Trên Bãi Biển Onset, Massachusets
Tác giả: Nguyễn Đức Quang
Bài số 3030-28330-vb8103110
Tác giả và nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang tại quận Cam, là hai người khác nhau. Ông là cựu sĩ quan, cựu tù cải tạo, đến Mỹ theo diện H.O., từ 1990 và là cư dân Renton, tiểu bang Washington. Với bài viết "Thần Đồng" ký bút danh Nguyễn Quang, ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Năm 2009, ông có bài viết "Trần Lan Chi" kể chuyện đặt tên và chào đón cô cháu ngoại thuộc thế hệ thứ ba của gia đình. Bài viết mới tiếp tục kể về hành trình mới của bé. Hình bên là cảnh bé trong xe đẩy cánh diều trên bãi biển.
***
Lan Chi sáu tháng tuổi đã đáp máy bay đến San Diego để thăm ông bà Nội. Bẩy tháng tuổi, Lan Chi cùng bố mẹ đi dự seminar của mẹ Chi tại Pheonix, Arizona. Mười tháng tuổi Lan Chi cùng ông bà ngoại, dì Cơ và bố mẹ đến Boston để dự lễ tốt nghiệp của cậu Nam. Ông ngoại còn nghe Lan Chi sắp đi cắm trạị tại Oak Harbor, Washington vào cuối tháng sáu. Lan Chi sẽ gặp cô em họ Josie, sinh sau Lan Chi mười ngày. Chi sẽ ngủ trong lều giống như ông ngoại đi cắm trại Hướng Đạo ngày xưạ. Bố Lan Chi còn khoe với ông ngoại, sau sinh nhật một tuổi của Lan Chi, ông bà nội sẽ đưa Chi du lịch nước ngoài Vancouver BC, Canada.
Đi Boston là chuyến đi xa của Lan Chi. Chuyến bay từ Seattle đến Boston dài năm giờ mười phút. Trong chuyến đi này Lan Chi đã làm ông bà ngoại ngạc nhiên và hạnh phúc.
BỖNG NHIÊN THÀNH TRIỆU PHÚ
Bà ngoại thường tâm sự với bà Trâm, người bạn thân của bà ngoại, rằng: "không biết những người triệu phú sống ra sao." Chưa trở thành triệu phú làm sao bà ngoại biết được những người triệu phú sống thế nào. Ngày xưa, sinh ra dì Cơ, ông ngoại là trung úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Lãnh lương một tháng 40,000 đồng. Việc trước tiên sau khi lãnh lương, ông ngoại mua 10 hộp sữa Guigoz giá 800 đồng một hộp. Sinh ra mẹ Chi, cả nước ăn bo bo không ăn gạo. Sinh cậu Nam, cả nhà sống nhờ những thùng quà của bà Nga gửi về từ Mỹ. Di cư sang Mỹ, đặt chân đến phi trường Seattle, gia tài chỉ có 50 đô la Mỹ. Bà Tám Lợi, bà chủ của ông ngoại lúc ông ngoại làm việc tại cửa hàng Quỹ Tín Dụng Bình Tây quận 6, cho ông ngoại 80 đô la. Ông ngoại dùng 30 đô la để lo dịch vụ gửi đồ đạc. Ông ngoại dấu 50 đô la trong bí tất và đem được tới Mỹ. Những năm đầu, gia đình sống nhờ tiền trợ cấp của nhân dân Mỹ. Mẹ Chi là người đầu tiên kiếm ra tiền trong gia đình. Mẹ Chi làm cho một cơ quan từ thiện được trả lương 4 đô la một giờ. Công việc của mẹ Chi là gọi điện thoại để xin tiền cho cơ quan. Hè năm sau, mẹ Chi quét dọn tại sân vận động Kingdom sau những trận đấu baseball hay football. Dì Cơ làm việc cho chương trình hè. Ông ngoại làm ba công việc. Ông ngoại làm work study, đưa báo, dọn vệ sinh tại tiệm Nail và Hớt tóc Paul Maurey. Bỗng nhiên ông bà ngoại trở thành triệu phú. Nói cho đúng bỗng dưng ông bà ngoại được hưởng cuộc sống của những người triệu phú. Ông bà ngoại không trúng Mega hay Loto, không thắng bài bạc hay stock, cũng không được hưởng thừa kế một gia tài kếch xù ... Ông bà ngoại bỗng nhiên trở thành triệu phú thật đơn giản, không mấy khó khăn. Trong chuyến đi Boston, dì Cơ thuê một dinh thự trên bãi biển thuộc vùng Cape Cod. Nhìn bảng to tướng trên bãi biển PRIVATE BEACH cũng đoán được giá của những dinh thự của bãi biển Onset phải bạc triệu đô trở lên. Dinh thự nằm trên bãi biển dài khoảng 200 mét, cát trắng như cát bãi biển Vũng Tàu. Bãi biển thuộc một vịnh nhỏ nên rất êm đềm và chỉ có những sóng nhỏ vỗ nhẹ vào bờ như bãi biển Thanh Bình, Đà Nẵng. Cảnh đẹp không thua gì biển Thanh Bình. Bãi biển chỉ có 12 dinh thự. Ban ngày bãi biển vắng, không một bóng người. Sáng sớm tinh mơ chỉ có một ông cụ già chạy bộ qua bãi biển rồi biến mất không đầy năm phút. Ban đêm , 11 dinh thự kia không đèn đóm, chỉ có dinh thự của gia đình đèn sáng choang đến tận nửa đêm, có khi đến một hai giờ sáng. Nhờ một tấm bảng nhỏ trên bãi biển, ông ngoại mới biết tại sao bãi biển vắng và tại sao dì Cơ thuê dinh thự với giá rẻ không ngờ. Tấm bảng viết : Bắt đầu season tháng năm ngày 23. Chấm dứt season sau ngày lễ Lao Động . Có nghĩa là bắt đầu mùa vui chơi trên bãi Onset hằng năm là ngày 23 tháng năm và chấm dứt sau ngày lễ Lao Động Mỹ (ngày thứ hai, tuần lễ đầu tiên của tháng 9. Năm 2010 ngày lễ lao động là ngày 6 tháng 9). Đến trước ngày 23 tháng năm hơn hai tuần lễ nên bờ biển chỉ có gia đình mình.
Cả một bãi biển dài 200 mét thuộc vùng Cape Cod thuộc về gia đình. Ông bà ngoại không phải là triệu phú mà ông bà ngoại là tỷ phú. Chưa chắc gì bãi biển của giòng họ Kennedy ở Florida đẹp bằng bãi biển Onset.
Mọi sinh họat của tất cả sáu người đều phụ thuộc vào Lan Chi.
Sáng sớm ông bà ngoại, người thức dậy sớm nhất, đi dạo biển. Dạo biển và ngắm bình minh trên biển. Buổi sáng sớm bãi biển thật nhẹ nhàng. Gió thổi nhẹ, sóng vỗ bờ nhẹ, những cánh chim hải âu trắng lượn nhẹ, những vạt mây trắng bay nhẹ trên trời xanh. Những con tàu nằm im lìm. Thỉnh thoảng tiếng kêu của chim hải âu làm vang động bãi vắng. Sau đó ông bà ngoại về phòng ăn sáng và chờ Chi thức dậy. Chi thức dậy, cả nhà dạo chơi trên bãi biển, bơi thuyền, thả diều ... cho đến lúc đến gần giờ ăn trưa. Buổi ăn trưa của gia đình rất sớm vào khoảng 10 giờ 30. Ăn trưa sớm để Chi ngủ trưa. Chi cũng được cùng ngồi bàn ăn với mọi người. Có một cái ghế đặc biệt dành cho Chi. "Buổi ăn trưa rất vui nhờ có Chi phụ diễn văn nghệ". Đây là câu nói của mẹ Chi. Chi há miệng to tròn chờ những thìa thức ăn chẳng khác những con chim con chờ chim mẹ mớm. Chi mím miệng phì thức ăn. Chi bốc những miếng bánh mì. Chi gậm những mẩu cà rốt. Mọi hành động của Chi làm bữa ăn vui tươi. Ăn trưa xong, Chi đánh một giấc ngủ trưa. Trong khi Chi ngủ, mọi người sửa soạn cho chương trình đi du ngoạn buổi chiều. Chi thức dậy vào khoảng 12 giờ 30 trưa đến 1 giờ trưa. Cả nhà bắt đầu chuyến đi chơi.
Có những buổi chiều đi chơi xa đến tối mới về. Có những lần đi đến những nơi gần về đến nhà chỉ khoảng 6 giờ chiều. Những chuyến đi xa lên Boston để thăm khu chợ Quincy, đại học Havard, đại học Boston, khu trung tâm thành phố, bảo tàng viện ... Thành phố Boston là thành phố cổ có nhiều dinh thự đẹp như một thành phố trong truyện cổ tích. Những lần đi Boston, cả gia đình ăn tối tại khu chợ Việt Nam, khu phốTàu, nhà hàng Nhật,Ý rồi mới về nhà. Đặc biệt cả nhà được cậu Nam dẫn đến ăn tại tiệm ăn Ethopie. Mọi người ăn bốc giống như Chi. Có những lần đi xa đến tận Provincetown. Cả nhà được đi qua những thành phố xinh xắn, được thăm ngọn đèn hải đăng. Tại đèn hải đăng Chi không được phép lên trên tháp hải đăng vì chưa đủ chiều cao tối thiểu qui định.
Những chuyến đi gần như Sandwich, Falmouth, Hyannis, Chatham ... Trước khi về nhà, bà ngoại, dì Cơ và mẹ Chi mua đồ ăn về nấu cơm tối cho cả nhà. Ông ngoại được ăn Lobster và hến. Lobster và hến là hai đặc sản nổi tiếng của vùng Massachusetts.
Trở về Seattle, ông ngoại cho các đồng nghiệp xem hình ảnh của chuyến đi Boston. Trong buổi họp, bà Pinky, dean của trường, nói với mọi người :"Quang nghỉ vacation trên bãi biển vùng Cape Cod " Mắt mọi người tròn xeo, miệng há hốc. Bà Pinky nói tiếp :" Triệu phú trở lên mới nghỉ vacation tại vùng biển Cape Cod " Từ nay không có lý do gì bà ngoại than phiền không biết người triệu phú sống như thế nào .
Có phải được hưởng cuộc sống của người triệu phú khiến bà ngoại vui vẻ và hạnh phúc không " Chắc chắn không. Ông bà ngoại hạnh phúc vì trong chuyến đi Boston có Chi. Chi đã làm mọi người ngạc nhiên. Suốt chuyến đi Chi luôn vui tươi, hóm hỉnh. Những nụ cười hóm hỉnh và những trò nghịch ngợm của Chi làm mọi người vui. Đúng như mẹ Chi nói : Ốc làm entertainment. Chính Chi mới đem đến hạnh phúc cho bà ngoại.
THẢ DIỀU
Suốt thời thơ ấu chỉ có vài lần ông ngoại thả diều trên bãi biển Thanh Bình, Đà Nẵng vào năm ông ngoại học lớp đệ lục. Thả diều không quyến rũ được ông ngoại, lý do ông ngoại không thành công trong những lần thả diều đó. Những con diều tự tạo của ông ngoại chưa bao giờ bay cao quá hai mươi thước và ở lâu trong bầu trời quá năm phút. Ông ngoại chạy ngược gió để con diều bốc lên. Con diều bay qua bay lại cách mặt đất hơn mười thước. Ông ngoại thả thêm dây để diều bay cao hơn. Thay vì bay lên cao, con diều lảo đảo. Hoảng hồn ông giật mạnh dây nhiều lần để giữ thăng bằng cho con diều. Con diều cứ lao xuống đất như chiếc máy bay không theo lệnh của phi công cắm đầu xuống đất. Con diều không nổ tung như chiếc máy bay mà nằm im không nhúc nhích, ngay cả chiếc đuôi ngắn ngủi, nhỏ bé cũng không lay động. Ông ngoại lại chạy ngược gió, lại giật sợi dây lia lịa. Kết quả không khá hơn. Con diều nằm bất động trên bãi cát biển. Nhìn con diều nằm bất động, ông ngoại giật mình. Con diều không thở. Con diều đã chết nên không bay được. Ông ngoại nhặt con diều. Ông ngoại nghe tiếng thở dài. Con diều chưa chết. Con diều nói với ông ngoại với giọng bực dọc, chua chát, hờn dỗi:
- Coi diều của thằng Lộc kìa. Lớn hơn tôi năm lần, đẹp hơn tôi trăm lần. Tôi chỉ có mỗi một màu xanh, còn diều của thằng Lộc có đến ba màu xanh, đỏ, vàng. Ba đuôi diều của thằng Lộc, mỗi đuôi một màu, dài gấp ba lần đuôi tôi. Tôi làm sao bay cao và lâu như diều của thằng Lộc ...
Con diều của ông ngoại nói đúng. Ông ngoại làm con diều cho có, không làm bằng nhiệt tâm của những người yêu thú thả diều. Ông ngoại cũng không phải là người khéo tay nên con diều của ông ngoại vừa xấu vừa không đúng tiêu chuẩn của một con diều tốt. Diều của thằng Lộc làm bằng nan tre chuốt mỏng, giấy bóng, và dán bằng hồ. Ông ngoại làm khung diều bằng đũa tre ăn cơm chuốt không được mỏng và chất lượng uốn cong không bằng nan tre, giấy báo và dán bằng cơm nguội. Nhìn con diều của thẳng Lộc bay cao trong trời xanh. Con diều căng gió. Mặt con diều đầy hãnh diện đưa mắt nhìn trời cao, không thèm ngó xuống đất. Thằng Lộc ngửa mặt lên trời chăm chăm nhìn con diều đồng thời hai tay nó giật dây lia lịa. Ông ngoại không thấy thả diều là thú vui thú vị tao nhã như trong văn thơ nhạc tả về thú thả diều, tiếng sáo diều ... Đá bóng, đánh bóng bàn, bơi lội hấp dẫn hơn thả diều. Ông ngoại không chơi thả diều từ ngày đó.
Những ngày trên bãi biển Onset, thả diều là thú vui và đem lại cho ông ngoại nhiều hạnh phúc. Trong basement của dinh thự, có treo 8 con diều. Một buổi chiều nhiều gió, ông ngoại lựa một con diều đẹp nhất. Con diều làm bằng vải nylong, có ba màu xanh vàng đỏ. Con diều chỉ có một đuôi dài không có ba đuôi ngắn ngủn như diều của ông ngoại. Đuôi con diều dài khoảng hơn mười lăm mét có nhiều màu như màu cờ Phật giáo. Con diều bền chắc và đẹp gấp trăm lần con diều của thằng Lộc.
Ông ngoại đem con diều ra khỏi bực thềm dinh thự năm thước, con diều đã ngóc đầu dậy. Ông ngoại vừa đi vừa thả dây để con diều bay lên cao. Ông ngoại thả hết dây. Con diều bay cao hơn hơn 60 mét, cao hơn hai lần con diều của thằng Lộc bay trên bờ biển Thanh Bình. Ông ngoại không phải ngửa mặt lên trời nhìn con diều, tay cũng không giật dây lia lịa như thằng Lộc. Ông ngoại bước thong thả đi trên bãi biển. Thỉnh thoảng ông ngoại liếc nhìn con diều. Có lúc ông ngoại thu dây để con diều lơ lửng cách mặt đất bẩy tám thước có khi chỉ cách mặt đất năm thước. Rồi lại thả nó bay vút lên trời xanh. Ông ngoại có cảm tưởng mình đang dắt con vật có sự sống đi dạo chơi trên biển. Ông ngoại trở lại trước mặt dinh thự và cột dây của con diều vào cột neo thuyền. Con diều vẫn bay, hớn hở và ngạo nghễ.
Hạnh phúc nhất của ông ngoại là nhìn bà ngoại và mẹ Chi thả diều cho Chi xem. Bà ngoại cho con diều bay lượn thật thấp trước mặt Chi. Bà ngoại như diễn viên điều khiển những con thú múa rối. Con diều giống như một con lân đang múa trước Chi. Nếu có tiếng trống thì đúng là cảnh tượng múa lân. Mẹ Chi chỉ chỉ chỏ chỏ cho Chi nhìn về hướng con diều bay. Chi ngồi trong xe, miệng cười, hai tay vẫy vẫy, hai chân đưa lên đưa xuống cà tưng cà tưng. Con diều không khác gì con lân hay con rồng bay lượn, đùa giỡn với Chi.
Có lúc ông ngoại dắt một con diều, bà ngoại dắt một con diều đi trước, mẹ Chi đẩy xe Chi đi sau. Chẳng khác gì đám rước.
Lậy trời cho gió đầy trời
Cho diều căng gió, cho đời ngoại vui
Nguyễn Đức Quang