Hôm nay,  

Chú Tài, Giờ Cuối - Giờ Bắt Đầu

16/10/201500:00:00(Xem: 15270)

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 3646-18--30136vb6101615

Đây là phần kết của “Những Điều Kỳ Diệu và Chú Tài,” một bài viết của Anne Khánh Vân đã được phổ biến từ tháng Bẩy 2014, kể về ông Đỗ Hữu Tài, người đã phải nằm liệt tại viện điều dưỡng từ 30 năm qua mà cô từng thăm viếng. Tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974, họ Đỗ, từng tốt nghiệp Kinh tế, Tài chính / Kế toán, sống và làm việc ở Pháp, hiện là cư dân Virginia. Cô cũng đã nhận Giải thưởng của Nhà Trắng - Tổng Thống George Bush và USA Freedom Corps, cho hơn 900 giờ thiện nguyện trong năm 2007 và 2008; thêm Giải Giáo dục năm 2011 từ Tổng thống Obama cho thành quả làm việc và học tập. Anne Khánh-Vân hiện làm việc ở George Washington's Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Với 600 nhân viên, Mount Vernon mỗi năm đón hàng triệu du khách. Đây cũng là nơi chủ trì một số buổi hội họp quan trọng của phủ Tổng Thống đương thời.

* * *

blank
Hơn 30 năm tê liệt, chỉ với chiếc đũa thần kỳ ngậm trên miệng, Chú Tài gõ máy vi-tính làm thơ, chú kêu điện thoại, chú bật ti-vi…

I. Chuyện Ngày Lễ Labor Day

Lễ lao động năm nay là ngày 7 tháng 9, 2015. Hôm qua, khi đi Costco tôi có ghé khu trái cây rinh một hộp nho đen. Mua đại thôi chứ cũng chẳng biết loại nho này ngọt chua ra sao. Hôm nay ăn thử thấy chúng ngọt như mật. Lúc ăn nho thì tôi đang chạy ra chạy vào "chat" với chú Tài trên FB; tôi chợt nghĩ "sao mình không đem nho qua mời chú Tài ăn thử há?"

Thật ra, từ khi tôi được…hân hạnh trao "sứ mệnh" thăm viếng chú Tài và sau đó chú cháu tôi nhận nhau là chú cháu, mỗi khi có gì vui hay ngon, tôi thường muốn chia sẻ với chú, nhưng vì chú ở trung tâm điều dưỡng và viện dưỡng lão, giờ chú Tài "mở cửa" chưa hẳn tôi sắp xếp chạy qua được. Nhân thấy cần chạy đi mua vài món đồ lặt vặt; tôi có thể ghé qua đưa nho cho chú Tài. Tôi vô lại FB và nhắn với chú, "Chú Tài ơi, cháu sẽ ghé Costco mua một hộp nho mang qua chú Tài ăn thử nghen. Cháu mua một hộp hôm qua và vừa ăn thử, ngon quá trời nên chú Tài phải thử."

Chú gõ cọc cọc trả lời tôi, "Ngon lắm đó KV. Chú nhất định không đi đâu hôm nay để chờ hộp nho." Tôi đọc xong trả lời của chú Tài phải bật cười. Dĩ nhiên chú Tài không đi đâu vì chú nào có đi đâu được. Chú bị liệt từ cổ xuống các đầu ngón chân đã hơn 30 năm.

Bữa trước, khi xem hình tôi "selfie" hai chú cháu, chú xem hình và viết lời chuyện trò, "Cô gái nào đang chỉnh ống chụp hình chụp cho chú mà xinh gái quá vậy ta?" Loạt hình đó, tôi chụp đủ kiểu, kể cả hình tôi đang đứng chỉnh máy - thấy tôi đứng gần, và chú Tài ngồi xe lăn đằng xa, và có lẽ tấm hình đó tôi nhìn ít xấu nhất trong các hình nên được chú Tài khen.. hihi. Tôi trả lời comment của chú, "À, cô gái đó chính hiệu là cọp KV đó chú Tài… hihi." Tôi sinh năm cọp. Tôi thường không theo thông lệ phải giấu tuổi của mình, nhất là tuổi cọp. Chú đọc trả lời của tôi thì trả lời lại, "À, là cô cọp KV, hèn gì chú sợ quá ngồi yên không nhúc nhích."

Đọc xong trả lời của chú, tôi lại phải bật cười. Dĩ nhiên chú Tài nào có thể nhúc nhích dù trước mặt chú Tài có là một con cọp thiệt. Chú Tài không nhúc nhích được từ cổ xuống ngón chân.

Hôm nay, lễ Lao Động, khi tới Costco thì nó đóng cửa. Thấy mồ, vậy là không có hộp nho mang qua cho chú Tài như vừa hẹn! Tính toán vội trong đầu… Tôi trở về nhà lựa một chùm nho đẹp trong cái hộp 4lbs chỉ vừa ăn một chùm nhỏ. Tôi mang chùm nho sang cho chú Tài. Khi đến nơi thì đúng 2 giờ - hết giờ dùng máy computer và là giờ phải lên giường. Tôi lại có dịp nhìn thấy các cô y-tá phải làm sao để mang chú Tài từ xe lăn sang giường. Chú nói, "KV đợi chú Tài ngoài hành lang chút để mấy cung nữ đưa chú Tài lên long sàng nghen."

Tôi đứng đợi các y tá làm việc mà nghĩ ngợi… Năm nay chú Tài gần 60 tuổi, chú mắc một căn bệnh hiểm nghèo và nằm liệt giường hơn nửa cuộc đời của chú. Tôi luôn nghĩ mình là người tích cực và có đầu óc tương đối dí dỏm, nhưng phải xin nhận chú Tài là sư phụ. Trong chúng ta, mấy ai có thể nhận lấy cái thánh giá của mình một cách nhẹ nhàng? Không chỉ vậy, mình còn hay quên đủ thứ may mắn mình được có. Chỉ mới bị bạn bè chọc ghẹo chút xíu về cái gì đó tình cờ hổng đẹp của mình thì mình đã có thể không làm chủ được, và nổi quạu… Bị người ta đá động tới những yếu kém bệnh tật của mình thì sẽ còn tự ái hơn, mặc cảm hơn… Vậy mà chú Tài lại luôn luôn coi nhẹ cái thánh giá vô cùng nặng mà chú đã mang mấy chục năm qua. Chú luôn có dư các suy nghĩ vô cùng dí dỏm để làm người khác (và chính chú) phải cười cho những cái yếu kém hơn người khác mà vì bệnh tật chú đã phải mang.

Những người không biết hoàn cảnh của chú Tài mà nghe chú nói "chú sợ quá nằm yên không nhúc nhích," hoặc "chú sẽ không đi đâu mà ở nhà đợi,"... thì sẽ nghĩ chú là người hoàn toàn bình thường, đâu biết là do sự lạc quan duyên dáng hiếm có.

blank
Hai chú cháu: Khi tôi mới đến, chú Tài còn ngồi trên xe lăn.

II. Giờ Cuối - Giờ Bắt Đầu

Mỗi lần đến thăm chú Tài ra về, câu hỏi đầu tiên đến trong đầu tôi vẫn luôn là "Tại sao Chúa bắt chú Tài tui sống lâu dữ thần vậy?" Dĩ nhiên rồi, con người chúng ta luôn thắc mắc và có khuynh hướng trách móc những điều Thượng Đế làm…

Và rồi từng ngày trôi qua, càng đến thăm chú Tài, tôi càng hiểu ra thêm… nhưng mãi đến giờ phút cuối cùng thì dường như tôi mới nhìn thấy rõ nguyên cả cái "kế hoạch" và ý nghĩa trong những gì Chúa làm.

Tối thứ Năm, ngày 24 tháng Chín, 2015, khi nhận được điện thoại từ một người bạn thân của chú Tài (cô Loan ở Houston) báo chú Tài nhập viện… thì tôi đang ăn tối ở cách nhà khoảng một tiếng, có nghĩa cũng cách chỗ chú Tài khoảng một tiếng vì nhà tôi ở cách khu điều dưỡng chú Tài ở khoảng 5, 7 phút lái xe. Sau khi ăn tối xong, tôi phải ghé chợ mua một vài thứ quà để ba tôi mang về VN cho các cháu. Khi "chạy" đến nhà thương chú Tài nằm thì đã 10:30 tối.

Cửa vào khu cấp cứu thì mở nhưng cửa đi lên thăm bệnh nhân thì đã khóa. Tôi không bỏ cuộc. Tôi không muốn hẹn sang ngày mai những gì có thể làm trong ngày hôm nay, nhất là tình trạng của chú Tài không mấy khả quan. Tôi đi tìm người bảo vệ an ninh để nhờ mở cửa.

Khi đi vào trong thì dĩ nhiên mọi thứ vắng vẻ, yên ắng... chỉ có y tá trực. Tôi đi lên lầu bốn và vào phòng chú Tài. Nhìn thấy chú Tài, tôi bắt đầu khóc... Lồng phổi chú xẹp xuống như không còn gì trong ấy. Chú gồng thở một cách khó khăn... Nhìn thấy cảnh đó, tôi biết giờ chú Tài đã đến... Thế rồi tôi cứ cầm tay chú Tài và chỉ khóc... Thân xác chìm sâu trong một giấc ngủ không có cách chi đánh thức làm cho tôi có cảm giác hồn chú Tài lúc đó chắc đã rời khỏi xác. Nhưng tôi cũng cùng lúc cảm giác chú Tài vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Chú chưa thể đi đâu được vì tôi chưa nói lời tạm biệt chú Tài của tui...

Trong những giây phút có vẻ trôi qua nhanh khủng khiếp đó, tôi nhớ lại những lần mình nói chuyện với những người thân sắp "ra đi": Bà nội, ông ngoại… Bao nhiêu tâm tư trong lòng cứ tranh nhau đòi tuôn trào ra ngoài, đòi được nói ra hết cho hả hê… vì sợ người sắp ra đi sắp không còn có thể nghe hoặc sau đó sẽ khó mà còn dịp khác...

Ba năm trước, chú Tài và tôi là hai người xa lạ. Rồi, bây giờ nghĩ lại, quả đúng không phải tình cờ mà tôi được biết chú Tài. Chẳng có chuyện gì trên đời này là tình cờ…

Khi tôi đang khóc thì tự nhiên lại cảm giác như chú Tài đang ngạo tôi, "Nhỏ KV này, mỗi lần qua thăm chú Tài luôn cười toe, luôn trông có vẻ là một người mạnh mẽ, dù cái bà lão hàng xóm phòng chú có khi la hét rất là kinh khủng, nhỏ vẫn có vẻ bình thản và không sợ gì hết… Vậy mà bây giờ đang khóc hu hu…" Nghe tới đó, hình dung ra cái mặt đang cười của chú Tài, tôi ngừng khóc. Tôi cố gắng "vận động" hết tất cả các huyệt mạch mạnh mẽ trong người để ngừng khóc. Và cuối cùng tôi đã có thể nói, "Chú Tài ơi, nếu giờ của chú Tài đã đến, cháu chỉ cầu xin Thiên Chúa đưa chú Tài đi sớm, và ra đi trong bình an, ra đi trong muôn ngàn yêu thương của gia đình và bạn bè khắp nơi. Chú Tài luôn là người mạnh mẽ. Chú Tài không sợ gì hết. Chú Tài, sẵn sàng nha...

Cô y tá trực đến lượt kiểm tra phòng chú Tài. Cô đi vô và có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi đứng thù lù ở đó, vào cái giờ đó… Thấy trên mặt tôi có nước mắt còn ướt, chắc cô trấn an tôi không phải là… ma!

Cô hỏi thăm tôi có OK không? Và không ngần ngại, cô sẵn trớn hỏi luôn: "Are you his daughter?" Tôi phải trả lời sao ta? Cháu phải trả lời sao hở chú Tài?

Trong câu chuyện ngắn chú Tài viết cho cháu (về cháu) trước khi ra đi, có phải chú Tài nói cháu là "cô cháu nuôi cùng họ của tôi"?

Sau đây là phần copy & past nguyên bản câu chuyện chú Tài viết ngày Chủ Nhật 20 tháng 9, nhân sinh nhật của tui:

Những Điều Kỳ Lạ Của Khánh Vân

Tôi đang dán hai con mắt vô cái Ti Vi để coi trận College Football thì điện thoại reo. Tôi ngậm chiếc đũa thần ấn vào cái nút speaker thì nghe bên kia đầu dây.

"Hi chú Tài, chú đang làm gì đó?"

Đang mê man nên tôi khề khà trả lời

"Chú đang làm huấn luyện viên cho hai đội Football của đại học"

Khánh Vân tiếp tục nói,

"Ở ngoài trời nắng đẹp quá! Chú Tài có muốn ra ngoài ngồi không?"

Tôi lại thủng thẳng trả lời

"Chú mà đi ra ngoài thì lấy ai điều khiển trận Football đây!"

Cô cháu nuôi cùng họ của tôi cười hihihi...

"Chút nữa cháu chạy qua thăm chú Tài nha"

Khoảng 5' sau thì Khánh Vân đứng ngay cánh cửa cái

"Hi chú Tài, chú Tài đang ngự long sàng hả ?"

Tôi trả lời,

"Mấy em Mỹ nữ chưa cho Dzua đến ngai vàng thì làm sao chú leo lên ngồi được đây khakhakha..."

Thế rồi Khánh Vân mở hộp nho... Ôi chu choa ơi, nho to thiệt là to. Tôi mới nói:

"Cháu đem cỡ này làm sao mà chú nuốt cho hết"

Rồi hai chú cháu tình tang nói chuyện không đầu không đuôi, chỉ nghe tiếng cười là cũng đã đủ rồi.

Đúng 4 giờ thì Mỹ nữ đi vào phòng. Khánh Vân hiểu ý...

"Thôi cháu đi về nha. Bữa khác cháu sẽ qua thăm chú Tài lại nha"

Trước khi đi còn ngó lại cười hềhềh

"Bái bai chú Tài"

blank
Các y-tá đang dùng dụng cụ câu để nâng chú Tài lên, mang từ xe lăn qua giường. “Xong rồi, cảm ơn mấy cung nữ y tá,” Chú Tài nói.

Sau khi cô cháu của tôi rời khỏi cánh cửa cái thì trong đầu tôi cũng ngạc nhiên với mấy câu của Khánh Vân đã để lại

"Lúc cháu CHẠY qua"

"Thôi cháu Đi về"

"Rồi lại BÁI...mới chịu BAI"

Tôi cứ thắc mắc cả tuần nay mới biết hy vọng cô cháu của tôi trả lời giùm những chữ KỲ LẠ này Ý... khoan đã...chưa hết. Khánh Vân ơi "Chú Tài chỉ có một mà sao Khánh Vân lại nói "HAI CHÚ TÀI".

Đỗ Hữu Tài
(20/09/15)

Đọc xong chuyện của chú Tài, tôi trả lời ngay ngày hôm sau, thứ Hai, 21 tháng 9 (Sent: Mon, Sep 21, 2015 9:35 am) -

Chào chú Tài,

Chào cả nhà thương Tài tui...

Hừm! Chú Tài bữa nay cạnh tranh dziết chiện ngắn dzới cọp KV nữa nha! Chú Tài gan quá!:)

Cháu không biết làm thơ, chỉ biết viết chuyện ngắn thôi... Bây giờ, coi bộ có nguy cơ mất job, chỉ còn nước đi húp cháo thôi. Hihi

Cháu trả lời các điều "kỳ lạ" nè...:)

Khi cháu gọi phone cho chú Tài vì cháu đang trên xe nên nói "cháu chạy qua thăm chú Tài nha."

Khi đến nơi thì cháu phải đi bộ từ chỗ đậu xe vô phòng chú Tài, đúng không? Khi ra về thì cũng phải đi bộ ra, thành ra xin phép chú Tài cháu đi dzìa nha là vậy. Có nghĩa phải "Đi" ra parking rồi mới "Chạy"... hihi

Chuyện của chú Tài thiếu một câu khúc cuối rồi nha.

Khi bái bai chú Tài, cháu có nói, "Thương chú Tài nhiều nha, bữa khác cháu lại chạy qua nha..."

Câu đó còn kỳ lạ dữ nữa... hihi

Chúc cả nhà thương Tài Tui lúc nào cũng thiệt vui.

KV

--- Sau khi đọc trả lời của tôi về những điều kỳ lạ… chắc chú Tài vui vì chú trả lời lại như vầy: (Sent: Sep 21 at 1:34 PM) ---

:)) KV

Chu Tai tui

Tai Do

Khoảng một tiếng sau khi chú Tài viết email đó thì chú Tài reng điện thoại tôi nhưng tôi kẹt họp không bắt điện thoại được. Sau đó, cứ liên tục bận nên không gọi lại chú Tài… cho đến khi nhận được điện thoại báo tin của cô Loan thì mới biết trong ngày thứ Hai, 21 tháng 9, chú Tài đã bắt đầu ho nhiều, bị kẹt đờm, khó thở, và sáng hôm sau là thứ Ba, 22 tháng 9 thì chú Tài nhập viện. Khi tôi vào thăm chú Tài, tối thứ Năm, thì chú Tài đã nằm viện được hai ngày.

Tôi chuyện trò một chốc với cô y tá thì cô ta đi ra để tôi được một mình với chú Tài. Tôi cố gắng ghi lại hết tất cả các hình ảnh về chú Tài vào đầu trước khi ra về…

Về đến nhà, tôi viết thư vào văn phòng xin nghỉ hôm nay, thứ Sáu, vì tôi muốn trở lại bệnh viện sáng nay...

Sáng trở vô, y tá đã cho chú Tài vào áo nhựa trắng. Trong lòng tôi thì tự an ủi là phải mừng cho chú Tài đã hoàn tất hợp đồng dài hạn với Chúa, nhưng sao nước mắt cứ tuôn trào…

Tôi đứng đó, nhìn chú Tài nằm trong áo nhựa, dây kéo khóa kín… và khóc sướt mướt. Đang khóc, tôi lại nghe như chú Tài đang bảo mình, "Chú Tài OK. KV đừng buồn."

Chú cháu tôi thường tự phong chức là thiên thần hộ mệnh của nhau… Tôi có là thiên thần của chú Tài không thì khó mà biết. Nhưng chú Tài đã luôn là thiên thần của tôi vì chú luôn luôn có mặt và giúp tôi mạnh mẽ khi tôi cần.

Không ngờ câu tôi nói "Cháu bái bai chú Tài nha. Thương chú Tài nhiều nha. Vài bữa cháu sẽ lại chạy qua thăm chú Tài nha" tuần trước lại là những câu nói cuối cùng tôi nói với chú khi chú còn tỉnh... và coi như đó cũng là những lời "tạm" biệt...

Chú Tài ra đi lúc 9:37 sáng thứ Sáu, ngày 25 tháng 9, 2015.

*

blank
Và khi đã an vị trên “long sàng,” cô cháu cùng họ hầu “Tài vương” ăn nho….

Thật ra, tôi đã luôn cầu xin Chúa cho chú Tài mau được kết thúc kiếp sống nhiều thử thách này… và sẽ có được một kiếp sống mới vô cùng hạnh phúc và tốt đẹp bù đắp cho những thử thách chú Tài đã trải qua. Và rồi cứ thấy chú Tài đau, thấy y-tá rinh chú lên xuống giường mỗi ngày hai ba bận… có khi tôi đã trách Chúa sao lâu nghe lời cầu xin của tôi quá. Nhưng rồi khi được đáp lời, có nghĩa phải đối diện với sự chia ly, lòng người ta lại tiếc thương, mâu thuẫn… buồn vui cười khóc lẫn lộn.

Những người ở bệnh viện chuyên làm việc an ủi thân nhân của những người qua đời... xuất hiện và an ủi, vỗ về tôi. Sau đó không có cách chi tìm lại được họ. Y tá vào mở áo nhựa cho tôi nhìn thấy chú Tài lần cuối.

Tôi bỗng dưng cảm thấy thật sự sẵn sàng. Tôi cứ lập đi lập lại, "Chú Tài đi bình yên nha, chú Tài. Cảm ơn chú Tài đã là thiên thần của cháu. Bất cứ nơi đâu chú Tài sẽ tới, chú cháu mình chắc chắn sẽ nhớ nhau."

Và họ đưa xác chú Tài đi…

*

Trên đường lái xe về, tôi chợt nhớ đến một người bà con họ hàng với chú Tài ở Maryland mà chú đã cho tôi số điện thoại 3 năm trước. Tôi gọi cho chị ấy báo tin. Nghe tôi nói xong, chị ta hỏi lại, "Ý em nói là má anh Tài mới chết phải không? Bác chết lúc 2 giờ sáng giờ mình."

Nghe tới đó, tôi hoảng hồn… "Trời đất, vậy là bà cũng vừa mất?"

Bà đã ngoài 80. Hồi đầu năm, bà bị tai biến và sụi một bên người…

Thế là chú Tài cuối cùng đã gặp được mẹ chú. Chú luôn nhắc đến mẹ chú. Đó luôn là một trăn trở lớn trong lòng chú Tài. Bởi vì chỉ vừa đến Mỹ thì chú đổ bệnh, nên hơn ba mươi năm qua chú chẳng lo giúp gì được mẹ ở quê nhà. Và hai mẹ con cứ thương nhớ, khắc khoải nhau...

Chẳng phải lại có bàn tay của Thượng Đế trong sự "hội ngộ" của hai mẹ con chú Tài sao? Quả thật đời sống luôn luôn nhiệm mầu. Mọi biến cố và sự việc trong đời sống của chúng ta luôn có một ý nghĩa riêng của nó.

Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong vô vàn bạn bè khắp nơi mà chú Tài đã chạm vào tim họ. Chú Tài đã giúp chúng ta trân quý sự sống hơn, biết yêu thương, chia sẻ với nhau hơn. Chú Tài đã là một thiên thần của Chúa, lãnh nhận một trọng trách.

Và biết đâu chừng, chú Tài đã đòi với Chúa, "Khi nào con chạm được đủ một triệu trái tim, con sẽ kết thúc sứ mệnh của mình!"

Cảm ơn một triệu trái tim đã yêu thương chú Tài Tui.

Cảm ơn một triệu trái tim đã trân quý cuộc sống hơn và yêu mến những người xung quanh của chúng ta hơn.

Cảm ơn một triệu trái tim sẽ còn tiếp tục yêu thương nhau nhiều hơn nữa khi nhớ đến chú Tài Tui…

Bây giờ, tôi cảm thấy mình thật sự mạnh mẽ. Tôi nhìn thấy thật rõ ý nghĩa của từng việc Chúa làm. Sự hiện diện của người này, dưới bất cứ hình thức nào, có thể là một sự cứu rỗi của người kia. Và đời sống không bao giờ kết thúc. Nên sự kết thúc này chỉ là một bắt đầu - bắt đầu cho những điều tốt đẹp hơn, hạnh phúc, an vui hơn…

Tôi cũng xin cảm ơn Chúa, cảm ơn chú Tài, cảm ơn tất cả các cô chú bác anh chị em đã tạo điều kiện cho tôi được sống và làm những gì mình đã làm trong thời gian qua…

Khi biết tin chú Tài đã ra đi, cô Loan ở Houston, người báo tin cho tôi biết chú Tài nằm viện, đã viết, "Khánh Vân ơi, con là người duy nhất được gặp chú Tài lần cuối & bài viết cuối cùng của chú, chú đã viết cho con."

Dạ, cháu xin cảm ơn chú Tài đã dành một món quà đặc biệt cho cháu. Cháu cũng xin tặng chú Tài bài viết này để chúng ta sẽ nhớ về nhau trong hạnh phúc an vui.

Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
11/09/201708:42:52
Khách
Người ơi hãy nhớ, nhớ thân phận mình là bụi đất thôi... Một mai theo tiếng chuông sầu, người thân đưa tiễn ta mãi ra mộ sâu... Xin người đừng tiếc gì, đừng lưu luyến chi...
30/10/201521:49:26
Khách
Xin chân thành cám on tât ca. Xin cam on, cam on...
Thank you all very much. Thank you thank you...
AKV
19/10/201517:56:38
Khách
Hi Khanh Van,
If you have a chance to visit a Catholic who is on his / her deathbed, please pray the Divine Chaplet of Mercy. For more info, go to http://www.thedivinemercy.org/message/devotions/praythechaplet.php . You can pray out loud or whisper in the patient’s ear. Although the patient is on the verge of death, his / her soul can discern your prayer. If you can afford to get a few Masses for the person, that would benefit his / her soul even more.
Thanks for practicing corporal and spiritual works of mercy.
18/10/201521:55:11
Khách
Chau Van men , cam on chau da chia se nhung bai viet hay va nhung viec lam day y nghia .
Quy men chau nhieu.
16/10/201520:41:12
Khách
Cám ơn Khánh Vân đã viết một bài rất hay, tuy rằng rất buồn. Trước đây, tôi đã đọc bài đầu tiên Khánh Vân viết về chú Tài, và hôm nay được đọc bài cuối cùng về chuyện ra đi của chú. Xin được cầu nguyện cho linh hồn chú Tài và người mẹ. Xin Thượng đế ban phước lành cho Khánh Vân là người đã chia sẻ và mang lại một số niềm vui cho chú Tài trong những ngày cuối đời.
16/10/201519:15:40
Khách
Dear Khánh Vân, tôi rất cảm phục những gì K.V. đã/đang làm. Đây chính là những bàn tay Chúa gởi đến để xoa dịu vết thương đau khổ của những người kém may mắn. Cầu chúc K.V. luôn nhiều an bình và tràn đầy hồng ân nhe.
Mến, H.N.T.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,299,158
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.