Hôm nay,  

Nhóc Du Học Mỹ

28/10/201000:00:00(Xem: 266711)

Nhóc Du Học Mỹ

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3028-28328-vb5102810
 
Tác giả mới tham gia Viết Về Nước Mỹ cuối năm trước, nhưng đã cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Tuy là cư dân Paris, nhưng cô thường đề cập đến những đề tài rất Mỹ. Bài viết mới sau đây cho thấy tác giả từ Paris không chỉ biết nhiều chuyện bên Mỹ mà còn nghe ra cả chuyện quê nhà nữa.

*** 

Từ ngày được lo cho sang Mỹ du học, nhóc thấy buồn, xa mẹ, cuộc sống với hai bác dĩ nhiên phải khác bên nhà, tuy hai bác có thương nhưng làm sao bằng mẹ. Buồn nhất, ăn cơm xong phải rửa chén, tự dọn phòng, chả bù anh Khoa, chị bé, cuối tuần về chơi được hai bác chăm sóc cẩn thận.
Có lần nhóc than phiền với bác Quan về chuyện các bác cưng anh chị hơn nhóc, bác cáu lên bảo, con của bác thì bác thương hơn cháu là phải rồi, nhóc nghe càng tủi thân.
Mới ngày đầu qua đây bác Quan “lên lớp » một buổi, nào là xã hội Mỹ không giống như bên nhà, con nít, người lớn ai cũng phải tôn trọng luật pháp, không ăn gian nói dối, không nên ỷ lại, hoặc thủ đoạn đi đường tắt.
Nhóc nghe phát mệt, những gì bác nói ai chả biết, có điều, chân thật, ngay thẳng như bác chỉ dạy làm sao ngoi lên trong xã hội.
Cứ nhìn vào mẹ con nhóc là biết ngay, cha chết khi nhóc chưa chào đời, mẹ nhóc “mất dạy” sau vài năm đứng lớp, thế mà nhóc vẫn có cuộc sống vương giả từ ngày các bác đi Mỹ. Phải biết ca bài “mẹ góa con côi” neo đơn mới tranh thủ tiền viện trợ của việt kiều Mỹ, Canada ...
Nhớ thời vàng son ở bên nhà, nhóc đâu có thua ai, hai ba nguồn viện trợ, nhóc tha hồ chi tiêu, thi đại học không đậu, đóng tiền học ĐH tư, học để tránh đi nghĩa vụ quân sự, chứ nhóc đâu thèm học bên Việt Nam, phải du học Mỹ mới xứng danh... cháu việt kiều.
Bên nhà có phong trào con đại gia thi hỏng ĐH vài lần, cha mẹ đưa con sang Sing, Úc, Mỹ, Pháp ... du học, học có ra ngô ra khoai không quan trọng, cái chính là du học để xóa đi “nhãn hiệu” con ông cháu quan đỏ, con tư sản đỏ “dốt đặc cán cộng”.
Nhóc thuộc “tầng lớp mới cáu” có một không hai, mẹ con nhóc không thuộc nhóm nào vừa kể trên, nên chả bao giờ sợ “bễ” hợp đồng kinh doanh, hoặc doanh thu tuột dốc có khi phải cầm cố nhà cửa. Tiền “ở bển” cứ rót về đều đều, mình có đầu tư vốn đâu mà sợ thua lỗ, chỉ cần cái đầu biết “lập trình” chính xác, đánh trúng yếu điểm các bác là trúng mánh. Mặt hàng kinh doanh của mẹ con nhóc là “tình nghĩa” gia đình, hàng không tốn vốn, với câu châm ngôn “tình không cho, không biếu, tình là tiền tính theo hối suất dollar.”
Bác Quan bảo phải “ngay thẳng”, nghe bác có mà rách tả tơi chứ làm gì được nhà xe khang trang như nhà nhóc ở Sàigòn. Bác đi cải tạo mất mấy năm mà vẫn chưa thích ứng với chế độ, làm sao tiến thân được, may là bác “di cư “ sang đây theo diện HO, chứ cái kiểu cương trực như bác ở Việt Nam chỉ có đạp xích lô mà sống.
Đành rằng bên ngoại của nhóc là dân bắc kỳ di cư, trốn cộng sản, bây giờ đoàn đảng đã vào tận miền nam rồi, mình phải “thích ứng” thôi. Hôm ngồi tán phét với bác Quan, nhóc chê chế độ cũ ăn hối lộ, vậy mà bác Quan đâu có tin, hư thật như thế nào nhóc không biết, vì nhóc sinh những năm tám mươi, tàn dư thành phần cháu ngoan bác Hồ, sách dạy sao nghe vậy.
Bác Quan tức đỏ mặt tía tai còn mắng nhóc, ăn cơm HO thờ ma cộng sản, ma hồi nào, đảng CS còn sờ sờ ra đó kìa, chuyện đó cũng làm nhóc buồn chút xíu, tại sao bác không tin những gì nhóc nói, mà thôi nhóc chả giận bác, bù lại bác bảo lãnh nhóc đi Mỹ, như thế là sòng phẳng, chẳng ai nợ ai.
Nhóc công bình như thế mà bác Quan còn mắng bác Kim, cô mang cháu cô sang, tưởng cái thằng đàng hoàng, ai dè mới nứt mắt đã lếu láo, thủ đoạn như giặc cộng, biết thế tôi chả làm giấy cho nó đi.
Chuyện đi Mỹ của nhóc cũng đầy sóng gío, ban đầu mẹ nhóc bảo cậu Tín chi tiền học hàng năm, bác Quan nuôi ăn ở, cậu Tín không chịu giúp vì nhóc chưa có bằng TOEF, nhóc bảo qua đây học cũng kịp mà cậu không chịu còn nói nhóc chơi sang, đi Mỹ chỉ để học tiếng anh.
Mẹ nhóc phải khóc một trận như cơn hồng thủy bác Kim mủi lòng bèn làm thủ tục du học cho nhóc, tiền học mẹ nhóc đưa sáu ngàn đô la, sau đó bác Kim “bao sân”, coi như mẹ nhóc hết trách nhiệm.
Bác Quan hỏi nhóc định học ngành gì, nhóc nói ngay, vào Berkeley học như chị bé con của bác, bác không tin, bảo chưa có TOEF làm sao vào “Bợt Cờ Lây” đuợc.
Hôm đến trường thi xếp lớp, councelor kết luận trình độ anh ngữ của nhóc thuộc loại beginner, toán quá kém nên khuyên nhóc học toán thống kê... cho có môn để học. Bác gãi đầu ngao ngán nói, kiểu này nhóc phải mất vài năm học “vòng ngoài”, chờ trình độ anh văn khá rối mới học ngành Computer Science  như nhóc muốn.
Không sao, học như thế nhóc mới có “thâm niên” trên xứ Mỹ mai này ở lại luôn, học một cái vèo ra trường, phải về VN nhóc đâu có thích, thật ra du học chỉ là cái cớ để ra khỏi VN, xứ Mỹ là thiên đàng, tội gì không ở lại hưởng.
Mẹ đã từng dạy, đi ăn giỗ chạp, cứ gắp mấy miếng thịt cho vào bát cho chắc ăn, ở đó mà từ tốn, chưa kịp ăn đã hết thịt, ra đời cũng thế, nhanh lẹ, chụp giựt mới sống mạnh sống khoẻ.
Theo đúng sách lược của mẹ, lên trường nhóc lôi về nhà mẫu đơn xin trợ cấp, tính nhẩm, chuyến này nhóc trúng mánh, tiền học được nhà nước Mỹ trợ cấp chút đỉnh, cơm nước nhà ở hai bác chi. Đọc kỹ qui định trợ cấp nhóc vỡ lẽ phần này chỉ dành cho dân bản xứ, du học sinh như nhóc là dân nhà giàu đối với Thống Đốc Schwarzenegger làm gì có trợ cấp mà mơ. Nhóc định lấy tiền trợ cấp mua xe, đi xe bus trông tệ hại quá, nhóc này có phải là dân bần cùng cố kiết đâu, hụt cái khoảng trợ cấp, nhóc tính đi làm thêm và nhờ bác Kim tìm việc giúp.
Tội nghiệp bác lẩm cẩm ngây ngô đề nghị:  Để bác hỏi người quen làm trong nhà hàng xem sao.
Nhóc từ chối ngay: Con không quen làm việc chân tay, bác hỏi chỗ book shop, hay văn phòng luật sư.
Bác Kim chịu thua, bác trong nghề bưng bê, văn phòng luật sư, bác sĩ ... bác không thân, hình như nhóc không nể hai bác có lẽ vì bác không thuộc giới trí thức, bên nhà nhãn hiệu “việt kiều Mỹ” có giá trị “kinh tế” chứ không có nghĩa việt kiều nào cũng trí thức. Thật ra chả có nghề nào xấu, chỉ tại cái đầu của nhóc ố màu “tranh thủ, thủ đoạn” nên bác Kim mới mất giá trong “con mắt toan tính” của nhóc.
Vào trường nhóc ca điệp khúc “mẹ góa con côi” lấy lòng thầy chủ nhiệm, xin được một chân trong book shop ở trường đúng “ý đồ” của nhóc, một tuần hai mươi giờ, bạn bè bên nhà phục nhóc sát đất.
Làm được ít bữa nhóc than, mang tiếng book shop, nhưng phải lao động chân tay, vác nước, coca ... vào kho, bưng bê kiểu này chả trí thức tí nào, vậy mà tên quản lý còn để ý thấy nhóc hay trốn việc, bảo nhóc chay lười.
Nhóc chỉ thích đứng quầy tính tiền, hoặc giúp đỡ sinh viên vào đây tìm sách, như thế mới đúng nghĩa BOOK SHOP, sao không ai chịu hiểu nhóc tha thiết trở thành trí thức dù nhóc chưa học đến đâu.
Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, đến trường được vài tháng, nhóc khôn hẳn ra, không tội gì vùi đầu vào sách mà học, lên Net đạo văn, “cắt, dán” vào bài luận văn là đỡ khổ một đoạn đường vất vả học tập.
Không may cho nhóc, cô giáo khoanh đỏ cái khoảng cắt dán và chú thích: câu cú tuyệt thật, tuy nhiên ý tưởng không mạch lạc với phần trên. Nhóc lẩm bẩm không lẽ cô giáo cũng ở suốt ngày trên Net, đương nhiên là cô có lên Net, nhưng mục đích khác xa nhóc, mới nứt mắt đã muốn qua mặt thầy.
Book shop lúc này vắng khách, tên quản lý giảm bớt giờ của nhóc, nhóc nhảy ra “làm ăn” trên mạng.
Lúc trước nhóc có website riêng của mình, bây giờ nhóc vẫn duy trì hoạt động trên trang nhà, vẫn với cái nick “kid”, địa chỉ cư trú của nhóc đã chuyển sang xứ cờ hoa, ở ngay thung lũng tinh học, việt kiều trí thức đây.
Hồi trước nhóc ký tên, kid từ thành phố Bác, bây giờ, kid từ USA oai hết biết, mai này nhóc tốt nghiệp “Bợt Cờ Lây”, ra trường làm việc ngay tại chỗ, coi như số nhóc đẻ bọc điều, có điều phải học tới bến, cái này còn tùy vào bộ não của nhóc.
Mở cái shop buôn đồng hồ và vài mặt hàng khác trên website của nhóc, trụ sở chính đặt ngay trên đất Mỹ, kho hàng khu ngã ba Ông Tạ, mua hàng bên Hong Kong, Đài Loan, bán cho dân Sàigòn, nhóc mở account ở City Bank. Nhóc đâu thèm dùng Bank of America, băng nhà nước không sang như City Bank, làm ăn lớn phải biết chà xi đánh bóng cái vỏ bên ngoài, phải công nhận nhóc có đầu óc business tuy chưa qua trường lớp nào cả.


Khách mua hàng, chuyển tiền vào tài khoản của nhóc, mẹ bên nhà đi giao hàng, cái khó là nhóc mua hàng ban đêm, sáng ra đi học, DHL giao hàng tận nhà, nhóc phải nhờ bác Quan nhận hàng giúp, bác lại lẩm bẩm, bảo nhóc không lo học chỉ nghĩ đến chuyện mánh mung.
Khó nói quá, bác già rồi lẩm cẩm “tiền là tiên là phật”, người ta chúi mũi học thí mạng cũng chỉ để kiếm tiền, nhóc học không được thì kiếm tiền ngay, đi tắt như thế có phải hay hơn không.
Xui quá, nhóc chưa kinh nghiệm nên hàng mua về có khi bị ngậm, đứt vốn, đã thế bác Quan nổi cơ tam bành hài tội nhóc lếu láo, gian dảo... đã đời rồi bắt nhóc ra riêng, năn nỉ cách chi cũng không được.
Nhóc đành ra riêng, nhưng hận bác lắm, bác chỉ nuôi nhóc vừa tròn hai năm thôi, có bao nhiêu ngày tháng mà kể lể, vả lại từ ngày nhóc sang đây, bác Kim cắt viện trợ của mẹ nhóc, bảo nhóc không căm hờn sao được, hãy đợi đấy nhóc sẽ phục thù.
Nhóc tuổi dần, mệnh cọp chúa tể sơn lâm, đâu dễ gì rách rưới, bác Quan tuởng không có bác nhóc sẽ chết, thế là bác chưa biết tài của nhóc. Nhóc tìm hai đứa con của cô út, chúng nó sang đây cùng lúc với nhóc, nhưng đi định cư, bố chúng nó đang ở với bà sau, mang sang rồi vứt cho bác Kim lo. Hai đứa nó đã ra riêng, đang bưng bê trong một nhà hàng VN do bác Kim chỉ giúp, bảo chúng nó cho nhóc ở nhờ, khi nào đỗ “ông nghè” kỹ sư Computer nhóc sẽ nuôi tụi nó, hai đứa nhớ ơn nhóc giúp lo thủ tục vào sứ quán Mỹ bên Sàigòn bên sẳn sàng bảo bọc nhóc.
Thằng Minh bằng tuổi nhóc, con Trâm nhỏ hơn vài tuổi, đàng nào chúng nó cũng “thất học” chỉ học hết lớp mười, đi làm ngay là phải rồi, nhóc đã vào đại học, bỏ học phí công. Tính từ lúc đậu tú tài đến nay nhóc đã học gần sáu năm đại học chứ đâu phải ít, nhóc đang chờ vào chuyên ngành, chắc phải mất thêm vài năm nữa.
Hồi nào đến giờ sống nhờ tiền “viện trợ không bồi hoàn”, bỗng chốc nguồn viện trợ bị thắt eo, nhóc phải động não để kiếm tiền, coi bộ không dễ chút nào, xứ Mỹ là thiên đường của đứa cần cù lao động, nhóc ngại cực ngại khó nên phải tính đường khác.
Muốn trụ lại đây, chỉ có cách lấy vợ có quốc tịch Mỹ, nhóc chưa đỗ ông nghè, con gái đâu có để mắt tới, chỉ còn con đường ngắn, con đường bác Quan bảo phải tránh né, ngu sao mà né để vác xác về VN.
Nhờ bộ vó điển trai, thêm cái danh xưng sinh viên đại học, nhóc làm quen một cô “HO con” mới qua vài năm, lớn hơn nhóc vài tuổi, ít học, dung nhan tầm thường, như thế mới chắc ăn. Cô làm nail, ngoan hiền, nhóc ngại lao động chân tay, nhưng người khác làm để nhóc hưởng sái thì được, cô nàng cần một tấm chồng trí thức bảnh bao, coi như nhóc đủ tiêu chuẩn.
Làm một bài toán nhanh, tuy nhóc không có khiếu môn toán, cưới vợ là thượng sách, có giấy ở lại vĩnh viễn xứ Mỹ, việt kiều chính hiệu đây, cơm no bò cưỡi, sau đó học tà tà, sinh viên chín mười năm càng tốt. Nhóc biết sức mình, học mãn đời cũng không đi đến đâu, nhờ nhanh trí nên nhóc sẽ “run business” cho vợ, mở tiệm nail, lo thủ tục hành chánh, trang trí, mua supply ... nói chung là lo phần quản lý. Làm ăn phất lên nhóc sẽ làm thiện nguyện rồi đây tiệm nail của bà xã sẽ nổi như cồn, ông bà già vợ sẽ không còn nhìn nhóc như một thằng ăn bám, thiên đàng xứ Mỹ là đây.
Sau vài lần lui tới giao lưu, bố em HO lại ác cảm với nhóc, mấy lão HO như bác Quan khó tính chi lạ, biết hoàn cảnh nhóc, đã không thương tình ông còn chê nhóc “nghèo mà ham”. Ông biết đi Mỹ, sao ông không thích khi biết nhóc muốn trụ lại đây, đành rằng ông có công với tổ quốc, ông bị đi cải tạo, nhóc cũng đấu đá u đầu sức trán với các bác đến mất cả tình nghĩa gia đình chứ đâu có “nhàn” như ông nghĩ.
Lần cuối cùng tiếp nhóc, ông giảng “moral” một trận, sao mấy lão HO giống nhau thế, cứ lấy đạo đức làm nền, nhóc là cháu ngoan bác hồ, làm gì có cái nền tảng đó, các quan bên nhà đang xẻ đất bán rẻ cho tàu đỏ, nhóc khôn hồn chạy qua đây “tỵ nạn” ăn hôi xã hội tư bản là phải rồi.
Ông bảo cả đời nhóc chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho hoặc chia xẻ” rồi sẽ khổ suốt đời, vì khi mình “nhận” tức là mình chờ đợi sự ban phát của người khác, mình sẽ không còn “làm chủ” mình nữa, không lẽ con người sinh ra chỉ để chờ “sung rụng”. Bên này tuy là “thiên đàng” nhưng phải cày mới có tiền, không phải ai cũng có job để cày chứ đừng nói dư tiền để phân phát, vì thế ông bảo nhóc phải thay đổi “tư duy”, xứ này ưu đãi người siêng năng, chân chính, dân cơ hội đừng mơ, ông còn mắng mấy đứa thay lòng như trở bàn tay đã bán linh hồn cho quỹ.
Tối về nhóc nghĩ ngợi, mấy chục năm nay mẹ con nhóc vẫn sống nhờ “dollars rụng” đó chứ, chỉ vì chuyện đi Mỹ của nhóc gây bao nhiêu bất hòa trong đại gia đình nên mẹ con nhóc giờ này mới bị cúp viện trợ, sau khi ra khỏi nhà bác Quan nhóc sống vất vưởng.
Lão HO làm nhóc “suy tư bên bờ vắng” vì lối sống của nhóc hình như không hợp thời ở đây, giời ạ, lập trình sống trên sức lao động của các bác đã được cài đặt hơn hai mươi năm trong não của nhóc, muốn tháo ra đâu phải dễ, xứ cờ hoa lại không có chủ trương tẩy não, nhồi sọ như bên nhà, làm sao nhóc thích ứng với cuộc sống ở đây. 
Tự nhiên bảo nhóc bỏ đi cái bí quyết gia truyền của mẹ, coi như mất cái la bàn đi biển, nhóc biết bắt đầu từ đâu, vèo một cái trở nên người lương thiện, ngay thẳng, thật là chuyện không tưởng. 
Xứ này tưởng là thiên đàng không ngờ lại khó đến thế, ở lại không được vì giấy tờ sắp hết hạn, tiền đóng học phí cũng cạn, quay về còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ. Hồi nào đến giờ, mẹ con nhóc sống trong hào quang con cháu việt kiều mà đỉnh điểm là nhóc đi Mỹ, sắp thành việt kiều mà dẫn xác về, nhóc không hình dung nổi.
Rồi cuộc sống sẽ ra sao khi nhóc trở về với hai bàn tay trắng, tiền viện trợ không còn, nghe nói lão việt kiều Úc lớn hơn mẹ nhóc 20 tuổi về Sàigòn nghỉ hưu đang sống với mẹ nhóc, mỗi tháng chỉ chi tiền chợ điện nước, chứ không đưa nhiều tiền như các bác lúc trước.
Chưa bao giờ nhóc thấy bế tắc như lúc này, không ngờ mặt hàng kinh doanh “tình nghĩa anh em máu mủ” của mẹ con nhóc bị phá sản sớm đến thế.
Mai đây nếu phải rời xứ này, đất hứa, thiên đàng hạ giới, nhóc sẽ phải ân hận cả đời, giá nhóc đừng có cái «suy nghĩ xoè tay đón nhận” mà biết cách sống đúng đạo làm người chắc cuộc đời nhóc sẽ khác, lão HO còn bảo “Cho tức là Nhận” cao siêu quá, nhóc chưa hiểu được.
Cái sàng khôn mà nhóc nhặt được từ xứ Mỹ, đúng là không có cái gì miễn phí trên đời này, chỉ có tình cảm các bác là vô điều kiện, khi các bác gửi tiền về là để “đầu tư” cho tương lai của nhóc, nhóc phải vắt óc ra học, học không nổi tiến sĩ, kỹ sư, thì học trung cấp, học để tự mưu sinh sau này, vậy mà nhóc đã bỏ lở cơ hội.
Muộn vẫn hơn không, sau sáu năm rong chơi đại học ở Sàigòn và ở đây, đã đến lúc nhóc phải tìm ra lối sống cho mình, sáu năm người ta học thành tài và bắt đầu sự nghiệp, trong lúc đó nhóc loay hoay với cái mớ bòng bông toan tính hơn thiệt để rồi thiệt thân, cuối cùng mình trắng tay.
Cái trật tự ngược trong đầu nhóc không ăn khớp với xã hội, con đường tắt không phải là chính lộ để đạt tới mục đích trong cuộc sống, ngay như tỷ phú cũng phải động não, đứa không tiền, không tài lại còn “bại não” chắc chắn sẽ là đứa thua cuộc.
Lối sống chùm gửi, tiêu cực sẽ không có chỗ đứng trong dòng chính của xã hội, đó chỉ là con đường song song không có giao điễm để hội nhập vào cuộc sống chung của con người.
Xứ Mỹ coi vậy chứ không dễ “lũng đoạn” như bên nhà, trật tự xã hội dựa trên nền tảng đạo đức, nên không thể  dùng tài vặt lắt léo mà trụ lại. Đã có khối cô cậu du học tốt nghiệp kỹ sư sau khi tốt nghiệp bên này, tìm không ra việc làm họ đành quay về VN sinh sống, vì họ là những người tự trọng, không thể ở chui, làm bất cứ việc gì để ở lại đây, thiên đàng đâu còn ý nghĩa khi con người phải sống chui rúc như loài động vật.
Nhóc chưa có bằng cấp để tiếc khi phải quay về VN, càng không nên tiếc nếu chuyến này nhóc thực sự quay về kiếp người chân chính.
Đoàn Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,863,447
Khi chị đang ở giai đoạn sung mãn nhất của tuổi hồi xuân
Lan Chi sáu tháng tuổi đã đáp máy bay đến San Diego để thăm ông bà Nội
Khi viết những dòng này, tôi bắt đầu nhìn thấy những ngôi nhà trang hoàng chuẩn bị chào đón ngày Halloween được nhiều hôm  
Ấn tượng ban đầu của Trân về những cô gái tóc vàng
Mùa Halloween năm nay cũng như bao Halloween trước, vừa đầu tháng 10 thì các cửa hàng đã bày bán hàng Halloween và quả bí to nhỏ màu cam  
Mỗi độ xuân về, gia đình chúng tôi thường nhắc đến một kỷ niệm khó quên về đêm Giao Thừa, Tết năm Tân Mùi, 1991, trên đất Hoa Kỳ.  
Chuông điện thoại reo vang
Chị Bảy về tới nhà, chưa kịp thay quần áo, liền hỏi bà Ba
Khi tôi còn thơ ấu, mỗi buổi trưa mùa hè oi ả, dưới tàn cây cau  ở quê nhà. Trên chiếc võng treo ở ngoài vườn
Mấy người làm bếp bước vô tiệm phở
Nhạc sĩ Cung Tiến