Hôm nay,  

Lời Ngỏ từ “Bước Chân Định Mệnh”

24/07/201900:00:00(Xem: 9070)
Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số: 5745-20-31552-vb4072419

Buoc Chan Dinh Menh Cover
Bìa sách
Duc Giao Hoang
Vợ chồng tác giả bệ kiến Đức Giáo Hoàng PhaoLồ Đệ Nhị.

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và  giải chung kết VVNM 2004.  

Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.

Truyện ký "Bước Chân Định Mệnh"  khởi đầu từ cuối tháng Tư 1975 tại một trại tù Việt Nam tới giáo triều Roma tháng Ba 2000. Sau lệnh "buông súng, bàn giao", Nguyễn Văn Hưởng, một sĩ quan chiến tranh chính trị VNCH tại Bạc Liêu, bị "tập trung cải tạo" tại trại tù "Cạnh Đền," vùng U minh ven biển Rạch Giá.

Ngay trong trại tù cải tạo, ông thu xếp tổ chức thành công  vượt ngục và vượt biển cùng lúc, đưa được cả gia đình và một số đồng đội ra đi bình an. 24 năm sau, từ đất Mỹ, vợ chồng tác giả trở thành đại diện "khách hành hương Việt Nam" về Roma dự lễ Tuyên Phong Chân Phước, bệ kiến Đức Giáo Hoàng, gặp gỡ. Sau đây, là "Lời Ngỏ" mở đầu của cuốn sách, kể về buổi đầu viết văn của tác giả.

***

Mãi đến tối hôm 21 tháng 2 năm 2001 tôi mới bắt đầu ngồi trước màn hình computer, gõ xuống mấy dòng đầu tiên cho quyển sách này. Ban đầu tôi chỉ định ghi lại vài mẩu chuyện xảy ra với tôi trong dịp đầu năm 2000 vừa qua. Đến khi viết, tôi như bị một mãnh lực luôn nhắc nhở, phải cố gắng mô tả trung thực mọi điều, kể luôn chuyện đào thoát khỏi trại tù cải tạo, chuyện vượt biển của cả gia đình và 3 bạn tù. Cuối cùng còn phải viết hết mọi nhiệm mầu, tôi nghiệm ra mình đã được Ơn Trên ban cho một đấng Thánh linh để giúp sức và phù trợ, mà tôi biết đích xác vị đó là ai.

Lời đầu tiên tôi xin mạn phép viết đôi dòng tự giới thiệu bản thân mình: Tôi, Nguyễn Văn Hưởng, bút hiệu có thêm chữ “Sapy” đặt phía trước tên họ, con ông Nguyễn Văn Thịnh và Bà Nguyễn Thị Sinh. Chào đời năm Mậu Tý 1948 tại làng Tri Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Sau mấy lần tách ra, nhập lại, nay đổi thành tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc miền Trung du Bắc Việt, vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của người Việt cổ.

So với trên một trăm ngàn người rời đất nước ngay sau khi Cộng quân cướp trọn vẹn đất nước, tôi lìa bỏ quê hương khá muộn màng. Còn so với giai đoạn lưu lạc của hàng triệu “thuyền nhân”, gia đình tôi lại nằm trong thành phần phải ra đi sớm nhất, có mặt tại Hoa Kỳ ngay trong giai đoạn hình thành cộng đồng người Việt.

Với cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền riêng biệt. Không chỉ riêng về lãnh thổ, còn khác cả lối suy nghĩ trong lòng người, cùng một số lời nói lẫn chữ viết. Vì vậy, vài nhóm chữ tôi thường hay dùng: Chữ Miền Nam, Miền Bắc viết hoa cả hai chữ, để chỉ hai miền đất phía Nam và phía Bắc con sông Bến Hải, ranh giới ngăn đôi đất nước suốt thời gian diễn ra cuộc nội chiến. Chữ Quốc gia, chỉ quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chữ Cộng sản hay Việt cộng chỉ chung quân đội, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Riêng hai chữ May Mắn viết hoa nghiên cả 2 chữ, diễn đạt theo ý nghĩa thông thường, hoặc nghĩa siêu nhiên. Theo nghĩa vượt khỏi phạm vi tự nhiên này, tôi muốn nói lên sư an bài (quan phòng) đặc biệt từ Thiên Chúa, nếu nhìn theo đức tin Kitô giáo như tôi.

Ngoài ra còn thêm một điểm nhỏ nữa, để giúp cho câu chuyện được liên tục theo dòng thời gian. Tất cả những gì tôi diễn tả mà không có tôi ở đó, hoặc đang lúc mê man không hay biết gì, đều do chính những người trong cuộc thuật lại, tôi chỉ là người ghi nhận và viết theo lời kể mà thôi.

Có lẽ tôi bắt đầu tập tành làm thơ, viết văn, mơ mộng trở thành văn thi sĩ từ khi bước vào bật Trung học. Chuyện học đòi làm thơ chỉ một thời gian ngắn thôi, tôi nhận ra ngay mình không có khả năng đó. Bởi mỗi lần thẫn thờ cố nặn óc tìm câu, ráp chữ, tôi thường ngậm bút nhiều hơn viết lên giấy. Đem mấy vần thơ vừa làm ra tự duyệt xét lại, tôi phải đau lòng nhìn nhận quả không đáng được xem là thơ. Còn viết văn xuôi, tôi cảm thấy dễ trải lòng ra hơn, nhưng diễn đạt không mấy trau chuốt, sáng sủa, gọn gàng, ngay cả chính tôi cũng chẳng mấy khi muốn đọc lại điều mình đã viết.

Rồi các biến cố tang thương dồn dập đổ ập xuống quê hương, làm cuộc sống của biết bao người bị đảo lộn. Riêng tôi, đang được xem là người lính chiến đấu bảo vệ tổ quốc, sau khi tuân lệnh thượng cấp “hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó”, ngay lập tực bị biến thành tên tội đồ nguy hiểm, kẻ phản bội dân tộc, bị bắt nhốt vào tù. Mọi người Miền Nam ở phía bại trận đều lâm cảnh khốn cùng, nhiều người đành chọn con đường liều chết băng rừng, vượt biển, trốn chạy khỏi quê hương. Mỗi lúc nhớ đến những chuyện từng trải qua, ý định muốn ghi chép nó xuống lại thôi thúc tôi. Cho nên không biết bao nhiêu lần tôi viết rồi lại xóa, xóa rồi lại viết, rốt cuộc mọi điều vẫn còn nguyên là ý muốn.

Dù chưa bao giờ dám tự chấm một trang giấy chứa toàn chữ do tôi viết là một áng văn, nhưng đến một hôm, tôi chợt nhận ra mình đang tập tành viết lách, bằng cánh kể lại vài mẩu chuyện xảy đến với tôi vào năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, qua những trang thư gửi đến các vị ân nhân, bạn hữu xa gần. Từ đó sự trải lòng ra bằng chữ viết cứ ngày càng trơn tru, lưu loát hơn.

*

Bước vào ngưỡng cửa Đại học tại Hoa Kỳ, Nguyễn Lập Duy, đứa con trai đầu lòng của tôi, chọn học ngành Báo chí. Mỗi lúc nhìn Lập Duy ngồi gõ bài bằng máy đánh chữ hay trước màn hình computer, tôi thích lắng nghe tiếng mười đầu ngón tay con gõ trên bàn phím. Ý tưởng tuôn ra nghe như tiếng mưa rào. Tiếng mưa ngừng bặt là lúc con tôi trầm ngâm nghĩ ngợi. Mưa rơi, mưa tạnh, mưa lại rơi, cứ thế Duy chuyển nguồn suy tư ra thành chữ viết. Từ thể xác đến tâm hồn Lập Duy một phần do tôi san sẻ, phần còn lại tiếp nhận từ học đường cùng hoàn cảnh xã hội sinh sống. Tôi thầm hỏi lại mình: như vậy sự đam mê viết lách có thể từ tôi mà ra không?

Tôi nhớ một lần đưa Duy ghé thăm gia đình anh chị Vũ Công Hiến, người bạn cư ngụ trên San Jose, thành phố có đông người Việt sinh sống nhất trên nước Mỹ. Sau bữa cơm tối, nhìn mấy đứa con anh chị Hiến lăng xăng phụ giúp bố mẹ dọn dẹp chén bát, nhà cửa, tôi vừa cười vừa hỏi đùa Duy:

- Con thấy mấy em có giỏi không con?

Lập Duy nhìn chú thím Hiến mỉm cười, quay sang tôi đáp:

- Dạ con nghĩ chắc là tại di truyền đó bố.

Tôi định bắn một mũi tên hạ một lượt hai con nhạn, nào ngờ đâu Lập Duy ứng khẩu, vừa khen con bạn tôi giỏi giang, vừa chạy tội cho mình, còn vạch luôn cái đuôi biếng nhác làm việc nhà của tôi ra.  Buổi tối hôm ấy, anh chị Công Hiến góp tiếng cười vang, đưa mắt nhìn tôi thông cảm.

Nhớ lại chuyện vui vui ấy, trong đầu tôi nảy ra một câu tự hỏi mình: “Con tôi viết được, tại sao tôi lại không? Di truyền mà!” Người đời thường nhìn cây để đoán quả, riêng tôi phải nhìn quả mới ngẫm ra cây.  Biết đâu chừng, nhờ cái nhìn theo kiểu ngược đời này, lại giúp tôi nhận ra chính mình.

*

Khi hay tin “Việt Báo”, một tờ nhật báo phát hành tại Little Sài Gòn, tổ chức cuộc thi “Viết Về Nước Mỹ”, tôi tìm đọc ngay các bài viết mới toanh của nhiều tác giả đang tập tành viết lách.  Nhận thấy phần đông họ đều đem chính chuyện đời họ ra kể.  Nghĩ lại mình, từng trải qua bao trôi nổi, sóng gió, có biết bao điều lý thú cũng có thể kể cho mọi người cùng nghe, nên tôi bỏ ra mấy ngày liền, cố viết cho xong truyện ký “Cái Tên”.  

Gởi "Cái Tên" dự thi tối hôm trước, qua sáng sớm hôm sau, tôi nhận ngay được email khen tặng của Thi sĩ Trần Dạ Từ.  Dù vẫn biết đó chỉ là lời khen khích lệ, nhưng bởi lần đầu thấy chữ nghĩa mình viết được đăng lên mặt báo, tôi mừng lắm. Chẳng những đọc lại từng câu từng chữ mình “sáng tác”, còn đọc luôn mấy dòng ngắn ngủi tòa soạn giới thiệu về mình.

Nhớ trước lúc gởi bài "Cái Tên" đi, tôi ghi rõ ràng “nghề nghiệp: buôn bán ve chai”, vậy mà tòa báo tự thêm vào ba chữ “có ghi chú”, để trở thành: “tác giả có ghi chú, nghề nghiệp buôn bán ve chai”.  Mấy chữ tự thêm vào này cho tôi hiểu rằng, nhân viên tòa soạn tỏ ý nghi ngờ câu chuyện tôi viết không phải người thật việc thật. Tôi nghĩ, mình cần đính chính ngay, hầu xóa đi sự ngờ vực ấy. Lời cải chính “hùng hồn” nhất, chính là viết lên giấy vài sự việc diễn ra tại vựa ve chai mà tôi có phần hùn trong đó.

Tôi bèn mượn Tạo, tên đứa con nuôi đang học hành bên Việt Nam thay cho tên mình, rồi ghi lại vài mẩu chuyện thật xảy ra quanh vựa ve chai.  Tôi kể chuyện ông già người Ethiopia, đã ngoài 70, hàng ngày đi lượm ve chai đem bán lấy tiền gởi về lo cho gia đình, vợ con.  Một hôm, lúc đẩy chiếc xe chợ (shopping cart) đầy ắp ve chai đến vựa, chẳng may bị trượt chân ngã, đầu va vào lề đường làm ông bị nứt sọ não.

Tôi kể chuyện anh công nhân người Mexico, không đủ tiền thuê căn phòng riêng để ở, hằng đêm ngủ nhờ trong chiếc xe “Van” của một người bạn, vì đồng lương ve chai lãnh được bao nhiêu, anh gởi gần hết về quê cho cha mẹ họ hàng.

Còn người Việt mình, tôi biết khá nhiều bà con chuyên góp nhặt ve chai đem bán lấy tiền, gởi về giúp đỡ thân nhân, bạn bè, chung góp vào các công việc từ thiện, xã hội, tôn giáo...

Mọi chuyện tôi viết đều thật cả, riêng tên nhân vật tôi tự đặt ra vì sợ phiền hà tới người khác. Bài viết xong, tôi đề tựa “Chuyện Ve Chai”. Rồi tôi thoáng nghĩ, hễ cái gì đẹp người đời thường ví von với các loài hoa.  Chẳng hạn như cuộc thi sắc đẹp được gọi là thi hoa hậu, tình yêu tượng trưng bằng đóa hoa hồng... Nghĩ lại mấy mẩu chuyện thật vừa viết, toàn chuyện quên mình lo cho người khác, tuy bị nhuốm chút ít mùi phế liệu, nhưng những tấm lòng ấy quả xứng đáng để ví như loài hoa đẹp, cho nên tôi đổi tên (bài viết) thành “Hoa Ve Chai”.

*

Không giống số phận "Cái Tên," gởi đi hôm trước hôm sau nhận được ngay lởi khen ngợi của ông nhà thơ chủ báo. "Hoa Ve Chai" gởi đi rồi, tôi ngóng trông mãi vẫn chẳng thấy tăm hơi gì.

Trong khoảng thời gian đó, công việc tôi làm tại hãng xưởng, suốt ngày phải dán mắt vào màn hình computer, trực diện với bao nhiêu con số, công thức toán học khô khan.  Để đầu óc bớt căng thẳng, vừa làm tôi vừa vặn nhạc nho nhỏ bên tai, đôi khi lắng nghe vài chương trình phát thanh tiếng Việt qua mạng internet.

Một hôm, tôi bỗng giật mình khi nghe xướng ngôn viên Phạm Long cùng Mộng Lan giới thiệu "Hoa Ve Chai" trong chương trình đọc truyện trên đài phát thanh Little Saigon.  Hai giọng truyền cảm, phối hợp cùng nhịp điệu khoan thai, thanh thoát bản nhạc đệm “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” của Nhạc sĩ Đức Huy, đã lột tả trọn vẹn tâm tình tôi gởi gắm qua bài viết.

Đến ngày công bố kết quả cuộc thi, Hoa Ve Chai may mắn trúng giải Danh Dự.  Mãi đến lúc đó, tôi mới dám nghĩ mình có thể viết được, và mạnh dạn hơn trong việc viết ra những gì Ơn Trên ban cho riêng tôi cùng gia đình.  

Tôi luôn xem "Hoa Ve Chai" như một May Mắn, hầu biến giấc mơ được viết của tôi trở thành hiện thực. Tôi cầu xin Ơn Trên cho tôi được viết lâu dài, chớ đừng mang nó đi, như hơn một lần đã lấy mất khả năng chơi môn thể thao bóng chuyền của tôi.

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Đường dẫn tới bài viết "Hoa Ve Chai", hiện  đạt con  số 256.379 lượt người đọc:

https://vvnm.vietbao.com/a162202/hoa-ve-chai-tren-dat-my

Ý kiến bạn đọc
25/07/201919:06:01
Khách
“...Ngàn sao toả giăng muôn hướng trùm vây thế giới...
... Nguồn suối an hoà triền miên đắm say.”

Đọc xong bài viết của tác giả Sappy, tui chỉ nghĩ đến hai câu trong bài hát gì tui... hổng nhớ tên!
Kính.
25/07/201918:25:50
Khách
Một cuốn sách rất đáng đọc, để người việt chúng ta biết những gian khổ tù đày của những người lính VNCH sau 75, và sức can trường của người việt đi tìm tự do , cũng như đức tin tôn giáo mãnh liệt của tác giả trong mọi tình cảnh.
Mão Nguyễn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,264
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.