Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

THĂM QUÊ TỔNG THỐNG CLINTON

27/01/202011:29:00(Xem: 7190)


Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009.  Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ. 

 
***

 

Viết tặng Hùng Yến thay một lời cảm ơn nồng ấm

                                           

         

Từ ngày tôi gặp lại Yến (con nhỏ bạn cùng học với tôi suốt 7 năm trời) tới nay cũng đã hơn mười mấy năm rồi mà tôi vẫn chưa có dịp đi thăm nó, trong khi vợ chồng Yến qua Cali thăm tôi đều đều. Lần nào, trước khi về thì vợ chồng Yến cũng mời mọc vợ chồng tôi qua chơi cho biết miền quê Tổng Thống, nơi mà nó nhận làm quê hương thứ hai đã hơn 30 năm, và lần nào thì tôi cũng hứa rồi… để đó. 

   Không phải là tôi chê cái đất “A Con Sò” (Arkansas) khỉ ho cò gáy, mà tại vì mỗi lần tôi dự định đi sang chơi với nó đều có chuyện khác… xảy ra. Nếu không là cùng nhau đi ngao du sơn thuỷ thì hoặc là tôi bận, hay nó bận. Thành thử, ngày tháng cứ thế trôi qua mà tôi vẫn chưa có dịp bước chân đến cái thành phố mang tên “Hòn Đá Nhỏ”.

   Tháng 10 năm ngoái, nhân dịp Southwest Airlines có đại hạ giá, đúng vào lúc cái thẻ “companion pass” (mua 1 vé được thêm 1 vé) của tôi sắp hết hạn, tôi mới nghĩ đến cái việc đi thăm bạn hiền, viếng thăm luôn quê hương ông Tổng Thống… “đẹp trai và nổi tiếng”. 

   Tôi rủ bà chị đồng môn Hồng Loan đi chơi chung với tôi.  Bà chị thích lang thang của tôi cũng vui vẻ tán thành. Thế là chị em tôi báo tin cho Yến sửa soạn để đãi đằng khách quý.

 

*

Chiều thứ Ba, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi chờ chuyển máy bay ở Phoenix, vợ chồng tôi và chị Loan, anh Đắc tới phi trường Little Rock.  Phi cơ đến sớm hơn giờ dự định nửa tiếng, thành thử chúng tôi bảo nhau cứ thong thả đi đến quầy lấy hành lý, nhưng không ngờ vừa ra đến nơi thì bác Tám Hùng đã chờ sẵn ở đó rồi. Phi trường nhỏ, ngày thường không đông đảo mấy nên hành lý được chuyển xuống nhanh chóng, chỉ chừng 15 phút sau là chúng tôi đã thấy được va-li của mình.

   Khi Hùng vừa cho xe vào sân thì Yến cũng vừa đi làm về. Ôm nhau chào hỏi thắm thiết xong chúng tôi theo chân Hùng, Yến vào nhà. Sau khi đem va-li vào phòng rồi chúng tôi xuống nhà, uống nước, nghỉ ngơi chờ chủ nhà làm cơm đãi bạn. Yến khoe là chiều hôm nay nó sẽ đãi chúng tôi món cơm tấm bì chả. Tôi ngồi nhìn nó làm cơm mà phục lăn.  Con nhỏ bạn của tôi, ngày đi lấy chồng chưa biết chiên cái trứng sao cho khỏi cháy bây giờ cũng đảm đang dễ sợ. Bì thì Yến đã ram thịt trộn trước mấy hôm cho thấm, chả trứng đã chưng ngày hôm qua chỉ việc hâm nóng lại, nước mắm pha sẵn và đồ chua lúc nào cũng có trong tủ lạnh, nên bây giờ nó chỉ cần nấu cơm, rửa rau và cắt dưa leo. Yến còn dạy tôi cách nấu cơm tấm bằng gạo thường, nó bảo, cứ bỏ gạo vào nồi, ngâm nước có bỏ chút muối khoảng 15 phút rồi vò mạnh, gạo sẽ gẫy ra và chỉ việc nấu là có… cơm tấm. Trong lúc chờ cơm chín tôi với Yến ra vườn hái rau thơm. Xứ “A Con Sò” lạnh lẽo tưởng là không trồng được gì, nhưng không ngờ con nhỏ bạn tôi cũng có một khoảnh vườn nhỏ đầy húng dũi, húng quế, dấp cá, cao nghều nghệu.

 

 

Sáng thứ Tư, sau khi uống café, ăn sáng rồi Hùng chở chúng tôi đi dạo chơi một vòng thành phố.  Nơi đầu tiên chúng tôi đến viếng thăm là thủ phủ của Arkansas, một bản sao của Toà Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Tòa nhà này được thiết kế theo phong cách bán cổ điển, cửa ra vào được đúc bằng đồng dầy, cao tới 3 thước. Sàn nhà, vách tường và những chiếc cầu thang to tướng cong vòng dẫn lên mấy tầng lầu đều được lát bằng loại đá Yule Marble, một loại đá cẩm thạch đặc biệt được đặt mua từ tiểu bang Colorado, bóng lộn. Xứ Arkansas giàu thiệt, nên vòm nhà thủ phủ được dát bằng vàng lá. Lộng lẫy như vậy nên thủ phủ Arkansas đã trở thành một địa điểm quay phim lý tưởng thay thế cho Toà Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Hùng bảo, nếu anh nhớ không lầm thì những bộ phim như Under Siege, Stone Cold, và Amistad đã được quay ở đây.

 
 Sau khi đi vòng quanh, chụp hình với khung cảnh bên trong, vườn hoa bên ngoài toà nhà, chúng tôi ra viếng đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam toạ lạc ở góc Đông Nam, ngay trong khuôn viên của thủ phủ. Nơi đây, có một bức tường đá đen nhỏ, kiến trúc tương tự như bức tường đá đen ở Hoa Thịnh Đốn, được khắc tên của 600 người con yêu của tiểu bang Arkansas đã hy sinh cho cuộc chiến Việt Nam, cùng với tên của 22 người được ghi nhận là mất tích.


5060-2           

Sau khi thăm viếng thủ phủ, Hùng chở chúng tôi ghé ngang qua Bill Clinton Center xem cho biết.  Không muốn mua vé vào cửa nên chúng tôi chỉ đi vòng vòng phía ngoài công viên, đi bộ trên một đoạn cầu Rock Island (bây giờ được đổi tên thành Clinton Presidential Park Bridge, chiếc cầu mang biểu tượng nối liền hiện tại với tương lai) bắc qua sông Arkansas. Ngày xưa, vào năm 1898, thì chiếc cầu này có một tuyến đường xe lửa, dẫn đến nhà ga Choctow (hiện thời là Clinton School of Public Service, một chi nhánh của Đại Học Arkansas tại Bill Clinton Center), nhưng đã được chuyển đổi từ năm 2011 thành một tuyến đường thể dục, dành cho khách bộ hành và “cua rơ” xe đạp vừa tập luyện thân thể khoẻ mạnh vừa dạo chơi, ngắm cảnh. Phía bên ngoài sân cỏ, đối diện với đầu cầu là một tấm bảng lớn, mang cả hai tên Rock Island và Clinton Presidential Park Bridge.  Tấm bảng có ghi chép tiểu sử của chiếc cầu này đầy đủ, từ lúc vừa chào đời cho đến ngày bị đổi qua một cái tên mới. Cũng trên tấm bảng này người ta đã gắn một tấm kính lớn, trong suốt, có những nét phác hoạ của một cái đầu tầu, mang số 51. Tấm kính này chiếu thẳng vào chiếc cầu, và nếu đứng đúng góc cạnh nào đó, phó nhòm khéo tay sẽ chụp được tấm ảnh của chuyến tầu 51 đang từ từ tiến vào nhà ga Choctow. 

   Vì ánh nắng chói chang, cố gắng canh mãi mà mấy ông phó nhòm của chúng tôi cũng không lấy trọn được hình ảnh của một chuyến tầu cho hoàn chỉnh nên chúng tôi cũng bỏ qua đi tìm chỗ ăn trưa.    

 

DSC02602 copy
Tiệm ăn đầu tiên ở Arkansas chúng tôi được Yến Hùng dẫn đến là tiệm Mike. Mới nghe qua cái tên tưởng là tiệm bán thức ăn Mỹ, nhưng khi đến nơi, nhìn hình ảnh phở, bún thịt nướng, mì thập cẩm, v.v… dán đầy bên ngoài khung cửa kính, tôi mới biết đây là tiệm ăn của đồng hương. Chắc Yến Hùng là khách quen của tiệm nên vừa bước vào chưa kịp tìm bàn ngồi thì bà chủ đã chạy ra niềm nở đón chào. Xa nhà (Cali), mà ngộ được cố tri (phở, mì, bún thịt nướng) thì cũng đỡ buồn!

   Hùng chở chúng tôi đi thêm một vòng ngoại ô thành phố, ghé ngang cái đảo nhân tạo ngắm cảnh sông nước, hóng mát một lúc rồi trở về nhà thanh toán hết cái món cơm tấm mà nhỏ Yến đã làm hôm qua. Ngày mai, chúng tôi sẽ có nguyên một ngày dang nắng, hy vọng sẽ tìm được may mắn của mình trong công viên kim cương nổi tiếng của vùng đất Arkansas.  

 

*

 

Ngày hôm sau, thứ Năm, Hùng Yến dẫn chúng tôi đi “đào kim cương” từ sớm ở Crater of Diamonds State Park, công viên kim cương ở phía Tây Nam Arkansas, nơi mà được quảng cáo là đã có hơn 75 ngàn viên kim cương được tìm thấy, trong đó có những viên kim cương đáng kể như Uncle Sam (40.23 carat), Amarillo Starlight (16.37 carat), Star of Arkansas (15.33 carat), Esperanza (8.52 carat), và Strawn-Wagner, viên kim cương hoàn hảo nhất thế giới. Ngoài kim cương ra, người ta còn tìm được những loại đá quý như ngọc thạch anh, hồng lựu, mã não… tại cánh đồng này. Đây là cái công viên duy nhất ở Mỹ mà cư dân và du khách có thể tự do đào kim cương, và nếu may mắn tìm được viên đá quý nào thì cũng tự do đem về nhà mà không cần phải trả thuế hay lệ phí nào thêm cả. 

   Thật tình mà nói, tôi không tin tưởng lắm vào cái vận may tìm được ngọc quý, bởi vì cái cánh đồng rộng 37 mẫu này đã được đào xới hơn trăm năm bởi các công ty kim cương Arkansas và Ozark, trước khi được trở thành State Park, thì cái việc tìm được đá quý hay kim cương ở đây còn khó hơn là tìm kim đáy biển.

   Thế nhưng tôi vẫn muốn đến, để nhìn xem cái công viên kim cương này nó như thế nào mà đã quyến rũ được cả du khách lẫn cư dân trong vùng, tiện thể, chụp vài tấm hình đi đào mỏ kim cương về… “triển lãm”.

   Lúc chúng tôi rời nhà thì trời có vẻ muốn mưa, nhưng khi đến nơi thì trời đổ cơn nắng gắt. May là, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho một ngày… phơi nắng ngoài đồng trống nên có sẵn nón rộng vành, khăn voan che mặt.

   Phải nói là những nhóm “thợ” đến đào kim cương rất lạc quan, đầy hy vọng, nên con đường duy nhất dẫn đến cánh đồng kim cương lúc nào cũng có những tốp người tấp nập ra vào. Giá vé đào kim cương cũng không rẻ, $10 cho người từ 13 tuổi trở lên và $6 cho trẻ em trên 6 tuổi, cho trọn ngày đào xới ngoài cánh đồng. Còn những người kiên trì đi tìm báu vật cũng có thể mua một xấp vé 20 ngày với một giá rất đặc biệt.

   Chúng tôi đi theo Hùng Yến, băng qua toà nhà bán vé để vào cánh đồng kim cương. Ở trước con đường đất dẫn xuống cánh đồng là một gian phòng nhỏ, bán thức ăn nhẹ, cùng cho thuê những dụng cụ đào xới như cuốc, xẻng, rây đãi đá, và xô nhỏ dùng để đựng đất đã đào… Có đủ mọi cỡ giá tuỳ theo khách hàng muốn thuê từng món một, hay “trọn gói” với tất cả những vật dụng cần thiết, bao gồm luôn cái xe cút kít nhỏ để khách hàng khỏi phải nhọc công khiêng vác. Nhưng tôi thấy chỉ có một vài người đến thuê (chắc là du khách), vì phần đông “thợ” đào kim cương ở đây đã đem theo đầy đủ những gì họ cần. Ban điều hành công viên cũng không cấm đoán việc thợ mang đồ đạc từ nhà đến, miễn là các công cụ khai thác này không phải là những cái máy dò/đào chuyên nghiệp.

   Vì không có mục đích đi tìm kim cương mà chỉ dạo chơi ngắm cảnh ngắm người nên chúng tôi không thuê mướn gì cả. Cánh đồng rộng thênh thang nên thợ đào rải rác khắp mọi nơi. Tôi cũng tò mò sắn quần đi xuống ruộng kim cương, đến gần một nhóm thợ xem họ đã tìm kiếm được những gì.  Nhưng đứng một hồi nhìn họ cứ xới hết xẻng đất này đến xẻng đất khác rồi lại lắc đầu đổ xuống hố lấp tôi cũng không thấy hấp dẫn cho lắm nên lại lội lên con đường đất chính dẫn vào trung tâm sàng lọc có mái che, gần khoảng giữa cánh đồng. Ở đây, có đến tám cái bồn nước to dài, nước đang xả từng hồi xuống mấy cái rây sàng đất rất nhịp nhàng. Người đứng vòng quanh mấy cái bồn nước này cũng đông không thể tưởng, ai nấy đều bận rộn, chăm chú gạn lọc đất trong cái rây của mình, mong mỏi tìm được một vài viên “sỏi màu”, lóng lánh.

   Chờ mãi mà không nghe có tiếng reo hò nào hết, chúng tôi buồn quá nên đành phải giã từ cánh đồng kim cương để đi thăm một thắng cảnh nổi tiếng khác của Arkansas.

   Rời Crater of Diamonds State Park, chúng tôi đi thăm thành phố Hot Springs, nằm trong công viên quốc gia Hot Springs, cũng ở phía Tây Nam trung tâm Arkansas, nơi có nguồn suối nước nóng tự nhiên chảy ra từ trong dãy núi Ouachita. Thành phố Hot Springs này, bây giờ chỉ có rải rác vài ba nguồn nước còn chảy thoải mái ngoài trời, còn những nguồn nước khác đã được thành phố và những nhà thầu khai thác để làm những nhà tắm suối nước nóng dọc theo đường phố chính được mang tên “dãy nhà tắm” (Bathhouse Row).

   Chúng tôi bắt đầu chuyến viếng thăm Bathhouse Row từ cái bồn phun nước ngay đầu công viên quốc gia Hot Springs, bên ngoài toà nhà hành chính. Ở đây, có một dòng nước nóng rất mạnh phun lên từ mặt đất và đã được dẫn vào một cái bồn cảnh có nhiều vòi xả nước, rất tiện lợi cho những ai muốn uống thử nước suối thiên nhiên. Tôi không biết là nước suối ở nơi này uống có ngon không nhưng khi vừa đến nơi tôi đã thấy có người đang hứng nước từ vòi vào những bình đựng nước, rồi chuyển ra chất trên cái xe truck nhỏ của ông. Trong lòng cái xe truck này cũng chứa đầy những bình nước đủ kích cỡ, lớn nhỏ khác nhau. Hùng giải thích:

   – Có nhiều người thích đi lấy nước suối đem về vì họ tin tưởng là uống nước từ những dòng suối này sẽ ngăn ngừa và chữa được nhiều thứ bệnh. Đôi khi, không phải chỉ có cư dân ở đây, mà nhiều người ở các tiểu bang lân cận cũng cất công lái xe qua hứng nước chở về nhà.

   Chúng tôi đi dọc theo con đường chính của thành phố suối nước nóng, vòng theo những con hẻm nhỏ loanh quanh vào xem những mạch nước lộ thiên chảy ra từ khe núi. Những mạch nước này rất yếu nên nước chỉ âm ấm chứ không nóng như dòng nước trong bồn cảnh lúc nãy. Chúng tôi đi dần về phía cuối phố và dừng lại chụp hình với hai cái hồ nước to nhất đang bốc khói mịt mờ. Tôi đưa tay vào khoắng thử nước, và phải vội vã rút tay ra vì độ nóng của nước trong hồ có thể làm bỏng tay nếu để hơi lâu. Nhưng tôi cũng nghe nói, tuy nước trong hồ có lúc nóng đến 140 độ F, nhưng những ngày trời lạnh, nhiệt độ của nó hạ xuống chỉ còn mức hơi ấm áp.

   Sau đó chúng tôi đi từ từ trở lại con đường chính để ngắm nghía những căn nhà tắm của Bathhouse Row mà ngày nay đã trở thành khu di tích lịch sử quốc gia. Bathhouse Row có cả thảy tám toà nhà tắm: Hale, Maurice, Buckstaff, Fordyce, Superior, Quapaw, Ozark và Lamar được xây dựng/ khai trương từ những năm 1892 tới 1923, đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa đổi, và… đóng cửa.

   Hai toà nhà tắm đã bị đóng cửa vĩnh viễn là Hale và Maurice. Superior đã được biến cải thành nhà máy beer duy nhất trên thế giới sử dụng nước suối nóng để làm beer. Còn Ozark thì được sửa sang lại thành Trung Tâm Văn Hoá Ozark, nơi trưng bầy các tác phẩm nghệ thuật.   

   Ngày nay, Lamar đã được sử dụng làm văn phòng cho nhân viên quản lý tài nguyên của công viên, kho lưu trữ, thư viện nghiên cứu và cửa hàng bán đồ lưu niệm. Du khách có thể mua những cuốn sách về lịch sử suối nước nóng, những quà lưu niệm có liên quan đến phòng tắm, chẳng hạn như đá mài, xơ mướp truyền thống, đặc biệt là xà bông, dầu, kem dưỡng da được điều chế bằng nước suối. Và nếu thích, du khách cũng có thể nếm thử những món nước giải khát hay café được nấu bằng nước suối nóng. 

   Nhà tắm Fordyce, từng là nhà tắm lớn nhất và đắt nhất trên Bathhouse Row. Ngày xưa, trong thời đại hoàng kim của Bathhouse Row, nó đã có thể cạnh tranh với dịch vụ tắm nước nóng của Châu Âu vì Fordyce cung cấp tất cả các dịch vụ tắm, xông hơi, đấm bóp, trị liệu bằng nước nóng và cơ điện tử. Hiện thời, Fordyce được sử dụng như một bảo tàng lịch sử và là Visitor Information Center, trung tâm cung cấp tin tức, dữ liệu cho du khách.

   Hiện tại chỉ còn lại hai nhà tắm Buckstaff và Quapaw là còn cung cấp dịch vụ tắm nước nóng và massage. Nhưng theo quảng cáo thì tôi thấy Quapaw có phần trội hơn Buckstaff. Khách hàng đến với Quapaw có thể chọn nhiều dịch vụ tắm nước suối nóng khác nhau, từ khu vực hồ tắm chung, đến bồn nước nóng tắm riêng (một mình hay với người thân yêu). Khách hàng cũng có thể thoải     mái ngồi trong cái động đá nhỏ hẹp được xây dựng trên dòng suối nước nóng để thưởng thức kiểu xông hơi tự nhiên của sức nóng từ dòng nước 140 độ đang toả ra và tập trung vào trong động. Các dịch vụ spa như massage, chăm sóc từ da mặt đến toàn thân của Quapaw sẽ giúp khách hàng thêm thư giãn và tươi trẻ.

   Nhân lúc Fordyce Bathhouse Visitor Information Center chưa đóng cửa chúng tôi cũng ghé vào xem, nhìn ngắm những cái phòng tắm nhỏ hẹp, chỉ đủ chỗ chứa một cái bồn tắm kiểu xưa, nhưng cũng có một góc nhỏ để thay quần áo. Sau đó chúng tôi lên lầu xem tranh ảnh lịch sử của một thời hoàng kim… nhà tắm, để thấy thương cảm cho thân phận những người da màu bị chèn ép, kỳ thị, bị tước đoạt đủ mọi thứ quyền, kể cả quyền… đi tắm!  Tôi cũng chịu khó đi hết một vòng phòng triển lãm, đọc tin tức trên những tấm bích chương, trong mấy cái brochure miễn phí, nhờ thế tôi mới biết thêm được ít nhiều về công việc trong những toà nhà tắm.

   Theo tài liệu tôi đọc được thì từ năm 1878 chính phủ liên bang đã bắt đầu cung cấp phòng tắm (bathhouse) miễn phí cho người nghèo tại vùng suối nước nóng này, không phân biệt màu da, nam nữ. Nhưng sau đó vì tin rằng nước suối có thể chữa bệnh, giúp được sức khoẻ nên những người khá giả hơn đã trả tiền để được vào tắm ở bathhouse. Dần dà rồi thì số tiền nhận được từ những người mua vé tắm nước suối đã trở thành một nguồn thu nhập đáng kể nên nhiều nhà kinh doanh đã bắt đầu xây dựng những nhà tắm tiện nghi và độc lập, dành phục vụ khách quen. Khi dịch vụ tắm nước suối nóng đã được nhiều người ưa thích hơn thì những người da màu nghèo khổ đã phải di chuyển đến tắm ở những nhà tắm xa xôi hơn, và chỉ… dành riêng cho họ.

   Tuy nhiên, những người da màu nghèo khổ này vẫn được phép bước vào những căn nhà tắm dành cho người da trắng dưới danh xưng “nhân viên phục vụ” vì từ khi có “ngành công nghiệp tắm” thì người Mỹ gốc Phi Châu đã trở thành những phần tử lao động quan trọng trong dịch vụ tắm táp này.

   Ban đầu, những nhân viên phục vụ nhà tắm làm đủ mọi thứ việc, từ việc thay quần áo, tắm táp, xoa bóp cho khách hàng, đến cả việc giặt giũ áo choàng khách mặc, cùng chùi rửa sạch sẽ trong, ngoài khu nhà tắm. Sau này chính phủ đã cho sửa đổi lại luật lệ để công việc của nhân viên được nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, những quy luật này bắt buộc nhân viên phục vụ phải qua một kỳ thi sát hạch, họ phải tham dự những lớp học căn bản khoảng hai tuần ở Department of the Interior (về sinh lý, vệ sinh thường thức, và ngay cả cách cấp cứu) trước khi được sắp đặt vào những công việc khác nhau. Hơn thế nữa, với sự giám sát chặt chẽ của ban quản lý, họ phải nỗ lực làm việc nếu muốn duy trì công việc lâu dài.   

   Với quy luật mới thì mỗi dịch vụ được giao phó cho mỗi nhân viên khác nhau. Chẳng hạn như nhân viên thay quần áo chỉ có công việc đưa khách hàng từ phòng đợi vào phòng thay quần áo và khoác lên người khách một cái khăn to, xong đưa khách sang phòng tắm, và lo việc chùi dọn căn phòng. Nơi phòng tắm sẽ có một chuyên viên “tắm”, phục dịch tận tình từ việc giúp khách thư giãn trong nước khoáng cho đến việc hầu tận tay khách ly nước giải khát. Nhân viên chườm nóng có nhiệm vụ “gói, bọc” cơ thể khách hàng trong những bộ khăn lông to ngâm trong nước suối nóng đã được vắt ráo, để giúp khách hàng thoải mái xông hơi trong gói khăn nóng đang ấp ủ. Dịch vụ massage lúc đầu là một phương pháp trị liệu, nay đã được chuyên viên xoa bóp sử dụng thường xuyên để xua tan mệt mỏi của khách hàng. Còn một công việc liên quan đến lãnh vực y tế được giao cho những chuyên viên đặc biệt khác là chuyên viên thuỷ ngân. Những chuyên viên này có nhiệm vụ bôi thoa một loại dầu thuỷ ngân cho khách tắm theo chỉ thị của bác sĩ để điều trị bệnh giang mai. Theo y học thì thuỷ ngân là phương thuốc điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh giang mai trước khi Penicillin ra đời.

   Theo lời giải thích trên tấm bích chương gắn ở gian phòng tắm thì tôi thấy công việc của các chuyên viên “tắm” vất vả hơn những công việc khác nhiều.  Họ phải biết kiểm tra nhiệt độ của nước nóng cho vừa vặn, không thể để cao hơn 98 độ F trước khi đưa khách hàng vào bồn tắm. Họ phải biết chà xát rất nhẹ nhàng, cẩn thận, để không làm trầy xước da hay đụng chạm vào vết thương của khách hàng. Điều tối quan trọng là họ phải biết áp dụng lối tắm tốt nhất đã được thực tập trong hai tuần lễ: “Tất cả những động tác chà xát phải rất nhịp nhàng, được hướng vào trung tâm của trái tim”, nhằm để giúp máu huyết có thể lưu thông một cách dễ dàng hơn.

   Từ dãy nhà tắm đi ra, thay vì đi ngược lại con đường thành phố chúng tôi lại đi theo con đường ngoằn ngoèo sau hai hồ nước lớn, leo thêm khoảng mấy chục bậc thang đá lên công viên Hot Springs, vừa đi tà tà dưới bóng mát những hàng cây vừa ngắm cảnh thành phố nhà tắm nằm bên dưới. Khi chúng tôi ra đến bãi đậu xe trời đã xế chiều. Chúng tôi lên xe trở về nhà Hùng Yến ăn tối rồi nghỉ sớm vì ngày hôm sau, chúng tôi sẽ làm một chuyến viễn du, “vượt biên” sang vùng đất Missouri “thám hiểm”.

 

*

 

Sáng thứ Sáu, chúng tôi dậy sớm để sửa soạn lên đường.  Chương trình này đã được Hùng chuẩn bị từ trước, chúng tôi sẽ vượt biên giới Arkansas/ Missouri, để đến vùng Eagle Rock nghỉ mát. Hùng đã mướn một cabin ba phòng nằm trước mặt hồ Chain-O-Lakes.  Hai bạn già của chúng tôi đã lo liệu từ thức ăn tới nước uống, và cũng không quên những món ăn chơi dọc đường như chips, kẹo chocolate, khô bò…

   Thời tiết hôm nay chợt đổi lạnh, trời có vẻ âm u. Chúng tôi vừa lên đến xa lộ là trời lác đác mưa, mưa nhẹ thôi, nhưng mưa suốt quãng đường từ Little Rock lên đến Balanchard Springs Caverns, nơi mà chúng tôi sẽ dừng chân thăm viếng trước khi vượt biên qua Missouri. Yến bảo đây là một hang động đẹp tuyệt vời mà chúng tôi không cần phải đi tìm kiếm ở một chân trời xa lạ nào hết.   

   Hang động Blanchard Springs là một hang động trong rừng quốc gia Ozark-St Francis, thuộc Stone County, nằm phía Đông Bắc của Little Rock, tiểu bang Arkansas. Hang động này được gọi là một hang động “sống”, vì cho tới giờ này thì các thạch nhũ vẫn còn đang phát triển.  Blanchard Springs Caverns có ba chương trình tour du ngoạn hấp dẫn: Dripstone Trail, Discovery Trail và Wild Cave, với mức độ dài, ngắn, khó, dễ khác nhau, và đều được hướng bởi các nhân viên kiểm lâm. 

   Cái tour ngắn nhất, dễ nhất và mở cửa suốt năm, mà ai cũng có thể đi được là Tour Dripstone Trail. Discovery Trail Tour chỉ mở cửa vào mùa hè.  Wild Cave Tour dài sáu tiếng đồng hồ, và phải ghi danh trước. Tour này chỉ dành cho những người ham thích mạo hiểm, không sợ tối tăm, dơ bẩn. 

   Khi chúng tôi đến nơi đã hơn 11 giờ rồi. Quầy bán vé chỉ còn vé cho tour Dripstone vào lúc 12:50 chiều. Cái Wild Cave Tour thì đã bắt đầu từ 9:30 sáng. Cũng tốt thôi vì chúng tôi cũng không đủ điều kiện “ắt có và đủ” để làm một chuyến thám du. 

   Trong lúc chờ đợi tới giờ đi du ngoạn, chúng tôi lấy bánh mì kẹp chả đã làm sẵn ở nhà đem theo ra ăn. Ăn xong bữa trưa rồi cũng chưa tới giờ “tham quan” nên chúng tôi chạy qua căn phòng triển lãm bên cạnh xem hình ảnh, tài liệu và đoạn phim nhỏ chiếu về thế giới ẩn mình trong lòng đất. 

   Qua những tài liệu tôi đọc được thì nếu muốn tìm hiểu kỹ càng về Blanchard Springs Caverns du khách nên tham dự cả ba tour du ngoạn. Tuy nhiên, cái tour Wild Cave đòi hỏi người tham dự phải có sức khoẻ tốt, vì phải leo lên những bờ dốc rất cao, trèo qua những ngách đá, bò dưới những trần hang thấp, và lội qua những đường mòn đất sét trơn trượt của phần hang động chưa được phát triển.  Người tham dự phải trang bị những trang phục như thợ hầm mỏ, nào là mũ cứng có gắn đèn soi đường, quần yếm, găng tay, giầy bốt để bảo vệ mắt cá chân, v.v…  

   Cái tour dễ hơn tour Wild Cave là Discovery Trail Tour, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ.  Đây là tour thăm viếng tầng giữa của hang động, cách mặt đất khoảng 365 feet. Tuy là một con đường mòn tuyệt vời dẫn đến dòng suối ngầm xuất phát từ Blanchard Springs nhưng vì phải đi bộ rất lâu, còn phải trèo lên khoảng 700 bậc thang, nên những người có sức khoẻ không hoàn hảo, hoặc có bịnh tim, hay khó thở đã được khuyến cáo là hãy tránh cái tour này.   

   Cái tour dễ nhất là Dripstone Trail, chỉ dài khoảng một tiếng đồng hồ, dẫn qua phần cao nhất của hang động. Đây là một con đường mòn rộng rãi, tuy có hơi dốc nhưng đi được hai chiều nên du khách ngồi xe lăn, hay những người lớn tuổi có thể đi lại dễ dàng.      

   Chưa tới giờ mở cửa mà du khách đã bắt đầu tụ họp trước lối vào hang động. Chúng tôi cũng bắt chước đến xếp hàng. Có khoảng chừng 20 người trong cái tour chúng tôi tham dự. Đúng 12:50, hai nhân viên kiểm lâm đến soát vé, rồi chỉ dẫn cặn kẽ những điều lệ căn bản như không được vượt qua rào cản, không đến quá gần và chạm tay vào thạch nhũ, vì chất nhờn và mồ hôi tay sẽ làm hại đến những cái thạch nhũ đang trong quá trình tăng trưởng. Sau đó tour chúng tôi chia làm hai nhóm, theo hai hướng dẫn viên vào thang máy để vào vùng thạch động. 

  
DSC02707
Theo những con đường mòn ngoằn ngoèo, rộng lớn được tráng xi măng, chúng tôi thong thả đi qua hai gian phòng hang động lớn, được chiếu đèn sáng choang và đẹp mắt để nhìn ngắm những thạch nhũ và măng đá đủ màu, đủ hình dáng, được tạo thành bởi con suối ngầm gần đó. Tuy không

nhìn thấy được con suối, nhưng chúng tôi cũng có thể nghe được tiếng nước nhỏ róc rách từ trên trần hang. Mặc dầu mang tiếng cái tour ngắn và dễ nhất, nhưng những con đường mòn của Dripstone Trail cũng có một độ dốc đáng kể. Tuy thế, nhờ có những thành lan can ở hai bên đường làm tay vịn nên du khách có thể đi lại thoải mái hơn. Còn những người đi bằng xe lăn chắc phải cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ của những người đi theo chăm sóc.

   Chúng tôi dừng chân lại ở một khoảng sân vuông có những băng ghế dài, nghỉ chân, ngắm bức tranh tuyệt tác được tạc bằng những giọt nước giàu khoáng chất trên vách tường trước mặt và nghe một nhân viên kiểm lâm ca ngợi về cách xếp đặt những ngọn đèn đủ màu chiếu sáng trong thạch động. Theo lời người này thì những ngọn đèn trong thạch động đã được thiết kế bởi một chuyên gia ánh sáng nổi tiếng, chuyên thiết kế cho những nhà hát nhạc kịch tầm cỡ. Thoạt đầu chuyên gia này chỉ dự trù có bốn tháng để thiết kế đèn màu thôi, nhưng không ngờ anh phải mất đến hơn sáu tháng để hoàn hành công việc, và kết quả là những bức tranh đá trong hang động trở nên lộng lẫy hơn nhờ có một giàn ánh sáng tuyệt vời. 

   Rời Blanchard Springs Caverns, chúng tôi trực chỉ Eagles Rock, Missouri, nơi mà Hùng đã thuê sẵn một cabin có ba phòng. Vừa lái xe Hùng vừa giải thích lý do mà chúng tôi phải tạm trú ở miền biên giới Missouri, trong khi tất cả những thắng cảnh chúng tôi sẽ viếng thăm đều nằm bên tiểu bang Arkansas. Khi lên mạng tìm phòng trọ, Hùng đã cảm thấy mến yêu khung cảnh yên tĩnh của những căn nhà ven hồ Chain-O-Lakes. Hơn nữa, giá cả nhà trọ ở Eagles Rock cũng nhẹ nhàng hơn ở vùng thị tứ Eureka Springs nhiều.  

   Chúng tôi đến nơi thì trời cũng vừa sẫm tối. Con đường làng ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến một  vùng nhà nho nhỏ ven hồ. Cái làng quê này có những căn nhà trệt như những căn nhà tiền chế, nằm riêng biệt, cách nhau một khoảnh sân con. Phía trước căn nhà nào cũng có một khoảng trống có mái hiên che, chắc là chỗ đậu xe. Duy có căn nhà chúng tôi sắp dừng chân ngơi nghỉ đây lại không có chỗ để xe, thay vào đó là một cái nhà kho to đùng, làm Hùng phải đậu xe ở phía ngoài, ven đường. 

   Vừa mở cửa bước vào chúng tôi đã thấy yêu thích cái địa điểm nhà nghỉ mát này ngay, vì từ khung cửa kính phòng ăn và phòng khách chúng tôi có thể nhìn thấy mặt nước mênh mông, phẳng lặng. Chỉ phiền một nỗi là căn nhà này chỉ có hai phòng, một căn phòng lớn có cái giường queen size nệm nhún kiểu Hong Kong, và một căn phòng dài sọc được ngăn đôi bởi cái tủ để quần áo có hai cái giường full size đơn giản. Vậy mà trong quảng cáo, chủ nhà đã nói rõ ba phòng riêng biệt.  Hùng bảo để sau khi về anh sẽ gửi thư than phiền với chủ nhà.

   Chúng tôi dành căn phòng lớn cho Hùng, tour guide kiêm tài xế, để Hùng có thể nghỉ ngơi lấy sức “làm việc” cho những ngày rong chơi còn lại. Tôi và chị Loan chia nhau hai cái giường đôi nhỏ.  Tội nghiệp anh Đắc, vì chiều “dài” có hơi quá khổ nên anh đành phải ôm gối ra ngủ ở salon phòng khách. 

 

*

 

Sáng hôm sau, thứ Bẩy, chúng tôi dậy sớm, ra chụp hình với cảnh ban mai sương sáng mờ ảo trước mặt hồ trước khi vào nấu café, ăn sáng với bánh mì sừng bò, trái cây mang theo, rồi sửa soạn đi chơi. Hôm nay, Hùng sẽ vượt biên trở lại đất nhà, qua vùng Eureka Springs ngoạn cảnh. Hùng nói Eureka Springs là nơi có rất nhiều lễ hội, được tổ chức vào những thời điểm khác nhau. Mùa hè ở nơi này có lễ hội về nghệ thuật, nếu chúng tôi ở lại thêm ít lâu nữa thì chúng tôi sẽ tha hồ ăn nhậu trong lễ hội ẩm thực bắt đầu vào tháng 11, còn nếu muốn tìm hiểu xem người Eureka Springs vui chơi trong ngày lễ Mardi Gras kiểu “Eureka Springs” như thế nào thì chúng tôi phải trở lại nơi này vào tháng Hai.

   Nơi đầu tiên chúng tôi đến viếng sáng hôm nay là nhà thờ kính Thorncrown Chapel, một nhà nguyện nằm trong một khu rừng yên tĩnh, xinh đẹp và được xem là một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất của nước Mỹ. Nó đã được xây dựng năm 1980 bởi kiến trúc sư E. Fay Jones, dựa theo hình ảnh của những ngôi trường miền thôn dã. Đây cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách đến thăm viếng vùng Eureka Springs và cũng là một nơi lý tưởng để tổ chức lễ cưới. Theo tài liệu trong cuốn brochure phát không cho du khách thì ngôi nhà thờ này được kiến trúc với những khung gỗ cao đến 48 feet, có khoảng 425 cái cửa sổ và hơn 6000 square feet kính trong suốt. 

   Hôm nay không phải Chủ Nhật nên chúng tôi không có cơ hội tham dự thánh lễ, thành thử chúng tôi chỉ đi vòng quanh khuôn viên nhà thờ chụp hình rồi bước vào bên trong khung kính khổng lồ để chiêm ngưỡng cái kiến trúc lạ lẫm có một không hai này. Nghe nói, tốn phí để trùng tu, duy trì cho vẻ đẹp khác biệt này cũng không phải nhỏ, nên mặc dù thắng cảnh này là một nơi viếng thăm miễn phí, nhưng khi bước ra thì du khách đều không quên gửi lại ít nhiều gọi là… góp một bàn tay.

   Theo chương trình Hùng đã soạn thì chúng tôi sẽ ghé ngang trạm xe lửa Eureka Springs để xem chúng tôi có muốn đi du ngoạn ngắm cảnh bằng xe lửa và thưởng thức những món đặc sản của địa phương hay không. Cứ như lời quảng cáo của các trung tâm du lịch thì đây là một bữa ăn khó quên trên tuyến đường xe lửa Eureka Springs và Tuyến Đường Sắt miền Bắc Arkansas (Eureka Springs & North Arkansas Railway).  Những nhà hàng du ngoạn này chỉ mở cửa từ tháng 5 tới tháng 10, vào bốn ngày thứ Ba, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bẩy. Có hai bữa ăn cho du khách chọn lựa:  bữa trưa chừng một tiếng rưỡi và bữa chiều khoảng chừng hai tiếng. Những chuyến du ngoạn này sẽ đưa du khách đi qua những khung cảnh đẹp như tranh vẽ của núi rừng Arkansas, cùng lúc được thưởng thức những món ăn ngon lạ tuỳ thuộc mỗi mùa.

   Nhưng khi đến nơi, đọc qua chương trình chúng tôi cảm thấy chuyến du ngoạn này cũng không mấy gì hấp dẫn, nên chúng tôi chỉ đi vòng vòng chụp hình với cái đầu tầu và bộ máy nguyên thuỷ đang được trưng bày trong sân ga, chụp hình với cái bảng to tướng “Welcome to Eureka Springs” trong góc đường rồi lại tiếp tục đi.    

  
20181020_155255 Rời trạm xe lửa Eureka Springs, Hùng cho xe chạy đến The Great Passion Play. Vừa đến nơi trời lại lất phất mưa, nên chúng tôi chỉ vào mua vé cho buổi trình diễn tối nay rồi trở ra phố ăn trưa rồi về nhà trọ nghỉ ngơi. 

   Buổi chiều, khi trời bắt đầu hết âm u chúng tôi lại trực chỉ The Great Passion Play. Tưởng đến sớm có chỗ đậu xe gần nhưng không ngờ nhiều người còn đến trước chúng tôi nên Hùng phải cho xe vào tận sân trong. Cũng tiện vì chỗ này gần với bức tượng Christ of the Ozarks và Berlin Wall, nhưng lúc về tài xế sẽ hơi chật vật với dòng xe cộ đông đảo đây.

   Từ chỗ đậu xe chúng tôi đi bộ vào đài tưởng niệm bức tường Bá Linh. Đây là một mảnh tàn dư đặc biệt mà The Great Passion Play có được từ sau ngày Berlin Wall bị phá vỡ.  Nghe nói mảnh tường khoảng 10 feet vuông này đã được chở từ Berlin qua tới Bremen, Đức Quốc, rồi được vận chuyển bằng đường thuỷ sang tới Port of Houston (Texas), trước khi được chuyên chở bằng đường bộ đến Eureka Springs. The Great Passion Play đã muốn dựng lên đài tưởng niệm này với mục đích tôn vinh tinh thần của tất cả những người đã dám liều mạng để thực hành đức tin Kitô giáo: “Mặc dù tôi đi bộ qua thung lũng tối, tôi sẽ không sợ hãi.” (Psalm the 23rd).  Dòng chữ này đã được một người Đông Đức viết rõ ràng trên mảnh tàn dư. 

   Sau khi chụp hình với đài tưởng niệm Berlin Wall xong chúng tôi theo chân du khách vào chiêm ngưỡng bức tượng Chúa Jesus cao thứ ba trên thế giới đã được ông Gerald L. K. Smith cho xây dựng. Bức tượng này cao 67 feet, chỉ thấp hơn hai bức tượng ở Poland và Bazil.  Bức tượng Christ of the Ozarks được dựng trên đỉnh núi, hai tay giang rộng như đang ban phước lành cho thị trấn Eureka Springs ở bên dưới. 

   Rời Christ of the Ozarks chúng tôi đi ngược về hướng Market Place để xem qua cho biết. Market Place là một khu đất rộng, nằm bên trong một bức tường thành, bao gồm nhiều khu vực khác nhau.   Chúng tôi đến nơi vừa vặn lúc David the Shepherd sắp sửa biểu diễn nhưng các lối vào đã chật cứng với người xem nên chúng tôi vòng sang công viên Noah’s Ark để nhìn ngắm mấy chú cừu, dê, chó, llama, ngựa, gà, vịt, thỏ, v.v… Ngay bên ngoài công viên Noah’s Ark là một cửa hàng nhỏ bán mấy sợi dây chuỗi xâu bằng hột thuỷ tinh, có hai cô bé bán hàng xinh xinh trong bộ áo váy làng quê đon đả chào mời. Cửa hàng này chắc chỉ được dựng làm cảnh thôi, chứ tôi có thấy khách hàng nào mua bán gì đâu, vì cách đó không xa tôi thấy có một quầy hàng bán nữ trang, với những bộ dây đeo, bông tai bằng vàng, đá thật, đủ màu. Chúng tôi không quên ghé qua gian hàng nặn tượng để nhìn nhà điêu khắc tạo hình tượng bán thân của Chúa Jesus bằng đất sét. Vừa hoàn thành tác phẩm của mình anh vừa nhắc nhở mọi người là hãy tôn vinh Chúa mỗi ngày qua hình tượng của Ngài. Nơi cuối cùng chúng tôi dừng chân ghé thăm là gian hàng đồ gốm. Ở gian hàng này chúng tôi được nghe người thợ làm đồ gốm nói nhiều hơn về Chúa, về những biểu tượng tượng trưng cho công việc của Ngài. Ông ta ví Chúa như người thợ làm đồ gốm, còn chúng ta là đất sét được nhào nặn dưới tay Ngài.  

   Từ Market Place chúng tôi đi sang đường ghé vào gift shop “window shopping”, nhìn thôi chứ không mua sắm gì. Ở gift shop ra vẫn chưa tới giờ “xuống rạp” nên chúng tôi vào Sacred Art Museum ngắm tranh sơn dầu của hoạ sĩ nổi tiếng Jack E. Dawson. Tranh ông vẽ đẹp thật, nhưng giá tiền không mềm mại lắm. Chúng tôi chỉ đi vòng vòng nhìn ngắm. Có lẽ bức tranh The Passion Tree là bức tranh đắc ý, nên tôi thấy ông cứ đứng quanh quẩn gần nó để sẵn sàng giải thích cho người thưởng lãm. Tôi cũng lắng tai nghe dù chữ hiểu, chữ không. Theo cái trí nhớ lờ mờ và sự hiểu biết của tôi thì cái bức tranh này kể lại câu chuyện cuộc hành trình theo Kinh Thánh qua 25 hình ảnh khác nhau trên mỗi quả cầu trang trí. Mỗi vật trang trí minh hoạ một sự kiện trong lịch sử. Trong The Passion Tree có vẽ những người đang đi trong bóng tối, và một số người mang theo ánh sáng.  Theo lời ông Dawson thì Chúa Jesus là ánh sáng, và Ngài đang chia sẻ ánh sáng của mình với tất cả mọi người…  Tôi và Yến bị thu hút với tấm “The Passion Tree” linh động ở trên tường, nên cứ đứng ngắm hoài cho đến lúc ông chồng tôi bảo sắp đến giờ rạp hát mở cửa chúng tôi mới bước ra.   Nhưng trước khi dời bước chúng tôi không quên ghé lại quầy cashier “đóng góp”.  Yến mua mấy cái post cards nhỏ để dành, còn tôi mua tấm tranh vẽ The Passion Tree thu gọn trên vài trang giấy đem về từ từ tìm hiểu. Người hoạ sĩ cũng không quên ký tên vào trang cuối cùng của bức tranh, dưới hàng chữ “May God Bless You”, cho tôi làm kỷ niệm.  

   Chúng tôi theo chân người đi dần xuống những bậc thang xi măng vào tìm chỗ ngồi. Vé không có số, nên ai muốn ngồi đâu thì ngồi, vì ở chỗ ngồi nào khán giả cũng nhìn thấy được toàn cảnh sân khấu rộng lớn, sáng choang ánh đèn. Đây là một vở kịch vĩ đại nhất được biểu diễn ở sân khấu ngoài trời. Nghe nói có đến 150 diễn viên và rất nhiều động vật đã dự phần vào buổi trình diễn này.   Theo Randall, giám đốc của The Passion Play, thì năm nay The Passion Play đã có được 50 năm kỷ niệm, và đã có gần 8 triệu người đến Eureka để thưởng thức vở kịch Phục Sinh truyền thống, miêu tả khổ nạn của Chúa Jesus, từ những thử thách, đau khổ cùng đương đầu với cái chết.   

   Mới tháng 10 mà trời Arkansas lạnh ngắt.  Cho dù đã chuẩn bị kỹ càng với áo jacket dầy, khăn len đội đầu nhưng vì rạp hát ngoài trời trống trơn nên tôi cũng run rẩy vì gió lộng bốn bề thổi tới. Hùng đã phải đi ra ngoài phòng vé mượn mấy cái chăn đem về cho chúng tôi đắp đỡ, che chân. Vậy mà mấy người đóng kịch thật hay, nhất là người đóng vai Đức Chúa Jesus, không hiểu sao anh có thể chịu nổi cái giá lạnh của trời đêm Arkansas trong manh áo trắng mỏng manh, lại còn bị rách tả tơi. 

   Vừa tan vở kịch thì ai nấy cũng đều vội vã bước ra khỏi rạp để mong có thể ra khỏi bãi đậu xe nhanh chóng. Vì đậu xe ở sân trong nên chúng tôi bình thản ngồi ủ ấm trong xe để đợi tới lượt mình. Chừng về gần tới nhà trọ thì ai nấy cũng đều cảm thấy đói nên Hùng vòng xe trở lại McDonald’s mua mấy cái burger, khoai chiên về để ăn khuya. 

 

*

 

Hôm nay, Chủ Nhật, chúng tôi sẽ giã từ căn nhà ven hồ ở Missouri để trở lại thành phố “Hòn Đá Nhỏ”. Con đường hôm nay hơi dài, nhưng chúng tôi chỉ chạy thẳng về nhà nên chúng tôi cũng không hấp tấp. Trước khi ra về, chúng tôi đã nán lại chụp thêm với căn nhà ven hồ vài tấm ảnh.   Hùng còn cho xe chạy một vòng trong khu vực để xem những căn nhà gần đó khang trang tới đâu.  Chừng ra đến biên giới hai tiểu bang, chúng tôi không quên ngừng xe lại để chụp hình với tấm biển “Welcome to Arkansas - The Natural State”.  Về tới địa phận Little Rock trời vẫn còn sáng lắm, nên Hùng chở chúng tôi đi viếng chùa Bát Nhã, để biết qua cảnh chùa vùng anh ở, rồi chúng tôi trở ra phố ăn phở Thành Mỹ trước khi về nhà.

 

*

 

Ở đâu cũng không bằng nhà mình, nên sau khi về đến nơi, ngủ một đêm thẳng giấc chúng tôi thấy khoẻ làm sao. Sáng thứ Hai, chúng tôi thong thả ăn sáng, uống café rồi đi chơi tiếp. Nơi chúng tôi đến ngày hôm nay là Công Viên Tiểu Bang Petit Jean (Petit Jean State Park), nằm ở phía Tây Bắc của Little Rock, trong quận Conway, giữa dẫy núi Ouachita và cao nguyên Ozark. Công viên này nổi tiếng với cảnh đẹp tự nhiên, có thác nước, nhiều hang động, hẻm núi, rất thích hợp cho những buổi dạo chơi ngoạn cảnh. Công viên này còn có một cái hồ nhân tạo, bên bờ hồ có một cái quán nhỏ với những dịch vụ cho mướn thuyền, vật dụng câu cá, v.v… rất tiện lợi cho những người thích bắt cá, chèo thuyền. Ngoài ra, công viên cũng có nhiều cabin và đất cắm trại dành cho du khách nào muốn ở lại lâu hơn để có thể hoà mình vào cảnh đẹp thiên nhiên.   

 

  20181022_102208
Trước khi đi vòng theo con đường xi măng có lan can dẫn ra mấy cái viewpoint ngắm cảnh, chúng tôi dừng lại ở tấm bảng gắn ngay bên cổng vào để đọc mấy lời giải thích tại sao cái công viên này được mang tên Petit Jean. Sau này tìm hiểu thêm thì tôi mới biết được công viên Petit Jean đã có một huyền thoại tình yêu lãng mạn, nó đã được đặt theo tên của ngọn núi mà một người phụ nữ Pháp sống vào thế kỷ thứ 18 đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng. Chuyện kể rằng Adrienne Dumont là một người phụ nữ trẻ ở Paris. Sau khi biết được người yêu của mình, Chavet, sẽ tham gia vào cuộc thám hiểm vùng đất hoang dã Louisiana, cô đã cắt tóc, cải trang thành một chàng trai trẻ, tìm việc làm trên tàu thuỷ để có cơ hội cùng đi với người yêu đến vùng đất mới. Nhưng khi vừa đặt chân đến vùng núi này cô đã bị một căn bệnh không tên quật ngã. Trước lúc lâm chung, cô đã tiết lộ thân phận của mình cho Chavet biết, nói lời xin lỗi người yêu, và ước nguyện được chôn cất ở tại đây. Cô được nằm yên bên góc núi, trong một nấm mộ rất đơn sơ, dưới cái tên mà cô đã được mọi người biết đến là “Petit Jean” hay “Little John”. 

   Tuy công viên có nhiều con đường mòn dẫn tới nhiều viewpoint để ngắm cảnh nhưng vì không có nhiều thì giờ và cũng không chuẩn bị cho buổi ngao du sơn thuỷ nên chúng tôi chỉ đi vòng vòng dạo chơi trên đỉnh núi, chụp ít tấm hình với phong cảnh hùng vĩ của núi rừng làm kỷ niệm. Chúng tôi còn dám cả gan leo ra ngoài mỏm đá to trong một góc công viên, gần Stout’s Point để cố lấy được hình ảnh của thung lũng Ada và con sông Arkansas đang lờ lững chảy phía xa xa. Chúng tôi cũng không quên ghé ngang phần mộ của Petit Jean, gửi một lời chào ngưỡng mộ đến người con gái đã hết lòng sống chết với tình yêu. 

   Rời Petit Jean Park, Hùng lái xe đưa chúng tôi đi vòng qua một con đường khác, đến Cedar Falls Overlook để ngắm nhìn cái thác nước cao 95 feet này. Nhưng ở nơi này nhiều cây cối quá, và hàng rào cản cũng khá cao nên chúng tôi khó có thể chụp được toàn cảnh của Cedar Falls. Nghe nói, có nhiều con đường mòn đưa đến chiêm ngưỡng Cedar Falls một cách hoàn hảo hơn, nhưng con đường nào cũng dài và cũng rất gập ghềnh, thành thử chúng tôi cũng chỉ đứng nhìn quanh quất một lúc rồi đi.

   Hôm nay, chúng tôi sẽ ăn trưa ở Mather Lodge Restaurant, một nhà hàng ở lưng chừng núi Petit Jean, cái nhà hàng có những khung cửa kính trong suốt, vừa ăn khách vừa được thưởng thức một khung cảnh tuyệt vời. Tuy Hùng đã báo trước là những món ăn ở nhà hàng này chỉ tàm tạm thôi, nhưng chúng tôi thấy món nào cũng đậm đà, ngon miệng, không biết có phải vì cảnh đẹp hay không? Dùng bữa trưa xong, chúng tôi ra ngoài sân ngắm cảnh. Ở phía ngoài này, không bị vướng víu mấy khung cửa sổ, nên chúng tôi có thể nhìn thấy cảnh núi rừng bao quát hơn và nghe được tiếng nước đổ từ Cedar Falls ở gần đó. Nhưng nếu muốn nhìn thấy thác nước rõ ràng hơn chúng tôi phải đi theo Cedar Falls Trail, nằm ngay bên hông nhà hàng để đi xuống phần hạ lưu của thác. Theo lời “quảng cáo” ghi ở trên tấm bảng phía đầu trail thì con đường mòn này dài khoảng hai miles thôi, ước tính thời gian đi về cũng khoảng chừng hơn tiếng đồng hồ, và con đường này cũng không “đáng ngại lắm” nếu du khách muốn đi bộ xuống tận nơi nhìn thác nước. Tôi và anh Đắc đi thử một đoạn, thoạt đầu con đường cũng rộng rãi và hơi bằng phẳng, nhưng đi thêm một đoạn nữa thì chúng tôi thấy là không dễ dàng như lời quảng cáo, vì con đường nhỏ hẳn lại, và rất là ẩm ướt, trơn trượt, cộng thêm có nhiều mỏm đá lồi lõm nằm ngang dọc trên lối đi chúng tôi bắt buộc phải trèo qua.  Tôi và anh Đắc nhìn nhau, rồi đồng ý là chúng tôi nên quay trở lại. 

 

*

 

Sáng thứ Ba, chúng tôi đi ra phố ăn sáng, nhân thể xem cái tiệm Craker & Barrel ở Little Rock có gì hấp dẫn. Ăn xong, chúng tôi đi ra shop coi cho biết vì giờ này tiệm đã bắt đầu bày bán quà Noel, 

đồ trưng cho mùa lễ Giáng Sinh rồi. Đi vòng vòng chung quanh shop một hồi tôi chỉ chấm được hai cái lọ đựng tiêu muối bằng sành, hình con gấu, nhìn cũng dễ thương, chắc không phải là “Made in USA”.  Nhưng cũng tốt thôi, vì chúng tôi đã góp một bàn tay, giúp cho nền kinh tế của xứ sở “A Con Sò” thêm... “giàu mạnh”.

   Chúng tôi đi từ từ ra chỗ đậu xe. Hùng đang suy nghĩ xem sẽ đi chỗ nào chơi thì chị Loan chợt nhắc tới cái Cối Xay Cổ (The Old Mill), nơi được quảng cáo là chỗ quay cảnh đầu tiên của bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió.  Thế là Hùng cho xe trực chỉ đến Old Mill.

   Thật tình, tôi chỉ nhớ mang máng cái hình ảnh Old Mill trong cảnh đầu tiên của bộ phim Gone With the Wind, vì nó chỉ được chiếu qua nhanh như chớp, nhưng hôm nay khi vừa nhìn thấy khung cảnh yên bình của Old Mill tôi đã thấy mê say.

   Old Mill là một căn nhà đá hai tầng, nằm giữa một khu rừng với hoa cỏ muôn màu muôn sắc bao quanh. Muốn vào trong căn nhà đá đó chúng tôi phải đi qua một cái cầu gỗ cong cong bắc ngang một hồ nước trong. Ngõ sau căn nhà đá là những bậc thang đá, dẫn qua một khu vườn khác, cũng có những chiếc cầu đá nối liền hai bờ hồ. Chúng được điêu khắc với những hình thể lạ lẫm chẳng giống nhau, có cái như khúc cây to ngã đổ trên dòng nước, lại có cây cầu khác nhỏ hơn nhưng cong vòng với giây leo đan nhau chằng chịt, có cái mang một hình thể kỳ dị như một hang động có nhiều bậc thang, ngõ ngách. Nhưng đằng sau những cây cầu đá đó là một cái phông cảnh tuyệt đẹp, với trời mây, cây lá in hình dưới ánh nước hồ xanh. Phải nói đây là một bức tranh vẽ tuyệt vời mà tôi không thể nào diễn tả nổi. 

 

 

  oldmil
Theo tài liệu ghi chép trên tấm bảng dựng ngoài hàng rào thì cái cối xay cổ này được ông Justin Matthews cho xây dựng vào năm 1933. Đây là bản sao của một nhà máy xay lúa mì chạy bằng thuỷ điện đã bị bỏ hoang. Dụng ý của Matthews là dùng tàn tích cũ này để gợi nhớ đến hoạt động của những người tiên phong đến lập nghiệp ở Arkansas một thời xưa. Tác phẩm này Matthews cũng dành để tưởng niệm người bạn thân thiết, ông Thomas R. Pugh, cư dân của vùng Portland, Arkansas, người đã từng hợp tác với ông trong công việc kinh doanh. Matthews cũng muốn dùng biểu tượng cái cối xay cổ với những vòng bánh xe nước xoay không ngừng nghỉ để tôn vinh nghị lực kiên trì của người bạn thiết. Matthews đã chọn kiến trúc sư Frank Carmean để thiết kế Old Mill và điêu khắc gia Dionicio Rodriguez để nhận lãnh phần trách nhiệm trang trí công viên thật là chi tiết. Dionicio đã dùng sở trường của mình là “biến xi măng thành gỗ” để kiến thiết nên một Old Mill rất cổ của những năm 1800. Ông đã tạo ra những tác phẩm thật là sắc sảo như những gốc cây với vỏ bị tróc, bong, có lỗ sâu đục, và dấu hiệu của sự phân rã, hay những thân cây với nhánh dây leo đan xen cành với nhau. Nếu không tinh ý thì chắc ít người có thể nhận biết chúng không phải là gỗ thật.

   Ngày thường mà công viên cũng nườm nượp những người, chắc họ cũng là du khách như chúng tôi, tò mò ghé đến viếng thăm cái Cối Xay Cổ nổi tiếng này. Đây là một thắng cảnh của vùng North Little Rock mà du khách nào đến Arkansas đều không thể bỏ quên, vì ngoài khung cảnh thần tiên để chụp hình kỷ niệm, nơi đây còn là một di tích lịch sử nổi tiếng của quốc gia.

   Chúng tôi rời Old Mill, đi ăn tối rồi trở về nhà nghỉ sớm. Đêm nay chúng tôi phải thu dọn hành trang để ngày mai lên đường trở về “quê cũ”, giã từ những ngày rong chơi trên Xứ Sở Thiên Nhiên (The Natural State). 

 

*

 

Vợ chồng Hùng Yến đưa chúng tôi ra đến tận cổng cách ly. Ôm nhau giã từ, hẹn lại ngày sau rồi hai vợ chồng tôi và anh chị Đắc Loan đi từ từ vào phòng đợi. Trong lúc ngồi chờ giờ lên máy bay chúng tôi mở hộp xôi trắng với chả lụa Yến đã gói cho chúng tôi ra ăn trưa, vì những chuyến máy bay nội địa ngắn ngủi này chỉ cho chúng tôi uống nước và ăn đậu phộng. 

   Bà chị đồng môn của tôi vừa ăn vừa nuối tiếc vì ngày vui qua mau quá, vậy mà trước ngày đi chị đã hỏi tôi là “Arkansas có gì chơi hả em?” Tôi đã ậm ừ cho qua vì tôi cũng chưa hề đến viếng thăm quê Tổng Thống, tôi chỉ biết là ở xứ “A Con Sò” đó có “vợ chồng con Yến”, bạn tôi. 

   Tháng Tám năm nay, Hùng gửi cho chúng tôi một cái link tin tức của CNN, nói về chuyện một người phụ nữ ở Texas sang Little Rock chơi, và cũng cùng gia đình đi đào kim cương ở Crater of Diamonds State Park. Sau cả tiếng đồng hồ đào xới không có kết quả cô đã chán nản tìm một bờ đất có bóng mát ngồi nghỉ mệt, rồi mở YouTube lên để coi cách nào có thể tìm được kim cương. Lúc liếc sang xem con trẻ đang làm gì thì cô đã vui sướng reo hò ầm ĩ khi bất ngờ nhìn thấy một viên kim cương màu vàng lóng lánh trong đám sỏi, không xa chỗ cô ngồi. Viên kim cương này đã được giám định to đến 3.72 carat. Cũng theo bản tin thì mấy ngày hôm trước vùng Murfreesboro này đã có một trận mưa dông, có thể là trong khi di chuyển dòng nước đã lũ lượt kéo theo bao nhiêu sạn sỏi (cùng kim cương, đá quý) từ các triền đất cao xuống miền đất thấp. Hùng nói, lần sau chúng tôi nên bay đến thăm miền quê Tổng Thống sau một cơn… bão lớn để… tìm kiếm kim cương.

   Chị Loan đã email lại trả lời Hùng là chúng tôi đã tìm được một viên kim cương lớn nhất ở Arkansas - một tình bạn ấm áp, chân thành. Viên kim cương này, chúng tôi sẽ giữ mãi trong tim. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
30/01/202021:40:07
Khách
Chan thành cam on Tac giả ve bài viết that hay, that đầy đu chi tiết, như đưa độc giả cung đồng hành trong chuyen du ngoạn.
Kinh chuc cô nam moi luon duoc sức khoe, an lành, va hanh phuc.
Mong cô tiếp tuc viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,764,080
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Lời tòa soạn: Độc giả theo dõi Viết Về Nước Mỹ hẳn quen thuộc với ngòi bút Nguyễn Trung Tây. Tác giả là một linh mục dòng Ngôi Lời, và là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010, khi ấy Tác Giả đang làm việc với thổ dân các thôn làng hẻo lánh vùng sa mạc miền Trung Úc Châu, không kịp về lãnh giải. Cụ bà Hà Thị Phức, năm ấy 86 tuổi, là nhân vật chính bài “Mẹ, Mẹ Tôi” của tác giả từ San Jose đã bay về nhận giải thay người con linh mục viết văn. Hôm nay, nhận tin Bà Cố đã được Chúa gọi về, Việt Báo và toàn ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ xin thành kính phân ưu cùng tác giả Nguyễn Trung Tây và cùng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria Hà Thị Phức sớm an hưởng nhan thánh Chúa. Xin đăng lại bài “Mẹ, Mẹ Tôi” để tưởng nhớ.
Lịch sử nhân loại đã từng diễn ra bao nhiêu trận chiến kinh hoàng, xương chất thành núi máu chảy thành sông vì chuyện màu cờ sắc áo. Với người Việt nam thì ai quên được bức ảnh những người lính Thuỷ quân lục chiến của quân đội Việt nam Cộng hoà cắm cờ quốc gia sau khi tái chiếm Cổ thành ở Quảng trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có thể đó là tấm ảnh đã làm thay đổi cậu bé tôi vì chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần ở sân trường học, cậu bé tôi chỉ chăm lo cho bộ đồng phục của mình thẳng thớm, cột dây giày đã đúng cách chưa để không bị phạt
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu. Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân. Không gian tĩnh lặng, êm đềm. Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ. Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản. Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây. Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Sau hơn hai năm sống lây lất ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) cuối cùng tôi được thằng Thanh sống chung trong nhà giới thiệu vô IOM (The International Organization for Migration) làm thế chỗ nó khi nó lên đường đi định cư vào giữa năm 1991. Cơ quan này là một trong các cơ quan đầu não rất quan trọng, chỉ sau Cao Ủy Tí Nạn (UNHCR-The United Nation High Commissioner for Refugees) và Văn Phòng Ban Quản Đốc Trại (OIC- Office In Command) mà thôi. IOM có nhiệm vụ đón người tới, đưa người lên đường định cư hay hồi hương, chăm sóc sức khỏe, lo lắng đời sống cũng như quản lý dân số trong trại do đó vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Gia đình cô Loan qua Mỹ năm 1995 theo diện HO. Cô có 3 người con, Tuấn (trai đầu) có gia đình ở Sacramento lái xe về nhà cô khoảng 2 tiếng đồng hồ, Kiệt (con nhì) và gái út là Thanh Phương làm việc bên Washington D.C và Texas. Cô chú đến tuổi nghỉ hưu nên cũng tìm niềm vui tuổi già. Cô Loan thích đọc sách và đi Chùa, còn chú Phi ưa gặp bạn bè uống cà phê tán dóc và tham gia sinh hoạt bạn “tù cải tạo”, bạn chung đơn vị lính, bạn trường học cũ và khoá Thủ Đức. Từ khi bị bệnh dịch Covid_19, cô chú chỉ biết bó gối xem tivi, xem phim và ra vô khu vườn tỉa hoa nhổ cỏ. Thỉnh thoảng Tuấn cũng lái xe lên thăm ba mẹ.
Chúng ta đang sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng, và no ấm nên ít ai phải bận tâm với cái đói; chúng ta chỉ lo hôm nay phải đổi món ăn gì cho ngon miệng mà không ngán. Vậy mà ngay trên đất Mỹ này, nơi mà thực phẩm, thức ăn đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa và rẻ nhất thế giới, tôi vẫn còn giữ cái tật không cần thiết là tích trữ thực phẩm, đồ ăn khô phòng khi đói, bảo đảm giữ được phẩm chất 10 năm, và vài thùng nước 20-gallon màu xanh.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.