĩa trái cây, dĩa mứt, và 2 cây mía thật bằng nhau, cột hai đầu cho dính lại, đặt trước bàn thờ.

Cúng Giao Thừa xong, Ba đốt phong pháo. Khi tiếng pháo bắt đầu nổ đì đùng từ xóm trong ra tới mấy dãy cư xá thì Má đã thay quần áo mới, cùng Ba đi bộ qua bên Chùa gần nhà, trên đường Lục Tỉnh, để hái lộc đầu năm. Tụi tui muốn tới Chùa hay ở nhà Ba Má không bắt buộc. Thường thường chỉ có mấy đứa nhỏ chạy theo Ba Má, còn lớn hơn như hai bà chị và tui thì thích ở nhà cắn hột dưa, hay ra trước cửa coi bà con đốt pháo vui lắm. Điều đặc biệt là cả nhà đều thay quần áo mới từ giờ Giao Thừa trở đi, coi như chuyện phải làm. Mặc quần áo mới, khi ngủ, thơm mùi vải, tui thích lắm.

Sau giờ Giao Thừa, bà chị thứ ba thường cất cao giọng oanh vàng những bài hát mừng Xuân như …Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng, Xuân đến rồi đây nào ai biết không, mang những hoài mong đi vào ngày tháng, bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang…(Cánh Thiệp Đầu Xuân  của Minh Kỳ&Lê Dinh), Má tui rất thích, còn Ba cười mím chi lắng nghe. Tụi tui thì sau khi cất kỹ tiền lì xì của Ba Má, khoái nhứt túm tụm nhau ngồi trước cái máy truyền hình đen trắng nhỏ xíu coi cải lương hay mấy chưong trình Tân Nhạc mừng Xuân rất hay.

Không biết gia đình khác ăn Tết ra sao, chứ nhà tui, vì Ba Má là người Minh Hương, cho nên có vài tục lệ phải theo, như lời Ba dặn, là mấy ngày Tết không được gây gỗ, không nấu nướng, thức ăn nhiều món đã nấu từ ngày ba mươi, không giặt quần áo, không được quét nhà từ trong ra ngoài, mà phải quét từ cửa vô trong nhà, và cứ dồn rác vô góc, không bỏ rác trong 3 ngày đầu năm. Vì vậy mà ở góc nhà đầy vỏ hột dưa tụi tui cắn lách chách suốt ngày cho tới miệng đỏ như vỏ dưa.  

Ngày mùng 1 Tết sướng nhất, không phải rửa chén đâu nha, Má làm hết, sướng gì đâu, miễn là mấy chị em đừng gây gỗ để bị đòn, bị quở xui cả năm, còn thì chỉ có ăn và chơi. Đúng là “Còn Cha gót đỏ như son”. Vui nhứt lúc Ba xẻ trái dưa hấu để đoán hên xui, cả nhà xúm quanh hồi hộp. Trái dưa này để trên bàn, còn hai trái đặt trên bàn thờ có dán hai miếng giấy đỏ mấy chữ Tàu như Cung Chúc Tân Xuân, Cung Hỷ Phát Tài… tự tay Ba vẽ thì cứ để y đó, cho tới sau khi đưa Ông Bà đi vào mùng ba mới xẻ ra. Trong ngày đầu năm này, thường thường Ba Má dẫn cả nhà vô Sở Thú coi cọp, coi khỉ, cho voi ăn mía…và chụp hình với bông hoa đang nở đẹp. Mùng hai, mùng ba mấy chị lớn có quyền đi chơi với bạn bè, đi coi hát bóng…còn mấy đứa nhỏ hơn thì theo Ba Má đi chúc Tết bà con để được nhiều tiền lì xì.

Sau này, Ba mất rồi, tuy Má vẫn cúng kiếng đầy đủ, nhưng những ngày Tết nhà tui không còn vui nữa.  

 

***

 

Để bù lại những nỗi buồn, tui thích ngồi nghe má kể chuyện đời xưa, thời má còn nhỏ, 5-6 tuổi. Thời gian quay ngược gần thế kỷ, trời đất ơi, sao mà như chớp mắt.

Năm nay Má tui 95 tuổi, sống trên đất Mỹ từ năm 1975, coi truyền hình và nghe tin tức trên mấy đài phát thanh hàng ngày. Tổng Thống nhiệm kỳ nào Má cũng biết rõ tên, còn có ý kiến khen ông này chê ông kia… nhắc con cái coi ông nào ra ứng cử mà có lập trường chống cộng thì bầu nghen. Tuy là vậy mà chuyện Mỹ thì nhớ ít, chỉ biết ơn cưu mang và tiếc cho ba không được phước này; ngoài ra, trí nhớ về chuyện xưa quá rõ. 

Thuở đó, chưa có Ba “đi nhẹ vào đời” Má, chưa có tụi tui quẩn quanh bên Má từ nhỏ cho tới già. Mặc dù mỗi năm, Má vẫn nhắc, tụi bây nhớ, cúng Ông Ngoại trước Tết, cúng Bà Ngoại sau Tết nghen, nhớ chưa???, tụi tui vẫn dạ…dạ… má, vậy mà cho tới tận bây giờ, tui vẫn còn hỏi Má, Cúng Ông Ngoại trước hay cúng Bà Ngoại trước Tết vậy Má, thử ngẫm nghĩ ai đã bắt đầu lẫn, hay mấy chị em tui đã già khú hết rồi.

Nghe má kể chuyện đời xưa, quay ngược thời gian, vui lắm, cái thời mà…

Làng quê của má hả, nó là làng Mỹ Đức, tỉnh Châu Đốc đó. Dù Má được sanh ra trên ghe thương hồ, sống trên sông nước 4 năm, nhưng quê má vẫn là Mỹ Đức, nơi Má lớn lên.

Làng quê má không có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông gì hết, mà chỉ có mùa nước nổi, mùa cá linh, mùa làm mắm, mùa nắng với mùa mưa. Đở cái ở làng quê má hồi đó cây cối còn nhiều lắm toàn là cổ thụ.  Mấy tên gọi cây sao, cây gõ, Má chỉ biết hai loại cây đó thôi, còn những loại khác má không biết.

Má nói: sau này nghe Ba tụi bây nói là những loại cây quí.

Trong làng có cái Đình, trước Đình có lớn nhỏ cở 20 cây loại này. Có cây lớn lắm, bốn người lớn ôm mới giáp; còn cây nhỏ nhứt cũng vừa một người ôm. Lạ nhứt có mấy cây lớn, cở bốn người ôm đó, dưới gốc lại lõm rất sâu vô tạo thành cái hốc, như ăn khuyết vô tới nửa gốc cây, vậy mà cây vẫn sum sê đầy cành lá, che mát rộng tới sân Đình. Lúc má cở 6-7 tuổi, chơi cút bắt chơi trốn tìm, thường chun vô hốc cây đó trốn. Về sau ông Từ giữ Đình không cho tụi con nít trốn trong  hốc cây nữa. Trong làng, dân quê xài nồi đất, cà ràng, hỏa lò đều làm bằng đất sét dễ bể nên khi bị bể hết dùng được đều đem bỏ vô hốc cây. Về sau, có ai không biết, cất lên cái miểu nhỏ xíu, để bình nhang thờ gì đó, nghe người lớn nói thờ Thần, mà trong Đình đã có thờ Thần rồi nên má lại nghe có người nói Thần có khi ở trên những cây cổ thụ lớn như vậy, cũng có người nói quỉ ma cũng trốn trên mấy cây cổ thụ. Thiệt tình, không biết tin ai? Tối tối ở miếu này cũng có người tới đốt nhang lập loè, con nít sợ hết dám chơi gần.

Năm Má hết bịnh, làng có xây được một trường học, kế bên cái bót, cách nhà 2 căn, nên ông Ngoại cho má với người chị kế đi học, còn chị Ba, chị Tư không muốn học nên không biết chữ. Cái bót này thường thấy mấy người lính Pháp ngủ đêm lại, bót xây kiên cố, có cửa sắt vây quanh.

Trường học có 3 căn dùng để học, còn 1 căn dành cho Thầy Nhứt ở. Mỗi căn có một thầy dạy cả hai lớp, trường có từ lớp năm tới lớp nhứt. Học xong lớp nhứt thì thi bằng Tiểu học, khi thi phải lên Châu Đốc mới có phòng thi. Học trò lớp nhứt phải biết rành tiếng Pháp. Có bằng Tiểu Học là có thể làm cô giáo. Trong trường Má học giỏi lắm, được mấy Thầy thương, muốn Má theo nghề giáo. Ông Ngoại cũng muốn như vậy, nhưng má chỉ thích nghề mua bán mà thôi.

Quê Má, cở tháng Tám âm Lịch là mùa nước lên. Có người kêu nước lên, có người kêu nước nổi, sao cũng được. Căn nhà đầu tiên Ông Ngoại cất sau khi bỏ ghe thương hồ, ở tạm thôi, dựa bờ sông, thấp hơn đường lộ. Mùa nước nổi năm đó nước tràn vô nhà, cao tới cổ Má, nên Ông Bà ngoại cực quá trời, luôn canh chừng, kê ván chất đồ cao hơn mực nước. Trong nhà Ông Ngoại dựng cây tre cao, hể mực nước lên tới đâu, Ngoại vạch ngang làm dấu tới đó để coi mỗi năm mực nước lên cao thấp ra sao. Nhờ có chuẩn bị, nên mấy năm sau đở cực hơn.

Lúc lên bờ sinh sống để chữa bịnh cho Má, Ông Bà Ngoại chỉ tính ở tạm thôi, rồi sẽ trở về cuộc sống thương hồ. Nhưng mấy đứa con lớn lên, rồi đi học, nên Ông Bà quyết định ở luôn làng Mỹ Đức. Sau khi để dành được đủ tiền, Ông Ngoại mới tìm đất cất nhà chỗ cao, có móng đúc xi măng, cột, sàn làm bằng cây gõ, gỗ mun. Ông Ngoại có người bạn thân làm cây trong núi Thất Sơn (Núi Cấm) gởi cho bộ sườn nhà bằng gỗ quí, mừng lắm.

Năm sau, nước lại lên cao, Ông Ngoại phải dời đồ hàng xén lên chiếc ghe lườn với chiếc xuồng ba lá, còn cả nhà ở trong nhà cứ kê ván lên cao theo nước nổi. Gạo, mắm, muối, đều được dự trữ sẵn không sợ ướt. Mỗi năm nước lên như vậy mà Má không thấy nghe nói có ai chết hết, cá thì lội đầy sông vì nước từ trong đồng tràn vô làng. Nước nổi có màu đục lờ, chảy mau nhưng không có sóng, ông Ngoại nói toàn phù sa chớ bình thường nước trong vắt. Lục bình, rau muống theo nước nổi trôi đầy sông, tràn bờ. Khi nước lên như vậy tràn ngập đường lộ nên người làng đi lại bằng tàu, hay ghe, xuồng. Thuở đó, có hai chuyến tàu, chuyến lên Châu Đốc, chuyến xuống Long Xuyên. Tới gần cuối năm đó lúc nước xuống, người làng kêu là “nước dựt”, thì chị Ba của Má lấy chồng, gã về Long Xuyên, lúc mới 16 tuổi.        

Khi chị Ba theo chồng, Má khóc nhiều lắm, vì chị là người chăm nom săn sóc cho Má từ nhỏ. Chị Ba giỏi chuyện nhà tiếp Bà Ngoại rất nhiều. Tội nghiệp, chị xinh đẹp, lấy chồng nhà giàu mà phải làm dâu quá cực khổ, sanh được 2 đứa con thì mất, lúc đó mới 35 tuổi.

Sau khi chị Ba gã đi, Ông Bà ngoại không bán hàng xén nữa mà chuyển qua bán trái cây và các thứ đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ theo mùa. Kế đó anh Hai của má có vợ, dọn qua Xóm Chài ngang chợ Cần Thơ, mua bán trầu thì gởi trầu về Mỹ Đức cho Ông Bà Ngoại bán lại.

Mùa nước nổi năm đó, ông Ngoại chở trầu đi bán bằng ghe lườn có mui che nắng che mưa. Má được theo chơi, phải bận thêm áo mưa lá buông với nón lá. Hồi đó, nón lá đan bằng tre với lá buông, nặng chịch chớ không nhẹ như nón lá sau này. Tháng tám cũng là mùa tôm. Họ câu tôm bán rẻ lắm, một thùng thiết đầy tôm chỉ có 2 cắc (loại thùng đựng dầu hôi sau khi hết, họ xài cho chuyện khác như đong đo tôm cá), mỗi cắc là 10 đồng xu. Cả mười năm sau vẫn còn giá đó. Ông Ngoại chở 2 giỏ trầu (gọi là muôn hai), mỗi muôn có 120 bó trầu, đi bán ở chợ Cả Dầu. Ở đây, họ nhóm chợ bằng xuồng đông vui. Thời đó người dân quê ăn trầu nhiều lắm nên nghề này làm ăn được. Trên ghe Ngoại chất theo gạo, muối, cà ràng, chảo đất với 1-2 bó củi.

Ngày trước, vụ đếm trầu Má còn nhớ như sau:

-Chục trầu là 12 lá

-1 trăm là 12 chục

-10 trăm là 1 thiên

-10 thiên là 1 muôn 

-1 bội là 6 thiên

-1 giỏ là muôn hai

Vụ đếm trầu này tui nghe muốn điên cái đầu! Má nói, má Tư bây (Dì Tư chúng tôi gọi là Má) tuy dốt mà tính nhẩm đếm trầu không bao giờ sai.

Má được đi theo ông Ngoại bán trầu lần đó, thấy mấy người nghèo thiệt nghèo chèo xuồng cắt lá sen bán cho mấy ghe trầu để họ dùng gói trầu, mỗi bó 1 xu. Dọc đường bán trầu, Ông ngoại chọn mấy cây cao còn nhô lên cái ngọn, cột ghe lại để nấu cơm cho hai cha con ăn, Ông rang nguyên hai thùng tôm bằng cái chảo đất rất lớn đem theo ghe, rãi muối hột, phải rang mấy lần mới hết tôm. Số tôm rang này ăn chơi, bỏ đầu, chớ không ăn với cơm, ăn tới phát ngán, còn dư mới đem về vì ở nhà cũng có đầy cá tôm. Tôm càng thì ông Ngoại nướng, chấm muối ớt ngon lắm.

Mùa nước nổi dân quê nuôi vịt rất nhiều, khỏi cho ăn vì nước lên, trùn quấn cục trên đất, vịt tha hồ mà ăn. Má sợ trùn lắm, cho nên không thích ăn thịt vịt mùa này. Chắc vì Má sợ trùn mà đám con gái tụi tui đứa nào cũng sợ giống Má. Vùng nước lên, nhà nhà người ta không đóng cửa nên ghe xuồng buôn bán cũng dễ, cứ nghe kêu thì tấp vào ngay cửa. Má nhớ có lần xuồng ghé nhà đó, thắp đèn mù u leo lét, thấy bà già lưng khòm cụp xuống, ngồi ăn trầu với trái đủng đỉnh, mấy lá trầu xanh thì héo queo. Má biết trái đủng đỉnh, mọc thành chùm như trái cau, ruột cũng giống ruột trái cau, trái nhỏ cỡ ngón chưn cái của ông Ngoại. Ông Ngoại thấy tội nghiệp nên không bán mà cho bà mấy bó trầu để dành ăn. Bà mừng lắm, lính quính cho lại hai cha con cả đống mía, mấy buồng chuối sứ, ổi. Ngon nhứt là mía ngập nước nên rất ngọt và thơm mùi rượu. Nghe bà nói trái đủng đỉnh này ăn rất say, mới ăn thì bị xây xẩm mặt mày, ăn riết rồi quen, nó chát lắm, chát hơn cau. Bà nói nhà nghèo quá, giăng câu chỉ đủ tiền mua gạo mua muối thôi, lấy tiền đâu mua trầu với cau, nên phải ăn trái đủng đỉnh thế trái cau. Tội nghiệp bà ghiền trầu, thấy bà ôm trầu ông Ngoại cho như của quí. Bà còn nói trầu này Bà để ngoài một mớ ăn thôi, còn lại bà rang rồi để vô hũ ăn lần. Má nghe nói trầu rang thì lạ quá, muốn hỏi nhưng không dám vì Bà Ngoại hay dạy khi người lớn đang nói chuyện con nít không được xen vô, không lễ phép. Rồi nghe ông Ngoại hỏi:

-Trầu rang là sao? Bà nói:

-Bắt chảo nóng lên, để vài lá vô, trở qua trở lại cho nó hơi giòn thì sắp trầu vô hũ, lớp trầu, lớp lá chuối, trên cùng là lá sen, niền kín liền, trầu giòn ăn thơm và ngon lắm.

Lúc về, ông Ngoại nói với Má:

-Tội nghiệp bà ghiền trầu, đâu ai ăn trái đủng đỉnh thế cau, chết đó!.

Má nói trầu nhai chung với vôi và cau, trộn thành chất nước màu đỏ lòm, nhìn thấy ghê lắm nên má không dám thử. Sau này ở Cần Thơ, Má có vựa trầu, tới nhà người ta định giá trầu, được mời cũng phải biết ăn trầu nên Má có tập ăn để xã giao thôi. Bà Ngoại cũng biết ăn trầu, nhưng rất ít, Sau khi ông Ngoại mất, bà Ngoại ăn trầu liền miệng. Má hỏi thì bà nói ông chết Ngoại buồn lắm, ăn trầu say đở buồn!.

Những lời này Má nhớ tới giờ. Ăn trầu thì say, say quên buồn, nhưng ở Mỹ đâu có trầu mà ăn.

Nước đang lên nên ghe chèo trên mặt đường lộ bình thường xe chạy, ghe băng ra ruộng, chung quanh nước minh mông không thấy lúa. Má đi theo ông Ngoại lần đó, nhìn xa xa mới thấy một cái nhà, nước ngập gần tới nóc, lô nhô lên mặt nước, toàn ghe xuồng qua lại êm ả. Má nói đi theo ông Ngoại vui lắm, lo tát nước nên má không buồn ngủ gì hết, cứ tưởng tượng như ngày hội hoa đăng trong sách đọc. Mặt nước nhiều ghe xuồng, tới tối treo đèn sáng, họ câu tôm câu cá, ơi ới gọi nhau nói chuyện thân tình. Thỉnh thoảng Ông Ngoại ghé vô căn nhà  trên đường đi, thấy nhà không có ai, còn lu hũ trống trơn thì ông Ngoại đổ vô ít gạo cho, Má nhìn ông Ngoại giống như ông tiên trên trời xuống ban gạo cho người nghèo.    

Bán hết trầu, ông Ngoại mua cho Má 2 gói củ co, trái ấu luộc với 1 xâu sen gương ăn chơi.

 Ông Ngoại chỉ cho Má đi có một lần đó thôi mà má nhớ cả đời, vui quá chừng chèo ghe bán trầu mùa nước nổi. Mấy lần sau ông ngoại đi một mình không cho má theo nữa vì sợ có mưa ướt Má sẽ bị bịnh.   

Má nói, mùa nước nổi, mấy cây điên điển cũng nổi lên theo, trổ bông màu vàng hực, màu nghệ đó, dòm mút mắt ở hai bên bờ sông, tươi vô cùng. Bông lục bình màu tím trôi trên sông nước từng dề lớn, nước lớn trôi mau, nước ròng trôi chậm, cảnh trí nên thơ, đẹp quá chừng. Những ghe xuồng trên sông, đối đáp nhau, hò hát, không có đờn có trống gì đâu mà hay quá. Chị Ba của má không biết chữ, vậy mà chị hò hay lắm, trai gái xóm làng cũng ít ai biết chữ  mà cũng biết hò đối đáp rất vui. Nhà có cái xuồng ba lá cho chị em chèo chung quanh chơi. Thuở xưa đâu có máy chụp hình, máy quay phim gì, nếu có thì những hình ảnh này bây giờ đẹp biết bao nhiêu.

Làng quê mùa nào cũng đẹp, nhưng với Má, mùa nước nổi đẹp nhứt, ngắm ghe xuồng chèo qua lại, nghe mê những tiếng hò đối đáp trong trẻo, ấm lòng. Thỉnh thoảng mới có một chiếc tàu lớn ngang qua, dợn chút sóng rồi thôi. Chiều chiều có gió hiu hiu thổi mát, ngồi sau sàn nước dưới gốc cây gáo mát mẻ, thò chưn khuấy nước, hay vói tay hái trái gáo ăn. Trái gáo ăn ngon, khi chín có vị chua chua ngọt ngọt như trái cà na, khi còn xanh thì chát ngầm. Mùa lúa trổ bông thơm phứt, mùa nhãn còn thơm hơn nữa. Mùa sen nở, thơm bát ngát trời. Rồi mùa nước lên, cá đầy sông, những cảnh trí này làm sao Má quên được. Dân làng hiền lành không có trộm cướp, người dân có nghèo, nhưng không thấy ai đói. Bây giờ điên điển không còn một cây, nghe nói phải mua từ bên Thái Lan chở qua.     

Năm 2000 từ Mỹ má về Việt Nam thăm lại làng Mỹ Đức, thấy sao đồng ruộng khô cằn quá, sông cạn queo có thấy rất nhiều lỗ dưới đáy, Má hỏi lỗ gì vậy thì họ nói sông cạn hết nước, họ đào lỗ để có nước mưa đọng lại mà xài. Thấy thương. Còn nước uống thì sao? họ nói trong làng có đào cái giếng, để lấy nước uống. Bây giờ người ta chở nước từ Châu Đốc về bán, phải mua nên xài kỹ lắm. Trời ơi! đâu rồi ruộng đồng minh mông nước, tôm cá đầy sông như thuở của Má.

Chung quanh Đình không còn cây cổ thụ nào hết. Má gặp lại người bạn gái thuở đó, bây giờ già khọm nhìn không ra, cũng may còn cắt tóc bum bê nên má nhớ, hai người bạn cũ gặp nhau mừng quá trời.

 Bà bạn của Má kể:

-Bây giờ ở đây nhiều người nghèo đói lắm, sau năm 75 ăn cơm trộn bắp trộn khoai đủ thứ. Cái Chùa gần Đình cũng bị “những người mới” tới phá bỏ, nghĩa địa phía sau Đình cũng bị “họ” dẹp hết để chiếm đất!.

Bà con của Má cũng phải hốt cốt người thân đem về Cần Thơ chôn hay đem vô Chùa cho có hương khói.

 Má kể tới đây thì buồn, nên tôi nhắc má sắp Tết rồi. Năm nay má muốn tụi con tụ lại nhà Má ăn Tết thì tụi con chuẩn bị nấu nướng. Để con lãnh phần làm bánh tét nghe Má. Con cũng nhớ rồi, trước Tết cúng Ông Ngoại, sau Tết cúng Bà Ngoại há Má.

Nhà tui cũng có trồng được mấy cây điên điển, mà mấy nó chỉ có bông năm đầu tiên, hai năm nay toàn lá sum sê mà không có bông, chắc nhớ mùa nước nổi như Má, còn tui thì nhớ Cúng Ông Ngoại trước Tết, cúng Bà Ngoại sau Tết./.

Trương Ngọc Anh

   

 

 

Ý kiến bạn đọc
22/02/202017:04:31
Khách
Bài viết thật nhẹ nhàng và bình dị như tính cách người miền Nam, đưa ta đi về ký ức "hồi đó...". Nghe mới thấm thía làm sao!
17/02/202017:19:54
Khách
Xin cảm ơn cô NgocAnh Truong-tác giả bài viết đã đưa người đọc trở về cách đón tết của Nam Kỳ thời xa xưa-nhưng chưa xưa cho lắm. Về cách đón Tết ở miền quê của đất Nam Kỳ chắc có lẽ không khác nhau gì mấy. Nhưng ở quê con, có cái vụ "lép tuổi" nữa. Hồi đó vào các ngày mùng một, mùng hai và mùng ba, người lớn thường dặn ("hù") không cho con nít khóc, không được đánh nhau hoặc bị đánh, không được để cho té vì sẽ bị "lép tuổi". Con nít mà ai "hông" muốn được mau lớn để đừng bị nói là "đồ con nít, con nôi"...nên đứa nào cũng sợ. Bây giờ cái vụ "lép tuổi" không còn và con nít cũng không tin. Nhiều lúc thầm nghĩ, cầu mong cho cái vụ "lép tuổi" này có thiệt; để ngày Tết kiếm chuyện cho ông nào đó đánh năm, mười cái cho "lép" năm mười tuổi, để quay về tuổi thơ làm những việc chưa làm, muốn làm mà do hoàn cảnh không thực hiện được.....
14/02/202020:04:14
Khách
Tui đọc một hơi mà không ngừng lại được. Cả một khung cảnh làng quê Nam bộ thanh bình, yên ả. Cuộc sống người dân êm đềm, no ấm, tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy bồ....Tất cả được tái hiện một cách tài tình qua nghệ thuật tả cảnh, tả tình của tác giả. Cám ơn bạn thiệt nhiều nhen!(Tui người Nam bộ nên nói theo chữ của người Nam bộ)
14/02/202017:07:16
Khách
Ngày xưa bà con Nam kỳ dùng cà ràng để làm lò nấu bếp. Cà ràng chỉ cần dùng đất sét, hay đất thịt nhồi, nắn chung quanh cái khung dây kẽm, hoặc không có dây kẽm thì trộn trấu vào cho đất đỡ bị nứt, vì cà ràng làm ở nhà, không có lò nung để nung như lò tròn người ta làm chuyên nghiệp bán ở chợ. Cái cà ràng có hình dài và thấp hơn cái lò đất nung. Cà ràng chụm củi dễ hơn lò tròn, vì có cái bụng dài và cái vành phía sau để đỡ cây củi hổng lên, hơi gió lọt vào, củi đỡ bị tắt. Còn cái lò hình tròn, lòng sâu hơn dùng để đốt than thì hay hơn, vì than cần cái thành bao quanh để giữ hơi nóng.
Tím kể chuyện mà hay như viết văn vậy. Làm TB nhớ văn của Hồ Trường An, Nguyễn Văn Ba. Và nhớ hết phong tục, thức ăn ngày Tết của đất Nam kỳ mình xưa kia. Trí nhớ Tím rất sắc sảo về mọi việc, mọi sự ngày cũ ở quê hương, tên gọi đủ thứ ở miền quê, dù đã sống ở nước ngoài hơn 40 năm, thật là đáng phục. Tím biết cả cây sao, cây gáo, củ ấu, củ co, nhớ cả cách tính, đếm trầu ngày xưa... hay quá chừng. TB đọc mà nhớ miền Tây quá xá! Nói tới củ ấu với củ co chỉ có người miền Tây mới biết chúng. Nhứt là củ co, một loại củ dại ngon, cỡ ngón tay cái, màu đen, có những cọng râu đen bên ngoài, khi luộc chín xong, ruột có màu vàng, ăn bùi bùi mà nhân nhẩn, người ta nói "ăn nên thuốc"...
Ngày nay, nguyên nhân vùng đồng bằng miền Tây thiếu nước phù sa đổ về từ Biển Hồ bên Nam Vang, là vì bọn Tàu cộng độc ác chúng xây hàng chục đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mékong, bắt cả xứ Lào làm theo chúng, chận không cho nguồn nước con sông liên quốc gia này chảy xuống hạ lưu, phá hoại thiên nhiên các vùng hạ lưu trong đó có Cambodge và Việt Nam. Nước phù sa Mékong nay không còn đổ vào VN được nữa, ngược lại nước biển mặn lại xâm thực vào đồng bằng, làm hại cây cối, vườn tược, ruộng lúa VN không kể xiết. Vậy mà bọn cầm quyền VN vẫn ngậm họng làm ngơ cho giặc phá hoại đất nước mình. Đáng căm giận thay!
Cám ơn Ngọc Anh Tím rất nhiều. Chuyện kể thật hay, đầy ắp ký ức tươi đẹp đáng quý. TB xin chúc sức khỏe bác gái, người mẹ trường thọ, phúc hậu đáng kính của Tím.
13/02/202022:10:07
Khách
Đọc xong chuyện mà ngơ ngẩn, không dè bạn tôi viết hay quá, tôi là người nhiều kỷ niệm và gần gũi sông nước, nên đọc thấy gần gũi vô cùng. Nếu không nhắc trái Đủng Đỉnh và trái Gáo chắc tôi cũng quên nó luôn rồi. Cám ơn Ngọc Anh.
13/02/202021:53:21
Khách
Câu chuyện kỳ ức về mùa nước nổi miền Tây, An Giang Châu Đốc dọc sao hay và lôi cuốn quá chừng....tác giả thật có khiếu khi chuyển những câu chuyện của bà cụ thành văn xuôi, rất độc đáo !
13/02/202020:29:09
Khách
Rất vui và hào hứng khi "TUI" được đọc câu chuyện cổ tích "Tết, Nhớ Mùa Nước Nổi".
Văn phong người miền Nam của Tác giả Trương Ngọc Anh thật ngọt ngào, sống động và hay lắm!
KD xin gởi lời chúc tuổi Bác được bách niên trường thọ. Trí nhớ của bác thật tuyệt vời. Cảm ơn bác nhiều ạ.
Ptkd
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,802,028
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Nhạc sĩ Cung Tiến