Hôm nay,  

Nước Mắt Chảy Xuôi

20/02/201000:00:00(Xem: 246144)

Nước Mắt Chảy Xuôi

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 2869 -1628969- vb7022010

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi, tốt nghiệp Management Infor-mation System. Hiện là cư dân Florida nhưng đảm trách chương trình  "Quản Trị Thành Tích" cho Cisco System Inc., công ty có bản doanh tại San Jose.  Với  nhiều bài viết đặc biệt, NT Phương Dung đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, trích tư2ừ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần, 2010: Thăm Nursing Home, nhớ (ông) Nội.  Sau 1954, Nội vượt tuyến vào Nam. Sau 1975, Nội chờ con ra tù rồi vượt biển. Hình ảnh kèm bài: 1) Các ca sĩ tí hon hát Merry Christmas trong viện dưỡng lão  Aston Gardens,  Giữa dàn đồng ca hợp chủng, có cô bé tóc đen... Và 2) Tết nguyên đán 1990, chúc tết  Nội, chờ phong bao lì xì...

***

On the twelfth day of Christmas, my true love gave to me...twelve drummers drumming, eleven pipers piping, ten lords leaping, nine ladies dancing, eight maids milking, seven swans  swimming, six geese leaping, five golden rings... four calling birds, three French hens, two turtle doves and a partridge in a pear tree...
Merry Christmas. Merry Christmas.  Seventies....

Ca khúc "Mười Hai Ngày Noen" vừa kết thúc chương trình ca nhạc Christmas Carols, các ca sĩ tí hon gập người chào khán giả.  Tiếng vỗ tay vang dội trong phòng sinh hoạt của viện dưỡng lão Aston Gardens.  Đưa mắt nhìn quanh, Tí thấy các cụ già vừa vỗ tay vừa reo hò thích thú.  Vài cụ vừa cười vừa đưa tay chùi vội nước mắt trên gò má nhăn nheo.  Bài hát với y phục và cách diễn theo thập niên 70 chắc hẳn đã đưa các cụ về với kỷ niệm của một thời đã qua, khi các cụ còn là những thanh niên thiếu nữ với tóc dài hippie và quần ống loe bụi đời.  Tí len lỏi lên phía trên, cố chụp vài tấm hình con bé và các bạn trong đồng phục trắng, đen, đỏ và những trang sức mang ký hiệu hòa bình.
- Nhìn đây. Cười này. Thêm vài tấm nữa thôi con.
Tí một tay cầm máy hình, một tay vẫy gọi con.  Con bé nhăn mũi tỏ vẻ không thích, nhưng thấy Mẹ vẫy quá cũng ráng toét miệng ra cười.  Tí bấm lia lịa mấy cái rồi giơ ngón trỏ về hướng con bé.  Bỗng một giọng nói trầm trầm vang lên ngay sau lưng:
- Mấy tấm hình này ra chắc hẳn đẹp.  Cô bé xinh giống Mẹ lắm.
Tí quay lại, bắt gặp một cụ ông râu tóc trắng phau như ông già Noen ngồi trên chiếc xe lăn nơi hàng đầu, đang tinh nghịch nhìn Tí cười nửa miệng.  Khi các bé đang hát, Tí có để ý thấy ông cụ vừa nhịp nhịp tay vừa nho nhỏ hát theo ra vẻ rất thích thú.  Tí cười:
- Cám ơn  cụ, nhưng theo gia đình cháu, thì nói như vậy tội cho con bé quá.  Nó nhìn xinh hơn Mẹ nhiều chứ. 
Ông cụ nheo mắt:
- Họ trêu cô vậy à" Cô đừng thèm tin nhé.
Con bé đang đi theo cô giáo âm nhạc và các bạn vào phòng trong thay quần áo, Tí kéo ghế ngồi cạnh ông cụ gợi chuyện:
- Lúc nãy cháu thấy cụ thuộc bài lắm.  Lần tới là buổi Hòa Nhạc Mùa Xuân, cụ lên hát chung với các cháu bé cho vui nhé. Cô giáo chọn những bản nhạc quen thuộc lắm.
Ông cụ được dịp khoe ngay:
- Ngày xưa tôi cũng ở trong ca đoàn của nhà trường.  Giọng tôi bây giờ vẫn còn tốt lắm đấy.
Rồi như đề chứng minh, ông cụ hát ngay theo một bản nhạc đang được phát từ máy radio ở góc phòng. Ông hát thật to, giọng lại ồm ồm làm mấy cụ bà đang ngồi nói chuyện bên cạnh quay sang nhìn rồi che miệng cười khúc khích. Tí mỉm cười nhìn ông cụ say sưa hát. 
Từ lâu Tí vẫn có thói quen đi thăm viện dưỡng lão, nhất là vào mùa lễ.  Thói quen này bắt đầu khi Nội của Tí trượt té gẫy chân và phải vào Nursing Home mấy tháng để y tá săn sóc và tập đi trở lại. Mỗi lần vào thăm Nội, thấy nhiều người già sống quạnh quẽ cô đơn không ai thăm viếng, Tí thấy tội quá nên ráng vào thăm và nói chuyện với các cụ mỗi khi có thể. Nhà trường thỉnh thoảng cũng tổ chức những buổi trình diễn nhạc hoặc đọc sách cho các cụ, Tí sắp xếp thời giờ đi theo để khuyến khích con và tìm lại hình ảnh Nội của những năm cuối đời.
Ai cũng có gia đình Nội Ngoại nhưng Tí chỉ biết có bên Nội. Bên Ngoại ở lại miền bắc sau 1954 nên Tí chưa được một lần gặp mặt.  Ký ức tuổi thơ rời rạc của Tí là những mùa hè theo chị về thăm quê nội ở Bình Tuy. Trong căn nhà rộng thênh thang miền biển đó, chỉ vò võ hai ông bà già. Chị thầm thì, "Các cô chú đi Mỹ hết rồi.  Nội không chịu đi, nói chờ Ba mình và chú Tư về."  Các chị em Tí gọi Ông là "Nội" để phân biệt giữa Ông với Bà.  Mỗi buổi sáng, Nội và Bà dậy từ 4 giờ sáng để đọc kinh. Chị em Tí lò dò dậy theo.  Trong cái ngật ngưỡng của buổi kinh sớm, Tí vẫn nghe lời khẩn cầu cho hai người con trai đang còn trong trại cải tạo không có ngày về. Rồi Nội và Bà đi lễ. Hình ảnh Nội trong chiếc khăn đóng và áo dài the đen đi giữa màn đêm là hình ảnh của sự thành kính, lòng chịu đựng và phó thác mà Tí mang theo với mình suốt đời.
Theo lời kể lại thì Nội gian truân từ thuở nhỏ.  Gia đình của Nội sinh sống tại một làng đánh cá ở Nghệ An. Có năm có nạn đói, người chết la liệt khắp nơi, Nội đã phải cõng bà cố đi xin ăn.  Không có cơ hội đi học, vậy mà khi lớn lên, nhờ siêng năng cần cù, Nội đã tạo được cơ ngơi lớn nhất nhì làng.  Ba và các chú được Nội cho đi học nội trú ở tận Hà Nội. Đây là một trong những lý do mà Nội kẹt lại miền Bắc sau hiệp định Geneve. "Con cái không về kịp, làm sau mà đành lòng theo tàu há mồm vào Nam."   Hụt chuyến di cư chính thức nhưng Nội vẫn âm thầm nuôi dưỡng ý định trốn đi "vì không thể sống với Cộng Sản vô thần." Rồi cơ hội cũng đến, một hôm sau khi đã cho vợ con lẻn xuống ghe trước, Nội dàn cảnh đi đánh cá như thường lệ, nhưng sau khi ra khơi thì đổi hướng vượt tuyến vào Nam.
Nội tái lập nghiệp ở Bình Tuy với hai bàn tay trắng. Con cái của Nội sau một thời gian tản mác khắp nơi. Người đi học, người đi làm, người vào quân đội. Nội an phận với nghề đánh cá, vui với những mẻ lưới cá nục xanh và ngày hai buổi cầu kinh sớm chiều. Niềm vui của Nội bình thường vậy mà chẳng tồn tại được lâu.  Tháng Tư 1975 đến và một lần nữa Nội phải đối diện với nạn Cộng Sản. "Ghe thuyền sẳn đó, nhưng con cái đứa kẹt ở Đà Lạt, đứa Sàigòn, lòng nào mà bỏ đi""  Khi Nội biết được tin của các con đã quá muộn để di tản. Người đã vào tù, người đang trốn chui trốn nhủi.  Nội gom các cô chú ở ngoài lại, bảo dùng ghe nhà mà trốn đi. Phần Nội nhất định ở lại chờ Ba và chú Tư của Tí về.
Nội và Bà sống tiếp những ngày tháng buồn tênh trong căn nhà trống vắng.  Nội vẫn đi biển, nhưng mẻ cá Nội lưới ngày một ít đi. Nội dành nhiều giờ hơn cho việc kinh nguyện. Mỗi sáng Nội dậy thật sớm để đọc kinh rồi tất tả đi lễ.  Mỗi chiều sau khi cơm nước xong nội lại khăn áo ra nhà thờ.  Tối tối Nội ngồi hàng giờ trước tượng Chúa chịu nạn, miệng không ngớt lời cầu xin. Rồi một ngày lời nguyện của Nội cũng được đáp nhận, Ba và chú Tư sống sót từ trại cải tạo trở về. 
Cuộc đời của Nội tưởng chừng gắn liền với biển, vậy mà Nội bỏ hết nhà cửa, ghe thuyền, vô Sàigòn với con cháu. Ba tất tả ngược xuôi tìm đường vượt biên cho đại gia đình.  Mẹ lo chợ sớm nhưng cũng không tìm đâu ra những con cá nục tươi xanh đem về kho nước mắm cho Nội ăn.  Nội vẫn không nề hà, "Miễn là con cháu được bình an, Cha ăn cơm với muối cũng thấy ngon." Chẳng những muối, Nội còn thử những món chưa bao giờ ăn qua. Tí vẫn nhớ lần đi ngang qua Hàng Xanh, con bé kéo áo ông, "Nội ơi.  Con đói bụng."  Hai ông cháu đưa nhau vào quán phở.  Khi người bồi bàn đem ra đĩa giá sống, Nội lắc đầu, "Người Bắc ăn phở chỉ bỏ hành với tiêu.  Bỏ tương và giá vào làm mất mùi vị con ạ."  Con bé lúc lắc cái đầu, "Phở ăn với giá và rau thơm ngon hơn nhiều chứ Nội. Nội thử nha." Rồi con bé lanh chanh bỏ ngay vào tô của Nội. Nội vừa ăn vừa tủm tỉm nhìn con bé cười, khoe ra những chiếc răng hơi nâu vì ăn trầu. Vừa ra khỏi quán bỗng Nội kêu lên, "Chết rồi con ơi."  "Sao vậy Nội"  Nội không quen ăn giá bị đau bụng hở""  "Không. Nội mới nhớ ra Bà mi cho có hai mươi đồng.  Ta ăn phở hết tiền rồi lấy gì đi xe buýt"" "Không sao đâu Nội,"  Con bé cười, "Con no rồi, đi bộ được."  Vậy là hai ông cháu cuốc bộ từ Hàng Xanh về tới gần Cư Xá Thanh Đa. Vừa về đến nhà là con bé làm nũng, "Con lại đói bụng rồi Nội ơi."  Nội vội gọi lớn vào trong, "Bà ơi, ra cho ông cháu vài đồng mua bị lạc."
Miên man nghĩ về Nội, ông cụ hát xong bản nhạc hồi nào Tí không hay.  Ông cụ đang nhìn Tí như chờ một lời khen.  Để chữa ngượng, Tí cười rồi đi đến bàn bánh ngọt, lấy mấy cái cookies và ly nước đưa lại cho ông cụ.
- Cụ ăn cái bánh lấy sức hát tiếp nhé. Mà cụ ở đây lâu chưa ạ"


- Tôi mới vào khu Assisted Living này chỉ vài năm nay thôi. Dạo trước tôi ở bên khu Retired Community dành cho người về hưu.  Tôi thích ở bên đó hơn, nhưng sức khỏe không còn cho phép sống tự lập một mình, phải qua bên đây để có người chăm sóc.
Giọng ông cụ đang vui bỗng chợt nghèn nghẹn. Tí vỗ nhẹ bàn tay ông:
- Cháu thấy viện dưỡng lão này đẹp và tiện nghi lắm, nhân viên lại rất ân cần nhiệt tình.
- Cháu tôi nó cũng nói vậy.
- Vậy à" Thế cháu của cụ có ở gần đây không"
- Nó dọn lên tiểu bang miền bắc lâu rồi cô à. Công việc của nó trên đó.  Năm ngoái nó đưa vợ con về chơi Disney World và có ghé thăm tôi.  Con bé cũng trạc tuổi con cô, cũng xinh xắn với mái tóc đen dài. 
Ông cụ ngừng nói, ánh mắt xa xăm như đang nghĩ về cô cháu cố.  Tí thắc mắc sao ông cụ chỉ nhắc đến cháu mà không nói gì đến con.  Như đọc được ý nghĩ của Tí, ông cụ tiếp:
- Tôi chỉ có một người con trai nhưng không may qua đời trong một tai nạn giao thông cùng với vợ nó.  Năm đó vợ tôi cũng vừa mới qua đời vì bịnh ung thư.  Tôi đau đớn tưởng chết đi được, nhưng phải gắng gượng để lo cho thằng cháu mồ côi một lúc cả Mẹ lẫn Cha. 
Đôi mắt ông cụ long lanh ngấn lệ. Tí đưa tay ra nắm bàn tay ông.
- Cháu xin lỗi ông.
- Thật trái với quy luật tự nhiên khi phải chôn cất con của mình.
Ông cụ nói với tiếng thở dài não ruột làm Tí chạnh lòng rơi nước mắt. Ngày xưa khi em Ti mất, Tí nhớ Nội đã than một câu tương tự, "Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống Trời hay chăng Trời""  Lúc đó Nội đã hơn 80 tuổi, vật vã thương tiếc thằng cháu qua đời ở tuổi 13.  Nội năn nỉ Ba, "Con cho Cha mang cho cháu cái khăn."  Ba gạt ngang, "Không được. Ai lại để tang cho con cháu.  Người ta cười cho."  Nội khóc, "Có hề gì. Nước mắt chảy xuôi mà con."  Vẫn là câu Nội thường dùng để ám chỉ tình thương Ông Bà Cha Mẹ dành cho con cháu.  Khi anh của Tí bất hòa với Ba và giận dỗi dọn ra ngoài ở, Nội đã nói với Mẹ, "Gọi cháu nó về mà lo cho nó.  Nước mắt chảy xuôi con ạ, con bỏ Cha Mẹ chứ đời nào Cha Mẹ bỏ con." Giờ người đầu tiên trong gia tộc mất lại là đứa cháu, Nội thương quá muốn mang cho nó cái khăn tang nhưng người con cả nhất định không cho.  Thương thì thương nhưng trên dưới phải đâu ra đó, họ hàng hơn trăm người nhưng chỉ mấy đứa em vai vế nhỏ là được mang tang, và phải quấn thật kỷ để đuôi tang không lòi ra ngoài. Vậy mà đến hôm đưa đám, không hiểu Nội lấy đâu ra cái khăn trắng quàng lên cổ, rồi vừa đi sau quan tài vừa chậm nước mắt. Nước mắt chảy từ đôi mắt già nua rơi xuống áo quan nhìn thật đau lòng.  Ba nhìn thấy cái khăn nhưng cũng không nở lấy đi của Nội.
- Từ ngày con và dâu tôi mất, thằng cháu ở với tôi cho đến khi lên miền bắc làm việc, cưới vợ rồi ở luôn trên đó.  Nó có mời tôi về ở với vợ chồng nó, nhưng trên đó mùa đông lạnh lắm, tôi chịu không nổi.  Vả lại tôi cũng không muốn làm phiền gia đình nó.  Người Mỹ chúng tôi không như người Á Đông của cô, hai ba đời sống chung một mái nhà.
Ông cụ đã một thời đi lính ở Việt Nam, tỏ ra hiểu biết đối với lối sống của người Á Châu.  Tí nhìn ông cụ:
- Đó là thời trước cụ ạ.  Thời bây giờ, nhất là ở Mỹ, hiếm có gia đình nào ở chung hai ba đời như cụ nói. 
Tí vừa nói vừa nghĩ đến Nội và Bà với tám người con.  Khi mới qua Mỹ còn khỏe, tình nguyện ở chung với con để phụ giúp việc nhà và chăm sóc các cháu.  Khi cháu lớn, chủ động dọn ra chung cư người già để khỏi phiền hà con cháu.  Khi không thể ở một mình được nữa thì các con đun qua đủn lại trách nhiệm săn sóc Cha Mẹ già. Có thời gian Nội và Bà di chuyển liên tục từ nhà người con này đến nhà người con kia, chẳng ở được đâu lâu hơn vài tháng. Thật ra cũng chẳng trách được ai. Đời sống ở Mỹ quá bận rộn, ai cũng phải đi học, đi làm, không thể ở nhà trông chừng người già 24/24, đành nhờ vào hệ thống chăm sóc người già của viện dưỡng lão. Nhưng người Việt lớn tuổi chưa quen với lối sống này, dễ cảm thấy tủi thân và bị bỏ rơi.  Những người con đang phân vân chưa biết làm sao thì Nội bị té gẫy chân, không muốn bác sĩ cũng bắt vào Nursing Home để điều trị.  Nhớ thời gian đó, mỗi lần Tí vào thăm, Nội đều năn nỉ, "Con cho Nội về với con."  Tí nhìn Nội, thấy một khuôn mặt hốc hác xanh xao, đôi mắt lõm sâu trắng đục, cái miệng với hàm răng giả trắng tinh thẳng tắp...Nội không còn là Nội của Tí ngày nào! Tí nghe lòng quặn đau, "Nội ráng dưỡng thương, chân lành rồi bác sĩ cho về."   Mấy tháng sau Nội đi được trở lại, cô chú Tí vội đưa Nội về nhà. Cô nghỉ làm luôn để lo chăm sóc Nội. Nhiều lúc thấy cô cực quá, Nội ứa nước mắt, "Sự sống là của Chúa cho. Ao ước được chết là có tội.  Nhưng thấy con cực khổ, Cha thật không đành lòng.  Nước mắt chảy xuôi con ơi."
- Thằng cháu tôi cũng muốn dọn lại về đây ở cho ấm áp nhưng nó bảo kinh tế bết bát quá, nó không bán được nhà trên đó, lấy tiền đâu mua lại dưới này.  Tôi bảo nó không bán được thì cứ cho mướn, về đây tôi cho tiền mua nhà khác.  Tôi chẳng sống được bao lâu nữa, giữ tiền mà làm gì.
Tí nghĩ đến số tiền già ít ỏi mà Nội và Bà chắt chiu dành dụm.  Con cháu đứa nào mua nhà mua xe không đủ tiền cũng chạy đến mượn. Trả được thì tốt, không trả được Nội cũng chẳng đòi, "Cho con cho cháu, có mất vào đâu."  Tí hỏi ông cụ:
- Công việc làm của cháu cụ thì sao"
- Nó bảo nó làm tại nhà được.  Telecommute gì đó mà.  Con vợ nó thì từ lâu không đi làm, chỉ ở nhà trông con. Tôi bảo nếu thế thì về ngay đây đi, cho tôi được gần cháu cố ngày nào hay ngày nấy.
Ông cụ vừa nói vừa nhìn về hướng con bé con Tí đang đọc sách cho một bà cụ ở một góc phòng. Sức sống của trẻ nhỏ đem lại sinh khí cho người già. Sự có mặt của các cháu bé hôm nay làm không khí viện dưỡng lão linh động và vui vẻ hẳn lên. Nhiều cụ già thường ngày không buồn xuống khỏi giường hôm nay cũng ra phòng sinh hoạt để ngắm nhìn và chơi với các cháu bé. 
- Khi gia đình của cháu tôi dọn về đây, có thể tôi sẽ không ở trong khu Assisted Living này nữa. Ở đây tốt thật nhưng hơi mắc.  Chắc tôi đến ở Nursing Home bên phía nam thành phố, đở tốn kém hơn. Số tiền tiết kiệm được hàng tháng tôi để dành cho cháu.
Tí nhìn ông cụ thương cảm. Nước mắt chảy xuôi, gần đất xa trời thế này rồi mà vẫn chỉ nghĩ đến con cháu.  Tí nhớ đến số tiền mấy chục ngàn Nội và Bà để lại.  Con cháu còn trẻ, còn khỏe, còn làm được, đâu cần số tiền Nội chắt chiu dành dụm. "Thôi thì cho người nghèo ở Việt Nam. Họ khổ lắm con ạ."
Một dáng dấp nhỏ nhắn sà xuống bên cạnh Tí.  Thì ra con bé đã đọc sách cho bà cụ xong từ hồi nào. 
- Mình về chưa Mẹ"
Tí quay sang ông cụ:
- Cháu hy vọng lần sau vào thăm vẫn gặp cụ.  Cháu nghĩ cháu nội của cụ chắc cũng muốn thấy cụ sống thoải mái ở tuổi xế chiều. Cụ đừng lo lắng cho cuộc sống của gia đình anh ta quá.  Đâu rồi cũng vào đấy.  Tình thương cụ dành cho anh và gia đình mới quan trọng. Anh thật may mắn có người ông như cụ.
"Cũng như con may mắn có Nội, người suốt đời đối xử với con cháu bằng tình thương,"  Tí nói thầm và dắt tay con ra về. 
Buổi tối tháng mười hai trời se lạnh, Tí ôm vai con đi ra bãi đậu xe.  Mau quá, ngày Nội mất con bé còn nằm trong bụng Mẹ mà bây giờ đã mười tuổi.  Tí tiếc thầm, phải chi Nội còn sống để con bé đọc sách và hát cho ông cố nghe. Dù con bé chỉ biết đọc và hát tiếng Mỹ, nhưng Tí chắc Nội cũng chẳng phiền lòng đâu. Tí tưởng tượng cảnh "Mỹ con" vừa hát vừa múa theo nhịp điệu thập niên 70 trong khi ông cố "nhà quê Việt" hả mồm móm (vì không đeo răng giả) ra thưởng thức mà phì cười.  Con bé lay tay Mẹ:
- Mẹ cười gì đó"
- À, Mẹ đang nghĩ đến Nội của Mẹ, là ông cố của con đó. Hồi đó ông cố phải vào ở Nursing Home mấy tháng, ông buồn nên cứ đòi về.  Sau này Bố Mẹ già, phải vào Nursing Home ở, con nhớ vào thăm Bố Mẹ nha.
Con bé dụi đầu vài vai Tí, nũng nịu:
- Không, không có đâu. Mai mốt con lớn, con sẽ lo cho Bố Mẹ. Con không bỏ Bố Mẹ vào Nursing Home đâu.
Tí cười ra tiếng:
- Bây giờ thì con nói vậy, chứ lúc đó con có gia đình riêng, phải lo cho chồng con, thời giờ đâu mà lo cho Bố Mẹ.
- Không đâu. Còn không thèm lấy chồng. Con ở với Bố Mẹ cả đời.
Câu nói nghe quen thuộc quá. "Mai mốt con có việc làm, có nhà, con rước Nội về ở với con,"   Tí đã nói vậy mỗi lần đến thăm thấy Nội và Bà sống lặng lẽ trong khu chung cư của người già.  Vậy mà khi lớn lên Tí quên bẵng mất.  Nội chắc cũng chẳng để bụng lời hứa của một đứa trẻ và chẳng buồn giận gì sự thờ ơ của đứa cháu ham làm, ham chơi hơn là đi thăm Nội, thăm Bà.  Nuớc mắt chảy xuôi mà! Bây giờ con bé lại vô tình lập lại câu nói của Tí ngày xưa.  Tí thấy mắt mình cay cay, vài giọt nước mắt lăn nhanh, rơi xuống mái tóc dài của con bé...
Nguyễn Trần Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,937,272
Khi chị đang ở giai đoạn sung mãn nhất của tuổi hồi xuân
Lan Chi sáu tháng tuổi đã đáp máy bay đến San Diego để thăm ông bà Nội
Khi viết những dòng này, tôi bắt đầu nhìn thấy những ngôi nhà trang hoàng chuẩn bị chào đón ngày Halloween được nhiều hôm  
Ấn tượng ban đầu của Trân về những cô gái tóc vàng
Từ ngày được lo cho sang Mỹ du học, nhóc thấy buồn
Mùa Halloween năm nay cũng như bao Halloween trước, vừa đầu tháng 10 thì các cửa hàng đã bày bán hàng Halloween và quả bí to nhỏ màu cam  
Mỗi độ xuân về, gia đình chúng tôi thường nhắc đến một kỷ niệm khó quên về đêm Giao Thừa, Tết năm Tân Mùi, 1991, trên đất Hoa Kỳ.  
Chuông điện thoại reo vang
Chị Bảy về tới nhà, chưa kịp thay quần áo, liền hỏi bà Ba
Khi tôi còn thơ ấu, mỗi buổi trưa mùa hè oi ả, dưới tàn cây cau  ở quê nhà. Trên chiếc võng treo ở ngoài vườn
Nhạc sĩ Cung Tiến