Hôm nay,  

Người Mỹ Chung Tình

21/06/201700:00:00(Xem: 12963)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 5150-18-30750-vb4022117

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình". Sau đây thêm một bài viết mới.

* * *

blank
David Toelkes trong đám cưới vợ chồng tác giả.

Nhìn lướt qua một đống thư từ trên bàn, hết quảng cáo rồi đến hóa đơn tính tiền đủ loại với địa chỉ toàn bằng chữ máy in, mắt tôi ngừng ở một phong thư với hàng chữ viết tay từ David Toelkes. Trong phong thư là một bức ảnh với vài hàng chữ viết:

"Ngọc,

Hình của con gái tôi, Thúy Hoa, chồng và con nó chụp hôm sinh nhật bẩy tuổi của cậu con trai út. Tôi vẫn đi làm bình thường. Bố tôi sức khỏe sa sút, không lái xe được nữa. Mẹ tôi tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, đủ sức để lo cho bố tôi. Emily và Tyler lúc nào cũng mang đến cho tôi bao nhiêu sự sung sướng và vui mừng. Tôi có bao nhiêu thì giờ tiêu khiển với tụi nó vẫn không đủ. Cuối tuần nếu con gái tôi không dẫn tụi nó đến nhà tôi thì tôi đến nhà tụi nó. Tôi đang dậy Tyler chơi baseball. Thằng bé nhỏ xíu mà lại thích chạy phình phịch, trông thật buồn cười.

Gửi lời thăm tất cả gia đình anh nhe. Nhớ lúc nào không bận thì sang thăm tôi.

David Toelkes"

David Toelkes là người bạn Mỹ thân nhất của tôi, hiện đang sống ở Kansas. Ông ta chỉ có một cô con gái ở cách xa ba mươi dặm, có chồng và hai đứa con: một gái, Emily, mười tuổi và một trai, Tyler, bẩy tuổi. Sở dĩ con gái ông ta có tên Thúy Hoa vì mẹ cô ta là người Việt Nam. Tôi rất vui mừng mỗi lần nhận thư David vì khó có thể hình dung được một người trên nước Mỹ không dùng máy vi tính gửi email cho bạn bè. Nhận được thư viết tay của một người bạn gửi qua bưu điện trong thời đại tân tiến này là cả một sự hiếm hoi. Thư viết tay đã hiếm, người viết gửi bức thư này cho tôi, David Toelkes, lại càng hiếm hơn. Khó có thể tìm ra một ai nữa trong xã hội bây giờ vì ông ta như những con khủng long sắp bị diệt chủng.

Tháng Tư 1975 ở Sàigòn là một thời gian đầy lo âu vì tình hình quân sự. Biết rằng Tổng Thống Gerald Ford không thể nào cứu vãn Việt Nam vì bị Quốc Hội Mỹ bó tay, miền Bắc mở cuộc tổng tấn công, và từ Tết cho đến giữa tháng Tư, bao nhiêu thành phố miền Nam sụp đổ nhanh chóng, từ Quảng Trị, Huế, Phan Rang, Ban Mê Thuột cho đến Đà Nẵng, Qui Nhơn, Phước Bình. Ngày 20 tháng Tư, sau khi mười lăm sư đoàn thiện chiến Cộng Sản chiếm đóng thành phố Xuân Lộc trong một trận chiến đổ máu -Xuân Lộc chỉ cách Sàigòn 48 cây số về hướng Tây Bắc-, việc Sàigòn thất thủ cuối cùng đã trong tầm mắt của tất cả mọi người. Thứ Sáu 25 tháng Tư, nhận thức quân đội Cộng Sản càng ngày càng xiết chặt vòng vây tiến vào Sàigòn, Tổng Thống Ford ra lệnh di tản người Mỹ và người Việt tỵ nạn trong Chiến dịch Gió Thổi Không Ngừng, Operation Frequent Wind. Dân chúng trong Sàigòn sống trong nỗi âu lo sợ hãi, không ai biết tình hình chiến sự sẽ xẩy ra như thế nào.

Sáng Chủ Nhật 27 tháng Tư, anh tôi từ bên nhà vợ lái chiếc Honda về nhà rủ tôi đi thăm vợ của một anh bạn người Mỹ hiện đang ở San Diego, California. Len lỏi chiếc xe gắn máy từ nhà tôi ở chợ Bàn Cờ đến địa điểm muốn đến ở Gò Vấp, anh kể cho tôi nghe là đã hơn một năm nay, anh thường viết thư liên lạc trao đổi giáo lý với một anh Mỹ tên Joe Seemann ở một nhà thờ tại Santa Barbara, California. Trong một dịp nhóm họp, Joe quen với một anh tên David Toelkes. Năm 1967 David sang Việt Nam là lính Thủy Quân Lục Chiến với phận sự tuần tiễu trên sông Cửu Long. Một ngày khi vào một tiệm rượu ở Sa-Đéc, anh ta gặp một cô gái bán bar nhan sắc tuyệt đẹp tên Thúy Mai và bị ngay tiếng sét ái tình. Sau khi hai người sinh sống với nhau, Thúy Mai sinh ra hai đứa con gái tên Thúy Hồng và Thúy Hoa.

Tuy rằng phận sự của David không bao giờ ra khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long, anh ta không bao giờ đuợc trấn đóng ở một nơi cố định, thường bị thuyên chuyển. Tháng 11 năm 1969, trong một quyết định bất ngờ của quân đội Mỹ, anh được lệnh rút quân qua đêm, không tải trở lại Mỹ mà không kịp giã từ Thúy Mai. Khi đến Hoa Kỳ, sau thời gian gián đoạn một vài tuần, anh ta viết thư về cho Thúy Mai ở Sa Đéc nhưng thư đi thì có, thư về thì không.

Mấy năm sau đó, David tiếp tục gửi thơ tìm kiếm nhưng Thúy Mai vẫn bặt vô âm tín. Mỗi lần có dịp quen được người Việt Nam, anh ta đều gửi tiền nhờ tìm tông tích Thúy Mai nhưng mọi cuộc tìm kiếm đều vô hiệu quả, thậm chí đôi lần anh ta còn bị lừa. Năm 1974, ở căn cứ Hải quân San Diego nơi David làm việc, anh ta quen một sĩ quan Việt Nam được bổ sang Mỹ huấn luyện. David nhờ anh này tìm Thúy Mai khi trở lại Việt Nam. Tháng Giêng năm 1975, David nhận tin vui từ anh sĩ quan Việt Nam là anh ấy đã tìm ra được Thúy Mai, hiện ở Gò Vấp. Sau khi nói chuyện điện thoại được với Thúy Mai, David làm giấy tờ bảo lãnh nàng và hai đứa con gái sang Mỹ.

David đi nhóm tại một nhà thờ Tin Lành không giáo phái ở San Diego. Nhà thờ này có nhiều chi nhánh khắp nơi rải rác trên nước Mỹ. Một trong chi nhánh là Santa Barbara, nơi Joe Seemann dự lễ. Một hôm trong một ngày dự Hội Đồng có nhiều nhà thờ nhóm lại, David quen Joe. Khi khám phá ra Joe quen với anh tôi là người Việt Nam hiện đang ở Sàigòn, David viết thư nhờ anh tôi đến thăm Thúy Mai xem nàng có cần gì thêm trong khi chờ đợi chuyến bay đi Mỹ. David rất mừng rỡ với viễn ảnh sẽ gặp lại người yêu cũ trong vài tuần. Anh ta nói tất cả mọi sự anh đã lo hết, kể cả việc mua vé máy bay cho ba mẹ con. Ngày rời Sàigòn: 30 tháng Tư 1975.

Len lỏi trong những đường phố Sàigòn hơn bốn mươi phút, anh tôi tìm ra địa chỉ của căn nhà ở Gò Vấp không một chút khó khăn. Nó là một căn nhà lụp xụp nằm bên tay trái của một căn xóm mà đường vẫn còn gạch đá lởm chởm, chưa được lót xi măng. Vài đứa bé ngồi quây quần chơi những trò chơi trẻ con thắng thua bằng những chiếc nút khoéng. Một bà bán hủ tiếu đặt gánh trước một căn nhà cửa đóng kín, khuấy nồi nước lèo chờ khách. Bên tay phải của tôi là một căn nhà cửa mở toang, một bà cụ ngồi bệt dưới sàn gạch bông trong nhà, tay phe phẩy chiếc quạt giấy trong khi mắt chăm chú theo dõi anh em chúng tôi.

Tắt máy cho xe thả trớn và khi đến trước căn nhà, anh tôi thắng xe lại. Phía bên trong nhà là một giường gỗ với một bà cụ ngồi nhóp nhép nhai trầu cạnh hai bé gái, lắng nghe tiếng hát cải lương phát ra từ chiếc radio bên cạnh. Ngay cửa là một bộ bàn ghế sơ xài với một thiếu phụ xinh đẹp trong chiếc áo bà ba trắng, quần satin đen, tóc dài xõa vai, gương mặt thon thon, mũi cao, đôi mắt to tròn xinh đẹp. Anh tôi lên tiếng:

- Chào chị. Tôi muốn tìm nhà chị Thúy Mai, có phải là nhà này không ạ?

- Dạ, anh đến đúng nhà rồi. Em là Mai đây anh. Mời anh ngồi. Dạ, anh là ai?

- Cám ơn chị. Tôi tên là Trúc. Đây là em tôi, Ngọc. Tôi quen với anh David Toelkes bên Mỹ. Anh ấy có viết thơ nhờ tôi đến gặp chị. Vừa nói, anh tôi vừa lấy thơ của David đưa cho chị Mai xem.

- Anh là bạn của David hả? Gặp lại anh David em mừng quá anh ơi.

Quay sang bà cụ ngồi ở giường gỗ, chị Mai tiếp:

- Đây là má em. Hoa! Hồng! Tới đây con! Đây là hai đứa con của em.

Hai đứa bé thật kháu khĩnh, rõ ràng là con lai với nước da trắng bóc, mắt to với sóng mũi thật cao. Cô bé lớn bị sứt môi, cô bé nhỏ nhìn bụ bĩnh xinh đẹp như búp bê với cặp mắt hơi có mầu xanh dương trông tuyệt đẹp.

- David nhờ tôi đến gặp chị, xem chị có cần gì không, nhất là kiểm soát lại xem chị không thiếu một thứ gì cần thiết trước ngày đi.

- Em không biết gì hết, anh xem dùm em…

Rót nước mời chúng tôi uống, chị Mai kể lại trước khi gặp David, chị ở chung nhà với bố mẹ ở dưới quê. Bố mẹ chị chỉ có mỗi một người con gái mà lại túng quẫn nên chị phải đi làm nuôi gia đình. Gặp bao nhiêu người lính G.I. ở quán rượu nhưng chị vẫn không động lòng cho đến một hôm gặp David. David dáng người hiền hậu, vui tính, tính tình nhút nhát mà chị không thấy ở những người lính Mỹ khác. Chị không nói tiếng Anh nên không thể nào nói chuyện với những người lính Mỹ, nhưng từ lúc quen nhau David cố gắng học hỏi và bập bẹ nói vài tiếng Việt làm chị cảm thấy rất gắn bó với David. Cuối cùng, mối thân tình của tâm lòng dẫn đến sự rung động của xác thịt, hai người chung sống với nhau và trong hai năm liên tiếp, chị sinh hai cháu bé gái, Thúy Hoa và Thúy Hồng.

Với tiền lương lính, David cung cấp cho chị đủ tiền ra mướn nhà ở riêng nhưng vẫn có khả năng phụng dưỡng bố mẹ. Cuộc đời chị cảm thấy quá hạnh phúc cho đến ngày David rút quân đột ngột về Mỹ mà chị hoàn toàn không hay biết. Lo ngại cho chồng chưa đủ, một tuần sau thì bố chị mất. Nỗi quan tâm của một người vợ không hiểu tiếng nói xứ của chồng khi một ngày chồng bỗng nhiên biến mất không dấu vết, và nỗi lo sợ không đủ tiền trả tiền nhà và tiền nuôi con khiến hai tuần sau đó chị quyết định dọn về ở với mẹ chị ở Gò Vấp: thứ nhất vừa để lo cho mẹ bớt sầu khổ, thứ hai vừa lo việc chôn cất cho người cha. Chị ở như thế nuôi con không tái giá, với hy vọng một ngày gặp lại David. Ngày qua tháng lại, hết năm này đến năm khác vẫn không có tin của người yêu cũ. Chị đã sắp sửa buông rơi tất cả hy vọng thì đầu năm nay, qua anh lính hải quân Việt Nam đi du học ở Mỹ, chị nhận tin của David.

Tôi lắng nghe một chuyện tình đã tưởng chôn vùi trong tuyệt vọng nhưng bây giờ sắp sửa kết thúc trong hạnh phúc. Anh tôi sau khi xem xét giấy tờ, vé máy bay của chị và hai cháu bé, chia sẻ với chị vài phút về Chúa, chúc chị đi Mỹ bình an sống đời hạnh phúc vĩnh viễn với người chồng tưởng mất nhưng còn.


Ngồi trên chiếc xe Honda quay trở lại nhà với khung cảnh xe lính khắp nơi, đường xá tràn ngập những lính tráng súng ống trên vai, gương mặt căng thẳng chuẩn bị cho cuộc chạm trán cuối cùng tử thủ Sàigòn, tiếng súng bắn, tiếng đạn pháo kích, tiếng máy bay bỏ bom vang dậy gần xa, tiếng máy bay trực thăng Chinook bay vào Sàigòn di tản người Mỹ, tôi lo lắng cho chính thân phận của tôi. Càng lo lắng bao nhiêu, tôi lại càng ước gì tôi được đổi số mạng của tôi với chị Mai: Giá gì trong tay tôi bây giờ là chiếc vé máy bay một chiều với tên tôi, nơi đi là Mỹ quốc! Nhận thức được giấc mơ này tuy giản dị nhưng không thể nào hiện hữu, tôi bật khóc. Giọt nước mắt lăn tròn trên hai má, tôi xót thương cho thân phận xấu xố của chính mình.

Sáng Thứ Tư 29 tháng Tư, anh tôi từ nhà vợ lái xe về nhà bảo tất cả mọi người đi ra nhà thờ Trần Cao Vân vì có trực thăng Mỹ sẽ đến di tản các giáo sĩ Mỹ. Chờ mãi từ sáng đến chiều không thấy ai đón, gia đình tôi quyết định chạy ra bến Bạch Đằng. Trong một sự may mắn hiếm có, chúng tôi leo lên một xà lan có lính Mỹ hộ tống, rời Sàigòn ra biển. Ở giữa biển chúng tôi được tầu của Đệ Thất Hạm Đội vớt và từ đó được chuyên chở bằng tầu và máy bay đến Subic Bay - Phi Luật Tân, Asan Annex - Guam, và Fort Indiantown Gap - Pensylvania. Cuối cùng chúng tôi được nhà thờ anh tôi quen biết bảo trợ về San Diego.

Tối thứ Bẩy đầu tiên đi nhóm ở nhà thờ, tất cả mọi người trong hội thánh đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Tuy nhiên, có một người tôi để ý đến nhất, và sau này tôi nói chuyện nhiều nhất khi được anh tôi giới thiệu: người đó là David Toelkes. Chỉ vài tháng trước đây ở Sàigòn, nếu một ai nói tôi sẽ đi Mỹ rồi sẽ gặp chồng của chị Mai, David Toelkes, tôi chắc chắn sẽ bảo ngay là người ấy điên. Thế nhưng không ai có thể biết được chuyển gì sẽ xẩy ra trong đời: Tôi hôm nay trên đất Mỹ, gặp David Toelkes bằng xương bằng thịt trước mặt tôi.

Thấy anh ta chỉ có một mình, và nhớ lại chuyến máy bay rời Sàigòn của chị Mai theo chương trình ấn định là 30 tháng Tư, ngày Việt Nam Cộng Hoà thất thủ, không cần đoán tôi cũng nghĩ ra ngay là chị còn kẹt lại ở Sàigòn. Số phận trớ trêu, chị đáng nhẽ được đi nhưng ở lại, tôi hoàn toàn không có cách nào rời được Việt Nam thế nhưng nay lại đặt chân trên đất Mỹ! Sau buổi nhóm, cho dù là mọi người đã ra về hết, anh tôi và tôi ngồi kể lại cho David nghe hôm cuối cùng chúng tôi đi gặp ba mẹ con ở Gò Vấp. Nghe xong câu chuyện, không cầm được nước mắt, David sụt sùi khóc. David hỏi anh ta đã làm gì mà sao Thượng Đế lại trừng phạt anh ta quá nặng nề. Xa lánh vợ con sáu năm nay, David tưởng đã đoàn tụ với gia đình nhưng sự vui mừng ấy tiêu tan theo mây khói vào đúng ngay giây phút cuối.

Những tháng về sau tuy rằng vẫn gặp nhau đều đặn ở mỗi buổi nhóm, anh tôi không còn thân với David như tôi vì vợ anh ấy sinh con. David thấy có một sự quan hệ mật thiết trong tôi vì tôi là người cuối cùng gặp vợ con anh ấy bằng xương bằng thịt. Thỉnh thoảng cuối tuần David chở tôi lên núi, hai người với hai chiếc túi ngủ sleeping bagnằm dưới lều ngắm trăng mà suy gẫm về chuyện đời. Không biết bao nhiêu lần tôi phải diễn tả lại cho David nghe chị Mai và hai con anh ấy như thế nào ở buổi gặp nhau hôm đó. Có lẽ vì ban đầu tiếng Anh của tôi còn dở nhưng theo thời gian càng ngày càng khá nên David muốn nghe tôi kể cũng cùng một câu chuyện để mỗi lần nghe anh càng biết được nhiều chi tiết mà trong những lần kể trước không có.

Cứ mỗi hai tháng sau khi miền Nam thất thủ, David nhờ tôi chuyển dịch thư viết cho Thúy Mai bằng tiếng Anh sang tiếng Việt. Ở cuối đoạn thư, lá nào cũng như lá nào, David luôn luôn viết một câu mà tôi không bao giờ cần phải dịch, tuy rằng viết không dấu: Anh yeu em mai mai suot doi. Thư gửi đi như thế cũng nhiều nhưng gần hai năm sau, David mới nhận được bức thư hồi âm thứ nhất của Thúy Mai.

David cảm thấy rất sung sướng vì cuối cùng Thượng Đế đã ban cho anh lời thỉnh cầu xin liên lạc lại được với người vợ cũ. Thúy Mai cho biết là đã dọn lại về quê ở Sa-Đéc, hai cô con gái vẫn khoẻ, nhưng tình cảnh gia đình chật vật đến thời kỳ nguy ngập nên cần giúp đỡ lập tức. David trả lời vẫn thương vợ như ngày nào, nhắn Thúy Mai ráng sinh sống qua ngày chờ buổi đoàn tụ khi có bình thường hoá giữa hai quốc gia. Thưở ban đầu vì không có nơi nào gửi tiền về Việt Nam, David dùng phương tiện giúp đỡ duy nhất là đóng thùng quần áo hay nhu yếu phẩm gửi bằng đường bưu điện. Dần dần, tìm được những địa điểm gửi tiền chui, David gửi tiền mặt về mà không gửi hàng hóa nữa.

Trong suốt mấy năm liên tiếp, thư của Thúy Mai chỉ với một chủ yếu xin tiền. Thư của David cho dù có van nài đến đâu cũng không bao giờ thấy Thúy Mai gửi hình, khai sinh hay chứng minh thư cần thiết của ba mẹ con để David xúc tiến việc bảo trợ tất cả sang Mỹ. Tôi chỉ là người dịch thư từ giũa hai người nhưng cũng cảm thấy nóng lòng cho David.

Trong những thư cuối của Thúy Mai, tôi bắt đầu ngờ vực sự gian dối vì thứ nhất, không người nào ở Việt Nam lúc bấy giờ lại không muốn đi ngoại quốc nhưng hỏi cách mấy Thúy Mai cũng không bao giờ cung ứng giấy tờ, thứ hai, thư nào Thúy Mai cũng xin tiền, gửi bao nhiêu cũng không đủ, và thứ ba, thư nào cũng viết ngắn gọn như nhau, không một lời bày tỏ tình cảm đứt ruột vì xa cách. Tôi trình bày cho David nghe, đề nghị David trì hoãn việc gửi tiền nhưng David không tin tôi vì David không tin rằng một người đàn bà nào đã có con với mình lại đâm ra phản bội chồng.

Năm 1984, David nhận được một lá thư của một người Việt Nam ở Tây Đức (gửi qua địa chỉ của tôi). Trong thư, anh ta tự giới thiệu ngày xưa anh ta cũng yêu Thúy Mai. Lý do anh biết địa chỉ của David là anh từng ở nhà Thúy Mai, và do đó mới thấy thư của David gửi từ Mỹ.

Anh ta cho biết là bao nhiêu năm nay David bị Thúy Mai gạt vì nàng đã lấy chồng, hiện đang ở với người chồng mới và có thêm bốn đứa con. Anh cũng cho biết thêm là cô bé Thúy Hồng đã mất, lý do là vì thường bị người chồng mới đánh đập. Cái tin sét đánh ngang tai mà tuy rằng đã ngờ vực Thúy Mai từ lâu, tôi cứ hy vọng là lá thư từ Tây Đức này không phải là sự thật. David đau khổ mấy hôm liền.

Nhà thờ lúc đó mỗi tháng một lần vào một tối Thứ Bẩy tổ chức mọi người ra bãi biển kiểm thảo đời mình để vất đi những vật chất ở đời ngăn cản lòng mình đến với Chúa. Tất cả đứng quây quần chung quanh một đống lửa, hát nhạc tôn vinh, nói to lên những cảm nghĩ của mình, và nếu ai có những vật gì mình quý báu hơn Chúa, hay làm cản trở mình không nghĩ đến Chúa thì quăng vào đống lửa đốt đi để chứng tỏ ưu tiên số một trong đời mình không phải là sự vật của thế gian. Tối Thứ Bẩy đó khi dự buổi chứng tỏ lòng mình cho Chúa này, tôi thấy con chiên đốt nhiều thứ: cặp ski trượt tuyết, vợt tennis, quần áo, giầy dép, radio, TV….và bên cạnh tôi, David lặng lẽ đem ra bao nhiêu bức ảnh của Thúy Mai gửi cho anh ta trước tháng Tư 1975 vất vào đống lửa. Chỉ trong tích tắc, tất cả kỷ niệm của anh với Thúy Mai mười mấy năm nay theo những mảnh tro tàn biến mất. David có lẽ chiến đấu với nội tâm rất nhiều vì tuy rằng theo mọi người hát Thánh ca Đời tôi vui sướng, không gì bó buộc tôi đến với Chúa, anh khóc tức tửi với bao giòng lệ tuôn rơi như đứa con nít lên năm, lên sáu.

Mấy tháng sau đó, David quyết định về Việt Nam. Anh nói với tôi là anh phải gặp con gái anh, cứu nó bằng mọi giá. Tôi viết thư về cho Thúy Mai, nói là David đã biết sự thật. David bây giờ chỉ hy vọng Thúy Mai cho phép anh ta mang đứa con gái của mình về Mỹ nên do đó cần giấy khai sinh và sự thoả thuận của Thúy Mai. David sẽ về Sàigòn và nếu được, xin Thúy Mai lên Sàigòn gặp David.

Khi David về Sàigòn, Thúy Mai đón xe từ Sa Đéc lên gặp người chồng cũ. Gặp lại nhau, David nói cho tôi biết là Thúy Mai lại có bầu vừa mới sinh. Thúy Mai đồng ý cho David bảo trợ cô con gái Thúy Hoa đến Mỹ ở vĩnh viễn với David nhưng với một điều kiện duy nhất: David phải bảo trợ vợ chồng Thúy Mai hiện giờ và cả năm đứa con với người chồng mới sang Mỹ cùng một lúc. David nhận lời. Sau hơn một năm làm giấy tờ và mua vé máy bay, gần mười một nghìn đô-la cho cả tám người, Thúy Hoa và bẩy người gia đình mới của Thúy Mai, tất cả đều được xuất ngoại và đến trại đến trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. David từ Mỹ bay thẳng đến trại. Ba ngày sau khi thủ tục giấy tờ bảo lãnh Thúy Hoa được hoàn tất, hai cha con bay trở về Kansas là nơi David vẫn trú ngụ cho đến hiện thời. Gia đình mới của Thúy Mai ở lại trại tỵ nạn nhưng sau này cũng được đi Mỹ.

Thúy Hoa được David dẫn đi nhà thương giải phẫu chiếc môi sứt, sinh sống với bố nhiều năm trên nước Mỹ, theo thời gian nay trở thành một thiếu nữ duyên dáng. Mười hai năm trước đây Thúy Hoa lập gia đình, sinh hai đứa cháu ngoại cho David. Hai vợ chồng mua một căn nhà chỉ cách David ba mươi phút lái xe để David còn có thể gần gũi với cháu ngoại mỗi cuối tuần. Mỗi lần nói chuyện điện thoại với tôi, ngoài việc thời sự và chính trị, David luôn kể cho tôi nghe là anh rất vui mừng được cháu ngoại ở gần nhà để tới lui thăm viếng.

Sau ngày Thúy Hoa sang Mỹ, tôi không bao giờ hỏi David về tình cảm của anh ta bây giờ ra sao đối với người vợ cũ Thúy Mai. Câu trả lời của câu hỏi này quá hiển nhiên nên tôi không cần phải hỏi: David Toelkes vẫn không lập gia đình, sống độc thân từ đó cho đến bây giờ.

Nguyễn Tài Ngọc, 2007

http://saigonocean.com/index.php/en/

Ý kiến bạn đọc
22/06/201703:52:35
Khách
Chào ông Tài Ngọc. Thường tác giả có những truyện ngắn dí dỏm, hài hước có duyên lôi cuốn người đọc nhưng bài viết này lại cảm động nhẹ nhàng. Cách viết mạch lạc và xúc tích giúp tôi có thể hình dung ra sự cách biệt ly tán thời chiến tranh khi đó. Chi tiết câu chuyện khắc họa rõ nét tình yêu sâu lắng và lòng bao dung rộng lượng của nhân vật chính. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi nghĩ người bạn Mỹ cuả ông thật sự thấu nhận rằng, người thiếu phụ kia phải đương đầu với bao hệ quả đau thương sau biến cố 75 với hai đứa con lai mà sống còn. Vì thế ông ta không hề trách cứ sự sang ngang cuả nàng mà sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc. Duyên đã dứt mà tình vẫn còn, cho nên ông ta vẫn muốn nàng có cuộc sống tốt đẹp với người đàn ông khác. Thật là chung tình và cao thượng. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ bài viết hay này.
21/06/201723:38:20
Khách
Câu chuyện Miss Sa Dec này hay wá ! Trong cuộc sống hàng ngày thường xảy ra những chuyện ngạc nhiên ngoài dự tính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,343,247
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa