Hôm nay,  

Những Cảnh Đời Của Học Trò Tôi

19/09/201400:02:00(Xem: 13240)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số 4334-14-29734vb5091814

blank
Với 14 bài viết trong năm, trong đó có bài "Chú Lính Mỹ" tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014 (hình). Bà là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi," từ tháng Tư 2013 tới nay đã có hơn 300,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Tôi có hai cô bạn thân cùng làm nghề dạy học. Hai cô không phải thuộc dạng... đồng tính nhưng sống độc thân, yêu nghề giáo và đặc biệt là rất thương học trò. Không biết có phải vì cái tuổi thân là tuổi con khỉ, đọc nghe cùng âm như "tủi thân" nên bị xếp vào cái tuổi cao số khó lấy chồng hay vì thời trẻ hai cô "kén cá chọn canh" hay vì mang lý tưởng hành nghề giáo dục cao quý mà hai cô chọn đời sống độc thân, vui với nghề giáo và gắn bó với học trò?
Hơn 30 năm đi dạy, về già, mỗi cô đều có dăm ba em đệ tử "ruột" rất thương hai cô. Có em có chồng con , có em còn độc thân. Các em thường đến thăm hỏi, chăm sóc hai cô, xem hai cô như hai bà mẹ và luôn luôn gần gũi để giúp các cô trong lúc tuổi già.
Tử vi hai cô này vừa có cung nô bộc vừa có cung... tử tức. Thời còn dạy học, Tôi và hai cô là một bộ tam sên, đi đâu cũng có nhau. Liên tiếp ba năm liền 10, 11, 12 C5, lớp này...xui , đụng phải ba cô chủ nhiệm thân nhau nên chiếu cố và kềm kẹp chúng hơi kỹ. Đây là lớp "nhất quỷ nhì ma" quậy phá nhiều nhất nhưng hầu hết học rất giỏi.
Nghe bọn học trò nói... lén ba cô. Lớp 10, chúng thương và thích học cô Quý vì cô dạy hay, dễ hiểu nhưng... sợ vì cô nghiêm . Lớp 12, chúng chán học vì cô Minh dạy... dở, khó hiểu nhưng thương vì cô Minh hiền. Cô không mở lớp dạy thêm và không ép các em học với cô ngoài giờ. Tội nghiệp cô đi theo năn nỉ chúng học vì sợ chúng thi rớt phải đi nghĩa vụ. Lớp 11, chúng khoái tôi vì tôi dạy lè phè, có máu văn nghệ và hay bao che cho mấy em học trò.
Ra trường năm bảy tám, các em tan tác mỗi em một nơi. Có em vượt biên thành công, em bị bắt, em mất tích. Có em liều mạng đi nghĩa vụ quân sự trở về để có điểm tốt được vô đại học. Có em sau này đi Nga, đi Tiệp thành giáo sư, giám đốc giàu ...hết biết . Có em từ từ leo lên chức "tá" ngành công an. Có em nghèo quá phải bỏ đại học, ở nhà bán khoai, bán kẹo phụ mẹ nuôi bố cải tạo. Có em về quê làm rẫy. Có em lấy vợ sớm, ôm vài đứa con. Có em nghiện hút chết trong trại cai nghiện. Có em qua Mỹ diện HO, ODP bây giờ là những kỹ sư, bác sĩ...
Vùng thung lũng hoa vàng ở San Jose tập trung nhiều dân số C5, đếm trên đầu ngón tay được chín. Khu Little Saigon được ba. Mười hai em, mười hai cảnh đời lưu lạc nay đã đến được bến bờ tự do, sống an cư lạc nghiệp ở xứ Mỹ.
Không biết có phải "phú quý sinh lễ nghĩa" hay đã có lúc chúng cảm thấy thiếu thốn một thứ gì ngoài những nhu cầu như ăn ngon, mặc đẹp, xe sang và xài... thẻ. Ở xứ Mỹ, về vật chất chúng dư thừa. Phải rồi. Chúng thiếu tình bạn. Chúng đang cùng ở lứa tuổi năm mươi, người xưa gọi là "tri thiên mệnh", chúng bắt đầu nhìn lại tuổi tác, thích quay về quá khứ, thấy được ngoài các giá trị vật chất, có những giá trị khác về mặt tinh thần cần thiết và quý giá hơn. Chúng bèn kêu gọi, tập họp nhau, tổ chức sinh nhật năm mươi năm lớp 12 C5 tại nhà lớp trưởng Tuyết Mai ở San Jose.
Tôi là cô giáo duy nhất còn liên lạc với đám học trò này ở Mỹ nên cũng ráng "đứng lên đáp lời sông núi" có mặt trong buổi họp mặt hi hữu này.
Chuyến xe đò Hoàng đưa tôi lên miền Bắc Cali vào chiều thứ bảy. Tối hôm đó, tôi có dịp gặp các bạn Việt Bút tai khu vườn nhà Iris. Tôi nghe kể nếu ban ngày, tôi sẽ được ngắm một vườn hoa tím rất đẹp và cũng là màu áo ưa thích của chủ nhân. Vắng bóng vài người đẹp khác của Việt Bút như Phương Dung ở xa, Khôi An đi Bỉ. Cùng với Iris, chị Hằng, anh Thái và Donna, năm mạng ngồi trong phòng khách ấm cúng, vừa ăn chè vừa nghe Iris kể chuyện về kênh 5, chị Hằng kể chuyện về kinh nghiệm chữa trị ở các bệnh viện Mỹ, anh Thái kể chuyện đời, tôi kể chuyện bệnh, Donna mắt nhắm mắt mở. Trời đất! Khuya rồi mà các anh chị vẫn còn ngồi lai rai ba cái chuyện hồi xửa hồi xưa kể hoài không chán !
Iris chở tôi về đã gần 12 giờ đêm. Chúng tôi cùng hẹn một ngày gặp lại, đông vui hơn với một màn ăn uống ì xèo cho xứng với phong cách và truyền thống hiếu khách của bà con Việt Bút vùng San Jose.
Trong căn nhà đẹp, lớn, ở một khu sang trọng, tôi gặp lại lớp trưởng Trần Tuyết Mai, biệt danh là "Mai Liên" sau ba mươi năm. Là lớp trưởng giỏi Toán, có thừa uy tín lãnh đạo ba "triều đại" 10,11,12 C5 trước đây, bây giờ Tuyết Mai là cô kỹ sư của hãng InTel. Tuyết Mai giới thiệu ông chồng cũng là kỹ sư, hai bà má chồng và má ruột lụm khụm gần tám mươi, tuy khác đạo nhưng cùng sống chung một nhà. Thế mới vui! Bà má chồng người Bắc gốc làng Bùi Chu theo đạo Công giáo, bà má ruột người miền Nam, quê ở An giang theo đạo Phật giáo Hòa Hảo. Dĩ nhiên, mỗi bà đều có phòng và nơi thờ tự riêng.
Thúy Mai kể điều dễ thương nhất của hai bà là cứ tíu ta tíu tít với nhau cả ngày.Có khi hết chuyện kể thì bà này kể chuyện đạo mình cho bà kia nghe. Chúa, Phật, Thiên đường, Niết bàn ở đâu xa. Các Ngài sống trong cái tâm từ bi, bác ái của hai bà mẹ lúc nào cũng vui vẻ, hiền hòa, cư xử biết điều với nhau. Chia sẻ và biểu lộ tình thương cho con cháu chi bằng hai bà là tấm gương hòa bình, hạnh phúc, an lạc cho con cháu nó nhờ.
Tuyết Mai có một chị giúp việc người Việt nam đến chăm sóc hai bà cụ và cậu con trai ban ngày khi hai vợ chồng đi làm. Tuyết Mai giới thiệu Steven, con trai lớn đã vào đại học. Thằng nhỏ ỏn ẻn, vóc dáng cao, gầy, đi đứng nhẹ nhàng như lướt trên sàn của điệu vũ ba-lê, tóc chải kiểu ổ gà bóng loáng. Dưới cây dù che ngoài sân nắng, Steven ngồi bắt chéo cái chân dài thon như chân người mẫu lại đeo thêm cặp kính râm to che hết khuôn mặt, trông "nàng" ra vẻ một "yểu điệu thục nữ" thời đại. Tuyết Mai ngoắc Tony, cậu con trai thứ hai mười bốn tuổi, to con , béo phì, đi đứng nặng nề, châm chạp tới chào tôi. Hồi nhỏ, thằng bé bị một trận sốt cao. Lúc đó Khải có job lương cao, đi làm xa. Tuyết Mai không đưa con kịp vào bệnh viện cấp cứu. Khi lành bệnh, bộ não cháu bị hư hại nên phát triển chậm về trí nhớ và ngôn ngữ .Nhờ tập luyện nên thằng bé còn đi lại được dù khó khăn. Hai vợ chồng ân hận, Khải xin việc gần nhà, lương thấp để cùng vợ chăm sóc con .
Sau ba mươi năm nhọc nhằn, bươn chải ở xứ Mỹ, Tuyết Mai già đi nhưng tính cách của cô lớp trưởng mạnh mẽ, quyết đoán, tháo vát ngày xưa không thay đổi. Sinh hai đứa con, một giới tính không bình thường, một bệnh chậm phát triển thế mà cô nàng vẫn vui vẻ, linh hoạt. Hiếu thảo, chăm sóc hai bà mẹ già sống chung hòa bình với nhau thật bận rộn thế mà không than vãn, càm ràm. Lấy một ông chồng khác đạo, Tuyết Mai cân bằng cuộc sống tâm linh, duy trì hạnh phúc gia đình cho con theo đạo bố, làm lễ rửa tội, chở mẹ chồng đi nhà thờ nhưng vẫn giữ niềm tin tôn giáo gốc của mình.
Cô học trò trưởng lớp ngày nay công thành danh toại về mặt xã hội ở xứ Mỹ với mức lương hàng sáu số tâm sự với tôi: "Cô ơi, Cô vượt biên tưởng chết. Xác con tưởng cho cá mập ăn rồi. Giờ này con còn sống, con không mong cầu gì hơn. Đời cho con may mắn nhiều nhưng bất hạnh cũng không ít. Luật bù trừ cô ạ. Anh Khải nói tụi con đang mang cây thánh giá trên vai. Con nghĩ khác, con đang trả cái "nghiệp" nào đó trong quá khứ".
Gặp lại người học trò cũ có một triết lý sống tích cực, lạc quan dựa trên niềm tin tôn giáo dù đang phải chiến đấu với nghịch cảnh làm cho tôi thấy cái lành, thiện, cái đẹp của cuộc đời vẫn còn ở quanh đây.
Một anh chàng da ngăm đen, thấp người, nhỏ con , cầm bó hoa đi vào, theo sau là một cô Mỹ khá xinh ... thấp hơn chàng một tí cùng với hai cậu con trai Mỹ cao lớn, mỗi em ôm một chậu hoa lan. Chàng này nhào tới ôm các bạn, chào hỏi mọi người. Cười nói rổn rảng một hồi, chàng rảo mắt nhìn thấy tôi, vội vàng cầm bó hoa chạy tới:
-Cô , cô...Cô chào cô. Con mừng quá gặp lại cô. Con có hoa tặng cô. Cô có nhận ra con không cô?
Tôi ôm vai cậu học trò giỏi toán ngày xưa thuộc loại quậy trong lớp:
- Lúc mới vào, cô không nhận ra. Nhìn nụ cười thì bây giờ nhận ra. Em là Nguyễn Cường biệt danh là "Cường óc tiêu", vượt biên mấy lần hụt năm lớp 11. Đúng không?
-Trời! Cô còn nhớ tên "óc tiêu" của con nữa. Giờ con cũng còn... óc tiêu cô ơi! Thằng Luân đặt cho con đó cô. Chết cái tên con luôn...
Cường gọi Linda, cô vợ Mỹ đến giới thiệu luôn. Chàng này khéo chọn vợ. Cặp này thật là xứng đôi vừa lứa. Gái Mỹ mà thấp chủn, còn thua thằng óc tiêu Việt nam. Trong mấy em vượt biên chỉ có Cường học ra bác sĩ gây mê, kiếm khối tiền lại lấy vợ Mỹ. Thế mới oai!
Hồi đó "Cường óc tiêu" trồng cây si Ngọc Lan, hoa khôi C5 nhưng Ngọc Lan chơi bài tình... lờ vì nàng đang có giấy tờ đi Pháp. Chàng chỉ dám đưa thơ tỏ tình cho nàng trước khi đi vượt biên. Mấy lần vượt biên hụt là bấy nhiêu lá thư tỏ tình. Được tin họp mặt năm mươi năm 12 C5, nàng bay từ Pháp qua đây để gặp bạn cũ. Tôi nhìn hai chậu lan, một tím một trắng nói nhỏ với Cường:
-Ngày xưa "cố nhân" thích màu tím phải không? Tặng Lan tím là đẹp rồi. Màu trắng tặng cho Tuyết Mai, tuyết màu trắng đúng không? Bà xã Linda của Cường đâu biết chuyện "lan tím" há?
- Cường cười ha hả giơ bàn tay "hai phai" với tôi:
- Cô hay thiệt. Cô đúng là... sư mẫu của con . Chuyện "lan tím" she không biết. Con đâu có nói. Nếu she biết, she không... "khe". She nice lắm cô ơi!.
Xa quê hương, bạn bè lâu năm mà thằng óc tiêu này vẫn còn giữ được cá tính tế nhị, "ga-lăng" với đàn bà con gái như thuở nào. Mừng cho em học trò thành công trong sự nghiệp, đang ở căn nhà bạc triệu, tha thiết mời cô có dịp lên chơi. Mừng cho chàng có cô vợ Mỹ hòa đồng, vui vẻ với bạn bè cũ của chồng. Cô vợ Mỹ này rất dễ thương, rút lui về sớm, dẫn con đi bơi, trả tự do cho ông chồng vui chơi với đám bạn. Hạnh phúc biểu lộ trên nét mặt tươi vui của hai người. Trong số học trò qua được đến xứ Mỹ, Cường là em vượt biên nhiều lần nhất trong lớp 11, bây giờ cũng là em giàu nhất và...dám lấy vợ Mỹ. Có cô vợ Mỹ ngoan và hạnh phúc cũng không uổng một đời trai!
Tôi đi vào trong bếp gặp một đám con gái đang nói chuyện rôm rả, em lúi húi bơm kem vào bánh su, em bận rộn bày biện, sắp xếp thức ăn trên bàn. Thấy tôi, chúng ùa ra, chạy lại ôm tôi, chào mừng rối rít. Tôi nhận ra những khuôn mặt, dần dần trở nên gần gũi, thân quen khi các em cất tiếng cười, tiếng nói gợi nhắc đến những kỷ niệm xa xưa của lớp 11C5.
Con nhỏ này chắc chắn là "Nga bà bà", biệt danh của Hoàng Nga, em học trò có lối nói chuyện bổ bã, dung tục, đớp chát nhất trong đám con gái. Con nhỏ trẻ lâu, có cái tài điều khiển hai tròng đen trong đôi mắt chụm vào với nhau làm cái mặt nhỏ trông buồn cười như anh hề. Thỉnh thoảng, Nga bỏ kính, biểu diễn cho các bạn xem ...nghề của nàng. Tâm lý người đời thường che dấu khuyết điểm. Nga có khuyết điểm là đôi mắt hơi bị lác. Nga dùng khuyết điểm của đôi mắt để làm trò vui chọc cười thiên hạ.
Con nhỏ này có cuộc đời không mấy suông sẻ. Vượt biên, lấy chồng muộn, không có con, làm trong một phòng thí nghiệm, lương cao. Ông chồng Mỹ tuy lớn tuổi nhưng hiền, thương vợ. Cách đây hai tháng, bất ngờ ông mất vì tai nạn. Tôi chưa dám hỏỉ han thêm về cái chết của ông và cuộc sống của Nga hiện tại. Chừng ấy cũng đủ để hiểu em đang đau khổ, hụt hẫng trong lúc này. Trước mắt tôi bây giờ vẫn là "Nga bà bà" ngày xưa, lí lắc và duyên dáng cùng với các bạn đang... cuốn tôi trở về quá khứ theo những tiếng cười từ những câu chuyện hài hước, các màn chọc phá thầy cô, các mối tình "Ngày xưa Hoàng thị", các giờ trốn học, leo rào, ăn vụng, trét trái mắt mèo, phá phách phòng thí nghiệm của trường....
Tôi quay sang bên cạnh, nhận ra Thùy Hạnh, cô học trò không ngại làm phiền, đã gọi những cú điện thoại đường dài cho tôi từ Canada vào ban đêm, rù rì cả tiếng đồng hồ vì chuyện ông chồng mê gái về Việt nam. Ngày xưa, Luân đặt biệt danh cho Hạnh là "Hạnh cò" để phân biệt với Tiết Hạnh. Vẫn vóc dáng cao, gầy, Hạnh trông khắc khổ, đôi mắt thâm quầng và làn da nám sạm. Không có gì tàn phá nhan sắc của người đàn bà bằng cái ghen âm ỷ chất chứa trong lòng. Trước đây Hùng, chồng Hạnh hai lần về Việt nam sống với cô bồ cũ. Hai lần về, trở qua để lại một "bad credit" nợ không trả nổi. Hai lần về ăn năn hối lỗi và được tha thứ. Lần này, Hùng lén vợ, mua vé về Việt nam trùng với thời gian hai tuần Hạnh qua Mỹ. Đưa vợ ra phi trường, Hạnh bình thản nói với Hùng đã biết chuyến đi Việt nam này. Hạnh không ngăn cản Hùng. Còn Hạnh vẫn đi Missouri, ghé Cali gặp bạn bè.
Buổi họp mặt hôm ấy, tôi thấy Hạnh vui trong những ly rượu. Đôi má ửng hồng, cô nàng hứng khởi, cười nói, đùa giỡn, chụp hình lia lịa với các bạn. Hình nào cũng điệu đàng, làm dáng và cười tươi như hoa. Hạnh nói với tôi "Con chỉ biết vui với hiện tại và bạn bè. Ước gì thời gian ngừng lại. Về Canada rồi con tính".
Thùy Hạnh nói đúng. Những giây phút được ngồi bên với nhau, cùng nhau nâng ly, ôn lại kỷ niệm xưa, cùng nhau hát bài "Hè Về", "Trường Làng Tôi" với tiếng đệm đàn guitar của Tấn Dũng hoặc nghe "Nga bà bà"và Minh Luân kể chuyện tếu về lớp rồi cười nghiêng ngả bên nhau thật quý và hiếm mặc dù "Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai!".
Sau buổi tiệc nhà Tuyết Mai, cả đám về nhà cặp Phong- Thư gần đó, tiếp tục màn ăn uống, chuyện trò, cười đùa cho đến khuya. "To be or not to be? " Hạnh đã có câu trả lời. Tối hôm đó, thầy trò chia tay trong sự bùi ngùi, lưu luyến. Tội nghiệp con nhỏ. Ngày mai về lại Canada một mình trên chuyến bay, Hạnh sẽ nhớ nhiều những ngày vui qua mau và phải sắp xếp lại cuộc đời mình. Năm mươi tuổi chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa để đi đến một quyết định lớn.
Tôi nhận được i-meo của Hạnh lúc Hạnh ở phi trường có đoạn cuối: "... Cô ơi, như hai lần trước, con sẽ nghe lời cô, â sẽ không ly dị. Có lần cô nói với con hai cháu cần một người cha và con cần có một mái gia đình. Cô hỏi con còn yêu Hùng không? Con vẫn còn yêu Hùng. Con sẽ tha thứ mặc dù không thể quên anh đã làm cho con đau khổ quá nhiều. Con rất nhớ các bạn và nhớ cô. Những ngày sống ở Mỹ gần các bạn và gặp cô là thời gian hạnh phúc nhất đời conâ. Chúc cô mọi sự bình an. Thùy Hạnh".


Thế là cô học trò đáng thương lần này là lần thứ ba lại mở vòng tay đón người chồng đi hoang trở về. Hy vọng thời gian sẽ phôi pha, niềm đau nỗi khổ sẽ vơi đi, những đam mê sẽ lắng xuống, những bước chân đi hoang sẽ mỏi mệt trở về và "Con tim sẽ vui trở lại". Mọi người đều chúc lành cho Thùy Hạnh có đủ nghị lực vượt qua.

Tôi và các bạn đang bồi hồi chờ đón một người rất xa, đã không tiếc tiền vé máy bay từ Pháp qua đó là Ngọc Lan. Ngày xưa hoa khôi C5 có mái tóc tém kiểu con trai, khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn, có đôi mắt bồ câu mơ màng, có giọng hát hay lại chơi đàn guitar, cô nàng đã làm rung động nhiều "trái tim không ngủ yên" của C5. Ba mươi năm gặp lại, không ngờ cô bé có biệt danh "Lan mắt nhung " vẫn trẻ, đẹp, vẫn mi-nhon và ăn mặc rất...tây.
Người đẹp đâu cần học giỏi cũng chẳng cần siêng học. Hồi đó, Ngọc Lan có mấy cậu trong lớp trồng cây si sắp hàng copy và "gà" bài dùm. Nghe các bạn kể các cây si xếp thành hàng dài có Chánh Tín, Đức Tuấn... nổi bật là các cây si cổ thụ vừa học giỏi vừa đẹp trai như Thanh Long biệt danh "Long bóng" (vì tóc cậu xức bi- dăng-tin bóng nhoáng) làm bài cho Ngọc Lan được 8 điểm Văn khiến cô giáo ngạc nhiên và nghi ngờ. Đăng Khôi biệt danh "Khôi mù" (vì đeo kính cận dầy như cái đít chai) cho Ngọc Lan sao y bản chính được 9 điểm mà thầy dạy môn Lý chấm bài không biết hai bài giống nhau. "Cường óc tiêu" chuyên gia viết thư tình và "gà" toán cho Ngọc Lan, chàng cắm rễ cây si từ năm lớp 10, ca bài "Ngày xưa Hoàng thị" mỗi ngày nhưng nàng ỡm ờ với môn Toán, chỉ thích học môn Pháp văn vì chờ đi Pháp.
Tôi ngồi giữa Thúy Hạnh và Ngọc Lan, nghe Ngọc Lan vừa đệm đàn vừa hát bài "Tình Nhớ". Cả lớp không ngờ sau ba mươi năm gặp lại, Ngọc Lan hát vẫn hay và giọng truyền cảm đến nỗi "Cường óc tiêu" ngồi ngơ ngẩn, đôi mắt lim dim, tâm hồn lắng đọng trong từng lời hát, tiếng đàn của "cố nhân". May mà không có cô vợ Mỹ Linda ở đây. Chàng tha hồ mơ màng bay bổng trở về một trời quá khứ "...Tình ngỡ đã xa xưa. Nhưng tình vẫn quanh đây..."
Trong số các em nữ sinh của lớp C5, Ngọc Lan có lẽ là người may mắn nhất. Qua Pháp năm 1981 theo diện đoàn tụ, cô nàng lấy chồng là một anh kỹ sư người Việt khá giả và hiền lành, sinh mỗi mụn con trai, rồi cứ thế ở nhà nội trợ, nuôi con, chưa biết đi làm một ngày nào, hình như không biết lái xe nữa.
Mừng cho "Lan mắt nhung" an phận bên trời Tây.
Nhắc đến các cô gái C5, nghe Trọng Nghĩa nói về cô học trò này "Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang" là Hồng Yến, cô học trò có nước da trắng bóc, "á hậu" của lớp C5, có biệt danh "Yến khô bò". Hồi đi học, con nhỏ này hay mang khô bò và ăn vụng trong lớp. Có lần Thầy "Minh nhí" bắt gặp, con nhỏ tính tình ngây ngô, thiệt thà đưa gói khô bò mời thầy xơi còn nói khô bò má con làm ngon lắm. Thầy giận quá kết tội giỡn mặt, mét cô giáo chủ nhiệm. Tôi cho qua vụ này. Sau này, tôi có dịp ăn khô bò má Yến làm. Ngon thiệt!
Hồng Yến bây giờ thay đổi nhiều lắm, tôi nhận không ra. Con nhỏ mắc chứng bệnh trầm cảm phải đi bác sĩ và uống thuốc. Không biết có phải do tác dụng phụ của thuốc hay do nguyên nhân tâm lý mà càng buồn cô nàng càng ăn nhiều. Vì ăn nhiều nên thân thể phát phì .
Tôi nhìn mãi mới nhận ra một thoáng nét của Hồng Yến ở đôi con mắt. Hồng Yến là người cuối cùng ra chào tôi. Yến ở gần khu người Việt Little Saigon nhưng không lui tới với tôi và các bạn C5. Có lẽ nàng mặc cảm làm nghề ... neo trong khi các bạn qua Mỹ, em nào cũng học hành thành đạt, trở thành ông nọ bà kia. Hồng Yến còn một nỗi buồn khác là vừa chia tay với người bạn trai. Chàng hứa hẹn thế nào rồi biệt tăm luôn, không cưới hỏi gì khiến cô thất tình, có những lúc tuyệt vọng nghĩ đến cái chết. Chuyến về Việt nam thăm mẹ gần đây giúp Hồng Yến vượt qua phần nào cơn bệnh trầm cảm này.
Trong buổi họp mặt, Yến ít nói nhất. Tiếng cười cũng chừng mực. Yến hay tìm một chỗ khuất, góc bàn, rù rì với ai đó hơn là cùng đùa giỡn với đám con trai. Trong tính cách, Hồng Yến không có cái mạnh mẽ, xông xáo của Tuyết Mai, cái ngạo nghễ , hài hước của "Nga bà bà", sự nhẫn nhịn, bao dung của Thùy Hạnh, sự bình an, nghệ sĩ tính của Ngọc Lan. Hồng Yến yếu đuối, khép kín, ưu tư. "Vui thì vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó mặn mà với ai". Cô nhỏ không chan hòa với các bạn. Bệnh u uất, trầm cảm làm em học trò eo sèo, lạc lõng, miễn cưỡng trong đám đông.
Tôi dành nhiều thời gian ngồi chơi và nghe Hồng Yến tâm sự.Tôi hứa tôi sẽ phone cho Hồng Yến. Tôi không phải là nhà tâm lý học hoặc cố vấn gia đình. Tôi chỉ là một cô giáo cũ, gặp lại một em học trò hoàn cảnh đáng thương cần được giúp đỡ về mặt tinh thần. Tôi muốn an ủi cô học trò này bằng hai câu thơ không biết của ai:

...Em ơi, điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười...

Người cuối cùng trong nhóm "lục cô nương" là Anh Thư. Các bạn C5 kể rằng ngày xưa, Thanh Phong và Xuân Nam, hai em hai hoàn cảnh trái ngược nhưng thân nhau và đều theo đuổi cô tiểu thư con cái nhà ai xinh xinh, nói năng nhỏ nhẹ, học giỏi, kiêu kỳ nhất trong đám con gái. Anh Thư chê mấy cậu C5 còn nhí quá, không thèm để ý tới. Nàng chỉ lo học và chờ ngày ra đi đoàn tụ qua Mỹ do ba bảo lãnh. Minh Luân đặt cho Phong biệt danh là "Phong cù là" vì chàng này trong cặp lúc nào cũng có chai dầu gió. Các bạn kể nhà nghèo, để có chút tiền túi xài, Phong mang bánh kẹo vào lớp bán, bị bác Hiên, lao công trong trường bắt gặp, bác cấm vì ...cạnh tranh với bác. Trái lại Xuân Nam biệt danh là "Nam bốc" là con gia đình cán bộ giàu, học dốt nhưng tốt với bạn bè và chơi sang. Hai mối tình ...câm ấy kéo dài suốt thời trung học. Sau đó Anh Thư qua Mỹ, học hành, tốt nghiệp kỹ sư, ra trường có công ăn việc làm ổn định ở vùng thung lũng hoa vàng.
Chuyện kể có một lần xe đạp hư, Phong mượn xe Xuân Nam đến nhà Anh Thư. Xe đạp để ngoài cửa, bị một thằng ăn cắp rình nhảy lên định cướp xe. Phong phóng ra chụp tên cướp. Bằng một cú võ ngoạn mục, Phong bẻ lọi tay thằng ăn cướp. Hình ảnh Phong rất oai hùng, đạp chân trên lưng tên cướp nằm dài dưới đất. Xe đạp vẫn còn đó. Từ đó Phong còn có biệt danh "người hùng C5" lọt vào mắt xanh của người đẹp. Mối tình học trò đầu tiên vừa chớm thì Anh Thư đi Mỹ. Bốn năm sau Phong vượt biên qua đảo, liên lạc với Anh Thư rồi định cư ở San Jose. Trái đất thật tròn. Định mệnh đã an bài. Gặp lại "cố nhân" nơi xứ người, nàng vẫn còn độc thân. "Trâu ta ăn cỏ đồng ta". Tình xưa nghĩa cũ vẫn đẹp như mơ.
Anh Thư kể hồi mới qua, Phong định học nghề thợ tiện nhưng nàng ra tiêu chuẩn "Anh chưa... sư kỹ (kỹ sư) thì chưa...động phòng". Thế là nàng đưa bài vở, chỉ dẫn cho chàng học. Cuối cùng chàng cũng ra trường, tốt nghiệp kỹ sư, hai em làm đám cưới linh đình ở San Jose.
Trong các mối tình của các nam sinh C5 với "lục cô nương", chỉ có cặp Phong -Thư này nên duyên chồng vợ, tình sử có đầu có cuối. Bạn bè chọc Phong nào là "mèo mù gặp cá rán", "lù đù vác lu mà chạy", "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Tôi tin ở sự may mắn nhưng Phong là em có ý chí học hành, có nghị lực phấn đấu nên thành công ở xứ Mỹ là chuyện đương nhiên. Phong xứng đáng được phần thưởng cưới được cô vợ mình yêu từ thuở học trò.
Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong hôn nhân thế mà vợ chồng nhà này sống với nhau hơn 10 năm vẫn chưa có con. Hai em rảnh rang, nuôi hai con chó to như hai con gấu cho vui cửa vui nhà. Ở xứ Mỹ này, người Mỹ khôngcon, họ nuôi chó và cưng chó như con. Căn nhà lớn năm phòng, phòng khách lúc nào cũng lăng xăng, chộn rộn vì hai con chó cưng. Được cái này thì mất cái kia. Không có cái gì toàn hảo trong cuộc đời này.
Ngoài cặp Phong- Thư còn có Tuấn Kiệt vượt biên năm lớp 11 chỉ sau Cường vài tháng. Kiệt có biệt danh là "Kiệt lu", Con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai. Mục tiêu của Kiệt hồi đi học không nhắm vào "lục cô nương" C5 mà là Diễm Thúy C6. Kiệt là kỹ sư điện tử bây giờ là giám đốc một công ty điện toán nhỏ ở Santa Ana. Cách đây 8 năm, Kiệt về Việt nam quen một cô. Ít lâu sau, cô này sang Mỹ diện bảo lãnh. Gặp lại nhau, Kiệt làm đám cưới và có hai cô con gái thật xinh.
Vợ đẹp, con xinh, ở nhà to như cái lâu đài ở biển Huntington beach, công ăn việc làm càng ngày càng phát triển, Kiệt là em may mắn, tiêu biểu cho cậu học sinh thành đạt về sự nghiệp và hạnh phúc gia đình ở xứ Mỹ. Thấm thoát đã hai năm, gặp lại Kiệt lần này tại San Jose, Tôi hỏi thăm bà xã, Kiệt tâm sự một hồi rồi cười ha hả, giơ tay tuyên bố "I am legally single". Kiệt vừa ly dị vợ vài tháng nay.
Xứ Mỹ này chuyện ly dị xảy ra thường như cơm bữa. Chàng này kể chuyện ly dị như chuyện đi Las Vegas. Tụi trẻ mau quên. Rồi chàng sẽ có một đời sống mới. Tập một đã qua, tập hai sẽ tới. Chuyện không có gì là ầm ỹ cả. Giữa hai người trong cuộc, hình như người đàn ông mau quên hơn, ít đau khổ hơn và có bạn gái sớm hơn. Tôi đang nghĩ đến hai cảnh đời đáng thương của Thùy Hạnh và Hồng Yến.
Một trong những em học trò có hoàn cảnh khó khăn là Trọng Nghĩa. Nghe tin tôi lên San Jose, Trọng Nghĩa tình nguyện chở tôi đến nhà Tuyết Mai. Hồi còn đi học, Nghĩa là em điềm đạm, ít nói, học hành trung bình nên thầy cô ít chú ý. Sau 75, cha đi học tập, mẹ là cô giáo bị mất việc, Nghĩa đạp xe đến chợ Cầu Ông Lãnh mua khoai sỉ về cho mẹ luộc bán. Nghĩa ra đời sớm, lăn lộn trong giới chợ trời thuốc tây phụ với chị gái. Nhờ vậy, nó rành các tên thuốc. Trong cặp nó có đủ các loại thuốc bệnh. Luân kể có lần "Dũng lùi" nhức đầu, nó đưa thuốc gì cho Dũng uống. Uống xong, Dũng lừ đừ, dật dựa, ngủ suốt buổi học làm nó một phen hết hồn. Từ đó Nghĩa có biệt danh là "Nghĩa thầy Lang" phân biệt với " Nghĩa hí".
Chàng này chung tình, cưới Thu từ Việt nam rồi đành theo cha qua Mỹ diện HO. Vài năm sau Nghĩa về Việt nam bảo lãnh Thu sang. Tội nghiệp, thời cơn sốt nhà ở San Jose, Nghĩa làm ăn thất bại, mất hết nhà cửa. Hai em bây giờ an phận, công việc làm tạm ổn ở một hãng điện tử, được hai con ngoan, gia đình êm ấm hạnh phúc.
Tôi gặp lại Tấn Dũng biệt danh "Dũng lùi". Ngày xưa Dũng hay biễu diễn cái màn đi thụt lùi trên hành lang mà không bị té. Có lần Dũng không biết có Thầy Sự, hiệu phó đi phía sau, nó tiếp tục ưỡn ngực biểu diễn lùi, lùi mãi đụng phải Thầy chút xíu nữa Thầy té lăn cù. Thế là em này lủi thủi theo Thầy lên văn phòng Ban Giám Hiệu. Dũng còn là em tài hoa, đệm đàn guitar cho các bạn trong những buổi văn nghệ. Trong các bạn, Dũng qua Mỹ muộn nhất theo diện anh em bảo lãnh. Ở Việt nam, chàng là ông chủ nhỏ, có cơ sở lắp ráp dụng cụ điện tử, công việc làm ăn phát triển nhưng vì tương lai hai con, Dũng đành phải...theo con qua Mỹ, tạo dựng sự nghiệp từ đầu. Mới qua, Dũng làm cho công ty của Kiệt. Sau đó, Dũng tìm được việc làm lương cao ở San Francisco nên chuyển lên San Jose, vợ đi làm cùng hai con vẫn ở Little Saigon.
Vợ chồng này giống như vợ chồng Ngâu. Vài tuần. chàng nhớ vợ con lại bay về Santa Ana. Nghe kể cảnh chàng đi làm cũng vất vả lắm. Mỗi sáng, Phong chở Dũng ra bến xe của Cal Trans, Chàng chờ đó để đi mất hai tiếng mới tới hãng. Công việc làm ở nơi xa lạ, nhờ có cặp Phong Thư giúp đỡ nên tạm ổn lúc đầu. Tương lai chưa biết tính sao. Tôi an ủi Dũng; "So far so good". "Trâu chậm uống nước đục". Xứ Mỹ là xứ có nhiều cơ hội. "Vạn sự khởi đầu nan". Năm mươi tuổi đời, còn...trẻ chán con ơi!
Người thứ mười hai có mặt trong buổi họp mặt này là Minh Luân, em học trò ồn ào, sôi động, nghịch phá nhất lớp. Chàng này có óc hài hước, chuyên nghề đặt biệt danh tếu cho các bạn C5 và các thầy cô giáo. Sau này tôi mới biết các thầy cô giáo có biệt danh đều do Luân là tác giả. Thầy Minh dạy Sử nho ûcon có biệt danh là "Minh nhí" phân biệt với thầy "Minh nháy" dạy Hóa có đôi mắt hấp háy. Cô Hoa người Bắc khó tính dạy môn chính trị phát âm "l" thành "n" có biệt danh "Hoa nà-nà". Thầy Lăng dạy sinh vật hay đì học trò có biệt danh là "Lăng quăng"... Hình như học trò thường đặt biệt danh cho các thầy cô nào có...vấn đề với lớp. Thầy cô nào chúng nể, chúng không... dám hoặc chúng thương, chúng không nỡ. Chàng này còn nổi tiếng là em có nhiều sáng kiến... táo bạo làm cho đám con gái C5 nghe xong phải đỏ mặt như các trò "giải phẫu" các bạn nam trong giờ ra chơi, trò "đo chiều dài"... Các bạn kể Luân có biệt danh là "Luân khờ" vì câu nói ngày xưa của tôi "Sao mặt em trông lờ khờ quá vậy?".
Lâu quá tôi không còn nhớ nữa, các em nhắc lại dùm tôi câu chuyện hôm đó tôi xuống bàn cuối để kiểm tra bài cái xóm nhà lá. Cả chục em tôi không chọn ai mà chỉ đúng ngay Luân. Xui cho Luân là không làm bài. Ngồi dựa sát tường, phía sau không có ai, Luân đóng kịch, làm cái mặt ngơ ngơ khờ khờ, còn làm bộ quay đầu nhìn phía sau như cô chỉ.., ai không phải chỉ mình. Tôi nói "Sao mặt em trông lờ khờ quá vậy?". Biệt danh "Luân khờ" chết tên từ đó.

*
Những ngày vui qua mau. Tôi đang xem lại những lời tâm sự của các em trên "face book" về những ngày vui ở San Jose. Tôi hình dung bộ mặt những em học trò cũ của tôi, mỗi em mỗi vẻ "Mai Liên", "Cường óc tiêu", "Nga bà bà", "Hạnh cò","Lan mắt nhung", "Yến khô bò", "Tiểu Thư", " Phong cù là", Kiệt lu", "Dũng lùi", " Tuấn khờ", " Nghĩa thầy lang" mỗi cái tên biểu lộ một tính cách dễ thương riêng của mỗi em, không lẫn lộn em nào với em nào,. Chúng hiện ra như một cuốn phim dài quay chậm trong ký ức, trong đó vang dội âm thanh là tiếng cười, là giọng nói, là những sự kiện sống động xảy ra như mới ngày hôm qua chứ không phải đã trở thành kỷ niệm đã ba mươi năm.
Tình bạn thuở học trò đẹp và bền. Nhờ tình bạn này, các em đã vượt qua mọi khỏang cách, mọi khác biệt để đến với nhau và tôi đã có những giây phút tuyệt vời trong buổi họp mặt năm mươi năm LỚP 12 C5. Tôi muốn chép lại đây câu nói viết trên bình hoa bằng gỗ ở nhà tôi "The warmth of a friend's presence bring joy to our hearts, sunlight to our souls and pleasure to all of life" và lời dịch để tặng tình bạn của các em C5:

Bạn là hơi ấm của lòng tôi
Mang đến niềm vui lẫn nụ cười
Mang ánh nắng vào trong tâm tưởng
Để cuộc đời tôi mãi thắm tươi.
Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
21/12/201416:39:56
Khách
Diệu LAN ơi(PD của tác giả),
Sao mà đẹp lộng lẫy quá vậy, cô gái Hà nội hay Huế đây?
Một bà giáo có một văn phong rất lôi cuốn, cốt chuyện rất đời thường,người đọc học hỏi qua cốt truyện rất nhiều.
Noel năm nay nhớ lại " món quà Giáng sinh cho..."
Chúc tác giả sẽ được giải 2015 để khuyến khích bà giáo,một người viết không biết mệt...!
24/09/201406:47:01
Khách
Mình thì thuộc niên khóa 1979 của trường Nguyễn Thượng Hiền. Suốt mấy chục năm ở Mỹ mình chẳng gặp lại 1 người bạn nào trong lớp, mà nếu có thì chắc cũng chẳng nhớ nổi ai. Cô Annie đã thật là may mắn khi còn có cơ hội trùng phùng với hàng lố học trò sau 30 năm xa cách. Tình thầy trò thật qúy biết bao.
23/09/201419:11:18
Khách
Khó có cơ hội mà hội ngộ sau hơn 30 năm ra trường, gặp nhau Thầy trò đều đã...mòn mõi tuổi đời và tuổi người...Cám ơn bài viết của Cô làm cho đám học trò nhiều hoài niệm

Cựu học sinh Petrus Ký LHP 1982
20/09/201404:41:36
Khách
-Bài viết gợi cho tôi những kỷ niệm vui và đẹp thời trung học.
-Tôi thấy có mình trong đó
-Cám ơn cô giáo về bài viết.
-Cô phải được học trò thương nên không có....nickname
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,954
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa